headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH

 Chân Hiền Tâm

Gần như Phật tử nào cũng biết qua bài Bát nhã tâm kinh. Bát nhã tâm kinh là bài kinh nói về tâm, nhưng không phải là tâm suy nghĩ thường tình của người đời, mà nói về cái tâm “đến bờ kia”. Nó là cái trí có thể soi thấu được cội nguồn của mọi hiện tượng, sự vật v.v… trên thế gian. Bài kinh là ngọn đuốc dẫn đường cho một hành giả tu Phật.

Bát nhã, được người xưa phân làm ba :

                            1. Văn tự Bát nhã
                            2. Quán chiếu Bát nhã
                            3. Thực tướng Bát nhã

I. VĂN TỰ BÁT NHÃ

Bài tâm kinh viết bằng tiếng Phạn hay đã dịch ra tiếng Hán, tiếng Việt … gọi là VĂN TỰ BÁT NHÃ. Thực tướng của Bát nhã thì không ba cũng không một. Nhưng phân ba là do tâm của chúng sinh. Do căn cơ chúng sinh cạn mỏng, chưa thể một bước vào thẳng Quán Chiếu hay Thực Tướng Bát Nhã, nên phải mượn ngôn từ chuyển tải mà thành VĂN TỰ BÁT NHÃ.

Nếu ngày đêm chỉ làm một việc là tụng Bát nhã, không cần hiểu cũng không cần hành, là ta đang ứng dụng Văn Tự Bát Nhã. Tuy chưa hiểu và hành theo những gì kinh nói, việc tụng niệm vẫn mang lại ít nhiều lợi lạc cho mình. Tụng kinh dù là kinh gì, đương nhiên phải là kinh Phật, thì ngoài việc giúp huân tập kinh điển vào tạng thức, đó chính là bước đầu giúp ta qui hướng Phật đạo. Nó có tác dụng giúp tâm an định phần nào. Nhờ vậy, tụng bất cứ kinh gì với tâm thành kính và tập trung, ta đều gặt được sự an lạc trong hiện tại.

Không chỉ tụng mà còn hiểu được ít nhiều bài kinh nói gì, là ta đang vận dụng VĂN TỰ BÁT NHÃ ở mức độ cao hơn. Đó là nhịp cầu giúp ta bước lần từ VĂN TỰ BÁT NHÃ sang QUÁN CHIẾU BÁT NHÃ. Vì thế, chư vị thiện tri thức phải bỏ công dịch hết kinh này đến kinh khác để ta có thể hiểu mà hành. Bởi chỉ khi thực hành đúng những gì kinh đã nói, ta mới nhận được lợi ích thiết thực, không chỉ cho mình mà cả cho người.

Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách. Đó là âm Hán của bài Bát nhã tâm kinh. Người không hiểu thì đọc thuộc lòng bao nhiêu, cũng chỉ thế và chỉ thế mà thôi. Cho nên, phải dịch ra tiếng Việt để hiểu. Hiểu rồi còn thăng tiến lên QUÁN CHIẾU BÁT NHÃ.

Bồ tát Quán Tự Tại, khi hành sâu Bát nhã ba la mật đa, chiếu thấy 5 uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách. Câu kinh không nói đến chúng sanh cũng không nói đến Phật mà nói đến Bồ tát. Là những hữu tình giác đang học và hành theo những gì Phật Tổ đã dạy. Tất cả những ai đang qui hướng Phật đạo, đều gọi là Bồ tát.

Bồ tát nói đây có pháp hiệu là Quán Tự Tại. Tự tại là không bị trói buộc. Không bị trói buộc là do không dính mắc. Không dính mắc là nhờ không bị thói quen và tập khí dẫn chạy. Không nghiện ớt thì có ớt hay không ớt, mọi thứ vẫn tự nhiên. Ta tự tại với ớt. Nhưng một khi đã nghiện ớt thì không có ớt, mọi thứ thành lạt lẽo thiếu thốn. Đó là trạng thái dính mắc, không tự tại.

Ta tập quen với quá nhiều thứ, không chỉ trong hiện đời mà từ vô thủy đến nay, nên khó tự tại với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Nếu chúng đầy đủ thì ta thấy tự tại, nhưng thiếu chúng, mình như con thuyền gặp sóng, lao đao lận đận cô độc chênh vênh. Vì thế, ngũ uẩn thay vì không, đều thành có. Giờ muốn trở lại chỗ ban đầu, phải làm Bồ tát Quán Tự Tại. Muốn làm Bồ tát Quán Tự Tại thì phải tập bỏ dần các thói quen ở thân cũng như tâm.

Tụng Bát nhã tâm kinh, tuy tâm hồn có phơi phới. Nhưng kinh không nói tụng mà nói HÀNH SÂU. Nếu tụng Bát nhã mà thân tâm đều không, là điều kiện để ta vượt qua tất cả khổ ách, thì tụng Bát nhã chính là HÀNH SÂU. Khổ nỗi, muốn thân tâm đều không thì phải “Tâm hành ngôn ngữ đoạn” . Không chỉ ngôn ngữ phải đoạn, mà tâm hành cũng phải đoạn, thân tâm mới thành không. Vì thế, muốn hết khổ thật sự, muốn làm Bồ tát Quán Tự Tại, thì không thể cứ ứng dụng VĂN TỰ BÁT NHÃ mãi, mà phải chuyển qua QUÁN CHIẾU BÁT NHÃ. Phải dụng cho được cái QUÁN CHIẾU BÁT NHÃ đó thì mới có ngày làm Bồ tát Quán Tự Tại chiếu thấy ... Có chiếu thấy 5 uẩn đều không, mới qua được tất cả khổ ách.

II. QUÁN CHIẾU BÁT NHÃ

Xá Lợi Tử! Một lời kêu gọi. Một lời nhắn nhủ. Một lời lay tỉnh. Kêu gọi ai? Nhắn nhủ ai? Lay tỉnh ai? Tất cả Phật tử đang qui hướng Phật đạo. Tất cả những ai có duyên với Bát Nhã tâm kinh. Chỉ một lần lướt qua kinh này, ta đã có phần trong đó.

Xá Lợi Tử! Là hãy lắng nghe, đừng quay lưng như những kẻ vô phần.

Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Cái thân mà các vị đang cho là thật đây, chúng không lìa không. Ngay sắc là không. Ngay không là sắc. Không đợi sắc phải hoại mới nói sắc không.

Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Không phải chỉ có sắc mà bốn thứ còn lại cũng như vậy. Tức, ngũ uẩn chẳng khác không. Không chẳng khác ngũ uẩn. Ngũ uẩn tức là không. Không tức là ngũ uẩn.

Xá Lợi Tử! Lại lần nữa kêu gọi, lần nữa lay tỉnh, lần nữa nhắn nhủ ... Bồ tát của Phật không phải ai cũng hoàn toàn tỉnh thức trong tất cả thời. Vẫn có kẻ nửa đường quên phận, dong ruỗi vui chơi theo nghiệp cũ Ta bà. Vì thế, khi muốn nhấn mạnh điều quan trọng, cần phải lay tỉnh lần nữa.

Tướng không của các pháp, không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không tăng không giảm … Nói “tướng” là thuận theo ngôn từ thế gian mà nói. Bởi đây vẫn là VĂN TỰ BÁT NHÃ. Vì là văn tự nên nó cho phép ta sử dụng ngôn từ phù hợp với ngữ điệu của thế gian để chúng sanh dễ nhận. Cái không mà ta nói đó, không phải bỏ sắc nhập không, không phải bỏ không nhập sắc, không phải là cái không duyên khởi cùng với sắc, mà là cái không “không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch …”. Nó không thuộc nhị biên phân biệt. Nó không phải là cái sanh của phàm phu, cũng không phải là cái diệt của Nhị thừa. Phi tất cả mà tức tất cả. Nó chính là thế tánh của tất cả pháp.

Cho nên, trong cái không đó, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có nhãn giới cho đến ý thức giới. Không có vô minh cũng không có hết vô minh. Cho đến, không có già chết, cũng không có hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không trí cũng không đắc. Vì không có sở đắc, nên Bồ tát y nơi Bát nhã ba la mật đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, ly hẳn tất cả điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn. Vì “không” không thuộc nhị biên phân biệt, nên cái không mà tâm kinh nói đây, không những không có ấm, giới, nhập như hàng Nhị thừa đã chứng nghiệm, mà cũng không luôn pháp Tứ đế hay Thập nhị duyên sanh. Ngay cả cái gọi là trí, là chứng, cũng không. Bởi phần thức ấm sâu sa (là Alaida và Matna) đều không. Đây là mượn ngôn từ để nói về THỰC TƯỚNG BÁT NHÃ như Bát bất của luận Trung Quán, 108 chữ Phi trong kinh Lăng Già. Chứng được chỗ này chính là chứng được cái nhân vô sanh, để có cái quả là niết bàn Phật.

Tánh thể vốn vậy, cái nhân để có cái quả niết bàn đã như vậy, thì QUÁN CHIẾU BÁT NHÃ phải có tác dụng đưa tâm hiện nay của chúng ta thuận dần với cái không đó, để mỗi Xá Lợi Tử có thể “bùng vỡ” và thể nhập. Vì thế QUÁN CHIẾU BÁT NHÃ là dùng trí dụng của chân tâm để thấy và chiếu vào những gì hiện lên trong tâm. Ngài Hám Sơn nó:

Tất cả chúng sanh mê chân tâm mình, một bề chỉ nương vọng tâm làm việc. Nên nay tu tập, lấy việc trừ tưởng làm đầu.

               Vọng tưởng không tánh, vì sao lại trừ?
              Tất cả các tưởng thuộc niệm đều trừ.

Nay mới dụng tâm, cần đề khởi nhất niệm này làm chủ. Do lực quán chiếu của nhất niệm này, chỉ cần thấy được chỗ khởi của vọng tưởng thì nhất niệm này lập tức chiếu phá, chẳng để vọng tưởng tương tục. Ngài Vĩnh Gia nói “Đoạn tâm tương tục” là đây.

Chủ yếu của việc tham thiền là không để mất nhất niệm này. Song một khi vọng tưởng đã diệt, thì nhất niệm này cũng phải bỏ. Vì nhất niệm này chỉ do trừ tưởng mà lập. Tự thể của chân tâm xưa nay ly tướng, đâu thể dung niệm. Vọng tưởng không tánh, nên xưa nay không phải là thứ có sẵn. Vọng tưởng không phải là thứ có sẵn, nếu lập nhất niệm - là cái đối đãi với vọng tưởng - thì nhất niệm này lại là cái gốc trợ cho vọng tưởng phát triển. Nên nhất niệm này cũng phải bỏ. Vì chỗ lập là chân, nên chân vọng đều hết, năng sở cả hai đều quên.

Nhất niệm chẳng lập thì niệm niệm chẳng sanh. Niệm niệm chẳng sanh thì cái sáng thường hằng hiện tiền. Tịch chiếu rực sáng nên niệm niệm chẳng diệt. Đây là yếu chỉ đích thực của việc tham thiền.

Theo đó thì thấy, với những gì hiện lên trong tâm, ta chỉ cần tỉnh giác biết được chúng, là ta đang ứng dụng QUÁN CHIẾU BÁT NHÃ. Quan trọng là ta có tỉnh giác để thấy được vọng tưởng mà chiếu hay không, hay vẫn mãi mê đắm chìm trong những loạn tưởng sanh tử, bỏ mất cái dụng vô bờ của chân tâm.

Hỏi : (Trích từ thắc mắc của một Phật tử)
Vì sao Hán văn không có từ “đắc”, mà đa phần các bậc tôn sư xưa cũng như nay đều dịch “Xa hẳn tất cả điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh niết bàn”. Dịch như vậy có mấy vấn đề cần coi lại :

1. Nếu thật sự viễn ly điên đảo mộng tưởng để được cứu cánh niết bàn thì e rằng chúng ta đang cố vượt qua thế giới ảo này để bước vào thế giới ảo khác, vì kinh luận vẫn nói “Tôi nói Phật đạo như ảo như mộng, tôi nói niết bàn cũng như ảo như mộng … vì ảo mộng và niết bàn không hai” v.v...

2. Nếu viễn ly điên đảo mộng tưởng để được cứu cánh niết bàn rồi, thì câu “Chư Phật ba đời đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề” đâm thừa. Vì được cứu cánh niết bàn rồi, thì đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề chi nữa.

Đáp :

1. Bát nhã nói đây vẫn còn là VĂN TỰ BÁT NHÃ, nên ta phải chấp nhận một số hạn chế nhất định khi nói về chỗ tâm chứng. Nói chứng mà thực là không chứng, nói đắc mà thật là không đắc. Vì thế, một trong 4 pháp dạy người tu Đại thừa là “Y nghĩa bất y ngữ”. Tức khuyên người tu nên hiểu ý, không nên chấp vào văn tự.

Không chấp nhưng khôngvì vậy mà ta có quyền dùng văn tự tự do đến nỗi ý kinh trở thành sai lệch. Vì thế, cần xét coi việc thêm từ “được” hay “đạt đến” như thế, là hợp hay trái ý kinh. Nếu không trái thì không có lỗi để bàn.

Kinh nói “Ly hẳn tất cả điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh niết bàn”. ĐIÊN ĐẢO nói đây, được dùng để chỉ cho cái thấy không bị chi phối bởi nhị biên phân biệt. So với phàm phu, Nhị thừa được cho là bậc thánh giả. Nhưng so với chân lý tối hậu thì cái thấy của chư vị vẫn còn thiên lệch, vẫn bị coi là điên đảo. Vì thế, muốn hiểu đúng câu trên thì phải hiểu : Không chỉ viễn ly tâm thức phàm phu mà còn viễn ly luôn tâm thức “xả sanh tử trụ niết bàn” của hàng Nhị thừa. Tức được niết bàn nói đây, không phải là “Vượt qua thế giới ảo này để bước vào thế giới ảo khác”. Chỉ là xa lìa tâm thức hai bên. Ngay đó chính là niết bàn. Niết bàn này chính là thể tánh vô sanh của vạn pháp. Soi thấu được cái THỂ đó là soi thấu cội nguồn của mọi hiện tượng sự vật ở thế gian, nên nói “Cứu cánh niết bàn”.

Hiểu như vậy, thì thêm một từ “được” hay “đạt đến’ không có gì để bàn. Bởi nó vẫn thuận với những gì tâm kinh muốn nói. Nó chỉ giúp cho chúng sanh dễ hình dung hơn về những gì kinh nói. Dịch sát quá - như bài viết này đã dịch - thì nghĩa lại thành tối. Người đời khó mà hiểu được. Có khi còn hiểu lầm nếu không có phần giải thích bên cạnh. Cho nên, lỗi nếu có, không phải ở chư vị dịch thuật mà là ở người hiểu tâm kinh không đúng, hoặc giảng giải lầm lẫn.

2. Lăng Già Trực Giải của ngài Hàm Thị nói “Phật tánh là nhân, niết bàn là quả”. Vì thế, chứng nghiệm được tánh thể tột cùng, mới chỉ là nhân. Y cái nhân đó, hành Bồ tát đạo, tiêu trừ tập khí, làm lợi ích cho chúng sanh, mới có cái quả là niết bàn Phật. Nói cách khác, chứng được Phật tánh chỉ mới là chứng được cái THỂ, còn TƯỚNG và DỤNG của thể ấy vẫn chưa hiển bày đầy đủ. Quả Phật, chính là lúc TƯỚNG và DỤNG của THỂ ấy được hiển hiện tròn đầy. Vì thế tâm kinh có hai câu rõ rệt :

a. Bồ tát y nơi Bát nhã ba la mật đa, đạt đến cứu cánh niết bàn.

b. Chư Phật ba đời y Bát nhã ba la mật đa mà được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Theo Biệt giáo, “Cứu cánh niết bàn” là cái QUẢ mà chư vị Bồ tát thuộc Tam hiền phải đến. Đạt được cái QUẢ đó là bước vào Thập địa. Đó là cái NHÂN để có cái QUẢ là niết bàn Phật, chính là thế giới Hoa Nghiêm của mười phương chư Phật.

III. THỰC TƯỚNG BÁT NHÃ

Thưc hành QUÁN CHIẾU BÁT NHÃ liên tục, đủ thời tiết nhân duyên ta nhận ra được THỰC TƯỚNG BÁT NHÃ. Chính là nhận ra được cội nguồn của VĂN TỰ BÁT NHÃ cũng như QUÁN CHIẾU BÁT NHÃ. Nói nhận nhưng không có cảnh giới sở nhận cũng không có chủ thể năng nhận. Thực tướng Bát nhã cũng chính là thực tướng của vạn pháp. Đó là chỗ không thể dùng lời nói để diễn tả, không thể dùng thức phân biệt mà thấu được.

Vậy thì … Quán chiếu Bát nhã thôi, Xá Lợi Tử!

[ Quay lại ]