headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/03/2024 - Ngày 21 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Y NGHĨA, KHÔNG Y NGỮ. Y TRÍ KHÔNG Y THỨC

 Chân Hiền Tâm

I. Y NGHĨA, KHÔNG Y NGỮ
Chữ nghĩa ngôn từ là thứ giúp con người chuyển tải ý nghĩ của mình cho người khác. Trong đạo, chúng là thứ Phật Tổ và các vị Thiện tri thức dùng chuyển tải giáo pháp cho chúng sanh. Các thứ ấy gọi là NGỮ. Ý nghĩa mà chư Phật Tổ muốn nói qua những câu đó, gọi là NGHĨA.

Có những lời khi nói lên người khác khó lầm được ý nghĩa của nó. Đó là những câu nói đơn giản như “Tôi uống nước”. Hoặc “Người Phật tử tại gia phải giữ 5 giới”. Nghĩa của nó hiển khá rõ qua câu nói, nên ít người lầm lẫn. Nhưng có những câu, nếu chỉ hiểu theo ngôn từ bề ngoài mà không thấu được ý nghĩa thực của nó thì vấn đề muốn nói sẽ thành sai lệch. Như câu “Quên mất tâm bồ đề mà tu hành các thiện pháp gọi là hành động của ma” chẳng hạn.

Nghĩa của nó là “Các thiện pháp chỉ có ý nghĩa khi nó được thực hành bởi một một người đã phát tâm bồ đề”. Nói cách khác “Mọi thiện pháp đều hồi hướng cho con đường Phật đạo mới không phải là hành động của ma”. Nếu ta hiểu câu nói đó theo từng chữ của nó, thì rõ ràng ngoài người phát tâm bồ đề ra, ai làm thiện cũng đều là ma hết. Song trong kinh, Phật dạy chỉ cần thực hành thiện pháp - như thập thiện chẳng hạn - là sinh được ở cõi trời, đâu phải là ma. Vậy thì có gì sai lệch trong câu phát biểu trên? Sự sai lệch nếu có, là do mình y theo ngữ mà không y theo nghĩa, không phải bản thân câu nói ấy sai.

Từ MA mà kinh nói đây là đối với PHẬT đạo và BỒ TÁT đạo mà nói, không phải đối với Nhân Thiên thừa. Pháp thế gian là pháp nhân duyên, nên dù chỉ một lời nói, cũng không thoát được cái lý ấy. Pháp nhân duyên thì nó chỉ có ý nghĩa trong cái duyên nó đang hiện hình, ngoài những duyên đó ra nó không còn mang ý nghĩa gì nữa. Như câu “Bị tình cảm chi phối thì mọi thứ đều có khuynh hướng vị ngã và chấp thủ : Thứ gì là tôi và của tôi, thứ ấy là chân lý”. Câu “Thứ gì là tôi và của tôi, thứ ấy là chân lý” chỉ có giá trị khi đi kèm với câu kế trên. Nếu ta tách lìa câu đó khỏi câu trên thì ý nghĩa mà tác giả muốn nói trở thành sai lệch. Do pháp hiển tướng không thể lìa duyên của nó như thế, nên muốn hiểu chính xác NGHĨA của nó, mình không nên bỏ qua cái duyên mà câu nói đó xuất hiện. Đầu các bộ kinh, thường có phần duyên khởi là vậy. Là muốn nói do đâu có những lời nói trong bộ kinh ấy. Thấy được nguyên nhân ra đời của bộ kinh cũng chính là thấy được bộ kinh viết cho tầng lớp (căn cơ) nào. Pháp là thuốc để trị bệnh. Bệnh nào dùng thuốc đó. Nhiều việc đáng tiếc xảy ra hiện nay, chỉ vì mình dụng pháp không đúng duyên. Mình dùng pháp mà bỏ qua cái duyên dùng cho căn cơ nào.

Câu “Quên mất tâm bồ đề … “ được lập ra cho những vị đang hướng về Phật đạo. Vì vậy, nó chỉ có ý nghĩa trong cái duyên thành Phật mà thôi. Tính chuyện thành Phật mà không chịu phát tâm Bồ đề, chỉ một mực làm phước thiện rồi nghĩ tương lai đương nhiên thành Phật là việc không thể có. Đây là gieo nhân cỏ mà tính chuyện gặt lúa thơm. Lộn nhân lộn duyên như thế, nên kinh gọi việc làm ấy là ma. Hiểu như vậy, mình sẽ thấy kinh luận không mâu thuẫn nhau.
Một chuyện nhỏ xảy ra trong gia đình khiến tôi thấm thía lời dạy “Y nghĩa, không y ngữ” này rất nhiều.

Lau nhà, thường thì tôi giặt khăn còn thằng bé nhà tôi lau. Nó có bổn phận lau bàn Phật và phòng của nó. Thói quen như thế rồi nên giặt khăn xong tôi chỉ nói “Lau phòng con” hay “Lau bàn Phật” thì thằng bé hiểu là cần lau cái gì. Đương nhiên khăn lau nhà thì không thể đem lau bàn Phật dù nói “Lau bàn Phật”.

Giỗ, có người quen xưa đến thăm. Bà thấy thằng bé là con trai mà lau nhà thì tội quá, dành làm cho bằng được. Người ta nhiệt tình mà mình từ chối thì không đành, nên tôi cũng để bà làm cho vui. Có điều, tôi quên bẵng từ lâu bà không còn là người thân đối với sinh hoạt của gia đình, nên cứ bổn cũ soạn lại. Tôi giặt khăn, bà lau nhà. Lần này cái khăn lau nhà lau sạch ba đức Phật và đi hết một vòng bàn thờ. Không nhiếp tâm phân biệt, khó mà yên lòng với việc tất trắc của mình.

Giáo pháp của đức Phật có thứ hiển rõ ràng được như nhân quả, nhân duyên. Song có thứ không thể lấy ngôn từ mà hiển được ý nghĩa của nó như THỰC TƯỚNG của nhân quả và nhân duyên. Cái không thể hiển bằng tri thức mà phải dùng tri thức để hiển, thành phải mượn chuyện trên trời dưới đất mà nói, cốt để chỉ cái không trên trời cũng không dưới đất. Như những công án hoặc những lời nói qua lại của các vị thiền sư chẳng hạn. Lật cuốn Tự Điển Thiền Tông ra, mình sẽ hiểu cái kiểu mượn lời diễn ý, treo đầu dê bán thịt chó này. Những lời nói thô ở thế gian có khi còn lầm lẫn, huống là những chỗ tu hành thực chứng của chư vị. Không phải là những kẻ quen việc trong nhà như thằng bé con thì khó mà hiểu hết ý nghĩa của những lời nói đó.

Quen việc rồi, nên dù nói “Lau phòng bàn Phật” hay “Lau bàn Phật” hay chỉ nói “Bàn Phật” thì thằng bé cũng hiểu là nói đến việc gì. Nó không thấy có cái gì khác nhau trong 3 câu nói ấy, dù 3 câu ấy hoàn toàn khác nhau. Nếu là người không quen việc mà có chút trí để hiểu “Đang trong cái duyên là lau nhà, khăn lau nhà không thể đem lau bàn Phật” thì hoặc là mình tìm hiểu xem câu nói ấy có ẩn ý gì, hoặc mình suy luận “Vẫn lau nhà mà phần nhà có dính đến hai chữ bàn Phật”. Song vừa không quen việc, vừa không có trí nên lời sao mình cứ theo vậy mà làm. Phật không muốn mình hiểu giáo pháp tối thượng của ngài theo kiểu người không trí như thế, nên dặn “Y nghĩa, không y nghĩa” nghe con.

Suy luận thì còn nói đến trúng trật, chứ quen việc rồi thì không thể nhầm lẫn, nên “Y nghĩa, không y ngữ” còn mang một ý nghĩa nữa : Trực nhận cho được chỗ mà ngôn từ muốn nói đó.

“Giác là tâm thể ly niệm”. Chữ LY NIỆM này có thể là vẫn CÓ NIỆM mà không dính gì đến “mình”. Cũng có thể là KHÔNG NIỆM. Vậy LY NIỆM đây thuộc trường hợp trước hay trường hợp sau? Hay, có niệm và không niệm là hai, LY NIỆM là phải thoát bờ mé nhị biên đó? Rất nhiều thứ để mình thắc mắc, nếu mình không giải quyết nó bằng chính công phu của mình. Vì thế không phải chỉ hiểu trên ngôn từ rằng “Giác là tâm thể ly niệm” mà phải sống thực với cái tâm thể ấy. Phải nhận cho được cái ly niệm ấy là thế nào. Như nói đường ngọt thì phải biết đường ngọt là thế nào bằng chính cái lưỡi của mình, không phải nghe người ta diễn tả hay tự mình suy luận. Đó gọi là NGHĨA.

Trong kinh Lăng Già Tâm Ấn, Phật có nói về phần NGỮ và NGHĨA này. Ngài Hàm Thị bàn “Ngữ là ngôn giáo Tam thừa và Nhất thừa mà Như Lai nói ra. Nghĩa, là đệ nhất nghĩa thánh lạc hành xứ”. Đệ nhất nghĩa là tên khác của Phật tánh hay pháp thân. Đệ nhất nghĩa thì lìa tất cả vọng tưởng ngôn thuyết. Nghĩa là, đức Phật dùng NGỮ để chúng sanh tu hành mà nhập được NGHĨA. Nhờ NGỮ mà vào NGHĨA, chứ NGỮ không phải là NGHĨA. NGHĨA nói đây vừa mang ý nghĩa chỉ cho Đệ nhất nghĩa đế, vừa chỉ cho thứ mà phải trực nhận nó ta mới biết được. Đó là vì Đệ nhất nghĩa đế lìa ngôn thuyết vọng tưởng. Nếu cứ y vào ngôn thuyết vọng tưởng mà hiểu Đệ nhất nghĩa thì nó không còn là Đệ nhất nghĩa nữa. Không còn là Đệ nhất nghĩa thì không phải là Y THEO NGHĨA.

Cho nên, bất cứ những kiến giải nào còn mang hình tướng ngôn từ, dù là những kiến giải do mình tự ngộ, nó vẫn chưa dính gì đến Đệ nhất nghĩa đế.

II. Y TRÍ, KHÔNG Y THỨC

 Kinh nói “Sanh diệt là thức”. Có thể coi đó là một trong các định nghĩa về THỨC. Còn định nghĩa nó rõ ràng, hình dáng nó ra sao, nó nằm ở đâu thì chịu. Chỉ có thể hiểu đại khái là, nói đến THỨC là nói đến sự liễu biệt hay phân biệt, nó có mối liên quan đến đối tượng và chủ thể. Trong sinh hoạt đời thường đây, những suy nghĩ và hành động nào mang khuynh hướng tình cảm thường tình của người đời, là mình đang bị THỨC chi phối. Vì thế, THỨC này thường đi chung với chữ TÌNH và gọi chung là THỨC TÌNH. Bị tình cảm chi phối thì mọi thứ đều có khuynh hướng vị ngã và chấp thủ : Thứ gì là tôi và của tôi, thứ ấy là chân lý.

TRÍ thì không phải THỨC. Vì thế nó mang khuynh hướng vị tha nhiều hơn. Sự việc gì được giải quyết theo TRÍ thì thường là công bằng hơn là giải quyết theo THỨC. Con mình với con người ta đánh nhau. Người bị THỨC chi phối mạnh thì không cần biết lỗi thuộc về ai. Đứa nào đụng đến con mình là mình xơi tái nó trước. Người có trí thì tìm hiểu nguyên nhân, xem lỗi nằm về phía nào rồi mới giải quyết. Người biết Phật pháp thì việc phân thắng bại giữa lũ trẻ không cần thiết. Lép một chút mà giải quyết mọi chuyện êm xuôi là được. Không để việc nhỏ trở thành cái nhân sinh việc lớn sau này giữa hai gia đình.

TRÍ không phải THỨC nhưng lại không khác THỨC, vì chúng cùng một thể mà ra. Như nước và sóng. Nước thì yên lắng, sóng thì dữ dội, nhưng chúng không hề tách lìa nhau, đều cùng một thể ướt. Chỉ là sự chuyển biến từ dạng này sang dạng khác. Do duyên gió mà nước biến thành sóng to. BÁT PHONG thổi mà lòng mình không động thì THỨC chính là TRÍ. Bát phong thổi mà mình động thì TRÍ liền thành THỨC. Thấy người ta để vàng trong tủ mà tâm chộn rộn muốn lấy, đó là THỨC. Thấy thì thấy mà không quan tâm, đó là TRÍ. Nhờ cái không khác này mà chúng sanh tu mới thành Phật. Như con ngài hóa thành bướm bướm. Nếu khác như bò với bướm thì làm cách gì cũng không thể biến bò thành bướm được.

TRÍ và THỨC đều từ một tâm, chỉ khác nhau ở chỗ động hay không động như thế, nên kinh nói “Sanh diệt là thức, không sanh diệt là trí”. Động mới có sanh diệt. Không động thì không có sanh diệt. Lấy thẳng tâm ra để kiểm nghiệm thì sẽ hiểu vấn đề sanh diệt này : Đối cảnh mà dính với nó rồi, thế nào tâm cũng hoặc là ưa, hoặc là ghét, hoặc là thích thú, hoặc là vừa lòng, hoặc khởi nghĩ lung tung. Từ chỗ đang bình thường, bỗng thành những cảm giác như vui, buồn, thích thú hay khởi nghĩ lung tung gọi là SANH. Không ai vui hay buồn hoài cũng có lúc bình thường trở lại. Khi cái vui cái buồn ấy hết gọi là DIỆT. Còn đối cảnh mà trước sau cũng như nhau thì không có sanh cũng không có diệt. Nói sơ để mình tạm hiểu về hai từ sanh diệt. Cái sanh diệt này có thô và tế. Người tu phải hành thâm mới thấy được cái sanh diệt vi tế của tâm mình.

Kinh Lăng Già phân TRÍ thành 3 loại :

1. Trí thế gian : Như loại trí giải quyết vấn đề trên chẳng hạn. Thứ gì được dựa trên LÝ để giải quyết hợp tình thì thuộc về trí này. Nó mang tính cách đời thường nhiều, chưa dính gì đến việc tu tập xuất thế, nên gọi là trí thế gian. Trí của ngoại đạo, kinh cũng xếp vào loại trí này.

2. Trí xuất thế gian : Chỉ cho trí của Thanh văn và Duyên giác. Trí này đã mang màu sắc thoát tục nên gọi là trí xuất thế. Thấy đời khổ, không, vô thường, vô ngã là cái thấy bắt nguồn từ loại trí này. Hoặc thấy các pháp đều do duyên sanh nên vô ngã, cũng là cái thấy bắt nguồn từ trí này. Song trí này, kinh Niết Bàn vẫn gọi nó là THỨC chứ không phải TRÍ. Vì sao? Vì nó còn sự phân biệt. Phân biệt nói đây không phải là phân biệt đi kiền với yêu ghét của thế nhân, mà là sự phân biệt giữa thế gian với niết bàn. Đó là vì trí này chưa nhận ra được thực tướng của thế gian và niết bàn, nên thấy sanh tử khác niết bàn. Vì thế kinh gọi nó là THỨC nhưng không phải là THỨC TÌNH.

3. Trí xuất thế gian thượng thượng : Chỉ cho trí của các vị Bồ tát đăng địa có từng phần và toàn phần ở Phật. Trí này chính là VÔ SƯ TRÍ trong mỗi người chúng ta. Kinh Niết bàn nói “Trí tức là Như Lai. Nếu có hàng Thanh văn chẳng khéo rõ biết công đức của Như Lai, đó là thức, không nên y theo. Nếu rõ biết Như Lai chính là pháp thân, đó là chân trí, nên phải y theo”.

Căn cứ theo đây thì thấy, nhìn hình tướng Phật mà cho đó là Phật, rồi hướng ra ngoài cầu tìm là mình đang bị THỨC điều khiển chứ không phải là cái nhìn của người có trí tuệ. Người có trí tuệ cần phải phản quan tìm lại ông Phật trong chính mình.

Tóm lại, người để tình cảm chi phối nhiều, cách xử sự thường nông nỗi hơn là người có lý trí. Nhìn những việc xảy ra trong xã hội ngày nay thì rõ. Chẳng qua vì những cái của tôi và không phải của tôi mà tranh dành, cướp bóc, thù hận … xảy ra. Thế giới không khi nào an bình khi người của thế giới đó sống với THỨC TÌNH nhiều hơn với TRÍ.

Trong đạo, nếu y theo THỨC thì việc tu hành của mình không tới đâu. Tu là để hết khổ, để tâm cảnh không đến với nhau, mà mình cứ để THỨC làm chủ hoài thì không thể hết khổ, không biết bao giờ tâm với cảnh mới không đến nhau. Tâm không lặng thì khó mà nhận ra được thực tướng rốt ráo của tâm và cảnh. Vì thế Phật dạy “Y trí, không y thức”.
 

[ Quay lại ]