headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LỜI DẠY CỦA ĐẠI SƯ HÁM SƠN

 (Trích Mộng Du Tập)                        Sư cô Hạnh Huệ dịch

Đức Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời. Một đại sự, chính là TRI KIẾN PHẬT của chúng sanh. Vì chúng sanh vốn đủ tri kiến Phật mà nay do mê, trở thành tri kiến vọng tưởng sanh tử.

Nhiều kiếp đến nay mê đi mà chẳng biết. Ví như gã cùng tử ôm hạt châu, làm ăn mày uổng chịu cực khổ. Vì Phật hưng đồng thể đại bi, đặc biệt ra đời để khai thị cho chúng sanh, biết mình có tri kiến Phật sẵn có, khiến được ngộ nhập. Ví như chỉ cho đồng tử hạt châu nằm trong chéo áo, khiến y biết được lấy dùng.

Tri kiến Phật chính là nhất tâm mà kinh Lăng Già đã thuyết, gọi là tự giác thánh trí. Phật một bề không dám nói liền. Vì quán chúng chúng sanh căn cơ ám độn, không thể kham nhận pháp này, nên Phật lặng thinh, không lo nói điều cốt yếu. Cho đến 40 năm sau, dùng nhiều cách đào thải, căn cơ dần dần thuần thục, việc hóa duyên sắp xong, Ngài mới thuyết kinh Lăng Già, dạy pháp môn nhất tâm để hiển LÝ cứu cánh. Sau đó thuyết kinh Pháp Hoa để hiển SỰ cứu cánh. Đây là thứ lớp Phật thuyết pháp. Do sự lý rốt ráo mới hết được cực tắc nhất tâm. Vì vậy hàng Nhị thừa đến lúc này mới tin tâm Phật quyết định, không còn nghi. Cũng ngộ được Phật tánh sẳn có của mỗi người, chắc chắn chẳng mất, ví như cùng tử lâu nay bỏ trốn qua nước khác, nay mới trở về gặp cha. Cũng tin gia nghiệp của cha đều là của mình. Thân tâm đều tin nhận, có thể kham nổi nghiệp nhà, nên được trưởng giả giao phó tài sản cho.

Người ta thường nói, một kinh Pháp Hoa này như ông trưởng giả viết thư giao phó việc nhà, chính là bản hoài cứu cánh của Phật lúc lợi sinh. Vì thế Phật bảo các đệ tử, thọ ký cho từng người, tương lai nhất định thành Phật. Lại nói “Phàm cứ có người nghe pháp, tất cả đều thành Phật”. Một đại sự nhân duyên này của Phật đã xong, gọi chung là GIÁO. Chẳng bao lâu ngài nhập niết bàn. Một thời Pháp Hoa bản hoài xuất thế lợi sanh đã tận. Đến kinh Niết Bàn thì hiển nghĩa Phật tánh. Để thâu những cơ chưa hết của Pháp Hoa. Cũng là phá cái nghi chưa hết của những đệ tử trước. Vì Phật thuyết pháp ai đến nghe cũng đều thành Phật. Đây là ngài sợ đệ tử trước đã nghe người xiển đề không có lòng tin, không cho thành Phật, sẽ sinh nghi. Vì thế, Phật thuyết kinh này, bảo Xiển Đề cũng có Phật tánh. Mượn hình ảnh đổ tể Quản Ngạch buông đao đồ tể liền thành Phật. Đến đây tin chắc, phàm người có biết cuối cùng sẽ thành Phật. Quyết định không nghi. Như thế, mới hết ý nghĩa một phen xuất thế của Như Lai. Công việc giáo hóa lợi ích chúng sanh đến đây đã xong. Nên bây giờ nhập niết bàn.

Như trên đã nói, Phật ra đời, thủy chung là để hóa độ chúng sanh. Pháp môn thứ tự tu nhân. Tuy quán chúng sanh sẵn có Phật tánh, ai ai cũng đầy đủ, không ai không mong thành Phật. Nhưng vì chướng phiền não dày, căn nghiệp tội sâu, Phật chẳng kham dạy ngay đại pháp. Nên ngài đem pháp Nhất thừa phân biệt nói thành ba. Đây là lý do thiết lập Nhất thừa và Tam thừa. Vì thế, trước kinh Lăng Già là quyền giáo tam thừa. Còn Pháp Hoa Lăng Già là thật giáo Nhất thừa. Nên các nhà Thiên Thai phán định đó là giáo khai quyền hiển thật. Như thế thì biết 40 năm đầu, Phật thuyết quyền giáo vì căn cơ chẳng đồng vậy.

Trên đã nói đốn tiệm chẳng phải một để thông suốt giáo nghĩa. Kinh Lăng Già chỉ thẳng nhất tâm là Như Lai Thanh Tịnh thiền, thì giáo há không phải thiền tông sao?

Đến như Thế Tôn tự nói ‘Ta suốt 40 năm không hề nói một chữ”. Rồi cuối cùng đưa cành hoa lên dạy chúng. Cả trăm vạn người đều mờ mịt không hiểu. Chỉ có mình Ca Diếp mĩm cười. Thế Tôn bèn nói “Ta có chánh pháp niết bàn diệu tâm nay giao cho ông”. Đó là ý chỉ truyền riêng ngoài giáo. Từ đây truyền đến Anan, cho đến 28 tổ phương Tây, 6 tổ Đông độ. Đạt Ma từ Ấn sang được coi là thiền tông “Chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” gọi là pháp môn truyền riêng. Nên từ Tào Khê về sau, 2 phái 5 tông, truyền đăng ghi 1700 người, đều là bậc đại sĩ ngộ tâm. Hễ có ngôn cú gọi là công án. Vì thiền vốn ly ngôn. Chỉ để lại một lời, nửa câu làm chứng cứ ấn tâm. Như văn thư ở cung đình tại thế gian. Chẳng phải muốn người cho đây là pháp thực. Đem miệng tai mà truyền bá, cho là tri kiến huyền diệu của chính mình.

Sự nghiệp của Phật đã nói xong một Đại tạng giáo, đến như pháp môn nhất tâm không đầy đủ sao mà phải đưa cành hoa lên để làm tâm yếu? Đó là vì ý chỉ nhất tâm lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên. Vì từ trước người nghe tuy ngộ bản tâm nhưng chưa thể lìa tướng nên cuối cùng mượn cành hoa đưa lên để trừ dẹp tập khí chấp ngôn thuyết. Tức trị bệnh chấp danh ngôn, lấy đây làm cây gậy vàng. Người đời nay không biết ý chỉ giáo thiền một tâm, là phương tiện hóa độ chúng sinh của Phật, mỗi người vọng chấp một mối cho là đúng, nên chấp giáo không phải thiền, chấp thiền không phải giáo. Người chấp giáo không phải thiền, dĩ nhiên đã lầm mà người chấp thiền không phải giáo cũng lầm quá xa. Vì người chấp thiền là chấp cái ngu của mình, vọng nhận cái thấy của mình đó là tự lầm. Lại phỉ báng kinh Đại thừa liễu nghĩa cho là văn tự, đến nỗi cứu cánh chẳng thành, thật là người đáng thương.

Tôi xem thời mạt pháp này, các nơi giảng đã ít, không có bậc tông tượng cho nên người ít tuổi lanh lợi, không có nghe nhiều, không trí huệ. Dù có người có chí hướng thượng, lại không có chí quyết định lâu bền. Vì không có bậc tri thức sáng mắt. Chỉ có theo lời lừa dối đến nỗi lạc lầm rất nhiều.Đây thật là đáng vì họ mà rơi lệ.

Rồi lại có tăng đồ , tự cho mình ngộ đạo, làm mê lầm kẻ ngu phu thế tục, tham cầu sự cúng dường. Có ai qui y thì liền khai thị tham thiền, làm một đường hướng thượng. Có ai tin mình, dù họ thoại đầu chưa thuần thục, vọng tưởng tung hoành như nước sôi, cũng ấn chứng cho. Cho là có chỗ ngộ nhập. Đến nỗi rơi vào tà kiến. Tai hại quá nhiều như thế. Không thể không biết sợ hãi mà tự răng mình.

Theo ngu kiến của tôi, thì không phải không cần tham thiền. Chỉ nói là tham thiền không được chân thật. Lại không có chí quyết định sâu xa. Vọng tự cho là ngộ, làm lầm người rất nhiều. Theo ngu ý của tôi, nếu như xem kinh giáo mà chẳng thể tham thiền, tham thiền mà không quyết định thì đều không bằng chuyên tâm tu tịnh nghiệp. Không để qua suông một đời. Người trí có thể tự xem. Xin mọi người tự suy nghĩ, may ra không tự dối mình.

Trộm xem các bậc đại sĩ phu và tể quan xưa tham thiền liễu ngộ chẳng phải ít. Trong Truyền Đăng có ghi không phải là một người. Trong hàng tể quan đời nay, người có chí ngoại hộ pháp môn, phần đông lấy tham thiền làm đường hướng thượng. Đây không phải là người bình thường. Chắc chắc đã có nói đến. Bởi xưa, có bậc theo pháp môn tham thiền, mà chưa được đại ngộ đại triệt, rồi phát nguyện hộ trì Phật pháp. Cũng có các Tổ sư có nguyện lực lớn độ sanh và các Bồ tát thị hiện cứu thế. Cũng có người khi xưa làm tăng mà tham cứu chưa thấu triệt, do tập khí dẫn dắt, nên nay ra đời, tuy ở trong trần lao tục đế , mà chỗ học tập ngày xưa, chủng tử Bát nhã một niệm quang minh thấu lộ, chẳng thể ém đi. Nên phát ra sự nghiệp văn chương công danh, để làm người ngoại hộ.

Pháp môn có các phương tiện, tác dụng không đồng mà hạnh môn không phải chỉ một thứ. Có người chuyên hướng thượng. Có người chuyên công hạnh. Các Tổ sư cũng kiến lập Tam bảo, chứng nguyện hộ pháp. Có người chỉ lo sanh tử của chính mình. Có người cốt làm người trung hiếu. Các thứ hạnh đều là Bồ tát đạo. Chẳng nên chỉ đem một hạnh môn trong Tăng đoàn mà nhìn thì chỉ là người trong hàng ngũ Tăng đoàn mà không biết hai tông giáo thiền. Cũng có người khổ hạnh đầu đà. Cũng có người chuyên tu tịnh nghiệp. Cũng có người chân thật theo hạnh môn. Cũng có người tùy duyên làm Phật sự để trợ dương giáo môn. Cũng có người trì tụng viết chép kinh điển để cầu hạnh môn. Tất cả đều ở trong ánh bạch hào của Phật. Các thứ nhân duyên vì cầu Phật đạo cũng không thể đem vơ cả nắm. Nên trong hàng tể quan, phàm người có thâm tâm hộ pháp, chỉ giữ một hạnh của Tăng là được. Cũng chẳng cần quyết định ai ai cũng tham thiền mới là chánh hạnh. Vì tham thiền tuy hay, kỳ thực chẳng phải người tiểu căn có thể hành được.

Lúc Phật ở đời, trời người có cả trăm vạn mà chỉ có mình Ca Diếp. Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ sang chỉ được Nhị Tổ. Nơi Hoàng Mai, hơn 700 người chỉ một mình Lục Tổ được ấn tâm. Há phải việc nhỏ sao? Nếu người trong Tăng chúng thì chỉ có một hạnh, có thể là việc chính của pháp môn, có thể giáo hóa chúng sanh là Bồ tát. Nên nói “Các thứ hạnh đều là Bồ tát đạo”. Nếu có thể giữ một việc, đã vượt khỏi bọn cơm cháo bình thường bỏ trôi thời gian gấp vạn lần rồi. Nghĩa là trong cái dỡ giữ cái hay thì không phải bỏ đi. Không cái hay giữ cái dỡ thì không phải người toàn vẹn. Từ xưa, cả thế và xuất thế gian người toàn vẹn rất khó được.

Như trên, tôi đã dài dòng nói về thứ lớp nghi thức của Phật dùng hóa độ chúng sanh. Phật há không muốn người chóng ngộ tự tâm ngay đó thành Phật? Nhưng chỉ vì chúng sanh căn độn, chẳng thể không dùng quyền tạm để tiếp dẫn.

Cổ nhân nói “Tăng đó chẳng thể liễu ngộ tự tâm, mà lưu tâm ở giáo pháp thì cũng không bỏ phí thời giờ”. Tôi thì bảo, Tăng đồ bây giờ dù chẳng thể tham thiền xem kinh, nhưng nếu có thể năng trì giới, tụng kinh, làm phước, hộ pháp thì vẫn hơn bọn ma tầm thường vạn vạn lần. Còn trong hàng cư sĩ, nếu người hay trì trai niệm Phật, trợ lực hoằng dương Tam bảo, đều là hạnh chân thật. Đó là chỗ mong mõi của chư Phật. Xin các bậc đại sĩ cao minh khắp nơi nên tự tin điều này. Cẩn thận chớ cho những lời của tôi là hư vọng.

[ Quay lại ]