headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ẤM THỨ NĂM

 (Trích Pháp Nhãn Ngữ Lục)

Sư cô Hạnh Huệ dịch

THỨC ẤM, là nền tảng của 4 ấm kia : Sắc, thọ, tưởng và hành ấm. Thức ấm đưa đến tam giới và lục đạo, sinh tạo mọi sự vật từ thân người đến những hiện tượng vũ trụ, trời đất, không gian. Tức thức ấm là nguyên khởi của mê lầm. Cho dù thức là bản tâm trong tổng thể và không có sự khác biệt giữa hai thứ. Người ta gọi là thức vì các phiền não do vô minh gây ra. Nếu không có phiền não do vô minh, thì gọi đó là bản tâm.

Thiền sư Khuê Phong đã nói “Thức như hư huyễn và mộng mị. Chỉ nguyên tâm là thực có. Khi ta nói đến thức tức có huyễn hóa, ví như một nhà ảo thuật từ một cây gậy tạo ra nào chim, nào thú. Tuy rằng cây gậy in tuồng biến thành những con thú bay nhảy, cây gậy vẫn là cây gậy, không phải là chim , cũng không phải là thú. Chính khả năng của ảo thuật cho ta thấy như là có biến hóa, nhưng thật sự không có gì biến đổi. Như thế, cho dù thức, vì khả năng ảo hóa của vô minh, cho thấy bản tâm như bị biến thể, tự tánh của bản tâm vẫn bất biến.

Thức, giống như trạng thái của một người còn ngủ mê. Nếu người này không ngủ mê thì sẽ không chiêm bao. Trong giấc ngủ, người ấy nằm mơ đủ kiểu và xem là thực mọi thứ không có. Thức này cũng vậy. Nếu thức này là bản tâm từ vô thủy và không ngủ mê bởi vô minh, thì chẳng có sự phân biệt giữa ba cõi, chẳng có lục đạo, địa ngục, cõi trời, chẳng có thế gian ta đang sống. Nếu thế thì cực lạc đối nghịch với cái gì? 

từ vô thủy chẳng có sinh tử, ta không thể nói đến niết bàn. Vì phiền não cũng chẳng có từ vô thủy, thì không cần phải tìm kiếm giác ngộ. Nếu từ vô thủy không có chúng sanh thì không cần phải trở thành Phật. Nếu tâm không mê lầm thì bây giờ giác ngộ nào cần phải đạt đến? Tất cả đều là như thế. Tự tánh của bản tâm thật vi diệu và khó nghĩ bàn! Ta gọi tên bằng cách nhấn mạnh đến tính chất của nó : BẢN ĐỊA hay BẢN LAI DIỆN MỤC.

Khi giấc ngủ vô minh che phủ Bản Lai Diện Mục ta nói có vô minh từ vô thủy (vô minh câu sanh). Đây là khởi thủy của mê lầm. Khi giấc ngủ của vô minh còn thống trị, ta chiêm bao đủ mọi kiểu. Trước tiên ta tưởng có hư không. Đây chính là bắt đầu chiêm bao. Chính trong nghĩa đó mà kinh Lăng Nghiêm nói : Do vô minh mà có hư không hoặc vô minh không rời hư không (Do mê vọng mà có hư không Nương hư không lập thành thế giới). Vì ta tưởng rằng có hư không, ta tin rằng có trời đất trong hư không, tin rằng có mọi vật trong trời đất, có loài người trong mọi vật, có ta và có người trong nhân loại, rồi có chim, thú, trăng, hoa. Sao cho mỗi người có đối tượng (vật) để ghét, để thương, để như ý và bất như ý. Mỗi người, vì có cái để mong cầu hay nuối tiếc, nên chiêm bao đủ thứ phiền não đắm trước, nhiều đến 84.000. Vì phiền não đắm trước mà  người ta giết nhân hại mạng, trộm cắp, tà dâm, nói dối và phạm đủ thứ ác hạnh. Những ác hạnh này đều là sai trái do đắm trước tạo ra. Nếu ta phạm ác hạnh, ta sẽ đọa vào một trong ba đường dữ : địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh. Ta sẽ bị lửa thiêu đốt dữ dội trong vô số kiếp, hoặc xương ta bị lạnh cứng trong địa ngục Sen Hồng (1). Chưa k  còn bị dày vò đau đớn khôn cùng trong kiếp ngạ quỹ, trải qua nhiều a tăng kỳ kiếp, cả tên của món ăn thức uống cũng không được nghe đến. Khi gặp được nước, ta cố uống, nước sẽ biến thành lửa và ta sẽ đau đớn kinh khủng như thể cổ họng bị nung đốt. Tất cả sự đau khổ này là hình bóng từ chiêm bao trong giấc ngủ vô minh hiện ra.

Trong khi đó, nếu có người không làm việc ác, giữ 5 giới và tu thập thiện, người đó thoát khỏi ba đường ác, sẽ được tái sanh làm người hay trời. Đời sau tái sanh sẽ  được sung sướng và hưởng thọ lạc thú, ít hay nhiều tùy theo giá trị những việc làm tốt trong đời này. Tuy nhiên, những lạc thú này nằm trong ba cõi và ở trong chiêm bao của giấc ngủ vô minh. Vì thế, dù là vui sướng cũng không phải là lạc thú thực. Mặc dù trong thâm cùng là đau khổ, chỉ  vì  mê  lầm, ta vẫn xem những lạc thú này là thực. Lý do mạnh nhất là bởi có 8 cái khổ đối với con người và 5 tướng suy nơi chư thiên. Do đó, đau khổ không hết.

Rõ  ràng, không còn lý do gì để mong muốn kéo dài đời sống trong cõi đất này, ngược lại cần phải buông bỏ thật nhanh.

Người nào nắm được lẽ thực này, biết rằng “Lạc thú ở cõi người và trời dù có cái vỏ ngoài chăng na, vẫn thuộc vào vòng lục đạo. Đó là những lạc thú hữu vi và vô thường. Đó là những lạc thú giả tạm nằm trong giấc chiêm bao vô minh”, ngưi đó khơi dậy niềm tin với Đạo và thực hành tọa thiền. Ba trạng thái thiện, ác và bất định sẽ hiện ra trong tâm. Thiện là những tư tưởng tốt lành. Ác là những tư tưởng xấu xa. Bất định là không thiện không ác. Đó  là trạng thái vô ký của tâm thức. Ba loại tư tưởng này không ngừng hiện lên trong tâm. Khi thì ta không nghĩ ác mà nghĩ thiện. Khi thì ta không nghĩ thiện mà nghĩ ác. Khi không có tư tưởng thiện cũng không có tư tưởng ác xâm chiếm tâm thức. Trong một khoảnh khắc, tâm thức vắng bóng và nằm trong trạng thái vô cảm. Những tư tưởng ác là hạt giống của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Những tư tưởng thiện là hạt giống của cõi người và trời. Vô ký  là trạng thái của người điên và kẻ ngu, không phân biệt được điều ác việc thiện.

Người tu không ưa thích tọa thiền sẽ bị tán loạn bởi niệm thiện, niệm ác và vô ký. Khi ý chí ta càng kiên định, không để ý đến những tư tưởng dấy khởi và ta thực hành tọa thiền với hết cả tâm trí không phiền não, thì những trợ duyên cho việc tọa thiền tăng dần. Đôi lúc, không còn dấy niệm thiện hoặc ác, cũng không ở trạng thái vô ký, tâm của ta sáng như một tấm gương sạch, hoặc trong như mặt nước. Tâm thái này kéo dài trong chốc lát. Đây là dấu hiệu mong manh như giọt sương cho biết tâm đã sẵn sang nhập định. Nếu bạn đã chứng nghiệm được như thế, bạn càng phải thực hành tọa thiền nhiều nữa. Nếu bạn tọa thiền miên mật, tâm của bạn lúc đầu được thanh lọc chút ít từ từ thanh lọc lâu hơn và tiến đến thanh tịnh suốt một phần ba hoặc hai phần ba thời gian tọa thiền. Cũng có thể tâm được thanh tịnh từ đầu đến cuối thời tọa thiền, không một niệm tốt hoặc xấu dấy khởi, cũng không rơi vào trạng thái vô ký, tâm vẫn thanh tịnh như bầu trời mùa thu, trong sáng như tấm gương trên đài sạch bóng. Lúc đó tâm bạn rỗng rang của hư không và bạn cảm thấy như cả pháp giới hiện hữu trong lòng, như có một cái gì thanh lương khó nghĩ đang ngự trị bên trong. Hơn phân na con đường hành thiện đã hoàn tất. Nhà thiền thường nói đây là “Trở về một, trạng thái nhất sắc sanh từ sự đại không còn, hay cõi giới của Phổ Hiền.

Tuy nhiên khi trạng thái này tiếp tục một thời gian, hành giả  tưởng rằng mình đã đạt được giác ngộ và thấy mình ngang hàng với Thích Ca Mâu Ni hay Bồ Đề Đạt Ma là một lầm lẫn lớn. Đến đ ưc ngôi vị này là thể hội uẩn thứ năm. Đây là  điều mà kinh Lăng Nghiêm bảo “Hội nhập cái tịch lặng, tức là đến bờ mé của thức”. Khi thực hành tọa thiền một cách kiên trì, hành giả tự thấy mình ở ngôi vị này, tưởng rằng mình đạt được giác ngộ tương đương với sự giác ngộ của Lâm Tế và của Đức Sơn, và rêu rao lớn lối là đã ngộ được Bản lai diện mục, đã đạt đến Tự Bản Địa. Hành giả sẽ xử sự như một bậc thầy về thiền, hay ấn chứng cho người khác để họ rao giảng thiền, hay đánh đập đệ tử bằng gậy hoặc la hét. Nhưng những người như thế vẫn chưa thấu triệt sự chứng nghiệm nội tại của đức Phật và chu Tổ và họ cũng chưa nhận ra căn bổn của tâm thể nhất như.

Chưa đạt đến ngôi vị đó, có người mới hiểu được giáo pháp ít nhiều lại tưởng mình đã  đạt ngộ. Có kẻ lại tưởng cái rỗng rang trùm khắp là giác ngộ. Có người cho giác ngộ là nơi người nào chớp mắt, mở miệng , đưa tay, nhấc chân v.v... Những người đó  còn cách rất xa tâm của Phật và chư Tổ. Người mà bị thức làm cho mê lầm, tưởng mình giác ngộ, rất khác với những người đã có những hiểu biết (giáo lý) dù là nông cạn. Người đó dù cho sự hành trì đã làm cho họ tiến bộ đến mức độ này, vì đã tiệm cận được với Đạo, nhưng lại không biết vượt qua thức, bị thức làm cho mê lầm, cho thức là bản tâm. Nguyên do là sự hành trì của người đó chưa đủ. Kinh Lăng Nghiêm nói “Chỗ mà mọi phân biệt đã dứt, như thế không có vật, cũng không có cái không. Phái Gozari mù quáng, tưởng đạt được sự giác ngộ thần bí, nhưng họ t rời xa duyên khởi của các pháp, và đánh mất ngay cả cốt tủy của trí tuệ” Kinh cũng nói “Ngay khi ta giữ được nội tâm tịch tĩnh bằng cách diệt trừ sắc và thọ, ở đây vẫn còn lưu bóng sự phân biệt do pháp trần gây ra”.

Một cổ đức giải thích như sau “Rất nhiều bậc hiền giả cuối cùng tự chôn mình khi duy trì cái không tịch này. Theo ý tôi, chính trong cái trầm không trệ tịch mà Nho sĩ đời Tống đã kẹt vào tình trạng không còn khởi mừng, giận, buồn, vui. Chính Lão Tử nhấn mạnh đến sự duy trì cái không tịch này để đạt đến chỗ thâm cùng của cái không và để nhìn thấy cái tịch lặng. Trạng thái định mà bậc A La Hán và Bích Chi Phật đạt và cả quả vị giác ngộ của các Ngài, ngay cả các Ngài, cũng chỉ do sự trầm không trệ tịch, và chỉ do như thế mà thôi”.

Đức Phật và Chư Tổ Thiền Tông cũng đã nói như thế khi chỉ rõ sự vắng bặt tư duy và niệm tưởng sau khi đã buông bỏ sự phân biệt do thọ tạo tác. Trạng thái vô niệm, thanh tịnh như bầu trời quang đãng, chính là thức thứ tám của chúng sinh. Thức này chính là nguyên nhân đưa đến luân hồi trong tam giới lục đạo. Do thức này mà chúng sinh đã tưởng ra trời đất và hư không, trong đó có loài hữu tình và vô tình, giống như trong chiêm bao ta thấy những giấc mơ khác nhau. Chính trong nghĩa ấy mà đức Phật bảo Tam giới duy tâm. Và cũng trong nghĩa ấy mà Ngài nói thức thứ tám làm duyên cho tiền ngũ thức, cho hạt giống và tập hợp thế gian. Kinh Lăng Nghiêm nói “A Lại Da thức là một thức vi tế và tạo ra tập khí chảy mạnh như dòng thác. Ta không bao giờ giải thích việc này vì sợ ngu phu lầm lẫn giữa chơn và vọng”. (Đà Na vi tế thức Tập khí thành bộc lưu Chơn phi chơn khủng mê Ngã thường bất khai diễn).

Một cổ đức có bình rằng “Nếu Đức Phật xác định trạng thái trên là CHƠN, phàm phu sẽ không cố gắng tiếp tục tiến tu nữa, và sẽ rơi vào ngã mạn. Nếu đức Phật xác định đó là VỌNG, phàm phu sẽ tự chán nản và tưởng rằng mọi sự sẽ chấm dứt sau khi diệt tận. Do đó đức Phật không bao giờ giải thích cho phàm phu và hàng Nhị Thừa. Mặc dù thức này gần giống như bổn tâm, nhưng không phải là bổn tâm. Do đó đức Phật đã không hời hợt đi giải thích cho kẻ ngu. Lý do là nếu đức Phật tuyên bố thức này là CHƠN, kẻ ngu sẽ dừng ngang đó và tự cho là viên mãn, sẽ không cố gắng tiếp tục tiến tu. Nếu đức Phật tuyên bố đó là VỌNG, kẻ ngu sẽ cho tất cả đều không và bổn tâm không có. Như vậy người đó sẽ tưởng là mọi sự chấm dứt sau khi diệt tận và người đó sẽ không hội được bổn tâm. Vì thế ngôi vị này rất quan trọng và đức Phật không giải thích một cách hời hợt.

Mặc dù thức này hoàn toàn là bản tâm, ta không thể gọi là bổn tâm vì giấc ngủ vô minh còn trùm lên đó. Nhưng chưa thể gọi là bổn tâm, thức này không hẳn là mê lầm, vì mọi vọng tưởng đã được dẹp tan ở ngôi vị này.

Khi hành giả đạt đến ngôi vị này, cần phải tiếp tục hành trì mãnh liệt hơn nữa. Đã có dấu hiệu về sự xuất hiện sắp tới của thực giác ngộ. Ta có thể nói đây là thời điểm đêm tàn, nhưng mặt trời chưa mọc. Dù cho bóng đêm đã tan biến, hành giả vẫn chưa biết bóng đêm tan biến ra sao, cũng chưa biết cả thế giới sắp sáng như thế nào. Nếu hành giả thôi không tu tập nữa vì cho rằng sự sáng tỏ của bóng đêm là đến cứu cánh thì sẽ không nhận thấy mặt trời. Nếu hành giả thôi không tu tập tiếp vì cho rằng sự sáng tỏ của bóng tối vọng tưởng và sự thanh tịnh của tâm là thực giác ngộ, sẽ không nhận thấy mặt trời trí huệ. Nên hiểu rằng tâm thái này chưa phải là thực giác ngộ, dù bóng tối của vọng tưởng đã tan biến. Không dừng nghỉ ở ngôi vị này, không thỏa mãn ngôi vị này, không chờ đợi giác Ngộ đến, vẫn duy trì trạng thái vô niệm, hãy tiếp tục hành trì với tất cả sức lực. Lúc đó, bỗng chốc, thực giác ngộ xuất hiện và soi sáng các pháp như hàng trăm mặt trời mọc lên cùng một lúc. Điều này được gọi là KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT hoặc ĐAI NGỘ và ĐẠI NHẬP hoặc NIỀM VUI TỊCH TĨNH. Lúc đó bạn sẽ gặp tất cả chư Phật thời quá khứ, hiện tại, vị lai và bạn thấy được bản thể của Thích Ca Mâu Ni, của Bồ Đề Đạt Ma. bạn nhận ra Bản tánh của chúng sanh. Bạn thể nhập tận căn nguyên của trời đất và mọi vật. Niềm vui lớn lao của giây phút này thật khó tả. Kinh Lăng Nghiêm nói “Trong sự thanh tịnh cùng tột, ánh sáng chiếu rọi khắp nơi, an lạc sáng tỏa khắp nơi. Nhìn trở lại thế gian, thấy như là giấc mộng đêm qua”.

Khi giác ngộ thành tựu, vạn vật đều là bản nhiên và bản thể, chỗ mà tịch lặng và giác ngộ không rời nhau. Và nơi nơi không có gì không là bổn tâm. Do đó Kinh Lăng Nghiêm nói “Cho dù nhãn căn và pháp hữu vi ở bên ngoài in tuồng là những sự vật xuất hiện dưới mắt chúng ta, tất cả đều vốn từ Bản giác minh diệu của chúng ta. Qua mỗi nhãn căn, kinh chỉ cho biết 5 giác quan khác. Pháp hữu vi ở bên ngoài đối với nhãn căn, điều này có nghĩa là pháp giới của 6 căn giống của bụi trần và của các pháp. Như thế thân ta và các pháp đều được giải thích rằng, thể tánh của chúng chính là bản tâm và của bản giác tối thượng. Người ta nói đó là “Biến đất đá thành vàng ròng, biến sông dài thành tô lạc”. Đây là Lạc Viên chơn thực.

Xưa kia một vị tăng hỏi Vân Môn “Khi không còn dấy niệm thì sao?”

Vân Môn đáp “Núi Tu di”.

Một vị tăng khác hỏi Triệu Châu “Khi tôi không mang theo gì hết thì làm gì?”

Triệu Châu đáp “Hãy buông đi!”

Vị tăng hỏi đáp “Tôi không mang theo gì hết thì buông cái gì?”

Triệu Châu đáp “Nếu không buông thì ôm lấy và đi đi!”

Triệu Châu vừa thốt xong, vị tăng đại ngộ.

Một người nói “Không còn niệm dấy khởi”. Một người nói “Không còn gì mang theo”. Cả hai đều đã đến ngôi vị không niệm và họ cho đó là giác ngộ. Chính trong ý nghĩa đó mà họ tham vấn Vân Môn và Triệu Châu. Hai thiền sư này trả lời như trên, vì hai ngài biết tâm hai vị tăng này còn kẹt. Với câu Núi Tu Di và câu Hãy buông đi!, bạn sẽ đến Pháp giới bổn lai và có thể hội ngộ Vân Môn cùng Triệu Châu. Hãy thiền định, bạn sẽ đạt đến.

Một cổ đức đã nói “Vực thẳm buông tay và hãy tự chứng nghiệm nội tâm. Nếu bạn có tái sanh sau khi chết, không có người lừa dối được bạn”.

Một vị khác đã nói “Đến được đầu sào trăm trượng, hãy nhảy lên bước nữa và hiện toàn thân như trong mười phương thế giới”.

Những câu này lý giải trạng thái chứng ngộ. Hãy thiền định bằng cách tọa thiền và bạn sẽ đạt được trạng thái đó. Đừng lầm lạc rơi vào hang ổ của dã hồ tinh.

 

[ Quay lại ]