headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH HOA NGHIÊM BỘ LOẠI, DỊCH THUẬT VÀ LƯU TRUYỀN

(Trích Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký của Tổ Hiền Thủ)

Chân Hiền Tâm

 I. BỘ LOẠI: Có sáu.
1. Hằng bản: Pháp này không thể kiết tập, không thể giới hạn số phẩm và kệ tụng nhiều hay ít. Cũng không phải là chỗ mà các hạng vị dưới có thể thọ trì. Phẩm Bất Tư Nghị nói: “Tất cả thế giới như pháp giới, hư không giới v.v… đều dùng đầu lông biến khắp đo lường. Nơi mỗi đầu lông, trong từng niệm, có số thân nhiều như bụi nhỏ không thể nói, cho đến tận mé kiếp vị lai thường chuyển pháp luân”. Thì có thể hiểu, đây thông hết các loại khác nhau trong thế giới như cây cối, hình tượng v.v… Nơi mỗi đầu lông, niệm niệm thường thuyết pháp không dứt.

2. Đại bản: Là chỗ thọ trì của các đại Bồ-tát có lực Đà-la-ni. Không phải là thứ có thể ghi chép trên bối diệp. (Kinh tạng ngày xưa được chép trên lá cây bối đa la). Các phẩm như thế nhiều hơn số bụi nhỏ. Như Tì-kheo Hải Vân thọ trì kinh Phổ Nhãn, dùng bút chất đống như núi Tu di và mực nhiều như nước trong tứ đại hải, cũng không thể viết hết một phẩm Khế kinh.

3. Thượng bản: Đây là bản thượng trong văn kinh kiết tập. Tây vực tương truyền Bồ-tát Long Thọ viếng Long cung, thấy kinh Đại Bất Tư Nghị Giải Thoát có ba bản. Bản thượng có số kệ nhiều như bụi nhỏ trong Thập tam thiên đại thiên thế giới, có số phẩm nhiều như bụi nhỏ trong Tứ thiên hạ.

4. Trung bản: Có 498.800 bài kệ và 1200 phẩm.

Thượng bản và Trung bản đều cất giữ tại Long cung, không phải là thứ mà lực của người Diêm-phù-đề có thể thọ trì, nên không lưu truyền ở cõi này.

5. Hạ bản: Có 100.000 bài tụng và 38 phẩm. Ngài Long Thọ mang bản này về lưu truyền ở Thiên Trúc. Chính là Nhiếp Luận Bách Thiên với 100.000 bài tụng. Tây vực ký thuyết trong núi nước Vu Điền và Nam-già-câu-bàn đều có bản này.

6. Lược bản: Bản 60 quyển được lưu truyền ở đất này (Trung quốc). Trong 100.000 bài tụng đó, 36.000 bài tụng đầu bao gồm những điểm then chốt.

Vào thời đó, trên tháp chùa Đại Từ Ân, phát hiện bản Hoa Nghiêm bằng tiếng Phạn có ba bộ. Đối chiếu sơ với bản Hán thì thấy rất nhiều chỗ tương đồng. Số kệ tụng cũng tương tự.

II. TẠO LUẬN GIẢI THÍCH:
+ Bồ tát Long Thọ mang Hạ bản về, nhân đó tạo ra luận Đại Bất Tư Nghị, cũng có 100.000 bài tụng để giải thích kinh này. Luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa hiện nay là một phần của nó.
+ Đời Tần, Tam tạng Na-xá dịch các bài tụng thành 16 quyển, vừa đến phần Đệ nhị địa. Còn lại đều chẳng đủ.
+ Bồ-tát Thế Thân làm ra quyển Thập Địa Luận, chỉ giải thích một phẩm Thập Địa.
+ Đời Ngụy, Tam tạng Lặc-na và Bồ-đề Lưu-chi nơi thành Lạc Dương, mỗi người dịch một bản.
+ Luật sư Quang Thống do thông hiểu Phạn văn, khiến cho sự đối trái của hai vị Tam tạng hòa hội, hợp thành một bản. Thấy đang lưu truyền ở Trung Quốc. Bồ-tát Kim Cang Quân và Bồ-tát Kiên Tuệ, mỗi người tạo ra một luận Thập Địa để giải thích, nhưng chưa truyền đến Trung Quốc.
+ Cũng vào đời Ngụy, cao tăng Trung Quốc là pháp sư Linh Biện, nơi Ngũ Đài Sơn, đầu đội kinh Hoa Nghiêm, gối bước ân cần chân rách máu tuôn, trải qua ba năm, những chỗ huyền nhiệm càng thêm sáng tỏ, mới ở núi Huyền Củng tạo luận giải thích kinh, được hơn 100 quyển, hiện đang được truyền bá. Sau, pháp sư được sắc thỉnh vào trong điện Thức Càn giảng bộ đại kinh đó.

III. PHIÊN DỊCH: Sa môn Chi Pháp Lĩnh ở Đông Phổ, đến nước Vu Điền thỉnh được 36.000 bài kệ của kinh Hoa Nghiêm, cùng với Bồ-tát Đại thừa tam quả người Bắc Thiên Trúc là thiền sư Phật-đà-bạt-đà-la, Trung quốc gọi là Giác Hiền, họ ngoài đời là Thích-ca, là con cháu của vua Cam Lộ Phạn, từng đến cung trời Đâu Suất theo Di Lặc vấn nghi, vì phổ nghĩa 1 rộng, nên mưới bốn năm sau vào ngày 10 tháng 3 năm Thuần Hỏa, nơi chùa Tạ Tư Không ở Dương Châu, xây riêng pháp đường Hộ Tịnh để dịch kinh này. Khi ấy trước pháp đường có một đầm sen, mỗi ngày có hai đồng tử áo xanh, từ trong đầm đến pháp đường vẩy nước quét dọn cúng dường. Chiều tối mới trở lại đầm.

Tương truyền rằng : Do kinh này ở Long Cung đã lâu, Long vương vui mừng thấy kinh được truyền bá lưu thông, nên tự mình cho người đến giúp. Nhân đó sau mới đổi tên chùa thành Hưng Nghiêm Tự. Sa môn Pháp Nghiệp cùng với Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán v.v… theo chấp bút. Lúc đó ở quận Ngô có Sử Mạnh Nghĩ, tướng quân Hữu Vệ, Trử Thúc Độ v.v… làm thí chủ.

Đến ngày 10 tháng 6 năm Nguyên Hi thứ hai thì kinh dịch xong. Đến ngày 20 tháng 12 năm Vĩnh Sơ thứ hai đời Đại Tống, đối chiếu với bản chữ Phạn, sửa chữa lại lần nữa cũng xong. Trong phẩm Pháp Giới, từ sau phẩm Phu Nhân Ma-na đến trước Bồ-tát Di Lặc, văn kinh thiếu mất 72 tờ. Đến tháng 3 năm Vĩnh Long thứ nhất đời Đại Đường đây, có Tam tạng Địa-bà-ha-la người Thiên Trúc, Đường gọi là Nhật Chiếu, có toàn phẩm này bằng tiếng Phạn. Pháp Tạng tôi đích thân cùng coi lại chỗ văn bị thiếu ấy, rồi phụng sắc lệnh, cùng với sa môn Đạo Thành, Phục Lễ v.v… dịch ra, bổ khuyết vào chỗ thiếu đó.

IV. DÒNG NHÁNH: Đại kinh này tùy lực thọ trì mà phân thành nhiều bộ.
+ Một quyển kinh Đâu Sa là đầu hội II.
+ Một quyển kinh Bồ-tát Bản Nghiệp là toàn phẩm Tịnh Hạnh.
+ Một quyển kinh Tiểu Thập Trụ là phẩm Thập Trụ.
+ Bốn quyển kinh Đại Thập Trụ, bốn quyển kinh Tiệm Bị Nhất Thiết Trí Đức đều là phẩm Thập Địa.
+ Hai quyển kinh Như Lai Tánh Khởi và Vi Mật Tạng là phẩm Tánh Khởi.
+ Một quyển kinh Hiển Vô Biên Phật Độ là phẩm Thọ Mệnh.
+ Sáu quyển kinh Độ Thế là phẩm Ly Thế Gian.
+ Ba quyển kinh La-ma-già là phẩm Nhập Pháp Giới.
Lúc đó gần Thần Đô, Pháp Tạng tôi cùng với Tam tạng nước Vu Điền có dịch một quyển Hoa Nghiêm Tu Từ Phần, một quyển Bất Tư Nghị Cảnh Giới Phần, mười quyển Kim Cang Man Phần. Phần phiên dịch này chưa thành thì Tam tạng nước Vu Điền đã viên tịch.
Thần Đô lúc đó lại được nước Vu Điền dâng bản Hoa Nghiêm 50.000 bài kệ và cho cả Tam tạng đến phiên dịch. Bản Phạn ở chùa Từ Ân giống với bản Hán cũ. Còn bản Phạn mới đến thì phẩm hội và văn cú có chút ít không đồng. Nói để rõ về số bản của đại kinh này. Đây đều là dòng nhánh của đại kinh, tùy theo căn khí mà phân dòng.

V. CẢM ỨNG:

+ Vua nước Tống thỉnh Tam tạng từ Tây Trúc sang để giảng nói kinh này. Người ấy hận vì tiếng địa phương chưa thông, sợ nói chẳng hết ý chỉ của kinh, mới vào đạo tràng cầu thỉnh, vừa đúng bảy ngày thì mộng thấy lấy đầu Hán thay vào đầu Phạn của mình. Nhân đó liền hiểu rõ tiếng Tống, giảng giải không ngăn trệ.
+ Một Ni ở núi Cửu Lũng kính trọng kinh này, chuyên tâm đọc nó hơn hai mươi năm. Mắt cảm ứng thấy được vô số cõi nước trong đầu lông.
+ Một Ni ở Ngũ Đài Sơn thường tụng kinh này từ xế chiều cho đến mờ sáng thì xong một bộ. Trong miệng phát quang sáng rực khắp hang núi.
+ Pháp sư Cự thời Bắc Tề rất sùng kính kinh này, nhưng lại không có thầy để học hỏi, mới chuyên tâm đọc nó để cầu sự thông hiểu. Hơn mười lăm năm, liền mộng thấy Thiện Tài trao cho thuốc thông minh. Nhân đó mà khai ngộ, sớ giải kinh 10 quyển, giảng nói hơn 50 lần.
+ Thiền sư Tu Đức ở Trung Sơn thuộc Định Châu, khởi lòng thành giữ tâm thanh tịnh sao chép kinh này. Sau mở tráp, thấy ánh sáng chói tỏa đến một trăm hai mươi dặm.
+ Hoạn nhân Lưu Khiêm Chi, nơi Ngũ Đài Sơn chuyên tụng kinh này, liền phục hồi được hình hài của bậc trượng phu.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------
1 Phổ nghĩa : Nghĩa của kinh Hoa Nghiêm, một nghĩa có đủ tất cả nghĩa, viên dung biến khắp, nên gọi là phổ nghĩa.

[ Quay lại ]