headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CUỘC ĐỜI TƯƠNG ĐỐI

 Hạnh Chiếu

Cuộc đời tương đối nghĩa là không tuyệt đối. Chúng ta không thể tìm một giá trị tuyệt đối trên cõi đời vô thường. Nói như vậy, không có nghĩa là không có cái tuyệt đối. Nhưng trước khi bước sang cái tuyệt đối, chúng ta bàn về cái tương đối. Bởi vì con người đa phần sống trong cái tương đối, khổ vui trong cái tương đối. Tại sao con người lại khổ vui trong cái tương đối? Vì họ muốn tuyệt đối mà cuộc đời thì tương đối.

Như khi ta nhìn một bức tượng hay một cành hoa, ta thấy nó thật đẹp và mọi người cũng đều công nhận như thế. Mọi người và ta đều có cái nhìn như nhau, không có sự khác biệt nào, chính xác 100%, đó là tuyệt đối. Nhưng không bao giờ có chuyện như thế. Cành hoa chỉ đẹp với mình, nhưng chưa chắc nó đẹp với người. Đó là tương đối. Trong tất cả chúng ta ai cũng có một gia đình, một mái ấm. Nhưng mỗi người có một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng. Quí vị lớn tuổi sống gần trọn kiếp người, ai cũng bảo không có hạnh phúc trọn vẹn, nếu không muốn nói là khổ đau quá nhiều. Quí vị nhỏ tuổi thì chưa đủ thời gian để thấm thía về điều này, nhưng những vị có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống chỉ cần nhìn nhau là đủ biết, đủ thông cảm cuộc đời vốn bất trắc biết dường nào.

Tại sao cuộc đời lại đau khổ, bất trắc, chông chênh? Vì không vừa ý mình. Những gì buồn phiền, tức tối mới làm chúng ta khổ, còn vui lòng vừa ý thì đâu có khổ. Mang tâm trạng buồn bực, nóng giận đâu có sướng, nhưng sao chúng ta lại chuốc nỗi buồn, tạo cơn giận làm đau khổ cho nhau? Tại vì chúng ta đòi hỏi, đòi cái này theo ý mình, hỏi cái kia theo sở thích mình, không vừa ý thì khổ. Thế thôi. Như hôm nay chúng ta thích ăn bún cà ri mà người nhà thích ăn bún chả giò, tiền lại không đủ làm hai món. Thế nên trưa lên mâm cơm, nếu thức ăn là bún cà ri thì ta vui. Ta vui thì người nhà không vui. Nếu thức ăn là bún chả giò thì ta không vui. Ta buồn nhưng người nhà lại vui. Từ đó có buồn vui theo sở thích, theo nhu cầu đòi hỏi của mình. Cái gì mình không chấp nhận, mình cũng bắt người ta không chấp nhận.

Thế nhưng mỗi người ai cũng có một sở thích riêng, ai chiều ta cũng một hai lần thôi không thể chiều mãi. Chẳng hạn quí vị có gia đình, khi mới quen nhau thì thuận lắm. Người này chiều người kia, người kia chiều người này, không ai dám làm phật ý ai, thấy rất dễ thương. Đến khi vào cuộc rồi, không ai chiều ai mãi được, bấy giờ mạnh ai nấy sống theo sở thích của mình. Theo quy luật tương đối, không ai hoàn toàn tốt, cũng không ai hoàn toàn xấu. Nhưng chúng ta không chịu chấp nhận cái xấu, thế là thất vọng lẫn nhau, than rằng “biết vậy hồi đó đừng thương”. Đến nước này thì đã muộn!

Sự thật tương đối này không phải chúng ta không biết, nhưng khi mê biết mà cố phạm, đến lúc đau khổ bởi cái cố phạm của mình thì lại tiếc nuối. Đức Phật nói cuộc đời tương đối vì nó thay đổi sinh diệt luôn luôn. Cái gì có sinh thì có diệt, có hợp thì có tan. Đẹp cũng đẹp tương đối, xấu cũng xấu tương đối, thương cũng thương tương đối, mà ghét cũng ghét tương đối. Ví dụ khi mình thương ai, mình bắt buộc người đó chỉ thương một mình mình thôi, không muốn người đó thương người thứ hai. Khi phát hiện người đó thương người thứ hai mình nổi giận lên, nói đủ câu, đủ cách cho người ta khổ. Nhưng nếu lỡ mình thương người thứ hai thì mình im ru. Cuộc đời là tương đối, là thay đổi, tại sao người ta thay đổi mình không chấp nhận, còn mình thay đổi thì được. Người ta có điều gì không đúng mình chê trách, phiền hà. Mình có điều không đúng thì im lặng cho qua. Như thế là không đúng với luật tương đối của thế gian.

Trên thế gian này các pháp không bền chắc, tâm ý của con người cũng sớm đổi chiều thay, nay vầy mai khác. Như sáng nay gọi xe đi Bạc Liêu, khi xe tới nói tôi mệt quá không đi. Chủ xe phàn nàn tại sao gọi xe mà không đi, nếu không đi thì đừng gọi. Vậy mà ta cũng không nhận lỗi của mình, còn nói ông ấy khó khăn, đi hay không là quyền của tôi. Nếu có lý do riêng không đi được thì cũng phải ứng xử sao cho hợp lẽ, đâu thể gàn dở như vậy. Cho nên người biết chấp nhận cuộc đời tương đối thì sống dễ dàng. Hôm qua người ta thương mình, nhưng ngày nay không thương nữa, thì thôi. Tự nhủ thầm cuộc đời tương đối, việc gì phải buồn? Như vậy hết buồn, sống bình thường. Đó là ta có một sức mạnh chịu đựng trước mọi bất trắc, mọi thay đổi của cuộc đời. Sống trong luật tương đối mà ta đòi cái tuyệt đối, đó là đi trái luật của cuộc đời, trái lại với thực tế.

Không bao giờ có một ý tưởng bất biến, một tâm trạng bất biến, một hoàn cảnh bất biến trong cuộc đời vốn luôn luôn biến động. Nếu có một người lúc nào cũng cười với mình thì đó là búp bê chứ không phải người thật. Con người luôn luôn có những thay đổi, lúc nghiêm, lúc cười, lúc vui, lúc buồn. Cứ tưởng tượng phải đối diện trước một nhân vật cứ nhăn răng cười hoài hay mếu máo suốt ngày, chúng ta sẽ như thế nào? Sẽ trốn mất. Phải có thay đổi mới sinh động, mới là sự sống chứ!

Cuộc sống là một sự biến dịch vô cùng, nếu biết rõ luật biến dịch đó, ta sẽ rất bình tĩnh trước mọi sự đổi thay. Vì cuộc đời tương đối nên không có ai thương mình một cách tuyệt đối, cũng không có ai ghét mình tuyệt đối. Hồi mình dễ ghét thì người ta ghét nhưng lúc mình dễ thương thì người ta thương trở lại, không cố định. Hiểu được như vậy là ta đã sống phân nửa cuộc đời hạnh phúc rồi. Sự thay đổi tuy âm thầm nhưng không nhân nhượng. Nó luôn tiến tới. Như xét trên thân chúng ta, nó đổi thay từng sát na. Nếu không thay đổi thì răng ta sẽ không rụng, da không nhăn, tóc không bạc. Trên tâm thì sao? Thay đổi còn hơn thân nữa, thay đổi liên tục. Mới định đi tụng kinh, nhưng thôi mệt quá không tụng kinh, lên giường ngủ. Lên giường suy nghĩ đủ chuyện, ngủ không được dựng dậy ngồi thiền. Ngồi thiền vọng tưởng quá, tuột xuống pha trà uống… Tâm lung tung không ai theo kịp, đôi khi chính mình còn chịu không nổi mình, thì ai chịu nổi.

Có một câu chuyện về nhà Bác học rất thông Phật học. Ông tên là Einstein. Ông có một người bạn mù lúc còn nhỏ, người bạn này rất ngưỡng mộ ông. Khi nghe tin Einstein nổi tiếng về thuyết tương đối, được lãnh nhiều giải thưởng, người bạn tìm tới thăm và hỏi Einstein:

- Tôi nghe anh nổi tiếng về thuyết tương đối, vậy trong thuyết đó đã nói điều gì làm cho anh nổi tiếng vậy. Có thể nói cho tôi nghe được không?

Nghe bạn hỏi, Einstein suy nghĩ: Thuyết này được công bố trước hội đồng khoa học, phải đưa ra những chứng minh thuộc lĩnh vực chuyên môn. Bây giờ đem nói cho một người bạn chưa từng biết đến khoa học là gì, e bạn sẽ không hiểu. Vì vậy Einstein đã lấy một thí dụ rất đơn giản để bạn hiểu điều mình muốn nói. Thế là ông đã hỏi bạn:

- Anh có nghe câu chuyện người ta hỏi sữa là gì chưa?

Bạn ông trả lời: 

- Chưa.

Enstein mới kể cho bạn nghe về một câu chuyện của người mù bẩm sinh:

- Có một người mù đến chơi nhà bạn. Ông bạn mời người bạn mù uống sữa. Người bạn mù hỏi: Sữa là gì ?

Ông bạn đáp: Là nước sữa đó. Người bạn mù nói: Nước thì tôi biết nhưng sữa tôi không biết. Sữa là gì vậy? Ông bạn đáp: Sữa có màu trắng giống như sợi lông của con cò. Người bạn mù nói: Sợi lông thì tôi biết nhưng con cò tôi không biết. Ông bạn suy nghĩ nói tiếp: Con cò có cái cổ cong cong. Người bạn mù nói: Cái cổ thì tôi biết còn cái cong cong tôi không biết. Ông bạn không còn cách nào giải thích cho người bạn mù mình hiểu, mới đi đến cầm cánh tay người bạn mù co lại, rồi chỉ vào cái cùi chỏ nói: Cong cong là cái này nè. Người bạn mù vui mừng reo lên: A! Tôi biết rồi, sữa là cái cùi chỏ.

Kể xong câu chuyện, Einstein mới nói với người bạn mù của mình:

- Thuyết tương đối của tôi giống như câu chuyện này vậy.

Người bạn mù nói:

- À, như vậy thì tôi hiểu rồi. Thuyết tương đối là sữa, giống như cái cùi chỏ, có gì đâu nổi tiếng mà đạt giải thưởng dữ vậy?

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy sữa cuối cùng giống như cái cùi chỏ. Đó là thuyết tương đối. Có đôi khi ta tưởng rằng ta hiểu như vậy là đúng, nhưng thật ra không đúng. Rồi cũng có lúc ta ngỡ như mình đã sai, nhưng hoá ra lại không sai. Chẳng hạn trong câu chuyện trên, người mù nghĩ rằng sữa là cái cùi chỏ, và dĩ nhiên ông cho cái nghĩ của mình hoàn toàn đúng. Người mù đã hiểu sai nhưng không biết mình hiểu sai, trái lại ông còn khẳng định hôm nay ông mới biết sữa là cái cùi chỏ. Do đó thuyết tương đối là lúc nào cũng chênh lệch. Tương đối nghĩa là không hoàn toàn chính xác.

Ví dụ mình đặt cái đồng hồ ngay chính giữa, rồi hỏi mọi người có thấy đồng hồ ngay giữa chưa? Lúc đó có người bảo đưa sang trái một chút, người khác bảo đưa sang phải một chút, người kêu nhích tới, người nói nhích lui. Sửa một hồi cảm thấy chẳng đúng ý ai. Thôi thì tương đối, tuy chưa chuẩn nhưng tạm nhìn được là xong. Như vậy tương đối là lệch một chút, chứ chưa có chuẩn. Còn tuyệt đối là đúng chuẩn. Mà chuẩn này do ai đặt? Do con người đặt, cho nên cũng không thể có cái tuyệt đối của thế gian. Vì con người vốn vô thường và con người cũng tương đối. Chỉ có cái thoát khỏi mọi hình tướng sanh diệt, không lệ thuộc không gian và thời gian, hằng hữu trùm khắp, không bờ mé, hạn lượng, giả danh gọi là tuyệt đối, chớ nó cũng không có tên.

Sữa biến thành cùi chỏ mà vẫn được như thường. Đó chính là ví dụ của Einstein về thuyết tương đối. Cho nên nghe một vấn đề gì, ta chớ vội kết luận điều đó đúng hay sai, bởi nghe cũng chỉ là tương đối thôi. Chẳng hạn như câu chuyện tôi vừa kể trên, lại một lần nữa mang tính tương đối. Số là tôi giảng ở Thiền viện Tuệ Thông, cũng kể câu chuyện về thuyết tương đối này cho chư Ni lớn tuổi tại đó nghe. Nghe xong câu chuyện tôi nhìn thấy các cụ cười rất tươi, đinh ninh đại chúng đã hiểu được điều mình muốn nói, nên cũng không hỏi lại. Cho tới hôm đó, có một cụ đến thiền viện Linh Chiếu gặp Ni sư Trụ Trì vấn an sức khoẻ. Ni sư hỏi:

- Cô qua đây có chuyện gì không?

Cụ thưa:

- Cho con gặp cô “cùi chỏ”.

Ni sư ngạc nhiên:

- Ở đây đâu có cô nào tên “cùi chỏ”!

Cụ nhất quyết khẳng định là có, vì “cổ qua bên con, cổ nói về cái cùi chỏ”. Ni sư càng thắc mắc hơn:

- Cô ấy nói cái cùi chỏ gì?

- Con cũng không nhớ. Chỉ biết có cái cùi chỏ.

Ni sư hoảng quá, điều tra danh sách giáo thọ giảng tại thiền viện Tuệ Thông, bèn phát hiện ra tôi.

Thế là tôi được gọi đến, Ni Sư lo lắng bảo:

- Có giảng pháp thì giảng cho đàng hoàng, đừng nên nói cùi chỏ cùi cẳng trong đó, nghe thô quá. (Ni Sư nghĩ là ai hỏi gì, tôi đáp “cái cùi chỏ”)

Đúng là thuyết tương đối! Không ngờ thuyết này linh nghiệm đến thế, vừa giảng xong là từ tên Hạnh Chiếu đã được đổi thành Cùi Chỏ. Tôi thật thú vị khi phát hiện thêm, người ta khen mình cũng chỉ là cùi chỏ, người ta chê mình cũng chỉ là cùi chỏ, không có gì dính dáng tới mình cả. Người ta nói mình tốt, cũng không hẳn người ta nói đúng. Người ta nói mình xấu cũng không hẳn là đúng. Vậy tại sao mình khổ? Dù một ngày ta có nghe hai mươi câu chửi, cũng chỉ là sữa biến thành cái cùi chỏ, bởi lời chửi đâu có đúng. Sữa với cùi chỏ cách nhau rất xa mà người ta còn lầm lẫn được, chấp nhận được, thì chuyện lầm lẫn chút chút, rầy rà chút chút có là chi.

Khi ta cho cái thấy của mình đúng, gặp ý kiến phản kháng lại ta đau buồn vì không thể chấp nhận mình sai. Vậy có khác nào anh chàng mù nói sữa là cái cùi chỏ đâu. Chúng ta giống như anh chàng mù, mặc dù mắt vẫn sáng nhưng không hơn gì anh ấy. Do ta sống trong sự tối tăm nên không biết được luật tương đối của cuộc đời. Nếu nghiệm ra điều này con người đã giải thoát được 50% rồi, vì bớt được bao nhiêu buồn vui không đúng lẽ thật. Nghe khen một chút vui vui trong tâm, nghe chê một chút phiền phiền trong lòng. Dẫu biết rõ lời khen tiếng chê không hoàn toàn đúng nhưng ta vẫn đeo mang, dẫu biết khổ vô lý nhưng ta vẫn khổ như thường. Đi ra đường đôi giày của mình xấu hơn đôi giày người, ta cũng cảm thấy thua súc. Cái đầu mới uốn xong, nhìn thấy cái đầu cô bạn uốn kiểu khác lạ hơn là muốn sửa cái đầu mình liền. Con người nếu không tự hài lòng với những gì mình có thì sẽ chuốc khổ đau dài dài. Bởi vì lúc nào họ cũng thấy cái này hơn cái kia, loanh quanh một đời bất an, không tìm được chân hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại.

Tô Đông Pha, một thi sĩ Trung Quốc có bài thơ rất hay:

                Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều,
                Vị đáo sanh bình hận bất tiêu,
                Đáo bất hoàn nguyên vô biết sự,
                Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều.

Tạm dịch:
                Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang,
                Khi chưa đến đó luống mơ màng,
                Đến rồi cũng vẫn không gì khác,
                Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang.

Nghĩa là nhà thơ nghe danh Lô Sơn và Triết Giang tuyệt tuyệt đẹp, ông quyết tâm phải đến đó một lần, nhắm mắt mới nguôi. Dù đường xa cách trở, lội suối trèo non khó khăn mấy ông đi một phen để nhìn thấy khói tỏa núi Lô, sóng mù Triết Giang. Đến nơi, ông viết bài thơ này, tả tâm trạng khi chưa đến đã luống mơ màng như thế nào, nhưng đến rồi cũng vậy thôi. Vẫn sương khói như sương khói bao nhiêu núi, vẫn sông nước như sông nước bao nhiêu sông, chẳng có gì khác lạ. Thế nên câu cuối ông viết y như câu đầu “mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang”. Đi một vòng tròn rồi ta trở về chỗ ban đầu là an ổn nhất. Nhưng tâm chúng sanh lúc nào cũng hướng vọng về cái phi thực, chối bỏ sự thật đang có mặt, nên lúc nào chúng sanh cũng thấy thiếu, thấy khổ.

Con người chấp vào những thành kiến cổ truyền mà làm khổ cho nhau. Chẳng hạn ông bà ta thường dạy, nếu có chọn bạn thì đừng chơi với những người “nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún”. Nhưng xét kỹ nếu loại bốn trường hợp này thì cả thế gian chẳng còn ai để ta làm bạn cả. Ngay bản thân mình cũng rơi vô một trong bốn trường hợp đó, chẳng lẻ mình cũng loại mình ra. Cuộc đời vốn tương đối thì xin đừng đòi hỏi những gì ngoài tầm tay. Thế mà do kiến chấp sai lầm của con người từ đời này sang đời khác, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, không thoát ra được.

Kế nữa là tứ hành xung Dần Thân Tỵ Hợi chẳng hạn. Người ta bảo những người tuổi này sống chung với nhau không yên lắm. Vậy tuổi con Rồng sống chung với tuổi con Mèo có gây nhau không, trên thực tế vẫn gây nhau như thường. Dù hợp cách mấy, sống chung vẫn có ít nhiều va chạm. Thế mà chúng ta lại chấp vào tứ hành xung... mà phân định, mà đổ thừa, chỉ càng làm khổ cho nhau. Con người không thấy cuộc đời này tương đối, giả tạm, có hợp thì có tan, có thuận thì có nghịch. Mỗi lần gặp khó khăn, không dám đối diện với nghịch cảnh để hoá giải, tháo gở mà đổ thừa, than thở, trách cứ hoàn cảnh, số phận rồi đau buồn, thất vọng.

Tất cả các pháp thế gian do sự mâu thuẫn, chênh lệch nhau mà tồn tại và trở thành sự biến dịch thay đổi không cùng tận. Chính vì giá trị ấy mà thuyết tương đối của Einstein được giải thưởng lớn. Nắm được quy luật này, ta sống giữa cuộc đời, làm đủ mọi việc với lòng rộng mở nên rất vui. Đã là tương đối mà lúc nào ta cũng ép nó theo ý mình, theo không được thành ra khổ. Người đối với ta tốt tới đó là hết mức rồi, nhưng mình lại muốn tốt hơn nữa, người kia không thể đáp ứng được thì ta lại nổi giận. Như vậy không được. Cũng như mình sống tới đó là hết lòng mà người đòi thêm, ta cũng đành chịu. Lòng mình lòng người đều khác nhau, chỉ cần sống hết tình là được, xin đừng đòi hỏi thêm. Chúng ta phải hiểu mỗi mỗi đều có tầm nhìn tương đối, cảm thông như thế thì cuộc sống hài hòa, dễ chịu, chẳng có gì trái nghịch nhau. Chúng ta cùng trân trọng, giữ hoà khí trong cuộc sống là điều tốt nhất.

Cho nên chỉ cần mở rộng tầm nhìn, thấy rõ cuộc đời không có gì chắc thật, bền vững bởi vì nó tương đối. Các pháp hữu vi có sinh có diệt, ta không mộng mơ những chuyện không hiện thực, không từ chối những chuyện trước mắt, không đòi hỏi người khác phải sống đúng như ý của mình. Nhờ hiểu thấu lý tương đối của cuộc đời, ta chuyển hóa được chính mình. Từ khó khăn gút mắc biến thành dễ chịu, cởi mở, không làm khổ cho nhau nữa, như vậy là hạnh phúc rồi, cuộc sống thanh thản biết chừng nào. Đó là người có trí tuệ, hiểu đúng như thật lời Phật dạy.

Chúng ta đến với Phật pháp là có duyên với Phật pháp. Được học Phật pháp lại càng quý hơn, nhưng chưa đủ. Làm sao sống được với chánh pháp, có niềm vui trong chánh pháp. Niềm vui trong chánh pháp chính là niềm vui chân thật. Mong rằng tất cả chúng ta hiểu và áp dụng được điều này vào đời sống của mình, để thấy Phật pháp rất vi diệu, rất gần gũi với nhân sinh.

[ Quay lại ]