NHÂN DUYÊN THUYẾT KINH HOA NGHIÊM
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 17 Tháng tám 2008 10:56
- Viết bởi nguyen
Chân Hiền Tâm
(Trích Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký của Tổ Hiền Thủ)
I. TỔNG BIỆN : Nói tổng quát, nhân duyên khiến đại giáo xuất hiện thì vô lượng, nên phần đầu luận Trí Độ có nói về nhân duyên ra đời của giáo Bát Nhã như sau “Như núi Tu di, không phải không có nhân duyên hay nhân duyên ít mà có thể làm động nó. Phật cũng vậy, vì có đại nhân duyên nên mới có giáo thuyết. Đó là Bát-nhã Ba-la-mật, lưu hành ở đời làm lợi ích khắp quần sinh”.
Kinh Pháp Hoa cũng nói: “Như Lai vì một đại sự nhân duyên nên xuất hiện ở đời. Đó là khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật ...”. Phần sau kinh Hoa Nghiêm cũng nói “Tánh Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác khởi chánh pháp chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao? Chẳng phải nhân duyên nhỏ mà Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Vì 10 loại vô lượng vô số trăm ngàn a tăng kỳ nhân duyên mà Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Thế nào là mười? Một là phát vô lượng bồ-đề tâm chẳng bỏ tất cả chúng sinh v.v…”
II. BIỆT HIỂN : Nói chi tiết, lược nêu 10 nghĩa để biết do đâu thuyết kinh Hoa Nghiêm : Pháp nhĩ, nguyện lực, cơ cảm, vi bản, hiển đức, hiển vị, khai phát, kiến văn, thành hạnh, đắc quả.
1. Vì Pháp nhĩ nên thuyết Hoa Nghiêm : Pháp nhĩ của tất cả chư Phật đều ở vô tận thế giới, thường chuyển như thế vô tận pháp luân không ngưng dứt, tận cùng mé vị lai. Cho nên, phẩm Bất Tư Nghị nói: “Tất cả thế giới như pháp giới, hư không giới v.v… đều dùng đầu lông biến khắp đo lường. Trong từng niệm, nơi mỗi đầu lông hóa ra các thân nhiều như số Phật độ vi trần không thể nói không thể nói, cho đến tận mé kiếp vị lai. Mỗi thân của hóa Phật ấy lại có các đầu nhiều như số Phật độ vi trần không thể nói, không thể nói. Mỗi cái đầu ấy lại có các lưỡi nhiều như số Phật độ vi trần không thể nói, không thể nói. Mỗi cái lưỡi ấy lại xuất hiện các âm thanh nhiều như số Phật độ vi trần không thể nói, không thể nói. Mỗi một âm thanh lại xuất hiện các Khế kinh nhiều như số Phật độ vi trần không thể nói, không thế nói. Trong mỗi Khế kinh lại nói các pháp nhiều như số Phật độ vi trần không thể nói, không thế nói. Trong mỗi pháp lại nói các văn tự cú nghĩa nhiều như số Phật độ vi trần không thể nói, không thế nói. Lại trong các kiếp số nhiều như số Phật độ vi trần không thể nói, không thế nói, mà nói các văn tự cú nghĩa sai biệt. Âm thanh đầy khắp pháp giới. Tất cả chúng sinh không ai không nghe. Thường chuyển pháp luân tận đến tất cả kiếp vị lai. Âm thanh của Như Lai không biến khác, không đoạn dứt, không thể cùng tận”.
Y cứ kinh văn trên thì có thể hiểu : Nơi mỗi đầu lông, trong khoảng một niệm, có thể xuất hiện những nghiệp dụng trên. Trong từng niệm còn lại cũng đều như thế. Như vậy, nơi mỗi đầu lông, trong tất cả niệm, xuất hiện nghiệp dụng vô tận. Nơi những đầu lông còn lại, theo thứ lớp mà đầy khắp tất cả thế giới như hư không giới, pháp giới v.v… mỗi mỗi đều như vậy, vô tận và vô tận.
Đây chính là XỨ mà “Đầu lông bao trùm pháp giới”, là THỜI mà “Sát na gom hết kiếp hải”. Nghĩa là, nói XỨ ấy là để hiểu đốn khởi nghiệp dụng, nói THỜI ấy là để hiểu thường khởi nghiệp dụng. Đây đều không đợi nhân duyên. Pháp nhĩ của chư Phật, văn kinh sau đều nói như vậy.
Hỏi : Nếu như thế vì sao XỨ chỉ có 8 hội, THỜI lại hạn cuộc trong hai tuần?
Đáp :
Về XỨ, phẩm Xá-na có kệ :
Trong từng mỗi bụi nhỏ
Phật quốc hải an trụ
Phật bủa mây hộ niệm
Trùm che hết tất cả
Hoặc :
Trong mỗi lỗ lông
Vô lượng Phật độ
Trang nghiêm thanh tịnh
An trụ tự nhiên
Phật Lô-xá-na
Trong hội chúng hải
Diễn thuyết chánh pháp
Thì biết, hội tuy chỉ có 8 nhưng nhiếp hết mười phương pháp giới.
Về THỜI, phẩm Phát Tâm nói: “Biết vô lượng kiếp chỉ là nhất niệm. Nhất niệm chính là vô lượng kiếp” thì hiểu, tuy THỜI chỉ có 2 tuần, nhưng nhiếp vô lượng kiếp hải.
Phẩm Bất Tư Nghị nói: “Tất cả chư Phật, trong mỗi bụi nhỏ hiện khắp tất cả Phật độ trong ba đời, trong mỗi bụi nhỏ hiện khắp thần lực tự tại của chư Phật trong ba đời, trong mỗi bụi nhỏ hiện khắp tất cả chúng sinh trong ba đời, trong mỗi bụi nhỏ hiện khắp tất cả Phật sự của chư Phật trong ba đời” thì hiểu, ba đời bao quát hết kiếp hậu tế và tiền tế, đều trong một bụi nhỏ. Vì pháp nhĩ của chư Phật thường hiện tiền.
2. Vì nguyện lực mà thuyết Hoa Nghiêm : Nhờ lực bản nguyện của Như Lai, khiến giáo pháp này ứng cơ liền hiện. Cho nên, phẩm Lô-xá-na có kệ :
Trong mười phương quốc độ
Tất cả thế giới hải
Nguyện lực Phật tự tại
Hiện khắp chuyển pháp luân
Lại có kệ :
Nhờ thần lực Phật Lô-xá-na
Chuyển pháp luân trong tất cả cõi
Do nguyện lực Bồ-tát Phổ Hiền
Âm thanh đầy khắp thế giới hải
Thì có thể hiểu, kinh này trùm khắp mười phương. Trong tất cả các thế giới như hư không, pháp giới v.v… cũng như ở các Phật độ trong bụi nhỏ, đều đồng loạt thuyết kinh này, đều là nguyện lực của đức Bổn sư. Cho nên, trong các hội, phần đầu đều nói đến bổn nguyện lực của Phật Lô-xá-na. Phẩm Vân Tập có kệ :
Vô lượng vô số kiếp
Pháp này rất khó gặp
Nếu có ai nghe được
Phải biết lực bản nguyện
Thì có thể hiểu, đây là do lực bổn nguyện của chư Phật mà chúng sinh được nghe. Cũng có chỗ tụng rằng :
Như Lai không ra đời
Cũng không có niết bàn
Do lực đại bổn nguyện
Mà hiện pháp tự tại
3. Vì cơ cảm mà thuyết Hoa Nghiêm : Như Lai bình đẳng không có biến khác, chỉ ứng theo tâm chúng sinh mà hiện thân thuyết pháp. Đây có 3 nghĩa :
1/ Lấy công đức thanh sắc thanh tịnh ở Phật quả làm tăng thượng duyên, ứng với căn khí của người mà thành nhiếp hóa. Phẩm Vân Tập có kệ nói về sự hiện thân như sau :
Có mắt có ánh sáng
Thấy được sắc vi tế
Do thần lực tối thắng
Tịnh tâm thấy chư Phật
Còn phẩm Pháp Giới có kệ nói về việc thuyết pháp như sau :
Phật với hạnh quá khứ
Được nhất âm vi diệu
Vô tâm với đây kia
Mà hay ứng tất cả
2/ Phật quả không có tướng thanh sắc thô, chỉ do nguyện lực tăng thượng của lý trí bình đẳng, cơ cảm tương ưng mà thành có ngôn thuyết hình tướng. Phẩm Vân Tập nói kệ:
Tất cả Phật ba đời
Pháp thân đều thanh tịnh
Tùy ứng cảm giáo hóa
Diệu sắc thân hiện khắp
Cũng nói :
Tất cả chư Như Lai
Không có thuyết Phật pháp
Tùy ứng cảm giáo hóa
Mà thành có thuyết pháp
3/ Bao gồm cả hai nghĩa trên, CÓ và KHÔNG đều vô ngại. Vì khế hợp với pháp giới không chướng không ngại, nên phẩm Xá-na có kệ :
Phật thân trùm khắp các pháp giới
Hiện khắp trước tất cả chúng sinh
Ứng cơ giáo hóa đều đầy đủ
Mà vẫn trụ nơi bồ-đề này
Tất cả Phật độ, bụi v.v…
Nơi ấy Phật tọa mỗi đầu lông
Đều có vô lượng chúng Bồ-tát
Vì họ thuyết đủ hạnh Phổ Hiền
Thì có thể biết, đây chính là phần hạn mà kinh này đề cập đến.
4. Vì vi bổn, mà thuyết Hoa Nghiêm : (Vi bổn : Là gốc). Nếu vì theo căn cơ của chúng sinh mà tạm ban thứ giáo pháp ngọn ngành thì đầu tiên cũng nên chỉ ra pháp gốc trước, để hiểu y nơi cái gốc ấy mới có cái ngọn kia. Vì thế, đầu tiên thuyết kinh pháp này, sau ở các nơi như vườn Lộc Uyển v.v… mới nói dần về cái ngọn là pháp Tiểu thừa v.v…
Phẩm Tánh Khởi nói kệ :
Như mặt trời lên
Trước chiếu núi cao …
5. Vì hiển đức mà thuyết Hoa Nghiêm : Là hiển bày công đức thù thắng của Phật quả để chư Bồ-tát tin tưởng, hướng về và chứng đắc. Đây có hai :
1/ Hiển y quả : Y quả là Liên Hoa tạng trang nghiêm thế giới hải.
2/ Hiển chánh quả : Chánh quả là thập thân Như Lai thông cả tam thế gian v.v…
Hai thứ vô ngại đó có bốn câu :
. Trong y quả hiện y quả : Như trong bụi nhỏ hiện Phật độ hải.
. Trong chánh quả hiện chánh quả : Như trong lỗ lông hiện Phật v.v…
. Trong chánh quả hiện y quả : Như trong lỗ lông hiện Phật độ hải v.v…
. Trong y quả hiện chánh quả : Như trong bụi nhỏ hiện Phật v.v…
Vì thế, chỉ đưa ra một môn thì nhiếp tất cả, không gì là không hết. Vì muốn hiển phần quả đức nói trên mà nói kinh này.
6. Vì hiển vị mà thuyết Hoa Nghiêm : Hiển vị, là nói về quá trình tu hành của Bồ-tát từ nhân đến quả. Có 5 giai vị tất cả. Đây cũng có hai :
1/ Môn thứ lớp tiệm tu : Gồm Thập tín, Thập giải, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, sau mới đến Phật địa. Cứ theo thứ lớp từ vị thấp tiến lần lên vị cao.
2/ Môn viên dung tương nhiếp : Trong một vị, nhiếp hết tất cả các vị trước sau. Cho nên, cứ mãn một vị là đều đến Phật địa.
Hai môn vô ngại này được nói rộng ở các hội sau.
7. Vì khai phát mà thuyết Hoa Nghiêm : Chỉ dạy phổ pháp này là muốn khai phát tánh Như Lai Tạng đầy đủ công đức trong tâm chúng sinh, khiến chư Bồ-tát y đây tu học, phá màng vô minh, tánh đức được hiển bày. Đây cũng có hai :
1/ Dùng ngôn thuyết chỉ dạy để chúng sinh biết mình có tánh Như Lai Tạng.
2/ Dạy chư Bồ-tát tu hành để tánh Như Lai Tạng đó được hiển bày. Như văn kinh nói “Phá tan vi trần thấy được quyển kinh …”.
8. Vì kiến văn mà thuyết Hoa Nghiêm : Pháp môn vô tận tự tại này chỉ là cảnh giới của hàng Bồ-tát ở địa tối cùng. Nhưng vẫn để chúng sinh thuộc các vị dưới được thấy nghe (kiến, văn) là muốn thành tựu chủng tử kim cang của họ, không cho hủy mất. Cần phải làm cho họ đến được địa vị rốt ráo. Như phẩm Tánh Khởi đã nói.
9. Vì thành hạnh mà thuyết Hoa Nghiêm : Chỉ dạy phổ pháp này là để chư Bồ tát thành tựu hạnh Phổ Hiền. Một hạnh tức là tất cả hạnh. Lúc mới phát tâm liền thành chánh giác. Đầy đủ tuệ thân chẳng do nơi khác mà ngộ. Lại nói “Bồ tát thọ trì pháp này dùng ít phương tiện mà chóng được A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề ...”. Đây cũng có hai nghĩa :
1/ Thành tựu ngay nhiều hạnh.
2/ Thành tựu tất cả hạnh trong pháp giới (phổ hạnh).
10. Vì đắc quả mà thuyết Hoa Nghiêm : Chỉ dạy phổ pháp này là muốn chư Bồ-tát được Đoạn quả và Trí quả ở Phật địa. Cũng có hai :
1/ Đoạn quả : Là trừ chướng. Phẩm Phổ Hiền nói: “Một chướng, tất cả chướng”. Phẩm Tiểu Tướng nói: “Một đoạn, tất cả đoạn”.
2/ Trí quả : Là thành tựu công đức. Đầy đủ thập thân biến khắp tam thế gian. Nghịch thuận tự tại. Y báo và chánh báo vô ngại. Như phẩm Bất Tư Nghì v.v… nói.
Chỉ bày 10 nghĩa trên để biết do đâu mà giáo kinh Hoa Nghiêm xuất hiện.