headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CỨU CÁNH TỐI HẬU CỦA TÔN GIÁO

 (Trích Thiền Vị Trên Đầu Lưỡi của Takashina Rosen)
Bản dịch: Hạnh Huệ và Thuần Bạch

Cứu cánh tối hậu của tôn giáo là gì ?
Và đâu là sự hiện hữu tôn giáo ?

Trong nền giáo dục hiện đại, rõ ràng con người đang hoang mang vì những lời giải đáp. Xu hướng rõ ràng nhất là xã hội (đặc biệt là đối với cái gọi là các phái phục hưng) chủ yếu hướng về chữa bệnh, bói toán và tế lễ. Điều đó làm mất đi bản chất đích thực của tôn giáo. Thật ra, đó là hiện tượng liên kết với tôn giáo, nhưng không phải là bản chất. Chỉ là làm dịu bớt cơn đau, nỗi bất hạnh và những giấc mơ ngớ ngẩn về giàu có và thành công. Nếu hiểu những điều đó là tôn giáo chân thật, thì tôn giáo không khác gì thuốc phiện.

Sự tham cứu tôn giáo chân thực không bao giờ đặt trên bình diện đáp ứng những khao khát theo thường nghiệm như vậy, mà phải là sự thâm nhập sâu xa vào cuộcsống hằng ngày, vào thế giới ngay trước mặt chúng ta, và tìm cách sống thực tế trong thực tại. Như thế mới gọi là trọng tâm của tôn giáo. Khi chúng ta nghĩ về cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy rằng đời sống được xây dựng trên những mâu thuẫn lớn lao. Vì thế, sự hiện diện của chính chúng ta không được đặt trên nền tảng vững chắc.

Vì chúng ta nhận thấy thế giới hư ảo và thấu hiểu tội lỗi sâu dày trong thái độ cư xử thường ngày của mình, nên lần đầu tiên phát sinh nỗi khát khao về thế giới chân thực, về giải thoát, về thanh tịnh vô cấu. Đây là sự biểu thị tinh thần tôn giáo. Lúc đó thế giới tôn giáo mở ra với chúng ta. Ngay khi ta nhận thấy tính vô thường của đời sống hằng ngày và tính bất ổn trong sự hiện hữu của chính mình, chúng ta có thực nhận ra sự mẫu thuẫn trong đó chăng? Dĩ nhiên, với tri thức, chúng ta có thể nhận hiểu điều trên nhưng không tận căn để. Chúng ta cảm thấy mâu thuẫn theo một cách nào đó, nhưng rốt cuộc chỉ là sự tự lừa dối trong cuộc sống của một người bình thường. (Đây là lý do vì sao trên quan điểm tôn giáo, thế gian được gọi là “Dối trá”).

Người thực sự tỉnh thức về tính chất vô thường và mâu thuẫn của thế gian thì lần đầu tiên thực sự tỉnh giác. Những người trong cuộc sống thường nhật, nếu không thể thấy được tự kỷ chính là chân tánh, thì chỉ biết có ham muốn tầm thường và đối với những việc trên thế gian, ý tưởng của họ không bao giờ rời khỏi vòng tạp nhạp luẩn quẩn và suy nghĩ thường tình. Những tham vọng của họ chỉ vì hạnh phúc thường nghiệm, vì các thứ vật chất danh và lợi, thế thì đâu là chân tánh? Trong cái xấu ác gọi là thế gian đó, chân tánh của họ bị che lấp và tự kỷ bị chôn vùi. Không hiểu rằng mọi sự sẽ qua đi, mà lại nghĩ tuổi già, bệnh hoạn và chết chóc - là số phận dành cho mọi người - chỉ xảy đến cho người khác. Và tự lừa dối mình, khi cho rằng bằng cách nào đó, mình sẽ sống mãi mãi. Họ phung phí thời gian để đeo đuổi danh lợi và quên mất tinh thần chân thật của một con người. Họ không có được sự tĩnh lặng và bình thản.

Trong một thế giới ngự trị bởi lừa đảo và tham vọng, tôn giáo không hiện hữu. Trong một đời sống như thế, “linh hồn” bị sụp đổ. Nhưng chính trong sự sụp đổ đó, lần đầu tiên tư duy về tâm linh xuất hiện. Họ bắt đầu quay lại mình và tìm cầu một thế giới mà tự ngã có thể sinh tồn. Đối với vấn đề này, thiền sư Đạo Nguyên nói rằng “Học đạo chính là học về tự ngã”, và “Học về tự ngã là quên đi tự ngã”. Quên đi tự ngã chính là giải phóng chân ngã khỏi bản ngã tù hãm. Danh tự “giải thoát” theo Hán tự có hai phần : “Được tháo ra” và “Thoát khỏi”. Do đó, theo nguyên nghĩa, đó là sự thoát khỏi ràng buộc và được tự do. Sự ràng buộc có thể cả về vật chất lẫn tinh thần. Có những người bị ràng buộc bởi bổn phận và tình cảm. Có người than khóc dưới gánh nặng những việc rốt cuộc không đáng gì. Có người lấy tâm buộc tâm không thể ngoi lên khỏi vực thẳm ...

Mọi người vẫn thường nghe về bệnh loạn thần kinh chức năng và sự quá kích động v.v… Y học hiện đại bảo cho ta biết đa số trường hợp, nguyên nhân bệnh trạng thuộc về tâm lý, tự mình trói buộc chính mình. Điểm cần lưu ý là, bất cứ sự kiện nào dù tưởng tượng, mộng mị hay ảo giác đều là tù hãm. Sự ràng buộc xuất hiện dưới vô số hình thức, nhưng đầu não của chúng - sự ràng buộc căn để – vẫn là vấn đề sống và chết. Những vấn đề khác chỉ là những thứ lẻ tẻ xuất hiện giữa sống và chết. Đối với vấn đề chủ yếu trọng đại đó, giáo lý của Phật cống hiến một giải pháp bảo đảm cho chúng ta sự bình an tối thượng. Trạng thái bình an tối thượng đó, gọi là niết bàn, là trạng thái trong đó có sự đồng nhất với chân lý vượt ngoài sống và chết. Hiện thực là một thánh giới từ bi và an lành. Niết bàn siêu việt sống và chết, là “sự sống” trùm khắp và bất tử của chính chúng ta. Trong sự sống đó, sự buộc ràng của sanh tử chợt có chợt không, nhưng với cuộc đời cá biệt trong khoảng trăm năm của chúng ta, tất cả đều bị chiếm cứ bởi những phiền nhiễu thường tình. Với phàm phu đó là đớn đau và phiền muộn. Thế thì ai gây ra những việc trên? Ai làm cho chúng ta bị thống khổ vì bị vây hãm bởi sống và chết? Đó là bản ngã, là vị kỷ. Bản ngã luôn luôn có lý lẽ biện hộ cho mình, không bao giờ nhìn xa hơn hành động bên ngoài. Luôn luôn cố gắng đáp ứng sự mưu cầu hạnh phúc cho riêng một tấm thân nhỏ bé này. Dưới cái nhìn thông thường, thân xác, chỉ hiện hữu trong khoảng khắc, lại muốn chống báng mọi lý lẽ, cốt để bám chặt vào một cuộc sống vĩnh cữu. Tuy có một “sự sống” toàn diện trùm khắp thời gian và không gian vô hạn lượng, nhưng bản ngã chỉ bám vào đời sống của một tấm thân độc nhất này và đi ngược với “sự sống” vô lượng vô biên.

Để minh họa thêm ta có một ví dụ : Có một cái chụp che phía trên một ngọn đèn lớn trong gian phòng chính của ngôi đền. Như thế đèn chỉ soi sáng một vùng thu nhỏ. Đời sống con người cũng hết như vậy. Một cái nhỏ nhoi so sánh với một sự sống vĩ đại. Vì trên căn để, đời sống chỉ là biểu hiện của sự sống cao tột, nên cuối cùng tự nhiên sẽ tìm con đường để trở thành một với sự sống vô lượng vô biên của niết bàn. Nếu sự sống này bị thu hẹp bởi bóng che của bản ngã, sẽ trở thành một cái gì rất nhỏ bé và bị trói buộc, bất mãn, ray rứt, đau khổ và bị giam hãm trong mọi thứ giới hạn. Sự giam hãm được cảm nhận như thể bị áp đặt từ bên ngoài, nhưng sự thật là không có xiền xích nào trói buộc mà chính do bản ngã áp đặt. Bản ngã đau khổ và tự giam cầm chính mình. Khi chụp che được tháo gỡ, ánh sáng thình lình chiếu rọi khắp cả gian phòng. Như thế cái ngã của đời sống nhỏ nhoi hiện tại, tuy không biến đổi, lại trở thành một với sự sống vô lượng vô biên của niết bàn, có khả năng chứng nghiệm chân lý thường hằng. Điều đó được gọi là sự sống vô ngã, hoặc là sự sống của Phật.

Tọa thiền có khả năng dẫn ta trực tiếp đến sự sống thường hằng vô ngã. Khi năng lực này đã chín muồi, sự phân biệt giữa đối tượng và chủ thể sẽ không còn nữa. Bỉ và thử, thử và bỉ trở thành “tuyệt đối”. Bấy giờ những động cơ ẩn khuất của hành nghiệp sẽ được giải tỏa. Chân lý thanh tịnh, vượt trên mọi tham đắm, trên mọi thường nghiệm hằng ngày, sẽ hiện lộ.

Đó là thế giới của chân lý. Đó là thực tại vượt trên mọi phân biệt do cá tính con người tạo tác. Nơi đó, sự đối nghịch giữa phải và quấy, thiện và ác, đẹp và xấu, ưa và ghét, thù và bạn … đều bị triệt tiêu. Đó là trạng thái tuyệt đối toàn mãn. Từ đó phát khởi một năng lực tạo dựng nền văn hóa toàn hảo và thanh khiết về học thuật, nghệ thuật, kinh tế và những lãnh vực khác sẽ phát huy, biểu hiện cho chân lý và thực tại. Điều này sẽ mang đến thịnh vượng thực sự cho con người. Đó là hào quang của đạo Phật và là cốt tủy của thiền tông. Sự khai phá năng lực đó chính là trọng tâm của Phật giáo.

[ Quay lại ]