Thiền viện trên biển
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 11 Tháng sáu 2008 09:18
- Viết bởi nguyen
Thông Thiền
Vừa nghe tên gọi thiền viện trên biển, thú thật tôi rất ngỡ ngàng. Một thoáng nghi ngờ. Nhưng khi ra đến tận nơi mới thấy như thật.
Thiền viện nằm trong vịnh Bái Tử Long, cảnh trí không giống những thiền viện khác. Trước mặt là biển, xa xa là những ngọn núi dàn ngang như tấm lá chắn, ngăn hết những luồng gió mạnh, khiến mặt biển êm như mặt hồ. Đó là thiền viện Giác Tâm. Tên gọi nôm na là chùa Cái Bầu. Tên chữ là Phúc Linh tự. Tọa lạc ở thôn 1, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Thiền viện trên biển thật nên thơ
Thấp thoáng thành hàng núi nhấp nhô
Có lẽ lòng người tu tĩnh lặng
Nên biển êm như nước mặt hồ.
Sáng sớm triều dâng cũng chỉ nghe tiếng sóng vỗ rì rào chứ không ì ầm như những bờ biển nơi khác. Sóng biển không to. Đứng trên triền núi nhìn xuống, trông thật phẳng lặng, gợi nhớ đến mấy vần thơ Bùi Giáng:
Nước vẫn ngân lời hoài vọng cũ
Bên rừng cây lá bóng sơ nguyên
Phải chăng nước non kỳ tú nơi đây giống với thiền viện Chơn Không, Vũng Tàu vừa có núi rừng, vừa có biển cả? Nhưng có điểm trội là tiếp cận được với biển, không bị ngăn cách với phố thị, tránh được tình trạng “kinh kỳ bụi quá xuân không đến”. Đó là môi trường rất tốt cho ai muốn tu hành, biết tránh việc hơn thua phải quấy, ghê sợ sự quyến rũ của sắc đẹp âm thanh và tha thiết sống với “buổi đầu sơ nguyên cũ”.
Mặt nước bao la phẳng lặng như gương in hình những hòn đảo khiến ta liên tưởng đến hình ảnh trong kinh Hoa Nghiêm nói về Hải ấn tam muội. Hải ấn là lấy dụ đặt tên. Khi biển cả gió lặng sóng yên, sum la vạn tượng đều in trên mặt biển. Dụ cho sóng thức không sinh, trong sáng, tất cả pháp trong ba đời đều hiện rõ ràng. Vì thuận theo chúng sanh nên ở trong phi ứng lại tùy cảm mà ứng. Giống như gương sáng, vật đến liền hiện một cách vô tâm, không có phân biệt.
Đức Phật dạy rằng, ai cũng có thể thành Phật nếu tu tập đầy đủ tâm đại bi và viên mãn hạnh Bồ tát. Vô lượng kiếp quá khứ, Phật và hiền thánh đều trải thân hành Bồ tát đạo, làm lợi ích cho chúng hữu tình, mới đạt được Vô thượng Đẳng giác. Ngày nay, muốn thành tựu quả vị như Phật, chúng ta cũng phải phát tâm Bồ đề, dấn thân tu Bồ tát đạo. Đó là tư tưởng nòng cốt của Phật giáo Đại thừa.
Đỉnh cao của hệ tư tưởng này là kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm giới thiệu Đức Phật và cách tu thế nào để thành Phật, tức Bồ tát hạnh. Tinh thần Hoa Nghiêm cho chúng ta ý niệm về Đức Phật hoàn toàn mới, khác hẳn các bộ kinh Đại thừa khác. Đức Phật không bị giới hạn trong một loại hình cố định nào.
Thật vậy, Hoa nghiêm mở ra cho chúng ta tầm nhìn phóng khoáng, theo đó không có gì không phải là Phật. Đó mới là Đức Phật chân thật. Phật này là Phật huệ, trí huệ Phật hiện vào thân đồng nữ thì đồng nữ đó là Phật, hiện trong thân trưởng lão thì trưởng lão đó là Phật …
Tư tưởng đặc biệt của Hoa Nghiêm về sự hiện hữu vĩnh hằng của một Đức Phật toàn diện đòi hỏi chúng ta phải đạt đến một trình độ nhất định nào đó mới có thể hiểu, sống và hành đạo như vậy.
Đứng trên lập trường bao quát, thấy Phật là thấy tất cả, là pháp giới, được kinh Hoa Nghiêm tiêu biểu qua hình ảnh 10 loại thân: Ngũ ấm thân, Quốc độ thân, Chúng sanh thân, Thanh văn thân, Duyên giác thân, Bồ tát thân, Như Lai thân, Trí thân, Pháp thân, Hư không thân. Hay có thể nói 10 loại hình này là diễn tiến sự sống từ chỗ thấp nhất đến chỗ cao nhất là quả vị Phật, và từ Phật giới chi phối ngược lại toàn bộ các loài hữu tình và vô tình. Thế nên nói sum la vạn tượng đều in trên mặt biển.
Thực tế cho thấy các vị chân tu hành đạo với tâm thanh tịnh an vui, thì tâm ấy sẽ tác động khiến người trông thấy liền phát tâm bồ đề và an vui theo. Trái lại, người dùng lời nói tuy ngọt ngào nhưng xuất phát từ tâm gian ác, thường để lại sự cảm nhận ghê sợ và tin không được. Cho nên, việc tu hành của Đại thừa đặt nền tảng trên sinh hoạt của tâm là chính. Nếu tâm thực sự thiện sẽ kết thành quả tốt, dù cho hành động chất phác có vẻ vụng về. Sức mạnh phi thường của tâm chi phối, khiến việc thành tựu, không cần phải cử thân động niệm. Kinh gọi đó là vô tác diệu lực. Đó là ý chính mà kinh Hoa Nghiêm muốn đề cập đến.
Trong thiền sử có đề cập đến việc này không ?
Thiền sư Mộng Song Tự Thanh ở chùa Thọ Quốc tại Minh Châu, nhân ngày Phật nhập Niết bàn, thượng đường nói “Phật chân pháp thân giống như hư không, vì sao ngày rằm tháng Hai lại ở dưới cây song lâm ra vẻ như chết?” Im lặng giây lâu, lại nói “Bóng trúc quét thềm không dấy bụi. Bóng trăng xuyên biển chẳng vết hằn”.
Hoặc như trong Ngữ lục của Thiền sư Thiên Như Duy Tắc ghi “Nạp Tăng có một việc vượt mức bình thường, nói phải nói trái đều trừ bỏ, vừa biết nắm hư không, bít hư không, vừa biết phóng lao theo lao, Hán đến hiện Hán, Hồ đến hiện Hồ”. Bồ tát khi gặp việc, biết rõ ngọn ngành và giải quyết mọi việc êm đẹp. Nhưng không có việc thì tâm lặng yên. Người trí thức bình thường, chưa găp việc đã tính toán lăng xăng, nhưng đụng việc lại không giải quyết được. Với Bồ tát, yếu tố Hải ấn tam muội có sẵn, tâm họ như tấm gương. Những gì xảy đến là in bóng trên gương, họ biết rõ. Ta bị đủ thứ lăng xăng lộn xộn phủ đầy, nên hình không hiện lên được.
Đem kinh đối chiếu với thiền, quả là một cuộc tao phùng kỳ thú. Qua đó ta hiểu rõ được ý nghĩa của việc xây dựng ngôi thiền viện trên biển này. Cuối cùng xin thành tâm chắp tay cầu nguyện cho ngôi thiền viện trên biển hiện nay và cũng là ngôi thiền viện trên sườn núi ven biển trong tương lai được hoàn thành. Chúng ta có thể đồng cảm với lời thơ của Sa môn Nhất Thanh đã viết:
Thiền viện trên biển sao lạ!
Biển trăng với núi một màu
Ồ đêm vời vợi vị biển
Một lần cho cả xưa sau.