Y KINH LIỄU NGHĨA, KHÔNG Y KINH BẤT LIỄU NGHĨA
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 07 Tháng sáu 2008 20:16
- Viết bởi nguyen
Chân Hiền Tâm
Kinh BẤT LIỄU NGHĨA, Tự Điển Phật Học giải thích là “Kinh không trọn nghĩa”. Kinh không trọn nghĩa là loại kinh mới nói nửa chừng, chưa nói đến chỗ rốt ráo. Suy ra, kinh LIỄU NGHĨA là kinh đã nói trọn nghĩa, là nói đến tận cùng. Song nói nửa chừng là nói cái gì và nói rốt ráo là nói ra sao ?
Cả ngọn núi mà mới diễn tả một nửa hay hai phần ba ngọn núi thì gọi là nói nửa chừng, còn diễn tả luôn cả ngọn núi thì gọi là nói rốt ráo. Thức không chỉ có 6 mà còn có thức Alaida và Matna. Nhưng nếu kinh ấy chỉ nói đến 6 thức rồi ngừng, cho việc diệt được 6 thức là niết bàn của người tu … thì biết kinh đó chưa trọn nghĩa. Chưa trọn vì chưa nói đến phần thâm sâu là Alaida. Nói đến niết bàn nhưng chưa phải là niết bàn tự tánh rốt ráo, nên gọi là KINH BẤT LIỄU NGHĨA.
Trọng tâm mà kinh luận thường nói đến đều loanh quanh trong mấy vấn đề Duyên Khởi, Nhân Duyên và Nhân Quả. Ba thứ này không có gì khác nhau. Chỉ tùy trường hợp và mức độ thô tế mà lúc thì nói Nhân Duyên, lúc thì nói Duyên Khởi v.v… Tùy duyên thì có 3 tên, chỗ rốt ráo thì không. Kinh luận nào chỉ nói đến mặt hiện tượng tùy duyên của chúng, mà không đề cập đến phần thâm sâu của chúng, gọi là kinh bất liễu nghĩa. Kinh luận nào nói đến phần thâm sâu của chúng, gọi là kinh liễu nghĩa. Phần thâm sâu ấy, kinh luận gọi là tánh không, chân như, niết bàn tự tánh, Như Lai Tạng, không - bất không, Phật tánh, pháp thân, Tri kiến Phật v.v…
Đó là ý nghĩa và phân loại của kinh liễu nghĩa và bất liễu nghĩa.
Lên được tận đỉnh rồi thì trời cũng thấy đủ mà đất cũng thấy đủ. Còn ở lưng chừng thì vẫn còn nhiều hạn chế. Muốn lên đến đỉnh thì phải y theo bản đồ có trọn ngọn núi. Vì thế Phật dạy “Y theo kinh liễu nghĩa, không y theo kinh bất liễu nghĩa”.
Kinh Niết Bàn nói “Liễu nghĩa gọi là tri túc, trọn không dối hiện oai nghi thanh bạch, không kiêu mạn, tự cao, tham cầu danh lợi, trong giáo pháp của Như Lai tùy nghi phương tiện không sanh lòng chấp trước. Nếu vị nào an trụ được trong những điều ấy, phải biết người này đã trụ được trong Đệ nhất nghĩa đế. Đây gọi là y theo kinh liễu nghĩa”. Kinh liễu nghĩa mà Phật nói đây là loại kinh sống mà mọi người chúng ta vốn đầy đủ. Nó là loại kinh vô tự ngài Tam Tạng thỉnh ở Tây Thiên. Loại kinh sống này chỉ tự mình trực nhận lấy. Những tướng như tri túc, không dối hiện oai nghi v.v… là những hình tướng giúp mình biết khi nào mình sống được với vốn kinh sẵn có ấy. Đây là kinh liễu nghĩa mà Phật muốn người tu phải y theo.
TRI TÚC là biết đủ. Biết đủ là có một không cầu hai, không đứng núi này trông núi nọ. Nó biểu hiện cho việc làm chủ của người tu. Tri túc thì không có tâm mong cầu. Ngài Hoàng Bá nói “Đừng nghĩ và quên mong muốn thì Phật hiện ra trước mắt”. Phật hiện, là chỉ cho Đệ nhất nghĩa đế nói đây, là kinh liễu nghĩa của chính mình.
OAI NGHI là chỉ cho những hình tướng biểu hiện bên ngoài của mình, từ cách ăn nói, đi đứng, cho đến cách sống … THANH BẠCH là chỉ cho những gì trong sáng tự nhiên, giản dị, nề nếp, đoan chính, nghiêm chỉnh nhưng không cứng ngắt màu mè. Luận Tối Thượng Thừa ghi “ … Khi đi, đứng, nằm, ngồi, đối với ngũ dục và bát phong không để mất tâm ấy, người đó hạnh thanh bạch đã lập …”. Nghĩa là, trong cuộc sống đây, nếu mình bình thản được với những nghịch thuận của thế gian là mình có oai nghi thanh bạch. Đây là nghĩa rốt ráo của thanh bạch. Còn con người mình thế nào mình sống y theo thế ấy, không giả dối che đậy những cái dở hoặc cố khoe bày những cái hay, gọi là KHÔNG DỐI HIỆN.
Danh lợi, kiêu mạn, tự cao là những biểu hiện của ngã tướng. Nó là những tướng đi ngược lại với việc tu hành. Vô ngã thì ai tham cầu và ai tự cao? Có khi người tu bỏ được lợi mà danh thì vướng. Vì nó vi tế hơn lợi. Bố thí cúng dường tài vật mà thấy mình tốt hơn người là một dạng bỏ lợi vướng danh nói đây.
KIÊU MẠN, TỰ CAO là coi mình ngon hơn thiên hạ. Đây là cái bịnh khó trị nhất của chúng sanh. Người mà không có gì trong người hết thì không biết dựa vào đâu để thể hiện kiêu ngạo chứ không hẳn đã không kiêu mạn. Còn thường, người sở đắc về thứ gì thì hay kiêu mạn về thứ đó. Người làm ra tiền nhiều thì hay tự cao về tiền bạc, người giảng pháp được nhiều người thích thì hay tự cao về tài giảng pháp v.v… Chỉ người có được ĐỊNH HUỆ BÌNH ĐẲNG thì không vướng vào bịnh này. Vì thế, không kiêu mạn tự cao là một phần trong những thứ để mình biết mình sống được với kinh liễu nghĩa của mình chưa.
Mình vướng vào những thứ này vì trí tuệ của mình thuộc loại nửa chừng. Nửa chừng là loại trí do học hỏi trên sách vở hoặc lượm lặt từ người khác mà được. Còn không thì có trí tuệ mà chưa đạt được sự thường hằng. Ngài A nan gọi cái bịnh không thường hằng này là “sốt rét cách ngày”. Những lúc sốt rét ấy, mình dễ vướng vào cái kiêu mạn tự cao nói đây. Cái kiêu mạn tự cao này gốc của nó rất sâu. Ngài Hoàng Bá gọi nó là bịnh trong niết bàn. Không giác được nó khi nó mới chớm, cũng không có Thiện tri thức bên cạnh thì buông nó không phải dễ.
Hồi mới đến thiền viện đây, một chữ a tôi cũng không biết. Chỉ biết cặm cụi làm theo những bài giảng của Thầy. Thầy nói đi hai chân thì tôi đi hai chân, Thầy nói đi bốn chân thì tôi đi bốn chân, ngoài ra không biết gì hết ... Tu 4 năm, đức ông của tôi giải Trung Luận, việc ấy đối với tôi cũng không khó. Nhưng lúc ấy không biết kiêu mạn, chỉ thấy thích thú và càng tin tưởng vào các bậc Thầy cũng như việc tu hành của chính mình. Đến khi biết bộ luận ấy là thứ khó gặm và thuộc loại cao siêu của Phật pháp thì tự nhiên mọi thứ đổi khác. Cái cổ bỗng nhiên cứng nên cái mặt không cúi xuống được. Miệng không mở thì thôi, mở ra thì bản thân mình nghe còn chướng, nói là người đối diện. Biết những tướng đó xấu nhưng càng cố sửa thì mọi thứ càng ngọng nghịu, khó chịu. Làm sao sửa được tướng bên ngoài khi gốc kiêu mạn bên trong đã đầy ắp? Biết hết, nhưng vì lỡ để nó bùng phát, không giác được nó ngay từ gốc, thành cớ sự mới ra như vậy. Phải đợi Sư Phụ dếnh một đòn chí tử, nó mới chịu nhả mình ra. Thành ai có được sở đắc gì trong việc tu hành thường muốn xa rời vị Thiện tri thức của mình để làm vương một cõi, nhưng thật ra càng có sở đắc nhiều, càng cần Thiện tri thức nhiều mới phải. Biết đó mà buông còn không được, huống là không biết mà cứ để nó phát triển. Tai họa không phải ít. Có lẽ đây là lý do vì sao thời nay nhiều người tu mình thấy có vẽ xuất chúng, lại là người gãy đổ sớm hơn những người chậm lụt. Do không ý thức được cái kiêu mạn tự cao này đây.
“Đối với giáo pháp của Như Lai TÙY NGHI PHƯƠNG TIỆN không sanh lòng chấp trước” là học đạo thì phải y cứ trên tình thần đức Phật muốn nói chứ đừng nên dính chặt vào những hình thức bên ngoài cũng như từ ngữ. Giáo pháp của Như Lai chỉ là phương tiện, tùy theo điều kiện lịch sử và căn cơ của chúng sanh từng thời mà lập, không mang tính cố định. Cho nên, giữ là giữ tinh thần, không phải giữ hình tướng. Người xưa nói “Bất biến mà tùy duyên”. Giữ hình tướng mà đánh mất tinh thần là mình đã chấp trước vào phương tiện của Như Lai. Như giới không sát sanh, Không sát sanh là hình tướng, còn tinh thần của việc không sát sanh là để mở rộng lòng từ, để lợi ích cho chúng sanh. Đây là lý do vì sao đức Phật giết tên ăn cướp cứu 500 mạng người, Tổ Trúc Lâm cầm quân chống xâm lược. Chư vị không giữ lấy hình tướng ấy vì hình tướng ấy trong những điều kiện ấy không còn mang tinh thần đức Phật muốn nói nữa. Vì giữ tinh thần từ bi, nên chư vị có những hình tướng mình thấy trái lại với tướng không sát sanh. Đây là một ví dụ để mình hiểu về thứ “Tùy nghi phương tiện không sanh lòng chấp trước”. Đây cũng là một loại “Y theo nghĩa không y theo lời” đối với kinh điển của chư Phật.
TỔNG KẾT
Đưa ra TỨ Y trên, Phật muốn giúp người tu chúng ta không lạc bước cũng như không bỏ qua những cơ duyên tốt đẹp trên con đường trở về cội nguồn chân thật của mình. Biển Phật pháp mênh mông mà nghiệp tập của chúng ta thì vô vàn. Hạnh nguyện của chư vị Bồ tát nếu không sâu dày, nếu các vị không dùng nhiều phương tiện, nhiều hình, nhiều dạng … thì ta khó thoát được nghiệp tập của chính mình. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói “Người ấy, trong khoảng thời gian từ khi mới phát tâm cầu đạo đến khi thành Phật, đều nương nơi chư Phật và các vị Bồ tát : Hoặc thấy, hoặc niệm về các vị. Hoặc được các vị hóa thân làm quyến thuộc, cha mẹ, người thân, người giúp việc, bạn hữu, kẻ oan gia v.v... Như vậy với tất cả mọi việc làm với vô lượng duyên hạnh”. Để giúp người tu, hóa thân của chư vị không những chỉ có thuận mà còn nghịch ... Nếu đã nhất quyết với việc tu hành thì thuận hay nghịch, xấu hay tốt đều là nước cam lồ của người tu. Hòa thượng Thường Chiếu nói “Khi việc gì xảy ra với con, đừng hướng theo đó mà hãy quay lại xem xét chính mình”. Việc chính của người tu thiền là vậy. PHẢN QUAN TỰ KỶ BỔN PHẬN SƯï.