CUỐI ĐƯỜNG
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 22 Tháng ba 2008 21:26
- Viết bởi nguyen
Tâm Hạnh
Mỏi gót phong trần, con người thường tìm đến chốn tùng lâm cô tịch, hút mình trong khói ngút non xa. Họ hướng đến một vị chân tu, mong được đôi lời chỉ dạy, ngõ hầu làm tư lương cho cuộc sống mới. Bất ngờ vị sư già nhìn thẳng, nghiêm giọng vỏn vẹn chỉ một câu “Chớ vọng tưởng!”. Thật chới với hụt hẫn không chỗ bám víu. Mọi tích chứa từ xưa, ngay đây biến mất. Họ vội ngẫm nghĩ tìm lấy một ý tưởng mới. Nhưng “chớ vọng tưởng”, tìm gì ?
Sao không chịu dứt tâm tìm kiếm ấy đi, thẳng đó buông tay, thình lình trời đất mở toan, thắp sáng đại thiên sa giới, nhận lại người cha muôn thuở với gia tài kết xù, khoác lại mãnh áo xưa, thẳng vào đầu đường xó chợ cùng bạn bè vui đùa thỏa thích ?
Thật đáng tiếc khi chưa dừng tâm tìm kiếm, còn ngẫm tìm xem là nghĩa lý gì. Có vậy mà luống lầm qua.
Bởi con người đã quen tìm cầu bên ngoài. Tâm vừa hơi trống, vội tìm thứ gì đó để bám viú vin theo. Nhận giữ bóng dáng bên ngoài, lấy đó mà đắc ý thỏa thích, bỏ quên chính mình. Thử hỏi những thứ bên ngoài có thể giải quyết được gì đối với việc sanh tử lớn lao ?
Xưa kia dưới trướng hội của tổ Bá Trượng, Trí Nhàn nổi tiếng là người hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Nhưng khi Qui Sơn hỏi một câu trước khi cha mẹ chưa sanh, dốc hết tâm trí vẫn không tìm được câu đáp thỏa đáng. Những gì xưa kia từng ôm giữ, giờ mới thật vô nghĩa làm sao! Đành buông hết muôn duyên, náu mình trong am lá, từ bỏ Phật pháp, chỉ làm tăng thường cơm cháo qua ngày.
Ai trong cảnh khốn cùng mới cảm thông được nỗi khốn cùng. Khác gì xưa kia Lâm Tế ba lần thưa hỏi đại ý Phật pháp, ba lần bị ăn gậy. Vẫn chưa thể ngay đầu gậy bật tung, còn thắc mắc có lỗi hay không lỗi. Đành đánh mất cơ hội, chỉ còn biết khóc từ giã ra đi.
Thật là một thủ đoạn ác! Áo cơm gom góp bấy lâu, ngày nay Qui Sơn một lúc đồng thời cướp sạch. Chỉ một lời buông ra, giết chết cả đời người. Trí Nhàn bấy giờ muôn việc tự lìa lúc nào không rõ. Phật pháp không còn đếm xỉa, còn gì ham muốn để bám theo ?
Hoàng Bá cũng không kém phần độc ác. Chỉ tung ba gậy, ép người vào cảnh khốn cùng. Khác nào trong Mật Am Ngữ Lục đã viết “Phía trước đâm thủng chỗ bít cứng, phía sau xua binh đánh đuổi. Thật là lên trời không lối, xuống đất không đường. Cầu sống chẳng được. Muốn chết không xong. Thường ngày học được cơ trí, đến trong ấy một chút cũng không dùng được”.
Túng quẩn đến thế là cùng. Vũ mưu trang bị thường ngày, bây giờ toàn không chút dụng. Bàn thiền luận đạo, lúc này tìm chút thoát thân không ra. Biện trí biện cơ đến trong đây cũng chịu. Bao nhiêu vui thú thường ngày, xem ra thật là vô vị. Tìm lại những gì đã học, không được một câu có thể giải quyết lúc này. Nghĩ tiến lên nữa, phía trước bít ngăn không lối.
Bấy giờ trong bốn oai nghi, đi đứng tới lui, thân tâm phải thẳng đứng như tường vách. Cốt phải toàn hết lực lượng, phấn chấn tinh thần. Thình lình trong một duyên, vô tình chạm đến, bất chợt vỡ toan … Mới thấy đất sáng hẳn ra, cây cỏ con người chưa từng ngăn cách. Cảnh vật thường ngày bây giờ thấy đẹp lạ thường. Côn trùng cây đá thảy đều tuyên diệu pháp âm. Ngọn lá khẻ lay cũng làm toát lên sức sống kỳ diệu. Thân tâm rớt sạch, rõ ràng một thể tinh minh. Bao mối nghi giờ bỗng dưng tan sạch như băng tiêu. Nhìn lại công phu tu hành bấy lâu, thật là lăng xăng đặt bày lắm chuyện. Nói bao nhiêu đó, bôi nhọ Tổ tông cũng quá lắm rồi. Phần còn lại, xin dành cho những ai một phen mạnh dạng quyết tử.
Nếu không một phen sạch tận đáy lòng, cháy rụi tâm can thì ngài Trí Nhàn không thể có ngày phát cười tuyên bố “Đổi sắc bày đường xưa”, Lâm Tế không thốt lên câu “Xưa nay Phật pháp Hoàng Bá không nhiều”, Đức Sơn không nói “Từ nay về sau, chẳng còn nghi ngờ lời nói của chư lão Hòa thượng trong thiên hạ”. Cần phải buông tay rũ sạch. Nước sâu đầu đường, nếu không để ướt gót chân, liền ngồi an ổn nơi quê nhà.
Hoa trái khắp vườn, cơm canh bày sẵn, nhọc gì bôn ba tìm kiếm ? Suốt ngày nhằm trên đỉnh núi cao hay ngoài biển cả mù khơi mà đủng đỉnh tung tăng, mặc tình ca hát, chẳng vui thích hay sao ?