headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

DUY MA CẬT- TRẢ LỜI BẰNG IM LẶNG

 (Trích trong Zen Buddhism : History/ India and China của James W. Heisri & Paul Knitter).

Việt dịch: Cư sĩ Từ Mẫn Nguyện

Kinh Duy Ma, một bộ kinh đưa ta quay về lại thời đức Thích Ca Mâu Ni, là một lối thể hiện duyên dáng tinh thần và giáo lý Đại thừa. Nhân vật chính của bộ kinh là cư sĩ Duy Ma Cật. Mặc dù chưa xuất gia thọ giới nhưng ngài đã đạt được trình độ tu chứng cao thâm dưới hình thức một cư sĩ bình thường và sống cuộc đời một vị Bồ tát. Không biết, liệu Duy Ma có được liệt vào hàng tín đồ độc đáo của Phật như kinh thường nói hay không. Tên ngài có nghĩa là Tịnh Danh. Bộ kinh đã phát họa hình ảnh lý tưởng của một Bồ tát cư sĩ. Đó là một khích lệ lớn đối với hàng Phật tử tại gia khi kinh đưa ra mặt nổi trội của con đường Bồ tát so với con đường Thanh văn.

Ra đời từ cuối thế kỷ thứ 2 công nguyên, kinh Duy Ma - tên đầy đủ là Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh – là một trong những bộ kinh Đại thừa nguyên thủy. Nhiều giả thuyết cho rằng, lúc soạn thảo bộ kinh này, các bản văn căn bản của Đại tập kinh Bát Nhã Ba La Mật đã có. Kinh Duy Ma cũng lấy cái “không” nói trong các kinh Bát Nhã làm nền tảng. Xét theo trường phái Trung Quán, nó thuộc về truyền thống nguyên thủy. Tâm nói đây, không hiểu theo thuyết duy tâm như trong thuyết của Du Già mà là vô tâm.

Kinh Duy Ma là một bộ kinh được dịch sang Hoa ngữ nhiều hơn bất kỳ bộ kinh nào khác. Đáng chú ý nhất là 2 bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập (350-490) và Huyền Trang (600/2-664). Trong khi bản của ngài Huyền Trang, được dịch từ một bản đã được hiệu đính, cho thấy kinh Duy Ma đang ở giai đoạn phát triển cao nhất, thì chính nhờ bản dịch của Cưu Ma La Thập mà bộ kinh được truyền bá rộng rãi ở Đông Á.

Tại Nhật, người sớ giải kinh Duy Ma nổi tiếng nhất là vị Nhiếp chính vương của Nhật Bản, thái tử Thành Đức. Kinh cũng thường được dịch sang tiếng Tây Tạng và những ngôn ngữ miền Trung Á. Người Tây phương biết đến bản văn ngắn gọn qua ba hay bốn bản dịch Anh ngữ, một bản Pháp ngữ và một bản Đức ngữ.

Ở Trung Hoa, kinh Duy Ma thuộc về dòng kinh truyền thống từ Bát Nhã đến Thiền. Kinh thiên về lối sử dụng nghịch lý và những câu nói phủ định. Nhiều đoạn luận về thiền định và trí tuệ giác ngộ cho thấy nó quy hướng về thiền.

Trong chương 3, cảnh mà kinh miêu tả biểu trưng cho giáo lý mà kinh muốn nói : Phật đề nghị một trong số những đại đệ tử của mình đến thăm Duy Ma (Trước kia Phật cũng từng phái 500 vị đệ tử xuất sắc đến thăm Duy Ma). Duy Ma Cật đang bệnh, nằm trên giường tại nhà. Nhưng bệnh của ngài chỉ là loại phương tiện thiện xảo nhằm thu hút mọi người đến để giáo hóa. Đệ tử nào được phái đi sẽ thăm hỏi bệnh tình người cư sĩ khả kính. Nhưng ai cũng từ chối, viện cớ trước đây mình từng bị Duy Ma bắt bí, vì vốn kiến thức Phật học của mình quá hạn chế.

Được trí tuệ KHÔNG thúc đẩy, Duy Ma Cật lý giải cho từng vị nghe thế nào là thiền định đúng nghĩa, thuyết pháp và giảng dạy đúng nghĩa, khất thực và thọ nhận đúng nghĩa, sám hối và công đức đúng nghĩa. Đó cũng là nội dung chính của chương 3.

Cuộc gặp gỡ với Xá Lợi Phất, cuộc gặp gỡ đầu tiên được ghi trong kinh là phần quan trọng nhất đối với chúng ta. Xá Lợi Phất lặp lại lời của Duy Ma Cật nói về cách thức thiền định đúng đắn như sau “Khi tôi đang tịch lặng tọa thiền dưới một gốc cây trong rừng sâu, ngài Duy Ma lại gần và bảo “Thưa ngài Xá Lợi Phất, hà tất phải ngồi sững như thế mới là tọa thiền? Ngồi yên lặng trong ba cõi mà không hiện thân ý, đó mới là tọa thiền. Không khởi diệt tận định mà hiện các oai nghi, đó mới là tọa thiền. Không rời đạo pháp mà hiện các việc phàm phu, đó mới là tọa thiền. Tâm chẳng trụ trong chẳng trụ ngoài, đó mới là tọa thiền. Đối với các kiến chấp, tâm không động mà hằng tu tập 37 phẩm trợ đạo, đó mới là tọa thiền. Không đoạn phiền não mà vào niết bàn, đó mới là tọa thiền. Ai ngồi được như thế sẽ được Phật ấn khả”. Nghe đến đó, Xá Lợi Phất đớ lưỡi, không tài nào đối lại.

Trong đoạn trích trên, ta thấy sự tương phản giữa hình thức thiền định của Đại thừa và kinh tạng Pali. Nhìn từ góc độ thiền, nhiều điểm thiết yếu của hình thức thiền định Phật giáo mới mẻ này (nói mới mẽ nhưng thật ra vẫn gần với hình thức nguyên thủy ) có sức thu hút riêng. Tự thân tọa thiền tịch lặng chưa đủ. Trong pháp thiền năng động và không có đối tượng của Đại thừa, giá trị và hoạt động trong mỗi ngày có mối liên hệ với trạng thái định tâm sâu lắng nhất.

Còn về 37 phẩm trợ đạo, kinh cũng thể hiện cho ta thấy mối liên quan của nó với truyền thống, trong khi đó thiền cũng có mối liên hệ. Điểm nổi bật nhất của thiền - được ghi nhận vào cuối cuộc đàm đạo - là không hề đoạn trừ phiền não, từ bỏ cái động. Các bản dịch không thống nhất về đoạn này. Với bản dịch rõ ràng và hoàn chỉnh của Cưu Ma La Thập, chúng ta không nhất thiết phải diệt trừ phiền não để thành tựu giác ngộ. Đó chính là quan điểm của Lục Tổ Huệ Năng và những môn đệ của ngài trong Thiền tông Trung Hoa. Sau này ta sẽ bàn nhiều hơn về các quan điểm khác nhau liên quan tới vấn đề này trong phần Thiền tông Trung Hoa.

Nhận xét của Duy Ma Cật về cách thức thiền định đúng đắn đưa ta đến gần việc tu tập thiền định của Thiền tông. Ở thời điểm mà tại đó kinh Duy Ma đạt đến cực điểm của nó, thì không hề sai lầm nếu ta nói có sự hiện diện của Thiền. Chương 9 mô tả cảnh khi Bồ tát trí tuệ Văn Thù Sư Lợi hỏi Đại chúng “Thế nào là Bồ tát nhập pháp môn bất nhị?”, 32 vị Bồ tát mỗi người trả lời mỗi cách. Mỗi vị mô tả cảnh giới bất nhị bằng cách đưa ra một loạt những cặp từ đối đãi như sanh - diệt, tịnh - nhiễm, ngã - ngã sở, sanh tử - niết bàn. Kế đó, các Bồ tát hỏi lại Bồ tát Văn Thù. Ngài đáp “Theo thiển ý của tôi, đối với tất cả pháp, không nói, không rằng, không chỉ, không biết, xa lìa các vấn đáp, đấy là nhập pháp môn bất nhị”.

Sau đó ngài Văn Thù yêu cầu ngài Duy Ma Cật hãy nói quan điểm của mình. Duy Ma Cật im lặng không nói. Chính sự im lặng của ngài mà Bồ tát Văn Thù tán thán không ngớt “Hay thay! Hay thay! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, ấy mới thật là nhập pháp môn bất nhị”.

Chính vì thế mà tất cả các Thiền sư miễn cưỡng khi diễn tả sự giác ngộ - pháp môn bất nhị - bằng ngôn từ văn tự. Thực tại thì không thể nghĩ bàn, vốn siêu việt mọi đối tượng, chỉ được thực chứng trong sự giác ngộ. Trong một chương sau, bô kinh nói đến cõi Phật thanh tịnh. Ở đó các Bồ tát thành tựu viên mãn công hạnh Phật bằng con đường độc hành độc bộ, không nói, không chỉ, không biết, không làm, không tạo tác. Tính nghịch lý trong cuộc đời Bồ tát và những hình thức phủ định đặc thù cũng thể hiện nơi những môn đệ Thiền tông, chỉ cho ta thấy con đường đi đến giác ngộ. Kinh vẫn thường nói về các Bồ tát “Sự tịch tĩnh là trú xứ của Bồ tát”. Từ sự vô hành tịch tĩnh đó, hoạt động thanh tịnh của các ngài tuôn chảy. Kinh Duy Ma, cũng giống như thiền đạo, song hành cùng trí tuệ. Nó thuộc Đại thừa chính thống. Do đó nó gần gũi với Thiền tông.

 

[ Quay lại ]