headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 09/01/2025 - Ngày 10 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CHẶN ĐƯỜNG GAY GO

 Đạo Tâm

Khi bước vào thiền viện, tôi tưởng tu hành thảnh thơi lắm. Té ra đủ thứ chuyện trên đời. Nào là thức khuya dậy sớm. Nào là cuốc đất trồng khoai. Nào là học tập tọa thiền. Trong đó nỗi khổ lớn nhất của tôi là tọa thiền.

Học sử thiền, thấy các ngài không cần phải ngồi thiền mà vẫn ngộ đạo. Tôi khoái chí lắm. Như Lục Tổ Huệ Năng, chỉ nghe mấy câu kinh Kim Cang “Bất ưng trụ sắc sanh tâm …”, ngay đó hoát nhiên đại ngộ, la lên “Đầu ngờ tự tánh ta thanh tịnh. Đâu ngờ …”. Nắm sáu cái “đâu ngờ”, và được truyền y bát làm Tổ thứ sáu.

Đến trường hợp của Mã Tổ Đạo Nhất. Một hôm đang ngồi tọa thiền thì Nam Nhạc Hoài Nhượng đến hỏi : Đại đức ngồi thiền để làm gì ?

Đạo Nhất thưa : Để làm Phật.

Nam Nhạc liền lấy một cục gạch đến trên hòn đá ngồi mài.

Đạo Nhất thấy lạ hỏi: Thầy mài gạch để làm gì ?

Nam Nhạc trả lời : Mài gạch để làm gương.

Đạo Nhất ngạc nhiên : Mài gạch đâu thể thành gương được.

Nam Nhạc hỏi : Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, thì đánh trâu hay đánh xe ?

Đạo Nhất lặng thinh không nói.

 Nam Nhạc nói : Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi hay nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định. Đối pháp không trụ, không nên thủ xả. Ngươi nếu học Phật tức là giết Phật. Nếu chấp vào tướng ngồi, chẳng đạt được ý kia.

Đạo Nhất nghe chỉ dạy như uống được đề hộ.

Rõ ràng không cần phải ngồi thiền mà các ngài vẫn được truyền y bát. Vẫn tỏ ngộ được lý đạo. Từ đó tôi bắt chước lối tu này cho khoẻ, chứ kéo kiết già đau chân gần chết. Thành Tổ thành Phật đâu chưa thấy, chỉ thấy mệt mõi, uể oải mà thôi.

Lúc đó, tôi nảy ra một sáng kiến : Thay vì ngồi, giờ ta nằm vẫn tu được. Chủ yếu là tâm phải thanh tịnh sáng suốt. Ngồi mà chịu đựng cái đau thì ích lợi gì.

Lần đầu, công phu được áp dụng như ngài Huyễn Giác đã dạy “Tỉnh tỉnh, lặng lặng phải. Lặng lặng hôn trầm sai”. Nhưng tỉnh lặng không hề thấy. Chỉ thấy lặng lặng ngủ. Một ngày hai ngày ba ngày … Suốt một thời gian dài, tôi bị con ma ngủ đánh lừa.

Nhìn lại, thấy ngày tháng trôi qua, tương chao ăn đã mòn răng mà đường trước thì vẫn mịt mờ.

Một thời gian sau, tôi bị chứng loét bao tử. Uống đủ thứ thuốc mà vẫn cứ đau. Đến nỗi ngày chỉ ăn hai chén cháo loãng. Đêm, phải ôm bụng quằn quại cho qua cơn giằng xé. Tưởng chừng như ngày tuyệt mạng đã đến.

Bấy giờ mới nhận ra cơn vô thường kề sát bên mình.Đúng là không còn thời gian để tu. Từ đó, tôi mới quyết tâm hạ thủ công phu.

Hòa thượng tôn sư thường sách tấn “Trong khi ngồi thiền, nếu đau nhức mà không làm chủ được thì khi cái chết đến, làm sao làm chủ? Giả như mấy chú ngồi thiền, có chết trên bồ đoàn cũng còn hãnh diện”. Vì vậy, tôi phấn tấn tinh thần ứng dụng công phu. Nhưng phải nói, tôi ngồi thiền quá dỡ. Mặc dù đã dùng hết mười phần công lực nhưng đâu cũng vô đó.

Tôi tự phát nguyện “Bữa nay ngồi đến hết giờ. Thà chết trên bồ đoàn, nhất định không xả nửa chừng”. Nhưng vừa hơn nửa tiếng là đau lai rai. Đến một tiếng thì đau tột đỉnh. Tôi nhiếp tâm quán chiếu “Duyên hợp giả có … hư huyễn” v.v… nhưng không thấy ăn thua. Tôi đổi cách quán chiếu, dùng trí tuệ thấy đúng như thật. Nghĩa là thấy cái đau không phải là mình. Còn cái biết được cái đau thì không có đau. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Chỉ còn một chiêu thuật trong đầu “Xả đi! Mắc mớ gì phải hành hạ thân xác …”

Thiền sinh chúng tôi, mỗi khi ngồi thiền xong, thường hỏi nhau “Bữa này ngồi êm không?”. Có người trả lời “Oải quá!”. Có vị chặc lưỡi “Chỉ còn mấy phút nữa thôi, mà thấy trời đất như quay cuồng”. Một thiền sinh sau khi rời khỏi viện có làm một bài thơ, trong đó có hai câu “Đau lưng, đau ngực, đau đầu. Đau mông và nhất là khâu đau giò”.

Một lần, tôi nghiệm ra rằng “Đã chịu sanh tử luân hồi từ vô lượng kiếp đến nay. Có khi phải đọa địa ngục, có khi phải làm súc sanh cày bừa, có khi phải làm quỉ đói chịu biết bao nhiêu thống khổ. Vừa rồi, cơn đau bao tử hành hạ chết đi sống lại. Vậy mà chịu được. Cái đau ngồi thiền đâu có đến nỗi, vì sao không thể vượt qua? Không vượt qua được, tức điều thân không xong thì làm sao khâu điều tâm cho tốt, làm sao biết vọng không theo?”. Lại nhớ tới lời Hòa thượng răn dạy “Tôi không thể bắt chước các thiền sư Trung Hoa, đánh hoặc hét hoặc giơ phất tử … mà chỉ dạy mấy chú ngồi, lặng hết những dấy niệm lăng xăng. Các thiền sư thường dồn người học đến chỗ khốn cùng, nên một phen ngộ là nhớ hoài không quên, như ngài Lâm Tế. Tôi bắt mấy chú ngồi đau chân như vậy. Một phen tỉnh là nhớ đời”. Từ đó ý chí ngất trời trong tôi bừng dậy. Tôi quyết làm tới cùng.

Nhờ ý chí quyết tâm đó, không bao lâu sau tôi đã chinh phục được cái đau.

Giờ thì không phải chỉ hai tiếng, mà có thể ngồi đến bốn năm tiếng. Nhưng đó chưa phải là cứu cánh. Thiền không phải ở ngồi hay nằm, mà chủ yếu là làm sao sáng được việc lớn của mình. Tôi quyết tâm làm theo sự chỉ dạy của Hòa thượng để thấy người đi trước làm được thì mình cũng phải làm được. Không vì cưng chìu thân này mà mất đi sự tự chủ cũng như chứng tỏ sự yếu đuối không dám quên thân vì đạo của mình.

Đúng như ngài Hoàng Bá nói :

                Không phải một phen xương lạnh buốt
                Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương

Càng tọa thiền, tôi thấy càng sáng suốt. Càng tọa thiền tôi càng thấy thảnh thơi. Những cái lăng xăng lộn xộn cũng dần dần lắng xuống.

Qua bao năm theo Hòa thượng tu học, giờ tôi mới hiểu được tôn ý vì sao không dùng các chiêu thuật đánh hét của người xưa, mà chỉ lập thiền đường thiền thất cho thiền sinh ngồi lại “Biết vọng không theo”. Đó là do ngài đi theo đường lối Thiền tông thuần túy Việt Nam. Chúng tôi là con cháu của ngài, chúng tôi không thể đi theo con đường nào khác.
 

[ Quay lại ]