THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ ĐẠI NGHĨA DẠY

thiensudainghiaChớ có quên mình với tử tâm,
Bệnh này khó trị thật quá thâm,
Mau mau đề khởi tâm suy xét,
Cần kiếm Tổ sư nghĩa nhiệm mầu.
Lỡ khi ngủ gật, liền trợn mắt,
Xem thử kèo nhà, nó là gì?
Nếu người tịnh tọa chẳng dụng công,
Bao giờ mới được ngộ tâm không ?

 Trung Quốc vào thời Đường, thời đầu Tống có thể nói Phật giáo Thiền tông thịnh nhất và dường như chiếm vị trí quốc giáo. Các danh nho thời này cũng có xu hướng học thiền, dụng công đến chỗ sáng tâm ngộ đạo, có thể đóng góp trong việc hoằng pháp. Do vậy tinh thần tham cứu thiền lan rộng. Thiền pháp được giải thích, nói trắng ra cho mọi người hiểu. Đáng tiếc một điều, thiền không phải là con đường của lý luận mà là con đường thực nghiệm. Một khi giảng giải quá nhiều về thiền thì những lời nói ấy trở thành tử cú, không phải hoạt cú.

Tử cú là câu nói chết. Vì sao gọi là câu nói chết? Vì nói ra người nghe học hiểu ưa thích rồi ôm giữ lý giải câu nói đó, hoặc chưa ngộ thì tìm cách tra cứu, suy xét v.v... làm cho tâm dấy động, vọng niệm phát khởi. Vọng niệm phát khởi thì làm sao ngộ được tâm thanh tịnh. Cho nên loại ngôn ngữ nói ra khiến người ta suy ngẫm, xét nét, tìm tòi... gọi là tử cú. Để tránh tình trạng này, chư tổ chuyển sang những kiểu nói mà người nghe không có cách nào dùi, cũng không biết đường suy ngẫm. Đó gọi là hoạt cú. Đây chính là duyên do dòng thiền thoại đầu ra đời.

Các vị Thiền tổ nào sử dụng tử cú, thời gian đầu người học đến rất đông, nhưng sau đó họ lại đi nơi khác. Ngược lại, những vị sử dụng hoạt cú, thấy trơ trơ vậy, dường như các ngài bất cần tới học nhân. Nhưng một thời gian sau, pháp hội rất thịnh hành. Ngài Châu Hoằng ở vào gần cuối thời Minh nên Thiền tông phát triển đã lâu và khuynh hướng nghiêng nặng về khán thoại đầu. Cách tu và sách vở thoại đầu bấy giờ rất thịnh hành. Thiền pháp là cách thức vận dụng trí tuệ, đi vào bằng con đường trí tuệ, cho nên Tổ sư nói: Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền. Đi con đường này, nếu người đầy đủ trí tuệ, đầy đủ duyên lành thì một nghe ngàn ngộ, một nhảy nhảy thẳng vào đất Như Lai, không trì trệ. Nhưng nhớ là cẩn thận, bởi Tổ sư đã báo trước đây là con đường trơn. Đường trơn thì dễ té ngã.

Thiền sư Đại Nghĩa dạy:

Chớ có quên mình với tử tâm,
Bệnh này khó trị thật quá thâm,
Mau mau đề khởi tâm suy xét,
Cần kiếm Tổ sư nghĩa nhiệm mầu.
Lỡ khi ngủ gật, liền trợn mắt,
Xem thử kèo nhà, nó là gì ?

Người tu thoại đầu thì chỉ có câu thoại đầu, nhưng tham câu thoại đầu sống chứ không tham câu thoại đầu chết. Thoại đầu chết là sao? Là thoại vĩ. Ví dụ hỏi: “Con chó có Phật tánh không?” Đáp: “Không.” Tham chữ Không là câu sống, còn suy ngẫm tại sao Không hay gì gì nữa là ôm câu chết. Chúng ta không tu thiền pháp này nên chỉ nói qua cho huynh đệ có khái niệm đại lược thế thôi. Mình không chuyên môn, nói nhiều e không đúng.

 Ngài dạy phải đề khởi mới thành nghi tình. Nghi tình dần dần kết thành khối. Quá trình đề khởi liên tục và kết nghi tình gọi là công phu. Chừng nào nhân duyên thời tiết đến, khối nghi ấy vỡ ra là ngộ đạo, từ chuyên môn gọi thùng sơn lủng đáy.

 Hành giả không ngồi đó giải thích, không ngồi đó nói là không, là có v.v...

Nếu người tịnh tọa chẳng dụng công,
Bao giờ mới được ngộ tâm không ?

Ngài giới thiệu và hướng dẫn cho người tu theo thiền công án, nghĩa là tham cứu một đề án để chết đi tất cả vọng động. Cách tu này mới nghe thì giản dị nhưng thật sự rất nhiêu khê. Phải thật miên mật mới được. Miên mật là sao? Chữ mật “密” là thầm lặng, chữ miên “綿” là liên tục, miên mật là thầm lặng liên tục, không có cái khác xen vào. Người sử dụng phương pháp này phải công phu liên tục. Cũng như chư vị tổ sư Tịnh tông, các ngài công phu tới nhiếp niệm, khi nói chuyện, tiếp khách, đi lại... hơi thở điều hòa, lúc nào câu niệm Phật cũng nghe trong tai rõ ràng, tuần hoàn, liên tục. Công phu tới mức liên tục như vậy không phải là đơn giản.

Chúng ta thường bị gián cách bởi trần cảnh, bởi nghiệp tập riêng của mình.

Một khi định không viên mãn thì trí tuệ cũng chập chờn. Cho nên miên mật tức là liên tục, pháp tu nào của Phật dạy cũng đòi hỏi chúng ta phải liên tục, miên mật. Tại sao? Vì không để cho bất cứ niệm tưởng nào xen vào, như vậy mới định được. Có định mới có tuệ. Đỉnh cao công phu của đạo Phật hay của thiền là trí tuệ. Bởi vì tu thiền là tu trí tuệ. Muốn phát huy được trí tuệ thì không để cho những hiện tượng, pháp trần, duyên trần chung quanh xen vào trong công phu của chúng ta.

Hành giả tu trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, làm sao tất cả thời đều vững vàng, không bị niệm khác xen vào, không để nó kéo lôi mình. Chúng ta lóng lặng mọi vọng tưởng, định phát sinh. Có định thì có tuệ. Lục Tổ dạy định tuệ đồng đẳng là vậy. Trong sinh hoạt hằng ngày, huynh đệ tự kiểm lại xem mình có định tuệ chưa? Thực sự mà nói, định tuệ của mình kém lắm. Tổ bảo ta sống như khỉ như vượn là đúng, phải không? Khỉ vượn đây là tâm lăng xăng. Nắm đông bắt tây, dính cái này mắc cái kia. Người biết gầy dựng công phu là làm sao đừng dính mắc, miên mật liên tục thì định tuệ sẽ hiện tiền.

Ngài Đại Nghĩa dạy phải sống với hoạt cú, lúc nào cũng miên mật với thoại đầu. Người biết tu thì ở đâu làm gì cũng tu được vì liên tục sống với công phu. Vừa có một chút mơ màng liền mở mắt ra nhìn. Nhìn cái gì? Nhìn mấy cây đòn tay. Để nhớ lúc mình nằm dài, người ta khiêng đi. Ai cũng tới lúc đó, Diêm vương đã tuyên án rồi. Nhưng chúng ta chưa ngán chưa sợ, do vậy nên vẫn lăng xăng như khỉ như vượn.

Học thiền sư, có khi các ngài nói thế này mình phải hiểu thế khác. Ví dụ như nói, con trâu của quan huyện ăn cỏ ở Nhơn Trạch mà con bò quan tỉnh ở Biên Hòa no, hoặc bảo mình nhìn phương nam mà thấy sao phương bắc v.v... Nói như thế để làm gì? Để chúng ta đập chết con khỉ ý thức. Từ nhiều đời kiếp mình ngược xuôi lăng xăng nên bây giờ các ngài dạy dừng lại. Chư tổ đã dừng được, đã nghỉ ngơi, các ngài thấy chúng sinh đang tuột dốc nguy hiểm nên cứu vãn bằng cách dẫn giải, chỉ cho ta biết cách dừng tâm điên đảo vọng tưởng.

 

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]