HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Bảo Triệt

tsmacocThiền sư Bảo Triệt
(Ma Cốc)

Thiền sư Bảo Triệt còn có hiệu là Ma Cốc, một trong những vị thiền sư nổi tiếng đương thời. Cốc là hang, ma là một loại cây gai, vỏ có thể làm sợi dệt vải. Vì Ngài ở hang núi có loại cây gai này, thời nhân kính trọng lấy tên hang làm hiệu của ngài, gọi là thiền sư Ma Cốc.

Sau khi xuất gia, Sư tham kiến Mã Tổ Đạo Nhất và được đắc pháp. Sau Sư về núi Ma Cốc, Bồ Châu Sơn Tây hoằng dương Phật pháp.

Một hôm, theo Mã Tổ đi dạo, Sư hỏi Mã Tổ:

- Thế nào là Đại Niết-bàn?

Mã Tổ đáp:

- Gấp!

- Gấp cái gì?

- Xem nước.

Đó là ý chỉ gì? Người sống được chỗ chân thật thì mọi việc hiện bày trước mắt. Cho nên khi được hỏi đến cái đó, cách biểu hiện gần gũi nhất là đáp ngay hiện thực trước mắt. Khi đi dạo với Mã Tổ, ngài hỏi về Niết-bàn, Tổ nói: Gấp! Hỏi: Gấp cái gì? - Xem nước. Tổ nói trớ một câu, nhưng nhân vật này cũng là hàng kiệt liệt nên ngộ được ý chỉ của thầy.

Nếu có người hỏi chúng ta: “Niết-bàn là gì?” Chúng ta sẽ trả lời: Kinh Đại Niết-bàn đã được đại lão Hòa thượng Chủ tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chuyển dịch ra Việt ngữ từ nhiều thập niên trước, đọc trong đó sẽ biết rõ. Thiền sư không như thế, khi được hỏi “Đại Niết-bàn là gì?” thì các ngài tùy duyên, tùy sự kiện trước mắt mà chỉ bày. Nó là cái hiện tiền. Thí dụ như chúng ta đang đón Trung thu, có bánh và trà đặc biệt. Một thiền sinh hỏi: “Thưa thầy, Đại Niết-bàn là gì?” Đáp: “Ăn bánh uống trà đi!” Đó là chỉ thẳng.

Chỉ thẳng nghĩa là không để cho chúng ta dùi mài, suy tìm, vận dụng đến ý thức phân biệt. Các ngài đẩy chúng ta vào thẳng chỗ rỗng lặng, không suy nghĩ. Chỗ đó nói không được, bàn không xong, không có lời nào đến.

Sư cùng Nam Tuyền, Quy Tông đến yết kiến Cảnh Sơn. Đi đường gặp một bà già. Sư hỏi:

- Cảnh Sơn đi đường nào bà?

Bà già đáp:

- Đi thẳng.

Cảnh Sơn là Quốc Nhất thiền sư, cũng là đệ tử của Mã Tổ. Đi thẳng là đi đâu? Không có đường nào hết, cứ đi thẳng. Bà già đã chỉ thẳng rồi đó.

- Đầu trước nước sâu qua được chăng?

- Chẳng ướt gót chân.

Nếu trên đường có sông có biển, qua được không? Ba ngài là ba vị thiền sư nổi danh thời bấy giờ, gặp bà cụ này cũng không phải là hạng thường. Chẳng ướt gót chân nghĩa là ai không còn vướng mắc thì đi qua được.

- Bờ trên lúa trúng gai tốt, bờ dưới lúa trúng gai gầy?

- Thảy bị cua ăn hết.

Các ngài gài cái bẫy được mất, xấu tốt, thành bại… xem bà như thế nào, có vướng mắc trong đó không? Không ngờ bà già nói: Thảy bị cua ăn hết, nghĩa là sạch hết rồi.

- Nếp thơm ngon.

- Hết mùi hơi.

- Bà ở chỗ nào?

- Chỉ ở trong ấy.

Bà cụ này cũng tầm cỡ với bà già đốt am. Ở ngoài đường bà đã xuất chiêu, các thiền sư cũng một phen đối đáp chấn động thiên địa rồi. Bây giờ ba thầy cùng vào quán của bà.

Ba người đồng vào quán ngồi. Bà già nấu một bình trà, bưng ba chén chung đến hỏi:

- Hòa thượng có thần thông thì uống trà?

Chúng ta thường hay nghĩ thần thông là phải bay lên, đảo lộn, hú trời gầm đất… Nhưng chúng ta hãy xem thần thông của bà lão đây.

Ba người nhìn nhau chưa nói câu nào, bà già liền bảo:

- Xem kẻ già này trình thần thông đây.

Nói xong bà cầm chung nghiêng bình rót trà, rồi đi.

Thật quá giản dị. Bà nấu trà mời quý thầy, nói: Hòa thượng nào có thần thông mời dùng trà. Ba ngài chưa nói câu nào, bà già cầm bình rót ba chung trà xong rồi đi, không nói chi. Bởi nói nữa thì nó chao đảo. Ba thiền sư cứ thế mà uống trà.

Sư cùng Đơn Hà đi dạo núi, thấy cá lội trong nước, Sư lấy tay chỉ. Đơn Hà nói:

- Thiên nhiên! Thiên nhiên!

Các ngài là những người đã xong việc, mọi trao đổi trong sinh hoạt biểu hiện rất nhẹ nhàng. Thiên nhiên! Thiên nhiên! là sao? Là thiên nhiên mà cũng chính là tên ngài.

Đến hôm sau, Sư hỏi Đơn Hà:

- Hôm qua ý thế nào?

Đơn Hà nhảy tới làm thế nằm.

Sư nói:

- Trời xanh.

Hôm qua thấy cá lội nói: Thiên nhiên! Thiên nhiên! Hôm nay làm thế nằm cũng là thiên nhiên. Bởi vậy cuối cùng ngài đáp: Trời xanh. Quả thật là một bài pháp mở ra rồi đóng lại một cái ầm.

Sư cùng Đơn Hà đi đến núi Ma Cốc. Sư hỏi:

- Tôi đến trong đó trụ.

Đơn Hà nói:

- Trụ tức lại trở về, có cái này không?

Sư nói:

- Trân trọng!

Ngài Bảo Triệt đến núi Ma Cốc và nói: Tôi đến trong đó trụ. Trụ tức là trở về, trở về sống với tâm thể của mình. Sư nói: Trân trọng, tức hai ngài đã thông cảm nhau rồi.

Có vị tăng đến hỏi:

- Mười hai phần giáo con chẳng nghi. Thế nào ý Tổ sư từ Ấn Độ qua?

Sư bèn đứng dậy lấy trượng xoay quanh thân một vòng, đứng một chân, bảo:

- Hội chăng?

Tăng thưa:

- Không hội.

Sư liền đánh.

Đây là nêu bày thần dụng. Ý Tổ sư từ Ấn Độ sang như vậy đó. Không có ý gì hết, nhưng thần dụng của tâm tông do ngài mang đến uy chấn thiên hạ. Cho nên có người lý giải rằng, tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Thổ làm sóng dậy trên núi. Ở đây ngài không nói gì mà dùng tích trượng xoay quanh thân một vòng, đứng một chân, hỏi: Hội chăng? Vị tăng không hội, nên bị đánh.

Đạt-ma Tổ sư bước vào Trung Thổ tuyên bố:

“Bất lập văn tự,

Giáo ngoại biệt truyền,

Trực chỉ nhân tâm,

Kiến tánh thành Phật.”

Triệt để, khác hẳn, quật hết tất cả những gì từ mấy trăm năm nay người ta đã gầy dựng. Phật giáo đã đến Trung Hoa từ trước, nhiều cao tăng dịch kinh, thuyết pháp, nhưng khi Tổ Bồ-đề Đạt-ma đến Trung Thổ lại tuyên bố khác hẳn. Phá vỡ tất cả. Bài pháp đầu tiên nơi cung vua Lương Võ Đế đã làm cho vua và mọi người bàng hoàng. Vua hỏi: “Như Trẫm đây, cả đời cất chùa, độ tăng, làm tất cả các việc, có công đức không?” Ngài trả lời một câu thẳng thừng “Không.” Đây chính là trực chỉ nhân tâm vậy.

Tâm là gì? Hòa thượng Trúc Lâm dạy, tâm là cái rỗng rang sáng suốt. Đem những công việc cất chùa, độ tăng, từ thiện xã hội… đi tìm công đức thì làm sao được. Vì nó còn trên hình tướng, vẫn trong thế nhị nguyên. Tổ chỉ thẳng chỗ tuyệt đối. Cho nên bài pháp đầu tiên của Bồ-đề tổ sư tại cung vua Lương Võ Đế không thành công.

Vua tổ chức đón một vị tổ sư đã có sấm ký báo trước, đây là vị Phật đem tâm Phật sang Trung Thổ. Cuộc đón rước rình rang, nhưng ngay hôm ấy Tổ sư nói một câu nổ lỗ tai, phủ nhận triệt để tất cả những việc làm của nhà vua. Cuối cùng, vua hỏi: “Đối mặt trẫm là ai?” Ngài nói: “Không biết.” Vì đó chẳng qua cũng chỉ là hình tướng bên ngoài thôi. Tìm chân lý trên đó thì không thể được.

Có thể nhân đây chúng ta hiểu qua tất cả những sự kiện trước sau trong việc truyền tâm tông vào Trung Thổ. Việt Nam chúng ta cũng thờ tổ sư Bồ-đề-đạt-ma, vị sơ tổ của Thiền tông Phật giáo ở tất cả những nước miền Á Đông. Nước ta trong thời lập giáo ở thế kỷ thứ ba, có ngài Khương Tăng Hội là vị thiền tổ đem tâm tông từ Tây Thiên qua. Đến thế kỷ thứ 6 có tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi, đắc pháp nơi Tam tổ Tăng Xán, là tổ đời thứ ba dưới Bồ-đề tổ sư, đến chùa Dâu ở Bắc Ninh truyền thiền.

Theo giáo sư Nguyễn Lan, thời này trung tâm Phật giáo Luy Lâu có rất sớm, tức là chùa Pháp Vân còn gọi là chùa Dâu. Nó nằm trên ngã ba quốc tế, từ Ấn Độ sang đến Giao Châu rồi qua Trung Quốc. Các vị tăng người Ấn truyền đạo theo con đường tơ lụa sang trung tâm Luy Lâu, rồi xuống Bành Thành. Cho nên Phật giáo phát triển thịnh hành ở trung tâm này trước trung tâm Bành Thành của Phật giáo Trung Quốc. Cuối cùng các vị khẳng định Phật giáo Việt Nam có sớm hơn Phật giáo Trung Quốc.

Tăng hỏi:

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Sư lặng thinh.

Rất hay.

Đam Nguyên hỏi:

- Quan Âm mười hai mặt là phàm là thánh?

Sư đáp:

- Là thánh.

Đam Nguyên liền đánh Sư một cái.

Sư bảo:

- Biết ông chẳng đến cảnh giới ấy.

Đam Nguyên là thị giả của quốc sư Huệ Trung, ngang hàng với Mã Tổ Đạo Nhất, cho nên đánh ngài một cái. Sư bảo: Biết ông chẳng đến cảnh giới ấy. Tuy nói như thế nhưng hai vị đã thâm nhập, đã vào được rồi.
 

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]