headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 16/11/2024 - Ngày 16 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

DIỄN VĂN KHAI MẠC LỄ KHÁNH THÀNH THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH GIÁC

DIỄN VĂN KHAI MẠC

LỄ KHÁNH THÀNH THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH GIÁC

thaytrutridocdienvanCung kính ngưỡng bạch Hòa Thượng Tôn Sư chứng minh,

Kính bạch Hòa Thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,

Kính bạch Hòa Thượng Trưởng Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử,

Kính bạch chư Tôn Hòa Thượng chứng minh,

Kính thưa chư Tôn Đức Tăng Ni,

Kính thưa chư vị khách quý lãnh đạo chính quyền các cấp, cùng toàn thể Phật tử xa gần hiện diện Đạo tràng hôm nay,

Kính thưa chư tôn, liệt quý vị,

Đạo Phật truyền vào Việt Nam rất sớm, theo dòng lịch sử có trên hai ngàn năm. Do đó, tinh thần giáo lý đã ảnh hưởng sâu rộng vào dân tộc, cả đến những câu ca dao, tục ngữ. Chùa chiền rất quen thuộc với người dân cả ba miền đất nước.

Thời Trần, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời, càng làm nổi bật cho nền Phật giáo Việt Nam. Với ông vua đi tu, chứng đạo, làm Tổ, mở ra một dòng Thiền Phật giáo của dân tộc, có đầy đủ cả Lý và Sự, Hạnh và Giải, thật sự để lại nhiều giá trị cao quý cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn còn tiếp tục nghiên cứu và học hỏi.

Hòa Thượng Trúc Lâm thượng Thanh hạ Từ thấy được ý nghĩa trọng đại đó, nên Ngài để hết tâm huyết khôi phục lại dòng Thiền này, nhằm giúp ích cho người có duyên hướng về tu học, và phát huy giá trị cao quý của những bậc Tiên đức để lại.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, được hình thành, cũng nhằm đáp ứng lại nhu cầu của Tăng Ni, Phật tử có duyên với Thiền, nhất là nơi miền Tây Nam Bộ.

Nhân duyên năm 2010, nhóm Phật tử Nguyên Thiện với sự cộng tác của hai thầy Thông Kim, Thạnh An thiết tha nhiệt tình lo tìm mua đất rồi cúng dường lên Hòa Thượng. Và chúng tôi thừa hành theo sự chỉ dạy của Hòa Thượng mà gánh vác việc xây dựng.

Để được hình thành ngôi Thiền viện như hôm nay, là đã trải qua nhiều quá trình gian khó từ vùng đất trũng, nước ngập phèn chua, rừng tràm hoang vắng như những vị đã tham dự lễ Đặt đá có thấy rõ. Chúng tôi còn nhớ lời của Hòa Thượng Sơn Thắng sau khi đến thăm đất này đã từng nói: “Tôi không biết Thông Phương nghĩ sao mà lại nhận vùng đất này!”.

Ban đầu nơi đây không có đường vào, phải đi thuyền. Hai ngày trước lễ Đặt đá, vẫn chưa xong mặt bằng làm lễ đài, lại xây dựng vào lúc kinh tế đang khó khăn. Tuy nhiên, với nhiệt tâm ủng hộ của chư Tăng Ni, Phật tử thiện tín gần xa, mà những khó khăn cũng vượt qua.

Chúng tôi nhớ có những vị dành dụm cúng dường thật cảm động. Có người con cái cho tiền góp lại để đi Ấn Độ nhưng nghe xây dựng Thiền viện liền sẵn sàng đem cúng dường vào đây. Có Sư cô ở thất bỏ ống để cúng tiền xây dựng v.v… và nhiều trường hợp hy hữu nữa. Rồi trong thời điểm kinh tế khó khăn, có những Phật tử làm doanh nghiệp nhỏ thôi, nhưng cũng nhiệt tâm dành phần ủng hộ để cho công trình không phải đình trệ. Cho đến Hòa Thượng Trưởng Ban Quản Trị có lúc thấy cảm thương mà khích lệ: “Thông Phương có quyết tâm làm thì rồi cũng xong thôi.”

Nói chung, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được hình thành như thế này, là được sự ủng hộ từ nhiều người, nhiều tầng lớp, với sự giúp đỡ tận tình của Giáo hội và chính quyền các cấp, và với đội ngũ thợ làm việc chân tình, thật là một duyên lành hy hữu, một ngôi nhà chung cho tất cả. Đây cũng tâm nguyện của chúng tôi, tạo một duyên lành cho nhiều người cùng chung huớng về vun bồi công đức lành, để ai đến đây cũng thấy niềm vui chung như trở về ngôi nhà của mình.

Kính bạch chư Tôn Đức!

Kính thưa quý liệt vị!

Có cảm thì có ứng. Hôm nay cùng cảm đến lòng thành của chúng tôi mà chư Tôn Đức cùng quý liệt vị đã không ngại nơi vùng xa vắng này mà dành thời gian quý báu quang lâm chứng dự đông đảo như thế này. Quả là một niềm vui lớn cho chúng tôi, cũng như càng khích lệ chúng tôi trên đường hành đạo và làm Phật sự để truyền bá chánh pháp của Như Lai, đem lại lợi ích thiết thực cho nhiều người. Đồng thời cũng khiến cho Tổ đạo Trúc Lâm được truyền xuống lâu dài, duyên lành này ngày càng được tăng trưởng.

Chúng con thành thật một lòng hướng về chư Tôn Đức bày tỏ niềm tri ân sâu xa và chúng tôi cũng chân thành tri ơn tất cả quý liệt vị.

Kính chúc chư Tôn Đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, Phật sự viên thành.

Kính chúc chư liệt quý vị thân tâm an lạc, căn lành ngày càng tăng trưởng, luôn gặp những điều tốt lành trong cuộc sống.

Và giờ này, trong không khí trang nghiêm với bao tấm lòng đang hân hoan đón mừng, chúng tôi xin thay mặt Ban Tổ Chức long trọng tuyên bố khai mạc Lễ Khánh thành Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác.

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

[ Quay lại ]