headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 18/11/2024 - Ngày 18 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH LĂNG GIÀ - II - PHẦN CHÁNH TÔNG: A- Chỉ pháp môn đệ nhất nghĩa rộng lớn vi diệu lìa nói bặt chứng

denhatnghiaKINH LĂNG GIÀ TÂM ẤN

Thiền Sư Hàm Thị Sớ Giải - Hoà Thượng Thích Thanh Từ Việt Dịch

II - PHẦN CHÁNH TÔNG:  A- Chỉ pháp môn đệ nhất nghĩa rộng lớn vi diệu lìa nói bặt chứng

-Hỏi một trăm lẻ tám câu.
 
Khi ấy, Bồ-tát Đại Huệ nói kệ tán Phật rồi, tự trình danh tánh, con tên là Đại Huệ thông đạt được đại thừa, nay đem một trăm lẻ tám câu thưa hỏi bậc Tôn tối thượng (Phật). Bồ-tát tự nói thông đạt đại thừa, vì muốn người đương thời và kẻ hậu thế biết nghĩa hỏi ở đây đều là chỗ thiết yếu của nhất thừa, chẳng phải nghĩa sai biệt của các thừa.

Bậc Thế gian giải (Phật) nghe kệ kia rồi, quán sát tất cả chúng, bảo các phật tử rằng: “Phật tử các ông! Nay cho mặc tình hỏi, ta sẽ vì các ông nói cảnh giới tự giác”. 

Cảnh giới tự giác là chỗ chứng của chư Phật trong mười phương và ba đời. Trong bốn quyển lặp đi lặp lại xét rõ trọn không ngoài ý này, nên trước vì nêu bày ra. 

Khi ấy, đại Bồ-tát Đại Huệ nhân lời Phật đã nói, đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính dùng kệ hỏi rằng:

          Thế nào tịnh niệm kia?
          Thế nào niệm tăng trưởng?
          Thế nào thấy si hoặc,
          Thế nào hoặc tăng trưởng?
          Thế nào hóa tướng cõi
          Và các chúng ngoại đạo?
          Cớ sao không thọ thứ,
          Vì sao gọi vô thọ? 

Niệm là vọng giác. Si hoặc là bất giác. Chân như không tánh bất giác vọng động, kiến hoặc vừa sanh liền có vọng giác. Muốn sạch vọng giác thì phải tìm tột chỗ khởi vọng giác. Muốn ngộ bất giác thì cần xét cùng chỗ sanh bất giác. Chừng ấy mới biết chân như không tánh là mật chỉ của chư Phật, nên phải hỏi trước. Cõi tức là cõi nước. Hóa tướng là tất cả tướng biến hóa trong lục đạo. Trước nói ngoại đạo, sau đề ra Vô thọ, đó là muốn biện sự sai biệt của tà chánh. Vô thọ là Mâu-ni tịch tĩnh, chẳng thọ một pháp, lìa các tướng trạng. Thứ là thứ lớp các địa. Kinh Kim Cang nói “do pháp vô vi mà có sai biệt”.

          Cớ sao gọi phật tử ?           
          Giải thoát đến chỗ nào,
          Ai phược ai giải thoát?       
          Những gì cảnh giới thiền?
          Tại sao có ba thừa?               
          Cúi mong vì  giải nói.
          Duyên khởi chỗ nào sanh? 
          Thế nào tác, sở tác?
          Thế nào đồng dị thuyết?    
          Thế nào là tăng trưởng?
          Thế nào vô sắc định             
          Và cùng diệt chánh thọ
          Thế nào là tưởng diệt?       
          Vì sao từ định giác,
          Thế nào tạo tác sanh,        
          Tiến đi và giữ thân?
          Thế nào hiện phân biệt?   
          Thế nào sanh các địa? 

Câu “giải thoát đến chỗ nào” là muốn hiển bày Mâu-ni tịch tĩnh, không có phược và thoát; nên nói tiếp “ai phược ai giải”. Nói không có giải có phược là, bởi mê ngộ vọng thấy mà thôi. Cảnh giới thiền là chỉ các thiền định của phàm thánh. Duyên khởi là pháp do nhân duyên sanh ra. Tác, sở tác là nghiệp quả năng tác và sở tác. Đồng dị thuyết là chỉ ngoại đạo tà thuyết. Tăng trưởng là nhân gì tăng trưởng nhân quả trong tam giới? Vô sắc định là tứ không. Diệt chánh thọ là diệt tận định. Tưởng diệt là vô tưởng định. Từ định giác là hỏi Như Lai vì sao từ định mà giác (ra) khởi các tác dụng, thị hiện thân có đi có đứng. Hiện phân biệt là, hiện nói các thứ pháp sai biệt. Sanh các địa là, kiến lập hành tướng các địa.

          Ai người phá ba cõi               
          Ở đâu, thân thế nào,
          Vãng sanh đến chỗ nào?       
          Thế nào Tối thắng tử?
          Nhân gì được thần thông       
          Và tự tại tam-muội?
          Thế nào tâm tam-muội?         
           Tối thắng vì con nói.

Phá ba cõi là, chỉ chung cho hàng Tam thừa ra khỏi tam giới. Đã ra khỏi tam giới, trụ ở chỗ nào, thọ những thân gì, vãng sanh đến chỗ nào. Nói thánh nhân tam thừa đồng ra khỏi tam giới, song thân và cõi chẳng đồng, ứng và hóa mỗi vị có khác. Tối thắng tử là chỉ chư Bồ-tát. Thần thông là sáu pháp thần thông. Tam-muội dịch là chánh thọ (chánh định). Tâm tam-muội là tâm trụ trong chánh định, cùng với pháp chánh định đồng hay khác.

          Thế nào gọi là tàng                  
          Thế nào ý và thức?
          Thế nào sanh cùng diệt        
          Thế nào thấy rồi hoàn?
          Thế nào là chủng tánh 
          Phi chủng và tâm lượng?
          Thế nào kiến lập tướng          
          Và cùng nghĩa phi ngã,
          Thế nào không chúng sanh       
          Thế nào thế tục thuyết?  

Tàng là tàng thức. Ý là thức thứ bảy. Thức là thức thứ sáu và năm thức trước. Sanh diệt là các căn thức hiện ra sanh diệt. Thấy là thấy được cái sanh diệt. Hoàn là trở lại cái không thấy. Đồng một tâm này mà có riêng biệt là tàng, ý và thức. Rồi có khác là thấy sanh diệt và thấy chẳng sanh diệt. Cái mê ngộ hư vọng này thảy đều không thể có. Chủng tánh là tam thừa chủng tánh. Phi chủng là không có chủng tánh, chỉ cho ngoại đạo và chúng xiển-đề. Tâm lượng là đồng một tâm mà mỗi cái có chừng lượng vậy. Kiến lập tướng là tướng ngã. Nghĩa phi ngã là tướng vô ngã. Chúng sanh là nói khác của tướng ngã. Tức là đối với ngã và pháp vốn không có chúng sanh, mà đối với thế tục nói có đó là sao?

          Thế nào là đoạn kiến           
          Và thường kiến chẳng sanh? 
          Tại sao Phật, ngoại đạo     
          Tướng đó chẳng trái nhau?
          Thế nào đời sau này             
          Có các thứ bộ khác?
          Thế nào không, tại sao?    
          Thế nào hoại sát-na? 

Đoạn và thường đều là tà kiến của ngoại đạo. Kiến chẳng sanh là chẳng sanh hai kiến chấp này, tức là chánh pháp Như Lai. Phật cùng ngoại đạo tướng chẳng trái nhau là, gồm vào một tâm bình đẳng mà nói vậy. Bộ khác là, sau khi Phật diệt độ đệ tử kiết tập kinh bộ mỗi phần có khác. Nói một tâm bình đẳng, Phật cùng ngoại đạo không khác, mà đệ tử trong pháp của Phật trở lại thấy có khác, là sao? Không là các pháp tánh không. Hiện thấy các pháp mà nói không đó là sao? Sát-na là niệm rất vi tế. Niệm niệm chẳng dừng, sát-na chẳng trụ, không phải chỗ biết của người vô trí.

          Thế nào thai tàng sanh?   
          Thế nào thế bất động?
          Nhân gì như  huyễn mộng  
          Và thành càn-thát-bà
          Thế gian thấy sóng nắng   
          Cùng bóng trăng đáy nước?
          Bởi đâu nói giác chi            
          Và cùng bồ-đề phần?
          Thế nào quốc độ loạn?      
          Thế nào khởi thấy có? 

Thai tàng sanh là thân phần đoạn sanh tử của chúng sanh. Thế bất động là cõi nước hằng dời đổi mà chân tánh vẫn thường trụ. Huyễn, mộng, thành càn-thát-bà, sóng nắng, trăng đáy nước, thảy đều dụ cho chúng sanh cùng thế giới không thật. Nhân gì như, ấy là chúng sanh sanh tử thế giới đổi dời, rõ ràng hiện tiền, mà nói như mộng huyễn… ai sẽ giác biết? Giác chi, bồ-đề đều chỉ cho chánh trí, tức là giác ngộ thế gian mộng huyễn. Quốc độ loạn là quốc độ dời đổi. Khởi thấy có là, quốc độ dời đổi mà chúng sanh vô trí vọng thấy thật có. Sao mà giác mê xa nhau lắm vậy?

          Thế nào chẳng sanh diệt
          Thế như hoa trong không?
          Thế nào giác thế gian?     
          Thế nào nói lìa tự (văn tự)?
          Lìa vọng tưởng là ai?           
          Thế nào ví hư không?
          Có mấy thứ như thật?       
          Mấy tâm ba-la-mật?
          Nhân đâu qua các địa?      
          Ai đến không chỗ thọ? 

Chẳng sanh diệt, hoa trong không, đều chỉ thế gian mà nói. Thế gian vốn chẳng sanh diệt mà dối thấy sanh diệt. Vốn như hoa trong không mà dối thấy thật có. Thế là phải đợi đến khi giác ngộ mới thấy. Giác thế gian là giác thế gian này chẳng sanh diệt như hoa trong không. Đã giác thế gian liền rõ như huyễn, chẳng rơi vào có không, không phải nói năng có thể đến, nên nói lìa văn tự. Nói năng đã lìa thì phân biệt liền dứt. Tất cả pháp ví như hư không, thấy cội gốc thật tướng được đến bờ kia. Trải khắp các địa đến nơi vô thọ. Đây có thể thứ lớp chứng biết, mà vì muốn Thế Tôn hiển bày rành rẽ. Có mấy thứ như thật là, chứng được chân như hàng tam thừa có mấy hạng sai biệt. Mấy tâm ba-la-mật là, được qua sanh tử cũng phân có tam thừa.

          Những gì hai vô ngã?          
          Thế nào tịnh sở tri?
          Các trí có mấy thứ?              
          Mấy thứ giới chúng sanh?
          Ai sanh các tánh báu,       
          Chân châu ma-ni thảy?
          Ai sanh các ngữ ngôn?       
          Chúng sanh các thứ tánh? 

Trong hai thứ vô ngã, pháp vô ngã rất vi tế, nên lặp lại nói sở tri. Sở tri là sở tri chướng, thuộc về pháp chấp. Trí có căn bản trí, sai biệt trí. Giới có giới Tỳ-kheo, giới Bồ-tát. Ma-ni là tánh báu thuộc khí thế gian (thế giới). Ngữ ngôn là chủng tánh thuộc về chúng sanh thế gian (chúng sanh). Trong lời hỏi, hoặc hỏi khí thế gian, hoặc hỏi chúng sanh thế gian, hoặc hỏi xuất thế gian, hoặc Phật, hoặc đệ tử Phật, hoặc ngu, hoặc ngoại đạo, trước sau không nhất định, một lúc lẫn lộn chẳng cần chia loại, chỉ tùy lời nói nhận được nghĩa thôi. Cần biết thảy từ một chân pháp giới, vọng thấy có sai biệt, như huyễn không thể nghĩ bàn.

          Minh xứ và kỹ thuật.       
          Người nào đã hiển bày?
          Già-đà có mấy thứ,           
          Trường tụng và đoản cú?
          Có mấy thứ lý luận,          
          Thế nào gọi là luận?
          Tại sao sanh ăn uống?    
          Và sanh các ái dục?
          Thế nào gọi là vua            
          Chuyển luân và tiểu vương?
          Thế nào thủ hộ quốc        
          Chư thiên có mấy thứ?
          Thế nào gọi đại địa          
          Tinh tú và nhật nguyệt?
          Người tu hành giải thoát 
          Mỗi bậc có mấy thứ?
          Đệ tử có mấy thứ?           
          Sao là A-xà-lê?
          Phật lại có mấy bậc,        
          Lại có mấy bản sanh? 

Minh xứ là ngũ minh: 1) Thanh Minh, 2) Công xảo minh, 3) Y phương minh, 4) Nhân minh là khảo đính tà chánh, 5) Nội minh nói rành rẽ về năm thừa. Ba minh trước là ngoại luận. Hai minh sau thuộc nội luận (nội điển). Già-đà dịch là kệ. Trường tụng đoản cú đều là kinh nói. Lý là lý nói ra. Luận là riêng giải thích nội điển và ngoại điển. Đây là hỏi nói pháp phải có bao nhiêu thứ. Ăn uống, ái dục, vua, chư thiên, đại địa, tinh tú, nhật, nguyệt, tổng hỏi về danh tướng hai thứ thế gian chúng sanh và thế giới. Tu hành, đệ tử, Xà-lê, Phật, bản sanh là danh tướng sai biệt của xuất thế gian. Tu hành là thông tam thừa. Đệ tử là gồm Bồ-tát và Thanh văn. Xà-lê dịch là quỹ phạm (mẫu mực). Có năm thứ quỹ phạm. Bản sanh là Như Lai nhiều đời tu hành cho đếân thành Phật, những việc hiện sanh.

          Ma và các ngoại đạo        
          Kia mỗi loại mấy thứ?
          Tự tánh và cùng tâm          
          Mỗi cái bao nhiêu thứ?
          Thế nào thi thiết lượng?    
          Cúi mong Tối thắng nói
          Thế nào không, gió, mây? 
          Thế nào niệm thông minh?
          Thế nào là rừng cây,            
          Thế nào là cỏ rậm?
          Thế nào voi, ngựa, nai,      
          Thế nào là bắt lấy?
          Thế nào là thấp hèn,         
          Nhân gì mà thấp hèn,
          Thế nào nhiếp lục tiết?      
          Thế nào nhất-xiển-đề?
          Nam nữ và hoàng môn       
          Đây đều nhân đâu sanh? 

Tánh cùng tâm đều chỉ cho căn dục của chúng sanh. Thi thiết lượng là tâm tánh chừøng lượng giả vì thi thiết. Niệm thông minh là thế trí biện thông. Nhiếp lục tiết là ở Tây vức cho hai tháng làm một tiết, một năm phân làm sáu tiết. Nhất-xiển dịch là tín. Đề dịch là bất cụ. Nghĩa là lòng tin chẳng đủ. Đây cũng là hỏi danh tướng sai biệt của chúng sanh và khí thế gian.

          Thế nào tu hành thối?       
          Thế nào tu hành sanh?
          Thiền sư dùng pháp gì,     
          Kiến lập những người nào?
          Chúng sanh sanh các cõi   
          Tướng gì và loại gì? 

Tu hành có tiến có thối. Sanh tức là tiến. Pháp của thiền có đốn tiệm chẳng đồng. Bởi căn cơ người lớn nhỏ chẳng phải một. Đây là sự sai biệt của xuất thế gian. Các cõi là sáu đạo và bốn sanh. Tướng loại là tướng loại của các cõi. Chúng sanh thế gian huyễn vọng tự chia nhiều lối.

          Thế nào là tài phú,      
          Nhân gì được tài phú?
          Thế nào là Thích chủng,       
          Nhân gì có Thích chủng,
          Thế nào dòng Cam Giá?          
          Vô thượng tôn xin nói.
          Thế nào trường khổ tiên,         
          Kia dạy bảo những gì? 
          Như Lai tại vì sao,                    
          Hiện tất cả thời, cõi,
          Các thứ loại danh sắc,   
          Tối thắng tử vây quanh?
          Tại sao chẳng ăn thịt,      
          Tại sao cấm ăn thịt,
          Ăn thịt bao chủng loại,             
          Nhân gì nên ăn thịt? 

Đây vẫn hỏi sự sai biệt của thế và xuất thế gian. Thích chủng, dòng Cam Giá, bởi quá khứ rất xa, khi ấy có một Bồ-tát làm thái tử trong nước, nhường ngôi cho em đi tu, theo học với Cù-đàm Bà-la-môn liền đổi họ làm Cù-đàm. Sau trở về ngoài thành ở tinh xá tại vườn Cam Giá, bị nạn giặc bắt làm thương tổn, máu chảy đầy đất. Đại Cù-đàm dùng thiên nhãn xem thấy, dùng thần túc đến vườn Cam Giá, lấy máu đựng trong hai cái bình để bên phải bên trái. Chúc rằng: Đạo sĩ này nếu tâm chí thành sẽ khiến máu biến thành người. Mười tháng sau, hai cái bình đựng máu một biến thành người nam, một biến thành nữ, bèn thành dòng Cam Giá. Về sau thứ phi vua Ý Ma sanh bốn con được chánh hậu khen ngợi. Vua đuổi bốn con ra khỏi nước ở trên núi Tuyết trong rừng Trực thọ. Mẹ bốn vị ấy tìm đến, vì mỗi người lập gia đình cho đều được xong xuôi. Vua nghe tin này rất vui vẻ, nói rằng: Đây thật là Thích tử, khéo tự lập tự tồn, nhân đó gọi là Thích. Thích dịch là năng, nghĩa là có tài năng. Người con thứ tư  tên Trang Nghiêm tức là tổ tiên vua Bạch Tịnh. Tất cả thời cõi là tất cả thời, tất cả cõi, tùy loại khắp hiện.

          Thế nào hình nhật nguyệt,  
          Tu-di và Liên Hoa,
          Cõi Sư tử thắng tướng,      
          Thế giới nghiêng, đứng, úp,
          Như lưới trời Đế Thích,     
          Hoặc thảy đều trân bảo,
          Như đàn, trống lưng eo,      
          Dáng tợ các loại hoa,
          Hoặc lìa sáng nhật nguyệt.
          Như thế thảy vô lượng? 

Tu-di là núi Diệu cao, trùm bốn thiên hạ làm một thế giới. Liên hoa là thế giới Liên hoa tạng. Sư tử là thế giới đẹp nhất trong các thế giới. Thế giới có cái nghiêng, có cái úp, gồm các thế giới đẹp và xấu như  lưới trời Đế Thích. Vì lưới trời Đế Thích có một ngàn hạt châu, mỗi hạt châu chiếu sáng xen nhau, ý nói vô tận. Nhật nguyệt, cây đàn, trống lưng eo, hoa trái đều là diễn tả hình tướng của thế giới. Trân bảo là có thế giới do trân bảo làm thành. Lìa sáng nhật nguyệt là thế giới Vô Cấu Quang Minh, chẳng nhờ ánh sáng nhật, nguyệt.

          Thế nào là hóa Phật?   
          Thế nào báo sanh Phật?
          Thế nào như như Phật? 
          Thế nào trí tuệ Phật?
          Tại sao ở Dục giới ,                   
          Chẳng thành Đẳng Chánh  Giác?
          Vì sao Sắc cứu kính,             
          Lìa dục được bồ-đề?
          Thiện thệ vào Niết-bàn      
          Ai người giữ chánh pháp?
          Thầy trời trụ bao lâu?        
          Chánh pháp trụ chừng nào?
          Tất-đàn cùng với kiến        
          Mỗi loại bao nhiêu thứ?
          Phần Tỳ-ni Tỳ-kheo           
          Thế nào nhân duyên gì?
          Các Tối thắng tử kia          
          Duyên Giác và Thanh văn
          Nhân gì trăm biến dịch?     
          Thế nào trăm vô thọ? 

Hoá Phật là hóa thân trăm ngàn muôn ức, đây là tùy loại hóa hiện. Đại hóa là thân ngàn trượng Lô-xá-na vì hàng Bồ-tát thập địa mà hiện, cũng gọi là tha báo thân. Như như, trí tuệ đều chỉ cho pháp thân. Như như là bản giác, trí tuệ là thủy giác. Đây là tự báo,vì thủy giác bản giác hiệp một, lý và trí cả hai đều dung thông. Lô-xá-na trên cõi trời Sắc cứu kính được đạo bồ-đề, chớ không ở Dục giới. Đó là vì thị hiện lìa dục được thanh tịnh. Ai người giữ chánh pháp là những căn dục nào mới kham truyền giữ chánh pháp. Chư Phật ở đời, chánh pháp ở đời mỗi phần đều có nhân duyên gần xa và tự tha. Tất là khắp. Đàn là thí. Kiến là chỉ căn cơ bị giáo hóa. Nghĩa là Như Lai đem giáo pháp khắp thí cho các căn cơ chúng sanh kia, cộng lại có bốn thứ: 

          Thế giới tất-đàn là được lợi ích hoan hỷ. 
          Đối trị tất-đàn là được lợi ích diệt ác.
          3- Vị nhân tất-đàn là được lợi ích sanh các pháp lành.
          4-  Đệ nhất nghĩa tất-đàn là được lợi ích ngộ lý. 

Tỳ-ni dịch là luật, Tỳ-kheo là người trì luật. Nhân duyên là nhân duyên kiết giới. Trăm biến dịch, trăm vô thọ, đây là nói sự sai biệt của Bồ-tát, Duyên giác và Thanh văn. Biến dịch là biến dịch sanh tử, vì chưa đến quả vị Phật vẫn còn ở phương tiện đổi thân thô thành thân diệu. Vô thọ là Vô dư Niết-bàn, người hàng Tam thừa đều chứng.

          Thế nào là thế tục thông?    
          Thế nào xuất thế gian?
          Thế nào là thất địa?     
          Cúi mong vì diễn nói.
          Tăng già có mấy loại? 
          Thế nào là hoại tăng?
          Thế nào luận y phương,         
          Ấy lại nhân duyên gì?   

Bậc Bồ-tát Ngũ địa vào thế tục lợi sanh gọi là thế gian thông. Đến hàng Thất địa nhân sanh đều hết mới gọi là xuất thế. Tăng có Đại thừa và Nhị thừa. Hoại tăng là phá luật phá kiến vậy. Phật dụ lương y, để nói Như Lai tùy duyên hóa hiện, hợp bệnh cho thuốc, như lương y thế gian.

          Cớ gì đại Mâu-ni          
          Nói lên như thế này:
          Ca-diếp, Câu-lưu-tôn   
          Câu-na-hàm là ta? 
          Cớ sao nói đoạn thường        
          Và cùng ngã vô ngã?
          Sao không tất cả thời            
          Diễn nói nghĩa chân thật
          Mà lại vì chúng sanh    
          Phân biệt nói tâm lượng?
          Nhân đâu rừng nam nữ 
          Ha-lê, A-ma-lặc,
          Kê-la và Thiết Vi,                  
          Kim Cang thảy các núi
          Vô lượng bảo trang nghiêm 
          Tiên Đạt-bà đầy dẫy? 

Ca-diếp, Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm là ta, nghĩa là xưa nay tự tha không có tướng một hai, đó là lời nói chân thật. Mà lại nói thường nói đoạn, nói ngã nói vô ngã, rộng vì chúng sanh phân biệt nói tâm lượng, đều vì căn có đại tiểu, pháp có tà chánh. Đoạn, thường, ngã đều chỉ cho ngoại đạo. Vô ngã chỉ cho Nhị thừa. Rừng nam nữ tức là rừng Thi-đà, rừng này cây sanh trái dáng giống như nam nữ. Ha-lê, A-ma-lặc là tên hai thứ trái cây. Đây tức là cây trái hiện tiền. Suy ra đến các núi Kê-la, Thiết Vi, Kim Cang có vô lượng trang nghiêm, tất cả tiên thần đều đầy dẫy trong ấy. Tột trong chỗ thấy nghe và ngoài chỗ thấy nghe do nhân gì mà có, trọn gọi là gì? Chỗ này không thể dùng tâm ý mà hiểu được. Mới biết một trăm lẻ tám câu cùng tột thế gian và xuất thế. Song chẳng ngoài năm pháp, ba tự tánh, tám thức và hai vô ngã. Bỗng nhiên gõ thẳng cửa chân. Bất chợt chỉ điểm tục đế dường như không thứ lớp, đều tự tâm hiện ra. Cảnh giới như huyễn bất tư nghì không có cạn sâu thì đâu phân khó dễ, chỉ chứng mới biết.

[ Quay lại ]