headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 18/11/2024 - Ngày 18 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

II - PHẦN CHÁNH TÔNG: H - CHỈ PHÁP THÂN BA ĐỜI NHƯ LAI QUÁ CHỖ NGHĨ NGỢI CỦA THẾ GIAN, CHẲNG PHẢI NGHĨA SÁT-NA, TRƯỚC SAU KHÔNG LỖI THANH TỊNH VÔ LẬU.

botatdaihue5KINH LĂNG GIÀ TÂM ẤN

Thiền Sư Hàm Thị Sớ Giải - Hoà Thượng Thích Thanh Từ Việt Dịch


1- CHỈ PHÁP THÂN TỰ THÔNG QUÁ CHỖ NGHĨ NGỢI CỦA THẾ GIAN.

- THƯA THỈNH VỀ CHƯ PHẬT CÓ HẰNG SA DIỆU NGHĨA.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Huệ lại bạch Phật: Thế Tôn! Như Thế Tôn đã nói “Quá khứ chư Phật như hằng hà sa, vị lai hiện tại cũng lại như thế”. Thế nào Thế Tôn là như nói mà tín thọ hay lại có nghĩa khác? cúi xin Như Lai thương xót giải nói.

 Cảnh giới chư Phật bất khả tư nghì, cảnh giới Phật trí bất khả tư nghì, cảnh giới chúng sanh bất khả tư nghì, cảnh giới vọng tưởng bất khả tư nghì, bất khả tư nghì này đồng pháp giới tánh, không thiếu không dư, chẳng ra chẳng vào, không thể chỉ bày, cũng chẳng phải không nói. Đây nhân dụ hằng hà sa Phật riêng hiển nghĩa này. Trừ vì chúng sanh phương tiện dẫn thí dụ, nơi câu vô nghĩa để thông chân thật thì chẳng phải nhất thiết trí đâu hay dự vào đây.

- CHỈ CHƯ PHẬT TỰ THÔNG QUÁ CHỖ NGHĨ THẾ GIAN, KHÔNG THỂ NÓI THÍ DỤ.

Phật bảo Đại Huệ: Chớ như nói mà tín thọ, số lượng chư Phật ba đời chẳng phải như hằng hà sa. Vì cớ sao? Vì quá chỗ nghĩ của thế gian, chẳng phải thí dụ và sở thí dụ, do phàm ngu chấp thường, ngoại đạo vọng tưởng nuôi lớn ác kiến sanh tử không cùng, muốn khiến nhàm lìa vòng sanh tử, chuyên cần thắng tiến, nên vì họ nói chư Phật dễ thấy, chẳng phải như hoa Ưu-đàm-bát khó được thấy. Dứt phương tiện cầu, có khi lại xem các người thọ hóa khởi nói thế này, Phật khó được gặp như hoa Ưu-đàm-bát. Hoa Ưu-đàm-bát không ai đã thấy, hiện thấy, sẽ thấy. Như Lai thế gian thảy thấy, vì chẳng do kiến lập tự thông nói rằng Như Lai ra đời như hoa Ưu-đàm-bát. Đại Huệ! Tự kiến lập tự thông quá chỗ nghĩ của thế gian, các phàm ngu kia không thể tin. Cảnh giới tự giác thánh trí, không cùng cái gì thí dụ được. Chân thật Như Lai quá tướng tâm ý ý thức được thấy, không thể làm thí dụ. Đại Huệ! Song ta nói thí dụ Phật như hằng hà sa không có lỗi lầm.

Số lượng ba đời chư Phật chẳng phải như hằng hà sa, quá chỗ nghĩ của thế gian, chẳng phải thí và sở thí, đây là Như Lai chân ngữ như ngữ vô thượng, diệu đế, chỉ chứng tự biết. Song do chúng sanh hy vọng, vì đoạt cái hư ngụy kia quyền chỉ chân thật, bảo có chư Phật chẳng phải như Ưu-đàm, hoặc nói như hoa Ưu-đàm để chỉ khó gặp, mà chẳng phải để kiến lập tự thông. Cảnh giới tự thông chẳng phải tướng có thể thấy, chẳng phải tướng chẳng thấy. Hành xứ chân thật của Như Lai quá tất cả kiến tướng của tâm ý ý thức, không thể ví dụ. Lại nói “song ta nói thí dụ Phật như hằng sa cũng không có lỗi lầm”, là thánh trí bên cạnh tự thông tùy nói mà chỉ bày, chẳng phải chỗ hay thấy của Nhị thừa và Bồ-tát thủy giáo. Văn sau rộng chỉ nghĩa này, duy phải tỏ ngộ.

- DỤ NHƯ LAI PHÁP THÂN BẢN TỊCH.

Đại Huệ! Thí như cát sông Hằng tất cả cá, trạnh, thân thu, ma-ha, sư tử, voi, ngựa, người, thú dẫm đạp, cát chẳng nghĩ rằng kia não loạn ta mà sanh vọng tưởng, tự tánh thanh tịnh không các nhơ nhớp. Như Lai ứng cúng đẳng chánh giác tự giác thánh trí là sông Hằng, đại lực thần thông tự tại v.v… là cát. Tất cả ngoại đạo các người thú v.v… tất cả não loạn, Như Lai chẳng nghĩ mà sanh vọng tưởng. Như Lai lặng lẽ không có niệm tưởng. Như Lai bản nguyện lấy cái vui tam-muội vì an chúng sanh, không có não loạn, ví như cát sông Hằng đồng không có khác, lại vì đoạn tham sân.

Về sau đều tức nơi hằng sa nói rộng nghĩa Phật, mà đây lại dụ Như Lai pháp thân bản tịch. Như Lai tự giác thánh trí có hằng sa đại lực, thần thông tự tại, bị tất cả ngoại đạo, người, thú não loạn mà tánh giác cát thể vẫn tịch, không có niệm tưởng. Chỉ dùng bản nguyện an lạc quần sanh, khiến họ tự giác không có tham sân. Thế mới biết, tất cả chúng sanh tự ở trong cũng có giác cát, mà từ vô thủy đến nay bị các tà kiến người thú dẫm đạp trọn không chán lìa, lặng lẽ đến nay không thêm không bớt. Chỉ dùng chân như bản nguyện an lạc tất cả chúng sanh niệm niệm khởi diệt, khiến trụ pháp vị không có não loạn. Ví như cát sông Hằng là vì đoạn tham sân, mà tất cả chúng sanh không tự giác biết, thấy là Như Lai chư Phật như cát sông Hằng kia.

- DỤ PHÁP THÂN CHẲNG DIỆT.

Thí như cát sông Hằng là tự tánh của đất này, khi kiếp tận lửa cháy, cháy tất cả đất, mà địa đại kia chẳng bỏ tự tánh, vì cùng hỏa đại đồng sanh. Còn ngoài ra kẻ ngu khởi tưởng đất bị cháy, mà đất chẳng bị cháy, vì là nhân của lửa. Như thế, Đại Huệ! Như Lai pháp thân như cát sông Hằøng chẳng hoại.

Đây dụ Như Lai pháp thân thường trụ chẳng diệt, thí như cát sông Hằng, đồng với cái kiên cố này là tự tánh đất, cùng hỏa đại đồng sanh. Lửa nhân đất mà được tánh cháy, đất nhân lửa mà được lý sanh, đều không có nghĩa cháy hết.

- DỤ PHÁP THÂN KHẮP TẤT CẢ CHỖ KHÔNG CÓ CHỌN LỰA.

Đại Huệ! Thí như cát sông Hằng không có hạn lượng, Như Lai quang minh cũng lại như thế, không có hạn lượng, vì thành thục chúng sanh khắp soi tất cả chư Phật đại chúng. Đại Huệ! Thí như cát sông Hằng riêng cầu cát khác hằng không thể được. Như thế, Đại Huệ! Như Lai ứng cúng đẳng chánh giác không sanh tử sanh diệt, vì có nhân duyên đoạn vậy.

Đây dụ Như Lai pháp thân khắp tất cả chỗ không có lựa chọn. Tự tâm hiện lượng khắp giáp sa giới, tất cả tiếng là tiếng Phật, tất cả sắc là sắc Phật, nên nói “không có cát khác”. Có nhân duyên đoạn là, lại phòng lỗi tự nhiên. Như Lai đã chỉ cho người lấy sự nhật dụng hồn nhiên, không phải chẳng quấy mà lại hiển chỉ thú vô cấu thanh tịnh, có nói lẫn nhau phát minh.

- DỤ PHÁP THÂN ĐỐI HIỆN KHÔNG CÓ TĂNG GIẢM.

Đại Huệ! Thí như cát sông Hằng thêm bớt không thể biết. Như thế, Đại Huệ! Như Lai trí tuệ thành thục cho chúng sanh chẳng thêm chẳng bớt, vì chẳng phải thân pháp. Thân pháp là có hoại. Như Lai pháp thân chẳng phải thân pháp.

Đây dụ pháp thân ứng hiện không có thêm bớt. Chúng sanh duyên thành thục tức thấy Như Lai thành đẳng chánh giác, nói pháp độ sanh, vào Niết-bàn, mà Như Lai pháp thân vốn không đi, lại, cũng không có tâm hiện. Có đi có lại ấy là thân pháp, mà Như Lai chẳng phải là thân pháp, không thể phá hoại. Nên nói “tùy duyên phó cảm đâu chẳng khắp, mà thường ngồi tòa bồ-đề này”.

- DỤ NHƯ LAI BI NGUYỆN ĐỒNG VỚI PHÁP GIỚI.

Như ép cát sông Hằng không thể được dầu. Như thế, tất cả chúng sanh tột khổ ép ngặt Như Lai. Cho đến chúng sanh chưa được Niết-bàn, chẳng bỏ pháp giới, tự tam-muội nguyện lạc vì do đại bi.

Đây dụ Như Lai bi nguyện đồng với pháp giới. Dầu sánh Như Lai tâm niệm mỏi chán. Như Lai dùng mười câu vô tận, thành tựu chúng sanh khổ tột ép ngặt, không có chán bỏ, do đại bi làm thành.

- DỤ NHƯ LAI PHÁP THÂN TÙY THUẬN NIẾT BÀN.

Đại Huệ! Thí như cát sông Hằng theo nước mà trôi, chẳng phải không nước. Như thế, Đại Huệ! Như Lai nói ra tất cả các pháp theo dòng Niết-bàn. Thế nên nói như cát sông Hằng. Như Lai chẳng theo các dòng (khứ) di chuyển, vì đi là nghĩa hoại. Đại Huệ! Sanh tử bản tế không thể biết, vì không biết làm sao nói đi? Đại Huệ! Đi đó là nghĩa đoạn mà kẻ ngu chẳng biết.

Đây dụ Như Lai pháp thân tùy thuận Niết-bàn. Nếu chẳng tùy thuận là bị dòng sanh tử chuyển, thành nghĩa đoạn diệt. Sanh tử bản tế tức là Niết-bàn bản tế, do chẳng biết thì chẳng tùy thuận, khởi tưởng đi là hoại. Đi là nghĩa đoạn, mà Như Lai pháp thân chẳng đoạn.

- CHỈ SANH TỬ GIẢI THOÁT BẢN TẾ VÔ BIÊN.

Đại Huệ bạch Phật: Thế Tôn! Nếu chúng sanh sanh tử bản tế không thể biết, làm sao giải thoát có thể biết? Phật bảo Đại Huệ: Nhân tập khí vọng tưởng lỗi ác hư ngụy từ vô thủy diệt, tự tâm hiện biết nghĩa bên ngoài, vọng tưởng thân chuyển mà giải thoát chẳng diệt. Thế nên vô biên chẳng phải hoàn toàn không có. Vì vọng tưởng kia khởi vô biên v.v… tên khác. Quán sát trong ngoài lìa nơi vọng tưởng, không có chúng sanh khác, trí và sở tri tất cả các pháp thảy đều tịch tĩnh. Chẳng biết tự tâm hiện vọng tưởng nên vọng tưởng sanh, nếu biết thì diệt.

Sanh tử bản tế tức Niết-bàn bản tế, do chẳng biết tùy thuận khởi ra vọng kiến thì sanh tử tướng khác, Niết-bàn tướng khác, thành lỗi tập khí. Nếu biết tự tâm hiện ra, sanh tử Niết-bàn vốn không hai mé. Tức nhân vọng tập diệt thì thấy các pháp bên ngoài không có tự tánh, bèn hay chuyển vọng tưởng thân tùy thuận sanh tử, gọi là giải thoát mà chẳng phải đoạn diệt. Cho nên nói “vô biên, chẳng phải trọn không bản tế”. Chỉ do chẳng biết bản tế vọng thấy sanh tử Niết-bàn, khởi tưởng hữu biên. Vì vọng tưởng kia nói là vô biên, bởi khiến quán sát trong ngoài, chỉ trừ vọng tưởng lại không có danh tự chúng sanh, trí và sở tri tất cả các pháp thảy đều tịch tĩnh. Cho nên biết, chúng sanh sanh tử đều do vọng tưởng, chẳng biết tự tâm hiện thì vọng tưởng sanh, biết tự tâm hiện thì vọng tưởng diệt. Diệt thì bản tế tùy thuận, sanh tử Niết-bàn đều như mộng huyễn.

- TỔNG TỤNG.

Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ:

Quán sát các đạo sư Ví như cát sông Hằng

Chẳng hoại cũng chẳng đi Cũng lại chẳng cứu kính.

Ấy tức là bình đẳng Quán sát chư Như Lai

Ví như cát sông Hằng v.v… Thảy lìa tất cả lỗi.

Theo dòng mà tánh thường Ấy là Phật chánh giác.

Như Lai pháp thân chẳng phải hoại chẳng phải đi. Nếu lại có cứu kính thì Niết-bàn sanh tử là hai chẳng phải bình đẳng. Nếu chẳng phải bình đẳng thì thuộc tác nhân. Tác thì vô thường có nhiều lỗi lầm. Cho nên biết chỉ trừ vọng tưởng tác nhân thì theo dòng được tánh, liền thấy cảnh giới Như Lai tự giác, đồng với mé sanh tử tịch tĩnh thường trụ. Đây là Như Lai nhân dụ cát sông Hằng mà kiến lập tự thông, lìa lỗi ngôn thuyết. Tuy có nói thí dụ mà cứu kính bất khả tư nghì.

2- CHỈ PHÁP THÂN VÔ LẬU, CHẲNG PHẢI NGHĨA SÁT-NA.

- CHỈ CÁC PHÁP SÁT-NA

+ SẮP CHỈ SÁT-NA PHI NGHĨA SÁT-NA, TRƯỚC BÀY CÁC PHÁP.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Huệ lại bạch Phật: Thế Tôn! Cúi xin vì nói tướng hoại của tất cả các pháp sát-na? Thế Tôn! Thế nào tất cả pháp sát-na? Phật bảo Đại Huệ: Lắng nghe, lắng nghe! Khéo suy nghĩ đó, ta sẽ vì ông nói. Phật bảo Đại Huệ: Tất cả pháp ấy, nghĩa là lành, chẳng lành, vô ký, hữu vi, vô vi, thế gian, xuất thế gian, có tội, không tội, hữu lậu, vô lậu, thọ, chẳng thọ.

Hỏi nghĩa sát-na để bày nghĩa phi sát-na. Niệm niệm không dừng gọi là sát-na, cũng gọi là tướng hoại, cũng gọi là tướng không. Tất cả pháp sát-na là, tất cả pháp trong ngoài do tự tâm hiện ra niệm niệm không dừng. Bởi không biết tự tâm là nghĩa phi sát-na, chỉ thấy cảnh hiện ra niệm niệm sanh diệt sát-na chẳng dừng, mà lầm cho là pháp vô vi đều đồng với diệt hết, rồi khởi ra đoạn kiến. Chẳng biết tất cả pháp sát-na có cái phi sát-na, chỗ này không phải Nhị thừa thấu được. Hỏi đáp nêu ra thảy đều để rõ ý chỉ này. Trước bày tất cả pháp, đợi sau mới hiển minh.

Đại Huệ! lược nói tâm ý ý thức và tập khí, ấy là nhân năm thọ ấm, tâm ý ý thức tập khí ấy nuôi lớn, phàm ngu lành chẳng lành vọng tưởng.

Lược nói pháp năm ấm, bởi tất cả pháp đều từ năm ấm sanh khởi. Pháp năm ấm lại lấy tâm ý ý thức, tập khí làm nhân mà được nuôi lớn. Phàm ngu lành chẳng lành vọng tưởng là, tam giới, lục phàm, hữu lậu vọng tưởng là nghĩa sát-na.

Đại Huệ! Tu tam-muội lạc, tam-muội chánh thọ, hiện pháp lạc trụ gọi là Hiền Thánh thiện vô lậu.

Nhân tướng vô lậu của thánh hiền trong tam thừa là phi sát-na. Do tu tam-muội được pháp lạc trụ hiện bày ra, sau mới phát minh.

+ CHỈ NGHĨA SÁT-NA.

Đại Huệ! Lành chẳng lành là, tám thức. Những gì là tám? Nghĩa là Như Lai tàng tên tàng thức, tâm ý ý thức và năm thức thân, chẳng phải chỗ ngoại đạo nói. Đại Huệ! Năm thức thân cùng tâm ý ý thức chung. Tướng lành chẳng lành lần lượt biến hoại. Về tương tục lưu chú chẳng hoại thân sanh, cũng sanh cũng diệt. Chẳng giác tự tâm hiện, thứ lớp diệt, các thức khác sanh. Hình tướng sai biệt nhiếp thọ ý thức cùng năm thức chung tương ưng sanh. Thời gian sát-na chẳng dừng gọi là sát-na.

Đây chỉ cho tâm thức hữu lậu lành và chẳng lành vốn có thân chẳng hoại, mà lầm theo sanh diệt. Cho nên tức nơi sát-na để hiển bày nghĩa phi sát-na. Như Lai tàng tên tàng thức chẳng phải chỗ ngoại đạo nói, nghĩa là ngoại đạo chẳng biết tàng thức tức Như Lai tàng. Cho nên chính năm thức nương tâm ý ý thức khi khởi ra tướng lành chẳng lành lần lượt biến hoại. Cái tương tục lưu chú kia chẳng hoại, mà cũng theo các thức cùng thân chung sanh cùng thân chung diệt. Do gốc bất giác tự tâm hiện lượng, đối với cái trong thứ lớp diệt hiện ra không thể an trụ, liền có các thức khác theo chỗ tập nặng của đời trước khởi các hình tướng. Lại dẫn ý thức và năm thức căn cùng tâm sở tương ưng thành nghĩa sát-na. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Một là căn bổn sanh tử từ vô thủy, tức là hiện nay ông cùng các chúng sanh dùng tâm phan duyên làm tự tánh. Hai là thể thanh tịnh bồ-đề Niết-bàn từ vô thủy, tức là hiện nay thức tinh nguyên minh của ông hay sanh các duyên, duyên bỏ sót nó. Do các chúng sanh bỏ sót cái bổn minh này, tuy trọn ngày làm mà chẳng tự giác, uổng vào các thú”. Đây là tương tục chẳng hoại do gốc bất giác lầm theo sanh diệt. Đâu chẳng phải hay sanh các duyên, rồi duyên bỏ sót uổng vào các thú, thật đáng buồn thay!

- CHỈ TẬP KHÍ VÔ LẬU CHẲNG PHẢI NGHĨA SÁT-NA.

+ CHỈ SÁT-NA CHẲNG PHẢI NGHĨA SÁT-NA.


Đại Huệ! sát-na ấy gọi thức tàng Như Lai tàng thức cùng ý chung sanh là tập khí sát-na, còn tập khí vô lậu chẳng phải nghĩa sát-na, chẳng phải chỗ giác của phàm ngu. Vì chấp trước sát-na luận nên chẳng giác tất cả pháp sát-na phi sát-na, rồi khởi đoạn kiến hoại pháp vô vi.

Đây chính hiển bày nghĩa sát-na phi sát-na. Mê Như Lai tàng mà làm tàng thức liền có thức cùng ý chung sanh, thành ra tập khí, đây là nghĩa sát-na. Nếu đạt được thức cùng ý chung sanh nhân mê mà có, vốn không tự tánh, tức là chuyển thức tàng làm Như Lai tàng. Đây là tập khí vô lậu chẳng phải nghĩa sát-na, chẳng phải chỗ giác của phàm ngu. Bởi vì phàm ngu chỉ giác tất cả pháp sát-na, mà không biết tất cả pháp sát-na có phi sát-na, luống khởi đoạn kiến phá hoại pháp vô vi. Cho nên biết, tất cả chúng sanh chẳng giác chẳng biết, lầm theo sanh diệt. Đây là lý do Như Lai dùng vô gián tất-đàn (bố thí không ngừng) vậy.

+ CHỈ NHƯ LAI TÀNG CHẲNG PHẢI NGHĨA SÁT-NA.

Đại Huệ! Thất thức chẳng lưu chuyển, chẳng chịu khổ vui, chẳng phải nhân Niết-bàn. Đại Huệ! Như Lai tàng chịu khổ vui cùng nhân chung hoặc sanh hoặc diệt. Bị tứ trụ địa và vô minh trụ địa làm say, phàm ngu bất giác chấp sát-na nên vọng tưởng huân tâm.

Thất thức do bất giác vọng khởi kiến phần gồm làm tự thể. Vọng thể vốn là dối nên chẳng phải nhân Niết-bàn. Như Lai tàng ở trong vị mê, vọng chịu khổ vui mà cùng nhân tướng Niết-bàn hòa hợp, tuy chung với các thọ sanh diệt mà nhân tướng chẳng diệt, bởi có ngũ trụ địa làm say mê, mà phàm ngu bất giác khởi chấp sát-na. Chẳng lưu chuyển là, thất thức y bát thức niệm niệm huân tập dường như có thật ngã, mà sát-na chẳng dừng. Đến lúc chết giấc chỉ còn bát thức, nên nói chẳng lưu chuyển. Chưa đến lúc chết giấc thường có sức chuốc khổ vui, mà biết khổ biết vui chẳng phải nó thọ nhận, nên nói chẳng chịu khổ vui. Vọng thấy sanh diệt sát-na chẳng dừng là trước sau bất giác vậy. Tứ trụ thuộc về phàm phu, vô minh trụ thuộc Nhị thừa, giải thích ở quyển trước.

Lại nữa, Đại Huệ! Như kim cương, xá-lợi Phật được tánh kỳ đặc trọn không thể làm tổn hoại. Đại Huệ! Nếu được vô gián mà có sát-na thì thánh nên không phải thánh. Song thánh chưa từng chẳng phải thánh, như kim cương tuy trải nhiều kiếp số mà cân lượng chẳng giảm. Tại sao phàm ngu chẳng rõ lời nói ẩn khuất của ta, đối tất cả pháp trong ngoài khởi tưởng sát-na?

Nói lại Như Lai tàng chứng pháp vô lậu chẳng phải nghĩa sát-na. Kim cương cùng xá-lợi Phật đây là hai tánh kỳ đặc chẳng hoại, để dụ Như Lai tàng chân tánh vô gián chẳng theo các pháp sát-na. Phàm ngu không trí chẳng hiểu kho Như Lai bí mật, cho là đồng với các pháp rồi khởi tưởng sát-na, đây là lý do hoại pháp vô vi.

+ CHỈ THẾ GIAN XUẤT THẾ GIAN BA-LA-MẬT CHẲNG LÌA SÁT-NA.

Bồ-tát Đại Huệ lại bạch Phật: Thế Tôn! Như Thế Tôn nói sáu ba-la-mật đầy đủ được thành chánh giác, những gì là sáu? Phật bảo Đại Huệ: ba-la-mật có ba thứ phân biệt: thế gian, xuất thế gian, xuất thế gian thượng thượng. Đại Huệ! thế gian ba-la-mật là, ngã và ngã sở nhiếp thọ chấp trước, nhiếp thọ hai bên, là chỗ các thứ thọ sanh, ưa sắc thanh hương vị xúc, nên đầy đủ bố thí ba-la-mật, giới, nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ cũng như thế, phàm phu thần thông và sanh phạm thiên.

Nhân ở trước phát minh nghĩa phi sát-na, ở đây lại hỏi sáu ba-la-mật. Ý bảo, nếu chẳng phải sát-na không nên có sáu thứ, nếu thuộc sát-na thì không nên cho là phi sát-na làm nhân đầy đủ. Ba-la-mật có ba thứ, trước là thế gian. Ngã là người hay thí, ngã sở là vật đem ra thí, nhiếp thọ năng sở tức chẳng lìa hai bên có không. Vì cầu được thọ sanh thù thắng, đây là nhân quả hữu lậu, vốn là việc làm của phàm phu. Thần thông là ngũ thông của nhân thiên vậy.

Đại Huệ! xuất thế gian ba-la-mật là, Thanh văn, Duyên giác rơi vào nhiếp thọ Niết-bàn, hành sáu ba-la-mật thích tự mình được vui Niết-bàn.

Xuất thế gian ba-la-mật tuy không nhiếp thọ nhân quả thế gian mà nhiếp thọ Niết-bàn làm cái vui tự độ, cũng chẳng phải cứu kính.

+ CHỈ XUẤT THẾ GIAN THƯỢNG THƯỢNG BA-LA-MẬT CHẲNG PHẢI NGHĨA SÁT-NA.

Xuất thế gian thượng thượng ba-la-mật là, vì giác tự tâm hiện vọng tưởng lượng nhiếp thọ và tự tâm là hai, nên chẳng sanh vọng tưởng. Đối các thú không có phần nhiếp thọ, tự tâm sắc tướng không chấp trước, vì an lạc tất cả chúng sanh khởi bố thí ba-la-mật. Khởi phương tiện thượng thượng nơi duyên vọng tưởng kia chẳng sanh là giới, ấy là trì giới ba-la-mật. Tức nơi vọng tưởng kia chẳng sanh là nhẫn, biết năng nhiếp sở nhiếp ấy là nhẫn nhục ba-la-mật. Đầu hôm giữa đêm và khuya siêng năng phương tiện tùy thuận tu hành phương tiện vọng tưởng chẳng sanh, ấy là tinh tấn ba-la-mật. Vọng tưởng diệt hết chẳng rơi vào nhiếp thọ Niết-bàn của Thanh văn, ấy là thiền định ba-la-mật. Tự tâm vọng tưởng chẳng phải tánh, trí tuệ quán sát chẳng kẹt hai bên, thân trước càng thù thắng không thể hoại, được tự giác thánh thú, ấy là Bát-nhã (trí tuệ) ba-la-mật.

Thượng thượng ba-la-mật là, giác tự tâm hiện lượng, thấu suốt năng sở vọng tưởng, nơi tự tâm lượng hai không đến nhau. Chỉ do bất giác, giác thì chẳng sanh. Cho nên đối với các thú không có phần nhiếp thọ, sắc tướng ngoài tự tâm không sanh chấp trước. Vì an lạc cho tất cả chúng sanh mà khởi ra bố thí, nói rằng “đối trị xan tham, cũng hay trị xan tham cho người, tùy thuận tự tánh mà làm bố thí, ấy là phương tiện thượng thượng. Đến chỗ duyên vọng tưởng chẳng sanh, tùy thuận tánh không ô nhiễm, thành tựu giới độ. Tùy thuận tánh không sân hận, biết năng nhiếp sở nhiếp đều không thể được, thành tựu nhẫn độ. Đầu hôm giữa đêm và khuya tùy thuận tự tánh như thật bản tế, chẳng khởi phân biệt là tinh tấn độ. Đối với tự tánh xưa chẳng sanh tướng khác, chẳng theo Nhị thừa chấp tam-muội còn năng sở, ấy là thiền định độ. Liễu đạt tất cả vọng tưởng không tánh, đối chỗ sở khởi chẳng sanh chướng ngại, đối chỗ không khởi chẳng trụ bản vị, lìa các thứ có không, riêng một không bạn mà trí thân chẳng diệt, lấy đây thành tựu tự giác thánh thú, ấy là Bát-nhã độ. Xét sáu độ này, tại thế gian thuộc về nhân sát-na, cho nên được quả tướng đều thành sát-na, nhân xuất thế tuy chẳng phải sát-na, song xét các tự tánh Niết-bàn không năng thủ sở thủ, nên cũng thuộc về sát-na; duy xuất thế thượng thượng, chỉ một tự tâm, ngoài tự tâm không có sáu độ, thuận tánh khởi dụng, dụng trở về thể, chẳng phải nghĩa sát-na. Đáp ý hỏi, đã đủ ngoài lời nói, có thể do lý đạt được.

+ TỔNG KẾT SÁT-NA PHI SÁT-NA BÌNH ĐẲNG.

Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ:

Không vô thường sát-na Kẻ ngu vọng tưởng tạo

Như sông, đèn, hạt giống Mà khởi tưởng sát-na.

Sát-na dứt phiền loạn Lặng lẽ lìa sở tác

Tất cả pháp chẳng sanh Ta nói nghĩa sát-na.

Hai bài kệ này nói về lý do Như Lai nói sát-na, vì chỉ kẻ ngu vọng tưởng hữu vi, bảo như dòng sông, ngọn đèn, hạt giống chóng hoại, bởi muốn kia khởi tưởng sát-na. Nếu đạt sát-na thì phiền não tự dứt, được chỗ lặng lẽ, xa lìa vọng tưởng. Mới biết tất cả pháp thảy duy tâm hiện không có tự tánh, hiện thân là vô sanh. Đây là lý do Như Lai nói nghĩa sát-na.

 

Vật sanh thì có diệt

Vô gián tương tục tánh

Vô minh làm nhân kia

Tâm ắt từ kia sanh

Cho đến sắc chưa sanh

Chẳng vì kẻ ngu nói

Chỗ huân của vọng tưởng.

Trung gian có phần gì ?

 

Vật sanh thì có diệt là, vật mới sanh liền diệt. Chẳng rõ Như Lai tàng đệ nhất nghĩa đế nên gọi là vô minh. Vô minh bất giác vọng động thành nghiệp, nên gọi là mới sanh. Bởi bất giác vọng động nên sanh không có tánh sanh, không sanh liền đó diệt vậy. Kẻ ngu chẳng rõ chỗ này mà làm vô gián tương tục, đây là chỗ huân của vô minh vọng tưởng. Vô minh làm nhân nên vọng tâm y khởi, ngược dòng vô minh vọng động khi chưa gá với sắc, rõ ràng không có chỗ tựa, liền tỉnh ngộ mà biết sẽ không trôi đến niệm thứ hai.

 

Tương tục thứ lớp diệt Các tâm theo kia sanh

Khi chẳng trụ nơi sắc Duyên chỗ nào mà sanh?

Vì từ kia nên sanh Không như thật nhân sanh

Tại sao không chỗ thành Mà biết sát-na hoại ?

 

Đây lại nói vô gián tương tục thật không có sanh, bởi không như thật sanh, tức diệt cũng không thể được. Bởi vì tâm tương tục liền sanh liền diệt, nhân duyên nhóm họp tâm khác lại sanh, nhân duyên chưa hội thì sanh gá ở chỗ nào? Nếu bảo tức từ tâm kia, song tâm kia hư vọng do bất giác khởi ra, thể sanh đã chẳng thành thì diệt lại hoại cái gì? Nên nói chẳng được chỗ diệt kia. Cho nên biết, sanh vốn không nhân, diệt cũng không đợi, chính nơi chỗ này được gốc vô sanh, tự tánh lặng lẽ vậy.

 

Người tu được chánh định

Kim cang, xá-lợi Phật

Cung điện Quang Âm thiên

Thế gian việc chẳng hoại

Trụ nơi chánh pháp được

Như lai trí đầy đủ

Tỳ-kheo được bình đẳng

Làm sao thấy sát-na?

Càn-thát-bà huyễn thảy

Sắc không có sát-na

Nơi sắc thảy chẳng thật

Xem đó dường chân thật.

 

Đoạn tụng này nói về tập khí vô lậu chẳng phải nghĩa sát-na. Dẫn người tu hành chánh định, kim cang, xá-lợi, cung điện Quang Âm, đây là bốn việc chẳng hoại ở thế gian và xuất thế, để dụ người trụ chánh pháp đã được Như Lai thánh trí, tỳ-kheo bình đẳng là chẳng phải sát-na. Càn-thát-bà huyễn thảy, sắc không có sát-na là, người trụ chánh pháp cho đến chỗ thấy tất cả pháp đều như huyễn v.v… tức nơi sắc cũng không có nghĩa sát-na. Cớ sao chính nơi sắc pháp chẳng thật mà xem dường như chân thật? Đây là lặp lại bác ngoại đạo chấp tứ đại v.v.. là sanh nhân năng tạo.

 

3- CHỈ PHÁP THÂN CHÂN PHẬT BÌNH ĐẲNG BẢN TẾ PHÁ NGHI LÌA LỖI.

 

- ĐẠI HUỆ THƯA THỈNH VỀ SÁU CHỖ NGHI.

 

Bồ-tát Đại Huệ lại bạch Phật: Thế Tôn! Thế Tôn thọ ký cho A-la-hán được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cùng chư Bồ-tát đồng không sai biệt? Tất cả pháp chúng sanh không đến Niết-bàn, ai đến Phật đạo? Từ khi mới được thành Phật cho đến vào Niết-bàn, ở trong khoảng giữa ấy không nói một chữ, cũng không có đối đáp? Vì Như Lai thường định, cũng không suy nghĩ, không xét nét, do hóa Phật hóa làm Phật sự? Cớ sao nói tướng thức sát-na lần lượt hoại? Kim cang lực sĩ thường theo hộ vệ, tại sao chẳng chỉ thẳng bản tế, mà hiện ma, ma nghiệp, quả báo ác nghiệp, Chiên-giá-ma-nạp, cô gái Tôn Đà Lợi, không bát mà về, ác nghiệp chướng hiện? Tại sao Như Lai được nhất thiết chủng trí, mà chẳng lìa các lỗi ấy?

 

Ý hỏi có sáu nghi vấn. Quyển kinh này cùng các kinh khác nói pháp thân Phật nói cùng Hóa thân nói dường như có khác nhau, nên muốn phát minh. Nghi thứ nhất là, Nhị thừa tự mình Niết-bàn không thể thành Phật, cớ sao Như Lai vì Nhị thừa thọ ký cùng Bồ-tát không khác? Nghi thứ hai, chúng sanh bởi do vọng tưởng nên chẳng giác tự tâm hiện ra, tại sao Như Lai lại nói tất cả chúng sanh đã Niết-bàn rồi không lại Niết-bàn, đã thành Phật rồi thì ai đến Phật đạo? Nghi thứ ba, Như Lai phân bộ tam thừa, cớ sao lại nói đêm ấy thành Phật, đêm ấy vào Niết-bàn, ở trong khoảng giữa ấy không nói không dạy? Nghi thứ tư, Như Lai nếu thường ở trong định không suy nghĩ không xét nét, thì các hóa Phật làm những việc gì? Nghi thứ năm, tất cả chúng sanh đã thành Phật rồi, cớ sao lại nói thất thức chẳng lưu chuyển, chẳng phải nhân Niết-bàn sát-na lần lượt hoại? Nghi thứ sáu, Như Lai dựng lập tự thông an trụ bản tế không có chướng ngại, lìa các lỗi lầm, cớ sao lại nói kim cang hộ vệ sao chẳng chỉ thẳng bản tế mà hiện ma, ma nghiệp, quả báo, các thứ lỗi lầm? Ma là Phật ngồi đạo tràng ma quân đến quấy nhiễu. Ma nghiệp là Phật thị hiện trong vương cung mười năm thọ dục. Chiên-giá-ma- nạp là con gái Bà-la-môn dùng chậu gỗ úp trên bụng cột lại để vu báng Phật tư thông với y. Tôn Đà Lợi giết con gái đem chôn trong đất già-lam để vu báng Phật phạm dâm sát. Ở trong thôn Bà-lợi-na, Phật khất thực ôm bát về không và ăn lúa ngựa, đầu lưng đều đau, cây đâm ở chân, hầm lửa, cơm độc, các thứ báo hiện.

 

- TRỪ NGHI THỌ KÝ A-LA-HÁN.

 

Phật bảo Đại Huệ: Lắng nghe, lắng nghe! Khéo suy nghĩ đó, sẽ vì ông nói. Đại Huệ bạch Phật: Lành thay, Thế Tôn! Xin vâng thọ giáo. Phật bảo Đại Huệ: Vì vô dư Niết-bàn nói dẫn dụ tiến lên hành hạnh Bồ-tát. Thế giới này và các thế giới khác những người tu Bồ-tát hạnh ưa Niết-bàn của Thanh văn thừa, vì khiến lìa Thanh văn thừa tiến đến Đại thừa, nên Hóa Phật thọ ký cho Thanh văn, chẳng phải Pháp Phật. Đại Huệ! Nhân đó nên thọ ký các Thanh văn cùng Bồ-tát không khác. Đại Huệ! Chẳng khác ấy, Thanh văn, Duyên giác chư Phật Như Lai phiền não chướng dứt, một vị giải thoát, chẳng phải trí chướng dứt. Đại Huệ! Trí chướng là thấy pháp vô ngã, thù thắng thanh tịnh. Phiền não chướng là trước tập thấy nhân vô ngã dứt, thất thức diệt, pháp chướng giải thoát, thức tàng tập khí cứu kính thanh tịnh.

 

Đây là đáp nghi vấn thứ nhất về thọ ký cho A-la-hán. Thọ ký cho A-la-hán có ba nghĩa: một, sách tiến Nhị thừa được vô dư Niết-bàn, hai dẫn dụ Nhị thừa phát tâm Bồ-tát, ba chỉ Bồ-tát cõi này và các cõi khác chẳng rơi vào thiền lạc của Nhị thừa. Đây là Hóa Phật quyền dẫn chẳng phải Pháp Phật nói. Lại phân biệt Nhị thừa, Bồ-tát khác cùng chẳng khác, để rõ thật giáo Nhị thừa đoạn phiền não chướng đạt được giải thoát cùng Bồ-tát không khác; vì trí chướng chưa đoạn nên cùng Bồ-tát khác. Nhị thừa không thấy pháp vô ngã, nên trí chướng chẳng đoạn; mà tập khí đã khởi kiến phần của thức thứ bảy chấp ngã, ở trong tam giới tánh nhiếp thủ đã lìa, nên phiền não chướng đoạn; mà chỗ nương của thất thức là tập khí nội ngã vẫn chưa trừ diệt. Ngã này một phen diệt thức tàng tập khí thân chuyển liền được cứu kính thanh tịnh. Cho nên biết, tam-muội lạc trụ của Thanh văn sẽ được thân tối thắng Như Lai.

 

- TRỪ NGHI CHẲNG NÓI MỘT CHỮ.

 

Vì bởi pháp bản trụ trước sau phi tánh

 

Đây là đáp cái nghi thứ ba không nói một chữ. Bản trụ là bản tánh thường trụ, có Phật hay không Phật pháp nhĩ như thế, không có xưa nay, không có nói dạy, nên nói “trước sau phi tánh”. Chữ tánh tức là pháp. Nghĩa là trước sau chỉ một bản trụ, không có một pháp có thể được.

 

- TRỪ NGHI KHÔNG SUY XÉT KHÔNG XÉT NÉT.

 

Vì bổn nguyện vô tận Như Lai không nghĩ không xét, mà diễn nói pháp, vì chánh trí sở hóa, vì niệm chẳng vọng, nên không nghĩ không xét. Vì tứ trụ địa và vô minh trụ địa tập khí đã đoạn, hai thứ phiền não đoạn, lìa hai thứ tử, giác nhân pháp vô ngã và đoạn hai chướng.

 

Đây đáp nghi thứ tư không nghĩ không xét. Như Lai không nghĩ không xét mà diễn nói pháp, do chánh trí hóa, chẳng phải vọng niệm hóa. Cho nên tuy Hóa Phật làm ra mà đều lìa nghĩ xét, nên nói “Phật dùng một âm diễn nói pháp, chúng sanh tùy loại mỗi loài được hiểu. Song Như Lai thật không có tâm tùy loài, ấy do các loài có duyên mà mỗi loài thấy khác”. Ngũ trụ, hai tử, hai phiền não, hai ngã, hai chướng, năm thứ tập này, Như Lai đoạn đã lâu, nên được thường định không nghĩ. Chỉ do bổn nguyện thị hiện có hóa tác tùy chỗ cảm hiện như trăng trong nước.

 

- TRỪ NGHI CHÚNG SANH THÀNH PHẬT, THỨC SÁT-NA HOẠI.

 

Đại Huệ! Tâm ý ý thức nhãn thức v.v… có bảy là nhân tập khí sát-na, lìa phẩm thiện vô lậu, chẳng lại luân chuyển. Đại Huệ! Như Lai tàng là luân chuyển, là nhân khổ vui Niết-bàn, kẻ tuệ không, loạn ý và phàm phu ngu si không thể giác được.

 

Đây là tổng đáp nghi thứ hai chúng sanh thành Phật và nghi thứ năm thức sát-na hoại. Tâm ý, ý thức, nhãn thức v.v… sở dĩ nói sát-na, vì lấy vô minh tập khí làm nhân, trái với vô lậu giác, vọng chấp là ngã thể. Thể này chẳng thật sát-na biến diệt, chẳng theo lưu chuyển. Thế nên tất cả chúng sanh tuy ở trong sanh tử mà không có sanh tử khá được. Nếu đứng về Như Lai tàng mà nói, tuy hiện lưu chuyển mà có nhân khổ vui Niết-bàn. Phàm phu vọng tưởng chấp trước bị khổ vui che đậy, chẳng biết hay thọ khổ vui cùng hay chứng Niết-bàn tánh nó không hai. Nhị thừa là đối trị phàm phu diệt cái thọ khổ vui, lại bị cái không làm loạn, bỏ nhân khổ vui riêng thủ Niết-bàn, mà chẳng biết tự tánh Niết-bàn, đồng gọi là bất giác. Giác thì liền đó chứng biết, lại không riêng có, thất thức sát-na, chúng sanh thành Phật vốn chẳng ngại nhau. Bản dịch này nói tâm ý ý thức nhãn thức v.v… bảy, còn bản dịch đời Đường thì nói ý và ý thức nhãn thức v.v…bảy, đều nói bảy thức không lưu chuyển. Song bản dịch này kèm nói tâm là riêng để hiển bày Như Lai tàng chẳng hoại chân tướng, nên nói: “chỉ tâm tướng diệt, chẳng phải tâm thể diệt, vì chỉ si diệt tâm tướng theo đó mà diệt”, cũng chẳng phải không có ý chỉ. Tóm lại, thức thứ bảy vốn góp kiến phần của thức thứ tám làm thể, nên nói bảy thức sát-na thì tâm tướng của tám thức sát-na không nói có thể biết. Nói Như Lai tàng phi sát-na mà bảo nhân khổ vui. Phàm thọ khổ vui hẳn do phân biệt. Thế thì sáu thức sát-na cũng tức có nghĩa phi sát-na. Mới biết mê thì chỉ vọng giác làm sát-na, nên nói “Thất thức chẳng luân chuyển”. Ngộ thì chỉ chân tướng phi sát-na, nên nói “Như Lai tàng là nhân khổ vui Niết-bàn”. Mà thật, thất thức tức là bát thức, bát thức tức là ngũ thức, lục thức. Đây hoại và chẳng hoại chung nhau làm nhân, thảy do mê ngộ chẳng phải thật có nhiều thể.

 

- TRỪ NGHI KIM CANG HỘ VỆ VÀ TẤT CẢ NGHIỆP BÁO.

 

Đại Huệ! Kim cang lực sĩ theo hộ vệ ấy, là Hóa Phật, chẳng phải chân Như Lai. Đại Huệ! Chân Như Lai lìa tất cả căn lượng, tất cả căn lượng phàm phu, Thanh văn, Duyên giác và ngoại đạo thảy đều diệt, được hiện pháp lạc, vì trụ vô gián pháp trí nhẫn, nên chẳng phải Kim cang lực sĩ hộ vệ. Tất cả Hóa Phật chẳng từ nghiệp sanh. Hóa Phật là, chẳng phải Phật chẳng lìa Phật. Nhân thợ gốm, bánh xe v.v… Chúng sanh tạo ra hình tướng mà nói pháp, chẳng phải chỗ tự thông, nói cảnh giới tự giác.

 

Đoạn này và đoạn sau đều đáp nghi thứ sáu Kim cang hộ vệ và tất cả nghiệp báo bệnh chung. Chân Phật dựng lập tự thông, chỉ thẳng cảnh giới tự giác cho chúng sanh, lìa tất cả căn lượng phàm phu Nhị thừa, được hiện pháp lạc trụ, trí nhẫn vô gián, chẳng phải chỗ Kim cang hộ vệ. Kim cang theo hộ vệ là chỉ Hóa Phật. Hóa Phật duy nương bi nguyện đối hiện sắc thân, như trăng trong nước chẳng phải một chẳng phải khác, chẳng phải từ nghiệp sanh nên không lỗi của nghiệp, tất cả thị hiện thảy vì chúng sanh. Thợ gốm dùng bánh xe, đất nước tạo các món đồ, mỗi món thích hợp với chỗ dùng, để dụ tùy cơ ứng hiện, chẳng phải có tâm tạo.

 

Lại nữa, Đại Huệ! Kẻ ngu y thất thức thân diệt rồi khởi đoạn kiến, vì chẳng giác thức tàng khởi thường kiến, vì tự vọng tưởng nên chẳng biết bản tế, Tự vọng tưởng tuệ diệt nên được giải thoát. Vì tứ trụ địa, vô minh trụ địa tập khí đoạn hết nên tất cả lỗi đoạn.

 

Đây cũng đáp về cái nghi thứ sáu, đặc biệt rõ bản tế không có lỗi lầm, vì phàm ngu chẳng giác vọng thấy sai biệt mà thôi. Thất thức thân nếu diệt liền hay liễu đạt bản tế, chẳng khởi đoạn kiến. Đây nói thất thức diệt chính là quán sát lưu chú niệm niệm chẳng dừng, chẳng giác tự tâm nên khởi đoạn kiến. Bản dịch đời Ngụy đời Đường đều nói “lục thức” cũng đồng ý này. Nhân mê Như Lai tàng mà có tàng thức, nếu lìa thức tìm tâm liền thuộc Nhị thừa thiên chân, nếu tức nơi thức cho là tâm lại rơi vào ngoại đạo chấp tác giả. Đây là do chẳng rõ thức tàng lầm là chân thật, tự vọng tưởng thấy, chẳng biết bản tế. Vọng tưởng nếu diệt thì ngũ trụ tập khí một lúc liền đoạn, tức là tất cả lỗi dứt, đâu còn có các thứ nghiệp báo. Cho nên biết mê Như Lai tàng mà làm thức tàng liền tùy thuận vọng tưởng là bản tế sanh tử, chẳng giác chẳng biết. Nếu rõ thức tàng tức Như Lai tàng thì tùy thuận chánh trí là bản tế Niết-bàn, không nhiễm không nhơ. Đã có thị hiện đều vì chúng sanh chẳng phải dựng lập tự thông, cảnh giới tự giác.

 

- KỆ TỔNG ĐÁP.

 

Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ:

 

Tam thừa cũng phi thừa Như Lai chẳng diệt mất

Tất cả Phật đã ghi Nói lìa các lỗi ác.

Vì các trí vô gián Và vô dư Niết-bàn

Dẫn dụ các hạ liệt Thế nên nói ẩn khuất.

Trí chư Phật đã khởi Tức phân biệt nói đạo

Các thừa chẳng phải thừa

Kia ắt phi Niết-bàn.

Dục sắc hữu và kiến Nói là tứ trụ địa

Chỗ khởi của ý thức Nhà thức chỗ ý trụ.

Ý và nhãn thức thảy Đoạn diệt nói vô thường

Hoặc khởi chấp Niết-bàn Mà vì nói thường trụ.

 

Tam thừa cũng phi thừa, Như Lai chẳng diệt mất, chính hai câu này đã đáp hết sáu cái nghi. Nghĩa là Như Lai tự giác không có tướng thừa, chẳng vào Niết-bàn. vốn tự thanh tịnh không có các cấu ác. Nếu hay liễu đạt lại không có nói gì khác. Chúng sanh hạ liệt không tin được chỗ này, nên Như Lai nói có chánh trí, nói có Niết-bàn, trước vì dẫn dụ họ tiến lên, về sau mới chỉ mật ý này. Nghĩa là Như Lai đã được nhất thiết chủng trí phân bộ diễn nói, lại không có ý chỉ riêng. Chỉ nói chẳng phải thừa và chẳng phải Niết-bàn khiến họ tự tin tự chứng mà thôi. Nếu chỉ đoạn diệt tứ trụ nói là Niết-bàn thì đây không phải thường trụ. Như Lai nói chẳng phải thừa chẳng phải Niết-bàn, bản tánh thanh tịnh thường tự tịch diệt, nên nói thường trụ. Ý thứ bảy y thức thứ tám mà khởi, tức do thức thứ tám mà trụ, chẳng lấy thức thể chuyển biến làm cứu kính, mà lấy ý, ý thức và năm căn thức tạm thấy dừng diệt, khởi tưởng Niết-bàn, đồng với đoạn diệt, chỉ tăng trưởng tà kiến.

 

4 - CHỈ NHƯ LAI CHÁNH NHÂN CHÁNH QUẢ CỨU KÍNH THANH TỊNH.

 

- ĐẠI HUỆ THỈNH HỎI TỘI PHƯỚC ĂN THỊT VÀ CHẲNG ĂN THỊT.

 

Bồ-tát Đại Huệ dùng kệ hỏi Phật:

 

Chư Bồ-tát kia thảy Chí cầu Phật đạo ấy

Rượu thịt cùng với hành Ăn uống là thế nào?

Cúi mong Vô thượng tôn Thương xót vì diễn nói.

Kẻ ngu chỗ tham đắm Nhơ hôi không tốt đẹp

Chỗ ưa thịt cọp sói Làm sao mà nên ăn?

Kẻ ăn sanh các lỗi Chẳng ăn là phước lành

Cúi xin vì con nói Tội phước ăn chẳng ăn.

 

Bồ-tát Đại Huệ nói kệ hỏi rồi, lại bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn vì chúng con nói lỗi ác ăn thịt và công đức chẳng ăn thịt. Con và chư Bồ-tát ở hiện tại vị lai sẽ vì chúng sanh có các thứ hy vọng ăn thịt phân biệt nói pháp, khiến chúng sanh kia từ tâm đến nhau, được từ tâm rồi mỗi người nơi trụ địa thanh tịnh sáng tỏ, chóng được cứu kính Vô thượng Bồ-đề. Hàng Thanh văn Duyên giác nơi địa vị của mình dừng nghỉ rồi, cũng được chóng thành Vô thượng Bồ-đề. Các chúng ngoại đạo pháp ác tà luận, tà kiến đoạn thường điên đảo chấp trước, còn có pháp ngăn không cho ăn thịt, huống là Như Lai cứu hộ thế gian, chánh pháp thành tựu mà ăn thịt sao ?

 

Theo cổ chú nói: “Như Lai ở trong cung quỷ vương nói pháp, các chúng dạ-xoa v.v… nhớ giờ ăn đã đến, chẳng phải thịt thì không ăn được. Đại Huệ vì muốn các quỷ vương sanh từ tâm, nhân đó thỉnh Như Lai nói lỗi ăn thịt, đây vẫn tùy căn cơ chúng sanh”. Song dùng con đường tu hành chân chánh của Như Lai, ở trong kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, nghĩa ba thứ lớp rất nên lẫn nhau chứng minh: “Năm mươi ấm ma cho đến thấy sắc ấm tiêu, thọ ấm minh bạch, ở trong minh ngộ được tánh hư minh, trong ấy bỗng nhiên hướng về chỗ hằng diệt, bác không nhân quả, một bề vào không, không tâm hiện tiền thì có không ma vào trong tạng phủ, bèn chê người trì giới là Tiểu thừa, Bồ-tát ngộ không có gì là trì là phạm. Người ấy thường đến nhà tín tâm đàn-việt uống rượu ăn thịt, rộng làm việc dâm uế. Bởi sức của ma nhiếp phục người ở trước nó chẳng sanh nghi ngờ chê bai. Quỷ nhập tâm đã lâu, hoặc ăn phẩn uế cùng rượu thịt như nhau một loại đồng là không, phá luật nghi của Phật, lầm vào tội lỗi, mất hết chánh định, sẽ theo trầm luân”. Lời răn dạy của Phật rất thâm nghiêm, người biết pháp phải kinh sợ, Ngày nay đã suy muộn xem thường lời dạy ấy. Vả lại có người cho thừa gấp giới hoãn để mặc tình miệng dùng, các thứ phá hoại chẳng dừng ăn thịt, là đáng thương vậy. Lại trong Bồ-tát giới nói: “Khởi một niệm sân làm chướng chúng sanh, hay đoạn chủng tánh, cũng như giết ăn”. Người có chí với đạo phải hộ chánh kiến, chớ bị tà mê.

 

- CHỈ ĂN THỊT NHIỀU LỖI.

 

Phật bảo Đại Huệ: Lành thay, lành thay! Lắng nghe, lắng nghe! Khéo suy nghĩ đó, ta sẽ vì ông nói. Đại Huệ bạch Phật: Xin vâng thọ giáo. Phật bảo Đại Huệ: Có vô lượng nhân duyên không nên ăn thịt. Song nay ta sẽ vì ông lược nói. Nghĩa là tất cả chúng sanh từ trước đến nay nhân duyên lần lượt thường làm lục thân, vì tưởng người thân không nên ăn thịt.

 

Thường làm lục thân là, đức Phật của chúng ta khuyên người phát tâm từ hiếu nên răn nhắc thiết tha. Song là phật tử vì rõ sâu muôn vật một thể, tuy ở trong loài khác còn nghĩ độ thoát, đâu thể vì thân mạng mình vẫn buông lung miệng bụng, phóng ý giết hại, đã nghe đời trước mà không thể động lòng thương xót ư? Chính hiện tại đồng loại rất thiết tha hòa kính, sao chưa nghĩ về sau mà xem hiện nay? Pháp thời gần cuối, nhóm người học Phật phần nhiều thấy theo quyến thuộc của ma. Rất mong cùng thiên hạ đủ chánh tri kiến kính giữ lời dạy của Phật để làm mẫu mực cho đời sau. Dùng một niệm này ngưỡng đối ba đời Như Lai ở trong đại quang minh.

 

Thịt lừa, loa, lạc đà, chồn, chó, trâu, ngựa, người, thú v.v… vì người hàng thịt bán lẫn lộn chẳng nên ăn thịt. Vì phần hơi chẳng sạch sanh trưởng, chẳng nên ăn thịt,vì chúng sanh ngửi mùi thảy sanh kinh sợ như Chiên-đà-la và Đàm-bà v.v… chó thấy oán ghét sợ hãi sủa vang, chẳng nên ăn thịt.

 

Bán lẫn lộn là, vì không biện biệt thịt người hay thịt thú máu thịt giống nhau. Chẳng sạch là máu mủ chẳng sạch. Những người sạch sẽ còn chẳng gần gũi hôi tanh, huống là ăn nuốt. Đến như tâm sợ chết thì người vật nào khác. Người quân tử còn có tâm không nỡ làm chúng sanh sợ sệt. Nếu có lòng sát hại còn không thể bì kịp người ngoài đời, huống là có thể xưng pháp khí gánh vác đạo lý sao ?

 

Lại, vì khiến người tu hành từ tâm chẳng sanh, chẳng nên ăn thịt. Vì kẻ phàm ngu tham đắm ăn đồ hôi hám bất tịnh, không được tiếng tốt, chẳng nên ăn thịt. Vì khiến chú thuật không thành tựu, chẳng nên ăn thịt. Vì người sát sanh thấy hình khởi thức đắm trước mùi vị, chẳng nên ăn thịt. Vì người ăn thịt kia chư thiên bỏ đi, không nên ăn thịt, vì khiến miệng hôi hám, không nên ăn thịt. Vì nhiều mộng dữ, không nên ăn thịt. Vì ở trong rừng vắng, cọp sói ngửi mùi, chẳng nên ăn thịt. Vì khiến ăn uống không tiết độ, không nên ăn thịt. Vì khiến người tu hành chẳng sanh nhàm lìa, không nên ăn thịt. Ta thường nói rằng: Phàm có ăn uống nên khởi tưởng như ăn thịt con, khởi tưởng như uống thuốc, không nên ăn thịt. Cho ăn thịt hẳn là vô lý vậy.

 

Thấy hình khởi thức đó, hình là hình thịt, thức là thức tâm. Nghĩa là tập lâu hay khiến thức tâm biến đổi, chìm sâu trong ô nhiễm. Chư thiên bỏ đi là, chư thiên không còn sân và trộm, nên bị chư thiên bỏ đi. Khiến người tu hành chẳng sanh nhàm lìa là, đệ tử trong pháp của ta, nếu chẳng dứt ăn thịt mà hay khiến tất cả phát tâm tu hành thì họ không sanh tưởng nhàm lìa. Phàm có ăn uống là, đối với sự ăn uống khác xa lìa tham đắm, còn phải khởi tưởng ăn thịt con, khởi tưởng uống thuốc, đâu lại ăn thịt, hẳn là vô lý.

 

Lại nữa, Đại Huệ! Thuở xưa có ông vua tên Sư Tử Tô-đà-ta ăn các thứ thịt cho đến thịt người, thần dân chịu không nổi liền sắp mưu phản, dứt hết bổng lộc. Bởi ăn thịt có những lỗi như thế, chẳng nên ăn thịt.

 

Phàm người sát sanh chịu quả báo ở địa ngục. Ở đây nói hiện đời vẫn thuộc về hiện báo.

 

Lại nữa, Đại Huệ! Các người sát sanh là vì tài lợi, kẻ hàng thịt sát sanh buôn bán, những chúng sanh ngu si ăn thịt kia lấy tiền làm lưới mà bắt các thứ thịt. Người sát sanh hoặc do tài vật, hoặc dùng câu lưới bắt những chúng sanh thủy lục không hành, các thứ giết hại đem bán cầu lợi. Đại Huệ! Cũng không có chẳng dạy chẳng cầu chẳng tưởng mà có thịt cá. Bởi những nghĩa ấy chẳng nên ăn thịt.

 

Không có chẳng dạy chẳng cầu chẳng tưởng là, ở đời có người ăn thịt mới có người bán thịt, tức là dạy người khác giết. Dùng tiền của để lưới các thứ thịt là cầu, thấy hình khởi thức là tưởng. Chưa bao giờ có trừ ba thứ ấy mà được thịt cá, nên chẳng ưng ăn thịt.

 

- CHỈ THẬT NGHĨA KINH NÀY TẤT CẢ THẢY DỨT.

 

Đại Huệ! Ta có khi nói ngăn năm thứ thịt, hoặc cấm mười thứ. Nay ở kinh này tất cả thứ, tất cả thời loại bỏ phương tiện, tất cả thảy đều dứt. Đại Huệ! Như Lai ứng cúng đẳng chánh giác còn không có ăn, huống là ăn thịt, cũng không dạy người. Bởi lòng đại bi đi trước nên xem tất cả chúng sanh ví như con một, thế nên chẳng cho được ăn thịt con.

 

Năm thứ thịt là, chẳng nghe, chẳng thấy, chẳng nghi, chim ăn còn dư, tự chết. Cấm mười thứ là, thịt người, rắn, voi, ngựa, lừa, chồn, heo, chó, sư tử, khỉ. Hai thứ này khai hay ngăn, khi đức Thế Tôn mới thành Phật vì cơ duyên chưa thuần thục, vì lòng thương xót quyền cho được ăn, song đều do thần lực hóa ra không có sanh mạng, đến trong kinh này mới bày nghĩa thật, tất cả thảy dứt vậy. Xem tất cả chúng sanh như con một nên chẳng cho ăn thịt con. Thế Tôn dạy người lấy đồng thể làm thiết yếu, đáng gọi là đến cùng tột. Song dùng lý luận thì đồng một bản trụ hình mạo tuy khác mà tri giác là đồng, người chẳng đến nỗi mê say vẫn nên xét kỹ.

 

- TỔNG KẾT CHỈ RÕ TU HÀNH LỖI LẦM.

 

Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ:

Thảy từng làm thân thuộc Thô nhơ lẫn bất tịnh

Do bất tịnh sanh trưởng Nghe mùi thảy kinh sợ.

Tất cả thịt cùng hành Và các thứ tỏi nén

Các thứ rượu buông lung Tu hành thường xa lìa.

Cũng thường lìa dầu mè Cùng các giường thủng lỗ

Bởi các trùng nhỏ kia Ở trong rất sợ hãi.

 

Hành hẹ tỏi nén ăn sống thì sanh sân, ăn chín thì tham dâm, nên phải đồng dứt. Cổ chú nói: “Phong tục ngoại quốc đâm mè chờ đến có trùng, hoặc cùng Trung Hoa khác vậy”. Giường có lỗ hở có nhiều trùng ẩn, nằm ngồi nó kinh sợ, Phật từ bi đến thế, ta đâu không sanh hổ thẹn.

 

Ăn uống sanh buông lung Buông lung sanh vọng giác.

Từ giác sanh tham dục

Thế nên chẳng ưng ăn

Do ăn sanh tham dục Tham khiến tâm say mê.

Say mê lớn ái dục Sanh tử không giải thoát.

 

Đây xét các thứ ăn uống khác, nếu tham đắm mùi vị đều hay khiến người thân tâm buông lung, nhiều thứ giác tưởng, tột đến tham dục say mê triền miên sanh tử. Chỉ do miệng bụng một niệm theo tình, nhân nhỏ mà quả to, đâu không dè dặt ư?

 

Vì lợi giết chúng sanh Dùng của lưới các thịt

Cả hai đều ác nghiệp Chết đọa ngục khiếu hô.

Nếu không dạy tưởng cầu Ắt không ba tịnh nhục

Kia đâu không nhân có Thế nên chẳng ưng ăn.

Các người tu hành kia Do đó thảy xa lìa

Mười phương Phật Thế Tôn Tất cả đều quở trách.

Lần lượt lại ăn nhau Chết sanh loài hổ lang

Hôi nhơ đáng chán ghét

Chỗ sanh thường ngu si.

Nhiều đời làm Chiên-đà

Giống thợ săn Đàm-bà

Hoặc sanh Đà-di-ni

Và các dòng ăn thịt.

La-sát, mèo, chồn thảy Khắp trong ấy sanh ra

Phược Tượng cùng Đại Vân Ương-quật-lợi-ma-la

Và kinh Lăng-già này Ta đều cấm ăn thịt.

Đà-di-ni là La-sát nữ.

Phược Tượng, Đại Vân,

Ương-quật-lợi-ma-la đều là tên kinh.

Chư Phật và Bồ-tát Thanh văn chỗ quở trách

Ăn rồi không hổ thẹn Đời đời thường si tối.

Trước nói thấy, nghe, nghi Đã dứt tất cả thịt

Vọng tưởng chẳng giác biết Nên sanh chỗ ăn thịt.

Như lỗi tham dục kia Chướng ngại giải thoát thánh

Rượu thịt hành tỏi nén Thảy là chướng thánh đạo.

Chúng sanh đời vị lai Nơi thịt ngu si nói

Rằng đây tịnh không tội Phật cho chúng ta ăn.

Ăn tưởng như uống thuốc Cũng như ăn thịt con

Biết đủ sanh nhàm lìa Tu hành hạnh khất thực.

Người an trụ từ tâm Ta nói thường chán lìa

Cọp sói các thú ác Hằng nên cùng đi ở.

Nếu ăn các máu thịt Chúng sanh ắt kinh sợ.

Thế nên người tu hành Từ tâm chẳng ăn thịt

Ăn thịt không từ tuệ Hằng trái chánh giải thoát

Và trái biểu tướng thánh Thế nên chẳng ăn thịt.

Được sanh dòng Phạm chí Và các chỗ tu hành

Nhà giàu sang trí tuệ Đây do chẳng ăn thịt.

 

Chướng ngại giải thoát thánh đều là chướng thánh đạo. Ăn thịt không từ tâm hằng trái chánh giải thoát. Như Lai lại đôi ba phen thiết tha răn nhắc đều vì người tu hành, nghiêm huấn dạy bảo. Bởi vì Ngài thương đời sau “nói là Đại thừa vô ngại” vọng buông những tà luận và vu khống Như Lai là cho ăn tịnh nhục, làm hoặc loạn kẻ sơ tâm. Một bọn như thế phần nhiều ưa buông lung, không có tâm hổ thẹn, thật là cặn bã ở địa ngục. Được sanh dòng Phạm chí và các người tu hành, nhà giàu sang trí tuệ, còn do không ăn thịt thay, phương chi đệ nhất nghĩa giải thoát của Như Lai? Phật ở trong kinh này chỉ thẳng thức tàng tức Như Lai tàng, chỉ một phen liễu đạt thì toàn vọng tức là chân. Chẳng phải cảnh giới của tất cả Nhị thừa và quyền vị Bồ-tát, mà đối với giới đức rất thiết tha răn dạy. Cho nên biết, vô lậu chân tịnh không dung vật khác, trước sau gốc ngọn cứu kính rõ ràng không còn dư sót. Mười phương ba đời tất cả Như Lai đồng một bí mật, đại đạo sáng tỏ như mặt trời, không nên nghi ngờ.

 

- Hết -

 

[ Quay lại ]