headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 31/10/2024 - Ngày 29 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP BẢO ĐÀN - PHẨM THỨ MƯỜI: PHÓ CHÚC

Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng giải

DỊCH
Một hôm Tổ gọi đệ tử là Pháp Hải, Chí Thành, Pháp Đạt, Thần Hội, Trí Thường, Trí Thông, Chí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân, Pháp Như v.v... bảo rằng: “Các ông không đồng với những người khác, sau khi tôi diệt độ, mỗi người làm Thầy một phương, nay tôi dạy các ông nói pháp không mất bản tông, trước phải dùng ba khoa pháp môn, động dụng thành ba mươi sáu đối, ra vào tức lìa hai bên, nói tất cả pháp chớ lìa tự tánh; chợt có người hỏi pháp, ông xuất lời nói trọn trong đối đãi, đều lấy pháp đối đi lại làm nhân cho nhau, cứu kính hai pháp thảy đều trừ, lại không có chỗ đi. Ba khoa pháp môn là ấm, giới, nhập vậy.

 

 Ấm là ngũ ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nhập là thập nhị nhập, ngoài có sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, trong có sáu cửa là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; giới là thập bát giới: sáu trần, sáu cửa và sáu thức. Tự tánh hay gồm muôn pháp gọi là hàm tàng thức, nếu khởi suy nghĩ tức là chuyển thức sanh sáu thức ra sáu cửa, thấy sáu trần, như thế thành mười tám giới, đều từ nơi tự tánh khởi dụng. Tự tánh nếu tà thì khởi mười tám tà, tự tánh nếu chánh thì khởi mười tám chánh, gồm ác dụng tức là dụng chúng sanh, thiện dụng tức là dụng Phật, dụng do những gì ? Do tự tánh mà có.

 

Đối pháp, ngoại cảnh vô tình có năm đối: Trời cùng đất đối, mặt trời cùng mặt trăng đối, sáng cùng tối đối, âm cùng dương đối, nước cùng lửa đối, đây là năm đối.

 

Pháp tướng ngữ ngôn có mười hai đối: Ngữ cùng pháp đối, có cùng không đối, có sắc cùng không sắc đối, có tướng cùng không tướng đối, hữu lậu cùng vô lậu đối, sắc cùng không đối, động cùng tịnh đối, trong cùng đục đối, phàm cùng thánh đối, tăng cùng tục đối, già cùng trẻ đối, lớn cùng nhỏ đối, đây là mười hai đối vậy.

 

Tự tánh khởi dụng có mười chín đối: Dài cùng ngắn đối, tà cùng chánh đối, si cùng tuệ đối, ngu cùng trí đối, loạn cùng định đối, từ cùng độc đối, giới cùng lỗi đối, thẳng cùng cong đối, thật cùng hư đối, hiểm cùng bình đối, phiền não cùng bồ-đề đối, thường cùng vô thường đối, bi cùng hại đối, hỉ cùng sân đối, xả cùng bỏn sẻn đối, tiến cùng thối đối, sanh cùng diệt đối, pháp thân cùng sắc thân đối, hóa thân cùng báo thân đối, đây là mười chín pháp đối vậy.”

 

Tổ bảo: “Ba mươi sáu pháp đối này nếu hiểu mà dùng tức là đạo, quán xuyến tất cả kinh pháp, ra vào tức lìa hai bên, tự tánh động dụng, cùng người nói năng, ngoài đối với tướng mà lìa tướng, trong đối với không mà lìa không, nếu toàn chấp tướng tức là tăng trưởng tà kiến, nếu toàn chấp không tức tăng trưởng vô minh, người chấp không là có chê bai kinh. Nói thẳng chẳng dùng văn tự, đã nói chẳng dùng văn tự thì người cũng chẳng nên nói năng, chỉ lời nói năng này liền là tướng văn tự. Lại bảo: Nói thẳng chẳng lập văn tự tức hai chữ chẳng lập này cũng là văn tự, thấy người nói liền chê bai người ta nói là chấp văn tự. Các ông nên biết tự mình mê thì còn khả dĩ, lại chê bai kinh Phật, không nên chê bai kinh vì đó là tội chướng vô số. Nếu chấp tướng bên ngoài mà tác pháp cầu chân, hoặc rộng lập đạo tràng, nói lỗi lầm có không, những người như thế nhiều kiếp không thể thấy tánh; chỉ nghe y pháp tu hành, lại chớ có trăm vật chẳng nghĩ, mà đối với đạo tánh sanh chướng ngại; nếu nghe nói chẳng tu khiến người biến sanh tà niệm, chỉ y pháp tu hành, bố thí pháp mà không trụ tướng. Các ông nếu ngộ, y đây mà nói, y đây mà dùng, y đây mà hành, y đây mà tạo tác, tức không mất bản tông. Nếu có người hỏi nghĩa ông, hỏi có thì đem không đáp, hỏi không thì đem có đáp, hỏi phàm thì đem thánh đáp, hỏi thánh lấy phàm đáp, hai bên làm nhân cho nhau sanh ra nghĩa trung đạo, như một hỏi một đáp, bao nhiêu câu hỏi khác đều y đây mà khởi tác dụng, tức không mất chân lý. Giả sử có người hỏi sao gọi là tối thì đáp rằng: Sáng là nhân, tối là duyên, sáng mất tức là tối, dùng sáng để hiển tối, dùng tối để hiển sáng, qua lại làm nhân cho nhau thành nghĩa trung đạo, ngoài ra hỏi những câu khác thảy đều như đây mà đáp. Các ông về sau truyền pháp y đây mà chỉ dạy cho nhau, chớ làm mất tông chỉ.”

 

Vào niên hiệu Thái Cực năm Nhâm Tý, Diên Hòa(Năm Nhâm Tí niên hiệu Thái Cực, tháng năm cải nguyên Diên Hòa, tháng tám cải nguyên Tiên Thiên.) tháng bảy (712 DL), Tổ sai đệ tử đến Tân Châu, chùa Quốc Ân dựng tháp và khiến thợ khởi công gấp, năm kế cuối mùa hạ lạc thành, ngày mùng một tháng bảy Tổ họp đồ chúng bảo rằng: “Tôi đến tháng tám muốn lìa thế gian, các ông có nghi phải hỏi nhau sớm, tôi vì các ông phá nghi khiến các ông dứt mê, nếu tôi đi rồi, sau không có người dạy các ông”. Ngài Pháp Hải v.v... nghe Tổ nói thảy đều rơi lệ chỉ có Thần Hội thần tình bất động, cũng không có khóc.

 

Tổ bảo: “Thần Hội tiểu sư lại được thiện bất thiện cùng là đồng, khen chê chẳng động, vui buồn chẳng sanh, ngoài ra đều không được, ở trong núi mấy năm, cứu kính tu đạo gì ? Nay các ông buồn khóc là vì lo cho ai ? Nếu lo ta chẳng biết chỗ đi thì ta tự biết chỗ đi, nếu ta chẳng biết chỗ đi thì trọn không báo trước cho các ông, các ông buồn khóc bởi vì chẳng biết chỗ đi của ta, nếu biết chỗ đi của ta tức không nên buồn khóc. Pháp tánh vốn không sanh diệt đi lại, các ông ngồi đây ta sẽ vì các ông nói một bài kệ gọi là Chân giả động tịnh kệ. Các ông tụng bài này cùng với ta ý đồng, y đây mà tu hành thì không mất tông chỉ.” Chúng Tăng đều làm lễ, Tổ nói kệ rằng:

 

        “Tất cả không có chân,
        Chẳng do thấy nơi chân,
        Nếu thấy được cái chân,
        Thấy đó trọn không chân.
        Nếu hay tự có chân,
        Lìa giả tức tâm chân,
        Tự tâm không lìa giả,
        Không chân chỗ nào chân.
        Hữu tình tức biết động,
        Vô tình tức không động,
        Nếu tu hạnh bất động,
        Đồng vô tình bất động.
        Nếu tìm chân bất động,
        Trên động có bất động,
        Bất động là bất động,
        Vô tình không Phật tánh.
        Hay khéo phân biệt tướng,
        Đệ nhất nghĩa bất động,
        Chỉ khởi cái thấy này,
        Là dụng của chân như.
        Bảo những người học đạo,
        Gắng sức phải dụng tâm,
        Chớ đối pháp Đại thừa,
        Lại chấp trí sanh tử.
        Nếu bàn luận tương ưng,
        Liền cùng bàn nghĩa Phật,
        Nếu thật không tương ưng,
        Chấp tay khiến hoan hỉ.
        Tông này vốn không tranh,
        Tranh tức mất ý đạo,
        Chấp nghịch tranh pháp môn,
        Tự tánh vào sanh tử.”

        (Nhất thiết vô hữu chân,
        Bất dĩ kiến ư chân,
        Nhược kiến ư chân giả,
        Thị kiến tận phi chân.
        Nhược năng tự hữu chân,
        Ly giả tức tâm chân,
        Tự tâm bất ly giả,
        Vô chân hà xứ chân.
        Hữu tình tức giải động,
        Vô tình tức bất động,
        Nhược tu bất động hạnh,
        Đồng vô tình bất động.
        Nhược mích chân bất động,
        Động thượng hữu bất động,
        Bất động thị bất động,
        Vô tình vô Phật chủng.
        Năng thiện phân biệt tướng,
        Đệ nhất nghĩa bất động,
        Đãn tác như thử kiến,
        Tức thị chân như dụng.
        Báo chư học đạo nhân,
        Nỗ lực tu dụng ý,
        Mạc ư Đại thừa môn,
        Khước chấp sanh tử trí.
        Nhược ngôn hạ tương ưng,
        Tức cộng luận Phật nghĩa,
        Nhược thật bất tương ưng,
        Hiệp chưởng linh hoan hỷ.
        Thử tông bổn vô tránh,
        Tránh tức thất đạo ý,
        Chấp nghịch tránh pháp môn,
        Tự tánh nhập sanh tử ).

 

Khi ấy đồ chúng nghe Tổ nói kệ rồi thảy đều làm lễ, biết rõ ý Tổ, mỗi người nhiếp tâm, y theo pháp tu hành, lại không dám tranh cãi. Biết Tổ không còn ở đời bao lâu, Thượng tọa Pháp Hải lại đảnh lễ hỏi rằng: “Sau khi Hòa thượng nhập diệt, y pháp sẽ trao cho người  nào ?”

 

Tổ bảo: “Tôi ở chùa Đại Phạm nói pháp cho đến ngày nay, sao chép để lưu hành, gọi là Pháp Bảo Đàn Kinh, các ông gìn giữ, truyền trao cho nhau, độ các quần sanh, chỉ y nơi lời nói này, ấy gọi là chánh pháp, nay vì các ông nói pháp chớ chẳng trao y, bởi vì các ông tín căn đã thuần thục, quyết định không còn nghi ngờ, kham nhận được đại sự, nhưng cứ theo ý bài kệ  “Phó thọ” của Sơ tổ Đạt-ma, y không nên truyền. Kệ rằng:

 

        Ta đến ở cõi này,
        Truyền pháp cứu mê tình.
        Một hoa nở năm cánh,
        Kết quả tự nhiên thành.”
        (Ngô bản lai tư độ,
        Truyền pháp cứu mê tình,
        Nhất hoa khai ngũ diệp,
        Kết quả tự nhiên thành.)

 

Tổ lại bảo: “Các Thiện tri thức, các ông mỗi người nên tịnh tâm lắng nghe tôi nói pháp, nếu muốn thành tựu chủng trí phải đạt được nhất tướng tam-muội và nhất hạnh tam-muội. Nếu ở tất cả chỗ mà không trụ tướng, ở trong tướng kia, không sanh yêu ghét, cũng không thủ xả, chẳng nghĩ các việc lợi ích thành hoại v.v... an nhàn điềm tịnh, hư dung đạm bạc, đây gọi là nhất tướng tam-muội. Nếu ở tất cả chỗ đi đứng nằm ngồi thuần một trực tâm, không động đạo tràng, chân thành Tịnh độ, đây gọi là nhất hạnh tam-muội. Nếu người đủ hai tam-muội này như đất đã có chứa hạt giống, nuôi dưỡng lớn lên, thành thục được hạt kia, nhất tướng nhất hạnh cũng lại như thế. Nay tôi nói pháp ví như khi mưa ướt khắp cả quả đất, Phật tánh của các ông ví như là hạt giống gặp được sự thấm ướt này thảy đều phát sanh, nương lời chỉ dạy của tôi, quyết định được Bồ-đề, y theo hạnh của tôi, quyết định chứng được diệu quả, hãy nghe tôi nói kệ:

 

        Đất tâm chứa hạt giống,
        Mưa rưới thảy nảy mầm,
        Đốn ngộ hoa tình rồi,
        Quả Bồ-đề tự thành.

        (Tâm địa hàm chư chủng ,
        Phổ vũ tất giai manh,
        Đốn ngộ hoa tình dĩ,
        Bồ đề quả tự thành.
)

 

Tổ nói kệ rồi bảo: “Pháp kia không hai, tâm kia cũng vậy, đạo kia thanh tịnh, cũng không các tướng, các ông dè dặt chớ quán tịnh và để tâm kia không, tâm này vốn tịnh, không nên thủ xả, mỗi người tự nỗ lực tùy duyên đi vui vẻ.” Khi ấy cả thảy chúng đều làm lễ thối lui.

 

Đến ngày mùng tám tháng bảy, Tổ chợt bảo đệ tử rằng: “Tôi muốn trở về Tân Châu, các ông hãy chóng sửa sang thuyền chèo.” Đại chúng đều buồn bã, cố cầm Tổ ở lại. Tổ bảo: “Chư Phật xuất hiện còn phải thị tịch Niết-bàn, có lại tất có đi, lý vẫn thường nhiên, hình hài của tôi đây trở về ắt có chỗ.”

 

Chúng thưa: “Thầy từ đây đi, bao giờ mới trở về ?”

 

Tổ bảo: “Lá rụng về cội, trở lại không hẹn ngày.”

 

Lại hỏi rằng: “Chánh pháp  nhãn  tạng truyền trao cho người nào ?”

 

Tổ bảo: “Người có đạo thì được, người không tâm thì thông.”

 

Lại hỏi: “Về sau có nạn hay chăng ?”

 

Tổ bảo: “Tôi diệt độ khoảng năm, sáu năm, sẽ có một người đến cắt đầu của tôi, nghe tôi huyền ký rằng:

 

        Trên đầu nuôi thân,
        Nơi miệng để ăn,
        Gặp nạn họ Mãn,
        Dương Liễu làm quan.”

        (Đầu thượng dưỡng thân,
        Khẩu lý tu xan,
        Ngộ Mãn chi nạn,
        Dương Liễu vi quan.)

 

Lại nói: “Tôi đi khoảng bảy mươi năm, có hai vị Bồ-tát từ phương Đông lại, một người xuất gia, một người tại gia, đồng thời hưng hóa, dựng lập tông tôi, kiến thiết những ngôi già-lam, xương long cho chánh pháp tiếp nối.”

 

Hỏi: “Chưa biết từ trước Phật Tổ ứng hiện đến nay, sự truyền thọ được bao nhiêu đời, mong Ngài thương xót chỉ dạy.”

 

Tổ bảo: “Cổ Phật hiện ra đời đã vô số lượng, không thể kể hết, nay kể từ bảy đức Phật làm đầu.

 

Thuở quá khứ kiếp Trang Nghiêm có:

 

    Phật Tì-bà-thi,
    Phật Thi-khí,
    Phật Tỳ-xá-phù;
    Hiền kiếp này có:
    Phật Câu-lưu-tôn,
    Phật Câu-na-hàm-mâu-ni,
    Phật Ca-diếp
     và Phật Thích-ca-văn.
Đó là bảy đức Phật. Nay do đức Phật Thích-ca-văn đầu tiên truyền cho:
    Tôn giả Ma-ha-ca-diếp,
    Tổ thứ 2 là A-nan,
    Tổ thứ 3 là Thương-na-hòa-tu,
    Tổ thứ 4 là Ưu-ba-cúc-đa,
    Tổ thứ 5 là Đề-đa-ca,
    Tổ thứ 6 là Di-giá-ca,
    Tổ thứ 7 là Bà-tu-mật-đa,
    Tổ thứ 8 là Phật-đà-nan-đề,
    Tổ thứ 9 là Phục-đà-mật-đa,
    Tổ thứ 10 là Hiếp tôn-giả,
    Tổ thứ 11 là Phú-na-dạ-xa,
    Tổ thứ 12 là Mã Minh,
    Tổ thứ 13 là Ca-tỳ-ma-la,
    Tổ thứ 14 là Long Thọ,
    Tổ thứ 15 là Ca-na-đề-bà,
    Tổ thứ 16 là La-hầu-la-đa,
    Tổ thứ 17 là Tăng-già-nan-đề,
    Tổ thứ 18 là Già-da-xá-đa,
    Tổ thứ 19 là Cưu-ma-la-đa,
    Tổ thứ 20 là Xà-dạ-đa,
    Tổ thứ 21 là Bà-tu-bàn-đầu,
    Tổ thứ 22 là Ma-noa-la,
    Tổ thứ 23 là Hạc-lặc-na,
    Tổ thứ 24 là Sư Tử,
    Tổ thứ 25 là Bà-xá-tư-đa,
    Tổ thứ 26 là Bất-như-mật-đa,
    Tổ thứ 27 là Bát-nhã-đa-la,
    Tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma, Ngài cũng là Sơ Tổ ở Trung Hoa,
    Tổ thứ 29 là Huệ Khả,
    Tổ thứ 30 là Tăng Xán,
    Tổ thứ 31 là Đạo Tín,
    Tổ thứ 32 là Hoằng Nhẫn,
    Huệ Năng là Tổ thứ 33.

 

Từ trước chư Tổ mỗi vị đều có bẩm thừa, các ông về sau phải theo thứ tự truyền trao, chớ khiến sai lầm.”

 

Năm thứ hai niên hiệu Tiên Thiên (713 DL), năm Quí Sửu ngày mùng ba tháng tám (tháng mười hai năm ấy đổi là Khai Nguyên), Tổ ở tại chùa Quốc Ân sau buổi ngọ trai, bảo các đồ chúng rằng: “Các ông mỗi người cứ ngồi y chỗ cũ, tôi cùng các ông từ biệt.”

 

Ngài Pháp Hải bạch rằng: “Hòa thượng để lại giáo pháp gì khiến cho những người mê đời sau được thấy Phật tánh ?”

 

Tổ bảo: “Các ông lắng nghe, những người mê đời sau nếu biết chúng sanh tức là Phật tánh, nếu chẳng biết chúng sanh muôn kiếp tìm Phật cũng khó gặp. Nay tôi dạy các ông biết tự tâm chúng sanh, thấy tự tâm Phật tánh. Muốn cầu thấy Phật, chỉ biết chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng sanh. Tự tánh nếu ngộ, chúng sanh là Phật, tự tánh nếu mê Phật là chúng sanh, tự tánh bình đẳng chúng sanh là Phật, tự tánh tà hiểm Phật là chúng sanh. Tâm các ông nếu hiểm khúc tức Phật ở trong chúng sanh, một niệm bình trực tức là chúng sanh thành Phật. Tâm tôi tự có Phật, tự Phật đó là chân Phật, nếu tự không có tâm Phật thì chỗ nào cầu được chân Phật ? Các ông tự tâm là Phật lại chớ hồ nghi, ngoài không một vật mà hay dựng lập đều là bản tâm sanh ra muôn pháp, nên kinh nói tâm sanh các thứ pháp sanh, tâm diệt các thứ pháp diệt. Nay tôi để bài kệ cùng các ông từ biệt gọi là Tự Tánh Chân Phật Kệ, người đời sau biết được ý kệ này, tự thấy bản tâm, tự thành Phật đạo. Kệ rằng:

 

    Chân như tự tánh là chân Phật,
    Tà kiến tam độc là ma vương,
    Khi tà mê ma ở trong nhà,
    Khởi chánh kiến Phật ở trong nhà.
    Trong tánh tà kiến tam độc sanh,
    Tức là ma vương đến trong nhà,
    Chánh kiến tự trừ tâm tam độc,
    Ma biến thành Phật thật không giả.
    Pháp thân báo thân và hóa thân,
    Ba thân xưa nay là một thân,
    Nếu nhằm trong tánh hay tự thấy,
    Tức là nhân Bồ-đề thành Phật.
    Vốn từ hóa thân sanh tánh tịnh,
    Tánh tịnh thường ở trong hóa thân,
    Tánh khiến hóa thân hành chánh đạo,
    Về sau viên mãn thật không cùng.
    Tánh dâm vốn là nhân tánh tịnh,
    Trừ dâm tức là thân tánh tịnh,
    Trong tánh mỗi tự lìa ngũ dục,
    Thấy tánh sát-na tức là chân.
    Đời này nếu gặp pháp đốn giáo,
    Chợt ngộ tự tánh thấy được Phật,
    Nếu muốn tu hành mong làm Phật,
    Không biết nơi nào nghĩ tìm chân.
    Nếu hay trong tâm tự thấy chân,
    Có chân tức là nhân thành Phật,
    Chẳng thấy tự tánh ngoài tìm Phật,
    Khởi tâm thảy là người đại si.
    Pháp môn đốn giáo nay lưu truyền,
    Cứu độ người đời phải tự tu,
    Bảo ông người học đạo đời sau,
    Không khởi thấy này rất xa xôi.”

    (Chân như tự tánh thị chân Phật,
    Tà kiến tam độc thị ma vương,
    Tà mê chi thời ma tại xá,
    Chánh kiến chi thời Phật tại đường.
    Tánh trung tà kiến tam độc sanh,
    Tức thị ma vương lai trụ xá,
    Chánh kiến tự trừ tam độc tâm,
    Ma biến thành Phật chân vô giả.
    Pháp thân, báo thân cập hóa thân,
    Tam thân bản lai thị nhất thân,
    Nhược hướng tánh trung năng tự kiến,
    Tức thị thành Phật Bồ đề nhân.
    Bản tùng hóa thân sanh tịnh tánh,
    Tịnh tánh thường tại hóa thân trung,
    Tánh sử hóa thân hành chánh đạo,
    Đương lai viên mãn chân vô cùng.
    Dâm tánh bản thị tịnh tánh nhân,
    Trừ dâmtức thị tịnh tánh thân,
    Tánh trung các tự ly ngũ dục,
    Kiến tánh sát na tức thị chân.
    Kim sanh nhược ngộ đốn giáo môn,
    Hốt ngộ tự tánh kiến Thế Tôn,
    Nhược dục tu hành mích tác Phật,
    Bất tri hà xứ nghĩ cầu chân.
    Nhược năng tâm trung tự kiến chân,
    Hữu chân tức thị thành Phật nhân,
    Bất kiến tự tánh ngoại mích Phật,
    Khởi tâm tổng thị đại si nhân.
    Đốn giáo pháp môn kim dĩ lưu,
    Cứu độ thế nhân tu tự tu,
    Báo nhữ đương lai học đạo giả,
    Bất tác thử kiến đại du du.
)

 

Tổ nói kệ rồi bảo rằng: “Các ông ở lại an vui, sau khi tôi diệt độ, chớ làm theo thế gian khóc lóc như mưa, nhận lễ vật điếu tang, thân mặc hiếu phục, chẳng phải là đệ tử của tôi cũng không phải là chánh pháp. Chỉ biết tự bản tâm, thấy tự bản tánh, không động không tịnh, không sanh không diệt, không đi không lại, không phải không quấy, không trụ không vãng, e các ông trong tâm mê, không hiểu ý tôi, nay lại dặn dò các ông khiến các ông thấy tánh. Sau khi tôi diệt độ, y theo đây tu hành, như ngày tôi còn sống, nếu trái lời tôi dạy, giả sử tôi còn ở đời, cũng không có lợi ích gì. Tổ lại nói kệ rằng:
        Ngơ ngơ không tu thiện,
        Ngáo ngáo không làm ác,
        Lặng lẽ dứt thấy nghe,
        Thênh thang tâm không dính.

        (Ngột ngột bất tu thiện,
        Đằng đằng bất tạo ác,
        Tịch tịch đoạn kiến văn,
        Đãng đãng tâm vô trước.)

 

Tổ nói kệ rồi ngồi ngay thẳng đến canh ba, chợt bảo đệ tử rằng: “Tôi đi nhé !” Rồi im lặng mà hóa. Khi ấy mùi hương lạ đầy cả thất, có một móng trắng vòng giáp đất, trong rừng cây cối đều biến thành màu trắng, cầm thú kêu vang bi thương.

 

Đến tháng mười một, quan liêu cùng môn nhân tăng tục ba quận Quảng, Thiều, Tân, đua nhau tới đón thân của Tổ, không giải quyết được việc tranh giành mới thắp hương khấn đảo rằng: “Khói hương chỉ về chỗ nào là Tổ về chỗ ấy.” Khi ấy khói hương bay thẳng về Tào Khê. Ngày mười ba tháng mười một dời thần khám và những y bát được truyền trở về. Năm kế tháng bảy mới mở khám, đệ tử Phương Biện dùng đất trầm tô lên trên, đệ tử nhớ lại lời huyền ký sẽ bị lấy đầu của Tổ, mới lấy sắt lá bao quanh cổ để giữ cổ của Tổ rồi đưa vào trong tháp, chợt trong tháp có hào quang trắng hiện ra thẳng lên trên trời, ba ngày mới tan. Thiều Châu tâu lên vua và phụng sắc lập bia ghi đạo hạnh của Tổ. Tổ sống bảy mươi sáu tuổi, hai mươi bốn tuổi được truyền y, năm ba mươi chín tuổi mới thế phát, nói pháp lợi sanh ba mươi bảy năm, đệ tử nối pháp bốn mươi ba người, người ngộ đạo siêu phàm không biết bao nhiêu mà tính. Tín y của Tổ Đạt-ma truyền, áo Ma Nạp cùng với bát báu của vua Trung Tông ban cho và tượng của Phương Biện đắp cùng với những đạo cụ của Tổ để tại đạo tràng Bảo Lâm, lưu truyền kinh Pháp Bảo Đàn để bày tông chỉ của Tổ, hưng long Tam Bảo và lợi ích quần sanh.

 

GIẢNG   

 

Phẩm này là phần dặn dò sau cùng của Lục Tổ.

 

Một hôm Tổ gọi đệ tử là Pháp Hải, Chí Thành, Pháp Đạt, Thần Hội, Trí Thường, Trí Thông, Chí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân, Pháp Như v.v... bảo rằng: “Các ông không đồng với những người khác, sau khi tôi diệt độ, mỗi người làm Thầy một phương, nay tôi dạy các ông nói pháp không mất bản tông, trước phải dùng ba khoa pháp môn, động dụng thành ba mươi sáu đối, ra vào tức lìa hai bên, nói tất cả pháp chớ lìa tự tánh; chợt có người hỏi pháp, ông xuất lời nói trọn trong đối đãi, đều lấy pháp đối đi lại làm nhân cho nhau, cứu kính hai pháp thảy đều trừ, lại không có chỗ đi. 

 

Nếu là người học đạo, nhất là người xuất gia, hiểu được Thiền tông, có ai hỏi đạo lý chúng ta phải ứng dụng đối đáp làm sao để không mất bản tông, tức là tông chỉ chánh yếu của Phật, Tổ dạy. Muốn không mất bản tông, Tổ dạy phải dùng ba khoa pháp môn, trong đó do sự động dụng thành ba mươi sáu pháp đối, ra vào lìa hai bên chớ không kẹt ở hai bên, như vậy nói tất cả pháp mà không rời tự tánh. Giả sử có ai chợt hỏi thì chúng ta trả lời luôn luôn dùng hai cái đối đãi làm nhân cho nhau, cứu kính cả hai đều dẹp, khi dẹp rồi không còn chỗ để dẹp nữa mới hợp đạo lý.

 

Tổ giải thích:

 

Ba khoa pháp môn là ấm, giới, nhập vậy. Ấm là ngũ ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nhập là thập nhị nhập, ngoài có sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, trong có sáu cửa là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; giới là thập bát giới: Sáu trần, sáu cửa và sáu thức. Tự tánh hay gồm muôn pháp gọi là hàm tàng thức, nếu khởi suy nghĩ tức là chuyển thức sanh sáu thức ra sáu cửa, thấy sáu trần, như thế thành mười tám giới, đều từ nơi tự tánh khởi dụng. Tự tánh nếu tà thì khởi mười tám tà, tự tánh nếu chánh thì khởi mười tám chánh, gồm ác dụng tức là dụng chúng sanh, thiện dụng tức là dụng Phật, dụng do những gì ? Do tự tánh mà có.

 

Đối pháp, ngoại cảnh vô tình có năm đối: Trời cùng đất đối, mặt trời cùng mặt trăng đối, sáng cùng tối đối, âm cùng dương đối, nước cùng lửa đối, đây là năm đối.

 

Pháp tướng ngữ ngôn có mười hai đối: Ngữ cùng pháp đối, có cùng không đối, có sắc cùng không sắc đối, có tướng cùng không tướng đối, hữu lậu cùng vô lậu đối, sắc cùng không đối, động cùng tịnh đối, trong cùng đục đối, phàm cùng thánh đối, tăng cùng tục đối, già cùng trẻ đối, lớn cùng nhỏ đối, đây là mười hai đối vậy.

 

Tự tánh khởi dụng có mười chín đối: Dài cùng ngắn đối, tà cùng chánh đối, si cùng tuệ đối, ngu cùng trí đối, loạn cùng định đối, từ cùng độc đối, giới cùng lỗi đối, thẳng cùng cong đối, thật cùng hư đối, hiểm cùng bình đối, phiền não cùng Bồ-đề đối, thường cùng vô thường đối, bi cùng hại đối, hỉ cùng sân đối, xả cùng bỏn sẻn đối, tiến cùng thối đối, sanh cùng diệt đối, pháp thân cùng sắc thân đối, hóa thân cùng báo thân đối, đây là mười chín pháp đối vậy.”

 

Tổ dạy chúng ta thật là kỹ. Phần nhiều đọc qua đoạn này ít ai chú tâm đến, thấy như là dùng danh từ thôi, không có gì quan trọng nhưng thật ra đây là điểm then chốt trong lối đối đáp của nhà Thiền. Nếu chúng ta không hiểu được điểm này thì đọc sách Thiền không thể nào hiểu nổi.

 

Tổ bảo: “Ba mươi sáu pháp đối này nếu hiểu mà dùng tức là đạo, quán xuyến tất cả kinh pháp, ra vào tức lìa hai bên, tự tánh động dụng, cùng người nói năng, ngoài đối với tướng mà lìa tướng, trong đối với không mà lìa không, nếu toàn chấp tướng tức là tăng trưởng tà kiến, nếu toàn chấp không tức tăng trưởng vô minh, người chấp không là có chê bai kinh. Nói thẳng chẳng dùng văn tự, đã nói chẳng dùng văn tự thì người cũng chẳng nên nói năng, chỉ lời nói năng này liền là tướng văn tự. Lại bảo: Nói thẳng chẳng lập văn tự tức hai chữ chẳng lập này cũng là văn tự, thấy người nói liền chê bai người ta nói là chấp văn tự. Các ông nên biết tự mình mê thì còn khả dĩ, lại chê bai kinh Phật, không nên chê bai kinh vì đó là tội chướng vô số. 

 

Thấy người ta xem kinh liền nói là chấp văn tự, đó là nguy hiểm, là mang tội.

 

Nếu chấp tướng bên ngoài mà tác pháp cầu chân, hoặc rộng lập đạo tràng, nói lỗi lầm có không, những người như thế nhiều kiếp không thể thấy tánh; chỉ nghe y pháp tu hành, lại chớ có trăm vật chẳng nghĩ, mà đối với đạo tánh sanh chướng ngại; nếu nghe nói chẳng tu khiến người biến sanh tà niệm, chỉ y pháp tu hành, bố thí pháp mà không trụ tướng. Các ông nếu ngộ, y đây mà nói, y đây mà dùng, y đây mà hành, y đây mà tạo tác, tức không mất bản tông. Nếu có người hỏi nghĩa ông, hỏi có thì đem không đáp, hỏi không thì đem có đáp, hỏi phàm thì đem thánh đáp, hỏi thánh lấy phàm đáp, hai bên làm nhân cho nhau sanh ra nghĩa trung đạo, như một hỏi một đáp, bao nhiêu câu hỏi khác đều y đây mà khởi tác dụng, tức không mất chân lý. Giả sử có người hỏi sao gọi là tối thì đáp rằng: Sáng là nhân, tối là duyên, sáng mất tức là tối, dùng sáng để hiển tối, dùng tối để hiển sáng, qua lại làm nhân cho nhau thành nghĩa trung đạo, ngoài ra hỏi những câu khác thảy đều như đây mà đáp. Các ông về sau truyền pháp y đây mà chỉ dạy cho nhau, chớ làm mất tông chỉ.” 

 

Đây là lời dặn dò của Tổ, Tổ sợ đệ tử sau này ra truyền pháp nói trái với đạo lý, lời dặn này chắc là có. Giả sử hiện nay có người hỏi thế nào là tối, chúng ta giải nghĩa tối là không thấy, mờ mịt không thấy gọi là tối, luôn luôn chúng ta giải nghĩa như thế. Nhưng Tổ không cho giải thích như vậy, hỏi thế nào là tối thì đáp rằng nhân sáng mà có tối, sáng mất là tối, cũng như tối mất là sáng. Nói như thế khó hiểu hay dễ hiểu ? Mới nghe thấy lạ quá ! Tại sao giải nghĩa như vậy ? Tỉ dụ hỏi thế nào là dài thì đáp nhân nơi ngắn mà có dài, hỏi thế nào là ngắn, đáp nhân dài mà có ngắn, nghĩa là mỗi cái đều là nhân của nhau, đáp như thế người nghe sẽ không kẹt hai bên, không kẹt hai bên tức là đạt được lý trung đạo, là thấy đạo. Trái lại chúng ta giải nghĩa đâu là kẹt đó, nên người nghe không thấy đạo chi cả. Ví dụ như nói về dài ngắn, tôi hỏi quí vị hai cây thước này, so với cây thước ngắn thì cây thước dài là dài, phải không ? Nếu có cây thước khác dài hơn cây thước dài thì cây thước dài thành ngắn. Như vậy nhân cây thước ngắn mà gọi cây thước dài là dài, và nhân cây thước khác dài hơn nữa nên cây thước dài thành ngắn, vậy dài ngắn không cố định. Danh từ dài ngắn là đối đãi, do đối đãi mà thành chớ không có thật, nhưng chúng ta giải nghĩa điều gì cũng quyết định là thật, đó là làm cho người ta mắc kẹt. Khi hỏi thế nào là dài, nếu đáp nhân ngắn mà có dài thì người ta biết rằng “dài” không thật, nhân đối đãi với ngắn mà có; khi hỏi thế nào là ngắn thì đáp nhân dài mà có ngắn, như vậy dài ngắn là không thật mà không thật tức là không kẹt hai bên. Trái lại nói dài nhất định là dài, ngắn nhất định là ngắn, là hoặc kẹt bên này hoặc kẹt bên kia. Tối và sáng cũng thế. Đến lớn nhỏ cũng vậy. Một vật so với vật nhỏ hơn nó thì nó lớn, nhưng nếu so với vật lớn hơn nó thì nó trở thành nhỏ. Như vậy trên thế gian này lớn nhỏ dài ngắn tối sáng v.v... đều là danh từ đối đãi,  “tương đãi” là cái này đối với cái kia mà lập, chớ nó không tự có, đã là tương đãi thì danh từ không thật. Nhưng thế gian luôn luôn phải định nghĩa cho thật xác đáng, mà định nghĩa xác đáng là kẹt ngay !

 

Thế nên Tổ dạy chúng ta đã biết là tương đối thì dùng cái này đáp lại cái kia; như hỏi thế nào là có thì đáp nhân không mà có, hỏi thế nào là không thì đáp đối với có mà nói không, vậy “có, không” cũng là đối đãi không thật. Trái lại chúng ta khi hỏi thế nào là có thì đáp có hình tướng, sờ mó được là có, hỏi thế nào là không thì đáp trống rỗng đó là không. Như vậy chúng ta chấp không là thật không, có là thật có, còn Tổ dạy có là đối với không mà lập, không là đối với có mà thành, nên không và có là hai danh từ đối đãi không thật, không nên chấp bên nào cả, tức là không chấp pháp, mà không chấp pháp tức là thấy được nghĩa trung đạo, đệ nhất nghĩa đế. Trả lời như thế là để đi đến chỗ chân thật.

 

Nếu hỏi thế nào là thánh thì phải đáp nhân phàm mà có thánh, hỏi thế nào là phàm thì đáp nhân thánh mà có phàm. Như thế người hỏi có hài lòng không ? Luôn luôn họ thắc mắc: Tại sao không giải nghĩa rõ thánh là thế nào ? Nhưng nếu chúng ta giải nghĩa thánh là sáng suốt, hiểu thấu mọi việc v.v..., phàm là tối tăm u mê v.v..., giải nghĩa như vậy là định chắc thánh là thánh, phàm là phàm, danh từ phàm thánh là thật, mà chấp chặt là thật, tức kẹt hai bên, đáp để cho người ta chấp tức làm tăng thêm si mê cho người. Còn Tổ bảo cho chúng ta biết thánh và phàm do đối đãi mà lập, nếu không có phàm thì đâu có thánh, không có thánh thì làm gì có phàm ! Như vậy thánh phàm chẳng qua là danh từ đối đãi, nhân cái này mà có cái kia, đó là giả danh không thật, biết giả danh không thật thì không còn chấp, nên không kẹt bên nào cả. Đối đáp như vậy tức là chúng ta không kẹt hai bên, tức nhiên dứt chấp, người hết chấp, không muốn thấy đạo cũng vẫn thấy, còn người chấp chặt dù muốn thấy đạo cũng không thấy được.

 

Tổ thật khéo, Ngài biết rõ tất cả pháp thế gian là không thật, nên Ngài chỉ cho chúng ta đối đáp trong đối đãi, chớ không nói cố định, thế nên chúng ta thấy lời đối đáp của Tổ và các Thiền sư khác hẳn thế gian. Thế gian định nghĩa cái gì là khẳng định cái đó, bởi khẳng định nên trăm thứ đều chấp đủ trăm, nói điều gì là khẳng định điều đó, nói quả quyết cố định nên càng làm cho người ta chấp sâu, càng chấp sâu càng không thấy đạo, vì thế người học đạo là đừng kẹt hai bên. Do đó Tổ mới bảo “đối với tướng mà lìa tướng, đối với không mà lìa không”. Đối tướng lìa tướng nên không chấp tướng, đối không mà lìa không nên chẳng chấp không, chấp không là si, chấp tướng là mê, cả si mê đều dẹp sạch.

 

Như vậy chủ yếu của đạo Phật là làm sao cho chúng ta giác ngộ. Ngôn ngữ lập ra chỉ là tạm dùng trong đối đãi, tất cả ngôn ngữ chúng ta nói ra có lời nào không đối đãi hay không ? Giả sử chúng ta lập ra một điều gì và cho là tuyệt đối, nói tuyệt đối cũng là đối với tương đối mà nói, đối với tương đối mà lập tuyệt đối. Vì thế tất cả ngôn ngữ đều nằm trong đối đãi, không lời nào thoát ngoài đối đãi, thế mà chúng ta cứ nghĩ điều gì cũng là cố định nên mới lầm. Hiểu được ý này khi đọc sách Thiền mới không thấy lạ, các Tổ trả lời cho chúng ta luôn luôn là dùng đối đãi chớ không trả lời thẳng. Nhưng hiện nay chúng ta trả lời như thế được không ? Tỉ dụ hỏi thế nào là Bồ-đề, chúng ta giải nghĩa Bồ-đề là đối với phiền não mà có hay nhân phiền não mà có, hỏi thế nào là phiền não thì đáp nhân Bồ-đề mà có phiền não, cũng như nhân phiền não mà có Bồ-đề. Nói như thế không ai hiểu, họ không chấp nhận được. Chúng ta phải giải nghĩa Bồ-đề là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Giác v.v... như vậy người ta mới chịu hiểu. Thế nên chúng ta thấy rõ thế gian quen định nghĩa, bất cứ điều gì cũng phải định nghĩa, nói câu nào chấp chặt câu nấy, lập danh từ nào chấp chặt danh từ đó. Vì thế Tổ muốn cho chúng ta thức tỉnh, biết tất cả ngôn ngữ lập ra đều là đối đãi không thật. Thế gian này từ vật như cái bàn đến người như ông A... đều là giả danh trên một hình tướng nào đó, nhưng chúng ta quen trên giả danh nên luôn luôn chấp ngôn ngữ, sự vật, chấp lời khen lời chê, điều hay điều dở v.v... rồi điên đảo cả ngày, do đó khổ sở không có ngày dứt.

 

Tóm lại, chúng ta phải hiểu cho thấu đáo, tất cả pháp thế gian đều nằm trong đối đãi. Tổ dạy căn cứ trên ba khoa pháp môn là Ngũ ấm, Thập nhị nhập, Thập bát giới, tức là trùm cả người và ngoại cảnh. Tất cả đều lập trên sự tương đối không có gì là thật, cái này làm nhân cho cái kia, hai cái đối đãi nhau mà thành lập, cũng như nói tối là đối với sáng mà có, nếu sáng mãi thì đâu có nói tối, cũng như tối mãi thì đâu có nói sáng, vì hết tối nên nói đó là sáng, hết sáng nên gọi đó là tối, tối sáng đối đãi nhau mà lập, không thật có. Tỉ dụ một vật chúng ta cho là đẹp vì so với vật xấu hơn nó, nhưng nếu so với một vật đẹp hơn thì nó trở thành xấu, vậy trên thế gian này đâu có gì cố định là tốt là xấu. Như có người uống rượu mỗi lần uống khoảng một phần tư lít, gặp người khác mỗi lần uống nửa lít thì người uống một phần tư lít khen người uống nửa lít là hay là giỏi, lời khen đó là chân lý chưa ? Lời khen đó lợi hay hại ? Người uống được một lít  rượu lại được người uống nửa lít khen, như vậy có phải là cuồng với nhau hay không ? Lời khen đó chỉ là khen trong sự cuồng dại với nhau, thế mà chúng ta cứ lẩn quẩn kẹt trong sự khen chê.

 

Tất cả pháp khác cũng như thế, tất cả đều là danh ngôn không thật, do đối đãi mà lập ra, tại sao chúng ta lại chấp ? Do chấp nên sanh ra phiền não. Nếu hiểu tất cả pháp là đối đãi không thật thì không chấp, do đó phiền não cũng dứt, tự nhiên tâm an ổn, tự tại, nghĩa là ngay trong đời này được giải thoát. Nói “đối tướng mà ly tướng” là thế, đối tướng mà không thấy tướng nào thật thì còn gì mà chấp ? Hiểu thế rồi chúng ta đừng kẹt ở hai bên, không kẹt hai bên tức nhiên đạt được nghĩa trung đạo đệ nhất. Chúng ta chỉ cần nhớ lối đối đáp này, hằng ứng dụng cho mình thì chắc chắn chúng ta hết chấp, trái lại nếu thấy cái gì cũng định nghĩa thật cố định thì chấp không biết đến bao giờ mới dứt !

 

Các vị đồ đệ của Lục Tổ về sau đều dùng cách này để đối đáp. Nhưng hiện nay nếu dùng như thế, người ta sẽ nói mình nói khó hiểu. Sự thật xét kỹ, thà họ không hiểu còn hơn để họ chấp. Thà không hiểu, còn hiểu thì phải hiểu cho đúng, nếu để họ chấp thì càng thêm bệnh chớ có lợi gì. Thế nên thuở xưa khi các Tổ đối đáp, người nào không hiểu thì đi, chớ các Ngài không giải thích thêm. Trái lại chúng ta hiện nay luôn luôn giải nghĩa dài dòng, rốt cuộc người hỏi tưởng ngôn từ là thật; lại thêm việc chiết tự theo chữ Hán nữa, thành ra càng đi vào chi li, càng làm cho người ta rối thêm trong chữ nghĩa chớ không hiểu đúng. Sở dĩ chúng ta học đạo mà không ngộ là tại học trong cái chi li, định nghĩa đủ thứ rồi kẹt trên chữ nghĩa. Thuở xưa đối với người hỏi đạo, các Tổ trả lời đơn giản, cốt sao cho người hỏi tỉnh, thấy được cái chân thật, đó là điểm đặc biệt của các Tổ. Hiểu được lý này chúng ta mới thấy chủ yếu của nhà Thiền là chỉ làm thế nào lợi cho người hỏi đạo, còn chúng ta hiện nay luôn luôn tỏ mình là người thông minh, không cần có lợi cho người hỏi, ai hỏi điều gì liền nói thao thao dẫn đủ trăm ngàn khía cạnh, khiến người hỏi cũng điên đầu không biết Thầy dạy điều gì, đó là bệnh của thời đại. Chúng ta học đạo chân chánh phải hiểu rõ lẽ Phật, Tổ dạy, ứng dụng cho mình tu và cũng dạy lại cho người khác tu, đừng lầm lẫn làm mất tông chỉ của nhà Thiền.

 

Tôi nhắc lại một lần nữa, điểm này Tổ lặp lại không biết bao nhiêu lần, Ngài dạy đối với các tướng mà không chấp đó là lợi ích, nếu chúng ta cố chấp rồi tạo ra những hình thức để cầu đạo lý thì không bao giờ thấy tánh được, chỉ nên y theo pháp đó tu hành chân chánh thì lợi ích. Ngài cũng răn: Đừng theo lối tu “trăm vật không nghĩ”, vì Ngài e chúng ta ngồi tu cứ cố đè cho bao nhiêu vọng tưởng chìm xuống, tan mất. Nay tôi khuyên người tu có thể ngồi chơi, nhưng nhớ tất cả pháp đều đối đãi không thật; nếu tất cả đều đối đãi không thật thì nghĩ điều gì ? Thí dụ nghĩ về người, nếu là người nam thì đối với nữ mà lập, nam nữ là đối đãi không thật thì nghĩ cái gì ? Những điều chúng ta suy nghĩ đều thấy không thật thì còn suy nghĩ điều gì ? Chính khi ấy là chúng ta đã lặng tâm mà không kềm chi cả. Nếu ngồi mà cứ đè xuống cho không biết gì nữa thì càng đè càng bệnh chớ không thành được trí tuệ. Trí tuệ là phải thấy rõ, thí dụ chúng ta ngồi, chúng ta thấy rõ thân mình là hư giả không thật. Biết nó không thật thì ngôn ngữ cũng hư giả không thật, đến cảnh ngoài cũng duyên hợp không thật, biết rõ như vậy là có dấy tâm, có dấy niệm, nhưng dấy niệm biết như vậy có lỗi gì không ? Chính trong khi biết như vậy, tự nhiên tâm mình càng yên, yên này không do đè, nếu ngồi cố tình đè, đó gọi là trăm vật không nghĩ, trở thành si định, không đi đến giải thoát. Thế nên Tổ bảo rằng phải dùng “tương nhân” tức là nhân hai cái đối đãi nhau mà nói thì thấy được nghĩa trung đạo, thấy được nghĩa trung đạo đó là đạt đạo, tức nhiên hết mê. Trái lại cứ tìm giác thì càng tìm càng không thấy; chỉ giác là khi nào không còn kẹt hai bên, vì không kẹt hai bên mới hết mê, hết mê là giác ! Người học đạo cũng như dạy đạo phải đúng như thế mới được. Đấy là đoạn phó chúc về sự giáo hóa của Lục Tổ.

 

Vào niên hiệu Thái Cực năm Nhâm Tý, Diên Hòa tháng bảy (712 DL), Tổ sai đệ tử đến Tân Châu, chùa Quốc Ân dựng tháp và khiến thợ khởi công gấp, năm kế cuối mùa hạ lạc thành, ngày mùng một tháng bảy Tổ họp đồ chúng bảo rằng: “Tôi đến tháng tám muốn lìa thế gian, các ông có nghi phải hỏi nhau sớm, tôi vì các ông phá nghi khiến các ông dứt mê, nếu tôi đi rồi, sau không có người dạy các ông”. Ngài Pháp Hải v.v... nghe Tổ nói thảy đều rơi lệ. 

 

Nghe Tổ từ biệt bảo rằng Tổ sắp đi, trong chúng có điều gì nghi nên đưa ra hỏi, Tổ giải nghi cho để khi Tổ đi rồi không có ai chỉ dạy, các đệ tử lớn như ngài Pháp Hải v.v... đều khóc.

 

Chỉ có Thần Hội thần tình bất động, cũng không có khóc.

 

Tổ bảo: “Thần Hội tiểu sư lại được thiện bất thiện cùng là đồng, khen chê chẳng động, vui buồn chẳng sanh, ngoài ra đều không được, ở trong núi mấy năm, cứu kính tu đạo gì ? Nay các ông buồn khóc là vì lo cho ai ? Nếu lo ta chẳng biết chỗ đi thì ta tự biết chỗ đi, nếu ta chẳng biết chỗ đi thì trọn không báo trước cho các ông, các ông buồn khóc bởi vì chẳng biết chỗ đi của ta, nếu biết chỗ đi của ta tức không nên buồn khóc. Pháp tánh vốn không sanh diệt đi lại, các ông ngồi đây ta sẽ vì các ông nói một bài kệ gọi là “Chân giả động tịnh kệ”. Các ông tụng bài này cùng với ta ý đồng, y đây mà tu hành thì không mất tông chỉ.”

 

Đây là đoạn Tổ từ giã đệ tử, những vị trưởng thượng trong chúng đều khóc, duy có ngài Thần Hội, mới mười mấy tuổi nhưng không khóc nên Tổ khen Thần Hội là tiểu sư mà thần tình bất động, còn các vị khác ở núi bao nhiêu năm, rốt ráo tu đạo gì mà vừa nghe Tổ từ giã liền khóc. Tổ đặt câu hỏi: “Các ông khóc là lo cho ai mà khóc, lo cho ta không biết chỗ đi phải   không ? Nếu không biết chỗ đi sao lại báo trước cho các ông”, báo trước là biết sẵn chỗ đi rồi. “Hoặc các ông khóc vì không biết chỗ ta đi, nếu biết chỗ ta đi thì các ông không khóc nữa.” Tại sao? Đâu phải Tổ đi đến chỗ buồn thảm khổ đau mà khóc, biết được chỗ đó, tức chỗ đi của Tổ là chỗ an nhàn thảnh thơi thì khóc làm chi. Như vậy là khóc cho ai ? Khóc cho người ở lại phải không ? Nói đi nói lại quanh quẩn cũng là vì bản ngã. Nếu khi Tổ đi, nghi không biết Tổ đi đâu, e lang thang tội nghiệp thì nên khóc ! Nhưng Tổ biết chỗ đi nên mới báo trước ngày đi, biết chắc thì đâu có lang thang mà sợ, như vậy khóc đó không phải vì Tổ. Tổ muốn chỉ cho chúng ta biết sở dĩ chúng ta buồn khổ khi sắp chết vì đường trước mờ mờ không biết đi đâu, nên người gần chết cũng khóc mà người nhìn thấy người sắp chết cũng khóc theo, cả hai đều khóc. Tại sao ? Người gần chết khóc là vì không biết thân phận mình ra sao nên hoang mang sợ sệt, khóc nhìn người ở lại vì đi một mình buồn quá; người ở lại cũng khóc là vì người thân đi rồi không còn ai lo cho mình, rốt cuộc người nào cũng khổ, khổ vì bản ngã thôi chớ không vì cái gì khác. Vì thế Tổ mới bảo nếu biết được chỗ mình đến thì có gì sợ mà phải khóc, nếu người khác biết rõ chỗ đến của mình, người đó cũng không khóc. Thế nên chúng ta tu làm sao mà đến khi sắp ra đi, mình biết rõ chỗ mình đến, khi đó mình an nhiên, không buồn lo chi cả, chớ đến khi sắp đi mà không biết đi đâu thì sợ sệt, khổ sở đủ điều. Như thế mới thấy người tu không phải chỉ mỗi tháng đi cúng chùa ngày rằm, ngày ba mươi hay ăn chay mấy ngày là xong bổn phận. Người tu phải làm sao làm chủ được khi sắp ra đi, biết được ngày ra đi rõ ràng, khi đi an ổn vui tươi, được như vậy mới thoát khổ.

 

Chúng tăng đều làm lễ, Tổ nói kệ rằng:

 

        Nhất thiết vô hữu chân,
        Bất dĩ kiến ư chân,
        Nhược kiến ư chân giả,
        Thị kiến tận phi chân.

 

Tổ dạy rằng: Tất cả không có chân thật, chẳng do thấy nơi chân mà gọi là chân, nếu thấy được chân thì cái thấy đó trọn không phải là chân. Chúng ta nghe như khó hiểu, nhưng lẽ thật là như thế. Chân là tự nó chân, nếu thấy chân thì cái chân đó không thành chân. Tại sao ? Cái chân thật là của chính mình, mình thấy nó thì nó là cảnh rồi. Cái chân của chính mình hiện ra khi nào cái giả hết, nên thường nói vọng hết thì chân hiện, chớ khi đang vọng mà tìm chân thì chân cũng là vọng, chỉ giả hết thì chân hiện, cũng như tối hết thì sáng hiện; khi đang tối muốn tìm sáng thì làm sao tìm, vì nơi nào cũng tối cả, chỉ khi tối hết, tự nhiên sáng hiện không cần tìm. Cũng thế chúng ta không thể tìm ra chân, nếu tìm chân, thấy được chân thì chân đó không phải là chân, nên nói:   

 

        Nhược năng tự hữu chân,
        Ly giả tức tâm chân,
        Tự tâm bất ly giả,
        Vô chân hà xứ chân.

 

Tổ chỉ thật là rõ ràng, nếu người hay tự có chân, chân đó ở đâu ? Lìa giả tức tâm chân, tự tâm không chịu lìa giả, không chân chỗ nào tìm ra chân ? Như vậy chân có là khi nào lìa được giả, có sáng là khi nào mất tối, còn tối mà muốn tìm sáng là không có, còn theo giả mà muốn tìm chân cũng không có. Thế nên lối tu của chúng ta là lặng vọng mà không cầu chân, vọng hết là chân hiện chớ không cần tìm chân. Khi tìm chân, chúng ta dùng vọng mà tìm thì cái mình thấy chân cũng là vọng. Nhiều người không biết nói rằng: Muốn nghiên cứu đạo Phật, thấy được chân lý cứu kính thì phải đọc sách nhiều, nghiên cứu kỹ, nhưng thật ra không bao giờ thấy. Dùng suy nghĩ là cái giả để tìm chân thì khi nào   thấy ? Chỉ dứt giả thì chân hiện chớ không cần tìm, vì thế theo đạo Phật muốn đạt được chân lý, phải buông xả tất cả điên đảo vọng tưởng. Đạo Phật không phải là đạo để mình suy nghĩ, buổi đầu do suy nghĩ mà hiểu, nhưng thật ra muốn đạt đến chỗ cứu kính là phải buông xả hết mọi nghĩ suy, mọi cái giả mới được chân. Điểm này Tổ chỉ rõ cho chúng ta: Nếu muốn tự có chân thì phải lìa giả, tức tâm thanh tịnh. Vì thế tôi bảo buông vọng, nghĩa là không bảo tìm chân tâm mà chỉ buông vọng, khi vọng hết tức nhiên tâm chân. Nếu tự tâm không chịu lìa giả, lìa vọng thì hỏi chân ở chỗ nào ? Vì đâu cũng là giả làm sao có chân, càng tìm chân thì càng không thấy. Đó là điều quan trọng của sự tu. Bài kệ của Tú tài Trương Chuyết có câu “Thú hướng chân như tổng thị tà” là như thế, nghĩa là tìm kiếm chân như thảy đều là tà. Chân như không phải tìm mà được, chỉ buông hết giả là chân hiện; nắm được nguyên tắc này thì sự tu hành mới không lầm, nếu không nắm được nguyên tắc này thì dễ lầm lắm.

 

Tiếp theo Tổ nói đến động và tịnh:

 

        Hữu tình tức giải động,
        Vô tình tức bất động,
        Nhược tu bất động hạnh,
        Đồng vô tình bất động.

 

Hữu tình thì biết động, vô tình tức là không biết động, nếu người tu hạnh bất động thì đồng với vô tình bất động. Đây là chỗ chúng ta phải khéo léo, có nhiều người nói tu hạnh bất động rồi muốn đè tâm mình xuống, đóng khung mình trong một chỗ nào, ngồi một chỗ như là ở tù vậy để cho nó bất động. Như thế có bất động được không ? Vì nguyên là hữu tình tức là động mà muốn cho bất động làm sao được, thành ra vô tình mất rồi.

 

        Nhược mích chân bất động,
        Động thượng hữu bất động,
        Bất động thị bất động,
        Vô tình, vô Phật chủng.

 

Tổ dạy: Nếu muốn tìm cái chân thật bất động, phải ngay trên động có bất động. Tổ chỉ cho chúng ta thấy ngay trên động có cái bất động, ví dụ như chúng ta muốn bất động, nên cho rằng mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi là có động, nay cho mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi được không ? Nếu mắt không thấy, tai không nghe thì bịt mắt, bịt tai được, còn mũi không ngửi được không ? Bịt mũi thì chết còn gì ? Như thế muốn tu bất động cách đó là không được. Chỉ mắt thấy sắc mà không chạy theo sắc, thì trên động là bất động, tai nghe tiếng là động nhưng không chạy theo tiếng là bất động, tức là trên động mà bất động thì bất động đó mới là chân thật. Còn chúng ta tránh tất cả để có cái bất động riêng thì cái bất động đó không bao giờ có, vì thành vô tình mất rồi. Trên động mà bất động mới là bất động chân thật. Hiểu được lý này mới thấy được chủ yếu của sự tu. Nếu chúng ta đi tìm cái bất động ở nơi nào đó, thì tìm suốt kiếp không bao giờ có, vì thế gian là động, con người là động, hoàn cảnh là động, trừ chúng vô tình là không động thôi, còn hữu tình là động, đã là động mà muốn bỏ động tìm bất động sao được ? Thế nên ngay trên động có cái bất động, còn nói bất động là bất động thì đó là vô tình không có Phật tánh. Chúng ta có Phật tánh tức là có giác, có giác tức là có động, nhưng ngay trên động làm sao cho không động đó mới là cứu kính, nên thường nói thấy nghe mà như mù, như điếc, thấy vẫn thấy, nghe vẫn nghe, như mù như điếc là trên động mà không động, đó mới là chỗ chân thật. Đoạn này hiểu cho rõ mới thấy giá trị, còn không hiểu rõ thì tưởng như xa xôi lắm vậy.

 

        Năng thiện phân biệt tướng,
        Đệ nhất nghĩa bất động,
        Đãn tác như thử kiến,
        Tức thị chân như dụng.

 

Hay khéo phân biệt được tướng, đệ nhất nghĩa bất động tức là ngay trên các tướng, chúng ta khéo phân biệt được nhưng vẫn ở trong đệ nhất nghĩa không động. Thấy bình bông biết bình bông, thấy ly nước biết ly nước, thấy vật gì biết vật ấy nhưng không động, đó là đệ nhất nghĩa không động. Không phải chúng ta mù tối, ngu si, vô giác, nghĩa là vẫn tri vẫn giác, tri giác tức là động nhưng tri giác mà vẫn trong cái tỉnh chớ không phải vọng, đó là bất động ngay trên động. Chỉ khởi cái thấy này tức là dụng của chân như. Người khéo thấy như vậy là người được diệu dụng của chân như, trái lại nếu cứ tìm bất động ở chỗ nào khác, đó là si mê không thấy đạo lý.

 

        Báo chư học đạo nhân,
        Nỗ lực tu dụng ý,
        Mạc ư Đại thừa môn,
        Khước chấp sanh tử trí.

 

Bảo với những người học đạo, gắng sức phải dụng tâm, chớ nên đối với pháp môn Đại thừa lại chấp thành trí sanh tử. Nghĩa là Tổ dặn đối với pháp Đại thừa phải khéo  dụng  tâm  cho đúng, đừng sai lầm rồi chấp thành trí sanh tử.

 

        Nhược ngôn hạ tương ưng,
        Tức cộng luận Phật nghĩa,
        Nhược thật bất tương ưng,
        Hiệp chưởng linh hoan hỉ.

 

Bốn câu kệ này chúng ta phải sử dụng cho khéo. Tổ dạy nếu người đối diện cùng mình nói chuyện thích hợp nghe hiểu, cảm thông được, liền cùng họ bàn nghĩa Phật, nếu thật không có hợp thì nên chấp tay khiến hoan hỉ, đừng giận, đừng buồn. Tỉ dụ nói tu Thiền điên v.v... thì nên chấp tay cười thôi, chớ đừng cãi lại, hoặc giận lên. Như vậy khi nói về đạo với nhau, nếu hiểu cảm thông được thì cùng bàn đạo lý, còn nếu cãi nhau thì chấp tay hoan hỉ rồi lui. Nhưng hiện nay có ai chịu làm như thế không, cứ nổi sân lên cãi đỏ mặt rồi nói tôi vì đạo, mà đạo thì đâu có sân ! Chúng ta bị bệnh chấp, cái gì cũng chấp, cả đến đạo cũng chấp thành ra phiền não mãi. Tu mà rốt cuộc rồi cũng thành phiền não, chớ không phải hết phiền não, vì gặp cái gì dính cái ấy, chấp cái ấy nên ai chạm tới là nổi sân si. Ở nhà chấp gia đình, chấp cha mẹ, anh em, nên ai phạm tới thì binh rồi phiền não, vào chùa chấp chùa mình, chấp huynh đệ, chấp bổn đạo mình, nên cũng binh rồi cũng phiền não, rốt cuộc ở đâu cũng phiền não. Chấp là gốc của phiền não, hiểu như thế thì có ai cần hỏi đạo lý, chúng ta đem hết lòng thành nói cho họ nghe, nếu họ hiểu được thì cùng bàn, nếu họ chấp thì nên chấp tay hoan hỉ rút lui, như thế mới hợp đạo lý, còn tranh cãi là không hợp với đạo.

 

        Thử tông bổn vô tránh,
        Tránh tức thất đạo ý,
        Chấp nghịch tránh pháp môn,
        Tự tánh nhập sanh tử.

 

Tông này vốn không tranh, tranh tức mất ý đạo. Chấp nghịch tránh pháp môn, tỉ dụ chấp mình Đại thừa, người Tiểu thừa, chê Tiểu thừa là kém v.v... như vậy là chấp pháp môn nghịch rồi sanh tranh cãi thì tự tánh vào sanh tử. Tự tánh đi trong sanh tử chớ không vào Niết- bàn! Tổ dạy thật quá kỹ, Ngài dạy chúng ta tu, dạy chúng ta xử sự sao cho hợp với đạo, đừng để cái chấp đưa chúng ta đến chỗ mê lầm, đến trong sanh tử.

 

Khi ấy đồ chúng nghe Tổ nói kệ rồi thảy đều làm lễ, biết rõ ý Tổ, mỗi người nhiếp tâm, y theo pháp tu hành, lại không dám tranh cãi. Biết Tổ không còn ở đời bao lâu, Thượng tọa Pháp Hải lại đảnh lễ hỏi rằng: “Sau khi Hòa thượng nhập diệt, y pháp sẽ trao cho người nào ?”

 

Tổ bảo: “Tôi ở chùa Đại Phạm nói pháp cho đến ngày nay, sao chép để lưu hành, gọi là Pháp Bảo Đàn Kinh, các ông gìn giữ, truyền trao cho nhau, độ các quần sanh, chỉ y nơi lời nói này, ấy gọi là chánh pháp, nay vì các ông nói pháp chớ chẳng trao y, bởi vì các ông tín căn đã thuần thục, quyết định không còn nghi ngờ, kham nhận được đại sự. 

 

Khi hỏi sau khi Tổ tịch rồi y bát trao cho ai thì Tổ bảo sau khi Tổ tịch, tất cả những thời pháp Tổ giảng từ khi khởi sự ở chùa Đại Phạm về sau, ghi chép lại để tên là Pháp Bảo Đàn Kinh rồi truyền bá cho nhau, chớ không truyền y nữa. Nay chúng ta được học quyển Pháp Bảo Đàn này là được truyền pháp của Tổ. Tại sao không truyền y ? Vì các đệ tử của Ngài lòng tin đã thuần, không còn nghi nữa.

 

Nhưng cứ theo ý bài kệ  “Phó thọ” của Sơ tổ Đạt-ma, y không nên truyền. Kệ rằng:       

 

        Ngô bản lai tư độ,
        Truyền pháp cứu mê tình,
        Nhất hoa khai ngũ diệp,
        Kết quả tự nhiên thành.

 

Tổ Đạt-ma bảo: Ngài sang Trung Hoa truyền pháp để cứu mê tình, một hoa là tổ Đạt-ma, sanh ra năm cánh tức là đến Tổ thứ sáu là năm vị, đến đây thì kết quả tự nhiên thành, vì thế dưới Lục Tổ không truyền y bát nữa.

 

Tổ lại bảo: “Các Thiện tri thức, các ông mỗi người nên tịnh tâm lắng nghe tôi nói pháp, nếu muốn thành tựu chủng trí phải đạt được Nhất tướng tam-muội và Nhất hạnh tam-muội. Nếu ở tất cả chỗ mà không trụ tướng, ở trong tướng kia, không sanh yêu ghét, cũng không thủ xả, chẳng nghĩ các việc lợi ích thành hoại v.v... an nhàn điềm tịnh, hư dung đạm bạc, đây gọi là Nhất tướng tam-muội.

 

Tôi nói lại cho dễ hiểu, Nhất tướng tam-muội là đối tất cả chỗ mà không trụ tướng, trên tất cả tướng đó không sanh yêu ghét, thủ xả, lợi ích v.v... Nghĩa là đối tất cả tướng mà không chấp không trụ, không sanh yêu ghét thủ xả v.v..., như vậy bao nhiêu tướng chúng ta đều không dính mắc nên gọi là Nhất tướng tam-muội. Bao nhiêu tướng mà không dính tướng nào cả thì xem như là một tướng, chánh định chỉ có một tướng. Người không chấp tất cả pháp thì dáng vẻ an nhàn điềm đạm. Tỉ dụ trước sân chúng ta có một chậu kiểng đang nở hoa đẹp, chợt một đứa bé đi ngang ngắt một cái hoa lúc đó mình có an nhàn điềm đạm không ? Chúng ta chấp rằng hoa mình trồng cực khổ, hoa của mình là quí, nay bị ngắt liền nổi giận, la đứa bé, tức nhiên chúng ta mất đi sự an nhàn điềm đạm. Vì chấp tướng nên một việc gì xúc phạm đến chúng ta, chúng ta đều nổi giận la lối, hoặc trong trường hợp chúng ta hay thân nhân chúng ta bệnh hoạn, chúng ta hốt hoảng v.v... Như vậy để thấy rõ do chấp tướng nên chúng ta trở thành thô bạo, bất thường, nếu không chấp tướng thì mọi hành động đều an nhàn, điềm tĩnh, hư dung đạm bạc. Tóm lại trên tất cả tướng mà không dính, không mắc, không sanh yêu ghét, thủ xả, đó là Nhất tướng tam-muội. Tam-muội là chánh định, chánh định chỉ có một tướng là không dính tất cả tướng.

 

Nếu ở tất cả chỗ đi đứng nằm ngồi thuần một trực tâm, không động đạo tràng, chân thành Tịnh độ, đây gọi là Nhất hạnh tam-muội. 

 

Nhất hạnh tam-muội không phải là một hạnh ngồi yên một chỗ. Nhất hạnh tam-muội là làm sao trong bốn oai nghi đi đứng ngồi nằm chỉ thuần một trực tâm, chỉ một tâm ngay thẳng thuần nhất, không có cong vẹo, thì ngay cõi này chính là Tịnh độ, vì không có tâm đổi thay cong vẹo thì đâu có buồn giận thương ghét, như vậy ngay đây là Tịnh độ.

 

Nếu người đủ hai tam-muội này như đất đã có chứa hạt giống, nuôi dưỡng lớn lên, thành thục được hạt kia, nhất tướng nhất hạnh cũng lại như thế.

 

 Đất có chứa hạt giống lúa, hạt lúa được nuôi lần lần lớn lên thành cây có bông và kết quả thành hạt lúa. Người có đủ hai tam-muội chắc chắn kết quả cũng thành Phật không nghi. Như vậy muốn thành Phật phải có đủ Nhất tướng tam-muội và Nhất hạnh tam-muội. Tôi nói lại “Nhất hạnh tam-muội” là trong bốn oai nghi đều  một trực tâm, còn “Nhất tướng tam-muội” là đối tất cả tướng không dính mắc tướng nào cả, không yêu ghét thủ xả..., đủ cả hai tam-muội thì như đất đã có hạt giống sẵn, nuôi dưỡng lần lần lớn lên có bông, có hạt.

 

Nay tôi nói pháp ví như khi trời mưa ướt khắp cả quả đất, Phật tánh của các ông ví như là hạt giống gặp được sự thấm ướt này thảy đều phát sanh, nương lời chỉ dạy của tôi, quyết định được Bồ-đề, y theo hạnh của tôi, quyết định chứng được diệu quả, hãy nghe tôi nói kệ:

 

        Tâm địa hàm chư chủng,
        Phổ vũ tất giai manh,
        Đốn ngộ hoa tình dĩ,
        Bồ-đề quả tự thành.”

 

Đất tâm chứa các hạt giống, tức hạt giống Bồ-đề, khi mưa rưới thì tất cả đều nảy mầm, đốn ngộ hoa tình rồi, quả Bồ-đề tự nhiên thành tựu không nghi.

 

Tổ nói kệ rồi bảo: “Pháp kia không hai, tâm kia cũng vậy.

 

Pháp không hai là đối với tất cả tướng mà chỉ là một tướng, Nhất tướng tam-muội ; tâm kia không hai là trong tất cả oai nghi đi đứng nằm ngồi đều chỉ một trực tâm.

 

Đạo kia thanh tịnh, cũng không các tướng, các ông dè dặt chớ quán tịnh và để tâm kia không, tâm này vốn tịnh, không nên thủ xả, mỗi người tự nỗ lực tùy duyên đi vui vẻ.” Khi ấy cả thảy chúng đều làm lễ thối lui.

 

Đến ngày mùng tám tháng bảy, Tổ chợt bảo đệ tử rằng: “Tôi muốn trở về Tân Châu, các ông hãy chóng sửa sang thuyền chèo.” Đại chúng đều buồn bã, cố cầm Tổ ở lại. Tổ bảo: “Chư Phật xuất hiện còn phải thị tịch Niết-bàn, có lại tất có đi, lý vẫn thường nhiên, hình hài của tôi đây trở về ắt có chỗ.”

 

Chúng thưa: “Thầy từ đây đi, bao giờ mới trở về ?”     Tổ bảo: “Lá rụng về cội, trở lại không hẹn ngày”.

 

Lại hỏi rằng: “Chánh pháp nhãn tạng truyền trao cho người nào ?”

 

Tổ bảo: “Người có đạo thì được, người không tâm thì thông.” 

 

Đây là ngày Tổ từ giã đệ tử trở về Tân Châu.   Khi Ngài sửa soạn từ giã, chúng cố gắng cầm giữ lại nhưng Ngài vẫn nhất định đi. Ngài bảo chư Phật ra đời cũng có thị tịch Niết-bàn, không ai có sanh mà không có tử, việc đến đi là lý thường nhiên không có gì lạ, hình hài của Ngài cũng phải trở về chỗ đó. Như vậy chúng ta thấy rõ ràng mọi người, dẫu phàm hay Thánh, đã có thân thì có hoại. Tu mà thân này không hoại là việc không có, nhưng có điểm khác nhau giữa phàm và Thánh, là phàm khi thân này hoại thì đau khổ, tìm thân khác ; còn Thánh khi thân này hoại, biết chỗ đi, biết chỗ đến nên không hồi hộp lo âu, không tìm kiếm thân sau. Đừng nghĩ Thánh là không chết, có thân là có sanh, có sanh tức có tử, không ai tránh khỏi điều đó, nhưng các Ngài thấy việc sanh tử là một lẽ thường vì các Ngài đã nắm chắc được chỗ đến đi của các Ngài rồi.

 

Chúng lại hỏi sau khi Tổ nhập Niết-bàn thì chánh pháp truyền lại cho người nào. Thông thường chúng ta cứ nghĩ là phải trao cho người đệ tử nào thân tín, nhưng Tổ bảo người nào đạt đạo thì được, người nào vô tâm thì thông. Như vậy Phật pháp không phải là cái đem truyền, chỉ đạt đạo nghĩa là hiểu và sống được tức là được truyền. Thí dụ tôi nói người nghe hiểu, tu đúng như vậy, tức là tôi đã truyền rồi, không cần phải làm lễ quan trọng để truyền cho người nào đó, nếu truyền cho người nào đó là có cái để truyền hay sao ? Phật pháp là cái sẵn có của mọi người, mình khai cho người ta sáng được, thấy được cái thật của người ta, đó gọi là truyền chớ đâu có cái thứ hai đem vô cho người. Thế nên đừng hiểu lầm là phải Thầy truyền cho trò mới được. Sở dĩ lúc đầu phải truyền y là vì thuở ấy dân chúng Trung Hoa chưa tin được đường lối tu Thiền của chư Tổ. Họ nghĩ rằng Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang thì chỉ Ngài hiểu Thiền, còn người thừa kế Ngài không biết là người nào, nên buộc lòng chư Tổ phải truyền y truyền bát, người nào mang y bát Ngài là người đó đã được Ngài ấn chứng, tức là đã hiểu đúng như Ngài. Lần lần về sau đến Lục Tổ, Ngài nói cho cả trăm, cả ngàn người nghe ai cũng hiểu cả thì truyền cho người nào ? Thế nên ai thấy đạo tức là đạt đạo thì được, ai vô tâm thì thông được lẽ đó. Nếu chúng ta học đạo mà được vô tâm thì tự nhiên chúng ta thông, tức là thấy đạo không cần truyền cái gì nữa.

 

Lại hỏi: “Về sau có nạn hay chăng ?”

 

Tổ bảo: “Tôi diệt độ khoảng năm, sáu năm, sẽ có một người đến cắt đầu của tôi, nghe tôi huyền ký rằng:
Đầu thượng dưỡng thân,         Khẩu lý tu xan,         Ngộ Mãn chi nạn,         Dương Liễu vi quan.

 

Đó là lời sấm ký của Tổ nói rằng, sau này gặp nạn họ Mãn cắt đầu Ngài thì người làm quan lúc ấy là họ Dương họ Liễu.

 

Lại nói: “Tôi đi khoảng bảy mươi năm, có hai vị Bồ-tát từ phương Đông lại, một người xuất gia, một người tại gia, đồng thời hưng hóa, dựng lập tông tôi, kiến thiết những ngôi già lam, xương long cho chánh pháp tiếp nối.”

 

Hỏi: “Chưa biết từ  trước Phật Tổ ứng hiện đến nay, sự truyền thọ được bao nhiêu đời, mong Ngài thương xót chỉ dạy.”     Tổ bảo: “Cổ Phật hiện ra đời đã vô số lượng, không thể kể hết, nay kể từ bảy đức Phật làm đầu. Thuở quá khứ kiếp Trang Nghiêm có              Phật Tì-bà-thi,              Phật Thi-khí,              Phật Tỳ-xá-phù;                      Hiền kiếp này có              Phật Câu-lưu-tôn,              Phật Câu-na-hàm-mâu-ni,              Phật Ca-diếp                  và Phật Thích-ca-văn.

 

Đó là bảy đức Phật. Nay do đức Phật Thích-ca-văn đầu tiên truyền cho   Tôn giả Ma-ha Ca-diếp,

 

        Tổ thứ 2 là ngài A-nan
        Tổ thứ 3 là Thương-na-hòa-tu,
        Tổ thứ 4 là Ưu-ba-cúc-đa,
        Tổ thứ 5 là Đề-đa-ca,
        Tổ thứ 6 là Di-giá-ca,
        Tổ thứ 7 là Bà-tu-mật-đa,
        Tổ thứ 8 là Phật-đà-nan-đề,
        Tổ thứ 9 là Phục-đà-mật-đa,
        Tổ thứ 10 là Hiếp tôn-giả,
        Tổ thứ 11 là Phú-na-dạ-xa,
        Tổ thứ 12 là Mã Minh,
        Tổ thứ 13 là Ca-tỳ-ma-la,
        Tổ thứ 14 là Long Thọ,
        Tổ thứ 15 là Ca-na-đề-bà,
        Tổ thứ 16 là La-hầu-la-đa,
        Tổ thứ 17 là Tăng-già-nan-đề,
        Tổ thứ 18 là Già-da-xá-đa,
        Tổ thứ 19 là Cưu-ma-la-đa,
        Tổ thứ 20 là Xà-dạ-đa,
        Tổ thứ 21 là Bà-tu-bàn-đầu,
        Tổ thứ 22 là Ma-noa-la,
        Tổ thứ 23 là Hạc-lặc-na,
        Tổ thứ 24 là Sư Tử,
        Tổ thứ 25 là Bà-xá-tư-đa,
        Tổ thứ 26 là Bất-như-mật-đa,
        Tổ thứ 27 là Bát-nhã-đa-la,
        Tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma, Ngài cũng là Sơ Tổ ở Trung Hoa   
        Tổ thứ 29 là Huệ Khả,
        Tổ thứ 30 là Tăng Xán,
        Tổ thứ 31 là Đạo Tín,
        Tổ thứ 32 là Hoằng Nhẫn,
Huệ Năng là Tổ thứ 33.     Từ trước chư Tổ mỗi vị đều có bẩm thừa, các ông về sau phải theo thứ tự truyền trao, chớ khiến sai lầm.”     Năm thứ hai niên hiệu Tiên Thiên (713 DL), năm Quí Sửu, ngày mùng ba tháng tám (tháng mười hai năm ấy đổi là Khai Nguyên), Tổ ở tại chùa Quốc Ân sau buổi ngọ trai, bảo các đồ chúng rằng: “Các ông mỗi người cứ ngồi y chỗ cũ, tôi cùng các ông từ biệt.”     Ngài Pháp Hải bạch rằng: “Hòa thượng để lại giáo pháp gì khiến cho những người mê đời sau được thấy Phật tánh ?”     Tổ bảo: “Các ông lắng nghe, những người mê đời sau nếu biết chúng sanh tức là Phật tánh, nếu chẳng biết chúng sanh muôn kiếp tìm Phật cũng khó gặp. Nay tôi dạy các ông biết tự tâm chúng sanh, thấy tự tâm Phật tánh. Muốn cầu thấy Phật, chỉ biết chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng sanh. Tự tánh nếu ngộ, chúng sanh là Phật, tự tánh nếu mê Phật là chúng sanh, tự tánh bình đẳng chúng sanh là Phật, tự tánh tà hiểm Phật là chúng sanh. Tâm các ông nếu hiểm khúc tức Phật ở trong chúng sanh, một niệm bình trực tức là chúng sanh thành Phật. Tâm tôi tự có Phật, tự Phật đó là chân Phật, nếu tự không có tâm Phật thì chỗ nào cầu được chân Phật ? Các ông tự tâm là Phật lại chớ hồ nghi, ngoài không một vật mà hay dựng lập đều là bản tâm sanh ra muôn pháp, nên kinh nói: Tâm sanh các thứ pháp sanh, tâm diệt các thứ pháp diệt. 

 

Qua đoạn này thấy Tổ thật là thiết tha chỉ dạy, sợ chúng ta lầm mê. Ngài Pháp Hải hỏi: Hòa thượng đi rồi để lại pháp gì dạy cho những người mê đời sau thấy được Phật tánh ? Đó là Ngài vì chúng ta, sợ Tổ đi rồi những chúng sanh mê đời sau này không có ai dạy. Tổ bảo: Những chúng sanh mê đời sau, nếu biết chúng sanh tức là Phật tánh. Câu này phải hiểu như thế nào ? Tại sao biết chúng sanh tức là Phật tánh ? Như đoạn trước đã nói, muốn thấy chân trước phải biết giả, giả hết thì chân hiện; nay muốn thấy Phật tánh thì tự nhiên phải biết chúng sanh, tức là biết ngay thân hư giả này, tâm vọng tưởng dối trá này, biết rõ cả hai rồi, không bị nó dẫn nữa thì Phật tánh hiển hiện. Nếu mang thân hư giả mà lầm cho là thật, vọng tưởng lầm cho là tâm mình thì đời nào biết Phật tánh. Nhưng chúng ta biết chúng sanh chưa ? Hằng ngày xưng mình xưng ta, tôi làm việc này, tôi muốn điều kia, tôi được vật nọ v.v... nếu hỏi tôi là cái gì thì ngẩn ngơ. Như vậy tất cả cuộc đời chúng ta phục vụ cho cái tôi, rốt cuộc không biết cái tôi ra sao, có phải một đời thành con số không hay không ? Không phải chỉ một vài người, muôn người đều như vậy, đó là điều đáng buồn, nên Tổ bảo chúng ta phải biết chúng sanh, biết cái tôi đó ra sao, biết được cái tôi đó rồi mới thấy Phật tánh. Như trong kinh Bát-nhã dạy: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, đó là biết được chúng sanh, thấy rõ chúng sanh không thật thì Phật tánh hiện, còn chúng sanh không thật mà cứ lầm tưởng là thật nên phục vụ nó mãi. Biết chúng sanh không phải là biết chúng sanh ở ngoài, mà là biết chúng sanh ngay nơi mình. Ngay thân này, cái gì là chúng sanh ? Tứ đại là chúng sanh, vọng tưởng là chúng sanh, phải không ? Biết những cái đó rõ rồi tự nhiên thấy Phật tánh, còn không biết rõ không bao giờ thấy Phật tánh, nên Tổ dạy phải biết tự tâm chúng sanh rồi thấy tự tâm Phật tánh, Phật tánh ngay nơi tâm mình, chúng sanh ngay nơi tâm mình, chớ đừng tìm bên ngoài. Muốn cầu thấy Phật chỉ biết chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê Phật, chớ không phải Phật mê chúng sanh. Chữ mê này nghĩa là quên, chúng sanh quên Phật chớ không phải Phật quên chúng sanh. Chúng sanh quên Phật nghĩa là chúng ta quên Phật Thích-ca, Phật Di-đà phải không ? Còn Phật Thích-ca, Phật Di-đà cứ nhớ thương chúng ta hoài phải không ? Không phải vậy.

 

Ngay nơi sáu căn của chúng ta đã có Phật tri kiến hiển lộ, nhưng vì mắt thấy sắc chạy theo sắc mà quên Phật tri kiến hiển lộ của mình, tai nghe tiếng chạy theo tiếng mà quên Phật của mình, nhưng Phật đó có lúc nào quên chúng sanh đâu. Phật là chỗ tựa của chúng sanh, nhưng chúng sanh lại nhân đó mà chạy theo cảnh, khi chạy theo cảnh thì quên ngay cái đó. Thí dụ mắt nhìn tất cả người đều thấy rõ, như vậy là đã có tri kiến Phật ở con mắt, nhưng khi thấy rõ lại phân biệt người này thân, người kia sơ, lúc đó còn nhớ Phật tri kiến nữa không ? Nhớ người này thân như thế nào, người kia sơ làm sao, một lúc quên mất tiêu cái đó, thế nên nói chúng sanh mê Phật, chớ Phật không mê chúng sanh, lúc nào Phật cũng sẵn đó nhưng tại chúng ta quên Phật. Tự tánh nếu ngộ, chúng sanh là Phật, nếu ngộ được tự tánh thì ngay chúng sanh là Phật; tự tánh nếu mê, tự tánh nếu quên đi thì Phật là chúng sanh. Như tôi vừa nói cái thấy, vừa thấy là có Phật rồi mà mình quên cái thấy, quên Phật của mình lại chạy theo phân biệt cảnh tốt xấu, đó là mình quên Phật nên Phật thành chúng sanh. Trái lại thấy tất cả cảnh mà chúng ta nhớ mình có tánh giác, tánh thấy thì chúng sanh là Phật, nhớ nó là ngộ, như vậy Tổ chỉ rõ ràng, không có xa xôi  gì cả.

 

Tự tánh bình đẳng tức là nơi tâm  tánh mình không có dấy động, không có xao xuyến thì chúng sanh là Phật; tự tánh tà hiểm tức là cong vạy thì Phật là chúng sanh. Nếu tâm hiểm khúc tức là cong vạy thì Phật ở trong chúng sanh, còn tâm bình đẳng, ngay thẳng, chúng sanh liền thành Phật, như vậy không phải tìm Phật ở đâu xa, kiếm Phật ở nơi nào khác. Vì thế Tổ dạy rằng tâm ta tự có Phật, Phật của mình mới là Phật thật, còn Phật Thích-ca, Phật Di-đà là Phật ở ngoài, Phật thật là Phật của mình. Nếu tự không tâm Phật, tâm mình không có Phật thì nơi nào tìm ra được Phật thật ? Thế nên Tổ bảo tâm mình là Phật, đừng có nghi ngờ, chắc chắn như thế đừng có nghi. Ngoài không có một vật mà hay dựng lập, đều là bản tâm sanh ra muôn pháp, như vậy tất cả đều là tự tâm, muốn tìm Phật thì ngay nơi tâm mình mà tìm.

 

Nay tôi để bài kệ cùng các ông từ biệt gọi là Tự Tánh Chân Phật Kệ, người đời sau biết được ý kệ này, tự thấy bản tâm, tự thành Phật đạo. Kệ rằng:

 

                Chân như tự tánh thị chân Phật,
                Tà kiến tam độc thị ma vương,
                Tà mê chi thời ma tại xá,
                Chánh kiến chi thời Phật tại đường.

 

Chân như tự tánh của mình là Phật thật, còn tà kiến, tam độc tham sân si tức là ma vương. Chúng ta cứ sợ tu bị ma vương phá, nhưng không ngờ tham sân si, tà kiến là ma vương, ngày nào cũng phá chúng ta mà chúng ta không biết. Khi khởi tà mê thì ma ở trong nhà, còn khi khởi chánh kiến thì Phật ngồi trong nhà. Vậy hỏi lúc nào có Phật ở trong nhà? Khi nào chúng ta khởi chánh kiến, thấy đúng. Trái lại khi mình khởi tà mê là ma vào nhà. Như vậy nhà mình chứa đủ cả Phật lẫn ma. Ai khởi tà kiến mê lầm là rủ ma về, ai khởi chánh kiến đúng đắn thì rước Phật về. Ai muốn thờ Phật thì rán nhớ như thế, rước Phật về thờ cho chân chánh.

 

                    Tánh trung tà kiến tam độc sanh,
                    Tức thị ma vương lai trụ xá,
                    Chánh kiến tự trừ tam độc tâm,
                    Ma biến thành Phật chân vô giả.

 

Trong tánh mình tà kiến tam độc dấy lên, đó tức là ma vương đến ở trong nhà. Còn trong tánh mình chánh kiến tự trừ tam độc là chúng ta chuyển ma thành Phật, đó là chân thật không giả dối.
                    Pháp thân, Báo thân cập Hóa thân,
                    Tam thân bản lai thị nhất thân,
                    Nhược hướng tánh trung năng tự kiến,
                    Tức thị thành Phật Bồ-đề nhân.

 

Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, ba thân đó xưa nay là một thân thôi, nếu nhằm trong tánh mình mà hay tự thấy thể chung của ba thân, tức là nhân Bồ-đề, nhân thành Phật chớ không có chi lạ. Vì tuy ba thân nhưng đồng một thể, một thể là tự tâm. Ba thân Phật, Pháp thân, Báo thân, Hóa thân đều gốc tự tâm mình. Nếu thấy đúng như vậy là mình tạo nhân Bồ-đề thành Phật.

 

                    Bản tùng Hóa thân sanh tịnh tánh,
                    Tịnh tánh thường tại Hóa thân trung,
                    Tánh sử Hóa thân hành chánh đạo,
                    Đương lai viên mãn chân vô cùng.

 

Vốn từ Hóa thân sanh tánh thanh tịnh, tánh thanh tịnh thường ở trong Hóa thân này, nghĩa là ngay thân giả dối này có cái tánh chân thật, tánh chân thật đó ở ngay trong thân giả dối này chớ không ở đâu xa. Do có tánh chân thật đó mới dấy niệm để mình biết tu, biết làm lành, biết hướng về cái chân thật, về sau này viên mãn, đó là chỗ chân thật không cùng tận.

 

                    Dâm tánh bản thị tịnh tánh nhân,
                    Trừ dâm tức thị tịnh tánh thân,
                    Tánh trung các tự ly ngũ dục,
                    Kiến tánh sát-na tức thị chân.

 

Tánh dâm vốn là nhân của tánh thanh tịnh, trừ dâm tức là thân tánh thanh tịnh. Nói như thế thật khó hiểu, vậy tôi nói sân nguyên là Bồ-đề, có được không ? Vì khi sân chưa dấy lên đó là Bồ-đề, do cảnh quấy nhiễu dấy lên thành sân, khi sân lặng xuống thì thành Bồ-đề lại. Như vậy sân gốc từ Bồ-đề nhưng vì mê theo cảnh nên dấy động thành phiền não. Đối cảnh mà không dấy động thì phiền não thành Bồ-đề. Vì thế tất cả tánh, chúng ta đừng dùng cách này cách kia trừ, mà phải biết rõ thật tánh của nó là như thế. Thật tánh của nó như thế là   sao ? Như chúng ta thấy sóng, thử hỏi làm sao trừ sóng ? Sóng dấy lên từ nước, nay muốn cho sóng lặng phải làm sao ? Gió dừng, sóng lặng cũng trở về nước lại. Sóng không có thật thể chỉ do một cơn quấy động của gió. Cũng thế tham sân si, phiền não không có thật thể, do mê chạy theo cảnh mà dấy lên, khi hết mê thì nó là tánh Bồ-đề. Hiểu như thế, chúng ta thấy rõ không cần phải trừ nó mà cần phải dừng duyên, đừng lầm mê nữa, tự nhiên nó lặng xuống. Thế nên trong tánh đều tự lìa ngũ dục, người thấy tánh chỉ trong khoảng sát-na tức là được chân thật.

 

                      Kim sanh nhược ngộ đốn giáo môn,
                      Hốt ngộ tự tánh kiến Thế Tôn,
                      Nhược dục tu hành mích tác Phật,
                      Bất tri hà xứ nghĩ cầu chân.

 

Đời này nếu gặp pháp môn đốn giáo, chợt ngộ được tự tánh, thấy được Phật, nếu muốn tu hành mong làm Phật, không biết nơi nào nghĩ tìm chân. Vậy chúng ta muốn thành Phật thì phải làm sao ? Tức ngay nơi tự tánh mình, chớ muốn tìm làm Phật ở bên ngoài thì không chỗ nào tìm được chân cả. Phật thật chỉ nơi tâm tánh chúng ta, chớ không phải ở ngoài, nếu tìm bên ngoài không bao giờ có.

 

                      Nhược năng tâm trung tự kiến chân,
                       Hữu chân tức thị thành Phật nhân,
                       Bất kiến tự tánh ngoại mích Phật,
                       Khởi tâm tổng thị đại si nhân.

 

Nếu hay trong tâm tự thấy chân, có chân tức là nhân thành Phật, ngay nơi tâm mình thấy cái chân thật, vừa thấy cái chân thật, đó là nhân thành Phật. Chẳng thấy tự tánh, bên ngoài tìm Phật, khởi tâm tìm Phật thảy là người đại si. Nếu không ngay tâm mình thấy Phật lại chạy ra ngoài tìm Phật, vừa khởi tâm ra ngoài tìm Phật, đó là người ngu to chớ không phải  ngu vừa.

 

                        Đốn giáo pháp môn kim dĩ lưu,
                        Cứu độ thế nhân tu tự tu,
                        Báo nhữ đương lai học đạo giả,
                        Bất tác thử kiến đại du du.

 

Pháp môn đốn giáo ngày nay đã lưu truyền để cứu độ người thế gian phải tự tu hành, bảo các ông những người học đạo đời sau (Tổ nói với chúng ta đấy) không khởi cái thấy như thế này (thấy đúng như Tổ dạy) thì rất là xa xôi.

 

Tổ nói kệ rồi bảo rằng: “Các ông ở lại an vui, sau khi tôi diệt độ, chớ làm theo thế gian khóc lóc như mưa, nhận lễ vật điếu tang, thân mặc hiếu phục, chẳng phải là đệ tử của tôi cũng không phải là chánh pháp. Chỉ biết tự bản tâm, thấy tự bản tánh, không động không tịnh, không sanh không diệt, không đi không lại, không phải không quấy, không trụ không vãng,e các ông trong tâm mê, không hiểu ý tôi, nay lại dặn dò các ông khiến các ông thấy tánh. Sau khi tôi diệt độ, y theo đây tu hành, như ngày tôi còn sống, nếu trái lời tôi dạy, giả sử tôi còn ở đời, cũng không có lợi ích gì.

 

Tổ căn dặn thật rõ ràng, nếu y theo lời Tổ dạy dầu Ngài có tịch rồi cũng như Ngài hiện có mặt, nếu trái lời Tổ dạy thì giả sử Ngài có mặt cũng không lợi ích gì. Đó là lời dặn thiết tha  của Ngài.

 

Tôi nhắc lại,Tổ dặn sau khi Ngài tịch rồi, thứ nhất là đừng có khóc lóc như mưa, thứ hai là đừng thọ người ta cúng điếu, thứ ba là đừng mặc áo tang v.v... vì làm như vậy không phải là đệ tử của Tổ và cũng không hợp với chánh pháp. Thế mà sau này nhiều chùa cũng bày nhiều việc, đó là không hợp, chúng ta phải biết rõ như vậy.

 

    Tổ lại nói kệ rằng:
                        Ngột ngột bất tu thiện,
                        Đằng đằng bất tạo ác,
                        Tịch tịch đoạn kiến văn,
                        Đãng đãng tâm vô trước.

 

Ngơ ngơ không tu thiện, ngáo ngáo không làm ác, ngơ ngơ ngáo ngáo không làm thiện không làm ác, lặng lẽ dứt mọi thấy nghe, thênh thang tâm không dính mắc. Đây là điểm thiết yếu, nghĩa là chúng ta tu mà đối với điều thiện chúng ta như lơ là, đối với điều ác chúng ta cũng như lạnh nhạt tức là không dính nơi thiện, không kẹt nơi ác, cả thấy nghe đều lặng lẽ, tâm thênh thang không dính mắc bất cứ điều gì. Đấy là chỗ giải thoát.

 

Tổ nói kệ rồi ngồi ngay thẳng đến canh ba, chợt bảo đệ tử rằng: “Tôi đi nhé !” Rồi im lặng mà hóa.

 

Vui không ? Như vậy khóc làm chi !

 

Khi ấy mùi hương lạ đầy cả thất, có một móng trắng vòng giáp đất, trong rừng cây cối đều biến thành màu trắng, cầm thú kêu vang   bi thương.

 

Đến tháng mười một, quan liêu cùng môn nhân tăng tục ba quận Quảng, Thiều, Tân, đua nhau tới đón thân của Tổ.

 

Tổ vừa tịch, các đồ đệ muốn tranh giành rồi. Khi sanh tiền Tổ ở ba chùa tại ba quận trên, nay nghe Ngài tịch ba nơi kéo đến giành rước về chôn đặng chùa mình được hưởng lợi lớn, thật là trái với lời Tổ dạy.

 

Không giải quyết được việc tranh giành mới thắp hương khấn đảo rằng: “Khói hương chỉ về chỗ nào là Tổ về chỗ ấy.” Khi ấy khói hương bay thẳng về Tào Khê. Ngày mười ba tháng mười một dời thần khám và những y bát được truyền trở về. Năm kế tháng bảy mới mở khám, đệ tử Phương Biện dùng đất trầm tô lên trên, đệ tử nhớ lời huyền ký sẽ bị lấy đầu của Tổ, mới lấy sắt lá bao quanh cổ để giữ cổ của Tổ rồi đưa vào trong tháp.

 

Tổ tịch rồi thân Ngài khô lại chớ không rã, còn nguyên cho đến sau này. Trong  quyển Tổ Huệ Năng có chụp hình thân của Ngài. Khi có người vào cắt cổ Ngài, gặp sắt gây tiếng động nên bị bắt.

 

Chợt trong tháp có hào quang trắng hiện ra thẳng lên trên trời, ba ngày mới tan. Thiều Châu tâu lên vua và phụng sắc lập bia ghi đạo hạnh của Tổ. Tổ sống bảy mươi sáu tuổi, hai mươi bốn tuổi được truyền y, năm ba mươi chín tuổi mới thế phát, nói pháp lợi sanh ba mươi bảy năm, đệ tử nối pháp bốn mươi ba người, người ngộ đạo siêu phàm không biết bao nhiêu mà tính. Tín y của tổ Đạt-ma truyền, áo Ma nạp cùng với bát báu của vua Trung Tông ban cho và tượng của Phương Biện đắp cùng với những đạo cụ của Tổ để tại đạo tràng Bảo Lâm, lưu truyền kinh Pháp Bảo Đàn để bày tông chỉ của Tổ, hưng long Tam Bảo và lợi ích quần sanh.

 

Tóm lại trước khi tịch, Tổ dặn dò kỹ lưỡng từ công việc truyền bá Phật pháp, phải truyền bá thế nào, nói pháp thế nào, cho đến sự tu hành, phải ứng dụng Nhất tướng tam-muội, Nhất hạnh tam-muội và khi Ngài tịch phải làm lễ ra sao v.v... Ngài chỉ dạy tỉ mỉ rành mạch. Người học đạo hiểu được lý đạo rồi mới thấy lòng từ bi của Tổ thật không sao kể xiết. Ngài không truyền y, truyền bát mà chỉ truyền pháp tức là truyền kinh Pháp Bảo Đàn để chỉ dạy người sau.

 

[ Quay lại ]