headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 02/11/2024 - Ngày 2 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TẠI SAO TÔI CHỦ TRƯƠNG KHÔI PHỤC PHẬT GIÁO ĐỜI TRẦN ? - Thiền Thất Thường Lạc

TẠI SAO TÔI CHỦ TRƯƠNG KHÔI PHỤC PHẬT GIÁO ĐỜI TRẦN ?

Trích từ tập BA VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI TRONG ĐỜI TU CỦA TÔI

HT Thiền sư THÍCH THANH TỪ [Bản dịch]

Chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ngót mười tám thế kỷ, từ thế kỷ thứ hai đến thế kỷ hai mươi, trong thời gian này trải qua lắm lần thăng trầm. Ngày nay là con cháu trong nhà, chúng ta phải chọn một chặng nào thích ứng với hoàn cảnh hiện tại làm sáng tỏ lên cho hàng Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam noi dấu, đó là một trọng trách rất nặng. Tinh thần khế lý khế cơ của Phật giáo giúp Tăng sĩ chúng ta dễ thấy lối đi, dễ nhận ra chặng đường nào thích hợp để ứng xử nhịp nhàng với xã hội đương thời.

Chúng tôi tự đặt cho mình trọng trách phải gánh vác việc này. Vì vậy qua nhiều năm ưu tư tôi khẳng định lấy Phật giáo đời Trần làm cái móc để xây dựng Phật giáo Việt Nam hiện thời. Đã quyết định, chúng tôi phải có lý do.

I- NĂNG CAO GIÁ TRỊ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

1.1 Thời Suy Đồi Của Phật Giáo Việt Nam

Từ giữa thế kỷ mười chín đến giữa thế kỷ hai mươi là thời kỳ suy đồi của Phật giáo Việt Nam, có thể đoạn này là cái móc đen tối nhất. Sự suy đồi này cũng có lý do của nó, ngót một thế kỷ Pháp xâm chiếm và đặt ách cai trị nước ta. Kẻ cai trị không cho phép một đoàn thể, một tôn giáo nào có tinh thần dân tộc được vững mạnh. Thấy Phật giáo gắng liền với dân tộc Việt Nam, chúng dùng đủ cách hạn chế, hạ uy tín, cuối cùng triệt tiêu. Vì vậy, thời gian này các vị đạo cao đức trọng dần dần mai một mà không đào tạo được những người kế thừa. Chùa chiền không còn người tài đức giáo hóa duy trì, những kẻ “Ẩn dương nương Phật” hoặc “Núp bóng từ bi” làm kế sống từ từ xuất hiện. Ta hãy nghe câu ca dao này thì thấy rõ:

                        Yên thân làm sãi ở chùa,
                        Tụng kinh niệm Phật oản thừa sãi xơi.
                        Bụt lành đừng hạ xuống chơi,
                        Chùa không có Bụt, sãi thời cũng đi.

Đã không quyết tâm tu hành mà ở chùa, những kẻ này còn điều dở nào mà chẳng dám làm, thời nhân thấy những tệ hại này mỉa mai châm biếm.

                        Đi tu Phật bắt ăn chay,
                        Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.

Ngôi chùa biến thành gia đình cho những kẻ “Núp bóng từ bi” làm kế sống. Thế nhân bực bội phải thốt ra những lời:

                            Vợ Sư sắm sửa cho Sư,
                            Áo đen tràng hạt, mỹ lư tày vành.
                            Để Sư sướng kiếp bành bành...

Thời gian này người tu ở chùa, đa số đều do thất chí vì thi rớt, thất tình vì bị người bạc đãi, già nua, bệnh hoạn... Vào chùa làm Tăng, Ni, cho nên những cuốn tiểu thuyết, những tuồng cải lương khi đề cập đến người tu đều liệt vào hạng người này. Mãi đến nay (1997) thấy người nam nữ trẻ tuổi đi tu, vẫn có những người bảo: “Cậu này, cô kia thất tình đi tu”. Người đời xem tu sĩ Phật giáo không ra gì thì làm sao họ biết quí trọng Phật pháp. Đây là vấn đề đau sót thôi thúc chúng tôi chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần.

1.2 Ông Vua Đi Tu

Ở Ấn Độ ông Hoàng Thái Tử xuất gia tìm đạo giải thoát cứu khổ chúng sanh. Ở Việt Nam một ông Vua xuất gia vào núi tu hành để cứu nhân độ thế. Vị Thái Tử không màng giàu sang danh vọng kể cả tương lai ngôi vị Hoàng đế, trốn đi tu tìm cho ra mối đạo giải thoát để cứu khổ chúng sanh. Đạo giải thoát này phải cao siêu tột đỉnh, Ngài mới vứt bỏ ngôi vị cao sang nhất đời.

Sau này ông Vua Trần Nhân Tông thấm nhuần được Phật pháp, đang ở ngôi vị bậc chí tôn của toàn dân mà chối bỏ giao lại cho con, xuất gia tu Phật. Phật giáo nếu không cao siêu, kỳ đặt thì làm sao lôi cuốn hấp dẫn được ông vua dám “xem ngai vàng như dép rách”, đổi chiếc áo ngự bào mặc áo nâu sòng làm người xuất gia vào núi tu hành.

Giá trị Phật giáo ở Ấn Độ thật siêu xuất, giá trị Phật giáo Việt Nam cũng phi thường, mới đủ sức thuyết phục một ông hoàng, một ông vua đi tu. Ở Việt Nam, đời Trần ông vua đi tu Phật, ông Trạng Nguyên đi tu Phật, chúng ta thử xét giá trị Phật giáo đời Trần cao siêu đến ngần nào. Phật pháp đã cao siêu, người tu cũng đáng kính cho nên Phật giáo rất thịnh hành trong thời này. Chúng tôi nhằm khôi phục Phật giáo đời Trần cốt nâng cao Phật giáo Việt nam hiện nay.

1.3 Ông Tổ Thiền Tông Người Việt Nam

Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ mười tám do Thiền tông lãnh đạo truyền bá. Các hệ phái Thiền tông hầu hết từ Trung Hoa truyền sang như: Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, phái Vô Ngôn Thông, phái Thảo Đường..., những vị Tổ đứng đầu mỗi hệ phái đa phần người Trung Hoa, Ấn Độ. Chỉ có phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, ông Tổ đầu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà chính thực là người Việt Nam. Ông Tổ Việt Nam mới thông cảm tâm tư nguyện vọng phong tục tập quán của người Việt Nam, giáo hóa mới thích ứng nhu cầu người Phật tử Việt Nam.

II. KHÔNG CHỈ RIÊNG NGƯỜI XUẤT GIA MÀ CƯ SĨ CŨNG NGỘ ĐẠO

2.1 Vua Trần Thái Tông (1218-1277)

Đây là ông vua đầu nhà Trần. Bẩm tánh hâm mộ tu Phật, gặp duyên trắc trở đau buồn, ông liền trốn lên núi Yên Tử xin tu (1236). Thiền Sư Viên Chứng trụ trì chùa Hoa Yên, thấy ông liền hỏi:

“Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây?”.

Vua đáp:

“Trẩm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân, không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương đời trước thịnh suy không thường, cho nên Trẩm đến núi này chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác”.

Viên Chứng bảo:

“Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng lẽ mà biết gọi là chân Phật. Nay bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài”.

Thái sư Trần Thủ Độ dẫn quan quân đi tìm, đến núi Yên Tử gặp vua, ông quyết thỉnh vua về cho được. Vua hỏi ý sư Viên Chứng, Sư đáp:

“Phàm làm đấng nhân quân phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ trở về, bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong bệ hạ đừng xao lãng”.

Vua đành phải trở về tiếp tục công việc trị dân. Hơn mười năm khi rảnh rỗi, vua mời các bậc kỳ đức đến hỏi đạo tham thiền. Vua thuật lại:

“Trẩm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là Thiền Tông Chỉ Nam”. [Những đoạn dẫn trên đều trích trong bài tựa T.T.C.N].

Đang lúc ngự trên ngai vàng cai trị muôn dân, vua vẫn nghiên cứu Phật pháp và tham thiền được ngộ đạo. Đủ nói lên rằng, chỉ thiếu quyết tâm tu học, đừng đổ cho hoàn cảnh đa đoan bận rộn khó tu. Ai đa đoan bận rộn bằng ông vua đầy nhiệt tình lo cho đất nước, thế mà quyết tâm tu liền ngộ đạo. Đây là tấm gương sáng để chúng ta học tập theo.

Đến năm 1257 giặc Nguyên Mông xâm lăng đất ta, vua Thái Tông đích thân chỉ huy nhiều mặt trận, có mặt ở cả mọi nơi nguy hiểm, khiến quân sĩ nức lòng chiến đấu. Kết quả quân ta đánh tan quân xâm lược, giặc Nguyên Mông tháo thân chạy về Vân Nam đầu năm 1258. Một ông vua Thiền sư hết lòng mộ đạo, đã từng làm kệ khuyên người đừng sát sanh:

                    Cánh lông mai vảy trọn hàm linh,
                    Sợ chết tham sanh nào khác tình.
                    Từ trước Thánh hiền lòng chẳng nỡ,
                    Đâu đành để chết vẫn tham sinh.

Tại sao ông lại cầm quân đánh giặc giết hại biết bao sanh mạng, chắc phải có lý do.

Sau khi nhường ngôi cho con, ông lui về lập Am Thái Vi ở vùng rừng núi Vĩ Lâm, cố đô Hoa Lư để an dân lập ấp và lo tu hành, cùng khuyên dạy dân chúng tu. Khuyên người dân giữ năm giới, ông nói kệ về giới thứ ba:

                    Má thoảng hương mai, mặt nhụy đào,
                    Thấy rồi mắt dán, ý nao nao.
                    Thảy đều một đãy da hôi thúi,
                    Thầm cắt ruột người chẳng dụng dao.

Ông luôn đem bốn tướng sanh, già, bệnh, chết nhắc nhở mọi người. Bốn tướng này trong kinh gọi là Bốn núi. Ông nói kệ núi thứ hai:

                    Con người kiếp sống tợ phù du,
                    Thọ yểu người trời chớ vọng cầu.
                    Bóng ngã nương dâu, chiều sắp đến,
                    Thân như bồ liễu tạm qua thu.
                    Phan Lang thuở nọ còn xanh tóc,
                    Lã Vọng ngày nay đã bạc đầu.
                    Cuồn cuộn việc đời trôi chẳng đoái,
                    Vầng ô gác núi, nước trôi xuôi.


Nhận Định Về Vua Trần Thái Tông

Đem vua Trần Thái Tông so sánh với vua Lương Võ Đế ở Trung Hoa, chúng ta thấy có những nét đặc thù. Vua Lương Võ Đế (464-549) là con người rất sùng Phật, ông từng giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã và sớ giải các kinh... Song khi Tổ Đạt Ma sang Trung Hoa năm 520 gặp vua, Tổ nói thiền, vua không lãnh hội, Tổ lên miền bắc ở tại chùa Thiếu Lâm. Đến cuối đời vua Lương Võ Đế bị giặc Hầu Cảnh kéo quân vây hãm thành Kiến Khang, quần thần xin xuất quân chống giặc, vua không cho, lại ra lệnh bế cửa thành, tụng kinh cầu nguyện cho giặc lui. Kết quả giặc chẳng lui, mà ông bị mất nước và phải chết.

Trái lại, vua Trần Thái Tông là người ngộ được Thiền Tông, khi giặc Nguyên Mông xâm lăng vua chỉ huy cầm quân đánh giặc, giặc thua rút lui về, đất nước thái bình, vua mới ngồi yên tu thiền.

Hai thái độ của hai ông vua đồng là kính mộ đạo Phật, mà xử sự mỗi bên mỗi khác. Vua Võ Đế bị giặc hảm thành không cho quân chống cự, lại ra lệnh trong thành tụng kinh cầu nguyện cho giặc lui. Đây là đem tôn giáo áp đặt trên chánh trị nên phải mắc họa. Vua Thái Tông tách bạch phân minh phần nào thuộc tôn giáo, phần nào thuộc chánh trị, nên cứu được đất nước khỏi lâm nguy. Tu theo Phật giáo là trau giồi đạo đức rèn luyện tâm linh là việc riêng của mỗi người Phật tử, tức là lãnh vực của tôn giáo. Giặc ngoại bang xâm lăng tổ quốc, toàn dân đứng lên chống giặc, người lãnh đạo cổ động lòng yêu nước của dân và đứng ra chỉ huy đánh giặc là lãnh vực chánh trị. Phân ranh lãnh vực tôn giáo, lãnh vực chánh trị là vấn đề rất thiết yếu. Người Phật tử thọ tam quy trì ngũ giới, nếu phạm giới sát sanh là có tội, đó là phần tu hành riêng của Phật tử, thuộc lãnh vực tôn giáo. Đất nước bị xâm lăng, toàn dân đứng lên chống giặc là trách nhiệm của mỗi công dân, thuộc lãnh vực chánh trị. Dù trong cuộc chiến có nhiều Phật tử giết nhiều sinh mạng kẻ thù, không thể đem tội sát sanh đặt vào chỗ này được.

Vua Trần Thái Tông là một ông vua ham tu ngộ đạo mà trọn đời lo bảo vệ đất nước và xây dựng đất nước. Khi nước nhà bị địch họa, nhà vua liều mình cứu nước, lúc đất nước thái bình tuy tuổi già vẫn dạy dân khai hoang lập ấp và chỉ dạy họ tu hành trau dồi đạo đức. Nhà vua không những lo cho dân được cơm no áo ấm, còn lo cho dân có đức hạnh và biết gạn lọc tâm linh. Một con người được hai phần vật chất và tinh thần ngang bằng nhau thì cuộc sống mới thật sự an vui hạnh phúc. Nhà vua sử dụng Phật giáo trong cuộc sống rất là tích cực.

Nhà vua là một người Phật tử thuần thành thâm hiểu Phật pháp rất uyên bác mà chỉ đem Phật giáo áp dụng trong đời sống nhân dân bằng những pháp dạy dân giữ gìn năm giới để đem lại an ninh trật tự cho xã hội, dạy dân tu lý nhân quả để dân biết tránh ác làm lành, dạy dân mở rộng lòng từ bi để giúp người neo đơn cùng khổ và bao dung đoàn kết với mọi người. Song muốn bảo vệ chế độ quân chủ, ông phải dùng Khổng giáo để cai trị đất nước, dùng luật pháp răn đe và trừng trị tội phạm. Cụ thể là năm Thiên Ứng Chính Bình thứ nhất (1238) nhà vua cho mở khoa thi Thái học sinh, từ đây cứ bảy năm thi một lần. Đến năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười sáu (1253) mở khoa thi Tam khôi -Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa... Chính nhờ nhận định khách quan của nhà vua, nên dùng mỗi tôn giáo đúng vị trí của nó, nhà nước được thái bình thạnh trị lâu dài.

2.2 Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1279)

Tướng quân Trần Tung, con Trần Liễu đã hai phen cầm quân đánh giặc Nguyên Mông. Sau khi giặc tan nước nhà thái bình, ông lui về ở phong ấp Tịnh Bang đổi tên làng Vạn Niên. Ông học thiền và ngộ đạo với Thiền sư Tiêu Dao ở Tịnh xá Phước Đường. Vua Thánh Tông quí kính ông nên tặng hiệu Tuệ Trung Thượng Sĩ và gởi Thái Tử Trần Khâm đến học thiền với ông. Trong quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, vua Trần Nhân Tông tán thán: “Ôi tinh thần sắc vận của Thượng Sĩ thật trang nghiêm, cử chỉ thẳng thắn uy đức, Thượng Sĩ bàn huyền nói diệu trong lúc gió mát trăng thanh. Những hàng thạc đức đương thời đều bảo Thượng Sĩ tin sâu hiểu rõ, thuận hạnh nghịch hạnh thật khó lường được”. Chẳng những cư sĩ đến học thiền bởi Thượng Sĩ mà Tăng Sĩ cũng đến tham vấn. Con người của Thượng Sĩ thật tiêu dao phóng khoáng, đọc tác phẩm “Vui Thú Giang Hồ” của Thượng Sĩ Thấy rõ.

                        Tâm xưa hồ hải chửa từng khuây,
                        Ngày tháng như tên lại tợ thoi.
                        Gió mát trăng thanh sinh kế đủ,
                        Non xanh nước biếc nếp sống đầy.
                        Sáng sớm giương buồm băng nước thẳm,
                        Chiều nâng sáo thổi cợt gió mây.
                        Tạ Tam nay đã không tin tức,
                        Để chiếc thuyền trơ bãi cát này.

Cuộc sống của Thượng Sĩ đơn giản đạm bạc, không màng danh lợi, nội tâm lúc nào cũng sung mãn an vui. Đọc bài thơ "Tự tại" sẽ thấy:

                        Bìm chuột không nhơn mãi mãi xâm.
                        Lui về, già gởi chốn sơn lâm.
                        Nhà tranh cửa gỗ đời thanh thoát.
                        Không đúng không sai tự tại tâm.

Khi quốc gia hữu sự Thượng Sĩ xông pha trận mạc cứu nước cứu dân, lúc nước nhà thái bình Thượng Sĩ sống thong dong tự tại trong đạo lý thiền, ai cần thì giúp, không cần thì vui thú nơi hải hồ, thảnh thơi chốn sơn dã. Đời của Thượng Sĩ thật đẹp như bức tranh thủy mặc.

2.3 Vua Trần Thánh Tông (1240-1290)

Vua là con của Thái Tông lên ngôi năm Mậu ngọ (1258) đổi niên hiệu là Thiệu Long, vua học thiền với Quốc Sư Đại Đăng. Một hôm đọc Ngữ Lục của Thiền Sư Đại Huệ. Vua cảm ngộ làm kệ:

                        Đập ngói dùi rùa ba chục niên,
                        Mấy phen xuất hạn bởi tham thiền.
                        Một phen thấu vỡ gương mặt thật,
                        Lỗ mũi xưa nay mất một bên.

Vua Thánh Tông nói về thiền: “Dụng của chân tâm tỉnh tỉnh lặng lặng, không đi không đến, không thêm không bớt, vào lớn vào nhỏ, mặc thuận mặc nghịch, động như mây hạt, tĩnh như tường vách, nhẹ như sợi lông, nặng như tảng đá, sạch trọi trơn bày lồ lộ chẳng thể đo lường, hoàn toàn không dấu vết, ngày nay vì anh biện biệt rành rẽ rõ ràng”. (Trích Thánh Đăng Lục).

Qua đây chúng ta thấy vua Thánh Tông thấu suốt lý thiền, trong lúc còn đang làm hoàng đế. Nhà vua không tìm nơi non cao rừng vắng, mà ngự tại triều đình để tu vẫn được ngộ đạo. Đúng như lời Thiền sư Viên Chứng nói “Phật tại tâm mình”, nếu người biết xoay lại tâm mình thì có ngày ngộ đạo. Quả là tu thiền không trở ngại mọi công tác ở thế gian, có ai mà không tu được. Đây là một bằng chứng thiền học đời Trần rất tích cực.

III. CHỦ TRƯƠNG THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ

3.1 Sơ Tổ Trúc Lâm (1258-1308)

Ngài là con vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng Thái Hậu, tên là Trần Khâm. Khi lớn lên vua cha cho Ngài theo học thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Một hôm Ngài hỏi Thượng Sĩ về “Bổn phận tông chỉ thiền”, Thượng sĩ đáp: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc [Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, không từ bên ngoài mà được]”. Nghe qua, Ngài thông suốt được lối vào và thờ Thượng sĩ làm thầy.

Năm hai mươi mốt tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng đế (1279), hiệu là Trần Nhân Tông. Quân Nguyên Mông xâm lăng nước ta, Ngài phải cầm quân đánh đuổi giặc đến hai lượt (1285 và 1288), giặc rút lui đất nước thái bình. Đến năm Quí Tỵ (1293) Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm Kỷ Hợi (1299) Ngài vào núi Yên Tử xuất gia tu hành lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà và làm Sơ Tổ phái Trúc Lâm Yên Tử. Do chỗ sở ngộ ban đầu của Ngài, nên lấy câu “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, làm kim chỉ nam cho phái thiền Trúc Lâm Yên Tử.

3.2 Câu Phản Quan Tự Kỷ Bổn Phận Sự, Bất Tùng Tha Đắc”, Nhìn Xuyên Suốt Từ Đời Tu Của Đức Phật Qua Giáo Lý, Đến Các Pháp Thiền.

3.2.1 Đời tu của đức Phật hoàn toàn soi sáng lại nội tâm của mình

Suốt bốn mươi chín ngày đêm ngồi dưới cội Bồ Đề, Ngài quán chiếu nội tâm được giác ngộ thành Phật. Đức Phật là cội nguồn của Đạo Phật, do quán chiếu nội tâm mình được chứng đạo, nên nói “Phản quang tự kỷ bổn phận sự”. Trọn đời tu Ngài không cầu xin trông cậy cái gì khác bên ngoài, nên nói “Bất tùng tha đắc”.

3.2.2 Giáo Lý Phật Dạy

Bốn bộ Kinh A Hàm, sáu trăm quyển Kinh Bát Nhã, Kinh Pháp Hoa... cũng không ngoài lối tu “Phản quan” này. Kinh A Hàm lấy pháp Tứ Đế làm căn bản, mà Ba mươi bảy phẩm trợ đạo không phần nào chẳng quán chiếu lại mình. Kinh Bát Nhã lấy Bát Nhã Tâm Kinh làm trọng tâm, mà “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” là nền tảng tu hành. Kinh Pháp Hoa mục đích nhận ra Tri Kiến Phật của mình, hình ảnh chàng cùng tử trở về tìm cha là ý nghĩa “Phản quan tự kỷ”.

3.2.3 Các Pháp Thiền Đều Tu “Phản Quan Tự Kỷ”
a) Thiền Nguyên Thủy
hiện nay hoặc tu thiền Tứ niệm xứ, hoặc tu thiền Minh sát tuệ.
Pháp thiền Tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, đều là soi sáng lại chính mình.

Pháp thiền Minh sát tuệ thì trước dùng hơi thở, biết rõ hơi thở ra vào dài ngắn, lạnh ấm... Nhờ nương hơi thở tâm được định. Kế dùng trí tuệ quán sát thân tâm là vô thường, khổ, không, vô ngã biết đúng như thật. Theo dõi hơi thở và quán sát thân tâm vô thường... đều là “Phản quan tự kỷ”.

b) Thiền Đại thừa quán chiếu theo Kinh Bát Nhã, hoặc “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” của Bát Nhã Tâm Kinh, hoặc quán “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán” của Kinh Kim Cang Bát Nhã. Cả hai lối quán này đều là “Phản quan tự kỷ”. Cho đến pháp “Tam Quán” của Thiền sư Huệ Văn do đọc Trung Quán Luận ngộ được. Sư đem pháp này dạy cho đệ tử là Thiền sư Huệ Tư (515-577) thành lập phái thiền Đại Thừa “Tam Quán”. Pháp quán này y cứ bài kệ trong Luận Trung Quán là: “Nhân duyên sở sanh pháp, Ngã thuyết tức thị không, Diệc danh vi Giả danh, Diệc danh Trung Đạo nghĩa”, lập thành ba pháp quán: Không quán, Giả quán, Trung Đạo quán. Trong ba pháp này, cũng là “Phản quan tự kỷ”.

c) Thiền tông hẳn căn cứ vào “Phản quan tự kỷ”. Cội gốc Thiền tông là “Phản quan tự kỷ”. Câu “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” là châm ngôn của Thiền tông do Tổ Đạt Ma tuyên bố. Không phản quan làm sao kiến tánh, không kiến tánh thì đâu được thành Phật. Bởi Thiền tông chủ trương Phật tức tâm, ngoài tâm không có Phật.

3.2.4 Tại sao phải phản quan tự kỷ ?

Người tu Phật phải biết đúng như thật nơi thân tâm mình. Chúng sanh mê lầm nên mọi sinh hoạt đều để phục vụ cho mình, mà sự thật không biết mình là gì. Do mê lầm sanh ra kiến chấp sai lạc tạo không biết bao nhiêu tội lỗi, làm khổ mình và làm khổ mọi người. Soi sáng lại thân tâm mình thấy đúng như thật thì mọi kiến chấp đều phá vỡ đem lại sự an lạc cho mình và mọi người.
Soi sáng thân tâm mình chia làm hai phần:

a) Thấy rõ thân tâm vô thường

Trong bài văn Trữ Từ Tự Răn, Thượng sĩ nói:

                        Ngày tháng nước chảy, giàu sang mây trôi.
                        Gió lửa tan rồi, trẻ già thành bụi.
                        Hồn phách lìa sắc thân như mộng,
                        Cuộc mưu sinh, con rối kéo lôi,
                        Hằng ngày đùa, đưa tay bắt bóng...
                        Trong mộng tạo tác, thức rồi đều không,
                        Trong mộng tạo, sanh thô sanh tế,
                        Tỉnh giấc rồi, không mảy tóc kẽ tơ...

Đến Tổ Trúc Lâm, trong bài Sơn Phòng Mạn Hứng cũng nói:

                        Phải quấy niệm rơi theo hoa rụng,
                        Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm.
                        Mưa tạnh, hoa trơ, non vắng lặng,
                        Chim kêu một tiếng lại xuân tàn.


Thân tứ đại hòa hợp, tâm danh lợi phải quấy đều vô thường hư dối, người tu thấy rõ như vậy là thức tỉnh giác ngộ. Thế nhân lúc nào cũng thấy thân vật chất là thật, tâm nghĩ phải quấy danh lợi là thật, nên mê muội khổ đau. Soi sáng thân tâm thấy đúng như thật là điều kiện tối thiết yếu trên đường tu.

b) Nhận ngay nơi thân vô thường có cái chân thường

Bài Phật Tâm Ca của Thượng sĩ có đoạn nói:

                        ... Muốn tìm tâm, đừng tìm ngoài,
                        Bản thể như nhiên tự rỗng lặng.
                        Niết bàn sanh tử buộc ràng suông,
                        Phiền não bồ đề đối địch rỗng.
                        Tâm tức Phật, Phật tức tâm,
                        Diệu chỉ sáng ngời suốt cổ kim.
                        Xuân đến, tự nhiên hoa xuân nở,
                        Thu về, hiện rõ nước thu sâu...
                        Lặng lặng lặng, chìm chìm chìm,
                        Cái tâm muôn pháp là tâm Phật.
                        Tâm Phật lại cùng tâm ta hợp,
                        Lẽ ấy như nhiên suốt cổ kim.
                        Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
                        Trong lò lửa rực một hoa sen...


Tổ Trúc Lâm cũng nói:

                        Vậy mới hay! Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa.
                        Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt,
                        Đến biết hay chỉnh Bụt là ta...
                                        [Phú Cư Trần Lạc Đạo- Hội Thứ Năm.]

Qua hai đoạn dẫn trên, chúng ta thấy rõ Thượng sĩ và Tổ Trúc Lâm chỉ thẳng tâm mình tức là Phật. Song phải là tâm lặng lẽ hằng nhiên, chớ không phải tâm đối đãi sanh diệt. Trong thân tâm vô thường sanh diệt có tâm lặng lẽ hằng nhiên, như trong lò lửa cháy rực có hoa sen tươi thắm. Tại vì chúng ta quên tâm Phật của mình, chạy tìm Phật ở bên ngoài. Một khi chúng ta biết quay trở lại tâm mình thì sẽ thấy tâm mình tức là Phật.

IV. TINH THẦN BAO DUNG THIỀN ĐỜI TRẦN
4.1 Bao Dung Nội Giáo

Đời Trần tuy lấy Thiền tông làm chủ đạo truyền bá, song cũng có Tịnh độ đồng thời hoạt động. Tịnh độ có sự Tịnh độ và lý Tịnh độ.

Về sự Tịnh độ thì phải tin có cõi Cực Lạc ở phương Tây, đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi này. Nếu người chí thành niệm Phật và tha thiết cầu sanh về cõi Cực Lạc khi lâm chung được Phật A Di Đà đón về Cực Lạc.

Về lý Tịnh Độ là “Tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh độ” hay “Tâm tịnh thì độ tịnh”. Tức là tâm mình thanh tịnh là tịnh độ, tánh mình sáng suốt là Phật Di Đà. Tổ Trúc Lâm nói:

                        …Tịnh Độ là lòng trong sạch,
                        Chớ ngờ hỏi đến Tây Phương.
                        Di Đà là tánh sáng soi,
                        Mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc
                                        [Phú Cư Trần Lạc Đạo -Hội Thứ Hai]


Thiền tông thừa nhận lý Tịnh Độ, không thừa nhận sự Tịnh Độ. Thiền sư Vô Ngôn Thông nghe Tổ Bá Trượng nói: “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”, liền ngộ đạo. Đất tâm nếu không, là tâm tịnh độ tịnh. Tuệ nhật tự chiếu, là tự tánh Di Đà. Vì A Di Đà dịch nghĩa là Vô Lượng Quang, nhà thiền gọi là Tuệ nhật tự chiếu. Đứng về lý Tịnh Độ cùng Thiền tông cứu cánh không hai.

4.2 Tam Giáo Đồng Nguyên

Thuyết tam giáo đồng nguyên xuất phát từ đời Tống ở Trung Hoa, nhà Trần ở Việt Nam cũng chấp nhận thuyết này để dùng hòa Tam giáo. Tam giáo Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo (Đạo giáo). Người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng Tam giáo rất sâu đậm. Nhà Trần muốn đoàn kết toàn dân, đứng về Phật giáo Thiền tông dung hợp Khổng giáo và Lão giáo. Chủ trương rằng Tam giáo về ứng dụng tu hành có khác nhau, song đó chỉ là hình thức phương tiện, đến cứu cánh đều gặp nhau, nên nói Đồng nguyên. Đây là tính bao dung khiêm tốn của Phật giáo Thiền tông, ai không biết vua quan thời này hầu hết đều tu theo Phật giáo.

V. PHẬT GIÁO ĐỜI TRẦN THỰC TẾ TÍCH CỰC

5.1 Thực Tế

Phật giáo đời Trần chủ trương “Tức Tâm tức Phật”. Tâm mê là chúng sanh, tâm giác là Phật. Phật chẳng ở đâu xa, ngay nơi tâm mình, khéo tu lóng lặng tâm mê thì tâm giác hiện bày. Tuệ Trung Thượng Sĩ làm bài Phật Tâm Ca, đoạn đầu nói:

                        Phật! Phật! Phật! Không thể thấy,
                        Tâm! Tâm! Tâm! Không thể nói.
                        Nếu khi tâm sanh là Phật sanh,
                        Nếu khi tâm diệt là Phật diệt.
                        Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu,
                        Diệt Phật còn tâm khi nào biết.
                        Muốn biết Phật tâm, sanh diệt tâm,
                        Đợi đến sau này Di Lặc quyết...

Phật là giác, rời tâm tìm giác làm gì có, ngay nơi tâm nhận ra Phật mới là Phật thật. Bỏ tâm tìm Phật là Phật của ai, không phải là Phật của mình. Tuy nhiên, nếu nhận tâm sanh diệt là Phật, đợi đến Phật Di Lặc ra đời cũng không giải quyết được.

Tổ Trúc Lâm nói:

                        Biết vậy! Miễn được lòng rồi chẳng còn phép khác.
                        Gìn tánh sáng, tánh mới hầu an,
                        Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
                        Dứt trừ nhân ngã thì ra tính thực Kim Cương.
                        Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu viên giác...
                                    [Phú Cư Trần Lạc Đạo- Hội Thứ hai]

Kim Cương, Viên Giác là Phật thật của ta, muốn thấy Phật thật phải nén niềm vọng, trừ nhân ngã, dứt tham sân si. Bởi vọng niệm nên chấp nhân chấp ngã, khởi tham sân si, không thấy được Phật thật. Như mây che kín không thấy được mặt trăng sáng. Chuyển hóa tất cả tâm mê loạn, chỉ còn tâm thanh tịnh sáng ngời, tâm này là Phật. Sự tu như vậy rất thực tế, vì thấy rõ cái gì nên bỏ cái gì nên theo, nắm vững sự thành công và thất bại trong tay mình, không cầu mong trong đợi thế lực bên ngoài.

5.2 Tích Cực

Năm Giáp Thìn (1304), Tổ Trúc Lâm đi dạo trong nhân gian, khuyên dân chúng giữ ngũ giới và tu Thập thiện. Đây là tích cực đem Phật giáo vào nhân gian, trước xây dựng con người, cá nhân tốt thì gia đình tốt, gia đình tốt thì quốc gia tốt. Vì bảo vệ sanh mạng con người, khuyên giữ giới không sát sanh, bảo vệ tài sản của người, khuyên giữ giới không trộm cướp, bảo vệ hạnh phúc gia đình, khuyên giữ giới không tà dâm, bảo vệ uy tín và giá trị con người, khuyên giữ giới không nói dối, bảo vệ sức khỏe, trí tuệ và trật tự xã hội, khuyên giữ giới không uống rượu. Hiện nay thêm hút á phiện xì ke, ma túy. Người dân trong nước đều giữ được năm giới thì đất nước thật sự thái bình, dân chúng vui vẻ hát ca, không còn gì phải lo sợ. Tiến lên, Ngài khuyên tu Thập thiện, tức là thân không sát sanh, trộm cướp, tà dâm; miệng không nói dối, nói hai lưỡi, nói hung dữ, nói thêu dệt; ý bớt nóng giận, tham lam và si mê. Người thân miệng ý khéo tu mười điều lành sẽ trở thành bậc hiền nhân. Người Phật tử khéo tu Ngũ giới và Thập Thiện là đóng góp một phần cho quốc gia xã hội được tốt đẹp an vui. Được vậy, đạo Phật mới thật sự chuyển cảnh khổ thành cảnh vui, chuyển con người phàm tục thành con người thánh thiện.

VI. ĐƯỜNG LỐI TU CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY

Là tu sĩ Phật giáo Việt Nam, nếu bị người hỏi: “Hiện nay thầy tu theo tông phái nào của Phật giáo?”. Chắc chắn tu sĩ này sẽ ngẩn ngơ không biết đáp thế nào. Tại sao vậy?

6.1 Lấy “Nhị Thời Khóa Tụng” Làm Công Phu Tu Hành

Chùa chiền Việt Nam hơn một thế kỷ này đều lấy hai thời khóa tụng làm công phu tu tập. Trong hai thời, đầu hôm tụng kinh Di Đà, sau tụng chú Vãng Sanh, tiếp niệm danh hiệu Phật A Di Đà; buổi khuya tụng chú Lăng Nghiêm, hoặc Đại Bi Thập Chú.... Nếu hôm nào có đám cầu an cầu siêu thì tụng chú Đại Bi trước, tụng kinh sau. Công phu tu hành như vậy, biết thuộc tông phái nào. Thế mà đa số nói tu theo Tịnh Độ. Tụng kinh Di Đà và niệm danh hiệu Phật A Di Đà thuộc về Tịnh Độ tông, tụng chú Đại Bi, chú Lăng Nghiêm thuộc Mật tông. Nhận xét chín chắn thì hai thời khóa tụng Mật tông chiếm ưu thế.

Hai thời khóa tụng xuất xứ từ đâu? Căn cứ lời tựa quyển Nhị Khóa Hiệp Giải thì xuất xứ từ đời nhà Thanh ở Trung Quốc. Vua Thánh Tổ nhà Thanh hiệu Khang Hy (1662-1772) ra sắc lệnh mời Hòa Thượng Ngọc Lâm Thông Tú (1614-1675) cùng một số Hòa Thượng hợp tác soạn “Nhị Thời Khóa Tụng”, buộc Tăng, Ni các chùa ở Trung Quốc trong thời này phải ứng dụng tu theo. Nhà Thanh thuộc dân tộc Mãn Châu ở miền Bắc Trung Quốc, gần dãy núi Hy Mã Lạp Sơn chịu ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng chuyên tu Mật tông. Nhà vua buộc các Hòa Thượng soạn “Nhị Thời Khóa Tụng” đặt nặng Mật tông hơn. Tuy Nhị Thời Khóa Tụng là chủ trương Tịnh, Mật đồng hành, song nghiên hẳn về Mật.

Nhị Thời Khóa Tụng ra đời khoảng cuối thế kỷ mười bảy đầu thế kỷ mười tám là thời kỳ Phật giáo Trung Hoa đang xuống dốc. Không biết Nhị Thời Khóa Tụng du nhập vào Việt Nam lúc nào, chỉ biết từ cuối thế kỷ mười chín đến cuối thế kỷ hai mươi, hầu hết các chùa Việt Nam đều lấy hai thời này làm công khóa tu hành. Ai vào chùa tu đều bị bắt buộc phải thuộc hai thời khóa tụng gọi là hai thời công phu, nên có câu “Đi lính sợ trèo ải, ở sãi sợ Lăng Nghiêm”. Thậm chí đến nay (1997) những tu sĩ Phật giáo đến Đàn giới xin thọ giới Sa Di, ban giám khảo đàn giới vẫn khảo hạch xem thuộc chú Lăng Nghiêm không.

Tịnh và Mật là hai pháp tu trông cậy vào tha lực, niệm Phật được Phật A Di Đà đón về Cực Lạc, trì chú được Long Thiên, Hộ Pháp hay Thần Kim Cương gia hộ cho tiêu nghiệp… Thích hợp với thời điểm đất nước Việt Nam bị xâm lăng cuối cùng nội thuộc nước Pháp. Từ đây người dân thuộc địa mất hết lòng tự tín, mẩu quốc Việt Nam ở trời Tây. Vì thế, chư tôn đức trong Phật giáo Việt Nam chấp nhận “Nhị Thời Khóa Tụng” làm nền tảng tu hành cho ứng hợp với hoàn cảnh đương thời, thế là hợp lý.

Song ngày nay đã khác, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, người Việt Nam là dân tộc anh hùng, lòng tự tín đã dâng cao. Thế mà, Phật giáo Việt Nam vẫn giữ lối tu theo lề lối cũ, có thích hợp với lòng tự tín của toàn dân, có nhịp nhàng tiến kịp tinh thần vươn lên của đất nước chăng? Đây là chỗ nhiều năm trăn trở nhức nhối của chúng tôi.

Pháp tu Tịnh độ đòi hỏi phải đủ ba điều kiện: Tín, Hạnh, Nguyện. Tín là tin có cõi Cực Lạc ở phương Tây, có Phật A Di Đà đang giáo hóa nơi ấy, nếu ai niệm danh hiệu Ngài khi lâm chung sẽ được Ngài đón về Cực Lạc. Hạnh là thực hành pháp trì danh niệm Phật. Nguyện là phát nguyện sau khi chết được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Nguyện này muốn được thành tựu phải đủ hai điều: Hân và Yểm. Hân là ưa thích cõi Cực Lạc. Yểm là chán ngán cõi Ta Bà. Cõi Cực Lạc là vui, cõi Ta Bà là khổ, chán ngán cõi khổ, cầu sanh về cõi vui, là tinh thần thiết yếu của pháp tu Tịnh Độ. Khi nước ta vận động toàn dân xây dựng đất nước giàu mạnh, mà người tu Phật chúng ta chán ngán cõi này là đau khổ thì còn tinh thần đâu xây dựng đất nước. Phải chăng Phật giáo Việt Nam không ứng dụng yếu lý “Khế cơ” cho thích hợp hoàn cảnh hiện thời.

Chúng tôi chủ trương khôi phục Thiền tông đời Trần, cốt yếu sử dụng tinh thần “Khế cơ” của đạo Phật, hướng dẫn người Phật tử tu hành nhịp nhàng theo bước tiến của xã hội. Câu “Tức tâm tức Phật” trong Thiền tông là đem lại sức tự tín mãnh liệt cho người Phật tử. Có tự tín, chúng ta mới có sức mạnh vươn lên, có tự tín chúng ta mới khẳng định sự thành công trong công tác của mình. Đồng thời nhận rõ Giác ngộ và Niết bàn ngay nơi thế gian này. Ta nghe Lục Tổ Huệ Năng nói:

                        ...Phật pháp tại thế gian,
                        Bất ly thế gian giác.
                        Ly thế mích Bồ Đề,
                        Kháp như cầu thố giác...

                                    [Kinh Pháp Bảo Đàn, Phẩm thứ hai Bát Nhã]

Phật pháp ngay trong thế gian này, không thể rời thế gian tìm được sự giác ngộ. Nếu rời thế gian tìm giác ngộ, giống như tìm sừng con thỏ. Đức Phật giác ngộ tại cội Bồ Đề trong thế gian này. Các bậc A La Hán giác ngộ nguyên nhân và kết quả sanh tử, và giải thoát sanh tử cũng trong cõi thế gian này... Duyên Giác giác ngộ “Lý nhân duyên sinh” cũng trong thế gian này… Tại sao chúng ta không ngay đây mà tu, lại cầu mong đến nơi nào cho xa xôi? Đây là thực tế và sức mạnh của Thiền tông, tổ tiên chúng ta đã ứng dụng tu hành.

6.2 Vô Tình Thầy Tu Trở Thành Thầy Tụng

Người chân chính xuất gia tu hành, buổi đầu ai cũng quyết tâm cầu giác ngộ giải thoát. Song ở chùa thời gian lâu sự quyết tâm ấy phai nhạt từ từ. Vì vào chùa phải học thuộc lòng kinh để tụng, khi tụng phải rành chuông mõ, phải tập tụng âm thanh cho hay, còn phải học tán, học đẩu... Khi tụng kinh rành rồi phải đi cúng đám cho Phật tử, chùa ít Phật tử còn đở, chùa đông Phật tử thì đi đám liên tục, còn thời giờ đâu nghĩ đến giác ngộ giải thoát. Cộng thêm Phật tử cúng kính tiền bạc vật dụng nhiều, phải lo gìn giữ tiêu phí, còn nhớ đâu bản hoài lúc sơ phát tâm. Thế là từ thầy tu phát tâm chân chánh, lâu dần biến thành thầy tụng thầy cúng, thật rất đau lòng! Phật dạy:

“Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành thì chẳng hưởng được phần lợi ích của Sa Môn, khác nào kẻ chăn bò thuê lo đếm bò cho người.

Tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì, hiểu biết chân chánh, từ bỏ tham, sân, si, tâm hiền lành thanh tịnh, giải thoát, xa bỏ thế tục, thì dù ở cõi này hay cõi khác, người kia vẫn hưởng ích lợi của Sa Môn”.

                (Kinh Pháp Cú số 19, 20)

Tu sĩ Phật giáo mà chỉ lấy tụng cúng cầu nguyện làm Phật sự, là vô tình đã đưa Phật giáo lên lơ lửng trên hư không và tạo cho Phật giáo dáng vẻ mờ mờ ảo ảo không thể giải thích được. Tôi dám khẳng định rằng Phật giáo không phải thế, mà thực tế hữu hiệu trong cuộc sống hiện tại của con người. Phật giáo là những phương thuốc trị tâm bịnh của chúng sanh, là phương pháp dạy con người sống vươn lên và an vui hạnh phúc. Chúng ta phải nhìn thẳng cội gốc của Phật giáo, đừng vạch tìm cành lá chi li. Mong sẽ có những tri kỷ thông cảm điều này của chúng tôi.

VII. HỌC CÁI HAY CỦA NGƯỜI XƯA MÀ KHÔNG NỆ CỔ

Chúng tôi chủ trương khôi phục Thiền tông đời Trần là cái nhìn trở lui về quá khứ. Đứng về mặt truyền thống không thể chỉ có ngày nay mà không có những ngày xưa. Lấy những kinh nghiệm hay của người xưa ứng dụng trong hoàn cảnh hiện nay thì hữu ích. Bắt người nay rập khuôn theo người xưa là nệ cổ lạc hậu. Chúng tôi chắt lọc những cái hay của Phật giáo đời Trần trình bày cho Tăng, Ni, Phật tử hiện nay xem thấy điều nào thích hợp áp dụng được thì áp dụng, không phải đem cái khuôn của Phật giáo đời Trần bắt buộc người thời nay rập theo. Chúng ta phải có cái nhìn chín chắn công bằng và thông cảm đối với hoàn cảnh của người xưa, lượm lặt những cái hay đưa đến thành công của người xưa, trên đường đạo cũng như đường đời, điều nào ứng dụng được hữu ích trong hoàn cảnh chúng ta hiện nay thì ứng dụng.

KẾT THÚC

Chủ trương khôi phục Thiền Tông đời Trần là cốt nâng cao giá trị người tu Phật hiện nay, dẹp tan những điều hiểu lầm đánh giá đạo Phật quá thấp. Đồng thời vạch ra những giá trị cố hữu của đạo Phật, khiến mọi người hiểu rõ, nếu cần đem ứng dụng vào cuộc sống thì thật sự được an vui hạnh phúc. Cảnh giác những hiện tượng sai lầm đưa đạo Phật vào chỗ huyền bí vô nghĩa, khiến chánh pháp phải lu mờ, trả Phật giáo trở về với giá trị bản hữu của nó. Việc làm của chúng tôi mang tính cách khơi sáng ngọn đèn Phật giáo Việt Nam để những người có trách nhiệm trong Phật giáo thấy rõ lối đi cho nhịp nhàng với hoàn cảnh hiện tại của đất nước. Chúng tôi không ước mong gì khác hơn là được đóng góp một hòn gạch, một viên đá để xây dựng lại ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

[ Quay lại ]