Con vật nào mạnh hơn
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 20 Tháng mười hai 2007 10:25
- Viết bởi nguyen
Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật kể câu chuyện: Như có sáu con thú: khỉ, dã can, cá sấu, chim, chó sói, rắn. Người ta bắt sáu con thú này cột chung lại một chùm. Mỗi con đều dùng hết sức mạnh của mình lôi mỗi hướng. (Khỉ lôi lên cây, cá sấu lôi xuống biển, chim bay lên hư không, dã can lôi vô gò mả, rắn lôi vô hang, chó sói lôi vô bụi rậm). Trong trường hợp ấy nếu con nào mạnh sẽ kéo những con khác theo hướng của mình nhắm.
Cũng thế, mỗi căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của phàm phu, nếu căn nào huân tập chủng tử mạnh, nó sẽ lôi cuốn các căn khác chạy theo nó.
Ví dụ: Như mắt bị nhiễm sắc chạy theo sắc, thì tai cũng ảnh hưởng nhiễm nghe những tiếng của sắc. Mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều như vậy.
Vì thế, Tỳ Kheo các ông phải dùng cây trụ “Thiền Quán” để cột sáu con lại, khi vùng vẫy mệt nó sẽ đứng yên.
BÌNH:
Phật nói sự tương quan của các căn. Căn đối với cảnh nó hấp dẫn tạo thành sức mạnh gọi là “nghiệp”. Bởi nghiệp mới có năng lực dắt dẫn chúng sanh luân hồi trong lục đạo.
Vậy muốn chận đứng động cơ tạo nghiệp, người tu phải dùng Thiền quán làm cây cột trụ để cột nó dừng lại. Thiền quán cách nào?
Quán thân năm uẩn này do duyên hợp tạm có rồi không. Đã do duyên hợp thì đâu có gì thật có và thường còn. Quán thấy rõ như thế thì không còn niệm đắm trước, là cắt đứt dòng tham ái và không còn tạo nghiệp, tức là ra khỏi dòng luân hồi vậy.
Cũng trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật kể câu chuyện: Có một ông vua, một hôm đang ngồi, bỗng nghe bên cạnh có người khảy đàn Tỳ bà, tiếng kêu thâm trầm lảnh lót. Vua bảo đem đàn lại cho vua xem. Người khảy đàn đem cây đàn lại để trên bàn trước mặt nhà vua. Vua hỏi: “Sao nó không phát ra tiếng hay”. Người kia giải thích: “Vì nó thiếu tay người khảy”. Vua bảo đem cây đàn ra chẻ từng mảnh và hỏi: “Tiếng đàn ở chỗ nào?”. Và cuối cùng Vua bảo: “Nếu không tìm được tiếng đàn thời hãy đốt nó đi!”. Khi đốt cây đàn thành tro vua liền thổi tro bay theo mây khói, nói: “Chỉ có một chút đó mà làm mê hoặc bao nhiêu người”.
Thân ngũ uẩn giả hợp này cũng như cây đàn kia không khác. Đủ duyên thì giả hợp tạm có, khi duyên hết thì tìm lại có còn đâu?