headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 13/11/2024 - Ngày 13 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HUẤN TỪ CỦA BAN QUẢN TRỊ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM -TVTL CHÁNH GIÁC

LỄ KHÁNH THÀNH - THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH GIÁC

HUẤN TỪ CỦA BAN QUẢN TRỊ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

suphudocdienvanNam-mô Phật Bổn sư Thích-ca-mâu-ni,

Kính bạch Hòa thượng Tôn sư,

Kính bạch chư tôn Hòa thượng, chư Tôn túc lãnh đạo GHPGVN,

Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni lãnh đạo các Ban Trị sự tỉnh Tiền Giang và huyện thị sở tại,

Kính thưa chư tôn Thiền đức tăng ni hiện diện,

Kính thưa quý vị khách quý Đại diện lãnh đạo Đảng, Chánh quyền các cấp cùng toàn thể các đạo tràng Phật tử,

Thưa liệt quý vị,

Chúng tôi xin trân trọng kính chào chư tôn Giáo phẩm Trung ương GHPGVN, chư tôn Giáo phẩm GHPG tỉnh Tiền Giang và các tỉnh bạn, cùng toàn thể chư tôn Thiền đức tăng ni hiện diện, quý vị khách quý, đại diện các cấp chánh quyền, các đạo tràng Phật tử, đã hoan hỷ về đây chứng dự Lễ Khánh Thành thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Kính chúc quý Ngài thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành. Chúc quý vị khách quý, đại diện các cấp chánh quyền, các đạo tràng Phật tử vạn sự kiết tường như ý.

Trước tiên, tôi xin được hướng về Hòa thượng Tôn sư đảnh lễ cảm trọng ân đức giáo dưỡng của Ngài, ngưỡng nguyện từ lực Hòa thượng gia bị cho buổi Lễ Khánh Thành hôm nay được thành tựu viên mãn. Tôi cũng xin phép thay mặt Hòa thượng Tôn sư và Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm có đôi lời gởi đến chư tôn đức tăng ni cùng quý Phật tử.

Kính thưa toàn thể quý liệt vị,

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác ra đời nơi miền đất vùng sâu vùng xa này, thật là một đại nhân duyên cho Phật giáo tỉnh nhà nói chung và đồng bào Phật tử tại đây nói riêng. Sự kiện trọng đại này cho thấy sự phát triển của đạo Phật song hành với sự phồn vinh của đất nước. Đồng thời cũng cho thấy công đức pháp hóa của Hòa thượng Tôn sư ngày càng lan tỏa và thấm sâu vào tâm thức của những người con Phật. Thiền tông Việt Nam đã và đang có mặt khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Theo đó ánh sáng chân lý Phật-đà được bủa khắp muôn phương. Thật là một vinh dự lớn lao cho Phật giáo và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Với tâm nguyện phục hưng lại dòng thiền Việt Nam đời Trần, nối tiếp dấu chân của các bậc Tổ sư, Hòa thượng Tôn sư thượng Thanh hạ Từ đã lần lượt thành lập các thiền viện tại miền Nam và miền Bắc trong những thập niên qua, với mục đích tạo đủ mọi thuận duyên, hướng dẫn cho Tăng ni Phật tử hâm mộ tu thiền có đủ điều kiện thực hiện tâm nguyện của mình. Cho tới nay duyên lành hội đủ, dòng thiền Trúc Lâm bắt đầu tuôn chảy khắp ba miền đất nước. Sự ra đời của thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác góp phần vào sự phát triển chung của Phật giáo tỉnh Tiền Giang, nâng cao uy tín của Giáo hội và thúc đẩy sự phát triển đời sống đạo đức tâm linh của người dân quê nhà. Có thể nói đây là niềm vui lớn cho hành giả tu thiền nơi miền sông nước Cửu Long và cho tất cả chúng ta.

Thừa hưởng công đức của chư Tổ tiền bối, chúng ta mới có được những thành tựu ngày hôm nay. Cho nên là Tăng sĩ và Phật tử Việt Nam, chúng ta phải có bổn phận gìn giữ, phát huy truyền thống tu đạo và hành đạo ngày càng tốt đẹp hơn. Thế giới hòa bình, nhân dân an lạc cũng xuất phát từ những con người có đời sống đạo đức hiền thiện, có tâm hồn tĩnh tại, trí tuệ sáng suốt và tình yêu thương rộng lớn. Cho nên một ngôi chùa ra đời là tịnh hóa thêm được một chốn nhân gian. Hòa thượng Trúc Lâm đã dạy:

“Đạo Phật xem trọng trí tuệ, vì nó là ngọn đèn soi sáng khiến người tu thấy được chân lý của cuộc đời, cũng nhờ ngọn đuốc trí tuệ soi đường, người tu thoát khỏi cái khổ đêm dài u tối vô minh. Trí tuệ và từ bi phải đi song đôi, phải cân bằng không được chênh lệch. Có trí tuệ mà thiếu từ bi là trí tuệ khô, có từ bi mà không trí tuệ là từ bi mù quáng. Từ bi và trí tuệ như chim hai cánh, chích một cánh là không thể bay được. Sự mất thăng bằng này là một tai họa không thể lường của nhân loại về sau!”
Vâng theo tinh thần đó, chúng ta là hàng đệ tử môn hạ của Hòa thượng, cố gắng nỗ lực tu tập trí tuệ và thiền định. Chỉ khi nào trí sáng tâm thông mới có thể duy trì mạng mạch Phật pháp cửu trụ nơi đời. Trên nhờ từ lực Tam bảo, nương uy đức và phước trí của Hòa thượng Tôn sư, dưới huynh đệ một lòng thắt chặt đạo tình Linh sơn cốt nhục, tuân thủ phép Lục hòa kỉnh, cùng nhau sách tấn tu hành và phụng sự đạo pháp. Có thế mới xứng đáng hàng Sa-môn Thích tử, là con cháu của Thiền phái Trúc Lâm, là nơi nương tựa cho chính mình và Phật tử bốn phương. Được vậy, hy vọng phần nào đền đáp công ơn trời bể của Phật tổ, lịch đại tổ sư, Hòa thượng ân sư. Hiện đời không thẹn với lòng, không hổ với người, mai sau nhất định đồng về hội Phật, xướng khúc vô sanh.

Hôm nay nhìn thấy ngôi Phạm vũ huy hoàng, điện đường trang nghiêm tráng lệ, đủ biết chư Tăng ni và Phật tử nơi đây đã hết sức tâm huyết, chịu khó chịu nhọc trong suốt thời gian gần bốn năm thi công vừa qua. Chúng tôi xin được chia sẻ và tán dương công đức của quý vị. Ngoài ra nếu không có sự hoan hỷ khích lệ và giúp đỡ của chư tôn Giáo phẩm Ban Trị sự tỉnh Tiền Giang, các cấp Chánh quyền địa phương sở tại cũng như sự nhiệt tâm ủng hộ tài lực sức lực của quý Phật tử xa gần, thì Phật sự này khó có thể thành tựu như ngày hôm nay. Mong chư Tăng và quý Phật tử có thể cùng dìu dẫn nhau tiến những bước xa rộng hơn nữa.

Tuy nhiên đoạn đường còn lại, đòi hỏi chúng ta phải vận dụng toàn tâm toàn trí nhiều, mới có thể thực hiện giáo huấn tự lợi lợi tha của Phật tổ một cách viên mãn. Hòa thượng Tôn sư đã dạy: “Song song với việc tiếp tục xây dựng các hạng mục còn lại, chư Tăng phải củng cố và phát huy nhiều hơn nữa về mặt tu tập.” Việc tu hành có tiến bộ thì tâm nguyện xây dựng thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác mới được thành tựu viên mãn. Chúng tôi xin được gởi gắm niềm tin đến chư Tăng ni và Phật tử nơi đây, mong tất cả hãy vâng theo di huấn của đức Phật, cảm trọng ân đức của Hòa thượng Tôn sư, luôn sống đúng với tinh thần hòa kính, tu theo đường lối chủ trương của Hòa thượng chỉ dạy.

Hôm nay, Phật sự xây dựng thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác đã hoàn thành phần cơ bản. Thành quả này đạt được là nhờ vào sự gia trì của Tam bảo, sự khuyến tấn của chư Tôn đức, sự nhiệt tình ủng hộ của các cấp chánh quyền và nhân dân Phật tử gần xa. Chúng tôi hướng về chư tôn đức Giáo phẩm Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang cảm niệm công đức của quý Ngài. Hướng về Hòa thượng ân sư, Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm, chúng con thành kính dâng lên tấm lòng tri ân, người đã có công khôi phục Thiền tông Phật giáo đời Trần, để Tăng ni tứ chúng biết được nguồn cội mà quay về. Những gì Thiền phái có được hôm nay đều nhờ công đức pháp hóa của Hòa thượng. Lòng bi mẫn của Ngài mãi mãi là từ lực tiếp sức cho chúng con trong suốt cuộc hành trình về nguồn.

Kính nguyện Hòa thượng ân sư bệnh duyên thuyên giảm, sống lâu nơi đời để hàng đệ tử chúng con mãi mãi được nương tựa từ lực của Thầy mà tu hành cho tới ngày viên mãn.

Hướng về toàn thể chư tôn Thiền đức tăng ni, Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm chúc nguyện quý ngài pháp thể khang an, thiền môn thịnh đạt. Mong tất cả chư huynh đệ trong tông môn, đồng tâm hiệp lực chung vai sát cánh bên nhau trong những Phật sự chung. Tất cả chúng ta đều phải có bổn phận giữ gìn và phát huy sự nghiệp khôi phục

Thiền tông Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng ân sư. Có mặt và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ bên ngoài cũng như những trở ngại tu tập bên trong, là biểu hiện chân tình của những người con cùng uống chung một dòng sữa pháp Thiền tông.

Chúng tôi cũng xin được gởi đến quý cấp chánh quyền trong tỉnh, huyện và các cơ quan sở tại lòng tri ân sâu sắc nhất của chúng tôi. Quý vị đã giúp đỡ cho công tác xây dựng thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được tiến hành thuận lợi và nhanh chóng. Sau cùng chúng tôi xin được gởi đến toàn thể quý Phật tử nam nữ gần xa lời cảm niệm công đức chân tình nhất. Với từng viên ngói viên gạch của quý vị, mà thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được hiện thành uy nghiêm như hôm nay.

Sau cùng, với tâm lực, trí lực và nguyện lực của chư Tăng ni cũng như quý Phật tử nơi đây, chúng tôi tin chắc Thiền viện này sẽ là ngôi nhà tâm linh, luôn giữ được ánh sáng ngọn đèn Phật tỏa khắp muôn nơi, đem niềm an vui và tình thương đến cho muôn người. Kính nguyện Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển, Thiền phái Trúc Lâm sống mãi trong lòng Phật giáo và Tăng ni Phật tử Việt Nam.

Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca-mâu-ni.

[ Quay lại ]