Có pháp môn nào ?
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 30 Tháng mười hai 2007 08:44
- Viết bởi nguyen
Hôm nay tôi đọc trong Tương Ưng Bộ Kinh thấy có một bài kinh chưa từng nghe. Bài kinh tựa là “Có pháp môn nào ?”.
Phật nói rằng:
- Này các Tỳ Kheo! Chẳng phải do niềm tin, chẳng phải do người truyền, chẳng phải do học vấn mà khi mắt đối với sắc, tai đối với thinh, mũi đối với hương v.v... biết có tham sân si, không tham sân si, thì cái biết ấy (biết có tham sân si, không tham sân si) là có pháp môn nào ?
BÌNH:
Nói có pháp môn đó như là quán Tứ Niệm Xứ, câu niệm Phật hay câu thoại đầu chẳng hạn, còn khi sáu căn đối với sáu trần “Biết” có tham sân si hay không tham sân si thì “cái biết” đó là pháp môn gì ? Ai truyền ? Do học mà được chăng ? Như thế cùng với Thiền có khác nhau gì ? Như Ngài Tuyết Phong sau khi ở Đức Sơn về, có vị Tăng hỏi:
- Hòa Thượng đến Đức Sơn được cái gì đây ?
Tuyết Phong đáp:
- Ta đi tay không về tay không.
Thử hỏi Ngài được cái gì? Cùng với trên có gì khác nhau? Cho nên Đức Sơn cũng nói:
- Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người.
Xưa nay chúng ta chỉ nghe Tổ nói, bây giờ đây mới nghe Phật nói, mà đây là bài Kinh của Phật giáo Nguyên Thủy. Chúng ta mới thấy rõ từ trước Phật đã nói như thế rồi, chứ đâu phải Thiền là cái gì bày đặt ra!
Giờ đây, qua cái biết vọng của chúng ta hằng ngày. Có vọng biết có vọng, không vọng biết không vọng, thì “Cái biết” có vọng, không vọng đó là pháp môn gì? Ai truyền cho? Cùng với cái “Biết” có tham sân si, không tham sân si trong kinh đâu khác! Kia nói tham sân si, đây nói là vọng tưởng hay vọng niệm vậy thôi.
Nhờ đọc trong Kinh rồi chúng ta mới có thêm niềm tin sâu xa vững chắc nơi đường lối tu của mình, không thì chúng ta cứ chạy Đông chạy Tây rốt cuộc không đi đến đâu hết.
Vậy thì, có vọng Biết có vọng, không vọng Biết không vọng. Cái Biết này là pháp môn gì ?