headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Quả báo không cố định

 Trong Tương Ưng Bộ Kinh chép: Một hôm có vị Bà La Môn đến hỏi Phật:

- Thưa Cù Đàm, có phải người tạo nhân thế nào phải cảm thọ quả báo thế ấy chăng ?

Phật nói:

- Không hẳn như thế! Tại sao ? Vì khi tạo nhân và cảm thọ quả báo “dị thục” có sai khác. Ví như có người làm ác nhỏ mà thân phải bị đọa địa ngục chịu nhiều điều thống khổ. Cũng có người làm ác như vậy, nhưng họ không đọa địa ngục mà chỉ cảm thọ quả báo khổ chút ít, hoặc thấy hoặc không thấy, tại sao? Vì người ấy biết tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ, tâm niệm rộng lớn nên quả báo có sai khác.

Ví như có người dùng một nắm muối bỏ vào tô nước thì tô nước sẽ mặn không uống được. Trái lại đem nắm muối ấy bỏ vào sông Hằng thì nước đâu có mặn.

Lại có người thiếu nợ 100 tiền, chủ nợ đến đòi người ấy, người ấy nghèo không thể trả nên ở tù. Trái lại cũng món nợ ấy, nếu là một phú gia thì đâu có ở tù.

Lại có người ăn trộm dê, bị chủ dê bắt giết chết, vì người ấy nghèo. Trái lại một vị quan hoặc vua đến bắt dê thì đâu có bị bắt giết chết.

Thế nên, ta nói tạo nhân và cảm thọ, quả dị thục cũng như thế.

BÌNH:

Qua những điều dẫn dụ trên, chúng ta thấy lý nhân quả của Phật dạy không cố định một chiều mà chuyễn biến linh động. Như trái xoài, khi mới sinh trái nhỏ màu xanh vị chua, lớn lên màu vàng vị ngọt (nếu chín). Sự biến đổi của nó từng tích tắc, trong Duy Thức học gọi là “Dị Thục Quả” (kết quả thuần thục sẽ đổi khác). Đây là luật biến hóa chung của vũ trụ và con người. Nhờ có sự chuyễn biến, sự vật mới trở thành thế này hay thế khác. Một thửa ruộng hoang, nếu nhà nông phu biết gieo trồng, nó sẽ biến thành một khu đất hoa màu sung túc. Một cậu bé khi còn nhỏ ngu si dốt nát, nếu cha mẹ khéo dạy bảo, cho học hành, cậu bé sẽ trở thành khôn ngoan biết chữ. Một người tánh tình gian xảo trộm cắp, nếu gia đình biết giáo dục theo con đường lành, người ấy lần lần sẽ bỏ tánh trộm cắp mà trở thành người lương thiện v.v...

Từ nhân đến quả có chuyễn biến nhiệm mầu như thế, nên nó mới làm cho con người và sự vật tiến bộ hoặc thoái hóa. Một con người khi mới sinh ra dù là kẻ mang nhiều nghiệp dữ, tạo các điều bất thiện, nhưng nếu họ biết hướng thiện trở về con đường lành, biết tu thiện, tu giới, tu tâm, tu huệ thì tâm niệm độc ác trước kia sẽ lần lần dứt sạch, tâm niệm rộng lớn phát sanh. Trái lại người có nhiều tâm lành nhưng không khéo tạo điều kiện cho nó tăng trưởng thì vẫn bị lui sụt sa đọa.

Do lẽ đó, người muốn an lạc hiện tại và về sau tức phải cố gắng nuôi dưỡng và bồi bổ nhân tốt, gần bạn lành tu tập hạnh tốt, cải thiện đời sống ngày càng tiến lên theo chiều thiện, chuyễn lần từ tâm niệm phàm phu ngu mê đen tối, trở thành bậc giác ngộ thanh tịnh.

Thế nên nếu bảo làm nhân gì phải thọ quả ấy tức nhân quả trở thành cố định và thế gian không ai tu được. Ác cố định là ác, thiện cố định là thiện thì còn tu nỗi gì? Nó đã như thế dù có tu hay không tu cũng chẳng thêm bớt được, vô tình đưa người ta vào con đường đen tối hết hy vọng cải thiện.

Do vậy, người Phật tử chúng ta phải nhận định cho thật kỹ lý nhân quả, không thì dễ lầm lẫn mà khó bề tu tiến.

[ Quay lại ]