headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN SƯ QUẾ SÂM

viện La-hán - (867-928)

Sư họ Lý quê ở Thường Sơn, thuở bé mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm chay, nói ra những lời lạ thường. Đến lớn, Sư xin cha mẹ theo Đại sư Vô Tướng ở chùa Vạn Tuế tại bản phủ xuất gia. Sau khi thọ giới cụ túc, Sư chuyên học luật.

Một hôm, vì chúng lên tòa nói giới bản Bồ-tát xong, Sư nói: Trì phạm chỉ giữ thân mà thôi, chẳng phải chân giải thoát; y văn sanh hiểu đâu thể phát thánh trí?

Sư phát chí tham vấn Thiền tông. Trước, Sư đến Vân Cư, Tuyết Phong thưa hỏi rất cần mẫn, nhưng vẫn chưa thâm đạt. Sau, Sư đến Huyền Sa yết kiến Đại sư Tông Nhất, vừa nghe một câu khai phát liền rỗng suốt không ngờ.

Huyền Sa hỏi Sư: Tam giới duy tâm, ngươi hội thế nào? Sư chỉ cái ghế dựa, hỏi: Hòa thượng kêu cái ấy là gì? Huyền Sa đáp: Ghế dựa. Sư thưa: Hòa thượng không hội tam giới duy tâm. Huyền Sa bảo: Ta gọi cái ấy là tre gỗ, ngươi kêu là gì? Sư thưa: Con cũng gọi là tre gỗ. Huyền Sa bảo: Tận đại địa tìm một người hội Phật pháp cũng không có. Sư do đây càng được khích lệ thêm.

*

Sư hầu Huyền Sa nơi phương trượng nói thoại đêm quá khuya, thị giả đóng cửa hết. Huyền Sa nói: Cửa đã đóng hết, ngươi làm sao ra được? Sư thưa: Gọi cái gì là cửa?

*

Huyền Sa dạy bảo chúng, có những người sắp được chánh định đều nhờ Sư trợ phát. Sư tuy tàng ẩn trong chúng, nhưng tiếng tăm vang xa.

*

Mục Vương Công ở Chương Châu có xây cất một tịnh xá tên Địa Tạng trên Thạch Sơn phía tây thành Mân, thỉnh Sư trụ trì. Sư ở đây được khoảng mười năm, sau dời đến ở viện La-hán. Nơi đây, xiển dương huyền yếu, học chúng tấp nập kéo đến.

Đang cấy lúa ngoài ruộng, thấy Tăng đến, Sư hỏi: Ở đâu đến? Tăng thưa: Nam Châu đến. Sư hỏi: Trong ấy Phật pháp thế nào? Tăng thưa: Bàn tán lăng xăng. Sư bảo: Đâu như ở đây, ta chỉ cấy lúa, nấu cơm ăn. Tăng hỏi: Thế nào là tam giới? Sư bảo: Gọi cái gì là tam giới?

*

Sư hỏi vị Tăng mới đến: Ở đâu đến? Tăng thưa: Phương nam đến. Sư hỏi: Các bậc tri thức phương nam có lời gì dạy chúng? Tăng thưa: Các Ngài nói: ?mạt vàng tuy quí dính trong con mắt cũng chẳng được?. Sư bảo: Ta nói núi Tu-di ở trong con mắt của ông.

*

Tăng hỏi:- Thế nào là một câu của La-hán?

Sư đáp:- Ta nói với ngươi, liền thành hai câu.

*

Sư thượng đường:

- Tông môn huyền diệu chỉ là thế ấy sao? hay riêng có chỗ kỳ đặc? Nếu riêng có chỗ kỳ đặc, các ông hãy nên xem cái gì? Nếu không, chẳng nên đem hai chữ bèn cho là tông thừa. Thế nào là hai chữ? Nghĩa là Tông thừa và Giáo thừa. Các ông vừa nói đến Tông thừa liền thành Tông thừa, nói đến Giáo thừa liền thành Giáo thừa.

Chư Thiền đức! Phật pháp tông thừa nguyên lai do miệng các ông an lập danh tự, làm lấy nói lấy bèn thành. Lẽ ấy cần phải nhằm trong đó nói bình nói thật nói viên nói thường.

Thiền đức! các ông gọi cái gì là bình thật? nắm cái gì làm viên thường? Kẻ hành khước nhà bên cần phải biện rành, chớ để chôn vùi; được một ít thanh sắc danh tự chứa trong đầu tâm, nói ta hội giải khéo hay giản biện. Các ông hội cái gì? ghi nhớ được danh tự ấy, giản biện được thanh sắc ấy. Nếu chẳng phải thanh sắc danh tự, các ông làm sao ghi nhớ giản biện? Gió thổi thông reo cũng là thanh, tiếng nhái ếch chim quạ kêu cũng là thanh, sao chẳng trong ấy lắng nghe để giản trạch đi. Nếu trong ấy có hình thức ý tứ thì, cũng như trong miệng các thầy già, có bao nhiêu ý tứ cùng các Thượng tọa. Chớ lầm! hiện nay thanh sắc dẫy đầy, là đến nhau hay chẳng đến nhau? Nếu đến nhau, thì linh tánh kim cang bí mật của ông nên có hoại diệt. Vì sao có như thế? Vì thanh xỏ lủng lỗ tai ông, sắc đâm đui con mắt ông, duyên thì lấp mất huyễn vọng của ông, càng chẳng dễ dàng vậy. Nếu chẳng đến nhau, thì chỗ nào được thanh sắc? Hội chăng? Đến nhau, chẳng đến nhau thử biện rành xem!

Sư dừng giây phút, lại nói: Viên thường bình thật ấy là người gì? nói thế nào? Chưa phải là kẻ ở trong thôn Hoàng Di thì biết nói thế nào? Đó là các vị Thánh xưa bày chút ít giúp đỡ hiển phát. Thời nay không hiểu phải quấy liền cho là toàn thật, nói ta riêng có tông phong huyền diệu. Phật Thích-ca không chót lưỡi, chẳng giống với các ông có chút ít bèn chỉ hông chỉ ngực. Nếu luận về tội sát, đạo, dâm, tuy nặng mà vẫn còn nhẹ, vì có khi hết. Kẻ này chê bai Bát-nhã làm mù mắt chúng sanh, vào địa ngục A-tỳ, nuốt hoàn sắt nóng chớ bảo là thong thả. Do đó, cổ nhân nói: ?lỗi tại hóa chủ, chẳng can hệ việc ông?. Trân trọng!

*

Sư thượng đường nói:

- Chư Thượng tọa! Chẳng cần cúi đầu suy nghĩ, suy nghĩ chẳng đến bèn nói chẳng dùng giản trạch, đến được chỗ buông lời chăng? Các ông nhằm chỗ nào buông lời, thử nói xem! Lại có một pháp gần được ông, lại có một pháp xa được ông chăng? đồng với ông khác với ông chăng? Đã như thế, tại sao lại thật gian nan?

*

Sư cùng Trường Khánh, Bảo Phước vào Châu thấy một đóa hoa mẫu đơn. Bảo Phước nói: Một đóa hoa mẫu đơn đẹp. Trường Khánh bảo: Chớ để con mắt sanh hoa. Sư bảo: Đáng tiếc một đóa hoa.

*

Sư có bài kệ minh đạo:

            Chí đạo uyên quảng

            Vật dĩ ngôn thuyên

            Ngôn thuyên phi chỉ

            Thục vân hữu thị?

            Xúc xứ giai cừ

            Khởi dụ chân hư

            Chân hư thiết biện

            Như cảnh trung hiện,

            Hữu vô tuy chướng

            Tại xứ vô ngụy

            Vô ngụy vô tại.

            Hà câu hà ngại?

            Bất dã công thành

            Tương hà pháp nhỉ

            Pháp nhỉ bất nhỉ

            Câu vi thần xỉ.

            Nhược dĩ tư trần

            Mai một tông chỉ

            Tông phi ý trần

            Vô dĩ kiến văn.

            Kiến văn bất thoát

            Như thủy trung nguyệt

            Ư thử bất minh

            Phiên thành thắng pháp.

            Nhất pháp hữu hình

            Ế nhữ nhãn tình

            Nhãn tình bất minh

            Thế giới tranh vanh.

            Ngã tông kỳ đặc

            Đương dương hiển hách

            Phật cập chúng sanh

            Giai thừa ân lực.

            Bất tại đê đầu

            Tư lương nan đắc

            Tạt phá diện môn

            Cái phú càn khôn.

            Quyết tu tiến thủ

            Thoát khước căn trần

            Kỳ như bất hiểu

            Mạn thuyết như kim.

            Chí đạo sâu rộng

            Chớ dùng lời bàn

            Lời bàn phi chỉ

            Ai rằng có phải?

            Chạm đến đều y

            Đâu dụ giả thật

            Giả thật lập bày

            Như bóng trong gương,

            Có không tuy hiện

            Tại chỗ không dối

            Không dối không tại

            Nào câu nào ngại?

            Chẳng nhờ công thành

            Đem gì pháp nhỉ

            Pháp nhỉ chẳng nhỉ

            Đều là môi răng.

            Nếu lấy đây bày

            Chôn vùi tông chỉ

            Tông không ý bày

            Không dùng thấy nghe.     

            Thấy nghe chẳng thoát

            Như trăng đáy nước

            Nơi đây chẳng rõ

            Trở thành thắng pháp.

            Một pháp có hình

            Che đậy mắt mình

            Mắt mình chẳng sáng

            Thế giới lăng xăng.

            Tông ta kỳ đặc

            Nêu bày hiển hách

            Phật và chúng sanh

            Đều nhờ ân lực.

            Chẳng ở cúi đầu

            Suy nghĩ khó được

            Vạch tét cửa mặt

            Che đậy càn khôn.

            Hẳn phải tiến lấy

            Vượt khỏi căn trần

            Nếu mà chẳng hiểu

            Dối nói như nay.

*

Đời hậu Đường niên hiệu Thiên Thành năm thứ ba (928) mùa thu, Sư trở về thành Mân ở chùa xưa, đi thăm hết các chùa chung quanh thành. Sau đó, Sư bệnh ít hôm rồi tắm gội, từ giã chúng, ngồi ngay thẳng thị tịch. Sư thọ sáu mươi hai tuổi, bốn mươi tuổi hạ. Vua sắc thụy là Chơn Ứng Đại sư.

[ Quay lại ]