ANAN Đà
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 05 Tháng mười một 2009 14:48
- Viết bởi nguyen
A NAN ĐÀ
ĐA VĂN ĐỆ NHẤT
1- NHÂN DUYÊN XUẤT GIA
Đang lúc tôi cầm viết để tả lại sự tích một đời của tôn giả A-nan-đà, bỗng nhiên tôi nhớ lại lời khen tặng của Bồ-tát Văn-thù về A-nan:
Tướng như thu mãn nguyệt
Nhãn tợ thanh liên hoa
Phật pháp như đại hải
Lưu nhập A-nan tâm.
Dịch:
Tướng như trăng thu tròn
Mắt biếc tợ sen xanh
Phật pháp rộng như bể
Đều rót vào tâm A-nan.
Trong số các vị đệ tử của Phật, người có tướng mạo trang nghiêm, trí nhớ thật mạnh mẽ, phải kể đến tôn giả A-nan.
Tôn giả có một cuộc đời thật phi thường, đối với giáo đoàn đương thời và cho đến Phật pháp hôm nay đều có ảnh hưởng rất sâu xa.
A-nan-đà cũng như La-hầu-la, đều là đồng chơn vào đạo. Khi A-nan gia nhập Tăng đoàn, không biết vào khoảng mấy tuổi, điều này khó khảo chứng. Nhưng căn cứ vào truyền thuyết, trong nhóm các vương tử A-na-luật, Bạt-đề… đồng xuất gia thì A-nan là người nhỏ tuổi nhất tham dự trong ấy.
Phụ thân của A-nan là Bạch Phạn Vương, còn Đề-bà-đạt-đa là anh ruột. Sở dĩ, A-nan gia nhập Tăng đoàn trong tuổi đồng niên, vì đó là điều trông mong của đức Phật. Khi đức Phật trở về quê thuyết pháp, Bạch Phạn Vương sợ A-nan chịu ảnh hưởng về tư tưởng xuất thế của Phật, cho nên sau khi gặp Phật không lâu, nhà vua bèn đưa A-nan sang nước Tỳ-xá-ly, không để có cơ hội thường tiếp xúc với Phật. Khi Phật đi sang nước Tỳ-xá-ly, Bạch Phạn Vương lại đưa A-nan trở về thành Ca-tỳ-la.
Nói đến chỗ này thiệt là nhân duyên bất khả tư nghì. Trong số các vương tử, đức Phật hy vọng nhất là A-nan theo Ngài xuất gia. Buổi tương kiến đầu tiên, vừa thấy A-nan, đức Phật đã nghĩ thầm “Nếu như A-nan xuất gia, thì tương lai có thể thiệu long Phật chủng, khiến Phật pháp lưu truyền vĩnh viễn ở hậu thế”. Một nhân vật vĩ đại thì điều quan trọng là chọn người có thể nối tiếp sự nghiệp cho mình, xây dựng cho người ấy, đề cử người ấy thêm lên. Phật thành đạo không bao lâu, Ngài bèn chọn A-nan, thật là Ngài đã nhìn xa thấy rộng.
Phật biết A-nan đã trở về thành Ca-tỳ-la, bèn lập tức quay về và đến ngay cung điện của Bạch Phạn Vương, ngự tại căn phòng kế cận phòng của A-nan. A-nan mở cửa ngó qua thấy đức Phật bèn cung kính đảnh lễ, và lấy quạt quạt cho đức Phật. Qua thái độ này chúng ta có thể thấy rằng trong tâm hồn thơ bé của A-nan đã sớm khởi lòng tin tưởng cung kính đối với đức Phật.
Do đó, khi gặp cơ hội, A-nan bèn cùng các vương tử Bạt-đề… thế phát xuất gia, gia nhập Tăng đoàn.
2- GIÚP CHO NỮ GIỚI XUẤT GIA
A-nan dần dần lớn lên trong Tăng đoàn. Với thiên tánh ôn hòa, từ bi, dung mạo truyền cảm, tôn giả là nhân vật được phái nữ bên trong và bên ngoài Tăng đoàn tôn kính. Đối với các Tỳ-kheo ni, Tôn giả hết lòng lo lắng, với các tín nữ tại gia, Tôn giả thường ban cho họ niềm an ổn. Ở một chốn lạnh lùng nghiêm túc, chỉ dùng toàn lý trí như Tăng đoàn thì A-nan với dung mạo dễ mến và tình cảm phong phú, như vầng thái dương một sớm mùa đông làm ấm áp tâm tình của các cô.
Nếu như không có A-nan, ngày nay trong Tăng đoàn cho phép hay không cho phép người nữ xuất gia làm Tỳ-kheo ni? Điều ấy thật khó biết.
Nói về duyên khởi của nữ giới được hứa khả xuất gia theo chánh pháp, hoàn toàn do công lao của tôn giả A-nan-đà.
Số là hoàng hậu Kiều-đàm-di, em gái của Thánh mẫu Ma-da phu nhân, là dưỡng mẫu của Phật. Bà thấy sau khi Phật thành đạo trong vòng năm năm, trong dòng họ Thích có các vương tử Bạt-đề, A-na-luật… đầu tiên quy y Phật và xuất gia, vương tôn La-hầu-la cũng đã là Sa-di, vua Tịnh Phạn đã băng hà. Bà nghĩ trước, nghĩ sau, muôn phần cảm khái. Do thiện căn bắt đầu nẩy mầm, bà bèn đến xin đức Phật cho phép được ở trong Tăng đoàn xuất gia như pháp.
Bà yêu cầu lần thứ nhất, Phật liền từ chối. Bà lại yêu cầu đôi ba phen, cũng bị Phật không chấp thuận. Sau Phật sợ bị Di mẫu kèo nài phiền phức, bèn dẫn đồ chúng đi sang nước Tỳ-xá-ly, ngụ tại tinh xá Na-ma-đề-ni.
Di mẫu vẫn không nản lòng, bà tập hợïp năm trăm người nữ dòng họ Thích cũng đồng ý nguyện, cắt bỏ tóc tai, đi chân đất rời thành Ca-tỳ-la đuổi theo đến thành Tỳ-xá-ly. Ca-tỳ-la cách Tỳ-xá-ly khoảng hai ngàn dặm đường. Các vị phu nhân, tiểu thư này từ trước đến giờ chỉ quen ở thâm cung, lên xe xuống lầu, không hề động đến móng tay. Hôm nay, lại biến thành các vị ni cô, ba y một bát, đầu trần chân đất, lội bộ suốt hai mươi ngày đường. Dân chúng hai bên đường phần cảm động, phần hiếu kỳ, họ rủ nhau đi xem chật ních, có người còn dự bị thức ăn đem cho đoàn người cầu pháp. Và rốt cuộc các bà, các cô cũng đến được tinh xá Na-ma-đề-ni.
Lúc ấy trời đã về chiều. Vì không quen đi đường ai nấy đều thở không ra hơi, hình dung tiều tụy, mệt nhọc, cả đoàn cứ lẩn quẩn trước cửa tinh xá, chẳng dám bước vào. Thời may, A-nan trong tinh xá đi ra, thấy Di mẫu và năm trăm người nữ dòng họ Thích, đều mặc y phục Tỳ-kheo ni, bụi bặm lấm lem, nước mắt đầm đìa,
A-nan vốn giàu tình cảm, đã ngạc nhiên kêu lên:
- Các vị làm gì ở đây?
Di mẫu đáp:
- Chúng tôi vì muốn cầu đạo, cắt ái từ thân, bỏ nhà đến đây cầu xin được thế độ. Nếu như lần này Phật không cho phép, chúng tôi liều chết tại đây chớ không về.
A-nan nghe Di mẫu nói, cảm động rơi nước mắt, bèn an ủi:
- Các vị hãy yên tâm! Tôi thấy tình cảnh các vị như thế này trong lòng đã hết sức áy náy. Các vị hãy chờ ở đây một lát, tôi sẽ vào xin đức Thế Tôn giùm cho.
Nhà thầy A-nan trẻ tuổi lại đa cảm, vội trở vào tinh xá, đem hết nguyện vọng của Di mẫu và bọn người nữ thưa lên đức Phật, khẩn cầu Phật thương xót họ, cho phép được xuất gia.
Phật từ chối:
- Ta cũng thương cho bọn họ đấy, nhưng vì sự truyền thừa chánh pháp không thể chấp thuận được. Ông ra bảo họ rằng ta không bằng lòng.
A-nan không chịu đi ra, còn nài nỉ với Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu là ai khác thì con có thể từ chối được, nhưng đằng này là Di mẫu, nếu nói thẳng chắc là sẽ có chuyện không hay. Họ đã nói chẳng thà chết chứ không chịu về.
- Này A-nan! Hứa khả cho người nữ xuất gia trong Tăng đoàn thiệt chẳng tiện chút nào!
- Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ Phật pháp lại phân biệt nam nữ hay sao? – A-nan cố xin giùm cho phái nữ, nên ở trước Phật ra sức vận động.
- Này A-nan! Pháp của ta dù ở cõi trời hay cõi người, đều một vị, ta không lựa riêng nam hay nữ, tất cả đều là chúng sanh đáng thương, ta đều đối xử bình đẳng. Người nữ có thể tin theo pháp của ta như bên nam giới, tu hành như nhau, chứng quả như nhau, chỉ không nhất định họ phải xuất gia. Đây là vấn đề pháp chế, không phải vấn đề nam nữ bình đẳng. Người nữ xuất gia như đám ruộng tốt sanh sản nhiều cỏ dại, không gặt hái được bao nhiêu.
Đức Thế Tôn nhìn xa thấy rộng nên lời nói của Ngài hàm chứa ý nghĩa đặc biệt. Đương nhiên nếu chiếu theo tình người thì nên cho phép nữ giới xuất gia, nhưng nếu đứng về mặt pháp lý, thì nam nữ cùng tu học trong một trụ xứ là một việc rất khó giải quyết. Trí tuệ và tình cảm là hai đường đối nghịch nhau, Phật không cho phép người nữ xuất gia chính vì điểm đó. Người nữ rất nặng tình cảm, họ có thể vì tình mà bỏ đạo, thôi tu. Đó là điều không thể chấp thuận. Hoặc có thể vì nữ nhân tâm ngã mạn, ham danh nặng hơn nam giới, nên Ngài không hứa khả cho xuất gia là muốn dạy cho họ một bài học.
Thiệt là Phật từ chối cứng rắn đến mấy, A-nan bản tính vốn ôn hòa chưa từng cãi đức Phật một câu, mà phen này cũng rơi lệ, sụt sùi đảnh lễ Phật, thưa:
- Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ Ngài nhẫn tâm để họ chết, mà không đưa tay từ bi cứu độ?
Phật thấy rằng trên đời này, pháp lý và tình cảm cũng có khi không thể vẹn toàn. Ngài cũng biết rõ mối quan hệ nhân duyên, không thể có một pháp nào trên đời này thanh tịnh, thường trụ bất biến mãi mãi được. Ngài trầm mặc giây lâu, rồi mới bất đắc dĩ bảo A-nan:
- Chẳng còn cách nào khác hơn. Thôi! Ông ra kêu họ vào đây.
Từ mệnh Phật vừa ban ra A-nan vui mừng vội vàng chạy ra báo tin vui, Di mẫu và năm trăm người nữ nghe tin cũng mừng rỡ đến rớt nước mắt.
Họ theo nhau vào diện kiến Phật. Ngài thản nhiên như không quan tâm đến, ôn hòa cho phép họ xuất gia làm Tỳ-kheo ni, nhưng yêu cầu phải giữ gìn Bát kỉnh pháp.
Với sự hỗ trợ của A-nan, rốt cuộc giáo đoàn Ni bộ được thành lập. Di mẫu rất cảm kích đối với ơn của A-nan, bà thành khẩn nói lên vui mừng của mình:
- A-nan! Chúng tôi vâng giữ Bát kỉnh pháp, cũng như người đẹp mà được mặc y phục mỹ lệ vậy.
Ngày nay, trong Tăng đoàn cho phép nữ giới xuất gia, đều là nhờ sự ủng hộ đầu tiên của A-nan. Do nhân duyên ấy, phái nữ đối với Tôn giả có duyên đặc biệt, Tôn giả là người rất được họ kính ngưỡng.
3- CÂU CHUYỆN VỀ MA-ĐĂNG-GIÀ
Vẻ đẹp và tuổi trẻ của A-nan đã gây ra nhiều chuyện phiền phức rối ren. Đó là câu chuyện về Ma-đăng-già.
Hôm ấy, sau mùa an cư, A-nan bưng bát đi vào thành Xá-vệ khất thực. Trên đường về đi ngang một giếng nước, có một cô gái dòng Thủ-đà-la đang lui cui xách nước, A-nan thấy khát, bèn đến bên giếng và nói:
- Cô nương! Xin bố thí cho tôi miếng nước.
Cô gái ngẩng đầu lên, thấy một vị Tỳ-kheo trẻ tuổi trang nghiêm và nhận ra đó là A-nan-đà. Cô vội nhìn xuống y phục của mình và thẹn thùng nói nhỏ:
- Thưa Tôn giả! Tôi không tiếc chi với Ngài, nhưng tôi thuộc dòng hạ tiện, làm sao có thể cúng dường cho Ngài?
A-nan an ủi:
- Này cô nương! Tôi đã là Tỳ-kheo không có tâm phân biệt cao thấp sang hèn đâu!
Cô gái bèn vui vẻ đem gàu nước trong trẻo đưa cho A-nan. A-nan uống xong, thốt lời cảm ơn và lặng lẽ tiếp tục đi.
Mối tình đầu chớm nở trong lòng cô thiếu nữ, cô không ngăn nổi tia mắt lưu luyến đưa theo hình ảnh A-nan. Dáng dấp quý phái cao sang của dòng vua ấy, lời lẽ ôn hòa ấy, như một nét mực đậm in trên tâm hồn trong trắng của cô, vĩnh viễn không thể xóa nhòa. Thậm chí cô lại vọng tưởng mơ mộng rằng, giá mà được kết hôn với A-nan thì hạnh phúc biết mấy mà kể.
Cô gái về đến nhà bơ phờ như người mất hồn, không thiết gì đến ăn uống, làm công chuyện qua loa rồi nằm vật trên giường suy tư miên man. Bà mẹ thấy vậy gạn hỏi duyên cớ. Ban đầu cô không chịu nói, hỏi đôi ba phen, cô mới yêu cầu mẹ mời A-nan về nhà, cô muốn A-nan làm chồng cô. Bà mẹ nghĩ hoài không ra, A-nan đã đi tu làm thầy Tỳ-kheo, mà lại thuộc dòng hoàng tộc làm sao cưới cô được? Nhưng vì lòng thương con gái, dù khó đến đâu cũng phải tìm cách thực hiện. Bà bèn đi thỉnh một đạo bùa chú của ngoại đạo, đợi A-nan đi khất thực ngang nhà, sẽ dùng chú thuật mê hoặc A-nan.
Ma chú linh nghiệm hay không, điều đó chẳng rõ, nhưng A-nan cũng còn nhớ cô gái bên giếng nước. Khi A-nan đi ngang qua nhà, nàng ra đứng trước cửa, nhìn A-nan cười chúm chím và đưa tay vẫy. A-nan mê mẫn bước vào trong nhà. Cô gái vừa mừng vừa thẹn lính quýnh cả lên. Ngay lúc ấy A-nan sực nhớ ra mình là một vị Tỳ-kheo, A-nan liên tưởng đến đức Phật. Đồng thời đức Phật dùng oai thần gia hộ cho Tôn giả Trí tuệ sáng suốt trở lại, giống như Ngài nổi một luồng gió đưa A-nan về tinh xá Kỳ Viên.
Ngày hôm sau, A-nan bình tĩnh lại, cũng đi vào thành khất thực. Lạ thay cũng gặp cô gái ấy, nàng mặc áo mới, đeo tràng hoa, đứng bên đường như chờ đợi A-nan. Cô vừa thấy Tôn giả liền lẽo đẽo theo sau một bên, như con thiêu thân bu theo ánh đèn không chịu rời một bước. Trước tình trạng này, A-nan chẳng biết tính sao, phải quay trở về tinh xá bạch với đức Phật. Đức Thế Tôn bảo A-nan gọi cô ta đến, Ngài sẽ đích thân nói chuyện với cô. A-nan vừa ra đến cổng, thấy cô nàng còn đứng đó, Tôn giả bèn hỏi:
- Tại sao cô cứ theo tôi mãi như vậy?
- Thầy thiệt là ngốc mới đi hỏi tôi một câu lẩn thẩn đến thế.
- Đức Thế Tôn muốn gặp cô, mời cô theo tôi về tinh xá.
Nghe nói đến đức Phật, cô gái đã lo sợ một phen, nhưng vì muốn đoạt được A-nan, cô lấy hết can đảm đến gặp Ngài. Phật thấy cô bèn nói:
- A-nan là người tu, nếu muốn làm vợ A-nan, điều kiện cần yếu trước tiên là phải xuất gia tu đạo một năm, nàng có chịu không?
- Phật-đà! Con bằng lòng.
Cô gái không ngờ đức Phật từ bi quá đỗi, đưa điều kiện hết sức dễ dàng để tác thành cho cô, nên cô chấp nhận một cách mau lẹ.
- Theo phép xuất gia của ta, phải có cha mẹ bằng lòng, nàng có thể mời cha mẹ đến chứng minh được không?
Đức Phật không làm khó dễ ai, điều kiện của Ngài cũng dễ thôi. Cô gái liền về nhà dắt mẹ đến. Bà mẹ cô cũng vui mừng đối trước Phật, để cô gái xuất gia tu hành rồi sau sẽ kết hôn với A-nan.
Cô nàng vì muốn làm vợ A-nan, rất cao hứng mà cạo tóc, mặc áo nhuộm, làm Tỳ-kheo ni. Cô đem hết nhiệt tâm nghe Phật thuyết pháp, và cũng rất tinh tấn y theo lời chỉ dạy của Phật tu tập. Ở trong giáo đoàn Tỳ-kheo ni, nàng hòa hợp với các sư tỷ, sư muội sinh hoạt theo Phật pháp.
Biển ái, tình si của cô dần dần lắng dịu. Xuất gia chưa được nửa năm, cô đã thức tỉnh rằng thái độ của mình trước đây thật đáng hổ thẹn.
Đức Phật thường giảng nói ngũ dục là pháp bất tịnh, là nguồn gốc của mọi khổ đau. Loài thiêu thân ngu si tự ném mình vào lửa để bị thiêu rụi, con tằm vô tri làm kén tự trói mình. Nếu như từ bỏ được ngũ dục, nội tâm được thanh tịnh, cuộc sống mới an ổn được.
Giờ đây nàng tự biết mình mê đắm A-nan thật là ý tưởng bất thiện, bất tịnh. Nàng hối hận vô cùng. Một hôm, nàng đến quỳ dưới chân Phật, khóc và sám hối:
- Bạch Thế Tôn! Con đã tỉnh mộng, con không dè lúc trước con ngu si đến mức như vậy. Hôm nay, con chứng được Thánh quả, được xem như đi trước A-nan, con rất cảm kích ân của Thế Tôn. Ngài vì hóa độ bọn chúng sanh ngu muội như con, đã dùng hết phương tiện và nhọc lòng dạy dỗ. Từ nay về sau, con nguyện suốt đời làm Tỳ-kheo ni, theo chân đức Thế Tôn, làm một sứ giả cho chân lý.
Sự giáo hóa khẩn thiết của đức Phật, cuối cùng đã thấm đọng vào tâm hồn mẫn cảm của thiếu nữ, nàng tỉnh ra thấy trời đất thanh lương, thành một bực Tỳ-kheo ni mẫu mực…
Tên nàng đã nổi danh là Ma-đăng-già. Đức Phật giúp cho một cô gái dòng hạ tiện xuất gia, điều ấy đối với giai cấp thâm nghiêm Ấn Độ, khiến cho nhiều người nghe được phê bình, phản đối. Nhưng bậc đại thánh Phật-đà đã nêu lên chủ trương bình đẳng, như trăm sông chảy về biển, bốn chủng tộc xuất gia đều là Thích tử. Nàng Ma-đăng-già vì yêu mến dung mạo của A-nan mà sau cùng chuyển họa thành phước. Giai thoại ấy đã lưu lại trong Tăng đoàn những lời bàn tán đẹp ngàn năm.
4- THUYẾT PHÁP CHO TỲ KHEO NI
Chính vì dung mạo đẹp đẽ và giàu tình cảm, mà không những các cô gái thế tục theo đuổi A-nan, cho đến các Tỳ-kheo ni cũng luyến mộ Tôn giả.
A-nan đối với ni giới thật là tận tình giúp đỡ, thêm vào đó có những nhân duyên đặc biệt, nên nữ giới, ngay cả các Tỳ-kheo ni đối với Tôn giả đặc biệt cung kính. Có lúc A-nan cùng Đại Ca-diếp trên đường hành hóa, ghé ngang một lan-nhã của các Tỳ-kheo ni, các cô đều đồng thỉnh A-nan khai thị trước, rồi sau mới mời đến Đại Ca-diếp. Luận về tuổi tác, hạ lạp, giới hạnh thì Đại Ca-diếp hơn A-nan xa, nhưng các Tỳ-kheo ni không kể đến chuyện ấy.
Cuộc sống của người xuất gia, về mặt tâm lý, như một bãi chiến trường. Lý trí và tình cảm thường giao tranh với nhau bên trong của mỗi nhà tu. Lý trí thắng thì thành Phật đắc Tổ, tình cảm thắng đương nhiên là phàm phu tục tử. Nếu nói rằng yêu cầu mỗi vị xuất gia đều lạnh lùng như cây khô, xác chết, không còn một chút ái tình của người đời thì chắc là khó được.
Ở Kỳ Viên tinh xá, có một vị Tỳ-kheo ni trẻ tuổi, thấy phong tư A-nan thanh nhã độ lượng, cô ôm ấp ngày đêm không thể quên. Nhưng cổ ngữ Trung Hoa có nói "Nam nữ thọ thọ bất thân" huống chi đây là chốn Tăng đoàn nghiêm trang cách biệt? Cô Tỳ-kheo ni ấy tuy thầm thương trộm nhớ A-nan, nhưng không thể đột xuất vào phạm vi giới cấm, trừ những lúc nhìn lén A-nan vài cái, ngoài ra không cách gì khác hơn.
Một hôm, Tỳ-kheo ni ấy mang bệnh. Cô nhờ người thưa với A-nan một lời “Thưa Tôn giả! Hiện giờ con đang bệnh nặng, không còn hy vọng bao nhiêu, xin Tôn giả từ bi đến thăm một phen!”
Lời yêu cầu đáng thương như vậy khiến A-nan động tâm. Sáng hôm sau, tôn giả đắp y mang bát trước khi đi khất thực, thuận tiện ghé thăm. Tỳ-kheo ni bệnh y phục không được chỉnh nằm tại giường, khi thấy A-nan đến gần dùng đôi mắt đa tình nhìn A-nan trân trối. A-nan thấy thái độ lãng mạn của cô, biết được chuyện không tốt liền quay lưng bỏ đi, không hỏi han gì cả. Cô ni nọ thấy A-nan đã đến gần, đột nhiên không nói một lời mà chuyển thân bước ra, nhất định Tôn giả đã bất mãn hành vi của mình. Cô sanh lòng hổ thẹn vội vàng ngồi dậy, đắp y, trải tọa cụ và thỉnh A-nan trở lại, mời ngồi tại tòa. A-nan liền khai thị:
- Này cô! Không nên dùng vật bất tịnh nuôi thân, không nên dùng kiêu mạn nuôi tâm, không nên chứa chấp tư tưởng tham ái, ý niệm dâm dục. Này cô! Khi đau bệnh nên để thân tâm an trụ nơi cảnh giới vô sở cầu thì mới mau lành mạnh.
Tỳ-kheo ni trẻ tuổi lúc này dường như quên thân phận xuất gia của mình, đưa mắt nhìn A-nan một cách tình tứ và nói:
- Chẳng phải tôi không biết đạo lý mà Tôn giả vừa nói. Nhưng đối với tôi, không được ăn ngon hay mặc đẹp, tôi cũng có thể chịu nổi, chỉ có tình cảm của tôi đối với Tôn giả, tôi đã hết sức chế ngự mà không được. Người ta ai cũng muốn được yên thân, ai cũng có một điều mong ước chứ!
- Này cô! Không nên nghĩ như vậy, chúng ta đi xin thức ăn, áo mặc là để giữ gìn thân mạng, giữ thân mạng là để tu đạo, tu đạo mới có thể an tâm. Bỏ quên đạo lý để chạy theo tìm cầu những dục lạc giả dối cho thân mình là một điều lầm lẫn. Người khách buôn thoa dầu vào bánh xe là để cho xe dễ chạy, người bệnh ghẻ xức dầu trên mình không phải để trang điểm, cũng không phải vì dục lạc, chỉ với mục đích trị bệnh mà thôi. Chúng ta dưỡng thân an tâm, cần yếu đoạn trừ ý niệm ái dục, lìa tâm ham vui. Xa rời tâm hữu lậu, cầu đạo chơn thật, đừng để cho các pháp vô thường hư huyễn làm mê hoặc.
Tỳ-kheo ni nghe rồi, cảm động sâu xa liền dứt sạch tâm niệm ái dục, chứng được vô sanh pháp nhẫn.
5- CHIA BÁNH MANG TIẾNG
A-nan vì những chuyện của các cô thường chuốc vào mình những điều phiền phức, bị người ganh ghét, phê bình, đức Thế Tôn cũng thường bận tâm vì Tôn giả.
Nhưng A-nan không giống như Ca-lưu-đà-di. A-nan không theo đuổi các cô, trái lại các cô cứ chạy theo A-nan. A-nan đối với họ bằng một tình cảm thuần khiết, không hề có một niệm ái dục, chúng ta xem lời khai thị của A-nan với Tỳ-kheo ni trên cũng đủ biết.
Dù cho Tôn giả đối với nữ giới chân chính thế mấy mà trong Phật giáo, phàm những việc gì dính dáng đến phái nữ, đều là sự chẳng lấy làm vinh dự lắm. Nam nữ luyến ái nhau, tuy chẳng phải là tội ác lớn nhưng vốn là hành vi bất tịnh.
Một hôm, Phật ngụ tại nước Xá-vệ, có một đàn việt làm rất nhiều bánh in đem cúng dường, Phật dạy A-nan đem bánh phân chia cho các Tỳ-kheo. A-nan chia xong, còn dư bánh khá nhiều, Phật lại bảo đem chia cho những người nghèo trong vùng.
A-nan vâng lời, nhóm họp hết những người bần khổ đến lãnh bánh. Có đến cả ngàn người kéo đến, A-nan tính số người với số bánh, thì vừa đủ một người một cái.
Khi A-nan đang chia bánh, trong số người lãnh phần có một thiếu nữ xinh đẹp thuộc nhóm ngoại đạo lõa hình. Khi chia đến cô, thiệt chẳng may, phần bánh lại có hai cái dính chung gỡ không ra. A-nan không biết tính sao, bèn đưa hết cho cô ấy. Đó chỉ là một sự vô tâm, nhưng mấy người hạ tiện đứng quanh thấy vậy bèn cơ hiềm. Một phần vì tật đố, một phần vì hiếu kỳ, họ xì xầm với nhau “Thầy A-nan đẹp trai, đem cho cô gái kia hai phần bánh in nồng hậu. Chắc hai đàng đã quen biết trước, có tình ý gì rồi đa.”
A-nan nghe mấy lời bàn tán, trong lòng không vui. Thiệt miệng người độc địa, chẳng biết phải cư xử ra sao mới vừa? Người tu hành, vốn đã chịu nhiều thua thiệt, mà thế gian đinh ninh rằng đã tu thì phải nhẫn nhục, họ lại hay nặng nhẹ cho tổn thương.
Đức Phật thường dạy các đệ tử nên tránh mọi cơ hiềm của thiên hạ, nhất là về vấn đề nam nữ. Chẳng cần biết ông tu hành chín chắn ra sao, nếu để bị mang tiếng dính dáng với nữ nhân, thì chắc chắn là cất đầu lên không nổi. Thật ra, đối với người chưa chứng Thánh quả mà nói hoàn toàn không mê sắc đẹp là chuyện không thể có. Nhưng bậc tu hành đối với ái dục nên phòng thủ chắc chắn, đề cao cảnh giác.
A-nan thường nghĩ đến việc bị khổ phiền vì chuyện đàn bà con gái. Một hôm, Tôn giả ngồi tư duy nơi chỗ vắng, nghĩ thầm “Người đời đều do ái dục mà sanh, sinh hoạt hằng ngày bị nhận chìm trong ái dục mà không biết chán. Họ vừa thích tìm cầu ái dục cho bản thân, lại vừa thích đàm tiếu chuyện ái dục của người khác. Ái dục đem lại nhiều khổ não, tranh đấu cho thiên hạ. Đức Thế Tôn thường quở trách ái dục, thật là có ý sâu xa.”
A-nan thuở giờ chưa nghĩ đến mấy chuyện này, đến khi vì chia bánh in cho cô gái đẹp bị mang tiếng nọ kia, Tôn giả mới thấm thía. Chiều xuống, Tôn giả đứng dậy, chỉnh y phục, đến trước Phật đem hết những cảm tưởng của mình bạch với đức Thế Tôn. Phật nghe xong, bèn kể cho A-nan nghe về một đoạn nhân duyên của Ngài trong đời quá khứ:
“A-nan! Ông nói đúng, người đời bị chìm trong biển dục không biết nhàm chán. Thời quá khứ, có một ông vua tên Đảnh Sanh dùng pháp ôn hòa trị dân, không cầm dao gậy chi cả mà người hung ác đều phục tùng. Nhưng nhà vua là một người tham dục, đắm sắc. Khi cai trị thì đi đến đâu cũng nghe nhơn dân ca tụng đức độ, nhưng về phần dục lạc lại quá đam mê. Bao nhiêu cung phi, mỹ nữ trong nước còn chưa đủ, nhà vua lại tuyển chọn thêm giai nhân của các nước. Nhà vua bị đoanh vây trong ngũ sắc, cung tần ái phi hầu hạ ngày đêm, nhà vua cũng không vừa ý, tính chuyện giết luôn quốc vương nước bạn để đoạt lấy hoàng hậu. Rốt cuộc vì tham dục quá độ, chìm đắm trong bể sắc, triều chính ngày càng bê trễ, bị nhân dân nổi loạn, vương quyền tiêu tan, nhà vua phải chịu những ngày tàn thê thảm.
A-nan! Tham dục không biết chừng tai hại đến như thế. Vua Đảnh Sanh đó là một tiền thân của ta.”
A-nan nghe Phật khai thị xong, tự nghĩ một người ôn nhu như mình, cũng giống vua Đảnh Sanh, lại càng phải gấp hạ thủ công phu xa lìa ái dục.
6- LÀM THỊ GIẢ PHẬT
A-nan từng được Phật chấm là người có thể nối thạnh Phật pháp. Tôn giả đặc biệt bị nhiều nữ nạn, nên vì muốn A-nan giữ được bản thân chuyên tâm tu đạo, Phật nghĩ đến việc chọn A-nan làm thị giả. Đó là vào khoảng thời gian đức Thế Tôn trên năm mươi tuổi, Ngài trụ tại tinh xá Trúc Lâm, việc tuyển chọn này xảy ra.
Trước đó, khi Phật thành đạo không lâu, hầu cận Ngài có hai tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Sau lại đến Tỳ-kheo Na-ca-ba-la (Migajàla) cũng từng làm thị giả. Có thể nói, trong hai mươi năm, đức Thế Tôn không có thị giả thường trực cố định, các Tỳ-kheo thay phiên nhau hầu Phật.
Đức Thế Tôn ngày càng già, cần có một vị thị giả túc trực bên cạnh. Các đệ tử Tỳ-kheo bèn triệu tập một buổi họp, đề cử một vị thị giả. Phiên họp này các đệ tử thượng thủ rất đông, trong số đó, trước tiên là Kiều Trần Như đứng dậy xin làm thị giả Phật. Tôn giả là một trong năm vị Tỳ-kheo vốn là cựu thần theo Phật trong thời kỳ Ngài tu tập khổ hạnh. Có thể nói tôn giả là vị Tỳ-kheo đầu tiên trong giáo đoàn. Tuổi tác của tôn giả tuy lớn hơn Phật, đem tấm lòng thành xin suốt đời hầu hạ Thế Tôn. Nhưng đức Phật không hứa khả. Ngài nói rằng tôn giả đã già nua, chỉ cần tự lo cho mình cũng đủ rồi. Kế đó, cũng có nhiều vị xin làm thị giả Phật, Phật đều từ chối, bảo các vị hãy lo đi hóa đạo nơi khác. Lúc ấy, tôn giả Mục-kiền-liên biết ý Phật, bèn rủ Xá-lợi-phất đến khuyên A-nan:
- Tỳ-kheo A-nan! Ý đức Thế Tôn chọn ông làm thị giả. Giống như tòa lâu đài mở cửa về phía Đông, ánh nắng sẽ chiếu thẳng đến vách phía Tây. Ông còn trẻ, mau mắn, thông minh nhu hòa, chúng tôi mong rằng ông sẽ bằng lòng.
A-nan nghe nói, thấy trách nhiệm quan trọng bèn từ chối. Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cố khuyên mãi, Tôn giả mới đưa ra ba điều kiện:
* Một, A-nan không mặc y phục thừa của đức Phật, dù cũ hay mới.
* Hai, nếu có Phật tử thỉnh Phật cúng dường, A-nan không đi trước.
* Ba, không phải thời đến gặp Phật, A-nan không đến.
Ngoài ra đều xin theo hầu Phật như ý.
Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất đem ý của A-nan bạch lại với Thế Tôn – đối với Phật mà cũng ra điều kiện. Nhưng đức Phật chẳng những không giận, mà còn rất hoan hỷ khen A-nan:
- A-nan thật là vị Tỳ-kheo có phẩm cách. Ông ấy đưa ra các điều kiện trên là để tránh sự cơ hiềm, đó là sự dự phòng chánh đáng. Tỳ-kheo A-nan sợ các thầy
khác phê bình rằng: "Thầy A-nan vì muốn mặc áo đẹp, ăn ngon mới làm thị giả. A-nan vì vật chất mới theo hầu Phật". Ông ấy biết lo xa nên mới yêu cầu như vậy.
Từ khi A-nan làm thị giả Phật lúc ấy khoảng hai mươi tuổi. Trong hai mươi bảy năm theo bên cạnh đức Thế Tôn, Tôn giả luôn luôn vâng theo ý Phật, hành động theo lời dạy của đức Thế Tôn, thường xuyên túc trực bên Ngài, đi các nơi giáo hóa. Do nhân duyên ấy mà tất cả biển Phật pháp đều rót vào tâm A-nan.
Tỳ-kheo A-nan, mỗi ngày ở cạnh đức Phật, sự phiền nhiễu về người nữ giảm dần, và tôn giả nghiễm nhiên là người trung gian giữa Phật và các Tỳ-kheo.
Sống trong Tăng đoàn, A-nan thường giữ tánh khiêm tốn, kính nhường, biết tàm quý. Rất nhiều tín chúng nhờ quen biết với A-nan mà đến quy y với Phật. Tuy trước đây, A-nan hay bị những rắc rối với phái nữ khiến thiên hạ có những lời phê bình chẳng hay ho, đến khi một phen gánh vác trọng trách, Tôn giả đã tu dưỡng rất thuần thục.
7- TÌNH BẠN TRONG PHẬT PHÁP
Đã là thị giả Phật, mà lại chưa khai ngộ, nhưng trong Tăng đoàn vẫn xem A-nan đồng bậc với các vị thượng thủ đáng kính. Kỳ thật là vì tâm tính của Tôn giả ôn hòa khiến cho ai ai tiếp xúc qua đều cảm thấy mát như gió xuân. A-nan đối với người không hề đưa điều tốt của mình ra, hoặc nói cái dở của người. Luôn luôn ẩn ác dương thiện, tận tâm giúp đỡ mọi người cho họ được dễ dàng. Mỗi khi cùng ngoại đạo luận bàn Phật pháp, cũng chỉ hiển chánh mà không phá tà. Tôn giả chưa từng có ý hại người để lợi mình, Tôn giả như tia nắng xuân ấm áp từ từ làm tan băng giá.
Khi ở tại tinh xá Trúc Lâm, A-nan đã từng khiến ngoại đạo Câu-già-na không dám đưa vấn đề đến hỏi khó Tăng đoàn. Ở vườn Cù-sư-la, Tôn giả cũng khiến ngoại đạo Chiên-đà cảm động, hoan hỷ phụng hành Phật pháp. A-nan tuy không hề biện luận thao thao với ngoại đạo, nhưng danh tiếng của Tôn giả đối với họ không nói cũng biết.
A-nan có duyên với chúng sanh, nên trong số bạn bè tục gia, và các thầy Tỳ-kheo, rất nhiều người kết giao với tôn giả. Tôn giả thích nghe người thuyết pháp, cũng thích thuyết pháp cho người nghe. Phật từng nói A-nan chỉ cần nhìn qua diện mạo và thái độ của người, cũng đoán biết được tánh tình người ấy. A-nan đối với cư sĩ, như mẹ hiền thương con, còn đối với bậc trưởng lão thượng túc, lại ôn hòa như em út.
A-nan có một người bạn cư sĩ tên Lư-gi, ở tại thành Ba-sa. Một hôm, đức Thế Tôn dẫn các đệ tử quang lâm đến đấy, bộ tộc Ma-la trong thành rất vui mừng cung nghinh. Họ cùng ước định, người nào không ra đón Phật sẽ bị phạt hai trăm đồng vàng. Lư-gi lại là người không có một chút lòng tin Phật pháp. Trừ A-nan, ông không hề tôn kính một người xuất gia nào, dù đó là đức Phật.
Nhưng hôm ấy, Lư-gi cũng có mặt trong đoàn người cung đón Phật, A-nan thấy bạn một phen ngạc nhiên. Hỏi ra thì ông ta nói rằng vì sợ bị phạt hai trăm đồng vàng nên phải ra đón Phật. A-nan nghe xong chẳng vui nhưng vẫn nhiệt tình tiếp đãi bạn. Sau đó, trong lúc nghỉ ngơi, A-nan đem chuyện Lư-gi thưa với Phật. Phật rất thông cảm, cho là y đáng thương và bảo A-nan tìm cách đưa y đến gặp Phật. Phật khai thị rất nhiều, sau cùng Lư-gi cởi mở tâm tình, phát tâm quy y Tam bảo, giữ ngũ giới.
Về sau Lư-gi thường mang các thứ y phục, thức ăn, thuốc men, ngọa cụ… đến cúng dường Phật. Và cảm tình của A-nan đối với bạn càng thân thiết, vốn xưa là bạn cũ, bây giờ lại cùng một thầy, nên A-nan xem gia đình bạn như gia đình mình.
Một hôm, A-nan cần ít thước vải bèn đến nhà Lư-gi xin. Hôm ấy, Lư-gi đi vắng. A-nan nghĩ rằng: “Đã đến đây, chẳng lẽ về tay không”, bèn thực tình nói với vợ con Lư-gi đem vải ra, tùy tiện chọn một tấm mang về. Lư-gi lúc sau nghe vợ con nói lại, bèn vội đến tinh xá, hỏi A-nan:
- Sao Tôn giả không chọn thứ vải tốt, lấy làm gì cái thứ vải thô ấy?
- Tôi không cần vải tốt. Tôi chỉ chọn vải thô để làm khăn tắm, thay thế bạn cúng dường cho các vị Thượng tọa đấy thôi.
Cảm tình giữa hai người thân thiết như vậy, đương nhiên có một số người trong Tăng đoàn phản đối thái độ tự nhiên ấy, nhưng đức Phật không hề ngăn cấm việc làm của Tôn giả.
A-nan làm thị giả, tuy không giống tinh thần hoạt động tân tiến của Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, mà cũng không giống sự bảo thủ của Đại Ca-diếp. A-nan là người ôn hòa, nên tánh tình rất mực trung dung.
A-nan từng tiếp tay với đức Phật, khuyên bảo thầy Tỳ-kheo Quật-đà – nhà thầy vì ái dục nên muốn ra đời – A-nan cổ động thầy tu hành cho đến chứng Thánh quả. Tôn giả cũng từng điều hòa những tranh chấp trong Tăng đoàn, khiến kẻ ưa gây gổ biết phục thiện. Ở tinh xá Kỳ Viên, A-nan từng đàm luận với Xá-lợi-phất về vấn đề “diệt đế”, “sáu xúc chạm”. Ở thành Ba-liên-phất, cùng Bạt-đà-la đàm đạo các vấn đề, ở nước Câu-diệm-di nói các yếu điểm tu đạo cho các Tỳ-kheo, tại Đông viên từng thay Phật nhận lời thỉnh của các Tỳ-kheo đi trước thuyết pháp, khen ngợi lòng hiếu của Mục-kiền-liên, tuyên dương sự thuyết pháp của Phú-lâu-na. Trong và ngoài giáo đoàn, Tôn giả đối với mọi người đầy pháp tình hữu nghị, đủ để biểu lộ hết tư cách và nhiệm vụ của một đại đệ tử.
8- ÔNG ANH ĐÁNG GIẬN
Người mà A-nan giận nhất trong đời, phải kể là ông anh Đề-bà-đạt-đa.
Đề-bà-đạt-đa cũng là một trong bảy vị vương tử đầu tiên xuất gia theo Phật. Có thể vì ham vui mà đi theo chứ không phải phát tâm chân chánh, nên sau khi xuất gia ông không an tâm tu hành, hay khoe điều kỳ lạ để lòe người, và muốn đắc thần thông.
Tuy là anh em ruột, nhưng A-nan và Đề-bà-đạt-đa tánh tình khác xa. Đề-bà-đạt-đa vốn nhiều dã tâm mà không an phận. Đức Phật thường khuyên ông nên hoàn tục làm cư sĩ ủng hộ Phật pháp, không nên ở trong Tăng đoàn tạo tội, nhưng ông không nghe.
Ông yêu cầu Phật dạy về pháp môn thần thông, nhưng Phật bảo ông trước hết phải tu tập cho thân tâm thanh tịnh, không nên tham cầu phép lạ, vì thần thông và phép lạ không đủ tiêu biểu cho đức hạnh. Sau khi Phật từ chối, ông rất tức giận, lại đến nài nỉ Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, các vị đại A-la-hán dạy thần thông cho mình. Xá-lợi-phất và các vị biết tánh ông hung ác cũng đều từ chối, chỉ dạy ông tu quán đạo lý khổ, không, vô thường, vô ngã.
Do đó, Đề-bà-đạt-đa ôm lòng phản nghịch. Ông nghĩ rằng không tiêu diệt đức Phật thì không thể tự do tung hoành. Và thề từ nay về sau không đội trời chung với Phật.
Một hôm, A-nan cùng đức Phật đi ngang qua núi Kỳ-xà-quật, gặp lúc Đề-bà-đạt-đa đang đi dạo trên đỉnh núi. Vừa thấy Phật, ông biết đây là cơ hội ngàn năm, bèn vần một tảng đá to nhắm ngay đức Thế Tôn xô xuống. Thấy có em mình là A-nan theo bên Phật, Đề-bà cũng chẳng kể tình ruột thịt, xô tiếp luôn tảng đá. Bên dưới đức Thế Tôn vẫn đứng yên, còn A-nan phải nhảy tránh ra xa. Tảng đá rớt bên chân Phật. Một lúc sau, A-nan mới hoàn hồn hỏi thăm Phật:
- Bạch Thế Tôn! Ngài không việc gì chứ? Chuyện này chắc lại do Đề-bà-đạt-đa gây ra. Con thật không giữ nổi bình tĩnh. Thế Tôn gặp cảnh nguy hiểm quá.
Phật an nhiên đáp:
- A-nan! Dùng bạo lực hoặc âm mưu để hại Phật, đều không thể được. Trước kia, Đề-bà-đạt-đa sai người giết lén ta, rồi thả voi say, bây giờ thì xô đá rớt đè. Nhưng ông đừng lo, người nào tạo nghiệp người ấy sẽ chịu hậu quả. Ta không thấy ta gặp nguy hiểm mà thấy ông bị một phen hoảng sợ, ông xem ông vừa làm gì đấy?
Đạo lực của A-nan làm sao sánh bằng Phật, Tôn giả hổ thẹn, cười và thưa:
- Con vừa mới hoảng kinh nhảy lên, đã bị Thế Tôn bắt gặp.
Phật cũng cười, vỗ nhẹ A-nan rồi hai thầy trò tiếp tục đi.
Cách đó không lâu, một hôm khác, A-nan theo Phật du hóa, trên đường đi bỗng gặp Đề-bà-đạt-đa dẫn nhiều người đi ngược chiều sắp đến. Đức Phật bèn vội tránh sang đường khác, đi một bên đường mòn. Tuy bản tánh ôn hòa, A-nan cũng không dằn được bực tức, bèn thưa:
- Bạch Thế Tôn! Sao Thế Tôn lại né tránh Đề-bà-đạt-đa? Ông ấy là đệ tử Phật, chẳng lẽ Ngài lại sợ ông ấy sao?
Phật biết tâm A-nan bất bình, bèn an ủi:
- A-nan-đà! Ta chẳng phải sợ gì ông ấy, nhưng ta không muốn gặp mặt. Cần gì phải tiếp xúc với người ngu? Như đánh nhằm chó điên ắt là bị cắn bậy. Với người đầy ác tâm như ông ấy, không gặp mặt, không phải là tốt hơn sao?
Thầy nhường lối đi cho trò, đó là chuyện xảy ra thông thường cho những hạng đệ tử như Đề-bà-đạt-đa.
A-nan nghe Phật dạy, tuy vẫn còn bực mình nhưng không nói thêm nữa.
Một lần khác, Đề-bà-đạt-đa đến quấy rối đạo tràng của đức Phật. Phật đang tịnh tọa trong thất, y bèn đứng ở giảng đường la lối:
- Các thầy! Ai tin theo ta thì đến đây!
Mặc cho y nói gì thì nói, các Tỳ-kheo chẳng thèm đếm xỉa đến. Đề-bà-đạt-đa quay sang A-nan:
- A-nan! Mi là em ta, mi dám không tin lời nói của ta hử?
Một bề ôn hòa nhã nhặn như A-nan mà lúc đó cũng chịu không được, đáp thẳng thừng:
- Hôm nay may cho anh lắm đó. Nếu có mặt hai tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên ở đây, chắc không để cho anh thao túng như vầy. Đức Thế Tôn đang tịnh tọa, xin anh đừng làm ồn. Anh hung ác quá đỗi, nghĩ đến lúc sau này anh gặp quả báo dữ, tôi thật buồn cho anh!
Đề-bà-đạt-đa nổi giận, muốn động thủ đánh A-nan, nhưng thấy A-nan chưa bao giờ nổi xung đến như vậy bèn không dám nhấc tay, chỉ làm thinh bỏ đi.
Ít lâu sau, ác báo của Đề-bà-đạt-đa xảy ra hiện tiền, phải chết một cách thê thảm. Trong lòng A-nan nghĩ đến một ông anh như Đề-bà-đạt-đa, thật là khó quên.
9- LỜI DỰ ĐOÁN CỦA PHẬT
A-nan làm thị giả Phật trong hai mươi bảy năm thật đắc lực. Mỗi khi có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni và các tín đồ tại gia đến tham bái Phật, Tôn giả đều sắp đặt thời gian thích hợp. Các Tỳ-kheo ở xa đến viếng Phật, khi chưa được gặp Phật, cũng rất thích nói chuyện với A-nan. Tất cả mọi người đều tin tưởng thân thiết nơi Tôn giả. Còn các Tỳ-kheo ni rất thích nghe Tôn giả giáo giới. Mỗi khi Tôn giả bảo:
- Các chị em! Nên tuân giữ giới luật cẩn thận!
Ai nấy đều hoan hỷ tiếp thọ.
Các tín đồ nam nữ tại gia cũng rất thích nghe A-nan thuyết pháp. Tôn giả thường dạy họ tôn kính Tam Bảo, giữ năm giới, phụng dưỡng song thân, cúng dường Tăng chúng. Họ thích A-nan giảng dạy mà không thích A-nan làm thinh. Tôn giả còn là người chưa khai ngộ, mà đã có đầy đủ những đức tốt như thế.
Theo hầu bên Phật đi hóa đạo khắp nơi, thấm thoát A-nan đã năm mươi tuổi.
Một hôm, Phật ở tại giảng đường nơi thành Xá-vệ của vua Ba-tư-nặc, A-nan đứng hầu, trên mặt lộ vẻ buồn lo. Phật hỏi A-nan vì sao ra như vậy. A-nan mới thưa rằng trong một đêm, Tôn giả nằm mộng thấy bảy việc kỳ lạ cổ quái khiến lòng hoang mang lo sợ. Phật liền hỏi:
- Ông nằm mộng thấy bảy việc gì?
- Bạch Thế Tôn! Giấc mộng thứ nhất, con thấy nước ở sông to, biển cả đều bị lửa đốt cháy, ánh lửa bốc lên thấu trời xanh.
Đức Phật nghe xong đổi sắc mặt, dường như cảm xúc và giải thích:
- Này A-nan! Bậc thánh vốn không nói chuyện mộng mị. Nhưng mộng của ông quả thật kỳ quái. Nước sông ngoài biển cả bị lửa thiêu trọn, đó là tượng trưng cho các Tỳ-kheo trong Tăng đoàn tương lai, ác nghịch mạnh, tâm lành ít ỏi, chấp giữ vào sự cúng dường rồi lại sanh ra gây gổ, như nước trong lặng mát mẻ lại biến thành biển lửa. Giấc mộng thứ hai của ông ra sao?
- Bạch Thế Tôn! Con thấy mặt trời sắp lặn, thế giới Ta-bà tối đen, trên bầu trời không có lấy một ngôi sao!
Đức Phật đã tám mươi tuổi, lúc ấy rất cảm khái giải thích:
- Này A-nan! Không bao lâu ta sẽ vào Niết-bàn, các đại đệ tử cũng Niết-bàn, điều ấy biểu thị bằng con mắt của nhơn thiên sắp tiêu diệt. Còn giấc mộng thứ ba?
- Bạch Thế Tôn! Con thấy các Tỳ-kheo không theo lời Phật dạy mà cũng đắp ca-sa, chúng xuất gia rớt dưới hầm, còn hàng tại gia thì đi trên cầu.
Phật thốt nhiên thở dài nói:
- A-nan! Điều ấy ám chỉ Tỳ-kheo đời sau mở đại hội giảng kinh chỉ nói ngoài miệng, không phụng hành, họ lại tật đố hại nhau, không sợ nhân quả, rốt cuộc bị đọa lạc. Hàng cư sĩ thừa cơ lên tòa cao, khinh chê Tăng bảo. Họ xâm chiếm chùa chiền, phỉ báng Tỳ-kheo, hủy hoại tháp miếu. Còn điềm mộng thứ tư?
- Bạch Thế Tôn! Con thấy Tỳ-kheo pháp y không đủ, bị mắc kẹt trong đám gai.
Phật lại cảm xúc nói:
- A-nan! Điều ấy nói rằng các Tỳ-kheo sau này bỏ pháp y không mặc, xả giới luật, ưa thế tục, nuôi nấng vợ con, đó thật là bất hạnh cho Phật pháp! Mộng thứ năm ra sao?
- Bạch Thế Tôn! Con thấy trong rừng rậm um tùm, có rất nhiều heo rừng đào bới gốc rễ các đại thọ chiên đàn.
Phật lộ vẻ lo buồn nói:
- Ôi! Điều đó nói các Tỳ-kheo sau này chỉ tính toán về sinh kế, buôn bán Như Lai, tụng kinh làm nghề nuôi thân. Còn mộng thứ sáu?
- Bạch Thế Tôn! Con thấy voi lớn bỏ rơi voi con, sư tử là chúa loài thú chết, hoa thơm rơi trên đầu, cầm thú kinh sợ bỏ chạy. Chẳng bao lâu trong thân sư tử sanh trùng bọ, trở lại cắn rỉa thịt sư tử.
Phật chỉ còn biết lắc đầu nói:
- Voi lớn bỏ voi con, đó là điềm báo hiệu các Tỳ-kheo trưởng lão đời sau tự lo lợi riêng, không nâng đỡ lớp thanh niên hậu bối! Trùng trong thân sư tử ăn thịt sư tử, đó là ám chỉ không phải ngoại đạo phá hoại Phật pháp, mà chính hàng đệ tử xuất gia, tại gia tự phá hoại pháp của ta. Còn giấc mộng thứ bảy của ông ra sao?
- Con thấy đầu con cao ngang đỉnh núi Tu-di.
Phật trầm ngâm hồi lâu mới nói:
- A-nan! Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn. Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Trời, người dân chúng đều nhờ ông kết tập kinh điển.
Bảy điềm mộng của A-nan, qua sự giải thích của Phật, đã dự đoán sự suy đồi của Phật giáo về sau, và sự đổi thay của thời đại.
“Như trùng trên thân sư tử, lại ăn thịt sư tử” đó là điều chê cười hàng đệ tử Tăng tục hiện nay. Chỉ thị ấy đối với chúng ta là một sự đau đớn khốc liệt thấu xương.
Chúng ta có thể phỏng đoán, vào những năm đức Phật về già, vì các điềm mộng của A-nan mà giải nói một cách cảm khái như vậy, tâm tình thật trầm trọng.
Hổ thẹn cho chúng ta sanh nhằm thời mạt pháp, phải làm thế nào để cho đức Thế Tôn hoan hỷ, để cho lời dự đoán kia không thành sự thật.
10- BÊN GIƯỜNG NIẾT BÀN HỎI DI GIÁO
Đức Thế Tôn thành đạo đã bốn mươi chín năm, đã đến lúc nhập Niết-bàn. Ngài tuyên bố sẽ nhập diệt ở nơi rừng Ta La Song Thọ, thành Câu-thi-na, cách Ca-tỳ-la khoảng ba mươi dặm.
Như mặt trời sắp lặn lóe lên tia sáng cuối cùng, trước khi Niết-bàn từ kim thân đức Thế Tôn phóng ra ánh hào quang đặc biệt khác thường. A-nan theo hầu bên Ngài nhận được sự chiêu cảm ấy, và do sức huân tu bên cạnh bậc đạo sư, đức huệ của Tôn giả ngày càng thành thục.
Đức Thế Tôn nằm kiết tường trên sàng tòa do A-nan trải sẵn, đầu quay về phương Bắc. Lúc ấy mặt trời đã chìm ở cõi Tây, bóng tối mông lung phủ đầy, cây Ta-la không phải kỳ trổ hoa mà vẫn nở, không cần gió đưa mà từng phiến hoa lác đác rơi quanh thân đức Bổn sư. A-nan quỳ bên gối Phật, nhẹ giọng thưa hỏi:
- Bạch Thế Tôn! Về sau đối với người nữ, chúng con phải có thái độ thế nào? Xin Thế Tôn nói lại một lần nữa cho con rõ.
- A-nan! Ngươi muốn xa lìa phiền não, đạt đến chứng ngộ không thể bận tâm vì nữ nhân. Nhất là ông, tuy bây giờ đã lớn tuổi rồi đó, nhưng ông không tiếp xúc với họ vẫn tốt hơn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc nên xem người già như mẹ, người lớn như chị, người nhỏ như em. Này A-nan! Ông phải nhớ kỹ lời ta đấy!
Đức Thế Tôn trả lời vấn đề ấy xong, lại dạy rõ về cách thức trà tỳ, xây tháp, mỗi mỗi dặn dò. A-nan vốn tình cảm yếu đuối, nghe những lời Phật dạy, nghĩ đến đây là lời dạy bảo sau cùng của đấng Đạo sư, mủi lòng rơi lệ. Tôn giả không dám quỳ bên Phật, vội lùi ra sau rừng cây khóc lóc một phen.
A-nan nghĩ đến lúc Thế Tôn vào Niết-bàn, các đại đệ tử khác đều đã khai ngộ, chỉ còn ta, sau này sẽ nương vào ai để đạt đạo đây? Nghĩ đến từ nay về sau không còn ân sư để hầu hạ, Tôn giả lại càng buồn đứt ruột.
Đức Phật không thấy A-nan bên cạnh, bèn sai người ra kêu Tôn giả vào. Ngài lại dạy tiếp:
- A-nan! Ông không nên buồn rầu! Có hội họp phải có biệt ly, có hưng thạnh thì có lúc suy diệt, ta chẳng từng nói với ông đó ư? Thế gian là vô thường, có sanh ắt có tử, cỗ xe đã hư nát rồi mà còn tìm cách sửa chữa lại để xài, đó không phải kế lâu dài. Sắc thân hữu vi phải bại hoại. Đứng về pháp tánh thì ta luôn luôn chiếu cố đến các ông. Ông theo làm thị giả ta rất lâu, ân cần nhẫn nại, ông đối với ta không hề thiếu sót, ta đem công đức ấy đền đáp cho ông. Ông nên dụng tâm tinh tấn tu tập chẳng bao lâu sẽ đoạn dứt phiền não, chứng Thánh quả!
Đức Thế Tôn nói đến đó, A-nan lại cảm xúc khóc không ra tiếng. Đức Thế Tôn nhìn quanh đại chúng nói tiếp:
- Này các Tỳ-kheo! A-nan làm thị giả ta rất trung thành, theo bên ta bao nhiêu năm một mực ôn hòa tử tế, nghe kinh pháp không quên sót, tương lai sau này công đức của ông ấy sẽ rạng rỡ trên thế gian.
A-nan tay bưng mặt, lại đi ra chỗ khác. Lúc ấy nhằm trăng tròn tháng hai, ánh trăng trong vắt trải khắp rừng Ta-la. Tâm tưởng của đức Thế Tôn tịch nhiên cao vọi thấu suốt hết tất cả hội chúng. Nét mặt mọi người đều hiện ra vẻ trang nghiêm vô cùng và lúc đó ai cũng khóc lóc bi thương, dù rằng bậc Thánh đi nữa cũng không ra khỏi tình người!
Đại chúng cứ khóc hoài chẳng nín, chẳng biết nước mắt dùng làm gì trong lúc này? Đúng hơn là phải đưa vấn đề làm sao để cho Phật pháp tồn tại lâu dài ra thưa hỏi Thế Tôn. Mọi người thương lượng với nhau, rồi lại tìm A-nan, cử Tôn giả đến hỏi Phật mấy vấn đề:
+ Thứ nhất, Thế Tôn Niết-bàn rồi lấy ai làm thầy?
+ Thứ hai, sau khi Phật Niết-bàn, an trụ như thế nào?
+ Thứ ba, làm sao hàng phục kẻ ác?
+ Thứ tư, khi kết tập kinh điển làm sao mọi người có thể tin?
Đức Thế Tôn an nhiên như thường lệ, từ bi vui vẻ trả lời:
- Này A-nan! Các ông nên nhớ kỹ, các ông nên y theo giới luật làm thầy, an trụ trong tứ niệm xứ, gặp người hung ác mặc tẫn lánh đi, đầu kinh nên để “Tôi nghe như thế này…” khiến người tin được. Các ông nên làm đúng như pháp, pháp là nơi thường trụ của pháp thân ta.
Thế Tôn nói xong, mọi người nghe rồi lại cảm động, lại thương tâm!
Tiếng nói ấy uy nghiêm làm sao!
Thế Tôn vào Niết-bàn ngay khi ấy.
Đệ tử các nơi nghe tin đều tập hợïp kéo về. A-nan nghĩ đến lúc đức Thế Tôn còn tại thế, hàng nữ nhân ít có người được thấy Phật tham bái. Lúc này, Tôn giả bèn ưu tiên cho các Tỳ-kheo ni và các tín nữ đến đảnh lễ di hài Thế Tôn trước. Tôn giả luôn luôn thông cảm với người nữ.
11- THAM DỰ CUỘC ĐẠI HỘI KẾT TẬP
Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn rồi. A-nan như con thơ mất mẹ, dự lễ trà tỳ viên mãn, tôn giả một mình trở về tinh xá tưởng niệm ân sư. Trải qua mấy ngày mỏi mệt, thân thể đau đớn, Tôn giả bèn đóng cửa thất tịnh tọa, mỗi ngày chỉ uống một ít sữa, không ăn gì thêm, không nói một lời như thế suốt ba ngày.
Ba ngày sau Tôn giả lên đường về thành Vương Xá phương Nam, vì đã gần ngày kết tập kinh điển. Tuy A-nan chưa khai ngộ, nhưng Tôn giả có địa vị trọng yếu trong giáo pháp, Tôn giả không thể không vì pháp quên mình, và trước hết báo đền pháp thân huệ mạng cho đức Thế Tôn.
Trên đường đi, một phen ngang qua nước Tỳ-xá-ly, có thầy Tỳ-kheo vẫn thường theo bên Tôn giả từ trước đến nay, bỗng tản lạc đi đâu. Tôn giả về đến thành Vương Xá, bị Đại Ca-diếp quở trách một phen, cũng lặng thinh chịu tội.
Lúc Tôn giả về đến thôn Kim Cang, nước Tỳ-xá-ly, khoảng một tháng sau đức Thế Tôn Niết-bàn. A-nan là cao đệ thường trực bên cạnh Phật, nên những tín chúng ngưỡng mộ Thế Tôn, nghe tin tự nhiên kéo đến bên tôn giả. Mỗi ngày họ tụ tập ở tinh xá, yêu cầu A-nan thuyết pháp cả ngày lẫn đêm. A-nan không thể từ chối phải chìu ý mọi người, phương tiện khai thị cho họ.
Trong tinh xá, cũng có thầy Tỳ-kheo tên Bạt-xà-phất, vì tín chúng tụ tập, đi lại nói năng ồn ào, những tiếng động lao xao cứ lọt vào tai thầy khiến thầy không thể ngồi yên tham thiền. Thầy lại là một vị Tỳ-kheo đã chứng quả, do đó thầy lại thầm trách A-nan tự thân không chịu cầu khai ngộ, mà cứ thuyết pháp cho thiên hạ. Đến nỗi bực quá, thầy bèn làm thơ nói mát mẻ A-nan.
A-nan bị đả kích, không dám cãi gượng, Tôn giả biết thân mình là hàng hữu học chưa ngộ đạo. Kỳ hạn an cư ở Vương Xá đã đến gần kề, trách nhiệm đọc tụng kinh điển về ai, Tôn giả cũng có thể đoán được điều ấy. Trong lúc cực kỳ hệ trọng này mà phí công giảng thuyết đầu lưỡi, có lợi ích gì? Bẩm tánh A-nan vốn ôn hòa nhường nhịn, nên Tôn giả thôi thuyết pháp cho tín đồ, dự bị lên đường về Nam. Chẳng phải Tôn giả không biết trình độ tu chứng của mình, nhưng Tôn giả hay chìu theo ý mọi người. Phen này phần bị cư sĩ khích lệ thuyết pháp, phần thì chìu họ mà mắc lỗi, phần thì bị bạn đạo chê cười châm biếm, lời trách cứ của Bạt-xà-phất như mũi tên nhọn đâm ngay tim A-nan. Từ đó, Tôn giả phát nguyện đem tâm hướng ngoại quay trở về bên trong, mong sớm khai ngộ.
Khi A-nan về đến thành Vương Xá, vừa đúng một ngày nữa là đại hội kết tập bắt đầu. Lúc ấy, tôn giả Đại Ca-diếp được cử làm thủ tọa, tuyển chọn năm trăm vị Tỳ-kheo tham dự đại hội. Các vị ấy đều là bậc A-la-hán, cho nên không kể tên A-nan, vì A-nan chưa đạt được quả vị.
Đương nhiên là Đại Ca-diếp cũng thừa nhận sở trường của A-nan, bao nhiêu lời thuyết pháp của đức Thế Tôn, A-nan đều ghi nhớ chẳng sót, nhưng chỉ sợ một điều quan trọng là: Nếu như để cho một người chưa dứt hết phiền não như A-nan tham dự đại hội, thì đối với đức Phật đã nhập diệt và chúng sanh đời sau, chẳng biết sẽ có những lỗi lầm như thế nào?
A-nan tuy chưa khai ngộ nhưng lại được cảm tình của mọi người rất nhiều, ai ai cũng ủng hộ Tôn giả. Cho nên khi nghe mọi người đề cử A-nan. Đại Ca-diếp bèn nói:
- A-nan chưa chứng Thánh quả. Tôi cũng biết ông ấy là sư tử, nhưng hiện tại chỉ là sư tử ở trong bầy dã can thôi.
A-na-luật cũng đồng ý với nhận xét đó. Điều này thật là một sự bất ngờ cho A-nan. Vì A-na-luật cũng là anh em chú bác với A-nan. Nhưng A-nan có bản tính quật cường, càng bị nén xuống thấp thì càng vọt lên cao. Những lời đả kích là duyên tốt cho Tôn giả. A-nan chẳng hề nản lòng, và như hoa mai mùa đông, phải chịu một cơn gió tuyết lạnh lùng mới tỏa hương đặc biệt. Chiều hôm ấy, Tôn giả nỗ lực tu tập, trầm tư mặc tưởng, buông bỏ tận cùng, vào nửa đêm thì khai ngộ chứng quả. Ngày hôm sau, A-nan hiện đại thần thông, không đợi cửa động mở bèn bay vào đại hội.
Lúc ấy phong tư của Tôn giả như mặt trăng tỏ rạng vừa ra khỏi đám mây, như ánh thái dương chiếu trên những cánh hoa sen tươi đẹp. Các vị đại Tỳ-kheo đều kinh ngạc nhìn tôn giả biểu lộ sự tán thán. Dưới sự chỉ đạo của Đại Ca-diếp, và sự đề cử của toàn thể đại hội, tôn giả lên tòa sư tử, bắt đầu tụng:
“Tôi nghe như thế này, một thuở, Đức Phật ở tại nơi nọ…”. Tôn giả đem trí nhớ của mình tụng lại những thời thuyết pháp của đức Thế Tôn, lưu loát như nước chảy. Các đại Tỳ-kheo trong hội một lần nữa tiếp thọ lời dạy của Phật. Ai nấy đều cảm động, tôn giả Kiều-trần-như già nua xúc động đến nỗi xỉu tại tòa.
Những kinh điển đầu tiên như Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng nhứt A Hàm, và các kinh Thí Dụ, Pháp Cú đều được kết tập trong kỳ đại hội lần thứ nhất này, do chính tôn giả A-nan tụng lại.
12- NHẬP NIẾT BÀN
Sau khi Phật nhập Niết-bàn, trưởng lão Đại Ca-diếp kế thừa y bát, hai mươi năm sau, Tôn giả đã hơn một trăm tuổi, bèn vào núi Kê Túc nhập Niết-bàn. Sắp ra đi, Tôn giả đem gia nghiệp Phật pháp dặn dò trao lại A-nan, lúc ấy cũng gần tám mươi tuổi. Tôn giả kế thừa dòng pháp, cũng là điều tự nhiên như hoa đến kỳ kết quả, và đó cũng là niềm hy vọng của đức Thế Tôn.
Như thế, Phật pháp trong thời vua A-Xà-Thế ủng hộ đã mở mang bình thường. Từ lúc Đại Ca-diếp nhập diệt về sau hàng đệ tử thân cận đức Thế Tôn chỉ còn lại A-nan, lãnh đạo giáo đoàn cũng là A-nan, tuổi tác mỗi năm mỗi cao. Đến năm Tôn giả một trăm hai mươi tuổi, một hôm nọ trên đường đi, nghe một thầy Tỳ-kheo trẻ tụng bài kệ rằng:
Nếu người sống trăm tuổi
Không thấy thủy lão hạc
Chẳng bằng sống một ngày
Mà được thấy hạc ấy.
A-nan nghe qua, thấy bài kệ bị tụng sai lầm một cách tệ hại, thật là râu ông nọ cắm cằm bà kia, Tôn giả bèn lập tức cải chánh. Bài kệ phải tụng như thế này.
Nếu người sống trăm tuổi
Không hiểu pháp sanh diệt
Chẳng bằng sống một ngày
Mà được hiểu rõ ràng.
Thầy Tỳ-kheo kia nghe A-nan dạy xong, trở về thưa lại với sư phụ. Chẳng dè sư phụ của thầy nổi sùng nói rằng:
- Ông đừng nghe A-nan nói bậy. Năm nay A-nan đã già cả, lú lẫn rồi. Ta dạy ông không sai đâu.
Thầy Tỳ-kheo trẻ lại đem lời sư phụ nói lại với A-nan. Tôn giả định đi tìm ông ta để hỏi tại sao lại nói những lời ngu si như vậy? Nhưng suy nghĩ lại, con người đã thốt ra lời ấy có nói chưa chắc đã chịu nghe, nên thôi. Một vị trưởng lão ôn hòa như A-nan, thống lãnh giáo đoàn đương thời, nắm trong tay giáo quyền tối thượng, nhưng vẫn áp dụng lối xử sự nhún nhường.
Tuy vậy, một bậc trưởng lão thánh tăng đã một trăm hai mươi tuổi, đối với việc đời không còn chút lưu luyến, sau khi gặp chuyện trên lại càng chán ngán thế gian. Tôn giả nghĩ “Cái cõi đời này thật hết ý kiến. Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn chưa bao lâu mà có người hiểu sai Phật pháp như vậy, sau này trong giáo đoàn lại có những điều tà kiến sao cho xiết. Ta vì Phật tụng lại giáo pháp mà mọi người chấp chặt vào kiến chấp của họ, không chịu theo đúng pháp mà làm, ta còn ở lại nơi đây để làm gì?”
Nghĩ ngợi như vậy, Tôn giả tự nhiên nhớ đến đức Phật, rồi liên tưởng đến các vị đại đệ tử Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên… Tôn giả lại suy tư triền miên: “Ôi! Những vị ấy như chim bay theo gió, một lúc vào Niết-bàn. Trong bao nhiêu vị thánh bây giờ chỉ còn mình ta, như rừng cây bị đốn sạch, còn sót lại một cây cổ thụ không đủ che mưa đỡ gió. Cõi nhân gian này thật trống rỗng, ta cũng nhập Niết-bàn thôi!”
Suy nghĩ xong, Tôn giả bèn quyết định đem Phật pháp trao phó lại cho Thương-na-hòa-tu, ôm bát hướng về sông Hằng mà đi. Nhân vì lúc ấy vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà đang khai chiến với Tỳ-xá-ly. Tôn giả dự tính nếu nhập diệt ở nước Ma-kiệt-đà thì di thể không được chia cho nước Tỳ-xá-ly, như đến Tỳ-xá-ly nhập diệt, họ cũng không chia phần cho Ma-kiệt-đà. Nên Tôn giả bèn chọn sông Hằng là biên giới giữa hai nước, sẽ ở trên không trung mà nhập Niết-bàn.
Vua A-Xà-Thế nghe tin A-nan sắp nhập Niết-bàn, cơ hồ muốn té xỉu. Nhà vua tức tốc mang binh mã đuổi theo, chạy đến bên bờ sông Hằng, thì tôn giả đã lên thuyền ra giữa sông. Nhà vua bèn quỳ mọp sát đất mà lớn tiếng kêu:
- Đức Phật tối thắng tự tại! Xin Ngài từ bi, Tôn giả đã ban an lành cho chúng con. Tôn giả là đèn sáng của ba cõi. Xin Ngài hãy quay trở lại a!
Bờ sông bên kia, dân chúng Tỳ-xá-ly cũng tụ tập bên bờ, kêu réo như A-xà-thế. A-nan bèn ở trong thuyền nói lớn:
- Ta đã suy xét, chính vì sự oán hận của hai nước các ông, mới đặc biệt đến khoảng giữa sông Hằng mà nhập diệt, cầu mong cho các ông được hòa bình, thân thiện.
Tôn giả nói xong, bèn ngồi giữa hư không nhập Hỏa quang tam muội, tấn nhập Niết-bàn, khiến di thể rơi xuống hai bên, cho hai nước xây tháp cúng dường. Một tháp được xây ở giảng đường Đại Lâm phía Bắc nước Tỳ-xá-ly, một tháp xây ở cạnh tinh xá Trúc Lâm thành Vương Xá. Do nhân duyên nhập diệt của Tôn giả, hai nước bèn cởi mở oán thù, không gây chiến với nhau, cứu được muôn ngàn tài sản và mạng sống nhân dân. Sự hy sinh của Tôn giả thật cao quý lớn lao vô cùng.
Tôn giả A-nan nhập diệt rồi, công lao của Ngài đối với đức Phật, sự cống hiến đối với Phật pháp, tư cách ôn hòa từ mẫn, khiêm tốn nhân nhượng của một bậc thánh, mỗi độ gió xuân về, lại khiến mọi người hoài niệm.