Thiền Sư NHƯ NHÃN TỪ PHONG
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 31 Tháng mười 2008 08:59
- Viết bởi nguyen
(1864 - 1938)-(Đời thứ 39, tông Lâm Tế)
Thiền sư Từ Phong, húy Như Nhãn, tên là Nguyễn Văn Tường, sanh năm Giáp Tý (1864), niên hiệu Tự Đức thứ 18, tại thôn Đức Hòa thượng (sông Tra), tổng Dương Hòa thượng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (quận Đức Hòa, tỉnh Long An sau này).
Cha mẹ là nông dân, năm Canh Thìn (1880), cha mẹ định lo cưới vợ cho, nhưng Nguyễn Văn Tường bỏ nhà lên chùa Thiền Lâm tại làng Hiệp Ninh quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh qui y thọ giáo với Thiền sư Minh Đạt. Sau khi tu học ở đây một thời gian, Nguyễn Văn Tường xuống chùa Giác Viên (làng Bình Thới, Gia Định) xin thọ giáo với Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân, được ban pháp danh là Từ Phong, húy Như Nhãn; lúc đó sư Từ Phong cũng đã thông hiểu kinh pháp nên được Thiền sư Hoằng Ân cử làm thơ ký ở chùa Giác Viên.
Năm 1887, bà Trần Thị Liễu, quê ở làng Tân Hòa Đông (Phú Lâm), xây dựng xong một ngôi chùa; bà đến xin Thiền sư Hoằng Ân cử Sư về chùa mới này để lo hoằng dương Phật pháp. Thiền sư Hoằng Ân đặt tên chùa là Giác Hải và cử sư Như Nhãn Từ Phong về trụ trì chùa này.
Năm Kỷ Dậu (1909), chùa Long Quang ở Châu Thành Vĩnh Long khai trường Hương, thỉnh Thiền sư Từ Phong làm Pháp sư.
Năm Kỷ Mùi (1919), Thiền sư Chánh Hậu (thường được gọi là Hòa thượng Tồn) ở chùa Vĩnh Tràng (chợ cũ-Mỹ Tho) khai trường Hương, Thiền sư Từ Phong được thỉnh làm Pháp sư.
Cũng trong năm đó, bà Trần Thị Thọ cũng muốn khai trường Hương tại chùa Bửu Long của bà ở thôn Trung Tín, tổng Bình Trung huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Thiền sư Chánh Hậu phải nhờ Thiền sư Từ Phong và sư Trụ trì chùa Long Quang (Vĩnh Long) xin bà Thọ dời lại năm sau. Vì vậy, năm Canh Thân (1920) chùa Bửu Long ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) khai trường Hương, Thiền sư Từ Phong cũng được thỉnh làm Pháp sư.
Trong khoảng thời gian 1920-1925, Thiền sư Từ Phong xây dựng một chùa mới ở Gò Kén, thôn Thái Hiệp Thạnh, gần tỉnh lỵ Tây Ninh, đặt tên là chùa Thiền Lâm, để nhớ lại chùa Thiền Lâm xưa của Thiền sư Minh Đạt ở châu thành Tây Ninh (chùa này nhỏ hẹp, không có đất trống nên không thể xây cất lớn hơn được).
Năm 1926, đạo Cao Đài ở Tây Ninh mới thành lập, chưa có trụ sở chánh thức, đã phải mượn Thiền sư Từ Phong chùa Thiền Lâm để thiết Đàn, cầu cơ bút. Sau đó, đạo Cao Đài mới xây dựng Thánh thất ở Long Hoa (Tây Ninh).
Nhờ ảnh hưởng của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa sau Cách mạng Tân Hợi (1911), ở Việt Nam cũng dấy lên phong trào Chấn hưng Phật giáo.
Trong thời gian 1911-1930 phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ phát triển nhờ hoạt động tích cực của chư thiền đức nổi danh thời đó như Hòa thượng Khánh Hòa Như Trí (chùa Tuyên Linh quận Mỏ Cày, Bến Tre), Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân (chùa Giác Lâm), Hòa thượng Chân Thanh Từ Văn (chùa Hội Khánh-Thủ Dầu Một); Thiền sư Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn-Sài Gòn), Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên-Phú Lâm), Thiền sư Như Nhãn Từ Phong (chùa Giác Hải)... Thiền sư Từ Phong tuy học vấn không nổi tiếng uyên bác, nhưng tác phong đạo đức cao, có óc canh tân và nhiệt tâm xiển dương chánh pháp, cố hết sức lo chỉnh lý lại tăng đồ và cải cách sinh hoạt Phật giáo để trừ các tệ đoan trong Phật giáo Việt Nam (nhất là ở Nam Kỳ).
Năm 1920, Hòa thượng Từ Phong hợp cùng Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh) vận động thành lập “Hội Lục Hòa” hay “Lục Hòa Liên Hiệp” để đoàn kết chư tăng trong những ngày giỗ Tổ ở các chùa và phát động phong trào Chấn hưng Phật giáo Nam Kỳ. [Hội Lục Hòa này không phải là “Lục Hòa Tăng” được thành lập vào năm 1952 sau này]
Trong thời gian 1920-1930, các chùa lớn thường mở trường Hương hoặc mở các lớp giảng dạy kinh, luật...Hòa thượng Khánh Hòa và Hòa thượng Từ Phong thường được thỉnh làm Pháp sư. Hòa thượng Từ Phong và Hòa thượng Khánh Hòa có công trong việc phát triển Phật giáo ở Nam Kỳ.
- Năm 1931 “Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học” đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn (149 đường Cô Giang Sài Gòn). Hội ra tạp chí “Từ Bi Âm” (năm 1932) để truyền bá giáo lý, thỉnh Tam tạng kinh từ Trung Hoa về tàng trữ ở Pháp Bảo Đường ở chùa Linh Sơn.
- Năm 1933, “Liên Đoàn Học Xã” được thành lập ở Nam Kỳ để đào tạo tăng tài và hoằng dương Phật pháp. Các chùa luân phiên mở Phật học đường ba tháng, mỗi chùa phải lo nuôi ăn ở cho tăng sinh ba tháng và lo thỉnh Pháp sư giảng dạy. Nhưng Liên Đoàn Học Xã chỉ hoạt động một thời gian ngắn thì gặp nhiều khó khăn, phải tan rã.
- Năm 1934, “Hội Lưỡng Xuyên Phật Học” được thành lập. Hội này mở “Phật Học Đường Lưỡng Xuyên” ở Trà Vinh để đào tạo Tăng Ni (năm 1935, trường ni dời về chùa Vĩnh Bửu ở Thôm-Bến Tre). Phật Học Đường Lưỡng Xuyên đào tạo được một số tăng sĩ nổi danh sau này như Chư Hòa thượng: Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Hành Trụ, Quảng Liên... Hội này xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật Học để làm cơ quan hoằng pháp.
Hòa thượng Huệ Quang (chùa Long Hòa,Trà Vinh) làm chánh Tổng lý, Hòa thượng An Lạc (chùa Vĩnh Tràng-Mỹ Tho) làm chánh Hội trưởng, Hòa thượng Khánh Anh làm Pháp sư và Hòa thượng Từ Phong giữ chức Đại đạo sư.
Năm Mậu Dần (1938), Hòa thượng Như Nhãn Từ Phong viên tịch tại chùa Thiền Lâm (Tây Ninh), thọ 74 tuổi. Đồ chúng lập tháp thờ tại chùa Thiền Lâm và Giác Hải.