headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

2- NGƯỜI ĐỌC ĐƯỢC TÂM

Khó nắm giữ, khinh động…

Đức Phật dạy câu này khi ở Xá-vệ, liên quan đến một Tỳ-kheo.

Trong xứ của vua Ba-tư-nặc, dưới chân một ngọn núi, có một làng an cư lạc nghiệp tên Mātika. Sau khi nhận đề tài thiền quán từ Phật, một hôm sáu mươi Tỳ-kheo đến làng khất thực.

Mẹ của thôn trưởng Mātika trông thấy liền mời các Tỳ-kheo ngồi, dâng cúng cháo đặc nấu thật ngon với gia vị chọn lọc, và hỏi thăm. Biết các Tỳ-kheo tìm một chỗ thích hợp để an cư trong mùa mưa, bà gieo mình xuống chân họ thưa thỉnh:

- Xin chư Tỳ-kheo ở đây an cư trong ba tháng hạ, tôi sẽ tuân giữ Tam quy và Ngũ giới, và sẽ làm tròn bổn phận ngày chay.

Các Tỳ-kheo chấp nhận. Với sự giúp đỡ của bà họ sẽ khỏi lo lắng về ăn uống, và có thể tu chứng giải thoát sanh tử.

Mẹ của Mātika xây cất tinh xá xong, rước các Tỳ-kheo đến ở. Họ nhắc nhở lẫn nhau:

- Chư huynh đệ! Chúng ta không nên sống phóng dật, vì trước mặt chúng ta là tám cửa địa ngục sừng sững luôn rộng mở như cửa nhà chúng ta. Chúng ta đã nhận đề tài thiền quán từ Thế Tôn và đã đến đây. Ân huệ của chư Phật không thể đến với người dối trá, dù hắn có bước theo dấu chân của các Ngài. Chỉ khi nào hành theo ý chư Phật dạy mới được ân huệ của các Ngài. Vì vậy chúng ta phải chú tâm tỉnh giác. Hai Tỳ-kheo không được đứng hay ngồi chung một chỗ. Chúng ta chỉ phải gặp nhau vào buổi chiều để hầu hạ Trưởng lão và sáng sớm trước khi đi khất thực. Những lúc khác, chúng ta không được tụ tập hai người. Nếu có Tỳ-kheo mắc bệnh, hãy đưa ông ta đến trước sân tinh xá và đánh chuông, lúc đó chúng ta sẽ tụ đến lo chữa trị.

Tất cả đều đồng ý.

Một buổi chiều, bà mẹ của Mātika mang bơ, mật mía và những thức ăn khác cùng đám người hầu đến tinh xá. Không thấy bóng dáng các Tỳ-kheo, bà ngạc nhiên hỏi thăm và được biết các Tỳ-kheo đã quy định với nhau như thế, và bà được khuyên hãy đánh chuông nếu muốn gặp họ. Khi tiếng chuông vang lên, tưởng rằng có người bị bệnh, các Tỳ-kheo từ chỗ riêng của mình đến họp trước sân tinh xá, không có hai Tỳ-kheo đến cùng một đường. Bà cư sĩ thấy vậy lại đoán là họ cãi nhau, nên đảnh lễ Tăng chúng xong bà liền hỏi thăm:
- Các Ngài đã cãi nhau phải không, chư Tôn giả?

- Không đâu, cư sĩ.

- Thế tại sao khi đến nhà chúng tôi, các Ngài đi chung mà bây giờ mỗi người từ chỗ riêng của mình đến từng người một?

- Cư sĩ! Chúng tôi đang hành thiền ở thất riêng.

- Hành thiền? Là sao, chư Tôn giả?

- Chúng tôi tu tập ba mươi hai yếu tố của thân, từ đó nhận thức rõ ràng sự hoại diệt nằm trong thân.

- Chư Tôn giả, chỉ có các Ngài mới được phép tu tập, còn chúng tôi có được phép không ?

- Pháp tu này không cấm cản ai, cư sĩ ạ!

- Vậy xin chư Tôn giả giảng dạy cho tôi.

- Tốt lắm!

Học xong bà bắt đầu ngay tu tập về ba mươi hai yếu tố của thân. Kết quả là, trước cả các Tỳ-kheo, bà chứng quả A-na-hàm đạt Tứ thông và những thần thông khác cao hơn.

Từ niềm an lạc của đạo quả, vì muốn biết lúc nào những đứa con trai của mình (bà quý trọng các Tỳ-kheo và xem họ như con) chứng đạo, bà dùng Thiên nhãn xem xét và thấy rằng họ vẫn còn bị trói buộc trong tham sân si, tuy có hành thiền vẫn chưa đạt Minh sát tuệ. Bà thắc mắc không biết họ có đủ khả năng chứng A-la-hán không và thấy rằng họ có. Chỗ ở thích hợp hay không? Thích hợp. Bạn đồng tu có xứng đáng hay không? Có. Thức ăn đủ hay không? Không đủ.

Từ đó bà cung cấp cho những Tỳ-kheo nhiều loại cháo đặc với tất cả thức ăn cứng và mềm, nêm nếm bằng nhiều gia vị chọn lọc. Các Tỳ-kheo thọ nhận thức ăn tốt lành, tâm trở nên yên tĩnh, và do tĩnh tâm họ khai mở Minh sát tuệ, chứng A-la-hán cùng những thần thông.

Hết thời gian an cư, hành lễ Tự Tứ xong, các Tỳ-kheo từ giã bà Mātika về thăm Thế Tôn. Bà đưa tiễn một đoạn đường và thỉnh cầu họ mùa an cư năm sau trở lại.

Đến Xá-vệ, các Tỳ-kheo đảnh lễ Thế Tôn và kính cẩn ngồi một bên. Phật hỏi thăm:

- Các Tỳ-kheo! Trông các ông có vẻ khỏe mạnh, được bồi dưỡng đầy đủ, không lo lắng về ăn uống.

Các Tỳ-kheo thưa:
- Chúng con được khỏe, bạch Thế Tôn, được bồi dưỡng đầy đủ và khỏi bận tâm về ăn uống là nhờ mẹ của Mātika biết được tâm ý của chúng con. Bà ta nấu đúng món ăn chúng con nghĩ đến.

Một Tỳ-kheo nghe huynh đệ mình ca ngợi những đức tính của bà cư sĩ thí chủ, muốn đến nơi đó. Ông nhận đề tài thiền quán từ Thế Tôn và xin đi. Rời Kỳ Viên, ông đến làng Mātika. Bước vào tinh xá, ông khởi nghĩ bà cư sĩ này biết được tâm người khác chắc sẽ hiểu rằng ta đi đường mệt mỏi không thể quét dọn được, và chắc chắn bà sẽ cho người tạp dịch. Quả nhiên bà cho người đến. Và cứ như thế Tỳ-kheo này nghĩ đến nước uống thì có nước uống, nghĩ đến cháo đặc với nhiều bơ cùng thức ăn ngon liền có ngay, muốn có thức ăn cứng cũng có, thậm chí muốn gặp bà cư sĩ cùng thức ăn mềm nêm nếm với gia vị chọn lọc thì bà đích thân mang tới ngay. Khi ăn xong, Tỳ-kheo hỏi bà:
- Cư sĩ, bà là mẹ của Mātika ?

- Phải con ạ.

- Bà biết được tâm ý người khác phải không?

- Tại sao con hỏi ta như thế?

- Vì bà đã mang đến cho tôi mọi thứ tôi mong muốn.

- Có nhiều Tỳ-kheo biết được tâm ý người khác con ạ.

- Tôi không hỏi người khác, tôi hỏi bà.

Bà Mātika tránh không xác nhận là mình đọc được tư tưởng người khác, thay vào đó bà bảo:

- Những ai không biết tư tưởng người khác mới làm vậy, con ạ.

Vị Tỳ-kheo cảm thấy bối rối. Ông nghĩ: “Người chưa chứng quả đều có những ý tưởng thầm kín có thể cao quý hoặc ti tiện. Nếu ta khởi nghĩ một tư tưởng tội lỗi nào, chắc chắn bà ta như đi guốc trong bụng ta, sẽ nắm chóp ta ngay, tóm gọn cả bao lẫn bị như chộp bắt một tên trộm, ôi thôi tai hại! Ba mươi sáu kế chỉ có chuồn đi là tốt nhất.”

Ông liền từ giã bà cư sĩ trở về Thế Tôn, và kể lại tự sự. Thế Tôn khuyên:

- Tỳ-kheo, chỉ nơi ấy mới là chỗ ông cần phải ở lại.

- Con không thể, bạch Thế Tôn! Con không muốn ở lại đó nữa.

- Vậy Tỳ-kheo! Ông có canh chừng được một việc duy nhất hay không?

- Nghĩa là gì, bạch Thế Tôn?

- Chỉ canh chừng tâm của ông. Tâm ý rất khó kiểm soát. Đừng nghĩ thêm việc gì khác, hãy chế ngự tâm mình vì tâm thường chao động.

Và Ngài nói Pháp Cú:

(35) Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dục quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm,
Tâm điều, an lạc đến.

Rồi Thế Tôn dạy Tỳ-kheo hãy tiếp tục trở lại chỗ cũ, và không nên lo nghĩ gì khác ngoài việc canh chừng tâm ý của mình. Bà cư sĩ biết trước Tỳ-kheo sắp trở lại, nên chuẩn bị sẵn thức ăn ngon dâng cúng, và chỉ trong vài ngày ông chứng quả A-la-hán. Nếm được pháp lạc của đạo quả và một lòng biết ơn bà cư sĩ, ông muốn biết xem trong quá khứ bà có từng giúp đỡ mình hay không. Ông nhớ lại được chín mươi chín kiếp trước và thấy bà đã từng là vợ ông, nhưng lại dành tình cảm cho người đàn ông khác, và bà đã khiến ông phải mất mạng. Thật độc ác làm sao!

Bà cư sĩ ngồi tại nhà quan sát thấy Tỳ-kheo đã đạt đến cứu cánh đạo quả, và cũng biết là ông đã nhớ lại chín mươi chín kiếp trước và đã biết tâm độc ác của bà trong quá khứ. Bà bèn nhớ tới kiếp thứ một trăm bà cũng là vợ ông, và trong hoàn cảnh phải giết chồng, bà đã tha mạng ông. Bà liền bảo vị Tỳ-kheo hãy nhớ đến tiền kiếp xa hơn và quán sát sự việc. Nhờ thiên nhĩ thông, vị Tỳ-kheo nghe được lời bà và làm theo. Ông nhận ra quả bà cư sĩ đã giúp đỡ ông nhiều. Ông giải đáp cho bà cư sĩ những vấn đề liên quan đến A-la-hán quả. Sau đó, ông nhập Vô dư y

[ Quay lại ]