headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

10. ĐẾ THÍCH CÚNG DƯỜNG ĐẠI CA DIẾP

Ít giá trị hương này…

Thế Tôn dạy câu trên khi ngụ tại Veḷuvana, liên quan đến sự cúng dường Trưởng lão Đại Ca-diếp. Một hôm Trưởng lão Đại Ca-diếp xuất định sau bảy ngày nhập Diệt tận định, đi ra ngoài với ý định khất thực tuần tự nhà này qua nhà khác trong thành Vương-xá. Lúc đó năm trăm thiên nữ gót son, vợ của vua trời Đế Thích vừa thức dậy và chuẩn bị năm trăm phần cúng dường hết cả cho Trưởng lão. Phẩm vật trên tay, họ chặn Trưởng lão giữa đường, xin:

- Thưa Tôn giả, xin Ngài nhận cúng dường cho chúng con ân triêm công đức.
Trưởng lão:
- Tất cả chư vị hãy đi đi! Tôi định ban ân huệ cho người nghèo.
- Bạch Tôn giả, xin đừng hại chúng con, hãy ban phước cho chúng con!
Nhưng Trưởng lão biết họ nên vẫn từ chối, và khi thấy họ không chịu đi mà còn muốn tiếp tục cầu xin nữa, Ngài bảo:
- Các ngươi không biết chỗ của mình. Hãy đi đi!
Rồi Ngài búng tay vào họ.
Nghe Trưởng lão búng tay, các thiên nữ mất bình tĩnh không dám ở lại, phải bay về cõi trời. Họ kể lại tự sự cho Đế Thích nghe. Ông hỏi:
- Các ngươi đi trong hình dạng ra sao?
- Dạ, như thế này, tâu bệ hạ.
Đế Thích bảo:
- Như kiểu này, các ngươi làm sao cúng dường Trưởng lão được!
Chính Đế Thích cũng muốn cúng dường Trưởng lão. Ông biến thành một người thợ dệt già lụm khụm, răng long, tóc bạc, lưng còng, thân thể tiền tụy. Ông biến thiên nữ Thiện Sanh thành một bà già. Rồi ông dùng thần lực tạo một ngõ hẻm thợ dệt, và ngồi quay sợi. Lúc ấy, Trưởng lão đang đi vào thành, vẫn tâm niệm dành phước cho người nghèo. Thấy con hẻm ở ngoại thành, Ngài nhìn quanh rồi chú ý đến hai ông bà già. Ông già Đế Thích đang kéo chỉ và Thiện Sanh quấn chỉ vào thoi. Trưởng lão nghĩ rằng già cả lụm cụm thế đó mà phải làm việc tay chân thì chắc không ai trong thành này nghèo hơn họ, chỉ cần một vá cơm sớt cho Ngài là Ngài có thể ban phước cho họ. Do đó Trưởng lão tiến đến.
Thấy bóng Trưởng lão, Đế Thích dặn Thiện Sanh làm như không trông thấy, cứ ngồi đó im lặng, rồi sẽ nói gạt để cúng dường ông. Trưởng lão dừng trước cửa nhà, họ giả vờ không thấy, cứ tiếp tục làm việc. Một lát, Đế Thích bỗng ngẩng lên bảo vợ:
- Hình như có Trưởng lão đang đứng trước cửa. Bà ra xem!
Thiện Sanh không chịu, bảo ông ra. Gặp Trưởng lão, ông năm vóc gieo xuống lạy khóc, và hỏi Trưởng lão tên gì vì mắt ông kèm nhèm trông không rõ. Xong lấy tay che trán, ông nhìn chăm chú và làm như ngạc nhiên, la lên:
- Chao ôi! Chao ôi! Trưởng lão Đại Ca-diếp! Lâu ngày quá xá Ngài mới đến lều rách của chúng tôi. Bà nó ơi, còn gì trong nhà không?
Thiện Sanh tỏ vẻ như đang bối rối, nhưng cũng vội đáp:
- À, à. Vâng, cũng có đấy, ông à!
Đế Thích đỡ lấy bát của Trưởng lão thưa:
- Bạch Tôn giả, xin đừng để ý đến thức ăn ngon hay dở, mà cho chúng con được ân phước.
Trưởng lão đưa bát thầm nghĩ, dù họ cho ta một cọng rau hay một nắm cám vụn, ta vẫn nhận và ban phước cho họ. Đế Thích vào nhà sớt cơm đầy bát và mang ra đặt vào tay Ngài.
Lập tức, phần cúng dường đó, được gia đủ loại nước sốt và cà ri, tỏa mùi thơm ngát cả thành Vương-xá. Trưởng lão thắc mắc sao trông ông lão này yếu đuối thiếu thốn mà thức ăn lại dồi dào như của Đế Thích. Nhìn ra quả là trời Đế Thích, Ngài bảo:
- Ông đã làm một việc sai lầm nghiêm trọng khi cướp đoạt của người nghèo cơ hội tạo công đức. Vì bố thí cho ta hôm nay, bất cứ người nghèo nào cũng sẽ được địa vị tổng tư lệnh hay chưởng khố.
Đế Thích hỏi:
- Bạch Tôn giả, có người nào nghèo hơn con chăng?
- Sao ông lại nghèo, khi đang hưởng phú quí trên cung trời?
- Bạch Tôn giả, lý do như sau. Trước khi Phật xuất hiện ở thế gian, con đã tạo nhiều công đức. Khi Phật xuất hiện ở thế gian, có ba vị trời cùng đẳng cấp với con, vì tạo nhiều công đức nên được nhiều oai lực hơn con. Khi có mặt con đó, ba vị cần mở hội vui chơi là họ cứ đem các tỳ nữ xuống đường, còn con thì phải quay gót vào nhà. Oai lực của họ sáng mạnh hơn con. Vậy, bạch Tôn giả, ai nghèo hơn con?
- Nếu đúng như thế thì từ đây đừng đánh lừa ta để cúng dường nữa.
- Con có được công đức hay không nếu lừa dối để cúng dường?
- Có, đạo hữu ạ.
- Nếu đúng thế, bạch Tôn giả, con có bổn phận phải tạo nhiều công đức.
Nói xong Đế Thích chào Trưởng lão, đi nhiễu quanh Trưởng lão với Thiện Sanh theo sau, rồi họ bay lên không, nói lên câu kệ:
Ôi cúng dường, cúng dường Ba-la-mật,
Đã khéo dâng ngài Ca-diếp được rồi!
Trong kinh Udāna cũng có kể câu chuyện tương tự.
Đến đoạn Đế Thích bay lên không và ngâm câu kệ, trong Udāna ghi tiếp:
“Thế Tôn đứng trong tinh xá, nghe tiếng Đế Thích liền bảo đệ tử:
- Các Tỳ-kheo, hãy xem vua trời Đế Thích. Ông ta vừa ngâm câu kệ, và đang bay trong hư không.
- Bạch Thế Tôn, ông ấy đã làm chi?
- Ông ta đã đánh lừa được Ca-diếp con ta để cúng dường. Xong việc rồi nên ông ta đang bay trên trời và ngâm nga một bài kệ.
- Bạch Thế Tôn, sao ông ấy biết nên cúng dường Trưởng lão?
- Các Tỳ-kheo, cả trời và người đều mến người bố thí như con ta.
Nói xong, chính Thế Tôn cũng ngâm câu kệ ấy.”
Ngoài ra, đoạn văn sau cũng được ghi trong kinh:
Với thiên nhãn thanh tịnh siêu vượt loài người, Thế Tôn nghe vua trời Đế Thích, trong khi bay trên không, đã ba lần ngâm câu kệ này trên trời:

                    Ôi cúng dường, cúng dường Ba-la-mật,
                    Đã khéo dâng ngài Ca-diếp được rồi!

Khi ấy, Thế Tôn thấy thế liền nói kệ:

                Tỳ-kheo sống bằng khất thực       
                Tự mình nương tựa chính mình
                Tịch lặng, chú tâm, hằng giác
                Chư thiên tôn kính hoan nghinh.

Nói kệ xong, Thế Tôn dạy:
- Các Tỳ-kheo, vua trời Đế Thích qua hương đức hạnh đã đến với con ta để cúng dường.
Và Ngài nói Pháp Cú:

                (56)  Ít giá trị hương này,
                        Hương già-la, chiên-đàn,
                        Chỉ hương người đức hạnh,
                        Tối thượng tỏa thiên giới.
 

[ Quay lại ]