6. VỮNG VÀNG NHƯ ĐÁ TẢNG - YÊN LẶNG SAU CƠN BÃO
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 26 Tháng tư 2010 13:59
Như đá tảng kiên cố…
Tại Kỳ Viên, Thế Tôn đã dạy như thế, liên quan đến Trưởng lão Lakuntaka Bhaddiya.
Các Sa-di và những người khác chưa biết Trưởng lão nên thường kéo tóc, nắm tai, bẹo mũi, hỏi đố:
- Chú ơi! Chú không mỏi mệt vì đạo à? Đạo làm chú vui thích không?
Trưởng lão không bực bội, cũng không mích lòng. Các Tỳ-kheo thấy vậy xì xào với nhau, Thế Tôn nghe được liền bảo:
- Đúng thế các Tỳ-kheo! Người trừ hết lậu hoặc, không giận dữ hay bực bội, nhưng bình thản, không lay động như tảng đá kiên cố.
Và đọc Pháp Cú:
(81) Như đá tảng kiên cố,
Không gió nào lay động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không giao động.
-----------------------------------------------------------------------------------------------
YÊN LẶNG SAU CƠN BÃO
Như hồ nước sâu thẳm…
Thế Tôn đã dạy như thế tại Kỳ Viên, liên quan đến mẹ của Kāṇā.
Mẹ của Kāṇā, một tín nữ đã chứng quả Dự lưu, gả con gái cho một người ở làng khác. Kāṇā có dịp về thăm mẹ được ít ngày thì chồng cô nhắn về. Cô chào mẹ, được mẹ cầm lại, bảo rằng:
- Con đã ở đây lâu, sao lại về tay không?
Rồi bà làm bánh, ý cho cô có ít quà cáp đối với nhà chồng. Lúc đó có một Tỳ-kheo đến khất thực. Bà mời ngồi và cúng dường đầy bát. Vị ấy ra đi kể lại cho người khác nghe. Rồi người thứ hai, thứ ba, thứ tư đến khất thực, cả bốn người đều được cúng dường bánh, nên hết bánh. Kāṇā phải ở lại. Chồng cô nhắn hai, ba lần, và cũng vì lý do đó cô không về được. Chồng cô không chờ nữa, lấy vợ khác. Nghe tin, Kāṇā cho rằng các Tỳ-kheo đã hại hạnh phúc của cô, do đó cô chửi bới, nhục mạ mọi Tỳ-kheo cô thấy. Các Tỳ-kheo không dám đi qua nhà cô nữa. Thế Tôn biết chuyện liền đến đó. Bà mẹ mời ngồi và cúng dường cháo và thức ăn cứng. Rồi Thế Tôn hỏi thăm Kāṇā , bảo gọi đến và hỏi:
- Kāṇā, tại sao thấy ta con lại phiền não và khóc lóc?
Bà mẹ kể cho Thế Tôn biết việc nàng đã làm. Phật quay về phía cô, hỏi tiếp:
- Kāṇā, ta nghe rằng đệ tử ta tới nhà con khất thực và mẹ con cho họ bánh, vậy họ có lỗi gì?
Cô sụt sùi đáp:
- Các Tỳ-kheo ấy không có lỗi, bạch Thế Tôn, chỉ có con có lỗi.
Rồi cô đảnh lễ Thế Tôn xin được tha thứ. Phật thuyết pháp cho cô và cô chứng quả Dự lưu. Thế Tôn trở về tinh xá, vua trông thấy khi Ngài đi ngang qua hoàng cung, nên xin được đảnh lễ. Vua hỏi thăm về Kāṇā và sau đó hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn, Ngài có làm ngưng được sự nhiếc móc của cô ta đối với các Tỳ-kheo hay không?
Phật đáp:
- Được, Đại vương! Cô ta đã hết nhiếc móc, và đã làm chủ tài sản xuất thế gian.
- Bạch Thế Tôn, tốt lắm. Vậy con sẽ cho cô ta tài sản thế gian.
Đảnh lễ Thế Tôn xong, vua quay về cung, gởi cho cô một kiệu lớn, cho cô trang điểm lộng lẫy, nhận cô làm công chúa và thông báo kén phò mã. Một đại quý tộc cưới cô. Từ đó cô đặt người tại bốn cửa và cho phục vụ tất cả các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni. Cô còn muốn kiếm nhiều sa-môn hơn nữa để phục vụ cúng dường nhưng không có. Thực phẩm cúng dường thì dồi dào, cả cứng lẫn mềm, luôn luôn có sẵn tại nhà và tuôn ra cửa như một trận lụt lớn.
Các Tỳ-kheo lại bàn tán tại Pháp đường về cô. Thế Tôn đến, nghe họ kể lại, bèn đáp:
- Các Tỳ-kheo! Đây không phải lần đầu mà trong tiền kiếp bốn Trưởng lão ấy cũng đã làm phiền Kāṇā. Cũng không phải lần đầu ta thuyết phục cô ta mà trong tiền kiếp cũng đã như thế.
Các Tỳ-kheo xin Phật kể lại chuyện quá khứ, Thế Tôn bèn kể chuyện bổn sanh Babbu
Một con mèo tìm được,
Con thứ hai xuất hiện.
Con thứ ba, thứ tư,
Hang này chúng tìm đến.
Bốn con mèo lúc đó là bốn Tỳ-kheo. Con chuột là Kāṇā và người thợ châu báu là Thế Tôn. Và Ngài nói Pháp Cú:
(82) Như hồ nước sâu thẳm,
Trong sáng, không khuấy đục.
Cũng vậy nghe chánh pháp,
Người trí hưởng tịnh lạc.