headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẨM TỰ NGÃ : 2- MỘT TỲ KHEO THAM LAM

Trước hết tự đặt mình…

Tại Kỳ Viên, Thế Tôn đã dạy câu trên liên quan đến Trưởng lão Upananda, một hoàng tử dòng họ Thích-ca.

Trưởng lão vốn có biệt tài thuyết pháp.Nhưng lạ thay sau khi đã nghe giảng về thiểu dục, ông thản nhiên nhận hết y áo do các Tỳ-kheo khác, vì muốn giữ phạm hạnh, đã cúng cho mình, luôn cả vật dụng họ để lại. Kịp mùa mưa đến sát bên, ông đi về vùng quê. Dừng chân tại một tinh xá, ông thuyết pháp và rất được các Sa-di và tập sự xuất gia ưa chuộng. Họ thỉnh ông ở lại đây suốt mùa mưa.

Ông hỏi:

- Một Tỳ-kheo ở lại đây suốt mùa mưa sẽ thọ nhận gì?

Họ đáp:

- Một cái áo khoác ngoài.

Trưởng lão không ừ hử, để lại đôi giày và đi tiếp đến một tinh xá kế. Khi được mời ở lại, cũng câu hỏi cũ:

- Thọ nhận được gì?

Đáp:

- Hai áo khoác.

Trưởng lão để lại đó cây gậy.

Đến tinh xá thứ ba, hỏi:

- Thọ nhận được gì?

Đáp:

- Ba áo khoác.

Ngài để lại bình đựng nước.

Đến tinh xá thứ tư, hỏi:

- Được thọ nhận gì?

- Bốn áo khoác.

Ngài bèn đáp:

- Tốt lắm! Ta ngụ tại đây.

Rồi Ngài thuyết pháp cho các cư sĩ và Tỳ-kheo ở đó, hay đến nỗi họ dâng cúng cho Ngài vô số y áo. Hết hạn lưu trú, Ngài báo tin cho các tinh xá gửi cho Ngài các món đã bỏ lại. Và gom hết tài sản xong, Ngài chất lên một chiếc xe bò lên đường.

Bấy giờ ở một tinh xá nọ, có hai Tỳ-kheo vừa thọ nhận hai chiếc áo khoác và một cái mền. Cả hai không biết làm sao để chia cho đúng, nên dừng lại bên đường cãi vã:

- Huynh lấy áo đi! Còn cái mền của tôi.

Trưởng lão chợt đi ngang, họ liền chận lại:

- Bạch Trưởng lão, xin Ngài chia giùm cho đúng, và cho chúng tôi cái thích đáng.

Trưởng lão nghiêm mặt hỏi lại:

- Quý thầy có tôn trọng quyết định của tôi không?

- Dạ vâng.

- Tốt lắm.Vậy thì cái mền này chỉ dành cho người nào thuyết pháp đắp, còn hai thầy mỗi vị một cái áo.

Và trước vẻ mặt ngơ ngác của hai Tỳ-kheo kia, Trưởng lão vác chiếc mền đắt tiền lên vai đi mất.

Ghê tởm và thất vọng, họ đến thưa chuyện với Thế Tôn. Phật bảo không phải lần đầu tiên ông ta lấy đồ của các thầy và làm cho các thầy ghê tởûm thất vọng, ở kiếp trước ông ta cũng đã làm như thế.
Và Ngài kể:

Chuyện quá khứ
RÁI CÁ VÀ CHÓ RỪNG

Xa xưa, có hai rái cá là Anutīracārī và Gambhīracārī bắt được một con cá hồng to, nhưng khi chia chác thì lúng túng và lớn tiếng với nhau:

- Cái đầu cá của tôi, phần anh là đuôi cá.

Không thể chia đều và vừa ý cho cả hai, nên thấy bóng một con chó rừng, chúng gọi đến nhờ giải quyết:

- Này bác, bác hãy chia con cá này theo bác thấy đúng với lẽ phải, và bác sẽ được thưởng.

Chó rừng sửa bộ, ra vẻ trịnh trọng:

- Ta được vua chỉ định làm quan tòa. Ta đang phải ngồi tòa xử án hằng mấy giờ liền. Ta ra đây chỉ để giãn chân, bây giờ ta không có thời giờ làm việc đó.

- Bác ơi, đừng nói thế. Hãy chia phần và được thưởng.

- Các ngươi có tôn trọng quyết định của ta không?

- Có chứ, này bác, chúng tôi sẽ tuân theo.

- Tốt lắm, vậy thì trong hai bạn, ai bơi dọc theo bờ (Anutīracārī) sẽ có cái đuôi, ai bơi trong nước sâu (Gambhīracārī) sẽ có cái đầu, còn khúc giữa thuộc về ta, vì ta là công lý.

Nói xong, chó rừng nhặt khúc giữa và chạy biến. Còn bọn rái cá chỉ biết đứng nhìn theo lòng đầy ghê tởm và thất vọng.

Thế Tôn an ủi hai Tỳ-kheo, và quở trách Upananda:

- Các Tỳ-kheo, người muốn dạy bảo người khác trước hết phải điều phục mình cho hợp đạo.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

                (158) Trước hết tự đặt mình,
                         Vào những gì thích đáng,
                         Sau mới giáo hóa người,
                        Người trí khỏi bị nhiễm.

[ Quay lại ]