headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Phẩm Tỳ Kheo: 11- Người Thấy Chánh Pháp Là Thấy Ta

Tỳ-kheo nhiều hân hoan....

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Trưởng lão Vakkali.

Tại thành Xá-vệ, có một thanh niên dòng Bà-la-môn. Một ngày nọ, chàng thấy đức Như Lai đi và thành khất thực. Trông tướng hảo uy nghiêm của đức Phật, chàng rất yêu thích, và chán ghét hình ảnh của mình, chàng nghĩ thầm: "Ta sẽ tình cách để được nhìn đức Như Lai suốt ngày". Chàng bèn theo Phật xuất gia và ở trong Tăng đoàn. Thầy Sa-môn này cứ luôn luôn tìm chỗ đứng có thể chiêm ngưỡng đức Thế Tôn, chẳng màng đến kinh kệ và thiền định. Ðức Như Lai biết vậy, và đợi cho trí tuệ của thầy thuần thục, Ngài không nói một lời. Ngày nọ, đức Phật nghĩ:

 "Bây giờ trí tuệ của thầy ấy đã thuần thục". Ngài bèn bảo:

- Này Vakkali, đâu có gì thích thú khi ngắm một hợp thể bất tịnh gọi là thân Ta? Này Vakkali, ngườii nào thấy pháp là thấy Ta.

Nhưng mặc lời khuyên của đức Như Lai, thầy Vakkali vẫn không thể rời tia mắt khỏi đức Phật, hoặc lìa khỏi chỗ Phật ngồi. Cuối cùng đức Phật nghĩ:

"Thầy Sa-môn này sẽ không bao giờ tỉnh ngộ, trừ phi gặp một cơn xúc động lớn". Lúc ấy, mùa an cư đã đến, đức Như Lai tìm nơi an cư. Ngài về thành Vương Xá, đuổi thầy Vakkali trở lại Trúc Lâm. Và suốt ba mùa trăng, Vakkali không được thấy Phật, không được nghe Ngài nói. Buồn quá, thầy sinh ra ý tưởng muốn tự tử. Thầy bèn leo lên ngọn Linh Thứu và định nhảy xuống chết.

Ðức Thế Tôn biết thầy quá đau khổ và chán đời, Ngài nghĩ thầm: "Nếu thầy Vakkali không được sự an ủi của ta, thấy sẽ làm hỏng cả dịp chứng quả Thánh". Lập tức Ngài bèn hiện thân trước thầy Vakkali, lúc đó đang toan đâm đầu xuống núi. Vừa thấy đức Như Lai, thầy liên cảm thấy yêu đời, nỗi buồn khổ tiêu tan. Và như rót đầy nước vào một đáy hồ khô cạn, đức Như Lai đã làm tuôn dậy mối hoan hỷ trong lòng thầy. Ngài nói kệ:

 

381) Tỳ-kheo nhiều hân hoan,
        Tịnh tín giáo pháp Phật,
        Chứng cảnh giới tịch tịnh,
        Các hạnh an tịnh lạc.

 Ðức Như Lai đưa tay về phía thầy Vakkali và bảo:

 Ðến đây Vakkali!
Nhìn Như Lai chớ sợ.
Ta sẽ đưa tay đỡ
Như kéo voi sa lầy

Vakkali, đến đây!
Nhìn Như Lai chớ sợ.
Ta giúp ngươi giải thoát,
Như gỡ được mặt trời,
Ra khỏi cơn nhật thực.

Ðến đây, Vakkali
Nhìn Như Lai chớ sợ.
Ta sẽ giải thoát người,
Như gỡ vầng trăn tỏ
Cho khỏi bị nguyệt thực.

Thầy Vakkali nghĩ thầm: "Ta vừa thấy được đấng Thập Lực, và Ngài bảo ta hãy đến bên Ngài!" Lòng thầy tràn ngập hân hoan. "Ta làm sao đến được?", thầy tự nghĩ thế. Ðứng trên đỉnh núi cao, dù chẳng thấy có đường đi, thầy tung mình nhảy vào không trung đến trước mặt đấng Thập Lực ngay khi vừa nghe những chữ đầu của câu Pháp Cú. Và trong lúc đang bay, suy niệm bài kệ của đức Thế Tôn, thầy chế ngự được cơn hoan lạc và chứng A-la-hán cùng một lúc với các thần thông. Và đầy lòng cảm thán đức Như Lai, thầy hạ xuống đất, đảnh lễ đức Phật. Thế Tôn xếp thầy đệ nhất trong hàng đệ tử có lòng tin chân thật.

 

[ Quay lại ]