headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Phẩm Bà La Môn: 32- Cô Gái Giang Hồ Quyến Rũ Thầy Tỳ Kheo Sundarasamudda

Ai ở đời, đoạn dục ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời trên khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Mỹ Hải, Sundarasamudda.

Mỹ Hải, Sundarasamudda Kumàra, là một thanh niên người Xá-vệ, địa vị cao sang, sanh trưởng trong một gia đình giàu có, tài sản lên đến ức triệu. Một hôm, sau bữa ăn sáng, trông thấy dân chúng cầm hương hoa đến tinh xá Kỳ Viên nghe pháp, chàng hỏi:

- Các bạn đi đâu thế?

- Ði nghe đức Thế Tôn thuyết pháp. 

- Tôi cũng đi nữa.

 Chàng theo họ vào ngồi ở mé ngoài của chúng hội. Ðức Phật biết được tư tưởng chàng nên giảng pháp theo thứ lớp từ thấp đến cao. Mỹ Hải nghĩ: "Thật không thể nào làm chủ một gia đình mà giữ được phạm hạnh trọn vẹn thanh tịnh, bóng ngời như chiếc vỏ sò".

Bài pháp của Phật khiến chàng nức lòng, muốn xin xuất gia. Ðợi chúng hội giải tán hết, chàng đến xin đức Phật cho gia nhập Tăng đoàn. Phật dạy:

- Như Lai chỉ nhận cho vào Tăng đoàn kẻ nào đã được cha mẹ cho phép.

Về đến nhà, cũng giống như chàng Ratthapàla và những người khác, chàng nỗ lực ráo riết, xoay sở đủ cách xin cho được phép của cha mẹ để xuất gia. Và chàng cũng được làm Sa-môn, gia nhập Tăng đoàn đức Phật. Thành Tỳ-kheo rồi, thầy làm tròn mọi bổn phận của một Tăng sĩ. Một hôm, thầy nghĩ: "Ta ở lại đây phỏng có ích gì?". Thầy rời Kỳ Viên, đến thành Vương Xá, ngày ngày đi khất thực.

Một hôm, thành Xá-vệ mở lễ hội lớn. Cha mẹ thầy trông thấy bạn bè xưa của thầy vui chơi thỏa thích giữa các thứ xa hoa của ngày hội huy hoàng thì lòng buồn rười rượi. Hai ông bà khóc lóc, than thở:

- Ôi, con ta ngày nay đâu được hưởng những thứ vui này!.

Khi ấy, có một cô gái giang hồ sang trọng đến nhà họ chơi, thấy bà mẹ khóc, liền hỏi:

- Mẹ ơi, sao mẹ khóc?

- Tôi nghĩ đến con trai tôi hoài nên khóc.

- Nhưng thưa mẹ, anh ấy đâu?

- Xuất gia rồi, đang ở với các thầy Sa-môn.

- Chúng ta không thể kêu anh ấy về lại sao mẹ?

- Cũng được đấy. Nhưng nó có chịu đâu. Nó đã rời Xá-vệ đi Vương Xá rồi.

- Giả sử con kêu anh ấy về, mẹ sẽ cho con gì nào?

- Chúng tôi sẽ để cô làm nữ chủ gia sản này.

- Tốt lắm, mẹ hãy cho con tiền lệ phí.

Nhận được món tiền, cô mướn thật nhiều người hầy giúp việc, rồi lên đường đến Vương Xá.

Cô hỏi thăm con đường Tôn giả thường đi khất thực và mua một ngôi nhà nơi đó để ở. Từ sáng sớm, cô lo chuẩn bị những món ăn thầy thường thích, và khi thấy thầy đi khất thực, cô đem đến cúng dường. Sau vài ngày, cô thưa:

- Bạch Ðại đức, xin Ngài ngồi đây để dùng bữa.

Cô đưa tay xin bình bát và Tôn giả vui vẻ trao liền. Cô dọn cho thầy những món thật ngon, rồi thưa tiếp:

- Bạch Ðại đức, hằng ngày đi khất thực, xin Ðại đức cứ ghé lại đây. Ngài sẽ được vui lòng.

Dần dần, cô dẫn dụ được thầy đến ngồi ở hàng hiên nhà cô, dùng những món ăn thích khẩu.

Ít hôm sau, cô kêu vài cậu bé vào cho ăn bánh để kết thân, rồi bảo:

- Này, mấy cháu! Khi nào thấy Tôn giả đến đây, các cháu kéo nhau tới nhé. Cứ tung bụi lên rõ nhiều. Cô rầy bảo thôi, các cháu cũng đừng thèm để ý.

Ngày mai lại, trong lúc Tôn giả đang dùng bữa, bọn trẻ đến đá bụi bay mù mịt. Cô chủ rầy la, bọn chúng vẫn trơ trơ. Hôm sau nữa, cô thưa:

- Bạch Ðại đức, tụi nhỏ này tung bụi mù mịt thế này. Con rầy tụi nó cũng chẳng nghe. Xin Ðại đức vào trong nhà ngồi.

Từ đó, cô mời Tôn giả vào luôn trong nhà ngồi dùng bữa. Rồi cô lại đút lót bọn trẻ, dặn:

- Khi Tôn giả đang dùng bữa, các cháu chơi đùa thật ồn ào lên nhé. Cô có bảo thôi, các cháu đừng để ý.

Bọn trẻ làm y lời cô.

Hôm sau nữa, cô thưa:

- Bạch Ðại đức, chỗ này ồn ào hết chịu nổi. Con đã làm đủ cách, bọn trẻ vẫn cứ ồn. Xin thỉnh Ðại đức lên tầng trên.

Tôn giả bằng lòng. Cô liền leo lên tầng cao nhất của ngôi biệt thự, thúc hối thầy vào trước và cô theo sau đóng cửa lại. Từ trước, Tôn giả luôn luôn theo đúng lệ chỉ thọ nhận thực phẩm bằng cách khất thực từ cửa nhà này qua cửa nhà khác. Nhưng bấy giờ, thầy bị con ma tham ăn quản thúc ghê gớm đến nỗi nghe theo lời cô gái điếm, leo lên tận tầng chót của ngôi nhà bảy tầng ấy. Cô mang ghế đến cho thầy ngồi.

Cô gái giang hồ trổ hết tài nghệ, giở tất cả thủ thuật làm duyên của các bà để quyến rũ thầy Tỳ-kheo. Sau cùng, cô đứng trước Tôn giả, đọc một đoạn thơ:

Móng chân sơn đỏ chót,
Dép lê kỹ nữ mang,
Xuân xanh chàng đang độ,
Em cũng cùng lứa trang.
Hạnh phúc xin chung hưởng,
Chàng sẽ là của em,
Nô lệ chàng, em hứa,
Cùng nhau sống ấm êm.
Rồi sau ngày xuân mất,
Bỏ cuộc chơi ta về,
Gậy cầm tay cùng chống,
Tuổi già ôi não nề.

Tôn giả bỗng chợt tĩnh: "Hỡi ôi! Ta đã phạm trọng giới! Ta đã hành động thiếu suy nghĩ". Thầy bàng hoàng lo sợ. Vừa lúc ấy, đức Phật đang ở tại Kỳ Viên cách Tôn giả bốn mươi lăm dặm. Ngài biết hết chuyện và mỉm cười. Tôn giả A-nan hỏi:

- Bạch Thế Tôn, vì sao Ngài cười?

- Này A-nan, tại tầng lầu cao nhất của một tòa biệt thự bảy tầng trong thành Vương Xá, đang xảy ra trận chiến giữa thầy Tỳ-kheo Mỹ hải và một cô gái giang hồ.

- Bạch Thế Tôn, ai sẽ thắng? Ai sẽ thua?

- A-nan, thầy Tỳ-kheo Mỹ Hải sẽ thắng, cô gái giang hồ thua.

Nói xong, vẫn an nhiên tại chỗ, đức Phật phóng quang ảnh hiện thân đến trước Tỳ-kheo Mỹ Hải và nói:

- Này Tỳ-kheo, hãy xa lìa các thứ tham ái, hãy cởi bỏ mọi dục vọng.

Rồi Ngài nói kệ:

(415) Ai ở đời đoạn dục,
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Dục hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.

* Chú Giải trong Nguyên Bản: Kẻ nào ngay trong đời này diệt trừ được hai thứ tham ái, xa lìa thế tục, kẻ đã dập tắt lửa tham dục, đoạn dứt sanh tử, ta gọi kẻ ấy là Bà-la-môn.

Phật nói kệ xong, Tôn giả Mỹ Hải đắc A-la-hán, dùng thần thông bay lên trời, xuyên qua nóc nhà cô gái điếm, trở lại thành Xá-vệ, đảnh lễ tán thán Phật thân.

Hôm ấy, các thầy Tỳ-kheo tụ họp bàn tán trong Pháp đường:

- Này chư huynh, chỉ vì vị ngon ngọt của lưỡi mà Tôn giả Mỹ Hải suýt nữa tiêu vong, may nhờ đức Thế Tôn giải cứu.

Ðức Phật nghe vậy, bảo:

_ Này các Tỳ-kheo, đây chẳng phải lần đầu tiên ta giải cứu ông ấy thoát khỏi dây trói buộc của vị trần. Trong một kiếp trước cũng đã xảy ra chuyện tương tự.

Theo lời thỉnh cầu của chúng Tỳ-kheo, muốn sáng tỏ vấn đề, Ngài kể chuyện:

Chuyện quá khứ:

Cơn Linh Dương Bị Sa Bẫy Mật, Truyện Tiền Thân Vàtamiga.

(Sanjaya, vị quan coi vườn Thượng uyển của vua xứ Ba-la-nại, bôi mặt lên cỏ để nhử một con linh dương hoang vào vườn. Sau đó, ông dùng mật nhử tiếp linh dương vào cung vua và bắt được nó).

Người đời có câu rằng:

Không gì nguy hiểm hơn,
Cuốn lôi của vị giác,
Dù đang ở gia đình,
Hay tại nhà bạn hữu.
Dùng miếng ngon mồi bẫy,
Sanjaya nhử luôn,
Linh dương vô cung cấm,
Nhốt chân, chạy hết đường.

Ðức Phật kể xong chuyện tiền thân Vàtamiga liền giải thích:

- Lúc ấy Tỳ-kheo Mỹ Hải là con linh dương, vị quan đại thần nói câu kệ khiến linh dương được thả chính là Ta.

[ Quay lại ]