headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 31/12/2024 - Ngày 1 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TẠI SAO TÔI TU THIỀN - Thiền Thất Thường Lạc

TẠI SAO TÔI TU THIỀN ?

Trích từ tập BA VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI TRONG ĐỜI TU CỦA TÔI

HT Thiền sư THÍCH THANH TỪ [bản dịch]


Sau khi xuất gia tôi được học sử Phật và Kinh, Luận, thấy rõ Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) xuất gia tu thiền được giác ngộ thành Phật. Các Kinh, Luận hầu hết đều dạy tu thiền, tại sao Sư Ông và Thầy tôi dạy tu Tịnh Độ? Đây là một nghi vấn khiến tôi phải suy nghĩ nhiều. Lần lượt học thêm Kinh, Luận tôi hiểu rõ hơn lời Phật, Tổ dạy, pháp tu thiền đã đủ sức thuyết phục tôi. Khi trong Tăng sĩ Việt Nam, đại đa số tu Tịnh độ, tại sao riêng tôi chọn pháp tu thiền? Hẳn phải có lý do thôi thúc tôi.

I. LÝ DO

1.1 Đức Phật

Thái Tử Tất Đạt Đa sau khi vượt thành xuất gia, trước đến học đạo với ông Uất Đà Ca La La (Alāra kālāma), dạy ông pháp tu Tứ thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Thái Tử tu một thời gian chứng được Tứ Thiền. Ngài kiểm nghiệm lại thấy chưa đúng mục đích đã nhắm, nên từ giả ông đi nơi khác. Đến ông Uất Đầu Lam Phất (Uddara Ramaputta) học đạo, ông dạy Ngài tu pháp Tứ vô biên xứ định: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ngài tu một thời gian chứng được Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, kiểm tra lại cũng thấy chưa đúng mục đích, lại một lần nữa ra đi.

Cuối cùng Ngài đến dưới cội Bồ Đề (Boddhi) ngồi thiền định bốn chín ngày đêm, đến đêm bốn mươi chín được giác ngộ thành Phật. Từ lúc đi tu cho đến thành Phật, Ngài do tu thiền định được kết quả. Vị giáo chủ đạo Phật trọn đời tu thiền, chúng ta ngày nay tu theo đạo Phật mà không tu thiền có trái với tông chỉ của Ngài không? Mặc dù khi đi giáo hóa Ngài có dạy nhiều pháp môn, song pháp tu thiền vẫn là căn bản.

1.2 Thánh Tăng

Chư vị A La Hán được Phật trực tiếp dạy trong lúc đương thời đều tu thiền mà chứng được Tứ quả Thanh Văn: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán. Đệ tử Phật cũng do tu thiền được thành Thánh quả. Ngày nay chúng ta tu muốn tiến lên Thánh quả, mà từ chối tu thiền có thể đạt được chăng?

1.3 Chư Tổ

Từ Tổ Ca Diếp đến Tổ Huệ Năng cả thảy ba mươi ba vị Tổ Ấn Độ, Trung Hoa rõ ràng các Ngài do tu thiền ngộ đạo và truyền bá thiền nên thành Tổ. Cho đến ở Việt Nam chúng ta từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ mười tám, chư vị Tổ sư Bắc, Trung, Nam đều tu thiền, truyền thiền nên kế thừa làm Tổ. Chúng ta hiện nay phủ nhận tu thiền có phạm tội với các Ngài không?

Tôi quyết tâm tu thiền là noi gương đức Phật, các bậc Thánh Tăng, chư Tổ Ấn độ, Trung Hoa, Việt Nam với lòng cung kính trung thành của mình. Các Ngài đã tiếp tục truyền bá Phật pháp trên hai ngàn năm không đoạn dứt bằng phương pháp tu thiền, kẻ sơ cơ hậu học như tôi làm sao không nương theo con đường đó để tu hành và truyền bá. Tôi tin chắc con đường đang đi đang truyền của tôi hoàn toàn không trái bản ý Phật và Tổ. Song sự tu thiền và truyền thiền trên đất nước Việt Nam hiện nay, tôi thật cô đơn. Tuy vậy, tôi vẫn hy vọng sẽ có những người sau thông cảm, tiếp tục việc làm dở dang của tôi.

II. MỤC ĐÍCH

2.1 Nguyên Nhân Thái Tử Tất Đạt Đa Đi Tu

Lần đầu tiên được tiếp xúc với các tầng lớp dân chúng, Thái tử cảm nhận được nỗi khổ đau qua cảnh sanh, già, bệnh, chết của con người khiến lòng Ngài quặn đau se thắt. Bao nhiêu nghi vấn về thân phận con người dồn dập ùa đến với Ngài. Trước khi có mặt ở đây, ta là cái gì? Sau khi chết, ta còn hay mất? Làm sao tránh khỏi sự tiếp tục sanh tử? Đó là ba vấn đề nổi bật luôn xuất hiện phủ kín tâm tư Ngài. Từ đây lòng Ngài mãi trăn trở ưu tư, mọi sự sang cả xa hoa lầu son gác tía đều trơ trẽn không có giá trị gì. Ngài âu sầu buồn bã biếng nói lười ăn, vợ đẹp con xinh không làm Ngài khuây khỏa. Ba nghi vấn trên như làm nghẹn cổ Ngài, chưa giải quyết được Ngài không thể nào an ổn. Ngài quyết định trốn đi xuất gia, để lại Phụ vương, Mẫu hoàng, vợ, con, muôn dân và giang sơn ngôi vị. Ngài chỉ một mình một bóng lang thang trong rừng tầm sư học đạo. Đầu tiên Ngài đến ông A La La dạy tu pháp Tứ thiền, nghĩa là Sơ Thiền lìa ngũ dục được hỷ lạc (ly sanh hỷ lạc), Nhị thiền được định sanh hỷ lạc (định sanh hỷ lạc), Tam thiền được lìa hỷ sanh diệu lạc (ly hỷ diệu lạc), Tứ thiền bỏ niệm được thanh tịnh (xả niệm thanh tịnh).

Thái tử tu một thời gian liền chứng được Tứ thiền, xét lại kết quả chưa giải đáp được ba nghi vấn ôm ấp đã lâu, Ngài đành từ giã ông thầy đi tìm nơi khác. Đến ông Uất Đầu Lam Phất được dạy tu pháp Tứ vô biên xứ định, nghĩa là Không vô biên xứ định, Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Thái tử hạ thủ công phu một thời gian đạt được định cao tột là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

Tra cứu lại, Ngài thấy vẫn chưa giải quyết được ba nghi vấn đang nặng trĩu trong lòng, đành từ giã ông thầy ra đi nơi khác. Chán nản, Ngài nghĩ chỉ còn cách tu khổ hạnh triệt để thử xem kết quả thế nào. Ngài quyết chí tu khổ hạnh, cho đến thân thể kiệt quệ ngất xỉu. Qua kinh nghiệm này, Ngài thấy rõ khổ hạnh chỉ khiến thân thể bại hoại chớ không được kết quả gì. Từ đây Ngài sống trung hòa ngày ăn một bữa, đi khất thực và tọa thiền bình thường. Đến cội Bồ Đề, Ngài thấy nơi đây thật lý tưởng cho sự tọa thiền, đi tìm cỏ khô trải tòa ngồi xong, chỉ cây Bồ Đề thề rằng: “Tọa thiền nơi đây mà không thành đạo, dù xương tan thịt nát ta cũng không rời khỏi chỗ ngồi này”.

2.2 Kết Quả

Ngồi thiền dưới cội Bồ Đề suốt bốn mươi chín ngày đêm, đêm thứ bốn mươi chín trước tiên Ngài chứng được Túc mạng minh, nghĩa là Ngài nhớ vô số kiếp về trước, đã từng sanh ở đâu, cha mẹ tên gì, làm nghề nghiệp gì... như nhớ sự việc mới xảy ra hôm qua. Ngài giải quyết được nghi vấn thứ nhất: “Trước khi có thân này, ta là gì?”. Bộ kinh bản sanh hiện còn trong Đại Tạng Pali và Hán do Phật kể lại những kiếp trước của Ngài.

Kế đến, Ngài chứng được Thiên nhãn minh cũng gọi là Sanh tử trí, nghĩa là Ngài thấy rõ con người sau khi chết theo nghiệp lành dữ đi thọ sanh trong sáu đường (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, A tu la, cõi Trời) như người mắt sáng đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại rõ ràng. Ngài giải quyết được nghi vấn thứ hai: “Sau khi chết ta còn hay mất?”. Quyển Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo... Phật giải rõ điều này.

Đến canh năm khi sao Mai vừa mọc, Ngài chứng được Lậu tận minh, nghĩa là thấy rõ nguyên nhân nào đưa đến sanh tử, nguyên nhân gì dứt sạch sanh tử. Ngài giải quyết được nghi vấn thứ ba: “Làm sao tránh khỏi sự tiếp tục sanh tử?”. Đến đây như trút được gánh nặng, Ngài tuyên bố: “Ta hoàn toàn giác ngộ thành Phật”. Bài pháp đầu tiên dạy năm anh em ông Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển là pháp Tứ đế. Nghĩa là Phật chỉ rõ nguyên nhân sanh tử là Tập đế, dẫn đến kết quả sanh, già, bệnh, chết là Khổ đế, nguyên nhân giải thoát là Đạo đế, dẫn đến kết quả giải thoát là Diệt đế. Đây là lẽ thật là chân lý rất mầu nhiệm không khi nào sai chạy gọi là Tứ Diệu Đế. Đến đây Ngài kết quả viên mãn trên đường tu hành được hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni.

III. PHƯƠNG PHÁP TU

3.1 Thiền Nguyên Thủy

Đây là những pháp tu thiền từ các kinh A Hàm do Phật dạy:

3.1.1 Pháp Quán Tứ Niệm Xứ:

Tứ niệm xứ là bốn nơi chú tâm quán sát:
a) Quán thân bất tịnh: Quán sát thân này ô uế nhớp nhúa, bằng hai lối:
▪ Quán sát trong thân có ba mươi sáu vật nhơ nhớp như tóc, lông, răng, da, thịt, gân, xương, đàm, dãi, máu, mũ, mồ hôi, nước tiểu... Đều là nhơ nhớp đáng nhờm gớm.
▪ Quán sát thây chết từ khi thân mới chết bầm xanh, dần dần sình chương, kế nứt nẻ, bại hoại... thật là hôi hám đáng gớm. Pháp quán này để trị bệnh tham ái thân.
b) Quán thọ thị khổ: Quán sát mọi cảm thọ đều là khổ, dù rằng trong kinh Phật dạy có ba thứ thọ là thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc, song tất cả thọ ấy đều là vô thường nên gọi là khổ. Pháp quán này để trị bệnh đam mê cảm thọ.
c) Quán tâm vô thường: Quán sát tâm thiện, tâm ác của ta đều là tướng sanh diệt vô thường không có thật thể. Tất cả loại tâm sở tướng nó chợt có chợt không, chợt còn, chợt mất thì làm gì có thật mà chấp là tâm mình. Pháp quán này để trị bệnh chấp tâm sở là thật ta.
d) Quán pháp vô ngã: Quán sát tất cả cả pháp tứ đại, ngũ uẩn, lục căn, lục trần… đều do nhân duyên hòa hợp không có chủ thể là vô ngã. Pháp quán này để trị bệnh chấp các pháp là thật có chủ thể.

3.1.2 Pháp Quán Ngũ Đình Tâm:
a) Quán Thân bất tịnh để dừng tham dục.
b) Quán Từ bi để dừng tâm sân hận.
c) Quán Duyên khởi để dừng tâm si mê.
d) Quán Giới phân biệt để dừng tâm chấp ngã.
e) Quán Sổ tức để dừng tâm tán loạn.

3.2 Thiền Đại Thừa:

Đây là những pháp tu thiền phát xuất từ Kinh, Luận Đại Thừa.

3.2.1 Pháp Tam Quán Của Kinh Viên Giác:

a) Xa ma tha (Samatha) Trung Hoa dịch là ý, là Chỉ, tức là dừng lặng. Kinh nói: “Người muốn cầu Viên Giác lấy tâm tịnh giác giữ lặng lẽ làm hạnh, đối cảnh nhiễm tịnh tâm không vọng duyên...”.

b) Tam ma bát đề (Samāpatti) Trung Hoa dịch ý là Đẳng Chí (Quán), nghĩa là xa lìa hôn trầm trạo cử gọi là Đẳng, khiến tâm bình đẳng an hòa là Chí. Kinh nói: “Người muốn cầu Viên Giác, lấy tâm tịnh giác hiểu biết tâm tánh căn trần đều do huyễn hóa mà có, liền khởi quán huyễn tu trừ các huyễn...”

c) Thiền na (Dhyāna) Trung Hoa dịch ý là Tỉnh lự. Tỉnh tức là Định, Lự tức là Huệ. Kinh nói: “Người muốn cầu Viên giác lấy tâm tịnh giác chẳng chấp huyễn hóa và các tướng lặng lẽ, liền hay tùy thuận cảnh giới tịch diệt”.

3.2.2 Pháp Tam Quán Của Tông Thiên Thai:

Ngài Trí Giả Đại sư ở núi Thiên Thai căn cứ Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp, phẩm Hiền Thánh Học Quán có nói: “Từ Giả nhập Không nhị đế quán. Từ Không nhập Giả bình đẳng quán. Trung đạo đệ nhất nghĩa đế quán”, lập thành pháp Nhất Tâm Tam Quán:

a. Không quán là lìa tánh lìa tướng quán tâm một niệm chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chặng giữa gọi là không.
b. Giả quán là không pháp nào chẳng đủ, quán tâm một niệm đầy đủ tất cả pháp gọi là Giả.
c. Trung quán là dứt sạch hai bên đối đãi, quán tâm một niệm chẳng phải không, chẳng phải giả gọi là Trung.

3.3 Thiền Tông

Trên hội Linh Sơn, đức Phật đưa cành hoa sen nhìn đại chúng, đến Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp (Maha Kasyapa) liền mỉm cười, Phật thọ ký: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo truyền riêng, nay giao phó cho ông...”.

Đến vị Tổ thứ hai mươi tám ở Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) sang Trung Hoa tuyên bố: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.

Đây là tông chỉ của Thiền tông, các Tổ thứ lớp truyền nhau, ta sẽ thấy rõ vài hình ảnh tiêu biểu sau đây:

● Ngài Huệ Khả sau khi được Tổ Bồ Đề Đạt Ma chấp nhận cho làm đệ tử, Huệ Khả hỏi: Tâm con không an, xin Hòa Thượng dạy pháp an tâm.

Tổ nhìn thẳng bảo:

-Đem tâm ra ta an cho.

Huệ Khả xoay tìm lại tâm mình, không thấy bóng dáng thưa:

-Con tìm tâm không được.

Tổ bảo:

-Ta an tâm cho ngươi rồi.

Huệ Khả liền biết lối vào, sụp xuống lạy.

Tìm lại tâm mình là giáo lý gì? Quả là trực chỉ nhân tâm.

● Ông Sa Di Đạo Tín trên đường đi gặp Tổ Tăng Xán, liền thưa:

-Xin Hòa Thượng dạy con pháp môn giải thoát.

Tổ trố mắt nhìn bảo:

-Ai trói buộc ngươi?

Đạo Tín thưa:

-Không ai trói buộc.

Tổ bảo:

-Cầu giải thoát làm gì?

Đạo Tín tỉnh ngộ sụp xuống lạy.

Thật là lối giáo hóa không hai, chẳng có phương pháp gì, chỉ thẳng tâm người, nên gọi là thiền Trực chỉ. Sau này Thiền sư Đức Sơn cũng nói: “Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người”.

Lối dạy này đòi hỏi người thầy phải có thủ thuật cao, người trò phải có tâm nhạy bén thì kết quả rất nhanh, nên gọi là Thiền Đốn Ngộ. Thoạt nhìn chúng ta thấy dường như không dính dáng gì với kinh điển Phật dạy, nhưng thâm nhập được chúng ta mới thấy là cốt tủy của Đạo Phật. Ngót bốn mươi chín năm đức Phật giáo hóa chủ yếu hướng dẫn người đạt đến giải thoát sanh tử. Cái gì giải thoát, chính là “Bản lai diện mục” của chúng ta. Nếu không có nó thì ai giải thoát và giải thoát cái gì?

Làm sao biết “Bản Lai Diện Mục” của mình? Tổ Huệ Năng sau khi được y bát mang về Thiều Châu, trên đường bị Đạo Minh đuổi theo giựt lại. Không giựt được, Đạo Minh đổi ý xin cầu pháp. Huệ Năng bảo hãy bình tỉnh lại, rồi nói: “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh? Đạo Minh bừng tỉnh, sụp xuống lạy. Đây là bài pháp đầu tiên của Lục Tổ Huệ Năng, nói thẳng cái mình đang ôm ấp.

3.4 Nhận Định

Các pháp thiền nêu ra ở trên, chỉ đơn cử làm tiêu biểu, không phải toàn bộ chỉ có bấy nhiêu. Mỗi pháp tôi chỉ trình bày tổng quát, không có ý giải thích rành rẽ từng pháp để tu. Mục đích chúng tôi muốn dẫn ra để chứng minh, về phần tu tập xin nhường các vị chuyên môn.

Thiền Nguyên Thủy là thiền đối trị, chúng sanh mắc bệnh gì, Phật dùng thuốc ấy để trị liệu, nên nói: “Theo bệnh cho thuốc”. Lối tu này rất thực tế và rất dễ hành, không nói cái gì xa xôi huyền bí, chỉ mặt đối mặt chiến đấu, như tướng quân ra trận đối mặt với kẻ thù quyết chiến. Thắng hay bại do người chiến sĩ có hạ quyết tâm liều chết và sáng suốt biết rõ chỗ ẩn nấp của kẻ thù hay không. Tu đến đâu ta thấy kết quả đến đó, không phải chờ quyết định ở bên ngoài. Như chiến sĩ đuổi giặc chạy đến đâu biết mình thắng đến đó, không còn gì nghi ngại đợi hỏi thăm ai. Kinh nói: “Ta có tham sân si biết ta có tham sân si, ta không tham sân si biết ta không tham sân si”.

Thiền Đại Thừa vượt ra khỏi đối đãi không còn hai bên, thênh thang như trời cao biển rộng, không dính kẹt một chỗ nơi nào. Thấy rõ cái hư ảo của con người, sự huyễn hóa của muôn vật, còn thấy một pháp thật, là còn vô minh, có bên này còn bên kia là đối đãi hạn chế, tức còn sanh tử.

Mênh mông như trời biển chẳng sanh chẳng diệt, có nói giải thoát cũng bằng thừa. Người mới bước chân vào đạo thấy lối tu này choáng ngợp như đứng dưới đất nhìn lên đỉnh núi cao. Song nếu ta can đảm xông lên có ngày sẽ đến đỉnh, đứng nơi này ta nhìn khắp muôn phương, đón ngọn gió lành từ đại dương thổi về mát rượi. Không còn thấy thân ta bé bỏng, không còn cái nhìn hạn chế do núi sông.
Thiền Tông là đi đường chim, là qua cầu một cây không tay vịn, người nhút nhát e dè thì không thể nào dám cất bước. Đòi hỏi người gan dạ cùng mình xem chết sống như lông hồng, mới dám ghé mắt vào lối này. Nhưng càng bí hiểm càng hiển bày, càng huyền nhiệm càng chân thật, càng kỳ bí càng giản đơn, càng xa xôi càng gần gủi. Hỏi: “Đạo ở đâu? Đáp: “Dưới gót chân ông”. Hỏi: “Thế nào là kho báu nhà mình?” Đáp: “Cái ông hỏi ta đó”. Một tiếng hét, một cây gậy, một chớp mắt, một nhướng mày, một tiếng vang, một đóm lửa... đều bày hiện chủ nhân ông. Lâm Tế nói: “Phật pháp của Hoàng Bá rất ít”. Chỉ ta đừng chấp bóng quên đầu, đừng bỏ tiếng theo vang, chỉ cần nhìn thẳng sẽ thấy lối vào của Huệ Khả, tỉnh ngộ không ai trói buộc của Đạo Tín.

Tôi là người Việt Nam tu theo đạo Phật, Thiền tông đã đóng vai chủ đạo truyền bá Phật giáo trên đất nước Việt Nam hơn mười thế kỷ (từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ mười chín), làm sao trong huyết thống tôi không có dòng máu Thiền tông và làm sao tôi không ngưỡng mộ Thiền tông. Mặc dù các pháp thiền trên tôi rất kính quý, song không làm gì khác hơn, tôi bản chất người Việt Nam.

IV. CHÚNG TA QUÊN MẤT MÌNH

4.1 Sáu Căn Chạy Theo Sáu Trần

Hằng ngày chúng ta thả lỏng sáu căn chạy theo sáu trần, mắt dính sắc, tai kẹt tiếng, mũi theo mùi, lưỡi ưa vị, thân thích xúc, ý đeo pháp. Đáp ứng đòi hỏi của sáu căn, chúng ta phải bon chen giành giựt để được thụ hưởng. Sáu căn lại là cái thùng lủng đáy, chừng nào chúng ta đổ đầy cho nó thỏa mãn. Nghĩ làm thỏa mãn sáu căn, khác nào nghĩ mò trăng đáy giếng. Đuổi theo sáu trần thu thập được nhiều chừng nào, chúng ta càng “quên mất mình” nhiều chừng ấy. Ngọn đèn pha chiếu sáng mặt trước nhiều thì mặt sau phải tối.

Trong hội giảng Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đưa tay lên hỏi Tôn Giả A Nan:

-Thấy không?

Tôn Giả đáp:

-Thấy.

Phật để tay xuống hỏi:

-Thấy không?

Tôn Giả đáp:

-Không.

Phật quở:

-Ông quên mình theo vật.

Phật bảo Tôn Giả La Hầu La đánh tiếng chuông và hỏi A Nan:

-Nghe không?

A Nan đáp:

-Nghe.

Khi tiếng chuông bặt, Phật hỏi:

-Nghe không?

A Nan đáp:

-Không nghe.

Phật quở:

-Ông quên mình theo vật.

Tay Phật là vật bên ngoài đối tượng của tánh thấy A Nan, tay đưa lên thả xuống là đối tượng có, không. Còn tánh thấy của A Nan có lúc nào vắng mặt. Tôn Giả A Nan đáp có thấy khi đưa tay lên, không thấy khi để tay xuống, không phải quên mình theo vật là gì? Tiêng chuông là đối tượng tánh nghe, có tiếng chuông, vắng tiếng chuông là thanh trần có và không, tánh nghe đâu có lúc nào thiếu vắng. Có tiếng chuông đáp có nghe, không tiếng chuông đáp không nghe, đúng là quên mình theo vật. Sắc, Thanh ...là vật bên ngoài, thấy nghe …chính là ta, quên ta chạy theo bên ngoài thật là lầm lẫn đáng thương.

Mã Tổ cùng Thị giả Hoài Hải đi dạo vườn, thấy bầy vịt trời bay trên hư không. Mã Tổ hỏi:

-Cái gì?

Hoài Hải đáp:

-Bầy vịt trời.

Vài phút sau, Mã Tổ hỏi:

-Bay đi đâu?

Hoài Hải đáp:

-Bay qua mất rồi.

Mã Tổ nắm lỗ mũi Hoài Hải vặn mạnh một cái. Hoài Hải la thất thanh. Mã Tổ bảo:

-Sau không nói bay qua mất đi?

Hoài Hải bừng ngộ. Sau này khi tiếp thiền khách, Thiền sư Hoài Hải thường đưa cây phất tử lên hỏi:

-Cái gì?

Thiền sư Cảnh Thanh, thời nhà Tống, ngồi trong thất, thị giả đứng hầu, thấy trên nền nhà có vệt trắng, chỉ hỏi:

-Cái gì?

Thị giả đáp:

-Vệt trắng.

Thiền sư bảo:

-Chúng sanh quên mình theo vật.

Hôm khác đang ngồi nghe tiếng rắn bắt nhái kêu, Thiền sư hỏi:

-Tiếng gì?

Thị giả đáp:

-Tiếng rắn bắt nhái kêu.

Thiền sư bảo:

-Chúng sanh khổ lại khổ chúng sanh.

Qua hai câu chuyện trên càng làm sáng tỏ ý nghĩa “Quên mình theo vật”. Bầy vịt trời bay qua mất, cái thấy bầy vịt trời có mất bao giờ. Khi nhận ra cái thật mình liền ngộ đạo. Tiếng nhái kêu khi bị rắn bắt, Thiền sư Cảnh Thanh đã nghe, sao lại hỏi thị giả. Thị giả thật thà đáp rắn bắt nhái kêu, bị Thiền sư bảo chúng sanh khổ lại khổ chúng sanh. Nhái bị rắn bắt kêu cứu là chúng sanh khổ, chỉ biết tiếng kêu của nhái mà quên cái hay nghe của mình là khổ chúng sanh. Đuổi theo chấp chặt sáu trần mà quên mất mình la trói buộc mình thả trôi trên dòng sanh tử. Người ta luôn nói lo cho mình, mà thật đã quên mất mình.

4.2 Chấp Thân Tâm Là Thật Ta

Hầu hết chúng ta đều chấp nhận hình thể vật chất này là thân ta, tâm suy nghĩ lăng xăng là tâm ta. Cần tra cứu xem có đúng như vậy không?

Thân ta về vật chất Phật nói do tứ đại hòa hợp thành, chất cứng là đất, chất ướt là nước, chất ấm là lửa, chất động là gió. Bốn chất nếu thiếu một là thân tử vong. Bốn chất này gọi là tứ đại, cần phải nhờ mượn ngoại tứ đại liên tục bồi bổ thân mới được an ổn tồn tại. Sự nhờ mượn này qua ăn uống, hít thở thường xuyên, nếu có gì làm trở ngại gián đoạn thân sanh bệnh hoạn có thể đến bại hoại. Cần xét tinh tế chi li hơn, hiện nay ngành y học đã thấy thân này do rất nhiều tế bào tụ hội hợp thành. Tế bào có chia nhiều loại, mỗi loại có chức năng riêng, tự điều động bảo vệ thân này. Bản thân tế bào cũng bị sanh diệt liên tục, sự sanh diệt cũng tạo điều kiện cho thân tăng trưởng và hoại diệt. Căn cứ thân do tứ đại hợp thành, hay tế bào hợp thành, tìm cái thật ta hoàn toàn không có. Xét tổng quát hay chi li nơi thân này vẫn không có ta. Thân không thật có ta, mà chấp thật là ta, của ta là chấp sai lầm si mê. Đức Phật quan sát thân này thấy không phải là ta của ta, nên nói thân này là vô ngã. Ngày nay Y học tiến bộ khá xa, thân anh A bị mất máu, lấy máu anh B cùng loại truyền sang, anh A liền mạnh khỏe. Anh Xoài chết nguyện hiến các bộ phận trong cơ thể cho bệnh viện, anh Mít bị tai nạn hư vài bộ phận, bác sĩ lấy các bộ phận của anh Xoài ghép cho anh Mít, anh Mít được bình phục. Máu của ta nếu thật là ta, khi truyền máu người khác vào thì bị pha trộn, mất cái ta rồi. Những bộ phận trong thân ta thật là ta, ghép bộ phận người khác vào là không phải ta. Hiện nay người ta chế quả tim bằng nhựa, bằng vật khác ghép vào thân người thì đâu còn là người. Quả thật chấp thân này thật ta là si mê không hiểu biết lẽ thật.

Chấp tâm suy nghĩ lăng xăng là tâm ta cũng không hợp lý. Tâm ta phải trước sau đều như một và luôn luôn hiện hữu mới được. Tâm ta hiện giờ quá nhiều thứ: nghĩ thiện, nghĩ ác, nghĩ phải, nghĩ quấy, nghĩ đúng, nghĩ tốt, nghĩ xấu, nghĩ thương, nghĩ ghét... Đủ thứ đủ loại thì cái nào là ta? Tâm suy nghĩ chợt có chợt không, nếu là ta thì không suy nghĩ phải không có ta. Không ai có thể chấp nhận không suy nghĩ là không có mình, khi không suy nghĩ ta vẫn hiện hữu. Có khi đang suy nghĩ lăng xăng, nhìn lại tìm xem nó xuất xứ từ đâu, bỗng chúng mất dạng. Nhìn lại thì mất, tức nó không thật, cái không thật lại là ta thì ta là hư ảo. Thật tâm ta không phải nhiều thứ, không phải khi có khi không, không phải hư ảo, cần phải khảo sát tường tận mới được.

Thân không thật ta mà chấp là ta, tâm lăng xăng không phải ta mà chấp là ta, chấp cái không thật không phải là ta, thì cái thật cái phải ta bị che khuất. Cái thật ta bị che khuất là “quên mất mình”, đập tan cái che khuất thì cái thật ta bày hiện là công phu tu thiền thành công.

V. PHẢN QUAN TỰ KỶ

Soi sáng lại chính mình để trị bệnh quên mất mình, dẹp tan nhóm phiền não quấy nhiễu và che đậy trí huệ, phá vỡ những thành kiến định kiến khiến không thấy được chân lý.

5.1 Dẹp Tan Phiền Não Che Dậy

Phiền não làm rối loạn và che đậy nội tâm không cho trí huệ phát sáng, có rất nhiều chủng loại phiền não, đại để kê ra ít phần căn bản. Có năm thứ triền cái (che đậy) là: Tham, sân, hôn trầm, trạo cử (phóng túng), nghi, ác kiến. Chúng quấy nhiễu gây trở ngại phiền lụy không ít cho người tu và người đời. Tuy vậy một phen soi sáng lại mình sẽ thấy chúng là cụm mây đen, là đám sương mù, là trò ảo ảnh, không có gì đáng sợ. Thấy tột bản chất thì chúng tự tan vỡ, tưởng lầm là thật thì chúng tác quái không thể lường. Soi sáng lại mình là cây kiếm trí tuệ, là cái kính chiếu yêu khiến loài ma quái phiền não đều tan biến. Ngược lại, những kẻ quên mình theo vật là môi trường tốt cho bọn gian ác phiền não sinh sống hoạt động.

5.2 Phá Vỡ Thành Kiến Định Kiến

Chúng ta sống trong gia đình, trong xã hội, do phong tục tập quán và tánh tình cá nhân nhồi nặn thành thói quen cấu tạo ra thành kiến và định kiến của con người. Hai thứ này gây nên mọi sai lầm tạo nguy hiểm cho nhân loại. Ta đã có thành kiến anh A là tốt, chú B là xấu, nên anh A dù có làm xấu ta vẫn không thấy xấu, chú B có làm tốt ta vẫn không thấy tốt. Đã có định kiến điều này là phải, điều kia là quấy, ai làm điều này thì ta thích, ai làm điều kia thì ta bực bội không ưa, ai bênh vực điều này thì ta hoan nghênh, ai xu hướng điều kia thì ta thù hận. Thấy tôn giáo ta là chánh, tôn giáo khác là tà, ôm ấp định kiến này là nuôi dưỡng mầm chia rẽ địch thù. Soi sáng lại chính mình là phá vỡ thành trì định kiến, đập tan tường vách thành kiến cho ánh sáng chân lý rọi vào, thấy người và vật đúng như hiện là. Người vật thế nào ta thấy thế ấy không có khuôn mẫu sẵn áp đặt khiến phải như nhau. Ta thấy sự vật đúng như sự vật, không so sánh, không thêm bớt, không bắt phải là, mà thật sự hiện là.

Thiền sư Nam Tuyền, Qui Tông, Ma Cốc đi đường gặp con cọp ngồi giữa đường. Ma Cốc hỏi: Giống cái gì? Qui Tông đáp: Giống cho chó. Ma Cốc bảo: Giống con mèo. Nam Tuyền nói: Con cọp. Con cọp thấy là con cọp, là cái nhìn của Thiền sư.

Thiền sư Quế Sâm, Trường Khánh, Bảo Phước đi vào châu phố thấy một đóa hoa mẫu đơn. Bảo Phước nói: Một đóa hoa mẫu đơn đẹp. Trường Khánh bảo: Chớ để con mắt sanh hoa. Quế Sâm nói: Đáng tiếc một đóa hoa. Đóa hoa là đóa hoa, chớ thấy đẹp, chớ ngừa đón, làm mất sự hiện là của đóa hoa.

Thiền sư Vân Môn ở trong đại chúng đưa cây gậy lên nói: Phàm phu cho là thật, Nhị thừa nói là không, Duyên Giác nói là huyễn có, Bồ Tát nói đương thể tức không, Thiền sư nói cây gậy là cây gậy. Thiền sư nhìn cây gậy, không phân tích, không quán chiếu, tháo gỡ mọi thành kiến định kiến của con người.

5.3 Phát Minh Con Người Chân Thật

Soi sáng lại chính mình càng sâu, càng thấy rõ sự thật nơi con người. Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Bồ Tát Quán Tự Tại khi hành sâu Bát Nhã ba la mật đa (Trí huệ cứu cánh) thấy năm uẩn đều không, qua tất cả khổ ách”. Thấy tường tận con người từ sắc chất (sắc) đến tinh thần (thọ, tưởng, hành, thức) đều không có thật thể cố định thì qua khỏi tất cả khổ ách trên đời. Hiện nay chúng ta mọi đau khổ cứ đổ ập trên đầu khó thể ngoi đầu lên nổi, vì thấy thân này từ sắc chất đến tinh thần là mình thật. Khi thấy thân này không thật thì mọi khổ ách đều đổ tuột vào hư không hết. Đây là phát minh con người quả thật là hư dối thì khổ ách không còn hại được.

Phát minh được con người chân thật kỳ diệu vô cùng quá sức nghĩ tưởng của chúng ta. Trong kinh Pháp Hoa diễn tả bỏ quên con người thật của mình, minh họa bằng chàng cùng tử bỏ cha đi lang thang sống trong cảnh nghèo khổ cơ cực. Khi chàng ta hồi nhớ cha tìm trở về, thấy cha già là ông trưởng giả giàu lớn, lén trốn không dám nhìn. Cha thấy biết gã là con của mình, liền dùng phương tiện dẫn dụ gã về làm công, cuối cùng nhận là con trao hết sự nghiệp. Chàng cùng tử bàng hoàng choáng váng không thể ngờ xảy ra việc này. Từ đây kiếp sống lang thang khổ sở không còn nữa. Dù đang làm cùng tử sự nghiệp vẫn có sẵn, chỉ cần biết hồi tâm trở về. Hình ảnh cột hạt châu trong chéo áo cũng nói lên ý nghĩa này.

Thiền sư Úc ở Trà Lăng, Trung Hoa đời Tống một hôm cỡi ngựa đi qua cầu ván, chân ngựa sụp lỗ hổng, Thiền sư té nhào bỗng đại ngộ, đọc bài kệ:

Âm :
                Ngã hữu minh châu nhất khỏa,
                Cửu bị trần lao quan tỏa.
                Kim triêu trần tận quang sanh,
                Chiếu phá sơn hà vạn đóa.

Dịch:
                Ta có một viên minh châu,
                Đã lâu vùi tại trần lao.
                Hôm nay trần sạch sáng chiếu,
                Soi tột núi sông muôn thứ.

Còn lắm chuyện kỳ đặc lý thú không thể dẫn hết.

VI. MỤC ĐÍCH THIỀN VÀ KHOA HỌC

Mục đích khoa học là chinh phục thiên nhiên để phục vụ con người. Mục đích Thiền là khám phá con người chân thật để cứu khổ chúng sanh. Hai bên đều nhằm phục vụ con người hay cứu khổ chúng sanh là giống nhau, song mỗi bên có hướng đi khác. Ta hãy tìm hiểu chi tiết từng bên xem thế nào?

6.1 Tọa Thiền Có Phải Tiêu Cực Không?

Thời đại con người xem thời giờ là vàng là bạc, tại sao trong chùa có những vị sư ngồi im lặng cả buổi, có phải phí phạm thời giờ vô ích không? Hiện nay con người lao người lao mình theo vật chất cố tranh đua giành giựt cho nhiều để làm thỏa mãn nhu cầu của mình. Bon chen đấu đá mong giành phần thắng về mình. Làm cho mình, lo cho mình, giành cho mình...., có ai hỏi mình là gì thì ngẩn ngơ. Không biết mình là gì thì những việc làm, việc lo, việc giành trở thành vô nghĩa. Nhà sư ngồi im lặng cốt soi sáng để tìm ra cái gì thật là mình. Biết được mình cuộc sống mới có giá trị, mọi việc làm mới có ý nghĩa.

Đạo Phật thừa nhận con người là chính, ngoại cảnh là phụ, con người giỏi tốt thì ngoại cảnh cũng tốt, con người dở xấu thì ngoại cảnh cũng xấu, ngoại cảnh tùy thuộc con người. Muốn xây dựng ngoại cảnh, trước phải xây dựng con người, từ ngữ chuyên môn gọi con người là Chánh báo, ngoại cảnh là Y báo. Cái nhà tùy thuộc ông chủ, cần nghiên cứu nguồn gốc xây dựng cái nhà, trước phải biết rõ ông chủ nhà. Đạo Phật chủ trương muốn biết vũ trụ, trước phải biết con người, không biết rõ con người thì vũ trụ cũng không thể biết chính xác được. Đức Phật sau khi giác ngộ thấu suốt vấn đề con người, đồng thời cũng thấu suốt vũ trụ. Tọa thiền soi sáng phăn tìm để phát minh chân lý của con người là vấn đề tối trọng đại, làm sao bảo tiêu cực được.

6.2 Khoa Học Chinh Phục Thiên Nhiên Cứu Cánh Chưa?

Vũ trụ thênh thang vô cùng tận, mạng sống con người ngắn ngủi, sự hiểu biết giới hạn, làm sao tìm biết tường tận vũ trụ được? Hiện nay đa số người xem khoa học là cứu tinh nhân loại, đem lại ấm no sung sướng và thỏa mãn mọi nhu cầu của con người. Sự phát triển của khoa học khiến con người ta phải choáng váng phải nghi ngờ, ngày mai kia sẽ ra sao?

Khoa học là con dao hai lưỡi, bên này cho chúng ta tiện nghi, bên kia chuẩn bị đưa chúng ta vào tận diệt. Các cửa hành chứa đầy ắp vật dụng tinh vi tân tiến, trên đường xe cộ bóng loáng, khi đó trong kho chứa vũ khí giết người hằng loạt, bom nguyên tử, bom khinh khí, bom vi trùng, bom hóa học đang nằm chờ ấn nút. Khoa học đem hạnh phúc lại cho con người, sợ e không bằng đưa kinh hoàng đến với nhân loại. Chúng ta nên mừng hay nên buồn trước sự phát minh vượt bực của khoa học?

6.3 Thiền Hợp Tác Với Khoa Học

Với những nhận định trên, tôi không cố tình gieo rắc nỗi thất vọng chán nản cho mọi người, mà muốn gợi ý để chúng ta cùng tìm phương cứu chữa chứng bệnh thời đại.

Khoa học tiến quá nhanh, các quốc gia tiên tiến đều dốc sức đầu tư cho khoa học, chạy đua không ai chịu thua ai. Một ngày nào đó vật chất thừa mứa, đua nhau giành thị trường, nước này thắng thì nước kia phải bại. Khi đó trong tay mỗi nước có sẵn vũ khí tiêu diệt kẻ thù dễ dàng, nếu tâm những nhà lãnh đạo hung hăng nóng bỏng liệu hậu quả sẽ ra sao? Cần trị chứng bệnh thời đại này, khoa học phải hợp tác với tu thiền là phương thuốc hay nhất. Khi lao mình bay trong vũ trụ chinh phục thiên nhiên, cần giành một ít thời giờ ngồi lặng lẽ soi sáng lại chính mình. Quân bình được hai cực này sẽ đem lại sự bình an chân thật cho con người. Hơn nữa, kẻ hung hăng nóng bỏng sẵn trong tay vũ khí nguy hiểm, hậu quả sẽ không lường. Nếu vũ khí nguy hiểm nằm trong tay người tâm trầm tĩnh từ bi thì có lợi cho con người vô kể. Chúng ta không sợ vũ khí nguy hiểm, chỉ sợ lòng người hung dữ. Chúng ta cần đem tâm trầm tỉnh từ bi tặng lại cho người bạn có vũ khí nguy hiểm. Song phải là đạo đức chân thật thấu suốt và làm chủ mình cùng thương yêu mọi người. Cần quân bình đạo đức ngang bằng khoa học, nhân loại mai kia mới được sống an vui hạnh phúc.

KẾT THÚC

Tất cả cái quý trên thế gian không cái quý nào bằng “mạng sống”. Tất cả cái biết quan trọng trên thế gian, không cái biết quan trọng nào bằng “biết mình”. Trọn đời đức Phật chỉ làm hai việc: Tìm cho ra cái không thật và cái thật mình, chỉ dạy mọi người xoay lại tìm mình để thấy rõ chân tướng chính mình. Phương pháp dạy xoay lại tìm mình tức là “phản quan tự kỷ” chính là pháp tu thiền. Cái trọng đại của con người là biết mình, dù chúng ta biết khắp năm châu, biết khắp vũ trụ, cũng không bằng biết rõ chính mình. Đem hết cuộc đời để nghiên cứu truy tìm cho ra vấn đề trọng đại này đâu phải là việc tầm thường, hướng dẫn người nghiên tầm cho ra vấn đề này đâu phải là việc không cấp thiết. Đã thấy vấn đề quan trọng cấp thiết này rồi, chúng tôi quyết tâm trọn đời phải nghiên tầm cho ra, hướng dẫn người phải thực hành cho được, đây là bản hoài sở nguyện của chúng tôi.

 

[ Quay lại ]