headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/11/2024 - Ngày 30 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

BÁO CÁO XÂY DỰNG TỪ ĐƯỜNG TRÚC LÂM

LỄ KHÁNH THÀNH  TỪ ĐƯỜNG TRÚC LÂM

BÁO CÁO XÂY DỰNG VÀ CẢM TƯỞNG BAN HƯNG CÔNG

Ngày 23/11/2015 (nhằm ngày 12/10 Ất Mùi)

Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca-mâu-ni

Kính ngưỡng bạch trên Hòa thượng Tôn sư chứng minh,

Kính bạch chư tôn Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội,

Kính bạch chư tôn đức Tăng ni,

Kính thưa quý vị lãnh đạo nhà nước, quý quan khách

Cùng toàn thể quý Phật tử và bà con tông tộc hiện diện.

Từ đường Trúc Lâm thuộc ấp Tích Khánh, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Vùng địa linh nhân kiệt này đã sản sinh nhiều nhân tài cho đất Việt, nơi có dòng Hậu Giang chảy ngang đã từng chứng kiến nhiều bậc Hòa thượng đạo cao đức trọng, các bậc chân tu xuất hiện. Hòa thượng Trúc Lâm thượng Thanh hạ Từ cũng là người xuất thân nơi vùng đất thiêng liêng này.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là tinh thần cao đẹp của dân tộc Việt; tri ân người đi trước là bổn phận của người con Phật.

Từ lâu hàng Tăng ni Phật tử môn hạ Hòa thượng mong muốn có ngôi từ đường để làm nơi thờ cúng tổ tiên dòng tộc của người. Nhưng chưa đủ duyên. Đầu tháng 02 năm Ất Mùi, nhân dịp về dự ngày Giỗ tổ Khánh Anh chùa Phước Hậu, Tăng ni cùng Phật tử thuận dòng Hậu Giang xuôi về vùng đất Rạch Tra, thăm viếng nơi nhà cũ của Hòa thượng Tôn sư, hiện thời chỉ còn trơ trọi một tấm bia đá trên diện tích khoảng 80m2, do thầy Phước Cẩn cùng Tăng ni Phật tử mua lại và dựng bia lưu dấu vào năm 2005. Phật tử Nguyên Thiện - thế danh Lê Thị Hiền cảm động trước quang cảnh đơn sơ hiu quạnh nơi sanh quán của Hòa thượng, nên đã phát tâm mua lại khu đất diện tích là khoảng 11.000m2 với tâm nguyện xây dựng một ngôi từ đường tên gọi Trúc Lâm.

Hòa thượng họ Trần, ngài khôi phục và tu theo thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Việc lấy tên hệ phái Thiền đặt cho ngôi từ đường mang ý nghĩa: Từ đường Trúc Lâm chẳng những là nơi tôn thờ tông tộc họ Trần của Hòa thượng, mà cũng là nơi tôn thờ chư vị tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Đây là ngôi nhà chung của gia tộc họ Trần và Tăng ni Phật tử trong thiền phái.

Ngày mùng 01 tháng 06 Ất Mùi được cấp phép xây dựng.

Ngày 10/06 tổ chức lễ động thổ khởi công.

Ngày 16/06 Hòa thượng Thường Chiếu cử chư Tăng về đây phát hoang dọn dẹp mặt bằng và tập kết vật liệu.

Ngày 26/06 đưa nhóm thợ từ Long Thành về bắt đầu cắm mốc quy hoạch xây dựng.

- Các hạng mục:

Bởi sự nghiệp một đời của Hòa thượng tôn sư rất to lớn, không thể tính kể, hàng Tăng ni Phật tử môn hạ đông đảo, do đó việc kiến trúc cũng phải bố trí sao cho phù hợp với sinh hoạt đời thường cũng như những ngày tổ chức lễ. Hướng chính Từ đường nhìn về sông Rạch Tra, có dòng chảy thuận hướng từ trái sang phải, phù hợp lối kinh hành “hữu nhiễu” của nhà Phật.

Hạng mục xây dựng bao gồm:

+ Cổng Tam Quan: Nằm cách mặt sông 10m.

+ Thanh Minh Đài: Thiết đặt đại hồng chung.

+ Pháp Trấn Đài: Thiết đặt trống pháp lớn.

+ Tam Bảo Đường: Thờ đức Bổn sư. Diện tích 260m2.

+ Tổ Sư Đường: Thờ tổ Đạt-ma, Tam tổ Trúc Lâm, cùng tông tộc nội ngoại Hòa thượng. Diện tích 306m2.

+ Thiệu Chân Đình: Nhà tôn trí bia đá khắc ghi nơi sanh trưởng của Hòa thượng.

+ Nhà Trường Lang: Nhà nối giữa Tổ sư đường và Hương nhũ đường.

+ Hương Nhũ Đường: Nhà ăn cùng 2 nhà kho hai bên.

+ Trù Phòng: Nhà bếp.

+ Tôn Sư Đường: Nơi nghỉ ngơi của Hòa thượng Tôn sư.

+ Tôn Đức Đường: Nơi ở của chư Tôn đức lớn, đệ tử của Hòa thượng.

+ Thanh Tịnh Đường: Nơi ở của lãnh đạo nhà Từ đường.

+ Trí Tuệ Đường: Nơi ở chư tăng.

+ Quảng Văn Đình: Là ngôi là 5 gian dùng để tiếp khách.

+ Hai ngôi nhà Lục Giác: Là nơi khách ngồi nghỉ ngơi.

Theo dự kiến ban đầu, các hạng mục sẽ được xây dựng bằng xi-măng, lợp ngói, nền lát đá hoa cương. Nhưng sau chuyến thăm công trình lần thứ hai vào ngày 25 tháng 08 Al, Hòa thượng Thường Chiếu quan sát thấy số lượng hạng mục xây dựng, tiến độ thực hiện, số lượng nhân công, và thời lượng còn lại, dự báo sẽ không kịp hoàn thành đúng ngày ấn định, bởi ngày khánh thành đã được quyết định. Cho nên Hòa thượng hoạch định lại một số hạng mục, như: cổng tam quan, nhà chuông trống, nhà lục giác, nhà bia, các dãy trường lang và nhà Quảng Văn Đình làm bằng gỗ. Đồng thời bổ sung 5 nhóm thợ từ các nơi về tham gia hỗ trợ.

Do đó vào đầu tháng 09 Al các hạng mục được triển khai thực hiện đồng loạt, liên tục tăng ca làm vào ban đêm. Công việc được thực hiện khẩn trương cho đến cuối tháng 09 Al thì các phần cơ bản đã hoàn tất, chỉ còn vài phần chi tiết vẫn còn thực hiện cho đến ngày mùng 09 tháng 10 Al thì kết thúc.

+ Tượng đức Bổn sư được chế tác từ gỗ, tôn trí tại Tam Bảo Đường.

+ Tượng tổ Đạt-ma chế tác từ gỗ, Tam tổ Trúc Lâm chế tác từ đồng, tôn trí tại Tổ Sư Đường.

+ Bao lam, tủ thờ, bàn ghế, cửa chánh, cửa sổ được làm từ gỗ gõ đỏ, căm xe...

Chung quanh Từ đường được thiết kế lối đi rộng 4m, khách đến thăm viếng vào những ngày thường có thể vào ra thuận tiện. Lối đi này được kết nối với đường bộ của nông thôn, vốn là một con đường bê tông rộng 1m1, được gia cố thêm mỗi bên 1m từ cổng ấp cho tới Từ đường. Trong giai đoạn thi công công trình, con đường này đã hỗ trợ tích cực cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng để công trình được hoàn thiện nhanh chóng. Đồng thời cũng hỗ trợ thuận lợi cho việc đi lại của bà con nơi này.

Kính bạch chư tôn đức,

Kính thưa quý cấp chánh quyền và toàn thể Phật tử.

Từ tấm lòng quý kính đối với Hòa thượng Tôn sư, chúng con kẻ công người của đồng lòng dồn hết tâm huyết và sức lực thực hiện công việc. Việc nhiều và cấp bách, buộc chúng con phải tính toán thật kỹ lưỡng để tránh đi những sai sót đáng tiếc, đồng thời cố gắng vượt qua nhiều khó khăn chủ quan cũng như khách quan để hoàn thành công trình đúng thời hạn.

Thời gian có hạn, chúng con cố gắng làm những gì mà Hòa thượng Tông sư từng sắp đặt trong suốt cuộc đời hành đạo. Ngôi từ đường với lối kiến trúc đơn sơ, không cầu kỳ trau chuốt, sự bày trí thờ cúng vừa đủ phù hợp với ý nghĩa. Công trình tuy chẳng phải là kỳ quan, song ý nghĩa thật lớn lao. Đây là một Phật sự trọng đại và kỳ diệu đối với chúng con. Là phẩm vật được tạo thành từ nguồn nguyên liệu, sức lực cùng tâm chí thiết tha của chúng con cùng toàn thể Tăng ni Phật tử môn hạ của Người. Giờ đây công việc đã hoàn thành, mong ước chúng con đã toại nguyện, thật không có gì vui hơn. Hôm nay trong ngày vui này, chúng con xin thành tâm dâng lên cúng dường Hòa thượng, mong Người hoan hỷ chứng tri cho.

Và đây cũng chính là tấm lòng của hàng Tăng ni Phật tử và bà con tông tộc. Muôn người như một hoan hỷ, hòa hợp và chia sẻ Phật sự này. Có lẽ đây chính là động cơ làm nên sức mạnh giúp công trình nhanh chóng đạt thành sở nguyện.

Kính bạch Thầy,

Tri ân Thầy, chúng con cũng biết ơn hết thảy những người chung quanh. Mỗi người có mặt nơi đây đều là thân bằng quyến thuộc, là duyên lành hỗ trợ cho nhau, là những yếu tố cấu thành ngôi từ đường. Mặc dù trong công việc xây dựng khác nhiều với đời sống tại thiền viện nhưng chúng con vẫn luôn giữ được mình, biết cách điều hòa trong công việc và những liên hệ chung quanh. Chúng con cũng rèn luyện được những đức tính nhẫn nhục, hòa hợp và tha thứ, từng bước trưởng thành. Cùng nhau gầy dựng quyến thuộc Bồ-đề, làm cho tình Linh sơn cốt nhục càng thêm thắm thiết.

Công trình được thành tựu trọn vẹn như hôm nay, xin chân thành tri ân chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa Đại đức tăng ni. Kính chúc quý ngài phước trí nhị nghiêm, Phật sự viên thành.

Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của lãnh đạo các cấp chánh quyền, chúc quý vị cùng toàn thể nam nữ Phật tử, bà con thân tộc thật nhiều an lạc và thành công trong công việc.

Xin chân thành tri ân cùng toàn thể.

Dù thời gian qua nhanh như ánh chớp, việc đời hư ảo như khói sương, nhưng tấm lòng, niềm tri ân là điều chân thật trường cửu; cái nghĩa cái tình càng làm ấm áp cho quê cha đất tổ, hoài niệm cội nguồn tổ tiên sẽ khơi mầm đạo đức tăng trưởng. Đó là điều chúng con đã làm được và cũng sẽ giúp cho người sau làm được.

Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.
 

[ Quay lại ]