headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 15/11/2024 - Ngày 15 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Sách Mới

Nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (1010 - 2010). Ban Văn Hóa Thường Chiếu tái bản loạt sách  của Hòa Thượng Thích Nhật Quang. Ban biên tập website thuongchieu.net xin giới thiệu đến quí đọc giả gần xa.



Đức Phật trong đời

Đức Phật đến trong cuộc đời là một con người bằng xương bằng thịt, vui những nỗi vui của trần gian, đau những nỗi đau của con người. Để từ đó Ngài vươn lên và vực dậy giấc trường mộng Nam Kha. Không có loài người và trần gian thì Thế Tôn cũng sẽ không thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Có thể nói trần gian, nhân loại là chất liệu tựu thành một cuộc hành trình bất diệt của đấng Như Lai. Từ đó suốt 49 năm và còn hơn thế nữa, hình bóng Thế Tôn in dài năm tháng, đi vào lòng nhân loại, vào lòng cuộc đời. Trần gian tỏa sáng, bóng tối dần tan. Như Lai là sức sống, là hơi thở nhiệm mầu hiện hữu trong chúng con và tất cả muôn sinh. Nếu không có Phật chúng con không có được ngày hôm nay. Đơn sơ, bình dị trong cuộc cộng sinh vốn dĩ lênh đênh rộn ràng.

Và như thế,

Ngày Phật đản sinh cũng là ngày trần gian vui đón đấng Từ phụ muôn thuở. Đức Phật đến với chúng con, chúng con có trong cuộc đời, cuộc đời hiển hiện dưới đáy mắt bình an của Như Lai. Hòa nhập. An thường. Để từ đây cát bụi phù du chợt dậy chợt tan trong huyễn cảnh vô thường xin một lần được trở về bầu trời không lặng. Là một chút gió, một chút mây nổi trôi điểm xuyết trong cuộc đời.

Chúng con cung kính cúi đầu trước đấng Từ phụ, xin nguyện đời đời nép mình dưới ánh từ quang, nối gót Như Lai đi suốt cuộc hành trình đến ngày tròn đầy quả giác mới vừa lòng con.



Suối Reo Rừng Trúc

 Vua Trần Nhân Tông sau khi rời bỏ ngôi vị đế vương, Ngài đã dứt khoát chọn cuộc sống sơn tăng, an nhàn tiêu sái, tự tại trên non thẳm, không gì có thể buộc ràng. Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca đã ra đời nơi đây, hòa với suối reo rừng trúc thành bản thiền ca thánh thót vi vu.

Để từ đó,

Trong từng phút giây hiện thực những trống vắng đảo điên không còn nữa. Khoảnh khắc hiện thân sống lại con người thực của mình, không thêm thắt họ tên hay bất cứ gì khác. Phút giây này thiên thu. Người xưa nói “một niệm muôn năm”, cũng nói “khoảnh khắc tròn đầy xưa nay, không hề vắng thiếu.” Đột phá vào được chỗ này rồi thì suối reo trắng gội mà tất cả hiện thành. Suối reo rừng trúc, muôn cây nội cỏ cho đến tất cả pháp giới chúng sanh, mười phương các bậc Hiền Thánh thảy đều ở trong ấy. Nhi nhiên tĩnh tại.

Ô hay! Chừ,

Đường trần thênh thang, niệm trần vô vàn ta luôn bình yên. Chừng ấy, riêng tư biền biệt vắng bóng muộn phiền, tròn đầy bi nguyện hiện tiền. Và như thế, Suối Reo Rừng Trúc nhập bước cô thôn, trời thiền rực sáng. Bài ca thành đạo của Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã cùng muôn sinh reo vang khúc diệu thường, từ muôn xưa cho đến muôn sau.



Nửa ngày của Thái Thượng Hoàng

Nỗi trăn trở lớn của con người là cuộc sống và danh dự cuộc sống. Sống thế nào có ý nghĩa, có sự nghiệp và danh dự sáng ngời. Mang một kiếp người mất quyền sống vì bị lệ thuộc vào nhiều thứ thì nỗi ray rức đắng cay mãi mãi đeo mang suốt đời. Và như thế, cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa, mất sức vươn lên, mất sức sống. Để rồi cuối bước phiêu lãng, không ít khách phong trần đã phải ngửa mặt ngậm từng ngụm mây trôi: “Ta trải một đời xuôi ngược, mọi thứ qua nhanh. Tuy nhiên, miếng chung đỉnh vẫn mù tăm, vẫn lao đao lận đận tự thuở nào!”

Cười nhạt một thoáng, giật mình một giấc, Điều Ngự Giác Hoàng choàng dậy trong nhung lụa mơ màng. Bất ngờ như chưa từng có, hiển hiện như chưa từng không. Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, Ngài đã vươn lên trong khoảng đời khó vươn lên nhất, thắp sáng hiện hữu, bừng dậy tròn đầy một sức sống cho mình cùng tha nhân. “Nửa gian lều quý nửa thiên cung. Ba phiến ngói yêu hơn lầu gác”. Đã thế, có gì ngần ngại để biến chốn kinh kỳ thành núi rừng muôn thuở. An nhiên, tự tại, giải thoát hoàn toàn. Thượng Hoàng dõng dạc bước lên thẳng đầu nguồn với suối rừng chim hót, hoa cỏ xinh tươi, sống một đời ai dám buộc ràng?

Tuy nhiên như thế, Ngài đã để lại tấm gương cho hậu thế soi chung về một cuộc đời mẫu mực dung hòa. Bên thì vui đạo, bên lại vẹn đời. Ngài hoàn thành một cách tuyệt vời nếp sống ở đời vui đạo qua bài phú Cư Trần Lạc Đạo. Tất cả những gì Thượng Hoàng tâm đắc, tâm nguyện và tâm chứng trong từng hơi thở của mình đều in trên khuôn bản đó, đến nay vẫn còn lung linh sức sống đạo giữa cõi đời ô trược này. Thử bắt đầu bằng phân nửa ngày của Thượng Hoàng rồi ta sẽ thấy bình yên giữa thế gian. Ta sẽ sống và sống trong tâm đạo huy hoàng sáng rực. Từ đó, mọi ưu phiền vứt sạch, tùy duyên linh hoạt, không còn nữa những ngày buông hình bắt bóng, bôn ba xuôi ngược trong vạn nẻo tử sinh.

Trên tinh thần đó, thiền tăng Thường Chiếu đã được Hòa thượng Ân sư từng bước dìu dắt tu hành theo dấu Tổ sư Trúc Lâm. Và một lần nữa, chúng tôi đã cùng huynh đệ cúi mình học tập lại cuộc sống của Điều Ngự Giác Hoàng. Học Thượng Hoàng Trần Nhân Tông là sống thực và là cuộc sống vui tích cực, hài hòa, lắng yên trên đỉnh cao của sự thế. Ta không chạy trốn bao giờ. Ta vẫn là ta giữa tất cả mà trọn vẹn, sống động, an nhiên, siêu thoát. Nhận thấy sự lợi ích lớn lao và nét đẹp tiêu sái của Ngài qua bài phú Cư Trần Lạc Đạo, thiền sinh Thường Chiếu đã ghi lại bài giảng của chúng tôi để anh em lấy đó làm khuôn phép trên bước đường tu hành. Tùy hỷ và chân thành hòa cùng tâm nguyện của huynh đệ, mong tất cả chúng ta sẽ vui sống đạo như chính Tổ sư đã dạy, nên tôi cho ra mắt tác phẩm này.

Nửa ngày của Thái Thượng Hoàng ra đời với những lời nói mộc mạc chân tình cùng huynh đệ trong nhà, nên không sao tránh khỏi những sơ suất của nó. Mong bạn đọc chỉ nhận ý quên lời, để chúng ta cùng nhau chia sẻ chút niềm vui. Được thế, chúng tôi không ngại lời lẽ vụng về, xin được đặt bút ghi lại đôi dòng tăng quê.


 

Từ Ân của Mẹ

Công đức sinh thành của cha mẹ cao hơn núi, sâu hơn biển, không cách chi đền đáp cho cân. Mẹ sanh con bú xú bao năm, ẳm bồng từng li từng tí, chẳng những trong đời này, cho dù trải dài kiếp số vô lượng cũng không kể xiết.

Mỗi bước chân con đi qua trong cuộc đời là máu xương cha nhỏ xuống. Mỗi giây phút con buồn vui sướng khổ là trái tim mẹ bật khóc bật cười. Tâm của cha. Lòng của mẹ. Mười phương chư Phật, tất cả hiền thánh, vạn loại sinh linh thảy đêàu cảm trọng tri ân.

Nơi đây,

Ngôn từ rất cạn, ý tứ rất vơi mà thâm ân cha mẹ thì cao tột. Xưa ngài Động Sơn cất bước du phương chí cầu quyết trạch sanh tử. Mẹ Ngài đã đinh ninh dặn dò “Con có ý bỏ mẹ, chớ mẹ nào có tâm quên con. Từ khi con cất bước tha phương, ngày đêm mẹ thường rơi lệ. Nay con lại thệ chẳng về quê, mẹ cũng tuỳ chí nguyện của con. Chỉ mong con như Tôn giả Mục Liên độ mẹ thoát khỏi trầm luân tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy e phải có tội, con cần giải quyết cho xong”. Đây không chỉ là lời dặn dò của một bà mẹ mà là di huấn của mười phương các đức Như Lai. Lời này đã trở thành một sứ mệnh cho những người con Phật.

Thế nên, đạo lộ giác ngộ giải thoát sẽ mở ra cho những ai biết quay về nguồn cội. Và niềm tin, và ước mơ không còn là viễn mộng khi cha mẹ từng bước được chính con dìu lên bến bờ an vui.

Nhân mùa Vu Lan về, đôi dòng mạo muội này hy vọng nhận được sự đồng cảm của bạn lứa anh em. Có thế một chút tâm thành nơi đây mới không hổ thẹn với đấng sanh thành.

 


 

 

 

[ Quay lại ]