headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 12/10/2024 - Ngày 10 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Năm Ngọ Nói chuyện NGỰA TRONG CỬA THIỀN

giapngo Tông Diễn

Nhân bước sang năm Ngọ, xin nhắc lại một số hình ảnh liên quan đến ngựa góp phần lịch sử trong Phật giáo.

Kiền-trắc

Trước tiên không thể không nhắc đến chú ngựa sinh cùng một ngày với thái tử Sĩ-đạt-ta (Siddhārtha), đó là Kiền-trắc (Kanthaka). Với lịch sử vĩ đại của đức giáo chủ thì ở đây nói nhiều về Kiền-trắc có lẽ cũng thừa, vậy thì điểm qua vài nét trong sử tích ghi lại. Trong đó đỉnh điểm là chuyến đi cuối cùng giữa đêm khuya, cũng là lần giã biệt Thái tử.

Khi biết hoàng nam Tịnh Phạn Vương,
Ðại danh lừng lẫy, cưỡi lưng con,
Với tâm phấn khởi, đầy hoan hỷ,
Con rước người vô thượng chí tôn.

Chia ly bên giòng A-nô-ma, ngựa bịn rịn liếm chân Thái tử, Xa-nặc dắt ngựa trở về thành. Kinh nói: Con ngựa chúa đi sau Xa-nặc thường ngoảnh đầu nhìn về hướng Bồ-tát cất tiếng hý như kêu Bồ-tát, nước mắt tuôn ướt cả mặt. Trước khi ngựa chúa này ra đi, đầy đủ khí lực vui đùa chạy nhảy, từ khi thấy Bồ-tát cạo bỏ râu tóc, xả tục xuất gia, tâm sinh ưu sầu khổ sở, luôn luôn buồn rầu áo não, thân hình gầy ốm, khí lực suy giảm, dầu cho bây giờ ngựa Kiền-trắc có dùng chuỗi anh lạc trang điểm cũng không thấy có oai thần thế lực, vì tâm buồn rầu xa cách Bồ-tát, thường ngoảnh đầu nhìn lại, đôi mắt lệ trào ướt cả mặt mày, cất tiếng buồn thảm hý vang trên đường, buồn đến nỗi không ăn cỏ uống nước, do đó nên thể lực suy dần, thân hình ốm yếu không thể đi nhanh được, đôi mắt lúc nào cũng đầy ngấn lệ. Khi Bồ-tát cưỡi ngựa Kiền-trắc vượt thành đến xứ Di-ni-ca chỉ trong thời gian nửa đêm, còn nay do vì buồn khổ bức xúc, thân hình ốm yếu nên thời gian trở vể mãn tám ngày mới đến thành Ca-tỳ-la.

Khi về đến cổng thành phía đông, Kiền-trắc không chịu vào trong thành. Ngựa quay mặt nhìn về hướng dòng sông A-nô-ma, với hai hàng nước mắt nhớ thương Thái tử cứ tuôn ròng trên gương mặt sầu não không buồn nhìn ai. Thần mã đứng đó suốt bảy ngày đêm bỏ ăn bỏ uống, đến khi quá kiệt sức mà gục chết trong sự quý tiếc của mọi người. Vua Tịnh Phạn thương con vật trung thành thật hiếm có, nên đã cho xây cái tháp tại chỗ con ngựa đứng cạnh gốc cây, để tưởng niệm Kiền-trắc trung thành một lòng với chủ. Nhưng giặc Hồi tàn nhẫn dã man, cái tháp của ngựa Kiền-trắc cũng bị đập phá san bằng bình địa. Bây giờ chỉ còn cái nền khuôn tháp trên gò, dưới bóng cây trước cổng thành hướng đông.

Trước đó, trong cuộc tỷ thí cầu hôn được ghi lại, đến phần thi ngựa, một con ngựa chứng vô cùng hung dữ được dắt ra cho mọi người cưỡi thử. Không ai có thể leo lên lưng nó được, cuối cùng một chàng trai cũng ngồi được trên lưng nó, nhưng chỉ một lát nó đã nhảy lồng lên hất người ngồi trên lưng văng xuống đất. Đám kỵ mã hốt hoảng giữ ngựa lại, mọi người phản ứng đòi dừng cuộc đấu, không để Thái tử đền gần ngựa, rất nguy hiểm. Nhưng Thái tử ung dung tiến ra chỗ con ngựa, ngài nhẹ nhàng nắm lấy bờm nó, miệng thì thầm vào lỗ tai nó, vuốt ve lên đầu lên mình nó, nó đứng yên ngoan ngoãn như đã rất quen thuộc Thái tử. Ngài nhảy lên mình ngựa đi ba vòng sân giữa tiếng hoan hô của khán giả, rồi trở lại chào hai vị quốc vương. Có chỗ nói chú ngựa này là Kiền-trắc.

Kiền-trắc sau khi mạng chung, sinh lên cõi trời Đao-lợi. Biết Thái tử đã thành đạo, vị thiên tử này sinh vào nhà người Bà-la-môn thành Na-ba ở nước Trung Thiên Trúc, lớn lên người con Bà-la-môn ấy đến chỗ đức Phật nghe ngài thuyết pháp, được giải thoát và vào Niết-bàn.

Bạch Mã Tự

Ngôi chùa đầu tiên ở Trung Hoa, kỷ niệm công lao hộ pháp của ngựa trắng. Nhân duyên Phật pháp trường tồn đến ngày nay, dù có trải qua nhiều phen binh lửa rồi được khôi phục, số phận không buồn như tháp của Kiền-trắc.

Tương truyền vào nửa sau thế kỷ đầu Tây lịch, kinh Phật mang từ Ấn Độ về được chở trên những xe ngựa trắng nên từ đó chùa có tên là Bạch Mã, đây cũng là nơi giáo đoàn truyền giáo đầu tiên của đạo Phật lưu trú. Cũng có thuyết nói chùa này được dựng lên để tưởng nhớ Nhiếp-ma-đằng và Trúc Pháp Lan, hai thánh tăng người Thiên Trúc đã cưỡi ngựa trắng mang kinh điển từ Tây Vực đến Trung Hoa hoằng pháp. Lương Cao Tăng Truyện nói: Quốc vương bên Thiên Trúc là Khải Vương thường đem quân phá huỷ các chùa, duy chỉ chùa Chiêu Đề chưa bị phá hoại, sau có con ngựa trắng ban đêm đi nhiễu quanh tháp chùa mà kêu rống bi ai, nhà vua bèn ngưng huỷ phá và đổi tên chùa là Bạch Mã. Vua Minh Đế nhà Đông Hán khi làm ngôi chùa Phật đầu tiên do theo điển tích này mà gọi là chùa Bạch Mã.

Tuy nhiên dù sự tích nào thì ngôi chùa được lập nên cũng khởi nguồn từ giấc mộng của vua Hán Minh Đế (58-75 TL). Một đêm vua nằm mơ thấy một người thân vàng ròng cao trượng sáu, toả ra ánh sáng rực rỡ, bay đến cung điện. Sáng ra vua hỏi quần thần về điềm mộng ấy. Quan thái sử là Phó Nghị tâu:

- Vào ngày mùng tám tháng tư, năm thứ 24 thời Chu Chiêu Vương xảy ra hiện tượng lạ kỳ, núi sông chấn động, xuất hiện hào quang năm sắc xoay vần trên sao Thái Vi. Đương thời quan thái sử Tô Do phụng tấu: “Nhất định có thánh nhân giáng sinh tại phương Tây, nên mới xuất hiện điềm cảm ứng tốt lành trên trời như vầy. Một ngàn năm sau, giáo pháp của vị thánh nhân đó sẽ được truyền sang Trung Thổ.” Nghe như thế, Chu Chiêu Vương lập tức hạ lệnh khắc việc này trên đá để làm bia truyền mãi mãi. Giấc mộng đêm hôm qua của bệ hạ, nếu tính theo thời gian thì có sự liên quan mật thiết.

Hiện tại thần nghe rằng ở Thiên Trúc có Phật, bệ hạ mộng thấy người vàng, thì nhất định đó là đức Phật vậy.

Vua bèn sai đoàn sứ giả cùng tuỳ tùng mười tám vị đi Tây Trúc tầm cầu Phật pháp. Phái đoàn đi đến nước Đại Nhục Chi thì gặp hai tôn giả Ma-đằng và Trúc Pháp Lan bèn thỉnh cầu qua Trung Thổ hoằng hoá. Đoàn dùng ngựa trắng chở tượng Phật, xá-lợi và kinh lá bối về đến thành Lạc Dương. Vua đón tiếp hai vị cao tăng, sau đó cho xây dựng chùa Bạch Mã, trên vách chùa vẽ cảnh nghìn xe muôn ngựa nhiễu quanh bên phải ba vòng. Tương truyền kiểu chùa bắt chước tinh xá Kỳ Viên ở Ấn Độ. Hai tôn giả ở đây dịch kinh và thị tịch tại chùa. Các vị cao tăng Khương Tăng Hội, Đàm Đế, Bạch Diên thời Tào Nguỵ, Trúc Pháp Hộ thời Tây Tấn, Đàm-ma-lưu-chi, Phật-đà-phiến-đa đời Bắc Nguỵ, Phật-đà-đa-la đời Đường v.v... đều đã từng dịch kinh ở đây.

Long mã trong chuyến Tây du

Câu chuyện Tây Du Ký có lẽ đã quá quen thuộc với người Á Đông. Tuy nhiên sự thật thì Đường Tam Tạng gần như đơn thân độc mã suốt cuộc hành trình tìm về cội nguồn Phật pháp, ngài vượt thành đi về phía Tây trong sự cấm đoán nghiêm ngặt của triều đình, qua hơn trăm nước lớn nhỏ, hoàn thành tâm nguyện cầu học thỉnh kinh.

Vừa đi vừa trốn, ra khỏi Tần Châu, Lan Châu, Lương Châu, đến Qua Châu thì con ngựa bệnh chết, một người bản xứ trẻ xin theo làm đệ tử, nên ngài mua hai con ngựa để chuẩn bị ra đi. Hôm sau đệ tử dẫn tới một ông già người Hồ cưỡi một con ngựa hồng, già và gầy đến. Ông già khuyên ngài đừng đi, đường sá rất hiểm ác, sa mạc, bão cát,… trăm rủi nghìn nguy. Nhưng ý ngài đã quyết, ông lão đề nghị đổi ngựa: tuy nó già, nhưng khoẻ, lanh lẹ và kinh nghiệm. Ngài đồng ý. Chiều tối hai thầy trò ra đi, nửa đêm qua sông Qua Lô, gần đến Ngọc Môn Quan thì tên đệ tử bỏ cuộc trở về. Từ đây, một mình một ngựa, ngài Huyền Trang bắt đầu đi vào sa mạc mênh mông không bờ bến, biển cát nhấp nhô lồi lõm không có lối đi, chỉ lần theo những đống xương khô cùng phân thú mà tiến bước.

Ngựa đi từng bước chậm chạp khó khăn trong gió cát, từng hồi từng chặp ảo ảnh hiện ra trước mắt rồi lặn mất như ma quỷ trêu ngươi.

Qua bốn Phong hoả đài với mấy lần suýt trúng tên, quan trấn thủ chỉ đường cho ngài tránh đồn thứ năm, đi đường khác thẳng đến suối Dã Mã, lại đi về phía Tây là đến Mạc Hạ Duyên Tích (Qua Bích). Nhắm hướng mà đi, trừ ngài và con ngựa, nơi đây không một bóng chim vết thú, không một ngọn cỏ, một giọt nước! Bão cát rơi xuống như mưa giông, đánh rào rào vào mình ngài và ngựa, từng đám mây cát che lấp cả chân trời. Ngài đi suốt ngày gần trăm dặm, nhưng không tìm được suối Dã Mã. Ngài đã lạc đường! Mệt nhừ, xuống ngựa lấy nước ra uống, nhưng túi nước to nặng quá, mà ngài đuối sức tuột tay đánh đổ xuống cát! Chao ôi, còn gì nữa!! Ngài quay ngựa định trở lại đồn thứ tư lấy nước, đi chừng mười dặm bỗng hồi tâm nhớ lời phát nguyện: chưa đến được Tây Trúc thì dù chết cũng không quay trở lại.

Lập tức ngài quành ngựa nhắm phương Tây thẳng tiến. Trong đêm tối, mù mịt, gió bão, mưa cát … Ngài đi suốt năm ngày đêm, không có một giọt nước. Ban đầu môi lưỡi khô khốc, sau toàn thân nóng rát, thở ra hít vào đều đau đớn khó chịu. Miệng khan ruột cháy, mắt khô rốc không mở ra được. Con ngựa không bước nổi. Người và ngựa ngã quỵ, mê man.

Đến nửa đêm bỗng một trận gió mát tê người thổi đến, như một thùng nước lạnh dội lên toàn thân, ngài dần dần hồi phục, mắt mở ra được. Thấy dễ chịu trong mình, ngài thiu thiu ngủ, được một chốc bỗng ngài mộng thấy một người cao lớn dị thường, tay nắm cờ tay nắm giáo đứng trước mặt nạt lớn: “Tại sao không mau mau tinh tấn lên đường mà còn nằm ngủ nữa!” Con ngựa đứng lên hý vang, ngài vùng dậy, gượng leo lên lưng ngựa, hối hả lên đường. Con ngựa gắng đi được năm sáu dặm đường, bỗng nó quay sang lối khác, hăng lên chạy không sao cản được, ngài cứ để cho nó đưa đi. Một chốc, ngài gặp bãi cỏ xanh mướt. Giữa đám cỏ ấy có một giòng suối ngọt trong vắt. Ngài mừng quá nhảy ùm từ trên mình ngựa xuống khe nước, người và ngựa uống no nê rồi nằm trên cỏ ngủ suốt một ngày.

Hôm sau, ngài lại tiếp tục đi thêm hai ngày nữa mới ra khỏi sa mạc Qua Bích và đến địa giới nước Y Ngô. Tổng cộng tám ngày ngài vượt qua tám trăm dặm trên sa mạc Gobi.

Từ những chú ngựa trên, Ngô Thừa Ân đã cấu tạo nên hình ảnh thần thoại Bạch Long Mã đưa Đường Tăng qua một muôn tám nghìn dặm trong hành trình Thiên Trúc. Nói thêm một chút khi ngài Huyền Trang còn tu học ở Trường An. Thời đó có hai vị pháp sư nổi tiếng là Pháp Thường và Tâm Biện, đã dẫn dắt ngài. Đây là hai giảng sư rất uyên thâm về luận đại thừa, chính hai giảng sư này nói rằng: Người này thật sự là con ngựa câu ngàn dặm trong hàng Thích tử, chiếu sáng mặt trời trí tuệ sẽ là bổn phận của người. Rất tiếc chúng tôi đã lớn tuổi nên không chứng kiến được sự thành công rực rỡ đó…

Bồ-tát Mã Minh

Chúng ta biết đến ngài như một vị tổ Phật giáo đại thừa. Tên của ngài đã là truyền kỳ. Tương truyền khi Bồ-tát sinh ra, cảm động đến bầy ngựa đều hý vang không dứt. Lại có thuyết khác về tên hiệu của ngài, nói rằng khi Bồ-tát thuyết pháp, có thể khiến cho bầy ngựa lắng nghe rồi rơi lệ kêu thương. Nên gọi ngài là Mã Minh.

Trong sách Phật Tổ Đạo Ảnh nói: Ðại sỹ xưa kia là vua nước Tỳ-xá-lợi. Trong nước có hạng dân chúng thuộc giai cấp thấp hèn, họ không có cơm ăn áo mặc, trần truồng như ngựa. Nhà vua thương xót loại người này, đã dùng nguyện lực thần thông biến hoá phân thân làm tằm, nhả tơ vô số, khiến những người ấy có đủ áo mặc. Sau đó, ngài sinh vào Ấn Độ, lúc đó những người có kiếp sống như ngựa đều quyến luyến, nên gọi là Mã Minh.

Truyện Bồ-tát Mã Minh do ngài Cưu-ma-la-thập dịch, kể rằng vua nước Nhục Chi cho cột bầy ngựa đói trước hội trường khi Bồ-tát thuyết pháp, sai mang cỏ đến cho chúng ăn, song tất cả mấy con đó đều nhỏ nước mắt, chẳng một con nào thèm ăn cỏ. Từ đó mọi người mới hay ngài chẳng phải là một Tỳ-kheo bình thường, vì ngay cả ngựa cũng hiểu được âm thanh thuyết pháp của ngài.

Ngài là vị Tổ thứ mười hai của Thiền tông. Đề cập đến lịch sử Thiền tông thì không thể không nhắc đến một vị Tổ nữa cũng họ Mã, theo dòng truyền thừa ngài là Tổ thứ ba mươi lăm tính từ đức Phật Thích-ca.

Mã Tổ

Chuyện kể mẹ ngài không sinh được con trai nối dõi tông đường nên lên chùa La Hán ở Thập Đô cầu tự, không lâu quả nhiên mang thai, sinh ra ngài đặt tên là Mã Câu. Ngài dung mạo lạ thường, đi như trâu, nhìn như cọp, lưỡi dài quá mũi, dưới hai bàn chân có khu ốc. Lúc nhỏ ngài rất ít nói, cũng không đùa nghịch như các trẻ khác, thường lên chùa học kinh gõ mõ cùng các chú tiểu. Thầy trụ trì nhận ngài làm tục gia đệ tử, dạy các kinh Lăng-già và Kim Cương, ngài chỉ nghe một lần là thuộc. Thầy dạy ngài đến Từ Châu tìm Hoà thượng Đường học đạo. Ngài về nhà xin phép cha mẹ được chấp thuận. Đến Từ Châu gặp Hoà thượng Đường, Hoà thượng hỏi nguyên nhân muốn xuất gia: có phải vì cha mẹ mất, thi trượt, thất tình hay khổ tâm nào khác? Ngài thưa:

- Đều không phải, con chỉ muốn học thành Phật.

- Phật không thể học thành, học chỉ là ngôn ngữ có thành cũng chỉ là Phật gỗ Phật bùn.

- Phật không thể học thành tại sao ánh mắt Sư phụ lại tỏ đầy trí tuệ? Mãnh hổ trải qua huấn luyện cũng thành hiền từ. Đạt-ma dùng nhánh lau qua sông mà Thiền pháp được truyền khắp thiên hạ, sao nói Phật không thể học?

- Nói hay lắm, ngày mai sẽ xuống tóc cho con.

Hôm sau, Hoà thượng Đường đặt pháp danh cho Mã Câu là Đạo Nhất.

Sư phụ sắp tịch, dạy ngài tới nương sư huynh Vô Tướng là đệ tử truyền y của Hoà thượng. Lại dạy đến Du Châu thọ cụ túc giới với Luật sư Viên. Sau đó theo lời khuyên, ngài đến tập thiền tại viện truyền pháp ở Nam Nhạc.

Thấy ngài siêng ngồi thiền, thiền sư Hoài Nhượng hỏi:

- Ðại đức ngồi thiền để làm gì?

Ðạo Nhất thưa:

- Ðể làm Phật.

Sư lấy cục gạch mài trên hòn đá Ðạo Nhất ngồi. Ðạo Nhất thấy lạ hỏi:

- Thầy mài gạch để làm gì?

- Mài để làm gương.

- Mài gạch đâu có thể thành gương được?

- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?

- Vậy làm thế nào mới phải?

- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải? đánh trâu là phải?

Ðạo Nhất lặng thinh, Sư nói tiếp:

- Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia.

Ðạo Nhất nghe như uống đề-hồ, xin Sư chỉ dạy pháp yếu, được khai ngộ tâm ý siêu nhiên, theo hầu Sư suốt mười năm, ngày càng nhận sâu lý đạo. Một lần theo thầy ra ngoài, thấy dân sơn cước quảy những bó củi lẫn đồ vật, trong có mảnh gương lấp lánh, ngài xúc động nghi tình hỏi sư phụ:

- Gương chiếu người rồi ánh sáng đi đâu?

Sư cười hỏi ngược lại:

- Hình ảnh ông lúc trẻ thơ giờ ở đâu?

 Ðạo Nhất nghe liền ngộ. Tổ bỗng hỏi:

- Đạo Nhất, giọng nói của ông có phải là người Tứ Xuyên không?

- Con người Hán Châu.

- Tôi nghe nói ông xuống tóc với Xứ Tịnh ở Tư Châu, thọ đại giới với Luật sư Viên ở Du Châu mà?

- Dạ, nhà con ở Thập Đô gần La Hán Tự.

- Cái gì? Thập Đô, La Hán Tự? Lúc chưa xuất gia ông tên gì?

- Dạ, Mã Câu.

- Đạo Nhất! Canh ba đêm nay ông đến phòng tôi.

Canh ba Đạo Nhất đến phương trượng, Hoài Nhượng kể lại lúc Sư khế hội nơi Lục Tổ, ngài thưa:

- Sư phụ, đoạn công án này chúng đệ tử đều thuộc nằm lòng sao nửa đêm Thầy còn kể cho con nghe?

- Đúng vậy, có một chi tiết chỉ có Lục Tổ và tôi biết, nay tôi nói cho ông nghe.

Sư bèn thuật cho ngài nghe lời sấm ký của tổ Bát-nhã-đa-la và chuyện Lục Tổ một hôm đang ngồi thiền thấy một con tuấn mã phi thẳng đến trước mặt, cất vó lên trời hý vang. Tổ giật mình ra khỏi đại định. Mới đầu Tổ cho là ma cảnh, nhưng bỗng nghe tiếng nói bên tai: “Huệ Năng, đây không phải ma cảnh, mà là điềm báo sau này dưới trướng học trò ông xuất hiện một nhân tài sẽ dương danh Thiền pháp khắp thiên hạ.” Sư bảo:

- Tất cả đều ứng hợp vào ông, ông hãy hoằng dương Phật pháp, không nên ở lại đây lâu.

Từ biệt thầy, Đạo Nhất đi hoằng đạo các nơi, sau trụ Giang Tây, cùng ngài Thạch Đầu là hai cửa cam lồ cho người học, mở ra thời kỳ rực rỡ của thiền tông Phật giáo. Ngài họ Mã nên người đời kính trọng gọi là Mã Tổ.

Đó là vài hình ảnh tuấn mã gắn liền những sự kiện với nhân vật có ảnh hưởng lớn đến lịch sử phát triển Phật giáo. Việt Nam có chú ngựa sắt hét ra lửa cùng Thánh Gióng xông pha “sát tặc”. Và cậu bé làng Phù Đổng đã đi vào truyền thuyết sử Phật giáo - Dân tộc, hoá thân thành Sóc Thiên Vương hay Tỳ-sa-môn Thiên Vương, một vị thiên thần hộ pháp - hộ quốc. Tư liệu còn ghi chuyện ngài đã báo mộng cho vị quốc sư ba triều đại - Khuông Việt Ngô Chân Lưu.

Ngựa còn hiện diện trải dài trong tam tạng giáo, không thể kể hết ra, chỉ xin trích đôi câu kinh Pháp Cú:

Pháp cú 29:

            Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ, kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến, bỏ lại sau lưng con ngựa gầy hèn.

Pháp cú 140:

            Biết lấy điều hổ thẹn để tự cấm ngăn mình, thế gian ít người làm được. Nhưng người đã làm được, họ khéo tránh điều khổ nhục như ngựa hay khéo tránh roi da.

Phải chăng câu pháp cú này là tiền thân của công án Ngựa Hay Bóng Roi nổi tiếng trong thiền môn? Công án như sau:

Ngoại đạo hỏi Phật: - Chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi không lời?

Thế Tôn lặng thinh giây lâu.

Ngoại đạo tán thán: - Thế Tôn đại từ đại bi vẹt mây mù cho con, khiến con được vào.

Ngoại đạo đi rồi, A-nan hỏi Phật:

- Ngoại đạo chứng được cái gì mà nói được vào?

Phật bảo: - Như ngựa hay ở đời, thấy bóng roi liền chạy.

Có lẽ đã khá nhiều chuyện, xin tạm ngưng tại đây. Kính chúc quý chư tôn Thiền đức Tăng Ni và Phật tử năm mới pháp thể khinh an, thân tâm thường lạc, mã đáo thành công Phật sự viên thành.

[ Quay lại ]