headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẨM NHƯ LAI THẦN LỰC VÀ PHẨM CHÚC LỤY

 CHÁNH VĂN

Phẩm Như Lai hiện thần lực. Đây chính là lúc đem trao Diệu pháp một đại sự nhân duyên. Bởi trong kinh, trước Phật phóng quang để bày tỏ nhãn căn thấy tánh. Thấy tánh này, ứng dụng từ trong tâm thể xưa nay trong sạch, vô lượng nghĩa, chẳng thể nghĩ bàn. Khiến các chúng sanh trở lại cái thấy tánh đó, xoay về quán bản tâm xưa nay của mình, mà ngộ nhập tri kiến Phật.

Tiếp đó dần dần khai diễn, tâm căn vốn cùng một nguồn với tri kiến, đồng một thể dụng chẳng phải hai. Cho đến cả sáu căn, cũng đồng là ứng dụng của tâm trong sạch xưa nay. Tâm này tức là nhất đại sự tri kiến Phật vậy. Đại chúng đã nhận ra nhưng nơi cửa sáu căn chưa biết nên từ căn nào mà vào, mới là Diệu pháp tối thượng.

GIẢNG

Thần lực của Như Lai chính là một đại sự nhân duyên trao Diệu pháp, chớ không phải hiện bày tướng thần thông. Đức Phật thường bảo Như Lai chỉ thích dùng đạo thông, không thích dùng thần thông, trừ trường hợp rất đặc biệt, bất đắc dĩ đức Phật mới dùng thần thông. Phật trước phóng quang là để bày tỏ nhãn căn thấy tánh. Nơi mỗi chúng ta đều có tánh giác, hiển thị qua các căn gọi là tánh thấy, tánh nghe. Muốn sống lại tâm chân thật xưa nay của mình thì phải từ các căn mà nhận lấy. Ở đây biểu trưng qua hình ảnh Phật phóng quang nơi nhãn căn. Từ ánh sáng trí tuệ này chúng ta có được cuộc sống thật tỉnh, an nhiên, ngoại cảnh không làm gì được. Cho nên nói từ trong tâm thể xưa nay trong sạch, phát ra diệu dụng vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Ngay đây chúng ta tự xoay lại bản tánh, nhận ra mặt mắt thật xưa nay của mình, do vậy phiền não khổ đau chấm dứt.

Từ đó triển khai công phu, chúng ta mới nhận ra tâm căn vốn cùng một nguồn với tri kiến, đồng một thể dụng. Ví như mắt thấy cành hoa, chỉ biết cành hoa, không việc khác. Bấy giờ niệm ưa thích lặng. Như vậy chính là tâm cảnh vốn cùng một nguồn tri kiến, cũng gọi là tâm cảnh nhất như. Theo ý này thì chư huynh đệ sống biết theo hiện tiền, không vướng mắc bất cứ hình ảnh âm thanh nào, tâm vui buồn thương ghét bặt. Khi này cần làm thì làm, cần nghỉ thì nghỉ, mọi toan tính nghĩ suy trống vắng. Từ thể tánh ứng hiện diệu dụng an nhiên tự tại. Trong nhà thiền có một giai thoại rất đẹp. Một hôm trong giờ công tác phổ thỉnh, hai thầy trò Thiền sư Quy Sơn cùng hái trà. Quy Sơn nói:
- Tịch con! Trọn ngày hái trà chỉ nghe tiếng con mà chẳng thấy hình con, hãy hiện bổn hình cho ta thấy coi.

Huệ Tịch liền rung cây trà. Sư bảo:

- Con chỉ được cái dụng của nó, chẳng được cái thể của nó.

Huệ Tịch thưa:

- Chưa biết Hòa thượng thế nào?

Sư im lặng.
- Hòa thượng chỉ được cái thể của nó, không được cái dụng của nó.

Xem cách ứng xử của người xưa cho chúng ta một bài học phải sống được chỗ chân thật ấy thì đại dụng hiện tiền, không bị câu thúc bởi các cảnh duyên. Rất thống khoái.

Nếu sáu căn đều ứng dụng được như vậy, tức đã trở về một nguồn tâm trong sạch xưa nay, lo gì không được giải thoát. Đến đây đại chúng đã nhận ra nhưng nơi cửa sáu căn, chưa biết bước vào căn nào mới là diệu pháp tối thượng. Cho nên kế tiếp sẽ nói.

CHÁNH VĂN

Nên Phật lại phóng quang, biểu trưng cùng việc phóng quang trước chẳng khác. Phật hiện tướng lưỡi rộng dài, tức là biểu hiện sẽ nói pháp lớn rất ít có. Cũng lại tiêu biểu cho thiệt căn hay diễn thuyết pháp âm đại thừa, khiến cho người nghe tâm họ có thể ngộ nhập. Lưỡi là mầm mống của tâm, lưỡi nói chính là tâm nói vậy.

GIẢNG

Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, trong đó có tướng lưỡi rộng dài. Tướng này nói lên công đức Như Lai đã nhiều đời nói lời chân thật, nói pháp mầu vi diệu độ vô lượng chúng sanh được an lạc. Trong kinh Pháp Hoa, Phật cũng hiện tướng lưỡi rộng dài vì sắp sửa tuyên nói đại pháp rất ít có, khó gặp trong đời. Hình ảnh cũng biểu trưng cho thiệt căn của Như Lai luôn luôn thanh tịnh nên diễn nói nghĩa pháp cũng thanh tịnh. Vì vậy công đức của lưỡi xuất phát từ công đức của tâm. Lưỡi nói chính là tâm nói.

Ở đây những hình ảnh của Phật như phóng quang, khảy móng tay, bày tướng lưỡi rộng dài v.v… đều là diệu lực. Trong kinh thường nói tiếng tằng hắng, hoặc tiếng khảy móng tay của đức Phật vang động sáu điệu, đó là do diệu lực bên trong được phát huy. Ngài biểu trưng một cách phi thường để chúng ta đừng căn cứ vào hiện tướng kỳ đặc mà bám theo. Ngay đó phải nhận lại diệu thể của mình. Cho nên trong kinh Lăng Nghiêm nói đức Thế Tôn ấn chân một cái là hải ấn phát quang, còn chúng ta bước xuống một cái là côn trùng bị giẫm đạp. Cành dương của Bồ-tát rưới một cái là cam lồ tưới mát tất cả khổ đau của chúng sanh. Còn mình hớp một lần đôi ba tô nước mà vẫn chưa đã khát chút nào. Nghiệp lực của phàm phu tục tử và diệu lực của chư Phật, Bồ-tát khác nhau như thế.

Ở đây nói diệu lực là sức làm chủ của chúng ta, không chạy theo, không lầm, không dính mắc bởi những cảnh duyên bên ngoài.

CHÁNH VĂN

Kế lại tằng hắng, khảy móng tay phát thành tiếng. Đây chính là phút giây đối mặt thân trao pháp lớn. Bởi chỉ nhân tiếng để bày ra tánh nghe của nhĩ căn. Mà nhĩ căn viên thông thường tỏ rõ, năm căn chẳng sánh kịp. Thế nên đức Phật tằng hắng, rồi khảy móng tay, mật lệnh hãy tự hiểu lấy. Thầm dạy từ nhĩ căn mà vào.

GIẢNG

Đức Phật dùng những biểu trưng như tằng hắng, khảy móng tay để phát huy diệu lực. Từ đó chúng ta có thể nhận và sống lại với nhĩ căn viên thông của mình. Đó là chỗ để bước vào cửa viên thông. Nghe mà bám vào thinh trần là mất chủ, mất viên thông. Như chúng ta ngồi đây nghe tiếng xe chạy, mình khởi niệm thắc mắc đó là xe gì, chạy đi đâu, như vậy là mất chủ, coi như bị dẫn vô đường hẻm, không còn đi đại lộ nữa. Tu nhĩ căn là đi trên đại lộ, hằng sống với tánh nghe của mình, không bị thinh trần dẫn.

Thấy bình thường như vậy tưởng dễ tu, sự thật không dễ chút nào. Bởi vì chúng ta quen chạy theo âm thanh sắc tướng bên ngoài, không quen dừng lại ở cái hay thấy hay nghe. Vì vậy mình luôn bị ngoại trần lôi đi mất tiêu. Hồi xưa, lúc chúng tôi học ở Viện cao Đẳng Phật học Huệ Nghiêm. Trước viện là một cánh đồng mênh mông. Buổi tối, anh em đang học bài, chúng tuy trên ba trăm người mà yên lặng không một tiếng động. Liêu nào học theo liêu đó, chúng trưởng theo sát để nhắc nhở anh em. Trong không khí tĩnh lặng như vậy, chợt bên ngoài nghe có tiếng kêu cứu, mấy trăm tăng sinh tốc chạy. Người la, kẻ hét, anh rút gậy, anh vác hèo… xông lên. Nhanh đến không ngờ. Bọn cướp đêm thấy mấy thầy túa ra quá đông, chúng tháo chạy sút ống quyển!

Âm thanh có sức lôi cuốn đến như thế. Chỉ một tiếng la, một tiếng kêu cứu thôi mà có năng lực, có sức mạnh đẩy bao nhiêu người lao theo như thế. Nói tu nhĩ căn viên thông nghe dễ quá, không chạy theo thinh trần là được. Nhưng chúng ta quen chạy theo thinh trần rồi, nói không chạy theo là nói thôi, chớ chưa làm được. Như anh em đang ngồi thiền trong thiền đường, nghe xe đụng hay cái gì rần rần ngoài cửa, là có mặt liền. Xem coi sự việc xảy ra thế nào, xe trên đụng con lươn giữa, xe dưới tán con lươn bìa… thông thuộc. Đó là gì? Là lao theo âm thanh sắc tướng bên ngoài. Có khi nào mình được bất động, nghe cái gì cũng “thế à!” đâu. Cho nên cứ bị thinh trần dẫn đi mãi.

CHÁNH VĂN

Kinh Lăng Nghiêm nói:

                    Chân giáo thể phương này,
                    Thanh tịnh tại nghe tiếng,
                    Muốn được Tam-ma-đề,
                    Thật từ nghe mà vào.

GIẢNG

Đây là lời kết trong kinh Lăng Nghiêm, đức Thế Tôn dạy Bồ-tát Văn Thù tuyển trạch 25 pháp tu của 25 vị Thánh, sau khi các ngài trình pháp tu của mình. Cuối cùng Như Lai nói chân giáo thể phương này, tức là giáo thể chân thật của phương này, là cõi diêm phù đề chúng ta đang ở. Thanh tịnh tại nghe tiếng tức là có thể từ nơi nhĩ căn mà thanh tịnh. Muốn được Tam-ma-đề, Thật từ nghe mà vào, nghĩa là muốn được định thì từ tánh nghe mà vào. Nghe mà không chạy theo thinh trần, hằng sống với tánh thể thanh tịnh.

CHÁNH VĂN

Lại bảo: “Chỉ dùng căn này tu viên thông, vượt hơn các căn khác”. Nhưng đức Phật chẳng dùng pháp âm bày tỏ nhĩ căn là biểu hiện lìa tướng nói năng. Dùng âm thanh tằng hắng, khảy móng tay, để nêu rõ nhĩ căn là biểu hiện lìa tướng tâm duyên. Tỏ ý chỉ tánh nghe của nhĩ căn dẫy đầy tròn sáng mà thôi. Chư Phật đồng phóng ánh sáng cho đến đồng tằng hắng và khảy móng tay là biểu trưng mười phương các đức Phật đồng một đạo này. Lại, biểu trưng cho tánh thấy nghe hiểu biết linh minh của đương cơ, nhất thời đồng khắp mười phương cõi nước của chư Phật, rỗng suốt không ngại không tạp.

GIẢNG
Đức Phật dùng cơ khảy móng tay, tằng hắng v.v... nhằm biểu thị cho chúng ta thấy diệu lực của tâm. Mỗi người đều có diệu lực này, nhưng nếu chưa nhận và sống với tâm chân thật thì chưa thể dùng được.

Chữ “diệu” là vi diệu, lực là năng lực hay khả năng. Nói diệu lực là năng lực vi diệu. Như nói khả năng học, khả năng tu của anh thâm sâu hơn người khác, thì anh có năng lực hơn người. Tuy nhiên việc ấy chưa phải vi diệu, chưa sâu sắc. Người tu cần quá trình thể nghiệm, thể nghiệm sâu chừng nào thì năng lực cao chừng đó. Đến khi chúng ta giác ngộ, thể nhập hoàn toàn tâm chân thật thì có được diệu lực.

Nói đến vi diệu là nói đến chỗ thâm trầm, sâu kín, tức chỗ thể nghiệm tuyệt diệu. Thành ra ở đây nói diệu lực là nói đến chỗ dụng của tri kiến Phật, khác hơn khả năng bình thường. Nếu người sống được với tánh giác, từ những duyên bên ngoài xoay trở lại mình. Ngày xưa có thiền sư nghe tiếng rơi của thẻ nhang rớt xuống nền gạch mà triệt ngộ. Hoặc nghe tiếng gió thổi, cây tùng cây bách khua động mà ngộ đaọ. Do đó các bậc đại tông sư thường dùng tiếng quát để giúp cho đệ tử được khai ngộ.

Người không xoay trở lại mình, không sao nhận ra chỗ đó, cũng không thể ngộ được. Chỉ có kẻ đương cơ tức người căn khí nhậm lẹ mới khéo nhận ra. Thiền sư nơi một câu nói không cho chúng ta bới móc, suy nghĩ, vì đó không phải là chỗ ngôn ngữ có thể đến được, cũng không có hình tướng âm thanh. Các thứ phân biệt của ý thức lăng xăng không dính dáng gì đến chỗ chân thật ấy.

Nói tóm lại, muốn có được diệu lực như người xưa đã nói, trước nhất chúng ta phải là người tỉnh giác. Do tỉnh giác nên không bị kéo lôi, không mắc mứu bởi cảnh duyên. Từ đó ta làm chủ được mình. Huynh đệ tu hành cũng có tỉnh giác, nhưng tỉnh giác không liên tục. Có khi trong một ngày chúng ta cắt đứt sự tỉnh giác của mình ra thành trăm nghìn đoạn, ít khi nào chúng ta thực hiện được liên tục, miên mật. Bởi vậy tạp niệm có cơ hội xen vô dấy khởi và lôi dẫn mình hoài. Tỉnh giác là cửa ban đầu, mình chưa vô nổi thì không cửa nào vô được cả. Khi ta phát huy kéo dài được sự tỉnh giác thì có sức mạnh không lầm mê, không dính mắc, không chạy theo cảnh duyên. Bấy giờ ông chủ mới hiện ra. Ông chủ này ở đâu? Thật ra ông chủ chưa từng vắng lúc nào, ông ngồi đó nhưng bị mình trói lại, bịt mắt bịt tai lại nên không làm gì được hết.

CHÁNH VĂN

Nên biết tiết này cùng kinh Lăng Nghiêm chỗ nêu bày số lượng công đức của sáu căn, để lựa chọn trong căn viên thông, cái thông lợi bậc nhất thì từ căn này mà vào. Đánh chuông là để hiển lộ tánh nghe chân thật của nhĩ căn, minh lợi viên thông thường tỏ rõ rất là thù thắng.

GIẢNG
Như trên đã nói đức Thế Tôn chọn nhĩ căn là pháp viên thông. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dùng phương tiện bảo La Hầu La đánh chuông để chỉ cho hội chúng về tánh nghe sẵn có của chúng ta. Chúng ta thường cho rằng có âm thanh thì có nghe, không âm thanh thì không nghe. Đó là hiểu biết sai lầm. Nếu không nghe làm sao biết không có âm thanh? Tánh nghe liên tục, có âm thanh thì nghe có âm thanh, không âm thanh thì nghe không âm thanh. Đằng này có âm thanh mình nói có nghe, khi âm thanh dừng mình nói không nghe. Như vậy chúng ta lầm nhận âm thanh là mình. Phật nói chúng sanh nhận giặc làm con, nên tiêu hết tài sản, tan nhà nát cửa.

CHÁNH VĂN

Kinh này thì tằng hắng, khảy móng tay, cũng cùng một ý nói trên. Kinh nói: “Tiếng tằng hắng và tiếng khảy móng tay của chư Phật nghe khắp mười phương cõi đất sáu điệu vang động”.

Quan trọng ở hai chữ “nghe khắp” vậy. Lại tằng hắng tức là bảo cho biết việc đó để xoay trông lại. Còn tiếng khảy móng tay là để chỉ cho đã quét sạch tất cả, xưa nay không pháp có thể thuyết. Chỉ thẳng cái linh minh đó nghe khắp rỗng suốt mười phương là tự tánh trong sạch xưa nay của các ông đấy. Người nghe nên như thế mà ngộ nhập.

GIẢNG

Đức Phật cũng như chư Tổ thường dùng hình ảnh biểu trưng để chỉ cho chúng ta nhận được tánh giác ngay nơi mình. Từ sáu căn ta xoay lại, đừng chạy ra ngoài thì thể nhập tri kiến Phật. Ngược lại để cho căn dính với trần thì quên mất tánh Phật. Vì vậy thiền sư Minh Chánh bảo quan trọng ở chỗ “nghe khắp”.

Còn tiếng khảy móng tay là để chỉ cho đã quét sạch tất cả, xưa nay không pháp có thể thuyết. Chỉ thẳng cái linh minh đó nghe khắp rỗng suốt mười phương là tự tánh trong sạch xưa nay của các ông đấy. Người nghe nên như thế mà ngộ nhập. Thiền sư độ người không cho dụng ý thức, rất giống với đức Phật ngày xưa. Rõ ràng Phật Tổ không hai đường. Đây chính là con đường thẳng tắt và cũng là duy nhất để hành giả nhận được bản tâm.

Chúng ta tu thiền “biết có chân tâm” đúng theo lối dạy của các Tổ sư. Cái linh minh rỗng suốt mười phương là từ tự tánh, vốn không lìa các căn mà phát hiện. Cho nên mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi v.v… thường biết rõ ràng mà không khởi tâm động niệm, phân biệt là diệu dụng là thần lực của người giác ngộ, đâu phải từ đâu lại. Chúng ta tu hành cố gắng tập buông bỏ thói quen chạy theo ngoại cảnh phân biệt, hãy để cho thức tình nguội lạnh thì trí tuệ mới có cơ phát sáng được. Nếu phân biệt, dong ruổi nhiều quá làm sao có định tuệ. Định tuệ đã không, nói gì giác ngộ giải thoát.

CHÁNH VĂN

Sau là phẩm Chúc Lụy. Bởi trước là tự lợi, đến đây bảo phải lợi tha, tuyên dương rộng rãi pháp này, lưu bố khắp nơi chớ sanh keo kiệt. Như trong kinh Lăng Nghiêm có đoạn ngài A-nan tự phát thệ: “Mình chưa được độ, trước độ người là phát Bồ-tát tâm. Tự giác đã xong, hay giác ngộ kẻ khác là Như Lai ứng thế. Con dù chưa được độ, nhưng nguyện độ tất cả chúng sanh đời sau…”

GIẢNG

Có hai trường hợp, một là Bồ-tát phát tâm, hai là Như Lai ứng thế. Chúng ta nên nhớ, người tu thiền nói độ chúng sanh là độ chúng sanh nào? Trước độ những vọng tưởng của mình. Mỗi vọng tưởng trồi lên, mình siêu độ nó. Siêu độ nó là không dính nó, còn nó trồi lên mình theo là nó siêu độ mình. Cứ một vọng tưởng là một chúng sanh. Vọng tưởng trồi lên biết nó không thật là siêu độ nó, bằng chạy theo là nó siêu độ mình. Một là ta độ nó, hai là nó độ ta.
Khi đã phát huy được diệu lực, chúng ta phát tâm độ chúng sanh. Trước nhất là độ chúng sanh ngay nơi mình. Kế nữa tùy duyên độ chúng sanh bên ngoài. Kinh văn nói người phát tâm độ chúng sanh là tâm Bồ-tát, tâm Bồ-đề, tâm giác. Tâm giác, tâm Bồ-đề đều là tâm Phật. Giác tâm là tâm giác ngộ, tâm sống với tánh giác. Hằng ngày vọng tưởng vừa khởi lên, chúng ta không theo nó, không mắc mứu, coi như mình độ được nó, tức thì ngay đó là giác tâm. Trái lại, một niệm vừa khởi lên, ta quên giác tâm chạy theo vọng niệm, Phật gọi là nhận giặc làm con, hay người bỏ gốc theo ngọn.

Biết như thế rồi chúng ta không làm người lao lung, mà quay về ngôi nhà của mình, nhận lại gia bảo vô giá. Phẩm Chúc Lụy, nói Mình chưa được độ mà phát tâm độ chúng sanh, đó là công phu tu hành hằng ngày của chúng ta. Chúng sanh ở đây là chúng sanh ngay nơi mình, độ những vọng tưởng của mình. Đó là người phát tâm Bồ-đề hay phát tâm Bồ-tát. Được như vậy nhất định sẽ đi đến giác ngộ giải thoát như đức Phật. Trong giai đoạn này, chư huynh đệ siêng năng tinh cần, hằng tỉnh giác để siêu độ tất cả vọng tình điên đảo trùng trùng trong chúng ta. Nó khởi lên chúng ta chặt, liên tục như vậy gọi là đại tinh tấn, là người biết trở về với giác tâm.

Thật ra chuyện tu hành không phải khó, nhưng vì chúng ta quan tâm chưa đúng mức, thực hành không tới nơi tới chốn, quên mất bản nguyện của mình. Các huynh đệ có nhận thấy khuyết điểm này không? Lúc trước mình mong được đi tu, nhưng khi đi tu rồi lại quên mất bản hoài cầu đạo ban đầu. Sống trong thiền viện một thời gian không biết phải làm gì nữa, kéo dài ngày tháng lang thang vô ích, vô nghĩa. Đó là khuyết điểm rất lớn. Cho nên huynh đệ cố gắng khắc phục, san lấp cái hố ấy, mãnh tỉnh phát huy tâm nguyện ban đầu của mình. Người nào làm được việc đó thì có thể ngay trong đời này, một là sáng được việc của mình, hai là giải quyết sạch nghiệp thức do chúng ta gây tạo trong đời này cũng như nhiều đời, ba là làm chủ được chính mình. Nếu người tu mà không thực hiện được ba điều này thì thật uổng phí một đời tu. Cho nên các huynh đệ phải ý thức rõ bổn phận và việc làm của chính mình.

Chúng ta tự nung nấu đại nguyện, ý chí tu hành của mình. Nếu để nó nguội lạnh, mai một thì cả đời chúng ta quờ quạng, loay hoay lẩn quẩn, chẳng ra chi. Rồi nợ của đàn na tín thí, biết tính sao đây ?

CHÁNH VĂN

Kệ rằng:

                   Như Lai thần lực rất lạ kỳ,
                   Chính đã hợp căn, trau pháp thì,
                   Lưỡi ấy, đành rành truyền đại giáo,
                   Tiếng ho thầm bảo nhận văn tri,
                   Một phen cùng chứng chân nhân địa(1),
                   Tay khải viên dung Đại Mâu-ni(2),
                   Cúi nhận Như Lai thân trao phó,
                   Gió hoa tuyết nguyệt mặc thi vi.
                   Giao phó cho rồi Trí vô sư(3),
                   Liền khuyên phát khởi đại vân từ(4),
                   Đây thuyền giải thoát đưa người khổ,
                   Kìa đất yên vui sống như như,
                   Như như chớ tưởng như núi đá,
                   Bốn tướng oai nghi cũng như như,
                   Lợi mình lợi người đâu lẫn tiếc,
                   Khiến khắp quần sanh vào Vô dư(5).

GIẢNG

Hai bài kệ trùng tuyên lại ý trên của phẩm Như Lai Thần Lực và phẩm Chúc Lụy. Chúng ta ghi nhớ đã là thiền sinh thì phải có công phu tu tập, có sự trải nghiệm nội tâm, có thiền định và trí tuệ. Như đức Phật đã dạy, từ sáu căn xoay lại nhận tánh chân giác nơi mình. Bấy giờ mọi việc ta làm đều trở thành diệu lực. Ngược lại ta sống và tạo tác theo vọng tưởng, vô minh thì mọi việc đều trở thành nghiệp lực. Nó sẽ dẫn mình đi trong trầm luân sanh tử, thọ khổ triền miên, không có ngày dứt.

Bài kệ trong phẩm Chúc Lụy nhắc nhở chúng ta luôn nhớ tự lợi và lợi tha để viên mãn công phu tu hành của mình. Tự lợi là độ chúng sanh ngay nơi mình, tức những vọng tưởng điên đảo lăng xăng, cho chúng lặng xuống hết. Lợi tha là độ chúng sanh hữu duyên bên ngoài. Độ mà không có niệm ta hay độ, người được độ. Như vậy mới viên mãn công đức tu hành. Đó chính là chân tinh thần của người con Phật, cầu giác ngộ giải thoát.

-------------------------------------------------------------------------------------------------

(1), (2) Chân nhân địa hay Đại Mâu-ni: Tức chỉ cho nhân địa và quả vị vô lậu, giải thoát cùng tột, pháp thân hiển lộ, bi trí viên mãn, lợi mình, lợi người cùng khắp. Bài kệ cuối của Tam Thập Tụng Duy Thức nói:
                Thử tức vô lậu giới,
                Bất tư nghì, thiện, thường,
                An lạc giải thoát thân,
                Đại Mâu-ni danh pháp.
(3) Trí vô sư: Trí tuệ bản hữu, không phải thứ kiến giải tập thành hằng ngày. Mọi người đều sẵn có thứ trí tuệ này, nó hiện bày một cách độc đáo và tự nhiên khi cơ duyên hội đủ.
(4) Đại vân từ: Từ tâm bình đẳng cùng khắp như đám mây lớn, nó không còn đối tượng năng sở và chủ thể khách thể hay bất cứ một lý do nào.
(5) Vô dư: Niết-bàn tối hậu không còn thừa sót, tức là Đại Niết-bàn của Phật quả vậy. Tám câu thơ sau, bốn câu đầu là do dịch giả dựa ý bài thơ trước diễn ra để hợp vận với bốn câu kết của tác giả.

[ Quay lại ]