headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẨM PHỔ HIỀN BỒ TÁT KHUYẾN PHÁT

 CHÁNH VĂN

Phổ Hiền là tâm nghe thấu suốt khắp mười phương, không chỗ nào mà chẳng đến. Đây là nhiếp phẩm Diệu Trang Nghiêm ở trước. Khi được vị thiện tri thức căn bản nắm tay dắt đi, khiến chẳng lạc vào các nẻo tà hiểm mà được thấy Phật. Bởi Phổ Hiền dùng tâm nghe mà được chứng, tức biểu trưng cho kinh lúc đầu lấy nhãn căn thấy tánh để khai thị, khiến ngộ nhập bản tâm. Kế lại, từ tánh nghe của nhĩ căn mà tu. Đến đây đã vào trong tánh nghe, công năng rất là cùng cực, tự thấy tâm thể trong sạch xưa nay của mình. Mới biết chính thật là tâm nghe, chẳng phải tai nghe vậy.

GIẢNG

Thượng nhân Minh Chánh nêu lên tinh ba của phẩm này. Phổ Hiền là tâm nghe thấu suốt khắp mười phương, không chỗ nào chẳng đến. Vì nghe bằng tâm, tức không chấp nhận cái lăng xăng của pháp trần, không chạy theo những hình ảnh bên ngoài, thấu thật bằng tâm của mình. Vừa nghe âm thanh là xoay lại tánh nghe, biết mình có tánh nghe hằng hữu. Khác với người thường, vừa nghe âm thanh liền chạy theo âm thanh rồi kết luận hay dở. Đó là chạy theo thinh trần, bị nó lôi cuốn rồi loay hoay tạo nghiệp trong vòng luân hồi sanh tử. Trái lại người biết nghe, vừa nghe âm thanh liền biết mình có tánh nghe. Có âm thanh nghe có âm thanh, không âm thanh nghe không âm thanh. Tánh nghe lúc nào cũng sẵn vậy, chưa từng vắng thiếu.

Trong kinh ban đầu lấy nhãn căn thấy tánh để khai thị khiến ngộ nhập bản tâm. Mắt vừa thấy sắc, không chạy theo sắc, mà tự biết mình có tánh thấy. Có sắc thấy có sắc, không sắc thấy không sắc, tánh thấy lúc nào cũng hằng hữu hiện tiền. Xoay cái thấy về tâm gọi là phổ khắp, ngược lại chạy theo sắc trần liền mất. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, những xúc chạm đối với thân này cũng thế. Tiếp cận trần cảnh bên ngoài, lúc nào ta cũng chủ động, không để căn dính cảnh, cảnh không vướng căn. Căn và cảnh ở vào vị trí của nó. Nhà thiền gọi là tâm cảnh như như.
Kinh Lăng Nghiêm nói nếu căn cảnh dính nhau thì không có như như. Mắt vừa thấy sắc liền dính sắc thì không bao giờ như như. Mắt thấy sắc chỉ biết sắc tượng đó, như khi nhìn thấy cây quạt đang quay, chỉ biết như vậy, không khởi thêm niệm gì nữa. Nếu có người tắt nút điện, cây quạt không quay nữa, biết rõ như thế, không khởi niệm phân biệt tại sao cây quạt bị tắt. Nhà thiền gọi đó là tâm cảnh như như.

Trường hợp chúng ta, các căn môn lúc nào cũng tỉnh sáng, bén nhạy bình thường, không có bệnh. Tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, những cái biết của các giác quan không thiếu, không bệnh khi tiếp xúc với trần cảnh. Cái cửa là cái cửa, cái nhà là cái nhà, con người là con người, cảnh là cảnh. Cảnh không tới nói với cái thấy của mình, nó là gì cả. Có khi nào gốc cây đi tới nói với chúng ta tôi là gốc cây không? Không bao giờ có chuyện đó. Tóm lại, căn là căn, trần là trần, không để căn dính trần, không để cho trần có sức hấp dẫn kéo lôi căn. Được như vậy là như như.

Đây là nhiếp phẩm Diệu Trang Nghiêm ở trước. Khi được vị thiện tri thức căn bản nắm tay dắt đi, khiến chẳng lạc vào các nẻo tà hiểm mà được thấy Phật.

Thiện tri thức tức là trí căn bản. Người sáng mắt chỉ sử dụng trí chứ không sử dụng thức. Trí tuệ chính là thấy biết như thật mọi việc trong cuộc sống này. Dù ai nói chúng ta tu như thế nào cũng mặc họ, miễn sao chúng ta có niềm tin vững, không chạy theo thức tình phân biệt là tốt. Tu tập phải có căn bản, phải dùng trí tuệ để quán chiếu cho tường tận. Chúng ta sử dụng trí, đừng để thức tình lấn áp, không chấp nhận nuôi con khỉ ý thức. Mỗi ngày mỗi ngày công phu huân tập như thế, chúng ta sẽ được lợi lạc. Kinh nói được hướng dẫn từ trí căn bản thì không lầm. Cho nên mới tiến đến dùng tâm nghe, thấy được tánh, nhập bản tâm.

Trong kinh Hoa Nghiêm, đồng tử Thiện Tài được Bồ tát Đại Trí Văn Thù giới thiệu cuộc hành hương phương nam. Bồ-tát Văn Thù biểu trưng cho trí căn bản. Dù gian lao khó khổ, sống chết bức xúc như thế nào cũng y như thế mà làm. Nhờ thế Thiện Tài đi tham vấn qua năm mươi ba vị thiện tri thức, kết quả cuối cùng là gặp ngài Phổ Hiền, gặp ngài Văn Thù và lầu các Di Lặc hiện bày, đầy đủ công đức hiện thành. Chúng ta tu tập mà bỏ trí tuệ thì không biết y cứ vào đâu ?

Trong thiền ngữ ghi các vị thiền sư hỏi học tăng: Phật là gì? Có người trả lời: Phật là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Các ngài đánh cho một bạt tai bảo “Nói xàm!” Lời đó chúng ta học từ kinh ra, chớ trên thực tế ta không tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn gì cả. Phật là gì? Nói theo nhà thiền, Phật là tỉnh giác, là đừng chạy theo, đừng lầm mê. Vừa có một niệm dấy lên liền buông, muôn năm buông bỏ thì sẽ thể hiện đầy đủ tính chất đặc biệt của định tuệ, như thế Phật hiện tiền. Không lý giải gì về Phật mà Phật vẫn hiện tiền.

Quan trọng là chúng ta phát huy được trí tuệ của mình, luôn luôn sử dụng trí tuệ để tu tập thì tất cả những ý niệm, vọng tưởng đều buông hết. Buông bỏ vọng tưởng như thảy đồ trong gánh ra vậy, càng thảy càng nhẹ. Huynh đệ nghiệm pháp tu của chúng ta hằng ngày thấy nhẹ chứ đâu có gì phải nhăn mặt nhíu mày, đâu có gì đến đỗi gòng mình chịu đựng rồi than bệnh. Bệnh là do báo nghiệp của mình, những chủng nghiệp chúng ta đã gây tạo trong nhiều đời, bây giờ trổ quả. Vì vậy có người tuổi còn trẻ, tu chưa bao nhiêu mà thân cứ bệnh, lại mang những căn bệnh ngặt nghèo, đó là báo nghiệp chúng ta gây tạo từ quá khứ chiêu cảm nên.

Người tu luôn luôn nhớ sử dụng trí Bát-nhã. Giả dụ bây giờ mình chết, bị đọa xuống địa ngục khổ sở vô cùng, nhưng vẫn không mất chủng Bát-nhã. Trả hết báo nghiệp ở địa ngục, trở lên nhớ lại chủng trí Bát-nhã, gầy dựng lại con đường mình đi. Đối với tất cả những nghiệp báo, coi nó không thật nên bệnh cũng không thật, không oán không than, sống đời thanh thản, tuỳ duyên tiêu nghiệp cũ. Cho nên người con Phật phải anh hùng, có đầy đủ trí tuệ Bát-nhã. Trí tuệ Bát-nhã là thuyền bè duy nhất đưa chúng ta vượt qua mọi nguy khốn, để thành tựu bản thệ của mình là tu hành thành Phật.

Đối với việc tu hành nếu chúng ta còn nuôi ý thức lăng xăng, vọng tưởng điên đảo thì sẽ không thành tựu được. Đại thệ nguyện của chúng ta là thành Phật. Do đó phải buông bỏ thức tình một cách triệt để mới phát huy được trí giác. Muốn phát huy trí giác phải thảy đồ trong gánh ra. Từ đây cho tới ngày thành Phật, chúng ta thêm đồ trong gánh thì nặng lắm, đường xa dốc ngược, trời trưa nắng gắt, gánh nặng quá sẽ gục giữa đường. Cho nên phải thảy đồ trong gánh ra, để cuộc hành trình tìm về bảo sở thanh thản, lòng mình nhẹ như mây trôi. Phật dạy phải buông bỏ vọng tưởng đảo điên, dẹp sạch mê tình, sống trở về bổn tâm thanh tịnh mới mong không cô phụ chí nguyện tu hành của mình. Đó là phần tâm.

Về thân, Phật dạy thân này hư huyễn, không thật. Tất cả đều do duyên sinh, đủ duyên chúng thành hết duyên chúng rã. Thân tứ đại này rồi phải trả về cho đất nước gió lửa, không có gì bảo đảm, nó sẵn sàng xé hợp đồng bất cứ lúc nào. Có khi nào thân nói với ta rằng: tôi sẽ giữ mạnh khỏe cho anh tu tới chừng nào thành Phật đâu. Không có, mà chỉ toàn là bấp bênh, mong manh, vô thường luôn luôn rình rập, sẵn sàng triệt tiêu chúng ta bất cứ lúc nào. Không có gì bảo đảm cả. Phật bảo chúng sinh sanh đây chết kia, trải qua vô lượng kiếp, đâu đâu cũng là mồ mã chôn mình. Thế thì còn ham thích, mong mỏi cái gì ?

CHÁNH VĂN

Than ôi! Chúng sanh vọng sanh phân biệt, cho tánh nghe thuộc lỗ tai. Ngoài thì, niệm niệm dong ruổi theo thinh trần, trong lại bời bời phan duyên dấy khởi. Lẫn theo những phải quấy của thinh tướng, vọng tưởng phiền não loạn khởi. Chẳng biết tánh nghe ấy chính là tâm, sẵn có hạnh lớn Phổ Hiền. May mắn được khai thị, mới hay ngộ nhập ý nghĩa tâm nghe Phổ Hiền.

GIẢNG

Đoạn trước nói về tánh thấy, bây giờ nói tiếp tánh nghe. Mỗi người đều có sẵn tánh nghe, tức là tâm nghe Phổ Hiền. Ngày xưa có một thiền sư cả đời đi hành khước mà chưa sáng được việc của mình, mãi tới lúc thân bệnh ngặt nghèo, được đưa xuống nhà Niết-bàn để nghỉ ngơi. Nhà Niết-bàn tức là bệnh xá. Lúc ấy ngài buồn lắm, thấy cả đời mình đi hành khước mà không xong việc. Bây giờ muốn kéo thời gian khỏe mạnh lại không sao kéo được. Một hơi thở ra không bảo đảm có thể lấy lại. Chúng tăng trình lên Hòa thượng đường đầu, ngài mới xuống thăm. Ở Trung Hoa người ta hay xài đèn giấy, có khung bên ngoài viết chữ Đại Kiết hoặc Song Hỷ.

Hòa thượng hỏi:
- Nghe ngươi bệnh phải không ?
- Dạ! Bạch Hòa thượng, con cả đời tu hành không ra gì, đi hành khước bao năm cũng không xong việc. Giờ bệnh hoạn chết đến nơi rồi. Con buồn lắm.
Hòa thượng chỉ cây đèn hỏi:
- Thấy không?
Ngài sững sốt đáp:
- Thấy.
Hòa thượng nói:
- Cái thấy đó của ta, của ngươi, của Phật không khác.

Ngay đó ngài đại ngộ, toát mồ hôi hạn và hết bệnh.

Vị tăng bệnh này nghe Hòa thượng chỉ điểm liền nhận ra tánh thấy hay tâm bất sanh bất diệt của chính mình. Khi nhận ra rồi thì tâm an nên thân mạnh. Nếu thân không mạnh thì vẫn an nhiên nhập Niết-bàn, có gì vướng bận để quyến luyến.

Chúng ta nếu có được niềm vui đó, phút giây mình chợt nhận ra chính mình, bấy nhiêu thôi cũng đủ niềm tin để chúng ta thành tựu bổn nguyện của mình. Hòa thượng xuống thăm bệnh dưới nhà Niết-bàn, không giảng kinh gì, cũng không biểu phải đốt đèn đốt nhang, dâng hương, tụng Bát-nhã... Ngài chỉ cây đèn hỏi thấy không? Nói thấy. Ngài khẳng định cái thấy đó của ta, của ngươi, của Phật không khác. Vị tăng liền ngộ đạo. Tánh nghe và các tánh khác cũng như thế.

Đoạn này ngài Minh Chánh nói đến tâm chân thật của mỗi người thông qua tánh nghe. Đức Phật ra đời nhằm chỉ cho chúng ta tánh này. Đầu kinh Pháp Hoa Phật giới thiệu mục đích ra đời của ngài là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Phật nói tri kiến Phật, ở đây nói tâm nghe, tánh thấy, tuy nhiều danh từ nhưng bản thể vẫn là một.

CHÁNH VĂN

Nói tâm nghe tức là nhĩ thức, nhĩ thức chính là tâm linh, diệu dụng khắp suốt mười phương pháp giới. Tâm khắp mười phương, thì nghe cũng khắp mười phương. Nghe khắp mười phương, thì biết cũng khắp mười phương. Biết khắp mười phương thì tâm thức thấu suốt pháp giới, thành Tạng Đại Quang Minh vậy.

GIẢNG

Tâm nghe bắt đầu từ nhĩ thức, nhưng phải là nhĩ thức thanh tịnh. Nhĩ thức này thông suốt không vướng mắc, biết khắp mười phương. Tâm thức thấu suốt pháp giới thành Tạng Đại Quang Minh. Đại Quang Minh là gì? Đại là lớn, Quang là sáng, Minh cũng là sáng. Đại Quang Minh là cái sáng suốt lớn, tức là trí tuệ Bát-nhã hay bản tâm của chúng ta, chớù không gì khác.

CHÁNH VĂN

Nói khuyến phát, nhằm bày tỏ chớ lấy trí nhỏ cho tự đủ, phải phát khởi tiến lên, cầu đạo Bồ-đề vô thượng. Nghĩa là dù đã sạch hết năm ấm, năm vọng tưởng diệt, vượt ngoài năm trược, thoát khỏi ba cõi, thức tâm tròn sáng, hàm dung pháp giới, mới có thể lãnh ngộ yếu chỉ tâm nghe, nhưng vẫn chưa phải là tâm rốt ráo tịch diệt Niết-bàn. Thế nên cần phải khuyến phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Phổ Hiền, thẳng vào biển lớn Tỳ-lô Hoa tạng, soi thấy đạo tràng trong sạch xưa nay, thân cận bản tôn Quang Minh Biến Chiếu là Pháp thân thanh tịnh Như Lai Tỳ-lô-giá-na trọn thành vô thượng Bồ-đề, trở về chỗ không sở đắc. Đây mới chính thật tỏ rõ tạng thức Đại Quang Minh vậy.

GIẢNG

Khuyên phát tâm Bồ-đề để trở về chỗ tột cùng là Đại Quang Minh tạng. Tâm Bồ-đề là tâm gì? Bồ-đề là giác. Tâm Bồ-đề là tâm giác. Phát tâm Bồ-đề là phát tâm cầu thành Phật. Hằng ngày trong từng phút giây, nếu chúng ta tỉnh giác là sống được với Phật nhân. Nếu quên tỉnh giác, chạy theo thức tình vọng tưởng là ta quay lưng với ông Phật của mình. Đã quay lưng với ông Phật của chính mình thì không bao giờ thể nhập vào biển Tỳ-lô Đại Quang Minh Tạng, tức pháp thân Phật. Nơi biển Tỳ-lô Đại Quang Minh Tạng không còn những sóng thức lao xao, những thấp cao của nhân tình.

Đó là tạng thể bình thản an nhiên, tâm thái thanh tịnh, ai cũng có.

Thế nên vừa thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật nhìn khắp mọi phương rồi nói: “Lạ này, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, tại sao ngu mê để bị trầm luân sanh tử?” Chúng ta có sẵn tâm Bồ-đề, có sẵn chất Phật nhưng lại quay lưng, bỏ quên nó để con khỉ ý thức thao túng, cuối cùng loay hoay lẩn quẩn suốt cả một đời.

Khuyến phát ở đây là khuyến phát chúng ta phát tâm Bồ-đề, nhớ sống lại với tánh Phật của mình. Chúng ta bỏ quên kho báu nhà mình, chạy theo những lăng xăng điên đảo, giả dối, mê lầm hết đời này sang đời khác. Cho nên bây giờ huynh đệ nhớ phải “Tỉnh!” Vừa thấy trong lòng bất an liền tự nhắc “Tỉnh nghe!” Có thiền sư lâu lâu nói: Tỉnh, Tỉnh, chớ để ma quỷ làm lầm. Ở trong đại chúng, mình thấy ai mở mắt trừng trợn hoặc sắp nổi nóng, mình nhắc tỉnh nghe. Thấy huynh đệ rầu rỉ chảy nước mắt, biết là nhớ nhà, nhắc tỉnh nghe. Tỉnh được là Phật, là giác. Được vậy đức Phật luôn hiện tiền trong mỗi chúng ta.

Huynh đệ quyết tâm tu, nhất định ngày ngày giờ giờ, trong từng phút giây phải thấy rõ các sinh hoạt, việc tu tập của mình. Người hảo tâm xuất gia, phát tâm mãnh liệt chẳng cần ai nhắc nhở. Người này lúc nào cũng tự ý thức tỉnh giác, tự gắng gổ, tự tỉnh tu. Tuy nhiên tập khí chúng ta quá sâu dầy nên vướng víu nhiều thứ. Vướng là vì chúng ta xem thường, không ý thức rõ việc tu hành, giỡn ngươi với sanh tử. Để rồi phút cuối cùng nhìn lại, cả đời quàng xiêng, hối hận cũng không kịp. Phật dạy đời là vô thường, thở ra không hít vào thì xong một kiếp người.

Dù đã sạch hết năm ấm, chúng ta đã sạch năm ấm chưa? Năm vọng tưởng diệt, chẳng những năm vọng tưởng mà vô lượng vọng tưởng chúng ta chưa diệt. Vượt ngoài năm trược, chẳng những năm trược mà vô lượng trược mình còn nguyên. Thoát khỏi ba cõi, mình cũng chưa thoát cõi nào. Thức tâm tròn sáng, chúng ta lại mờ mờ mịt mịt. Hàm dung pháp giới, mới có thể lãnh ngộ yếu chỉ tâm nghe. Nhưng vẫn chưa phải là tâm rốt ráo tịch diệt Niết-bàn. Những công phu siêu xuất như vậy, vẫn chưa phải chỗ tịch diệt Niết-bàn. Huống gì chúng ta chưa tu được chút nào cả. Bởi chưa được gì nên cần phải khuyến phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Phổ Hiền. Chúng ta phải nỗ lực tu hành vô lượng thời gian, thành tựu vô lượng công đức mới viên mãn Phật đạo.

Những vị tịnh nhân cư sĩ mới vào thiền viện tập sự rất cần mẫn siêng năng. Nhưng đến khi được xuất gia làm tăng, tu hành một thời gian, không biết thần lười ở đâu nhập, cứ ì ra đó, huynh đệ nhắc nhở năm lần bảy lượt vẫn không sửa đổi. Bổn phận làm thầy, chúng tôi khuyên nhắc nhưng có vị quá cứng không ý thức được điều đó, không chịu tỉnh giác, phấn chấn nỗ lực tu thì ai kéo lên nổi. Không có cần cẩu nào mà trục nổi khối vô minh tăm tối của quí vị. Nếu chúng ta không ý thức, không tự tháo gỡ thì đành chịu trầm luân sanh tử muôn đời thôi. Người xưa nói việc mình chưa sáng, đâu nỡ lòng nào nằm đó ngủ, thả trôi cuộc đời theo dòng xoáy thế gian. Do đó chư huynh đệ phải ráng, phát tâm tu hành mãnh liệt.

Người xưa nói chỗ có đạo, dù thiếu cơm ăn áo mặc, ta vẫn kiên trì ở đó tu học. Chỗ không có Phật pháp dù ăn ngọc vị trân châu cũng không nên ở, dù một ngày một giờ. Người tu phải có tâm mãnh liệt như vậy. Khoảng 10 năm trước, có một chú tịnh nhân khoảng 11 tuổi, đi với mẹ lên đây trong dịp lễ rồi không chịu về. Không biết ai xúi chú tới xin tôi cho ở đây tu. Tôi nói trong thiền viện chỉ có mấy thầy lớn, con nhỏ ai hướng dẫn, dạy dỗ, không được đâu. Nói thế nhưng chú cứ chạy tới chạy lui, không chịu về. Sáng hôm sau chạy vô thất tôi lạy lục, sau đó vô thất Hòa thượng lạy nữa.

Cuối cùng Hòa thượng bảo tôi nhận chú. Hòa thượng dạy tôi mới dám nhận, sau xuất gia đặt tên là Tỉnh Huy.

Giai đoạn đầu của Tỉnh Huy đẹp lắm. Một chú thiền sinh nhỏ được thọ giới Sa di sống trong tập thể, tụng kinh, thụ trai, làm việc với đại chúng bình thường. Nhỏ tuổi như thế, tới giờ thức chúng không bao giờ thức trễ, giờ thụ trai không đi trễ, làm việc tuy không hoàn toàn nhưng chúng làm tới đâu chú làm tới đó. Giờ nghỉ, giờ thụ trai, giờ ngồi thiền, giờ tụng kinh rất hài hòa. Ngoài những giờ làm việc theo chúng, tôi kêu qua thất tôi làm thị giả, đưa những quyển sách, những đoạn văn đọc cho tôi nghe. Lúc đầu chú cà lăm cà lặp, đọc không được tôi phải chỉ cho, đọc tới chỗ nào dừng, rồi tôi giải thích từng đoạn cho chú hiểu. Như vậy huấn luyện đến lúc lớn lên, biết suy nghĩ thông suốt thì Tỉnh Huy xin đi thành phố học. Học mấy năm rồi xin đi luôn. Quí vị thấy tâm ban đầu của Tỉnh Huy rất mạnh, nhưng không nuôi dưỡng, dễ duôi, lơi lỏng, sau đó không thu lại được.

Đây là những hình ảnh biểu trưng trong tập thể, trong sinh hoạt tăng đoàn của chúng ta. Nó là bài học để những thiền sinh nhỏ tuổi làm kinh nghiệm, gầy dựng cho mình sức tỉnh giác, lúc nào cũng nhớ đến việc tu hành. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng tâm ban đầu ngày một lớn thêm, đừng để nó dừng lại hay lui sụt, sẽ dẫn đến tình trạng rất đáng tiếc. Đó là điều quan trọng.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Phát tâm Bồ-đề là thế nào ?
Đáp: Bồ-đề có vô lượng nghĩa. Tất cả ba tạng, mười hai bộ kinh, đều là nghĩa của Bồ-đề, nên chẳng thể thuật hết. Nay xin lược lấy một vài lối giải thích rất gần mà chỉ ra đó thôi.

Bồ-đề, đây nói là tánh giác. Lại, bồ là chiếu, đề là kiến. Nói chung là tánh giác chiếu kiến. Tánh giác chiếu kiến này là tri kiến Phật.

GIẢNG

Thiền sư Minh Chánh nói tâm Bồ-đề trùm hết cả tam tạng thánh giáo, nói không hết được. Đây chỉ lược một vài lối giải thích rất gần để chỉ ra. Chúng ta hiểu gọn Bồ-đề là tri kiến Phật, là tánh giác của mình, chớ không có gì lạ. Đã là tri kiến Phật, là tánh giác của mình tại sao phải phát tâm Bồ-đề? Tuy nó của mình nhưng từ lâu chúng ta đã quên, đã quay lưng với nó, chạy ra nên bị vướng mắc bên ngoài, do vậy các vị thánh trước động viên, nhắc nhở chúng ta nhớ lại, khuyến phát chúng ta phát tâm Bồ-đề. Phát tâm là một cách nói, đúng ra là nhớ và sống lại tâm Bồ-đề.

Nói công phu như ngồi thiền, học kinh, làm việc trong chúng, xả bỏ thân này quyết liệt tu hành v.v… nhằm gầy dựng lại cái tỉnh lực để đừng bị mê. Đừng bị mê là đừng quên tánh giác. Lâu nay chúng ta quên, bây giờ gầy dựng lại tỉnh lực, không phải thêm cái gì khác. Hòa thượng dạy phải sống với tánh giác, tức biết mình có cái đó. Chúng ta quen chạy ngược chạy xuôi bên ngoài nên bây giờ phải khép vào khuôn khổ, quy chế, có thời khóa biểu đàng hoàng để không dám dễ duôi. Khóa biểu cắt thời gian ra từng giai đoạn, phát hiệu bằng chúng lệnh, giờ nào việc đó, không ai được làm sai. Tất cả đều thực hiện trong sự tỉnh giác. Sở dĩ như thế là vì chúng ta thường bỏ quên việc bổn phận của mình.

Người xưa trong lúc làm việc cũng có thể ngộ đạo. Như ngài Hương Nghiêm nghe tiếng viên sỏi chọi vào gốc tre một cái “cách” liền ngộ đạo. Chúng ta đi làm, cuốc chung quanh gốc dầu trong tỉnh giác rất dễ có cơ hội ngộ đạo. Chỉ ngại anh em không tỉnh mà quên cho tới bỏ cuốc ở đâu cũng không nhớ. Lúc muốn tìm lại, tìm không ra. Trong tất cả oai nghi, sinh hoạt đều tựu trung nhớ lại cái mình bỏ quên. Nó chưa mất, nó vẫn đâu đó, nhưng đòi hỏi chúng ta luôn luôn tỉnh mới nhớ lại việc của mình. Công phu tu hành là như vậy.

[ Quay lại ]