headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 19/12/2024 - Ngày 19 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thiền Viện Hương Hải


THIỀN VIỆN HƯƠNG HẢI


Trùng tu năm 2000
Trụ trì : Ni sư Thuần Giác
Địa chỉ : Xã Phước Thái, tỉnh Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại : (061) 384 1167


I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

Thiền viện Hương Hải là hậu thân của thiền thất Trúc Lâm, tọa lạc trên lô đất Hòa thượng ân sư cho Ni sư Thuần Giác canh tác hồi năm 1975. Thiền thất buổi đầu là một am nhỏ đơn sơ, bằng tole củ, rộng 9m2, chung quanh tranh và cỏ dại mọc um tùm, cảnh trí rất hoang dã.

Năm 1982 Ni sư Thuần Tín từ Nha Trang vào học thiền với Hoà Thượng ân sư. Sau đó ni chúng tăng dần.

Năm 1987 ngôi thất nhỏ được sửa lại với mái tole, vách đất, nền gạch tàu.

Năm 2000 ngôi thất xuống cấp, tường nứt, mái dột, không còn đủ chỗ cho ni chúng tu học. Ni sư xin phép trùng tu, được Hòa thượng đổi hiệu là Thiền viện Hương Hải. Hương Hải là tên một thiền viện ni, do thiền sư ni Diệu Nhân, đệ tử của thiền sư Chơn Không đời Lý, làm trụ trì. Hương Hải, còn là tên của một thiền sư lỗi lạc của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử vào cuối đời Hậu Lê.

Thiền viện Hương Hải được đại trùng tu toàn bộ bằng vật liệu kiên cố, mái ngói, tường gạch, cột bê tông cốt thép, nền gạch men, toạ lạc trên khuôn viên đất rộng hơn 5000m2. Thiền viện nổi bậc trong vườn cây xanh với những hàng cột cao, bờ nóc và mái ngói cong vút. Bên trong chánh điện bày trí rất đơn giản. Phật điện chỉ thờ duy nhất đức Phật Thích-ca Mâu-ni tay cầm hoa sen biểu trưng niêm hoa vi tiếu trên hội Linh Sơn. Hậu điện thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Phía trên có một bức hoành phi khắc bốn chữ “ĐỨC HÓA LƯU PHƯƠNG”. Hàm ý truyền thừa mạng mạch Phật pháp. Giữa chánh điện và Ni đường là giang nhà trống dùng làm lớp học, trên tường có khắc bốn chữ “XOAY LẠI NHÌN MÌNH” để nhắc Ni chúng tu là tu ngay nội tâm mình, không hướng ngoại tìm cầu.

Thiền viện Hương Hải còn có phòng đọc sách với nhiều sách quý và băng đĩa, ghi chép Đại tạng gồm Kinh, luật, luận, sử... Đây là nguồn tư liệu quý cho ni chúng nghiên cứu học hành.

Vào những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn vất vả, trăm thứ lo toan, nhưng với lòng tin Phật, tin Pháp, tin chính bản thân mình, dưới sự hướng dẫn của Hoà thượng ân sư, Ni sư cùng đại chúng đã khắc phục mọi khó khăn biến vùng đất hoang dại, khô cằn, chai cứng thành vườn cây ăn trái xanh tươi, mát mẻ … khiến lòng người cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản mỗi khi bước vào thiền viện. Sẵn sàng đón nhận đạo lý nhiệm mầu của Phật Tổ, tạo cho mình nếp sống bình an, cao đẹp.

II. SINH HOẠT VÀ PHẬT SỰ

Đại chúng sống theo thanh quy của thiền môn rất quy củ. Sáng chấp tác, chiều học, tối tọa thiền. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc cây trái trong vườn, các sư cô còn phụ Hòa thượng ân sư ghi chép kinh, luận, sử v.v... từ băng giảng, rồi chế bảng in thành sách, để Phật pháp được phổ biến rộng rãi. Trước là giúp cuộc sống của mọi người được lợi ích an vui. Sau, để lại Pháp bảo cho đời sau nương đó tu học.

Ngoài ra, mỗi chiều thiền viện còn mở lớp Phật Pháp gia giáo từ thấp đến cao cho đại chúng. Mỗi tháng có một tuần chuyên tu và luân phiên nhập thất để tâm trí của thiền sinh được bình ổn trong những sinh hoạt ngày thường, là nền tảng để trí tuệ và lòng từ của thiền sinh ngày càng phát triển.

Với tâm nguyện giúp người người có được cuộc sống tốt đẹp, các sư cô còn tham gia các hoạt động từ thiện. Với trẻ em có hoàn cảnh nghèo khó, ngoài việc hướng dẫn đạo đức để các em có được cuộc sống lành mạnh, các cô còn giúp đỡ về cả vật chất như tặng học bổng, bút mực, sách vở, áo quần v.v… để việc học được tiếp tục.

Qua quá trình hình thành và phát triển. Thiền viện Hương Hải tiến từng bước từng bước căn bản trên lộ trình tự giác, giác tha.

Gần đây, thiền viện Hương Hải có thêm một Phật sự đáng lưu ý :

 Cuối năm 2004 Phật tử vùng núi Yên Tử dâng cúng cho Hòa thượng chùa Cầm Thực để xây dựng thiền viện ni. Hòa thượng chỉ định ni sư Thuần Giác ra Bắc lãnh Phật sự này với sự hỗ trợ của quí thầy Yên Tử.

Đầu năm 2005 Ni sư ra Bắc nhận trách nhiệm, nhưng do không đủ duyên nên việc xây dựng không hoàn thành. Ngay thời điểm đó, tỉnh Vĩnh Phúc lại mời Hòa thượng ra để hiến đất xây dựng thiền viện. Hòa thượng chỉ định quí thầy trong Ban lãnh đạo thiền viện Trúc Lâm Yên Tử đi Vĩnh Phúc. Quí thầy đề nghị Ni sư Thuần Giác đi cùng. Xây dựng thiền viện Tăng xong thì bắt đầu xây dựng thiền viện ni. Lễ đặt đá xây dựng được ấn định vào tháng 10 năm 2005, nhưng mãi đến tháng 8 năm 2007 mới được thực hiện. Hiện nay Ni sư Thuần Giác cùng một số sư cô Hương Hải đang tiếp tục công cuộc xây dựng thiền viện ni tại Tây Thiên Tam Đảo

Thiền viện Hương Hải tuy không có bề dày lịch sử như những ngôi cổ tự khác, nhưng trong quá trình hình thành và phát triển, thiền viện Hương Hải cùng với các Thiền viện khác thuộc hệ thống Thiền tông của Hòa thượng Thanh Từ đã ghi một nét son trong lịch sử Phật giáo nước nhà.
 

[ Quay lại ]