headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THANH TỪ TOÀN TẬP

thanhtutoantap

LỜI DẪN
luanhoi

thanhtutoantap3Thiền tông Việt Nam luôn là mạch sống tuôn chảy trong lòng Phật giáo và dân tộc suốt từ thế kỷ thứ VI đến nay. Có lúc mạnh mẽ tuôn tràn giữa ngàn hoa đô hội, có lúc len lỏi âm thầm trong núi sâu rừng thẳm, ung dung thoát tục, khuất tịch tiêu sái. Tuy nhiên, mạch sống thiền xưa nay vẫn như vậy, không đến không đi, là dòng sinh mệnh muôn thuở của những bậc thức tâm đạt bổn.

Hòa thượng tôn sư thượng Thanh hạ Từ khi mới vào đạo cho đến hôm nay đã lấy thiền làm mạng sống, nuôi dưỡng công phu qua những giai đoạn hành thiền nghiêm cẩn. Cuối cùng ngài thấu tỏ được lời Phật ý Tổ bằng chính sự nỗ lực không ngừng. Dòng thiền Việt Nam sau gần bảy trăm năm đi vào quên lãng, đã được Hòa thượng thắp sáng trở lại. Ngài nói:

“Thiền tông là cốt tủy của Phật giáo. Bởi vì muốn chỉ chân lý hiện hữu nơi con người, song ngại người ta khinh thường và dễ quên, nên kinh điển Đại thừa nói bằng cách diễn giảng những hình ảnh thâm sâu khó hiểu, còn thiền sư dùng thuật xuất quỷ nhập thần khiến người ta mờ mịt không có lối vào. Nếu ai tháo gỡ được cây chốt bí mật ấy, tự nhiên thấy nó chân thật bình dị vô cùng. Chừng đó mới thấy Kinh và Thiền không có hai lối. Tuy nhiên Thiền tông luôn luôn tuyên bố Giáo ngoại biệt truyền, cốt dẫn hành giả thấy đến nơi sống chân thật, không mắc kẹt trên văn tự ngữ ngôn, không chết chìm trong suy tư lý luận. Nếu Thiền tông khác với kinh Phật tức không phải đạo Phật rồi. Chính vì lẽ đó, Thiền và Kinh luôn song hành để đưa hành giả đến nơi rốt ráo chân thật.”

Những năm theo học tại Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang, Hòa thượng là người siêng năng cần mẫn toàn tâm duyệt tạng. Tuy nhiên chỉ thú kinh điển Đại thừa đối với ngài lúc bấy giờ thật xa xôi diệu vợi. Về sau, nhân duyên được một Phật tử cúng dường Đại tạng, Hòa thượng xem đây là linh hồn của ngài trên khắp mọi nẻo đường tu học cũng như hành đạo. Khi về Phương Bối am, đây là thời gian tốt nhất để ngài vừa tu thiền vừa nghiên cứu kinh điển và dịch thuật. Giáo nghĩa Đại thừa và Thiền tông dần dần sáng tỏ. Các tác phẩm, dịch phẩm của Hòa thượng ra đời như: Tham Thiền Yếu Chỉ, Tọa Thiền Dụng Tâm Ký, Tọa Thiền Tam Muội v.v… đã mở đầu cho sự nghiệp văn học thiền của ngài.

Rời Phương Bối về Huệ Nghiêm, Hòa thượng tiếp tục con đường hoằng pháp lợi sanh và luôn giữ hoài bão tu thiền mãnh liệt. Đến năm 1966, Hòa thượng về Núi Lớn - Vũng Tàu, dựng Pháp Lạc thất chuyên tâm tu thiền. Đại duyên đại chí khởi phát, cánh cửa Không mở toang, con đường thiền rực sáng, toàn bộ giáo nghĩa Thiền tông hoát nhiên thông thống. Hòa thượng thống khoái chống gậy xuống núi, dựng pháp tràng lập tông chỉ, tiếp tăng độ chúng.

Thiền viện Chơn Không ra đời. Con đường thiền giáo đồng hành được Hòa thượng mở ra hướng dẫn cho tăng ni Phật tử hữu duyên. Vừa hành thiền, vừa dịch thuật, vừa giảng dạy, ngài đã thật sự làm sống dậy dòng thiền Việt Nam vào cuối thế kỷ XX. Nhiều tác phẩm, dịch phẩm thiền tiếp tục xuất hiện như: Xuân Trong Cửa Thiền, Bát-nhã Tâm Kinh, Nguồn Thiền, Luận Tối Thượng Thừa, Thiền Căn Bản, Thiền Đốn Ngộ, Sử 33 Vị Tổ Ấn Hoa, Thiền Sư Trung Hoa, Bích Nham Lục v.v… lần lượt ra đời, đáp ứng nhu cầu tu thiền của tăng ni Phật tử ngày càng đông.

Năm 1974, thiền viện Thường Chiếu ra đời, Thiền tông Việt Nam bước sang một bước ngoặt mới. Tu học và lao động trở thành phương châm sống của thiền sinh. Tuy khó khăn kham khổ mà thầy trò vẫn tươi vui, tin tưởng. Cuộc sống được khai hoang từ những mảnh đất khô cằn vụn vỡ. Đó chính là sức sống thiền, tuôn chảy từ trong nguồn tâm sâu thẳm của sự tỉnh thức an nhiên. Pháp hóa của Hòa thượng cứ thế lan tỏa vào đời, Thường Chiếu trở thành tổ đình truyền bá Thiền tông Việt Nam. Cuối đông 1991 Hòa thượng cho ra đời tác phẩm Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ XX, nói lên con đường tu tập của dòng thiền Chơn Không - Thường Chiếu. Kinh sách của Hòa thượng đã trở thành cẩm nang cho hành giả tu thiền Việt Nam: Nguồn An Lạc, Hoa Vô Ưu, Quy Sơn Cảnh Sách, Bát Đại Nhân Giác, Thập Nhị Môn Luận, Kim Cang, Viên Giác, Pháp Hoa, Pháp Bảo Đàn, Lăng-già, Trung Quán, Thiền Sư Việt Nam v.v… đã được tăng ni Phật tử đọc tụng hành trì dưới sự giảng giải cặn kẽ của Hòa thượng.

Năm 1993, thiền viện Trúc Lâm ra đời, đây là đỉnh cao của hành trình khôi phục dòng thiền nước Việt. Thiền tông Việt Nam phát triển rực rỡ. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, tất cả các nghi thức tụng niệm và hành lễ đều được Việt hóa hoàn toàn tại thiền viện Trúc Lâm, cũng như các thiền viện trực thuộc dòng thiền của Høòa thượng. Những tác phẩm ra đời tại thiền viện Trúc Lâm như: Phụng Hoàng Cảnh Sách, Tiến Thẳng Vào Thiền Tông, Khóa Hư Lục, Tham Đồ Hiển Quyết và Thi Tụng Các Thiền Sư Đời Lý, Mười Bức Tranh Chăn Trâu, Thiền Tông Bản Hạnh, Kiến Tánh Thành Phật, Thánh Đăng Lục, Tam Tổ Trúc Lâm v.v… Có thể nói sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh và sự nghiệp văn học thiền của Hòa thượng đã cống hiến cho Phật giáo Việt Nam một kho tàng trí tuệ quý báu vô lượng.

Năm 1997, Ban Văn Hoá Thường Chiếu ra đời dưới sự chủ trì của ngài. Tăng ni hàng môn hạ vâng theo sự chỉ giáo của Hòa thượng ân sư, cùng nhau biên tập lại toàn bộ tác phẩm, dịch phẩm của ngài trong suốt những chặng đường hoằng truyền chánh pháp mà Hòa thượng đã tâm tâm niệm niệm vì đạo pháp vì chúng sanh. Sự nghiệp văn học của ngài được gầy dựng từ khi còn là tăng sĩ trẻ cho đến những năm gần cuối đời thật không gì có thể sánh nổi. Bởi vì ở đó là kho tàng vô giá của trí tuệ và công phu, những kinh nghiệm tu tập quý báu của một bậc thầy lớn, một thiền sư, một chân tăng thật tu thật ngộ.

Không kể đến những công trình dịch thuật, sáng tác, thi kệ về thiền tông, không kể đến những tác phẩm giảng giải thâm thúy bình dị, không kể đến những năm tháng miệt mài bên những trang giáo án dành cho tăng ni tứ chúng… Sáng giá nhất là toàn bộ cuộc đời tu tập và hành đạo của ngài. Đây mới chính là tác phẩm vô giá trong sự nghiệp văn học thiền của Hòa thượng. Văn là người. Mượn đầu bút xoay chuyển dòng nghiệp thức muôn đời, giúp chúng sanh chuyển mê khai ngộ, mang hạnh nguyện tự lợi lợi tha đi vào đời, cho nên toàn bộ tác phẩm của Hòa thượng cũng chính là con người của ngài. Một ngôi sao sáng trong văn học thiền Việt Nam cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Ở đó ánh lên những chất vị cao đẹp tinh khiết mà đậm đà dễ gần dễ đến của một thiền sư Việt Nam: chân chất, bình dị, trí tuệ và tròn đầy bi mẫn.

Có thể nói sự nghiệp văn học thiền của Hòa thượng đã đóng góp cho nền văn học Phật giáo Việt Nam nói chung và nền văn học Thiền tông Việt Nam nói riêng  một kho báu trí tuệ và kinh nghiệm tu tập vô cùng quý giá. Tăng ni Phật tử Việt Nam không thể nào nói hết lòng cảm kích tri ân đối với ngài. Thông qua kinh sách và băng giảng của Hòa thượng, người sau có thể lần mò theo dấu vết người trước, nhận được nguồn sống tâm linh của một bậc chân tăng, một thiền sư Việt Nam vào thế kỷ XXI. Từ đó noi theo tu tập ngõ hầu thành tựu sự nghiệp giác ngộ giải thoát cho chính mình.

Bên cạnh con đường thực chứng tâm linh, hoằng pháp và văn hóa là sự nghiệp độ sanh sáng chói nhất của Hòa thượng. Đây là niềm vinh hạnh và là tấm gương sáng cho tăng ni Phật tử Việt Nam. Muốn giữ gìn và rộng truyền công đức của ngài, quả là một việc làm quá sức đối với hàng đệ tử thô tâm thiển trí. Song không thể để cho pháp bảo vô giá và một đời giáo hóa của thầy tổ bị mai một, chúng tôi đã chẳng ngại tài hèn sức mọn, công phu kém cỏi, cùng nhau tận tâm tận lực biên tập và hệ thống lại toàn bộ kinh sách của Hòa thượng ân sư. Hy vọng bộ Thanh Từ Toàn Tập tái bản lần này sẽ đầy đủ và hoàn chỉnh hơn bộ Thanh Từ Toàn Tập đầu tiên đã ra mắt độc giả vào năm 2002.

Việc làm này nếu không có sự gia trì của Tam bảo, sự chỉ đạo của Hòa thượng ân sư, sự nhất tâm hòa hợp của chư huynh đệ, sự phát tâm hỷ cúng tài lực của mười phương tín thí, có lẽ Phật sự này khó có thể thành tựu. Tất cả đều vì xiển dương chánh pháp, xiển dương Thiền tông Việt Nam, vì hết lòng tưởng nhớ công ơn giáo dưỡng của thầy tổ, mà hướng tâm về pháp bảo, mong phần nào đền đáp thâm ân rộng sâu của Ân sư, thực hiện hoài bão của thầy tổ, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn.

Công đức có được chúng tôi xin dâng lên cúng dường Hòa thượng ân sư, nguyện ngài sống lâu nơi đời, là nơi nương tựa tâm linh cho tăng ni tứ chúng trên con đường tu học cho tới ngày viên mãn. Đồng nguyện hồi hướng về pháp giới chúng sanh chuyển mê khai ngộ, tịnh hóa thân tâm, mỗi mỗi đều được hàm triêm lợi lạc.

Chúng con xin thành tâm đê đầu đảnh lễ sám hối Thầy, vì những lỗi lầm sai sót trong khi chấp bút biên tập lại kinh sách và băng giảng của Thầy, vì sự hạn chế về trí tuệ cũng như công phu tu tập của chúng đệ tử. Chúng con cùng nguyện theo chân Thầy học đạo cho tới ngày thành tựu giác ngộ viên mãn mới thôi.

Xin được cảm kích tri ân các pháp hữu hoan hỷ chỉ bảo cho những sai sót khó tránh khỏi của bộ sách. Sau cùng xin cảm niệm công đức tất cả quý Phật tử gần xa đã tùy tâm ủng hộ cho Phật sự in ấn bộ Thanh Từ Toàn Tập được thành tựu viên mãn.

Thiền viện Thường Chiếu, ngày 12-12-2012
TM. BAN VĂN HÓA THƯỜNG CHIẾU
THÍCH NHẬT QUANG

- Chư Tăng Ni và Phật tử muốn phát tâm cúng dường  Ấn tống hoặc thỉnh bộ sách Thanh Từ Toàn Tập  liên lạc:
  ĐT:  0909080306 - 061.8602.008 (Thầy Đạo Huy) 

  Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

+ Có thể chuyển tiền cúng dường vào tài khoản VND:
  Số tài khoản: 3996.8899
- Tên: ĐỖ VĂN HOÀI  (HT Thích Nhật Quang)
  Ngân hàng Á Châu ACB -  Chi nhánh HỘI SỞ  TPHCM.
 
(Nhớ ghi Tin nhắn và Số điện thoại khi chuyển tiền để quí Thầy báo tin)

 

 + Tài khoản USD chuyển từ nước ngoài số:  3996.9159
  -  Swiftcode: ASCBVNVX
  - ASIA COMMERCIAL BANK
  - Tên: ĐỖ VĂN HOÀI  (HT Thích Nhật Quang)
  - Ngân hàng Á Châu ACB - Chi nhánh HỘI SỞ  TPHCM.

ACBBANK

 Xin lưu ý:  Sau khi chuyển tiền xin nhắn tin đến số điện thoại 0909080306 hoặc

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. để các Thầy kiểm tra và hồi báo.

 

 newĐể nhận sách vui lòng đem theo "Phiếu theo dõi "  này  icon down (click để download)

 

 

[ Quay lại ]