headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 11/01/2025 - Ngày 12 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LỜI GIÁO HUẤN CỦA HÒA THƯỢNG TÔN SƯ - 2015

LỜI GIÁO HUẤN CỦA HÒA THƯỢNG TÔN SƯ

Nhân ngày truyền thống 08/12/Giáp Ngọ - 2015

Cùng tất cả Tăng Ni,

Hôm nay ngày truyền thống của thiền phái Trúc Lâm, chư Tăng Ni về đây đảnh lễ chúc mừng tôi, tôi rất là hoan hỷ và cũng có đôi lời nhắc nhở đến toàn thể:

Thuở xưa đức Phật Thích-ca do tu thiền mà ngộ đạo, chư Tổ Ấn Độ, Trung Hoa đến Việt Nam cũng do tu thiền mà thành Tổ. Chúng ta ngày nay tự nhận là đệ tử Phật, là môn đồ chư Tổ, không lý do gì từ khước chẳng chịu tu thiền. Như thế khôi phục thiền tông là một nhiệm vụ chung của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam.

Hoài bão của tôi là khôi phục thiền tông Việt Nam. Người Việt Nam lập thành một hệ phái thiền chỉ có ở đời Trần, còn những đời trước và sau đều theo các hệ phái thiền của Trung Hoa. Là kẻ hậu học, chúng ta tự hãnh diện ở Việt Nam xuất hiện một hệ phái thiền Việt Nam trọn vẹn, mang dấu ấn của chư Tổ Việt Nam và dung hội một cách tài tình đường lối tu hành của người xưa, làm kim chỉ nam cho hành giả Việt Nam. Giờ đây các thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm đã ra đời, thu nhận Tăng Ni tu theo pháp môn thiền tông của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tôi thấy thật vui bởi vì sở nguyện của tôi có thể thực hiện được rồi.

Muốn cho giáo pháp thiền tông Trúc Lâm Yên Tử được khôi phục và phát huy sáng tỏ, bền bĩ, để mọi người hướng theo thì không gì hơn là phải tạo điều kiện cho Tăng Ni tu được sáng đạo. Có sáng đạo thì chánh pháp mới trường tồn. Sở nguyện của tôi muốn duy trì thiền tông Việt Nam lâu dài, nên tôi đã cố gắng tạo thiện duyên cho tăng ni tu học. Vì vậy, tăng ni phải ráng tu cho sáng đạo để khi tôi nhắm mắt, tôi vui vì đã được toại nguyện. Nếu quý vị tu lừng chừng qua ngày thì thật là đời tu của tôi chưa đủ phúc để vui hưởng lúc ra đi. Đó là hoài bão của tôi.

Trúc Lâm Đại Đầu-đà là Sơ tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là một vị thiền sư rất đáng cho tăng ni tứ chúng tôn sùng, hãnh diện. Ngài là một bậc vương giả đã bỏ tất cả công danh phú quí vào tu chốn rừng sâu. Ngài tu trên núi không còn bận bịu việc đời. Một lần đi là một lần dứt khoát, không có thái độ lưng chừng.

Ngài đã nói tất cả chuyện hay chuyện dở của đời không màng tới, tất cả những thị phi Ngài cũng phủi sạch, chỉ dồn hết tâm lực trong công phu tu hành. Do vậy mà chỉ trong thời gian ngắn Ngài đạt đạo. Điều này đáng cho chúng ta trân quý noi theo. Người tu phải có thái độ dứt khoát như thế mới tu hành thành đạo. Được đạo rồi Ngài tùy duyên làm lợi ích chúng sanh, giáo hóa khắp nơi trong nước, khuyến hóa chúng dân tu hành Thập thiện, đồng thời hướng dẫn chư Tăng ni tu hạnh xuất gia, hàng cư sĩ tại gia thì ngài khuyên tu hạnh Bồ-tát. Đó là chỗ cao quí của Sơ Tổ Trúc Lâm.

Chúng ta là con cháu của ngài, tu theo thiền phái Trúc Lâm cho nên phải đi theo con đường Tổ đã đi, hành trì theo pháp Tổ đã hành. “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” là cương lĩnh của thiền phái Trúc Lâm. Chư Tăng Ni tu theo sự hướng dẫn của tôi phải ghi nhớ và thực hành cho được điều này. Mỗi vị tự xoay lại quán chiếu, nhận ra của báu nhà mình, không còn làm gã cùng tử lang thang nữa.

Tu thiền là lúc nào cũng thiền, trong bốn oai nghi tâm chuyên nhất, không thêm một việc khác. Như vậy để làm gì? Để nhận ra cái chân thật hiện tiền luôn hiện hữu trước mắt. Cái biết ấy đã sẵn có đầy đủ, không cần suy nghĩ, suy nghĩ là lăng xăng dấy động. Tăng Ni chỉ nhớ làm một việc này, ngoài ra không có việc khác.

Vô thường nhanh chóng, quý vị không nên vui đùa năm tháng, già chết chẳng hẹn cùng người. Chỉ nên siêng năng tu hành, chớ lười trễ. Ấy mới thật vì nhau. Đây là lời nhắc nhở của tôi.

 

 

[ Quay lại ]