headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 14/11/2024 - Ngày 14 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

MỘT SỰ NGHIỆP CỦA ĐỜI TÔI

 MỘT SỰ NGHIỆP CỦA ĐỜI TÔI

 

I. NGUYÊN NHÂN 

Hoài bảo một "CÁI MỘNG" trên 25 năm mới hoàn toàn thực hiện. 

Trong lúc du học ở Xuân Kinh 1938 đến mùa hè năm 1941, tôi được dịp may dự thính lớp Giáo Lý của Đoàn Thanh Niên Dục Đức trong một tháng, mỗi đêm giảng 2 giờ, do Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đảm trách. Tôi thích thú quá! Vì thấy bác sĩ đem phương pháp giảng giải của Tây phương mà giải thích, trình bày một triết lý cao siêu của Đông phương. Sự phối hợp cả Âu và Á làm cho người nghe rất thích thú vì hiểu được triết lý cao siêu của Đông phương qua phương pháp trình bày rõ ràng rành mạch của Tây phương. 

Từ đó tôi hoài bảo một cái mộng: "làm sao, sau này mình sẽ đóng một cây thang giáo lý" tức là bộ "Phật Học Phổ Thông" ngày hôm nay. 

II. SƯU TẦM TÀI LIỆU 

Tôi bắt đầu gom góp sưu tầm các tài liệu. Đọc trong kinh, xem trong sách, hoặc nghe những bài giảng nào có thể làm tài liệu đóng cây thang giáo lý, thì tôi đều góp nhặt để dành cả: nhứt là tài liệu của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám giảng cho lớp Thanh Niên Đức Dục. 

III. THỜI GIAN TẬP SỰ 

Đến năm 1945, sau khi tốt nghiệp chương trình Phật pháp, tôi trở về Nam, mở trường dạy giáo lý tại chùa Phật Quang xứ Bang Chang, quận Trà Ôn. Số Tăng, Ni đến học trên 30 vị. Ngoài lớp giáo lý, chúng tôi còn mở các lớp học quốc ngữ mỗi buổi sáng, để dạy cho các em ở trong làng, số học sinh gần 150 em; dạy lớp Bình Dân Học vụ để giúp cho đồng bào mù chữ trong những buổi tối; và mở trạm y tế giúp cho đồng bào bệnh hoạn trong làng. 

Muốn làm việc lớn, trước phải làm việc nhỏ, muốn đi xa trước phải từ nơi gần. Nhơn có lớp giáo lý, số học chúng trên 30 vị, tôi bắt đầu tập sự, đem thí nghiệm chương trình Phật học phổ thông mà chúng tôi đã ôm ấp từ lâu, để chờ cơ hội tốt, một hoàn cảnh rộng rãi hơn, sẽ đem ra thực hiện. Thời gian tập sự, chờ đợi gần 8 năm trường. 

Trước nhất, tôi soạn từng dàn bài, rồi đem ra giảng dạy cho học chúng. Tôi bắt họ ký chú kỹ lưỡng. Sau khi giảng xong, tôi bảo họ làm bài đem tôi sửa, rồi viết lại thành từng tập sách nhỏ để cho tín đồ mượn xem, như quyển Đạo Phật, Tam qui, Ngũ giới, Tứ nhiếp pháp, Lục độ v.v... 

IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN 

Đến năm 1952, đường giao thông được dễ dàng, tôi được các bạn đồng song, Hòa thượng Thích Thiện Hoà Giám đốc Phật học Đường N.V, Hòa thượng Thích Nhựt Liên Tổng Thư ký Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hòa thượng Thích Quảng Minh Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt đến thăm và mời tôi về sàigòn để chung lo Phật sự. 

Quí Hòa thượng khuyên tôi: "Cái đèn treo trên cao, thế nào yến sáng cũng chiếu xa hơn". 

Vì nguyện vọng hoằng dương chánh pháp, vì muốn thống nhất Phật sự và vì tình bạn xa cách nhau trên 8 năm trường muốn sum hiệp, nên tôi hoan hỉ nhận lời. Từ đây, tôi bắt đầu thu xếp mọi công việc để chờ ngày lên đường. 

Đầu năm 1953, sau Tết Nguyên đán, ngày mồng 8 thánh Giêng, 8 thầy trò chúng tôi quảy hành lý lên đường ... Đến Sàigon vào chùa Ấn Quang, sau khi thu xếp chỗ ăn ở tạm xong, quí Thầy giao phó cho tôi hai gánh nặng, là "Giáo dục và Hoằng pháp". Vừa làm trưởng ban giáo dục GHTGNV kiêm Đốc giáo PHĐNV và vừa làm trưởng ban Hoằng pháp GHTGNV, rồi quí thầy đua nhau xuất dương. 

Suốt một thời gian trên 10 năm trường, đông xông tây đục, cả ngày chỉ lo dạy học, diễn giảng rồi huấn luyện cán bộ trụ trì và giảng viên, hết khoá Hạ đến khoá Đông, con người tôi như con vụ. 

Mặc dù công việc quá bận rộn, nhưng cái chí nguyện "đóng cây thang giáo lý" đã ôm ấp từ lâu, tôi không hề xao lãng. Ban ngày dạy học, ban đêm soạn bài, dịch kinh. Hết giờ dạy cho Tăng, Ni ở các học đường, rồi đến dạy cho lớp Như Lai Sứ giả và Cư sĩ. Ngoài ra còn làm các Phật sự khác, việc Giáo hội, việc lễ lược, tổ chức, thù tạc v.v... Một ngày đêm, chúng tôi làm việc thẳng thét 4 buổi sáng, chiều, tối và khuya. 

Khoá giảng được kết quả tốt đẹp, thính giả mỗi ngày mỗi đông, nên giảng viên thêm hào hứng và rút tỉa nhiều kinh nghiệm. Nhờ thế, giảng viên tiến đến mức chuyên môn, cầm được nghệ thuật diễn giảng, giảng rất hấp dẫn. Người nghe cũng thích thú ! Nhờ thế, chúng tôi gây được phong trào học giáo lý từ Đô thành đến các tỉnh, trong mấy năm vừa qua ở miền Nam. 

Cứ theo cái đà này mà tiến, hết khoá thứ nhất đến khoá thứ hai, rồi tiếp đến khoá thứ ba và thứ tư v.v... Bắt đầu từ năm 1953 đến 1965 là 13 năm tôi đã hoàn thành được 12 nấc thang Giáo lý; nghĩa là 12 khoá "Phật học Phổ Thông". Nếu cộng với 5 năm hoài bảo cái mộng trên và thời gian tập sự 8 năm, tất cả là 25 năm trọn. 

V. LỢI ÍCH: 

Bộ "Phật học Phổ thông" và các loại sách "Phật học tùng thư" của chúng tôi từ khi được phổ biến đến nay, đã đem lại các lợi ích như sau: 

1. Truyền bá giáo lý được sâu rộng trong quần chúng. 
2. Giúp cho rất nhiều Phật tử hiểu biết Phật pháp để tu hành 
3. Giúp cho Tăng, Ni các Phật học viện mau hiểu giáo lý 
4.  Giúp tài liệu cho quí Giảng sư và Giáo sư để giảng dạy giáo lý. 

VI. NHỮNG YẾU TỐ ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG VIỆC SÁNG TÁC VÀ PHIÊN DỊCH 

1. KHẢ NĂNG 

Muốn làm công việc gì trước tiên cần phải có đủ "khả năng" về công việc ấy. Như người muốn sáng tác và phiên dịch giáo lý, tất nhiên phải có đủ khả năng về việc này, phải có một học lực khá, cả nội điển lẫn ngoại điển, tương đương với công việc, mới có thể làm được. 

2. BỀN CHÍ 

"Bền chí" là một yếu tố cần nhứt trong mọi công việc, nhứt là việc sáng tác và phiên dịch. Công việc này đòi hỏi rất nhiều sự cần cù, rị mọ, ngồi cặm cụi suốt ngày đêm trên bàn viết, từ tháng này đến năm nọ. Người không bền chí, không thể đeo đuổi được lâu dài. Nếu chỉ do hứng thú nhứt thời, thì chỉ viết hoặc dịch được một vài quyển mà thôi. 

3. SỨC KHOẺ 

Sức khoẻ cũng là một yếu tố cần thiết trong mọi công việc. Nếu làm việc gì mà thiếu sức khoẻ thì khó thành công mỹ mãn. Sức khoẻ kém, cố nhiên thân thể mỏi mệt, tinh thần bì quyện, không minh mẫn sáng suốt, không thể ngồi lâu để phiên dịch hoặc sáng tác. 

4. THÍCH THÚ 

Làm công việc gì, mặc dù có khả năng sức khoẻ và bền chí, nhưng nếu không thấy "thích thú" thì cũng khó mà thành tựu, nhứt là việc phiên dịch và sáng tác. Có cảm thấy thích thú, mới vượt qua được sự khó khăn cực khổ, mài miệt nơi bàn viết ngày đêm, không chán. 

Người sáng tác hoặc phiên dịch, khi thực hiện được một tác phẩm nào, tự cảm thấy vui mừng và thích thú, không khác gì anh nghèo cất được cái nhà mới. Phải có thích thú như thế, mới làm được việc này. 

5. TIÊU CHUẨN PHIÊN DỊCH VÀ SÁNG TÁC 

Người xưa nói: "Văn tức là người". Đúng như thế. Người tánh tình như thế nào, thì viết văn cũng như thế ấy. 

Viết văn hay diễn giảng ai cũng muốn cho nhiều người đọc và dễ hiểu. Nhưng trái lại, khi viết hay giảng, phần nhiều người ta muốn nói thật cao siêu, làm cho người đọc và nghe phải mệt trí! Như thế không khác gì người muốn đi tới mà hai chân lại bước lui. Thật ra, điều đó là do ảnh hưởng tánh tình, cũng khó mà thay đổi. 

Chúng tôi nhắm vào tiêu chuẩn: khoa học rõ ràng thứ lớp, Đại chúng phổ thông, bình dân và Dân tộc sắc thái Việt nam, nên những kinh sách, mặc dù khó đến đâu, qua sự phiên dịch hoặc sáng tác của chúng tôi, cũng đều làm cho người đọc được dể hiểu và rõ ràng. 

Theo sự kinh nghiệm của chúng tôi trên mười năm nay về việc trước tác và phiên dịch, nếu tác phẩm nào thiếu ba điểm trên Khoa học, Đại chúng và Dân tộc thì khó có thể phổ biến sâu rộng trong quảng đại quần chúng. 

6. SÁNG KIẾN 

Với "sáng kiến", công việc của chúng ta dù cũ cũng thành mới mẻ. Trong khi giảng dịch hay viết, nếu không có một đôi chút sáng kiến thì người nghe hay đọc cảm thấy khô khan, buồn nản. Trái lại, nếu chúng ta có sáng kiến thêm vào, thì người đọc cảm thấy như thưởng thức được vài phần hương vị mới lạ. Bởi thế nên "sáng kiến" không những rất cần trong việc phiên dịch và sáng tác, mà còn rất cần trong mọi công việc và mọi hoàn cảnh. 

VII. HỒI HƯỚNG 

Tôi làm được điều lợi ích gì, có bao nhiêu công đức đều hồi hướng: 

Trên đền đáp bốn ơn 
Dưới cứu giúp ba loài. 
Cầu nguyện cho: 
Mặt trời Phật thêm sáng 
Bánh xe pháp xoay hoài 
Thế giới đều hoà bình 
Nhơn dân được an lạc 
Tôi và các chúng sinh 
Đều sanh về cõi Phật.

Viết tại Dưỡng đường Đồn Đất Sài gòn
Quý Xuân Ất Tỵ (1965)

 

Sa môn THÍCH THIỆN HOA

 

 

[ Quay lại ]