headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 25/11/2024 - Ngày 25 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Lễ Cầu Nguyện Xây Dựng Ngôi Điện Thờ Phật Thiền Viện Thường Chiếu

 logo

Lời Khải Bạch Nhân "Lễ Cầu Nguyện Xây Dựng

Ngôi Điện Thờ Phật Thiền Viện Thường Chiếu"

Ngày 14 tháng giêng Đinh Dậu (10.02.2017)

hinh14Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Kính bạch mười phương ba đời tất cả chư Phật, chư Bồ-tát, chư hiền thánh tăng
Cung kính ngưỡng bạch trên Hòa thượng Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chứng minh
Kính bạch chư tôn Hòa thượng, chư Thượng toạ, Đại đức Tăng ni
Kính thưa toàn thể quý đạo tràng Phật tử

Hôm nay là ngày 14 tháng giêng năm Đinh Dậu (nhằm ngày 10 tháng 02 năm 2017), tất cả Tăng ni và Phật tử vừa được thưởng thức niềm vui hạnh phúc trong những ngày đầu xuân Di Lặc năm Đinh Dậu. Đây là mùa xuân của loài người và của tất cả muôn loài, với những bông hoa tươi thắm sắc màu, những cành cây đua nhau nẩy mầm sanh lộc, tất cả muông thú hướng về hấp thụ sự ấm áp và an lành của trời đất trong không khí giao hòa đầu xuân. Hành giả tu thiền còn cảm nhận thêm một niềm hạnh phúc nữa, nó siêu việt hơn cả xuân của trời đất vạn vật, đó là nguồn an lạc nơi nội tâm, niềm vui xuân bất tận trong lòng mỗi người. Xin chúc tất cả cùng hưởng được đồng thời cũng san sẻ cho nhau những niềm vui ấy. Chúc nguyện cho những ai chưa được niềm hạnh phúc ấy sẽ nhanh chóng nhận ra để cuộc sống được an lạc, có ý nghĩa và làm cho tinh thần càng thêm phong phú.

Xin hướng về đảnh lễ Hòa thượng Tôn sư thượng Thanh hạ Từ, người đã khôi phục và phát huy lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, khơi sáng ngọn tâm đăng, giúp chúng con nhận ra chủ nhân ông hay chúa xuân của chính mình. Chúng con xin bái tạ thâm ân của Người, cầu chúc Người luôn được mạnh khỏe, an lạc, sống lâu nơi đời để chúng con được nương vào ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi của Người mà được tu hành an ổn.

Kính bạch trên Hòa thượng Tôn sư,

Sống và tu học trong đạo tràng Thường Chiếu, được gần gũi bên Hòa thượng chúng con vô cùng an vui hạnh phúc. Niềm vui ấy thật thù thắng vi diệu, khó diễn tả cho hết được. Đã sáu mùa xuân rồi, chư Tăng ni và Phật tử không còn phải tất bật về Thiền viện Trúc Lâm để đảnh lễ chúc thọ ngày đầu năm rồi quày quả trở về bổn viện để tiến hành các khóa lễ đầu xuân. Do duyên bệnh, Hòa thượng về đây điều dưỡng, Tăng ni lại được gần gũi Người nhiều hơn, thật là thâm tình ấm áp. Lúc xưa, khi thiền viện Chơn Không lâm vào cảnh khó, Người về Thường Chiếu, khi nơi đây và các vùng lân cận phát triển mạnh mẽ, thì Người lại về Trúc Lâm. Và giờ đây, Tăng ni Phật tử lại có duyên được gần gũi và vây quần bên Người.

Thường Chiếu trong những ngày lễ này thật đông đảo, Tăng ni tứ chúng chật cứng cả trong ngoài. Cảm động biết bao tấm lòng của hàng Tăng ni và Phật tử. Đây là thời điểm Thiền môn thịnh đạt, Phật pháp hưng long.

Ngày trước, khi thiền viện Chơn Không đang vào lúc hưng thịnh, Tăng ni Phật tử quy tụ về tu học đông đảo thì cơ sở vật chất và vật thực không cung ứng đủ cho đạo tràng. Các Phật tử chủ chùa Linh Quang (cũ) ở Cát Lở phát tâm cúng dường 52 mẫu đất tại xã Phước Thái - huyện Long Thành, để Hòa thượng lập thiền trang. Hòa thượng tùy hỷ nhận lấy. Thiền viện Thường Chiếu được ra đời, đó là vào năm 1974. Trong buổi sơ khai, chánh điện là một căn nhà lá, mái tole, nằm trơ vơ trên dãy đất cát trắng phếu với sỏi đá khô cằn. Đây là ngôi chánh Thường Chiếu đầu tiên được xây dựng. Hòa thượng Ðắc Huyền được Hòa thượng Tôn sư bổ nhiệm làm Trụ trì, với số chúng là bốn vị. Chư tăng xuống núi trong giai đoạn này phải tự lực cánh sinh, cày cuốc trồng trọt để sinh sống. Vì vậy Hòa thượng luôn động viên, luôn tiếp sức qua những lần về thăm. Nhờ sự yểm trợ tinh thần của Hòa thượng, chư tăng vượt qua mọi khó khăn, giữ vững tâm nguyện tu hành của mình, nên rồi tất cả cũng kham nhẫn được.

Hơn 10 năm sau, thiền viện Chơn Không – Vũng Tàu được dời về Thường Chiếu. Ngày 15 tháng 04 AL (1986), chánh điện thiền viện Thường Chiếu được khánh thành. Như vậy chỉ trong khoảng 20 ngày, ngôi chánh điện mới được hoàn chỉnh. Đây là lần thứ hai ngôi Chánh điện được xây cất lại, quy mô có phần khá hơn trước. Kể từ đây đạo tràng Thường Chiếu được Hòa thượng chính thức chấn tích về khai đạo, trực tiếp hướng dẫn Tăng ni Phật tử tu thiền. Thường Chiếu và các Chiếu phụ cận được phát triển, tăng chúng dần dần lên đến cả 100 vị. Bấy giờ đời sống của Tăng ni tương đối đỡ khó khăn hơn trước.

Đến đây hoàn cảnh xã hội bên ngoài cũng đang trên đà phát triển. Cơ sở vật chất của các viện cũng được mười phương đàn tín hỗ trợ xây dựng lại tương đối ổn định. Thường Chiếu từ đây từng bước thay da đổi thịt. Ngày mùng 08 tháng 04 năm Giáp Tuất (1994) Hòa thượng quyết định cho trùng tu lại Chánh điện Thường Chiếu. Đến ngày 15 tháng 10 AL (1994), Hòa thượng niêm hương bạch Phật, an vị và khánh thành Chánh điện Thường Chiếu. Đây là lần xây dựng lại lần thứ ba. Đó là ngôi chánh điện đang hiện tiền, rất trang nghiêm, hài hòa.

Cho đến hôm nay đã trên 22 năm, đạo tràng vẫn liên tục phát triển. Do lòng khát khao tu Thiền và hâm mộ Hòa thượng Tông sư và chư Tôn đức mà Tăng ni tứ chúng nương về tu học ngày càng đông đảo, các thiền viện phụ cận được xây dựng thêm để phân bổ Tăng ni về tu học. Song nơi tổ đình thì vẫn không ngừng tăng trưởng, cơ sở nhà ở được xây dựng thêm theo nhu cầu phục vụ đời sống. Chánh điện và tổ đường tạm đủ sức chứa chư tăng trong khóa lễ và các buổi tu tập thường ngày, nhưng các ngày lễ trọng có Tăng ni các nơi về tham dự thì không đủ chỗ dung. Chánh điện, Tổ đường vẫn thế, rất trang nghiêm hài hòa nhưng giờ đây lại trở nên nhỏ bé so với lượng Tăng ni vân tập về mỗi khi có đại lễ.

Cảm trọng ân tình của chư Tăng ni và Phật tử đối với Phật pháp, với Tam bảo và nhất là đối với Hòa thượng tông sư. Trong những ngày lễ, chư Tăng ni phải đi đứng chen chút nhau, không gian chẳng đủ để lễ bái. Hòa thượng trụ trì tổ đình thiền viện Thường Chiếu từ lâu đã có tâm nguyện xây dựng lại ngôi chánh điện rộng lớn hơn để đủ sức dung chứa toàn thể Tăng ni về tham dự các buổi lễ. Tâm nguyện của Hòa thượng thật tha thiết nhưng có lẽ nhân duyên chưa phù hợp nên việc trùng kiến ngôi chánh điện vẫn chưa được tiến hành. Đồng thời đó cũng là mong mỏi của tất cả Tăng ni Phật tử. Hơn ai hết, Tăng ni là những người trực tiếp cảm nhận này. Trong những ngày lễ, có những vị phải đứng từ xa vọng vào, không thể chiêm ngưỡng tôn dung của đức Bổn sư và thực hiện theo kịp các nghi thức lễ tụng. Từng được Hòa thượng chia sẻ những tâm nguyện đó nhưng chúng tôi biết làm gì hơn, chỉ nguyện một lòng tuân theo sự chỉ dạy của Người. Mọi Phật sự đều phải có thời gian, có nhân duyên, khi cơ duyên đến thì mới thành tựu được.

Trong những ngày đầu xuân, đón mừng năm mới, lễ vía đức Từ phụ Di Lặc đản sanh, chúng tăng được thưởng thức mùa xuân, lòng tràn đầy hoan hỷ, ngẫm lại những việc đã qua và những việc cần làm trong năm mới ai cũng nghĩ ngay đến Phật sự lớn lao, đó là việc trùng hưng xây dựng lại ngôi chánh điện. Do đó mọi người cùng tâm nguyện, cùng hoan hỷ, hòa hợp thống nhất trong Phật sự này. Hòa thượng Tôn sư cũng rất hoan hỷ chấp thuận cho Phật sự này, cùng với sự đồng lòng hoan hỷ tán trợ của toàn thể chư Tôn đức Tăng, xem như Phật sự lớn này đã bước đầu được thành tựu.

Kính bạch chư tôn đức,

Kính thưa cùng toàn thể quý Phật tử,

Chư tổ ngày xưa khi đi hành đạo, gặp đạo tràng nào hoang phế thì rất đau xót mà dốc lòng gầy dựng, thấy tháp Phật cũ hư thì liền trùng tu lại, các ngài không nỡ thấy cảnh điêu tàn mà phủi áo bỏ đi. Ngày nay chúng ta có thầy, có giáo pháp, và đông đảo bạn đồng tu quả là nhân duyên tốt đẹp, mọi cơ sở đều đầy đủ, chỉ cần chỉnh trang lại để cho phù hợp với mục đích sinh hoạt, thiết nghĩ đây là việc chánh đáng phải làm. Cổ đức nói: “Núi có ngọc thì cỏ cây xanh tốt, suối có rồng thì nước chẳng cạn khô, chỗ có Tam bảo thì thiện căn tăng trưởng”. Đạo tràng được trùng hưng thì mới có thể thiệu long Phật tổ, hoằng pháp lợi sanh.

Mong tất cả Tăng ni Phật tử ai nấy đều hoan hỷ, một lòng lo nghĩ và đóng góp phần mình vào Phật sự chung này. Đó là vinh dự, là phúc phần cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Cần phải xem trọng sinh mệnh của chính mình, sự có mặt của con người trên cõi đời là một sự kiện kỳ diệu nhưng cũng lắm rủi ro, quỷ vô thường luôn rình rập không thể nào biết trước. Gặp việc lành việc tốt phải nên hăng hái thực hiện, chớ dễ giải mà xem thường, như thế sẽ không hối tiếc một đời tu. Sự đồng tâm hòa hợp này sẽ là động lực thôi thúc công trình xây dựng sớm được thành tựu viên mãn. Rồi sẽ không lâu, ngôi chánh điện mới trang nghiêm rộng lớn sẽ được thành tựu như nguyện. Chư Tăng ni Phật tử có được không gian tương đối để đầy đủ oai nghi, cử hành các khóa lễ trước kim tượng trang nghiêm của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni mỗi khi về tham dự các khóa lễ. Mong mười phương Tam Bảo hộ trì để Phật sự của chúng con được thành tựu viên mãn.

Kính bạch trên Hòa thượng Tông sư,

Là đệ tử trong tông môn, khi tu học hay làm bất cứ Phật sự gì chúng con luôn tuân thủ theo chủ trương và cũng luôn trân trọng hoài bão của Hòa thượng. Ngài luôn chủ trương cho Tăng ni tu học đúng chánh pháp, lấy sự giác ngộ giải thoát làm mục đích chính. Phần cơ sở vật chất thì chỉ đơn giản, vừa phải, không màu sắc cầu kỳ, không chủ trương xây chùa to Phật lớn. Mọi sự kiến tạo và sắp xếp tùy theo nhu cầu sinh hoạt tu học của Tăng ni và cũng phải có ý nghĩa nhất định. Tên gọi các thiền viện thể hiện nét độc đáo của Người trong sự liên hệ giữa nội dung và hình thức. Trong một lần nói chuyện tại tổ đình thiền viện Thường Chiếu, Hòa thượng chia sẻ hoài bão của mình với Tăng ni và Phật tử: “Tại sao tôi đặt tên Thiền viện này là Thiền viện Thường Chiếu? Nếu quý vị hiểu được tên Thiền viện Thường Chiếu tức là quý vị cảm thông được hoài bão của tôi.

Hòa thượng giải thích:“Ý thứ nhất là đứng về phương diện lịch sử. Thường Chiếu là tên của một thiền sư cuối đời Lý. Ngài ở chùa Lục Tổ, tức là ngài chịu ảnh hưởng hay kế thừa hệ phái Vô Ngôn Thông. Nhưng chùa Lục Tổ là chùa của hệ Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Như vậy là trong đời ngài, hai hệ phái Thiền truyền trên đất nước Việt Nam là hệ Tỳ-ni-đa-lưu-chi và hệ Vô Ngôn Thông tới đây đã hòa hội thành một. Chỗ của Ngài ở, ngài truyền bá chính là nơi hòa hội. Danh hiệu của Ngài xứng đáng kế thừa hay xứng đáng hòa hội hay kết hợp những phái thiền Việt Nam trở thành một để lưu truyền sau này. Đó là nói về ý nghĩa của lịch sử. Đây chỉ là phần nhỏ, chưa phải là hoài bão của tôi.

Hoài bão của tôi thì nằm ở hai chữ Thường Chiếu. Thường là luôn luôn là mãi mãi. Chiếu là soi sáng. Luôn luôn mãi mãi soi sáng, đó là Thường Chiếu.

Rõ ràng tên của thiền viện và pháp tu hành được thể hiện đầy đủ ở cả lý và sự, nó thể hiện tâm nguyện cao cả và tầm nhìn sáng suốt của Hòa thượng tông sư. Hòa thượng làm việc gì luôn có điểm căn cứ, chứ không phải làm việc tự phát. Đó là những điểm sáng nhất, những căn cứ có ý nghĩa nhất cho việc dựng lập môn phong và truyền bá chánh pháp.

Phật sự này cũng biểu trưng cho sự tu học của mỗi người con Phật. Chúng ta phải luôn thức tỉnh, quán sát thân tâm, phát hiện những mặt yếu kém để kịp thời sửa đổi, sửa đổi dần dần thì đức hạnh và trí tuệ của mình mới được hoàn bị. Như vậy thì lý và sự trong tu hành mới được viên dung, hoàn mãn.

Cuối cùng chúng con xin nguyện cầu Phật pháp trường tồn, thiền môn hưng thịnh, lợi ích quần sanh. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được phát huy rực rỡ trong lòng người Phật tử Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Nguyện Hòa thượng Tôn sư sống lâu nơi đời, chuyển bánh xe pháp rộng độ chúng sanh đồng về bến giác. Nguyện thế giới hòa bình nhân dân an lạc, đất nước và dân tộc Việt Nam thanh bình, ấm no, hạnh phúc. Chúng con nguyện là những cây đèn ngọn đuốc được thắp lên từ ánh sáng Phật pháp thiền tông từ nơi Người, và quyết tâm gìn giữ cho được “thường chiếu” để soi sáng cho thế hệ mai sau.

Xin thành tâm đảnh lễ tri ân chư Tôn đức Tăng ni đã vì Phật sự này mà cùng về đây tham dự, giúp cho buổi lễ được thêm phần trang nghiêm thành kính và thành tựu viên mãn. Chúc quý ngài thân tâm an lạc, phúc trí nhị nghiêm, thắp sáng ngọn đèn chánh pháp và soi sáng cho chúng hữu tình.

Cũng nhân ngày đầu xuân mới, xin chúc nguyện cho toàn thể Phật tử, các đạo tràng Phật tử thân tâm thường an lạc, tâm Bồ-đề kiên cố, luôn an vui trong ánh hào quang của mười phương Chư Phật.

Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát Tác Đại Chứng Minh
 

[ Quay lại ]