headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 24/11/2024 - Ngày 24 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thiền Viện Trúc Lâm

 

THIỀN VIỆN TRÚC LÂM PHỤNG HOÀNG

Thành lập năm 1993
Viện trưởng : Hòa thượng Thích Thanh Từ
Chủ trì Tăng : TK Thích Thông Phương
Chủ trì Ni : TKN Thích nữ Như Tâm
Địa chỉ: khu phố 7, phường 3, Tp. Ðà Lạt, Lâm Ðồng
Ðiện thoại: (063) 827 565 - (063) 830 558 

Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc trên núi Phụng Hoàng, cách thành phố Đà Lạt 5 km (Đường rẽ vào hồ Tuyền Lâm).

Lời của Hòa thượng Ân Sư 

LÝ TƯỞNG TỐI HẬU
 

Tại sao tôi đã tuyên bố “Thiền viện Trúc Lâm là lý tưởng tối hậu trong đời tu của tôi?”. Bởi trước kia tôi đã từng ở tại các Phật học đường, và sau này cũng đi dạy ở các Phật học đường, giao tiếp với chư tăng, chư ni mọi nơi, tôi thấy rõ, trong giới tu sĩ Phật giáo chúng ta thường có cái bệnh thiếu hòa hợp. Bởi thiếu hòa hợp, nên ở nơi nào cũng thường xảy ra những chuyện vui buồn đáng tiếc. Vì vậy, tôi thấy đó là một nỗi buồn. Lại nữa, tôi nhìn thấy tăng ni ở các Phật học viện cũng như các nơi, phần lớn bị vấn đề kinh tế chi phối. Vì phải lo cho có ăn, có mặc và có những phương tiện học tập, nên tăng ni không còn đủ thời gian để tu học. Tôi lại thấy tăng ni chúng ta, vì những việc bên ngoài lôi cuốn rồi phải chạy theo, bị chi phối rất lớn bởi những đám tiệc của Phật tử, bởi những lễ lượt trong chùa và khách khứa từ thân nhân huynh đệ qua lại tới lui với nhau, làm mất hết bao nhiêu thời gian quí báu trong lúc tu hành cũng như học tập. Vì vậy mà tôi rất đáng tiếc! Sau này, tôi thành lập được thiền viện Chơn Không, thiền viện Thường Chiếu, nhất là khi xuống Thường Chiếu tôi thấy có một trở ngại cho sự tu thiền, vì ở đó nóng bức quá. Mỗi chiều ngồi thiền, mồ hôi ướt áo, buổi tối cũng vậy. Cho nên tôi thấy, tuy muốn cho tăng ni có thời gian tu, nhưng lại bị trở ngại về khí hậu, thời tiết nên tôi rất buồn. Vì những lý do đó, nên sau khi được phép chánh quyền cho thành lập thiền viện Trúc Lâm, tôi nghĩ tôi phải thực hiện cho được những điều trước kia tôi thấy chưa hài lòng. Khi thiền viện Trúc Lâm đã thành tựu, có tăng ni tụ họp tu hành thì tôi lập bản Thanh Qui ( hay Nội Qui), trong đó điều kiện tiên quyết, là tôi bắt tăng ni ở đây phải thực hiện cho được phép sống Lục hòa. Bởi chúng ta là người tu, là người hướng dẫn chỉ dạy cho Phật tử tu hành… Nếu nội bộ mình không hòa thuận, không có vui vẻ với nhau thì chúng ta dạy ai, hướng dẫn ai để họ tu hành? Cho nên tôi lấy lục hoà làm then chốt trong cuộc sống của người tu sĩ. Đó là điều thiết yếu. Vì vậy, tôi yêu cầu tăng ni hai bên phải cố gắng thực hiện cho được pháp lục hoà mà tôi cho là tối quan trọng.

Kế đó tôi thấy rằng, tăng ni vì bận sự sống mà mất thời gian tu. Cho nên khi thành lập thiền viện Trúc Lâm tôi đòi hỏi tăng ni phải dồn hết thời giờ trong sự tu hành. Muốn được như vậy, thì mọi nhu cầu về ăn, mặc, thuốc men … thiền viện chúng tôi chịu trách nhiệm hết : Lo cho tăng ni đủ ăn, đủ mặc, bệnh hoạn có thuốc thang… để tăng ni không còn bận tâm về tài chánh. Nhờ không bận tâm về tài chánh, nên yên ổn tu hành, mới mong có những tiến bộ. Đó là điều thứ hai.

Thứ ba, tôi biết sự giao thiệp qua lại tới lui sẽ chiếm mất thời gian tu hành của tăng ni. Cho nên tôi quyết tâm ngang đây, những vị nào phát nguyện vào thiền viện tu hành, thì phải gìn giữ điều kiện không được đi nơi này nơi kia, chỉ một hai trường hợp đặc biệt mới được đi, đó là hạn chế sự đi lại. Hơn nữa, ở đây Phật tử cúng kính, cầu nguyện chỉ tới ghi tên, rồi chư tăng chư ni trong buổi Sám hối nguyện cầu cho, chứ không đi đám chỗ này chỗ kia mất thời gian tu của tăng ni. Đó là điều thứ ba.

Điều thứ tư, tôi thấy nơi đây khí hậu mát mẻ, yên tĩnh, cho nên tôi nghĩ chư tăng chư ni tọa thiền ban ngày vào buổi chiều cũng tốt, chứ không đến nỗi phải đổ mồ hôi. Rồi buổi tối, buổi khuya mát mẻ thì tu hành có thể dễ tiến. Vì tôi thấy trong sử đã kể lại rằng, đ ức Phật Thích Ca chúng ta ngồi tu dưới cội bồ đề vào tháng mùa đông, do đó mà sau 49 ngày đêm tọa thiền, ngài được giác ngộ. Tôi thấy khí hậu mát mẻ nhất là buổi khuya, khí trời thanh sảng, chúng ta ngồi thiền đem lại nhiều kết quả rất tốt đẹp, cho nên tôi mới chủ trương phải ngồi thiền nhiều, mà nhất là buổi khuya.

Đó là những điều mà trước kia tôi thấy nó làm trở ngại cho tăng ni tu hành khó tiến bộ. Cho nên, khi thành lập thiền viện Trúc Lâm, những trở ngại đó tôi quyết tâm vượt qua, để tạo điều kiện cho tăng ni tu đến nơi đến chốn. Khi thành lập Thiền viện Trúc Lâm, tôi tin rằng sẽ tạo đủ điều kiện cho tăng ni tu hành được tiến bộ, đó là điều chúng tôi mãn nguyện. Vì vậy mà thiền viện Trúc Lâm, tôi cho là lý tưởng tối hậu ở chỗ đó. Lý tưởng tối hậu không phải đời tôi tới đây là chấm dứt, không truyền bá, không làm Phật sự, mà tối hậu là vì những hoài bão ôm ấp từ trước đến đây tôi thực hiện được. Tôi làm được những gì mà trước kia tôi thấy còn thiếu sót nơi tôi, tôi bổ túc lại cho đầy đủ. Đó là cái mãn nguyện của tôi.

Nhưng nói như vậy, không phải chỉ tôi là người có trách nhiệm, còn tất cả tăng ni ở đây không có bổn phận. Bởi vì tôi làm trách nhiệm của người đi trước, của người dẫn đường, tăng ni ở đây là người được hướng dẫn, được chỉ dạy, thì tôi làm tròn trách nhiệm của tôi rồi. Tôi mong rằng tất cả tăng ni cũng thấy bổn phận của mình, phải làm sao cho cân xứng với sự lo lắng của tôi, trông đợi của tôi, thì tăng ni mới làm tròn bổn phận của mình. Như vậy thì mới gọi là sự tương ưng giữa thầy trò, mà ngày xưa tôi dùng chữ là sư tư đều thông cảm với nhau. Sư là thầy. Tư là đệ tử. Thầy và đ ệ t ử thông cảm, chung sức với nhau để truyền bá chánh pháp, duy trì mạng mạch của đạo được lâu bền. Đó là những điều rất thiết yếu. Cho nên, tôi nghĩ rằng tất cả tăng ni ở tại thiền viện Trúc Lâm, quí vị phải biết chúng ta ở trong thời mà nhà Phật gọi là mạt pháp - khó gặp thầy, gặp bạn, tức là những hàng thiện tri thức để hướng dẫn mình tu, là một cái khó. Rồi khó đủ thắng duyên, trên đường tu hành luôn luôn bị trở ngại, bị nhiều chướng… Giờ đây, ở nơi thiền viện này, quí vị có đầy đủ : trên thì có thầy, bên cạnh thì có bạn, rồi mọi nhu cầu để đủ điều kiện tu, rất là đầy đủ tiện nghi không thiếu. Như vậy, còn cái gì nữa mà chúng ta không nỗ lực, chúng ta không cố gắng tu hành cho đạt được kết quả đúng như sở nguyện của mình. Bởi vì tôi thường than rằng người tu không ai là xấu cả, ai cũng là người tốt. Nhưng khi vào đạo gặp duyên không thuận, duyên không tốt, lần lần trở thành người xấu, người dở. Đó là tại vì cái duyên không có giúp đỡ để cho họ tiến tu dễ dàng. Thì ở đây, tôi chịu khó tạo đủ duyên cho tăng ni tu, không còn lý do gì mà quí vị than rằng “Vì nhiều trở ngại, vì nhiều chướng duyên nên tu không được”.

Như vậy thì, sự tu hành của quí vị trong thời này, trong hoàn cảnh này nó rất thuận lợi, rất đầy đủ duyên tốt. Vậy quí vị phải ráng nỗ lực, tận tâm cố gắng tu hành. Làm sao cho đời của mình đã nguyện xuất gia, đã cầu giải thoát sanh tử, thì quí vị phải làm. Dù không trọn vẹn, ít ra cũng đi được một phần ba, hoặc hai phần đường trên đời tu của mình, chứ đừng để nó dở dang, đừng để nó lui sụt. Được như vậy mới xứng đáng là người xuất gia, nguyện tu hành cho được thành đạt đạo quả. Còn không như vậy, thì uổng đi một đời. Đó là lời nhắc nhở và nói rõ sở nguyện của tôi.

 

I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP

Năm 1986, Hòa thượng dời Chân Không về Thường Chiếu. Khí hậu nơi đây khắc nghit khiến việc tu thiền gặp nhiều khó khăn. Hè năm sau, Hòa thượng lên chùa Quan Âm ở Đà Lạt tịnh dưỡng. Một đêm, ngài mộng thấy mình ôm cổ chim Phụng Hoàng bay cao. Tỉnh giấc, nghiệm lại điềm mộng, ngài suy nghĩ “Thường Chiếu, tuy là nơi giảng dạy Tăng Ni Phật tử đến tu học đông đảo, nhưng vẫn còn nhiều giới hạn cho việc tu thiền. Đà Lạt khí hậu mát mẻ, núi rừng thanh vắng, nếu có một thiền viện cho Tăng Ni tu tập, sẽ chóng có kết quả”. Vì thế, Hòa thượng phát họa sơ đồ cho thiền viện tương lai và đi khảo sát núi đồi để chọn đất xin cất thiền viện. Phật tử thể theo tâm nguyện của ngài, tiến hành thủ tục xin đất. Tổng diện tích đất mà thiền viện được cấp là 24 ha.

- Ngày 08/4/ 1993, được sự cho phép của các cấp chính quyền hữu quan, thiền viện làm lễ đặt đá và khởi công xây dựng. Sau 8 tháng thi công, thiền viện xây dựng xong phần cơ bản, chia làm 4 khu vực : Khu ngoại viện, khu tịnh thất của Hòa thượng viện trưởng, khu nội viện Tăng và khu nội viện Ni.

- Ngày 08/02/1994, cử hành lễ khánh thành thiền viện, Hòa thượng Viện trưởng tuyên bố bản thanh quy của thiền viện Trúc Lâm. Khóa thiền đầu tiên bắt đầu.

- Năm 1999, thiền viện sửa chữa và xây dựng thêm một số công trình như nhà khách tăng, lầu trống, thư viện và nhà trưng bày.

1. Khu ngoại viện

 Lên thiền viện từ phía hồ Tuyền Lâm, theo con dốc bậc thang dài khoảng 500m, phải vượt qua 3 cổng tam quan mới đến Chánh điện. 3 cổng này biểu trưng cho 3 quan trong nhà thin : Sơ quan, Trùng quan và Lao quan. Đó  là 3 cửa mà một hành giả tu thiền phải vượt qua mới đến được cảnh giới rốt ráo. Qua được 3 cửa này thì mới vào chánh điện và thấy được Phật.

Phía trước chánh điện là hồ Tĩnh Tâm.

Bên dưới lưng đồi nằm giữa nhà giữ xe và hồ Tĩnh Tâm là nhà khách nữ, nơi dừng chân cho khách nữ, cũng là nơi giành cho Phật tử nữ tu tập ngắn hạn tại thiền viện.

Bên trái chánh điện, cạnh tháp chuông là Tham vấn đường. Vào hai ngày 14 và 29 âm lịch, Tăng Ni và Phật tử tề tựu về đây để nghe Hòa thượng giảng Thiền.

Bên phải chánh điện là nhà khách. Nhà khách là nơi tiếp khách và là nơi sinh hoạt cho khách Tăng hay Phật tử nam đến thiền viện tu tập.

Phía sau chánh điện là  vườn Tổ.

Thư viện là một ngôi nhà hai tầng. Tầng trên là thiền đường. Tầng dưới là thư viện.

Đối diện thư viện là nhà trưng bày.

 

2. Khu ni viện

Phân làm hai : Nội viện tăng và nội vin ni.  

Đây là khu chuyên tu của tăng ni, nằm cách biệt nhau và cách biệt với khu ngoại viện. Tăng ni không được ra ngoài khi không có sự cho phép của Hòa thượng. Du khách bên ngoài cũng không được phép vào tham quan khu vực này, trừ trường hợp đặc bit mang tính nghiên cứu.

Khu nội viện tăng cũng như ni gồm có những công trình căn bản : Thiền đường, Tăng đường, Trai đường, Nhà trù, khu thiền thất. Ngoài ra còn có các công trình phụ như nhà may, nhà kho, nhà để xe, trại mộc, hồ nước, nhà vệ sinh, rẫy rau xanh, vườn cây ăn trái, vườn hoa kiểng. Riêng nội viện ni còn có thêm nhà khách ni, giành cho ni khách hay Phật tử nữ đến tập tu.

3. Khu tịnh thất của Hòa thượng viện trưởng

Khu này gồm có tịnh thất của Hòa thượng Viện trưởng và một tịnh thất của Hòa thượng Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Lâm Đồng. Cả  hai đều được làm bằng gỗ.

II. CHỦ TRƯƠNG ĐƯỜNG LỐI

Chủ trương của thiền viện Trúc Lâm là khôi phục lại Thiền tông Việt Nam, cụ thể là của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, do ngài Trúc Lâm Đại Đầu Đà sáng lập và làm Sơ Tổ. Thiền sinh trong thiền viện đều phi theo tông chỉ “Phản quan tự kỷ bổn phận sự” và sống trong tinh thần lục hòa.

III. TỔ CHỨC, SINH HOẠT

- Ban Lãnh Đạo và Chức Sự có  trách nhiệm trông coi, sắp xếp, điều hành toàn bộ sinh hoạt của thiền viện. Lãnh đạo tối cao là Hòa thượng viện trưởng. Dưới có Chủ trì tăng và ni do thầy Thích Thông Phương và sư cô Như Tâm đãm nhiệm.

- Thiền sinh vào thiền viện phải hội đủ những điều kiện quy định trong Thanh quy của Thiền viện : Trình độ lớp 12 trở lên, có sự đồng ý của cha mẹ, hoặc đã học xong các trường Phật học, có giấy giới thiệu của Bổn Sư. Nếu là tăng ni trong các thiền viện thì phải là người đã tu tập ở các thiền viện ấy 3 năm trở lên v.v…

- Thiền sinh nếu thấy không thích hợp với đời sống của thiền viện thì có  thể  xin phép ra đi tự do. Không được ở trong thiền viện mà có tâm hướng ngoại.

- Thiền sinh sống trong thiền viện phải tập ba đức tính dứt khoát, kiên quyết, đạm bạc. Phải thực hiện cho được tinh thần lục hòa mà Hòa thượng đã nêu.

 Thời khóa tu hành tại Thiền viện


 
Sáng:

 

3 giờ 15 phút

: Thức chúng.

3 giờ 30

: Đại chúng tọa thiền.

5 giờ 30

: Xả thiền. 

5 giờ 45

: Làm vệ sinh

6 giờ 15

: Tiểu thực.

7 giờ 30

: Công tác.

10 giờ 30

: Xả công tác.

11 giờ 40

:Thọ trai.  


 Chiều:

    13 giờ

    :Chỉ tịnh.

    14 giờ

    :Thức chúng.

    14 giờ 30

    :Tọa thiền 2 tiếng.

    17 giờ

    :Uống bột hoặc sữa .

    18 giờ

    :Tụng kinh sám hối.

    19 giờ 30

    :Tọa thiền 2 tiếng.

    22 giờ

    :Chỉ tịnh.


Một số hình ảnh Thiền Viện Trúc Lâm


Cổng tam quan


Chánh điện


Góc bên trong chánh điện


Tượng Bổn Sư trong chánh điện


Nhà Tổ


Bàn thở Tổ


Khu nhà khách và thư viện


Tháp chuông


Tháp Trống


Trước sân Thiền viện


Khu nội viện


Đường lên Thiền Viện

[ Quay lại ]