headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Mười Pháp Yếu Tham Thiền

 




 ó vị tăng hỏi Thiền Sư Tịnh Thất:

- Bạch Thầy trong Thiền môn phải đủ những điều kiện gì mới có thể tiến vào đạo ?

Thiền Sư Tịnh Thất đáp:

      - Trong hang Sư tử không thú khác.
        Chỗ tượng chúa đi bặt dấu chồn.

Tăng lại hỏi:

- Tham thiền với chẳng tham thiền có gì khác ?

Sư đáp:

- Đầu đường sanh tử anh xem lấy,
  Người sống ngay trong người chết thôi.

Tăng hỏi tiếp:

- Học thiền cuối cùng có lợi ích gì ?

Sư đáp:

- Chớ hiềm nhạt nhẽo không mùi vị,
  Ăn xong tiêu hết muôn kiếp tai.

Nghe xong vị tăng rất sanh tín tâm. Sau, vị ấy dẫn đến mấy vị nữa thỉnh Sư chỉ dạy về pháp yếu tham thiền.

Sư chỉ bày mười điều :

  1. Phải rõ sanh tử là việc lớn, VÔ THƯỜNG nhanh chóng, chẳng thể phút giây quên CHÁNH NIỆM.

  2. Phải trong đi đứng nằm ngồi xét kỹ thân tâm, không thể khoảnh khắc trái phạm luật nghi.

  3. Phải hay buông bỏ kiến chấp KHÔNG, chẳng khoe khoang TỰ NGÃ, dõng mãnh tinh tiến, chớ để rơi vào TÀ KIẾN.

  4. Phải thu nhiếp sáu căn trong chánh niệm, nói nín, động tịnh hằng xa lìa vọng tưởng, ném sạch phiền não.

  5. Phải có tâm nhiệt thành cầu đạo, sáng tỏ chẳng mờ, sẵn sàng đến giáo hóa trong hang ma quân, ngoại đạo.

  6. Phải dám quên cả ăn ngủ, sừng sững cao vút, ngồi thẳng xương sống, mạnh mẽ tiến tới trước.

  7. Phải xét ý Tổ Tây sang, niệm Phật là ai? Cái gì là mặt mày xưa nay của ta.

  8. Phải xét thấu tâm thiền trước câu nói, công phu miên mật, chẳng cầu mau thành, gánh nặng trên đường dài.

  9. Phải thà chẳng phát minh, dù trải qua muôn kiếp, chẳng sanh hai niệm, nối thạnh dòng Như Lai.

  10. Phải nên chẳng lui sụt tâm đạo, rỗng suốt Bồ đề, làm lớn mạnh Phật Pháp, tiếp mãi huệ mạng Phật.

Mười điều trên đây, chẳng biết quý vị có lãnh hội chăng?

THIỀN SƯ TỊNH THẤT Ở VĨNH NGUYÊN

[ Quay lại ]