headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 31/10/2024 - Ngày 29 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Sơ Tổ Trúc Lâm - Trần Nhân Tông

(1258 - 1308)

Ngài tên húy là Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh hoàng thái hậu, sanh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258). Ngài tuy ở vị sang cả mà tâm hâm mộ Thiền tông từ thuở nhỏ. Năm mười sáu tuổi được lập làm Hoàng thái tử. Ngài cố từ để nhường lại cho em, mà Vua cha không chịu. Vua cưới trưởng nữ của Nguyên Từ quốc mẫu cho Ngài, tức là Khâm Từ thái hậu sau này. Sống trong cảnh vui hòa hạnh phúc ấy mà tâm Ngài vẫn thích đi tu.

Một hôm vào lúc giữa đêm, Ngài trèo thành trốn đi, định vào núi Yên Tử. Đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, trong người mệt nhọc quá, Ngài bèn vào nằm nghỉ trong tháp. Vị Sư trụ trì ở đây thấy Ngài tướng mạo khác thường, liền làm cơm thết đãi. Vua cha hay tin, sai các quan đi tìm thấy, Ngài bất đắc dĩ phải trở về.

Năm hai mươi mốt tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng đế (1279). Tuy ở địa vị cửu trùng, mà Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập. Thường ngày, Ngài đến chùa Tư Phước trong đại nội tu tập. Một hôm nghỉ trưa, Ngài thấy trong rốn mọc lên một hoa sen vàng lớn bằng bánh xe, trên hoa sen có đức Phật vàng. Có người đứng bên cạnh chỉ Ngài nói: “Biết ông Phật này chăng? Là đức Phật Biến Chiếu.” Tỉnh giấc, Ngài đem việc đó tâu lên Vua cha. Vua Thánh Tông khen là việc kỳ đặc.

Ngài thường ăn chay lạt thân thể gầy ốm. Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, nên hỏi nguyên do. Ngài trình thật với cha. Thánh Tông khóc bảo: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của tổ tiên?” Ngài nghe dạy cũng rơi nước mắt.

Con người Ngài rất thông minh hiếu học, đọc hết các sách vở, suốt thông nội điển (kinh) và ngoại điển (sách đời). Những khi nhàn rỗi, Ngài mời các Thiền khách bàn giải về Tâm tông (thiền), tham học thiền với Thượng sĩ Tuệ Trung, thâm đắc đến chỗ thiền tủy. Đối với Thượng Sĩ, Ngài kính lễ làm thầy.

Những khi giặc Nguyên sang quấy rối, Ngài phải xếp việc kinh kệ để lo giữ gìn xã tắc. Nhờ tình đoàn kết quân dân, Ngài đã hai lần (1285, 1288) đuổi được quân Nguyên, giữ gìn trọn vẹn đất nước. Dưới triều đại Ngài, hai cuộc hội nghị nổi tiếng được ghi vào sử sách là: hội nghị các tướng lãnh ở Bình Than, hội nghị những bô lão trong cả nước ở Diên Hồng để bàn mưu kế, tỏ quyết tâm chống giặc.

Năm Quí Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Ở ngôi Thái thượng hoàng để chỉ dạy cho con được sáu năm, Ngài sắp đặt việc xuất gia.

Đến tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299) Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử. Ở đây, Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu-đà (khổ hạnh) lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu-đà. Sau đó Ngài lập chùa, cất tinh xá, khai giảng để tiếp độ chúng Tăng. Học chúng đua nhau đến rất đông. Sau, Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường lập giảng đường, giảng dạy mấy năm. Ngài lại vân du đến trại Bố Chánh lập am Tri Kiến rồi ở đó.

Đến năm Giáp Thìn (1304), Ngài dạo đi khắp nơi khuyên dân dẹp bỏ những dâm từ (miếu thờ thần không chánh đáng), và dạy họ tu hành Thập thiện. Vào mùa đông năm ấy, vua Anh Tông dâng biểu thỉnh Ngài về đại nội để truyền giới Bồ-tát tại gia.

Sau đó, Ngài chống gậy đến chùa Sùng Nghiêm ở núi Linh Sơn để truyền bá Thiền tông.

Ngày mùng 1 tháng giêng năm Mậu Thân (1308), Ngài sai Pháp Loa đến huyện Siêu Loại tại Báo Ân thiền tự khai giảng trụ trì. Tháng tư năm ấy, Ngài đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang kiết hạ và sai Pháp Loa khai giảng trụ trì. Chính Ngài giảng Truyền Đăng Lục, bảo Quốc sư Đạo Nhất vì chúng giảng kinh Pháp Hoa. Bãi hạ, Ngài vào núi Yên Tử, đuổi hết những người cư sĩ theo hầu hạ và những kẻ nô dịch trong chùa, không được chực hầu như trước. Chỉ để lại mười vị Thị giả thường theo Ngài. Ngài lên ở am Tử Tiêu, vì Pháp Loa giảng Truyền Đăng Lục. Thị giả xuống núi gần hết, duy có đệ tử thượng túc là Pháp Loa còn ở thôi.

Từ đây, Ngài leo khắp các núi, tìm kiếm các hang động, ở tại thạch thất. Pháp Loa thấy thế bạch: “Tôn đức tuổi đã già yếu, mà xông pha trong sương tuyết, lỡ có bề gì thì mạng mạch Phật pháp trông cậy vào ai?” Ngài bảo: “Ta thời tiết đã đến, muốn tạo cái kế lâu dài vậy.”

Ngày mùng 5 tháng 10 năm ấy, người nhà của Công chúa Thiên Thụy lên núi bạch Ngài: “Công chúa Thiên Thụy bệnh nặng mong được thấy Tôn đức rồi chết.” Ngài bùi ngùi bảo: “Thời tiết đã đến vậy.” Ngài bèn chống gậy xuống núi, chỉ cho theo một người Thị giả. Ngài mùng 10 Ngài về đến kinh, dặn dò xong, ngày rằm Ngài trở về núi. Ngài dừng nghỉ ở chùa Siêu Loại. Hôm sau vừa rạng đông, Ngài đi bộ đến chùa làng Cổ Châu, tự đề bài kệ rằng:

ÂM:         Thế số nhất tức mặc
                Thời tình lưỡng hải ngân
                Ma cung hồn quản thậm
                Phật quốc bất thắng xuân.
DỊCH:       Số đời một hơi thở
                Lòng người hai biển vàng
                Cung ma dồn quá lắm
                Cõi Phật vui nào hơn.

Đến ngày 17, Ngài dừng nghỉ ở chùa Sùng Nghiêm tại Linh Sơn, Tuyên Từ hoàng thái hậu thỉnh Ngài vào am Bình Dương cúng trai. Ngài vui vẻ nói: “Đây là bữa cúng dường rốt sau.” Ngày 18, Ngài lại đi bộ đến chùa Tú Lâm ở ngọn An Kỳ Sanh. Nghe nhức đầu, Ngài gọi hai vị Tỳ-kheo trong chùa bảo: “Ta muốn lên ngọn Ngọa Vân mà chân không thể leo nổi, phải làm sao?” Hai vị Tỳ-kheo bạch: “Hai đệ tử có thể giúp được.” Đến am Ngọa Vân, Ngài tạ hai vị Tỳ-kheo rằng: “Xuống núi tu hành đi, chớ xem thường việc sanh tử.”

Ngày 19, Ngài sai Thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu ở núi Yên Tử gọi Bảo Sát đến đây gấp. Ngày hai mươi, Bảo Sát quảy gói sang, đi đến Doanh Tuyền thấy một vầng mây đen từ ngọn Ngọa Vân bay qua Lỗi Sơn và hạ xuống Doanh Tuyền, nước đầy tràn lên cao mấy trượng, giây lát lại bình xuống. Lại thấy hai con rồng đầu bằng đầu ngựa ngóc cao hơn trượng, hai con mắt như sao, chốc lát lại lặn xuống. Đêm ấy Bảo Sát nghỉ trong quán trọ dưới núi, mộng thấy điềm chẳng lành.

Ngày 21, Bảo Sát đến am Ngọa Vân. Ngài trông thấy mỉm cười bảo: “Ta sắp đi đây, nhà ngươi đến sao trễ vậy? Đối với Phật pháp, ngươi có chỗ nào chưa rõ hãy nói mau.”

Bảo Sát hỏi:

- Như khi Mã Tổ bệnh, Viện chủ hỏi: “Những ngày gần đây Tôn đức thế nào?” Mã Tổ bảo: “Mặt trời Phật, mặt trăng Phật.” Nói thế ý chỉ làm sao?

Ngài lớn tiếng đáp:

- Ngũ Đế Tam Hoàng là vật gì?

Bảo Sát lại hỏi:

- Chỉ như “hoa sum sê chừ gấm sum sê, tre đất nam chừ cây đất bắc”, lại là sao?

Ngài đáp:

- Làm mù mắt ngươi.

Bảo Sát bèn thôi.

Suốt mấy hôm trời đất u ám, chim vượn kêu hót rất bi thảm.

Đến ngày mùng 1 tháng 11, đêm nay trời trong sao sáng, Ngài hỏi Bảo Sát: “Hiện giờ là giờ gì?” Bảo Sát bạch: “Giờ Tý.” Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem, nói: “Đến giờ ta đi.” Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đến chỗ nào?” Ngài nói kệ đáp:

ÂM:          Nhất thiết pháp bất sanh
                Nhất thiết pháp bất diệt
                Nhược năng như thị giải
               Chư Phật thường hiện tiền.

                Hà khứ lai chi liễu dã.
DỊCH:      Tất cả pháp chẳng sanh
               Tất cả pháp chẳng diệt
               Nếu hay hiểu như thế
                Chư Phật thường hiện tiền.
                Nào có đến đi ấy vậy.

Bảo Sát hỏi:

- Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt là thế nào?

Ngài liền nhằm miệng Bảo Sát tát cho một cái, nói:

- Chớ nói mớ.

Nói xong, Ngài bèn nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch, vào niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), thọ năm mươi mốt tuổi.

Pháp Loa theo lời di chúc của Ngài làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình. Vua Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về tôn thờ nơi Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, để hiệu là Huệ Quang Kim Tháp và dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu-đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật.

Ngài còn lưu lại những tác phẩm:

            1. Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục

            2. Đại Hương Hải Ấn Thi Tập

            3. Tăng-già Toái Sự

            4. Thạch Thất Mị Ngữ do Pháp Loa soạn lại lời của Ngài.

GIẢNG:

Hôm nay chúng ta học về Sơ Tổ phái Trúc Lâm, tức là Điều Ngự Giác Hoàng hay vua Trần Nhân Tông. Ngài là một ông vua đi tu, trong sử ghi hiệu Ngài là Trúc Lâm Đại Đầu-đà hay Hương Vân Đại Đầu-đà. Là những Phật tử xuất gia hay tại gia, chúng ta cần phải nắm vững hành trạng của chư Tổ Việt Nam để thấy rõ những điều hay mà chư Tổ đã tu, đã lãnh hội được và truyền mãi đến con cháu sau này.

Đọc lịch sử đức Phật, chúng ta có thể hãnh diện vì Ngài là một Thái tử chuẩn bị lên ngôi, lại bỏ ngai vàng đi tu, điều này rất ít thấy ở những tôn giáo khác. Đấng Giáo chủ của chúng ta là người sắp hưởng địa vị cao tột ở thế gian mà Ngài không màng đến, ra đi tìm đạo để giác ngộ cho chúng sanh, thật là cao thượng quí báu thay! Suốt đời hoằng hóa độ sanh, Ngài làm rực rỡ cho tôn giáo của mình và Phật giáo được truyền bá khắp năm châu là một điểm son trên thế gian này.

Chúng ta còn hãnh diện hơn nữa là ở Việt Nam, không phải một Thái tử, mà một ông vua đi tu. Đang làm vua đủ uy quyền, đủ nghị lực để gìn giữ giang sơn, nhưng ngài Trần Nhân Tông không muốn hưởng, lại đem tất cả sự nghiệp giao cho con để đi tu. Tư cách xuất gia của Ngài là một điểm sáng chói khiến chúng ta càng hãnh diện.

Đức Phật là một Thái tử đi tu, ông Tổ của mình là một ông vua đi tu, còn chúng ta là gì? Là bần cố nông đi tu! Nhớ lại Phật, nhớ lại Tổ, chúng ta có cảm thấy xấu hổ hay không? Các ngài bỏ hết địa vị quyền lợi và hạnh phúc của thế gian, chịu cực, chịu khổ tìm đạo, học đạo và ngộ đạo rồi các ngài giảng dạy cho chúng sanh. So lại chúng ta ngày nay chưa phải là người giàu có, vẫn làm lụng vất vả mới có cơm ăn, có đi tu thì chúng ta hi sinh những gì? Có chăng là hi sinh cái nghèo, để được làm thầy tu. Hi sinh cái nghèo đâu phải việc khó. Có người đem bán cái nghèo, không ai chịu mua kia mà, thế thì đâu có gì gọi là hi sinh! Như vậy chúng ta bỏ cái nghèo để đi tu là việc làm dễ trăm phần, nếu không làm được thì thật quá dở. So với đức Phật và Sơ tổ Trúc Lâm, các Ngài ở trong hoàn cảnh khó khăn đủ mọi bề. Là một Thái tử đi tu, Vua cha buồn rầu không biết giao sự nghiệp cho ai, vợ con khóc than không ai lo lắng, quần thần và nhân dân đều trông cậy, thế mà Ngài bỏ đi một cách dễ dàng. Đến như Sơ tổ Trúc Lâm, Ngài là Vua đang cai trị muôn dân, quần thần và toàn dân tín nhiệm mà Ngài cũng bỏ ngai vàng đi tu. Những việc rất khó làm mà các Ngài đã làm được, thì chúng ta ngày nay là những kẻ hậu sanh hậu học làm một chuyện hết sức dễ và đơn giản mà chúng ta không nỗ lực gắng làm cho thành công hay sao? Thế nên đọc qua lịch sử của người xưa, chúng ta phải làm sao cố gắng hơn, không thể lơ là lôi thôi như thế này mãi.

Song nếu đọc sử của vị Tổ thứ sáu ở Trung Hoa, chúng ta sẽ được an ủi phần nào. Lục tổ Huệ Năng là một tiều phu đi tu, Ngài cũng ngộ đạo. Đừng nghĩ Thái tử và Vua đi tu mới ngộ đạo, còn dân nghèo chúng ta đi tu thì vô phần. Nghĩ như vậy là lầm, vì ông tiều phu cũng ngộ đạo kia mà, thế thì chúng ta cũng có phần.

Như vậy về mặt lịch sử, chúng ta hãnh diện thấy Phật Tổ đã hi sinh đời mình đi tu, về mặt đạo đức cũng có những người dốt nát đi tu và ngộ đạo, thì chúng ta không có gì mặc cảm e rằng mình tu không có lợi. Trái lại chúng ta tin chắc rằng nếu chúng ta quyết chí gắng tu thì sẽ có kết quả tốt đẹp không nghi.

*

Ngài tên húy là Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh hoàng thái hậu, sanh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258). Ngài tuy ở vị sang cả mà tâm hâm mộ Thiền tông từ thuở nhỏ. Năm mười sáu tuổi được lập làm Hoàng thái tử, Ngài cố từ để nhường lại cho em, mà Vua cha không chịu.

Khi được lập làm Hoàng thái tử, Ngài cố từ để nhường lại cho em, điều này rất hiếm có trong lịch sử Việt Nam, Trung Hoa hay Nhật Bản. Có khi anh em vì tranh giành ngôi vua mà giết hại lẫn nhau. Vì các vua ngày xưa có rất nhiều con, nên ai được lập làm Hoàng thái tử thì thấy rõ mình sẽ làm vua, còn các người con khác thì không được.

Vua cưới trưởng nữ của Nguyên Từ quốc mẫu cho Ngài, tức là Khâm Từ thái hậu sau này. Sống trong cảnh vui hòa hạnh phúc ấy mà tâm Ngài vẫn thích đi tu.

Tuy được lập làm Thái tử và có gia đình, nhưng lúc nào Ngài cũng canh cánh trong lòng mong được đi tu.

Một hôm vào lúc nửa đêm, Ngài trèo thành trốn đi, định vào núi Yên Tử. Đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, trong người mệt nhọc quá, Ngài bèn vào nằm nghỉ trong tháp. Vị Sư trụ trì ở đây thấy Ngài tướng mạo khác thường, liền làm cơm thết đãi. Vua cha hay tin, sai các quan đi tìm thấy, Ngài bất đắc dĩ phải trở về.

Vì quyết tâm đi tu, cho nên giữa đêm Ngài trèo thành ra đi, cũng giống như đức Phật ngày xưa vượt thành xuất gia. Ngài định lên núi Yên Tử, nhưng đường xa quá đi chưa đến nơi. Tới chùa Tháp ở núi Đông Cứu, trời vừa sáng, nên Ngài vào tháp nằm nghỉ. Thầy Trụ trì thấy Ngài tướng mạo phi thường mới làm cơm thết đãi. Vua cha hay tin, sai các quan đi tìm thấy Ngài ở đó, bất đắc dĩ Ngài phải trở về.

Nói đến đây chúng tôi muốn nhắc lại với quí vị, có một số người nghiên cứu tập Thơ văn của Ngô Thời Nhậm, thấy ý của ông nói về ngài Điều Ngự Giác Hoàng như sau: Ngài sở dĩ lên núi Yên Tử tu là để dò dẫm tin tức của quân Trung Quốc ở miền Bắc, nếu nghe có động tịnh gì thì báo về triều đình để ngừa đón giặc. Như vậy cái nhìn và câu nói đó đánh giá rất sai lầm về ngài Điều Ngự Giác Hoàng. Vì núi Yên Tử giáp ranh với Trung Quốc nên nói Ngài lên đó để lắng nghe tin tức, nếu nói như vậy là Ngài thành mật thám đem tin chớ không phải là tu! Đó là cái nhìn rất lệch lạc. Thì đây, ngay lúc còn làm Thái tử, Ngài đã trốn đi, cũng quyết lên núi Yên Tử. Tại sao? Vì Yên Tử là nơi có các Thiền sư tu ngộ đạo. Khi trước ông nội Ngài là Trần Thái Tông đi tu cũng lên núi này. Như vậy các Ngài lên núi Yên Tử để tu, chớ không phải để lắng nghe tin tức bên Trung Quốc. Người sau không hiểu, lấy ý của ông Ngô Thời Nhậm rồi kết luận sai lầm việc đi tu của Ngài. Đó là lời xuyên tạc của người sau, chúng ta chớ hiểu lầm các Tổ mà mang tội.

Năm hai mươi mốt tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng đế (1279). Tuy ở địa vị cửu trùng, mà Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập. Thường ngày, Ngài đến chùa Tư Phước trong đại nội tu tập.

Tuy làm Vua, Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh và thường đến chùa Tư Phước trong đại nội để tu tập. Trong cung đình ngày xưa thường có chia ra đại nội và ngoại thành. Đại nội tức khu vực nội thành, là khuôn viên nơi vua chúa và các quan đại thần ở, ngoại thành là nơi ở của các quan nhỏ. Trong đại nội luôn luôn có lập một ngôi chùa để các ông hoàng bà phi đi chùa lễ Phật. Hiện nay khi chúng ta ra Huế sẽ thấy vòng thành của đại nội, hay khi đi viếng Trung Quốc chúng ta sẽ thấy rõ khu vực gọi là nội thành của triều Thanh, trong đó có các cung điện và một ngôi chùa.

Một hôm nghỉ trưa, Ngài thấy trong rốn mọc lên một hoa sen vàng lớn bằng bánh xe, trên hoa sen có đức Phật vàng. Có người đứng bên cạnh chỉ Ngài nói: “Biết ông Phật này chăng? Là đức Phật Biến Chiếu.” Tỉnh giấc, Ngài đem việc đó tâu lên Vua cha. Vua Thánh Tông khen là việc kỳ đặc.

Đây là một hiện tượng kỳ đặc, vì khi sanh ra, thân Ngài cũng màu vàng, trên vai phải có nốt ruồi, cho nên người đoán tướng nói Ngài là một vị ra đời để gánh vác việc lớn của đời cũng như của đạo. Giờ đây Ngài lại mộng thấy đức Phật vàng, biết đâu không phải là sự tái sanh của các vị Bồ-tát? Do đó sự tu hành của Ngài rất đơn giản mà thành tựu.

Ngài thường ăn chay lạt thân thể gầy ốm. Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, nên hỏi nguyên do. Ngài trình thật với cha. Thánh Tông khóc bảo: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của tổ tiên?” Ngài nghe dạy cũng rơi nước mắt.

Đâu có ai ở địa vị vua mà lại ăn chay, ăn chay cho tới thân thể gầy ốm! Thường người khá giả giàu có ăn uống đầy đủ món ngon nên béo phì ra. Còn Ngài ở địa vị một ông vua mà không nghĩ tới sự sung sướng hưởng thụ. Ngài chỉ muốn tu thôi, mới ăn chay lạt cho đến gầy ốm. Vua cha thấy Ngài là người đủ đức hạnh, cho nên lúc nào cũng trông cậy nơi Ngài. Song Ngài muốn được tu, nên Vua cha mới khóc. Là người con có hiếu, nghe cha than trách, Ngài cũng rơi nước mắt.

Con người Ngài rất thông minh hiếu học, đọc hết các sách vở, suốt thông nội điển (kinh) và ngoại điển (sách đời). Những khi nhàn rỗi, Ngài mời các Thiền khách bàn giải về Tâm tông (thiền), tham học thiền với Thượng sĩ Tuệ Trung, thâm đắc đến chỗ thiền tủy. Đối với Thượng Sĩ, Ngài kính lễ làm thầy.

Đoạn này là phải ở phần trước. Khi còn làm Thái tử, Ngài đã tham học thiền với Thượng sĩ Tuệ Trung, thâm đắc đến chỗ thiền tủy và kính lễ Thượng Sĩ làm thầy. Đến khi làm vua Ngài họp các Thiền sư để bàn đạo lý.

Thiền tủy nghĩa là gì? Đây là từ ngữ của Tổ Bồ-đề-đạt-ma, lúc Tổ bảo các đồ đệ trình kiến giải trước khi Tổ tịch. Mỗi người trình chỗ thấy hiểu của mình, nhưng tới ngài Huệ Khả, Ngài đảnh lễ Tổ rồi đứng khoanh tay im lặng. Tổ bảo: “Ngươi được phần tủy của ta.” Được tủy của ta là chỉ cho người thâm ngộ đến chỗ tột cùng. Đối với Thượng Sĩ Tuệ Trung, Ngài đã thâm ngộ lý thiền cùng tột nên nói là “thâm đắc đến chỗ thiền tủy”.

Những khi giặc Nguyên sang quấy rối, Ngài phải xếp việc kinh kệ để lo giữ gìn xã tắc. Nhờ tình đoàn kết quân dân, Ngài đã hai lần (1285, 1288) đuổi được quân Nguyên, giữ gìn trọn vẹn đất nước. Dưới triều đại Ngài, hai cuộc hội nghị nổi tiếng được ghi vào sử sách là: hội nghị các tướng lãnh ở Bình Than, hội nghị các bô lão trong cả nước ở Diên Hồng để bàn mưu kế, tỏ quyết tâm chống giặc.

Đến đoạn này chúng tôi muốn giải thích rõ để Tăng Ni không có nghi ngờ.

Là một ông vua cầm quân đánh giặc chống với quân Nguyên, trong hai trận chiến (1285, 1288) quân binh hai bên chết rất nhiều có đến mấy muôn người, vậy ông vua có mang tội sát sanh không? Thế thường ai cũng nghĩ mình đánh giặc giết người thì mang tội sát sanh chớ gì? Đã mang tội sát sanh, tại sao Ngài đi tu lại mau ngộ đạo như vậy? Đó là vấn đề nếu không giải thích e rằng sẽ có sự nghi hoặc. Vì thế chúng tôi phải dẫn rõ đoạn sử này.

Quân nhà Nguyên sang xâm lấn nước Việt Nam mà chúng ta có thể chống nổi là một việc rất phi thường, vì quân Nguyên thời đó là một đội quân hùng mạnh nhất thế giới, không một nước nào chống cự nổi. Đi từ miền đất Mông Cổ qua các nước phương Tây, đến Ba Tư, đến gần nước Lỗ nước Ý, coi như lấn qua Âu Châu, quân Nguyên đi tới đâu thắng tới đó, nên gọi là đội quân bách chiến bách thắng (trăm trận trăm thắng). Họ đánh giặc rất giỏi, nhất là đường bộ, có quân kỵ cỡi ngựa bắn tên rất tài, là thiện chiến nhất. Sau khi lấn qua các nước Tây phương, họ trở lại lấn qua phía đông, chiếm trọn Trung Quốc, lên làm vua lập thành nhà Nguyên. Như vậy đội quân của họ coi như chiếm giữ hơn phân nửa thế giới, là bao nhiêu người? Còn nước Việt Nam chúng ta lúc đó chỉ có một vùng từ miền cao nguyên ở Quảng Ninh đi lần vô tới Thanh Hóa thôi, chưa tới miền Trung, chưa có miền Nam, chỉ có một phần ba đất nước bây giờ, vậy số dân độ chừng bao nhiêu? Nếu nói về khu vực đất đai, nước Việt Nam khi đó chỉ bằng một tỉnh Trung Quốc, còn số dân cũng chưa chắc bằng một tỉnh Trung Quốc. Một đội quân đã chiếm Trung Quốc và chiếm luôn mấy nước Tây phương, rồi họ lại kéo quân về đánh Việt Nam, thử nghĩ chúng ta có thể chống nổi hay không? Người xưa có nói: Việt Nam chúng ta chống quân Nguyên giống như cầm trứng chọi đá, trứng bể hay đá bể? Thế mà đá bể! Chẳng phải chuyện phi thường là gì?

Quân Nguyên thua trận thứ nhất đời vua Trần Thái Tông. Đến năm 1285, họ chuẩn bị trận thứ hai hùng mạnh gấp đôi. Khi ấy ngài Trần Nhân Tông mới lên ngôi vua được sáu năm, ngài Trần Thánh Tông làm Thái thượng hoàng. Đây là trận chiến nguy hiểm vì sức họ mạnh vô cùng, thế mà chúng ta thắng được trận này. Kế ba năm sau (1288), đến trận thứ ba, họ dồn hết lực lượng để đánh, cũng lại thua luôn. Thế là chúng ta thắng luôn ba trận chiến. Quân Nguyên khi sang đánh nước ta họ đi đường thủy thì ít, đi đường bộ nhiều và đường bộ là sở trường của họ. Khi ấy Việt Nam chúng ta nước nhỏ người ít, họ kéo quân qua đánh thì coi như chúng ta thua trăm phần trăm. Nhưng các vua quan nhà Trần khéo điều binh khiển tướng thế nào mà thắng được luôn ba trận như vậy, là điều mà rất nhiều người quan tâm.

Như trong bài có dẫn, trong hai cuộc chiến đời vua Trần Nhân Tông, Ngài có họp hai buổi đại hội nổi tiếng thời đó và mãi đến bây giờ, một kỳ hội nghị tại Bình Than, một kỳ hội nghị tại Diên Hồng. Tại hội nghị Bình Than, Ngài hội các tướng lãnh binh sĩ để hỏi ý kiến xem thế giặc mạnh như vậy, chúng ta nên đầu hàng hay chống lại họ. Tất cả tướng lãnh đều quyết định chống lại. Đó là tư cách lãnh đạo của một ông vua, nếu các tướng lãnh bằng lòng chống giặc thì nhà vua phải thuận theo. Đến kỳ hội nghị thứ hai tại điện Diên Hồng, vua Trần Nhân Tông họp toàn dân nhất là các bô lão có kinh nghiệm để hỏi ý kiến: Hiện giờ thế giặc rất mạnh, chúng ta người ít, quân ít, nước nhỏ không thể chống nổi, nhưng tất cả các vị muốn chống hay muốn hòa, hòa tức là đầu hàng. Tất cả đều nhất định chiến đấu chống giặc chớ không hòa, không đầu hàng. Như vậy hai cuộc chiến đó là do ý kiến của tướng lãnh và toàn dân, chớ không phải do lòng ác của vua muốn chống lại người để hại dân mình chết. Ngài thuận theo ý kiến chung chớ không phải ý riêng của Ngài. Ngài chỉ là người bị bắt buộc làm mà thôi. Hiểu rõ như vậy chúng ta mới thấy trong cuộc chiến tuy số người bị chết rất nhiều, nhưng đó là cuộc chiến của toàn dân, chớ không phải do nhà vua ra lệnh. Làm cái gì có tội, nhưng không phải do ý ác của mình, thì tội đó sám hối được. Còn làm cái gì do ý ác của mình thì không sám hối được. Có cuộc chiến để bảo vệ giang sơn, đó là bổn phận của người làm vua, của người lãnh đạo đất nước. Có cuộc chiến không phải vì mình muốn, mà vì ý kiến chung của toàn dân.

Ở đây chúng ta thấy có điểm rất kỳ đặc mà trong thời quân chủ chưa từng có, từ Trung Quốc đến Việt Nam chưa tìm ra một ông vua hỏi ý kiến dân bao giờ! Chỉ có vua Trần Nhân Tông đem những hiểm nguy trình bày cho toàn dân biết, rồi hỏi ý kiến dân muốn thế nào thì Ngài làm thế ấy, rất là dân chủ, rất là vì dân. Tinh thần dân chủ đối với thời đó là chuyện không bao giờ có, thế mà có. Rồi chính vì bổn phận, vì người bảo mình làm, chớ không phải vì mình muốn, cho nên tội giết hại không phải là nặng đối với Ngài. Do đó khi đi tu Ngài sám hối là hết. Hiểu như vậy, nếu có ai hỏi tại sao đi đánh giặc mà tu đắc đạo, thì chúng ta phải thấy cho rõ ràng, đừng có hiểu lầm.

Trong việc quân nhà Nguyên đi xâm lăng, tất cả nước nào đội quân đó tới đều tan nát. Nhưng trong đời quân Nguyên chỉ thua có hai nước là Việt Nam và Nhật Bản. Thua Việt Nam là thua thật sự, còn thua Nhật Bản là tại thời cơ không thuận lợi. Quân Nguyên chuyên về bộ binh, mà trong cuộc chiến với Nhật Bản họ phải dùng hải quân tức là tàu thuyền, đó là điểm yếu của họ. Khi qua Nhật Bản, chỉ có một số ít quân đổ bộ được, còn đại quân đi gần tới Nhật bị một trận bão làm chìm thuyền, quân Nguyên chết gần hết, thành ra bại trận! Nói theo xưa, đó là thời trời. Còn ở Việt Nam chúng ta là đất liền, họ lại giỏi về bộ binh nhất là kỵ binh nên kéo quân qua rất dễ, mà lại thua! Là tại sao? Không phải do thời cơ thuận tiện, mà thật tình là do tinh thần đoàn kết và tài sức khôn ngoan của người Việt Nam mới thắng được giặc. Khi đối chiếu chúng ta thấy rõ những điểm kỳ đặc này. Nếu không hiểu, chúng ta cứ nghĩ đời Trần là đời các vua Thiền sư mà sao đánh giặc lại giỏi đến thế. Các vua là người tu, nhưng buộc lòng phải chống giặc, cho nên các Ngài chỉ làm với tinh thần toàn dân muốn làm. Toàn dân muốn làm tức là toàn dân đoàn kết, nên các Ngài đứng ra lãnh đạo. Do đoàn kết nên dù số nhỏ cũng thắng được số lớn. Thí dụ như trong một làng có chừng năm bảy trăm hộ khoảng mấy ngàn người, chỉ cần năm ba người liều chết cầm dao cầm súng rượt bắn thì cả làng có chạy không? Dù người đông bao nhiêu cũng vẫn sợ, vẫn chạy như thường. Thế nên số đông mà thua số ít, vì một là họ gan dạ liều chết, hai là họ đoàn kết với nhau. Tinh thần ít thắng nhiều là như vậy.

Năm Quí Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Ở ngôi Thái thượng hoàng để chỉ dạy cho con được sáu năm, Ngài sắp đặt việc xuất gia.

Đến năm 1293, vì muốn xuất gia sớm, Ngài truyền ngôi cho con, lên làm Thái thượng hoàng. Như vậy từ năm 1288 dẹp xong giặc Nguyên, đến năm 1293, chỉ trong vòng năm năm mà giặc giã được yên, đất nước được bình định. Ở ngôi Thái thượng hoàng chỉ dạy cho con được sáu năm, Ngài sắp đặt việc xuất gia, không nghĩ đến sự thụ hưởng giàu sang uy quyền tột đỉnh. Khi có giặc đến xâm lấn đất nước, buộc lòng Ngài phải đánh để gìn giữ giang sơn. Khi giặc yên Ngài nhường ngôi cho con. Chỉ dạy con xong, Ngài đi tu. Đó là ý kiến rất kỳ đặc của Ngài.

Đến tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299), Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử. Ở đây, Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu-đà (khổ hạnh) lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu-đà.

Chữ đầu-đà nguyên là chữ Phạn, đọc âm là đẩu-tẩu, dịch nghĩa là phủi giũ, nghĩa là buông sạch hết không để danh lợi làm lem lấm. Cho nên tu hạnh đầu-đà tức là tu khổ hạnh. Buổi đầu Ngài lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu-đà.

Sau đó Ngài lập chùa, cất tinh xá, khai giảng để tiếp độ chúng Tăng. Học chúng đua nhau đến rất đông. Sau, Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường lập giảng đường, giảng dạy mấy năm. Ngài lại vân du đến trại Bố Chánh lập am Tri Kiến rồi ở đó.

Ở đây nói Ngài lên núi Yên Tử để tu mà không thấy nói Ngài xuất gia và thọ giới với vị nào. Vì ngày xưa ít có ai dám làm thầy ông vua, chức Quốc sư là do vua phong mà thôi, nên chỉ nói Ngài xuất gia, rồi sau đó đi hoằng hóa. Nhưng về phần học đạo, đọc trong Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, chúng ta thấy rõ Ngài ngộ đạo ngay câu nói của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khi còn làm Thái tử Ngài hỏi về yếu chỉ thiền như thế nào, Thượng Sĩ dạy: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.” Ngài lấy câu đó làm căn bản tu hành và sau đó Ngài ngộ đạo. Thế nên Thiền tông Việt Nam tức là phái thiền Trúc Lâm Yên Tử lấy câu “phản quan tự kỷ” làm trọng tâm để giải thích sự tu hành. Vì Ngài ngộ nơi câu đó, nên sau này đi tu Ngài liền truyền bá, chớ không cần phải học với ai nữa.

Ngài lấy hiệu đầu tiên là Hương Vân Đại Đầu-đà. Hương Vân là mây thơm, khi thắp hương khói thơm bay lên giống như làn mây. Đại đầu-đà tức là tinh thần tu khổ hạnh rất cao. Theo sử kể lại, Ngài từ chối không đi ngựa, không đi thuyền rồng, chỉ đi bộ mà thôi. Thế nên từ núi Yên Tử về kinh đô Ngài đi bộ mất sáu, bảy ngày mới đến nơi. Tinh thần của Ngài rất dứt khoát, khi nào làm vua thì hẳn làm vua, lúc nào đi tu là hẳn đi tu, không có nuối tiếc. Còn chúng ta ngày nay đi tu thì thế nào? Từ chối cái gì? Từ chối đi bộ muốn đi Honda, từ chối đi Honda muốn đi xe hơi…, muốn tiến lên chớ không chịu lùi lại. Chúng ta đi tu mà còn tiếc rẻ những vật dụng không nỡ bỏ lại nhà, muốn đem vào chùa để dùng riêng, thật là quá dở. Còn Ngài khi đi tu thì bỏ lại tất cả không tiếc một cái gì. Tinh thần của Ngài rất đặc biệt, cho nên mới dùng chữ Đại Đầu-đà. Vì thế trên đường tu, Ngài dụng công không nhiều, thời gian tu không dài, mà kết quả rất lớn, đó là do Ngài có ý chí mãnh liệt và thái độ dứt khoát. Gương người xưa cao quí như vậy, chúng ta phải ráng noi theo. Ngày nay chúng ta dụng công tu nhiều, thời gian tu dài mười năm, hai mươi năm mà chưa làm được điều gì lợi ích cho mình cho người, thật đáng hổ thẹn. Đó là vì chúng ta không có ý chí mãnh liệt, không có thái độ dứt khoát, nên không có kết quả.

Trong thời gian sau, Ngài làm rất nhiều Phật sự nào là lập chùa, cất tinh xá, khai giảng để tiếp độ chúng Tăng. Rồi Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường, quê hương của Ngài, lập giảng đường giảng dạy mấy năm. Ngài lại vân du đi tới các nơi như trại Bố Chánh và lập am Tri Kiến rồi ở đó.

Đến năm Giáp Thìn (1304), Ngài dạo đi khắp nơi khuyên dân dẹp bỏ những dâm từ (miếu thờ thần không chánh đáng), và dạy họ tu hành Thập thiện. Vào mùa đông năm ấy, vua Anh Tông dâng biểu thỉnh Ngài về đại nội để truyền giới Bồ-tát tại gia.

Còn một đoạn sử mà chúng tôi không nêu ra ở đây, đó là việc Ngài qua Chiêm Thành một thời gian, với mục đích hòa hợp nước Chiêm Thành với nước Việt Nam, hòa với phương Nam để đủ sức chống với phương Bắc. Và Ngài hứa gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm. Vì có tánh cách lo cho đất nước xứ sở nhiều, nên chúng tôi không có ghi đoạn sử này vào đây.

Đến năm 1304 Ngài dạo đi các nơi khuyên dân dẹp bỏ những miếu thờ thần không chánh đáng. Ngài lại dạy dân tu hành Thập thiện, việc này rất đáng để chúng ta lưu tâm. Không phải ai Ngài cũng dạy tu thiền, vì tu thiền là phương pháp tu dành cho những người quyết tâm quyết chí, chớ không phải cho người dân thường. Muốn người dân có đạo đức thì không gì hơn dạy họ tu trì Ngũ giới và hành Thập thiện. Đó là phương pháp mà toàn dân ai cũng có thể tu được. Đem đạo đức phổ biến cho quần chúng, thì chỉ có Ngũ giới và Thập thiện là căn bản. Như hiện nay tuy chúng ta ở Thiền viện, nhưng với người Phật tử mới chưa quyết tâm tu thiền, chúng ta cũng khuyên họ giữ Ngũ giới và hành Thập thiện. Chớ không phải gặp ai chúng ta cũng bảo phải tu thiền, nếu tu thiền không được thì coi như bỏ đi, nói như vậy là không tốt.

Mùa đông năm ấy, vua Anh Tông thỉnh Ngài về triều để truyền giới Bồ-tát tại gia cho Vua và các quan.

Sau đó, Ngài chống gậy đến chùa Sùng Nghiêm ở núi Linh Sơn để truyền bá Thiền tông.

Ngày mùng 1 tháng giêng năm Mậu Thân (1308), Ngài sai Pháp Loa đến huyện Siêu Loại tại Báo Ân thiền tự khai giảng trụ trì. Tháng tư năm ấy, Ngài đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang kiết hạ và sai Pháp Loa khai giảng trụ trì. Chính Ngài giảng Truyền Đăng Lục, bảo Quốc sư Đạo Nhất vì chúng giảng kinh Pháp Hoa.

Đoạn này chứng minh cụ thể chủ trương của Sơ tổ Trúc Lâm là Thiền Giáo đồng hành. Ngài giảng Truyền Đăng Lục là sách truyền đăng của nhà thiền, nhưng khuyên Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa.

Bãi hạ, Ngài vào núi Yên Tử, đuổi hết những người cư sĩ theo hầu hạ và những kẻ nô dịch trong chùa, không được chực hầu như trước. Chỉ để lại mười vị Thị giả thường theo Ngài. Ngài lên ở am Tử Tiêu, vì Pháp Loa giảng Truyền Đăng Lục. Thị giả xuống núi gần hết, duy có đệ tử thượng túc là Pháp Loa còn ở thôi.

Từ đây, Ngài leo khắp các núi, tìm kiếm các hang động, ở tại thạch thất. Pháp Loa thấy thế bạch: “Tôn đức tuổi đã già yếu, mà xông pha trong sương tuyết, lỡ có bề gì thì mạng mạch Phật pháp trông cậy vào ai?” Ngài bảo: “Ta thời tiết đã đến, muốn tạo cái kế lâu dài vậy.”

Trong thời gian này, Ngài leo khắp núi Yên Tử, chẳng ngại nhọc nhằn, qua lại trên các ngọn núi để tìm những chỗ kỳ đặc. Ngài Pháp Loa sợ Ngài bệnh nên khuyên can, Ngài bảo: “Thời tiết của ta đã đến, muốn tạo kế lâu dài.” Tức là Ngài tự biết đến lúc sắp ra đi, nên muốn tìm chỗ an thân khi tịch, hoặc là tìm chỗ cất ngôi chùa để khiến cho Phật pháp được bền lâu.

Ngày mùng 5 tháng 10 năm ấy, người nhà của Công chúa Thiên Thụy lên núi bạch Ngài: “Công chúa Thiên Thụy bệnh nặng mong được thấy Tôn đức rồi chết.” Ngài bùi ngùi bảo: “Thời tiết đã đến vậy.” Ngài bèn chống gậy xuống núi, chỉ cho theo một người Thị giả. Ngày mùng mười Ngài về đến kinh, dặn dò xong, ngày rằm Ngài trở về núi.

Ngài xuống núi về kinh thăm chị là Công chúa Thiên Thụy đang đau nặng và sắp mất. Trong Tam Tổ Thực Lục có ghi: Thấy Công chúa Thiên Thụy lo sợ, Ngài khuyên: “Chị nên yên tâm, nếu ra đi đến Diêm chúa thì chị nói: Ít hôm sau em tôi là Trúc Lâm Đại Đầu-đà sẽ xuống.” Câu chuyện này không được thích hợp, nên không có ghi vào tiểu sử, nhưng được dẫn ra đây để Tăng Ni thấy rằng: Người tu có thể nhờ đức độ của mình làm giảm nhẹ được nghiệp của thân bằng quyến thuộc, nói điều này không phải là không có lý do. Thí dụ như hiện nay chúng ta có một địa vị cao sang trong xã hội, nếu những người thân của mình giả sử có phạm những lỗi lầm gì thì người đứng ra xử phạt cũng nương tay, đó là một lẽ thật. Ở đây cũng vậy, Ngài Điều Ngự tin rằng nhờ đạo đức tu hành của mình, những thân nhân sẽ được giảm bớt các hình phạt, cho nên Ngài mới khuyên chị như vậy.

Dặn dò xong, Ngài trở về núi.

Ngài dừng nghỉ ở chùa Siêu Loại. Hôm sau vừa rạng đông, Ngài đi bộ đến chùa làng Cổ Châu.

Chúng ta thấy Ngài đúng là nhà tu khổ hạnh. Tuy già bệnh mà Ngài vẫn đi bộ chớ không đi ngựa. Khi đến chùa làng Cổ Châu, Ngài tự đề bài kệ rằng:

                Thế số nhất tức mặc,
                Thời tình lưỡng hải ngân.
                Ma cung hồn quản thậm,
                Phật quốc bất thắng xuân.


Trong quyển Tam Tổ Thực Lục, câu đầu của bài kệ nói khác: “Thế số nhất sách mạc.” “Sách mạc”, sách là sợi dây, cũng có âm là tác tức là tan tác. Chữ mạc là chớ, là không, cũng đọc là mạch tức là rậm rạp, hoặc đọc là bá tức là lặng lẽ. Nếu câu kệ là “thế số nhất sách mạc” thì không biết làm sao giải nghĩa, nên làm rối nhiều dịch giả.

Song khi đọc trong Tam Tổ Hành Trạng của ông Ngô Thời Nhậm, câu đầu bài kệ là: “thế số nhất tức mặc”, chúng tôi thấy câu này rất hợp lý. Thế số là số đời, nhất tức mặc là một hơi thở, thở ra mà không hít vào là chết ngay. Nghĩa này rất hợp với kinh Phật, nên chúng tôi nhận câu này là đúng.

Đến sau này khi tra lại bộ Thiền Tông Bản Hạnh của Thiền sư Chân Nguyên, chúng tôi thấy câu đầu bài kệ cũng là: “Thế số nhất tức mặc”. Thiền sư Chân Nguyên sanh năm 1647, tịch năm 1726. Còn tác giả quyển Tam Tổ Hành Trạng là ông Ngô Thời Nhậm, sanh năm 1746 mất năm 1805. Vậy ngài Chân Nguyên sanh trước ông Ngô Thời Nhậm gần một trăm năm. Vì thế quyển Tam Tổ Hành Trạng của ông có thể căn cứ theo tài liệu của ngài Chân Nguyên. Ngài là một Thiền sư trụ trì chùa Long Động, tức là cửa ngõ vào núi Yên Tử, và trụ trì chùa Quỳnh Lâm là ngôi chùa lớn nhất của hệ phái Trúc Lâm, cho nên tài liệu của Ngài chính xác hơn, chúng ta đủ lòng tin nơi câu “thế số nhất tức mặc” trong quyển Thiền Tông Bản Hạnh của Ngài.

Giải nghĩa bài kệ:

                Thế số nhất tức mặc 

Thế số là số đời. Nhất tức mặc là một hơi thở. Tức là hơi thở, mặc là dừng là lặng. Nghĩa là hơi thở ra mà dừng lại không hít vào là mất đi một cuộc đời.

                Thời tình lưỡng hải ngân

Thời tình là tình đời hay lòng của con người. Lưỡng hải ngân là hai biển bạc. Nghĩa là lòng tham con người là hai biển bạc, là chỉ sự tham muốn vô cùng. Số đời của mình chỉ trong một hơi thở, mà lòng tham muốn vô cùng.

                Ma cung hồn quản thậm

Ma cung là cung ma. Hồn là mờ mịt tối tăm. Quản thậm là bị quản lý rất khít khao chặt chẽ.

                Phật quốc bất thắng xuân

Cõi Phật đẹp đẽ không gì hơn (xuân là chỉ cho sự đẹp đẽ).

Dịch:

                     Số đời một hơi thở
                    Lòng người hai biển vàng.
                    Cung ma dồn quá lắm,
                   Cõi Phật vui nào hơn.

Hai câu đầu chỉ mạng sống con người hết sức ngắn ngủi mà lòng tham muốn vô cùng. Lòng người hai biển vàng, dùng chữ vàng thay chữ bạc cho ăn vận. Nơi nào có tiền bạc nhiều như nước gọi là tiền rừng bạc bể, hay biển bạc. Nếu là biển vàng thì càng quí, càng tham hơn nữa.

Hai câu sau là chỉ nơi cung ma tối tăm khổ sở bị cai quản chặt chẽ, còn cõi Phật tốt đẹp an vui không gì bằng.

Tóm lại bài kệ này diễn tả hai hình ảnh đối nghịch nhau giữa kẻ mê và người tỉnh. Kẻ mê cho thân này là lâu dài quí báu, nên lòng tham muốn quá nhiều, không lường tuổi thọ của mình, rồi tạo nghiệp chịu khổ. Đến khi chết phải đọa vào cõi ma cõi ác, đau đớn vô ngần! Nếu chúng ta thức tỉnh biết rõ cuộc đời hư dối phù du, lòng tham dừng lại để cố gắng tiến tu, đó là chúng ta chọn cõi Phật để trở về nương tựa, đó cũng là nơi an vui tự tại muôn đời.

Bài kệ này là những lời cảnh tỉnh của ngài Trúc Lâm Đại Đầu-đà. Với tâm hồn bao la rộng rãi, Ngài muốn cải tạo thế gian trở thành hiền lành tốt đẹp. Ngài đi trong dân gian dạy người giữ Ngũ giới, tu Thập thiện, cố gắng tu hành chuyển nghiệp. Song việc làm của Ngài chưa xong, mà tuổi thọ đã hết rồi! Biết mình sắp tịch, Ngài cảm khái ghi lại bài kệ mang tâm trạng của Ngài lúc ấy. Bài kệ này liên hệ rõ ràng với bài kệ bốn câu sau đây:

                    Thân như hô hấp tỹ trung khí,
                    Thế tợ phong hành lãnh ngoại vân.
                    Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,
                    Bất thị tầm thường không quá xuân.

Trong hai câu đầu Ngài luôn luôn nhớ thân mình giống như hơi thở ra vào nơi mũi, ngắn ngủi tạm bợ. Cuộc đời thay đổi không dừng như đám mây trôi ngoài đỉnh núi xa! Đối chiếu lại, chúng ta thấy rất hợp với câu kệ: “Thế số nhất tức mặc”… Nhờ tra quyển Thiền Tông Bản Hạnh, chúng ta thấy được chỗ tương hợp, không còn lầm lẫn nữa.

Đến ngày 17, Ngài dừng nghỉ ở chùa Sùng Nghiêm tại Linh Sơn, Tuyên Từ hoàng thái hậu thỉnh Ngài vào am Bình Dương cúng trai. Ngài vui vẻ nói: “Đây là bữa cúng dường rốt sau.”

Ngài đi bộ trở về núi, đến am Bình Dương, được Tuyên Từ hoàng thái hậu lúc ấy tu rồi, thỉnh Ngài vào am cúng dường bữa trai. Ngài vui vẻ nói: Đây là bữa cúng dường rốt sau. Như vậy là Ngài biết trước Ngài sắp tịch.

Ngày 18, Ngài lại đi bộ đến chùa Tú Lâm ở ngọn An Kỳ Sanh. Nghe nhức đầu, Ngài gọi hai vị Tỳ-kheo trong chùa bảo: “Ta muốn lên ngọn Ngọa Vân mà chân không thể leo nổi, phải làm sao?” Hai vị Tỳ-kheo bạch: “Hai đệ tử có thể giúp được.” Đến am Ngọa Vân, Ngài tạ hai vị Tỳ-kheo rằng: “Xuống núi tu hành đi, chớ xem thường việc sanh tử.”

Ngày 19, Ngài sai Thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu ở núi Yên Tử gọi Bảo Sát đến đây gấp. Ngày hai mươi, Bảo Sát quảy gói sang, đi đến Doanh Tuyền thấy một vầng mây đen từ ngọn Ngọa Vân bay qua Lỗi Sơn và hạ xuống Doanh Tuyền, nước đầy tràn lên cao mấy trượng, giây lát lại bình xuống. Lại thấy hai con rồng đầu bằng đầu ngựa ngóc cao hơn trượng, hai con mắt như sao, chốc lát lại lặn xuống. Đêm ấy Bảo Sát nghỉ trong quán trọ dưới núi, mộng thấy điềm chẳng lành.

Ngày 21, Bảo Sát đến am Ngọa Vân. Ngài trông thấy mỉm cười bảo: “Ta sắp đi đây, nhà ngươi đến sao trễ vậy? Đối với Phật pháp, ngươi có chỗ nào chưa rõ hãy nói mau.”

Bảo Sát hỏi:

- Như khi Mã Tổ bệnh, Viện chủ hỏi: “Những ngày gần đây Tôn đức thế nào?” Mã Tổ bảo: “Mặt trời Phật, mặt trăng Phật.” Nói thế ý chỉ làm sao?

Ngài lớn tiếng đáp:

- Ngũ Đế Tam Hoàng là vật gì?

Bảo Sát hỏi: Mặt trời Phật, mặt trăng Phật là ý chỉ thế nào, ngài Điều Ngự dẫn một câu trong Bích Nham Lục để đáp: Ngũ Đế Tam Hoàng là vật gì? Chúng ta thường nói Phật là đấng giác ngộ, nhưng ở đây lại nói “mặt trời Phật, mặt trăng Phật”, vậy mặt trời mặt trăng có giác không? Như chúng ta đã biết khi ngộ rồi thì tất cả không gì ngoài tâm Phật. Thế thì mặt trời mặt trăng đâu không phải là Phật sao? Câu đáp của ngài Điều Ngự làm rõ ý này. Ngũ Đế là năm vị vua ở Trung Hoa, Tam Hoàng là ba vị vua thời cổ, các vị này rất được quí trọng, lại hỏi là vật gì? Cho nên người sau kết tội ngài Tuyết Đậu, tưởng như Ngài khinh thường biếm nhẽ các nhà vua. Nhưng những vị vua được người trong thiên hạ quí trọng với một vật khác cũng không có ngoài. Phật dụ như ông vua, mặt trời mặt trăng dụ như vật này vật kia. Mặt trời mặt trăng cũng là Phật, thì vật này vật kia cũng là Ngũ Đế Tam Hoàng, không có ngoài, không có khác. Vậy là không có cái quí ở ngoài cái tiện, không có cái tiện ở ngoài cái quí.

Bảo Sát lại hỏi:

- Chỉ như “hoa sum sê chừ gấm sum sê, tre đất nam chừ cây đất bắc”, lại là sao?

Ngài đáp:

- Làm mù mắt ngươi.

Bảo Sát bèn thôi.

Ngài Bảo Sát lại dẫn những câu của người xưa để hỏi.

Sơ Tổ đáp: Làm mù mắt ngươi. Tại sao? Vì hoa gấm, tre cây, nếu kẹt vào những hình ảnh đó, sẽ bị chúng làm mù mắt. Bảo Sát thôi không hỏi nữa.

Suốt mấy hôm trời đất u ám, chim vượn kêu hót rất bi thảm.

Đến ngày mùng 1 tháng 11, đêm nay trời trong sao sáng, Ngài hỏi Bảo Sát: “Hiện giờ là giờ gì?” Bảo Sát bạch: “Giờ Tý.” Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem, nói: “Đến giờ ta đi.” Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đến chỗ nào?” Ngài nói kệ đáp:

                        Nhất thiết pháp bất sanh
                        Nhất thiết pháp bất diệt
                        Nhược năng như thị giải
                        Chư Phật thường hiện tiền.
                         Hà khứ lai chi liễu dã.

    Dịch:   

                        Tất cả pháp chẳng sanh
                        Tất cả pháp chẳng diệt
                        Nếu hay hiểu như thế
                        Chư Phật thường hiện tiền.
                        Nào có đến đi ấy vậy.

Bốn câu kệ là dẫn trong kinh Hoa Nghiêm: Nếu chúng ta thấy tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt, thấy và hiểu được như vậy thì chư Phật luôn luôn có mặt trước mắt chúng ta.

Câu cuối Ngài đáp: “Nào có đến đi ấy vậy”, nghĩa là không có đến không có đi. Cái nhìn của Ngài khác với chúng ta như thế nào? Đối với chúng ta khi sanh gọi là đến, khi tử là đi. Bởi đến cho nên mừng, ăn mừng ngày sanh, đi cho nên buồn, buồn ngày ra đi, nên gọi là ngày húy kỵ, kiêng không dám nói tới. Nhưng thử hỏi chúng ta đến trong cuộc đời này mấy mươi năm để hưởng cái gì mà mừng? Khi đi, có biết ra sao mà sợ? Thật là lắm chuyện rắc rối. Chúng ta có mặt nơi đây chưa chắc được an lành hạnh phúc, có khi phải lận đận lao đao khóc bao nhiêu nước mắt, tại sao lại mừng? Đến lúc ra đi, nếu cả đời mình không có làm đau khổ phiền lụy cho ai, ra đi thật thảnh thơi, tại sao lại sợ? Con người vì mê muội cho nên tham sống sợ chết, mong được sống lâu đến trăm tuổi, nhưng tuổi già lụm cụm sống thêm mười năm hai mươi năm có hạnh phúc gì không? Thôi thì hết duyên cứ nhẹ nhàng ra đi chớ nên sợ sệt, còn duyên thì vui ở lại, cũng chớ than van cuộc đời sao khổ quá! Nếu sống than khổ, chết lại sợ, vậy phải làm sao? Chúng ta phải gan dạ chấp nhận sống không than, ra đi không sợ, phải hiểu rõ cuộc đời là tạm bợ hư dối, đủ duyên thì tồn tại, thiếu duyên thì tan rã, không có gì quan trọng, mà quan trọng là chúng ta biết vui với cuộc sống và vui lúc ra đi.

Thế nên khi Bảo Sát hỏi: Tôn đức đi đến chỗ nào, ngài Điều Ngự đáp: Nào có đến đi ấy vậy. Như trong kinh Lăng Nghiêm có nói: Thân này như hòn bọt trên mặt biển, nếu hòn bọt tan rồi thì trở về biển cả, làm gì có đến có đi? Song chúng ta chỉ biết hòn bọt mà không biết gốc của nó từ mặt biển, nếu biết được thì hòn bọt còn hay mất đâu có nghĩa gì! Thế nên khi tu chúng ta phải nhận được nơi mình Pháp thân không sanh không diệt, theo duyên huyễn hiện, hễ huyễn sanh thì huyễn tử, sanh tử qua rồi trở về Pháp thân, có mất chi đâu mà nói đi nói đến. Qua câu đáp của Sơ tổ Trúc Lâm chúng ta thấy trong việc sanh tử Ngài rất an nhiên tự tại, không khổ sở, không lo lắng.

Bảo Sát hỏi:

- Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt là thế nào?

Ngài liền nhằm miệng Bảo Sát tát cho một cái, nói:

- Chớ nói mớ.

Nói xong, Ngài bèn nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch, vào niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), thọ năm mươi mốt tuổi.

Bảo Sát hỏi thêm: “Chỗ chẳng sanh chẳng diệt là thế nào?” Sơ Tổ liền tát vào miệng Bảo Sát nói: “Chớ nói mớ”, nghĩa là chớ nói mê nói mộng. Ngay chỗ chẳng sanh chẳng diệt mà còn hỏi thế nào, đó là bày thêm chuyện. Hãy ngay đó mà sống.

Sơ tổ Trúc Lâm thọ năm mươi mốt tuổi, Ngài đi sớm quá!

Pháp Loa theo lời di chúc của Ngài làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình. Vua Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về tôn thờ nơi Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, để hiệu là Huệ Quang Kim Tháp và dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu-đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật.

Ngài còn lưu lại những tác phẩm:

1. Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục.

2. Đại Hương Hải Ấn Thi Tập.

3. Tăng-già Toái Sự.

4. Thạch Thất Mị Ngữ do Pháp Loa soạn lại lời của Ngài.

Những tập sách này hiện nay chỉ còn rải rác chút ít, không nguyên vẹn đầy đủ.

Để kết thúc tiểu sử của Sơ tổ Trúc Lâm, chúng tôi muốn nhắc đến tôn hiệu Điều Ngự Giác Hoàng của Ngài. Tên Điều Ngự không phải do Ngài tự xưng, mà chính vua Thánh Tông đặt cho khi Ngài thuật lại điềm mộng. Ngài thấy từ rún mọc lên hoa sen, trên hoa có đức Phật tên là Biến Chiếu, nên Vua cha đặt tên cho Ngài là Điều Ngự, tức là Phật. Giác Hoàng là ông vua giác ngộ đi tu, cũng như đức Phật khi xưa ở Ấn Độ là một Thái tử sắp lên ngôi vua, rồi giác ngộ đi tu. Hai hình ảnh rất gần nhau khiến cho chúng ta thấy rõ các Ngài từ một địa vị cao sang quyền quí, lãnh đạo toàn dân, nhưng các Ngài thức tỉnh ra đi tìm đạo. Song đối với trách nhiệm, các Ngài không thiếu bổn phận, lại còn làm đầy đủ hơn nữa. Nếu Thái tử Tất-đạt-đa khi xưa ở tại cung điện, rồi lên làm vua cai trị muôn dân thời đó, thì ngày nay có còn ai biết đến Ngài nữa hay không? Cũng thế, nếu Điều Ngự Giác Hoàng chỉ là vua Trần Nhân Tông thì hiện giờ nếu chúng ta quí kính Ngài chỉ là quí một ông vua thương dân cứu nước, chớ đâu có nhắc đến lý tưởng tu hành đạo đức của Ngài. Nhưng chính vì các Ngài đi tu tìm đạo giải thoát, nên giá trị tinh thần của các Ngài càng rộng rãi cao cả hơn và được lưu truyền mãi đến muôn đời.

[ Quay lại ]