headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 09/09/2024 - Ngày 7 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NIỀM VUI CHÂN THẬT

suong12Chúng ta hiện giờ đang sống đang tu, mà chỉ mong muốn những cái nho nhỏ, như đời sau có phước hơn đời này, giàu sang sung sướng hơn đời này. Nhưng ta quên rằng dù được như vậy chắc gì đã hạnh phúc, vì có thân là có khổ. Có ai khỏi bệnh, khỏi chết đâu. Bệnh chết là khổ hay vui? Cái án đó đã sẵn cho mọi người. Ai rồi cũng phải đi tới già, tới bệnh, tới chết. Ðã có án tử hình thì cuộc sống là vui hay là khổ? Vậy mà chúng ta cứ buông trôi, ngày mai ra sao mặc nó, bây giờ cứ cười cứ vui. Người không thấy xa biết rõ, là người không sáng suốt, không có trí tuệ.

 Người tu có hai trường hợp, thứ nhất nhớ cuộc đời vô thường rồi buồn rầu chán nản không muốn làm gì. Như vậy chưa phải khéo tu. Thứ hai cũng biết vô thường nhưng vui vẻ, vì biết đó là luật chung của mọi người, không ai tránh được. Muốn tránh phải tự tìm một lối đi khác, chớ không thể ngồi buồn mà tránh được. Ðây là người khéo tu. Cho nên chúng ta học Phật, biết đời là khổ nhưng mình vẫn vui. Vì trong cái khổ sanh diệt có cái chân thật không sanh diệt, luôn hằng hữu bên mình. Thế thì ta dại gì sống với cái sanh diệt, bỏ mất cái không sanh diệt cho phải khổ. Vì vậy đạo Phật không những không bi quan, mà còn lạc quan yêu đời nữa là khác.

Người biết tu thì biết sửa đổi sai lầm, luôn tỉnh giác và đánh thức mọi người cùng tỉnh giác, như vậy cuộc sống mới có giá trị. Nếu cả cuộc đời mấy chục năm, sống trong u tối thì thật vô nghĩa. Ðời này qua đời khác, cứ chồng chập như vậy thì khổ não biết bao nhiêu. Lại, Phật bảo được thân người là khó, như rùa trăm năm mới gặp bọng cây giữa biển khơi.

Tuy thân này hư tạm, nhưng nếu chúng ta biết lợi dụng nó, để tu hành thì sẽ vượt thoát khỏi dòng sanh tử, sống với Pháp thân chân thật, muôn đời không sanh diệt. Giống như rùa mù nương bọng cây được vào bờ. Ngày nào sống là một ngày thức tỉnh, ngày nào sống là một ngày an lạc. Khi không còn nghĩ chuyện tốt xấu, phải quấy ta sẽ thấy vui. Vui thế nào? Tất cả niệm hơn thua phải quấy không khởi thì gương mặt mình lúc nào cũng tươi sáng, đó là cái vui chân thật. Còn vui hỉ hạ là cái vui của thế gian, không chân thật.

Nhưng người đời luôn tìm vui trong cái hơn thua được mất. Ví dụ người ta tổ chức đá bóng, đội nào thắng mình vỗ tay cười vui, trong khi đội thua rất đau khổ. Vui trong sự đau khổ của người khác, thì cái vui đó không thật vui. Người thắng thì vui, người thua thì khổ. Như vậy vui của thế gian chỉ là cái vui tương đối, vui khổ theo nhau, chớ không hoàn toàn vui.

Chỉ khi tâm chúng ta dứt các niệm phải quấy, hơn thua v.v. lặng lẽ thanh tịnh mới thật là vui. Nhưng có nhiều người, nhất là tuổi học sinh sinh viên, nói tu cái gì cũng bỏ hết thành ra ngu ngốc. Phải nhét vô đầu thật nhiều mới có kiến thức rộng, mới là người hiểu biết. Thật ra không phải vậy, người tu bỏ những niệm lăng xăng tạp loạn, để tập trung vào một việc thì sáng thêm chớ ngu sao được. Ví dụ khi học cứ một tâm chuyên chú vào việc học, không nhớ nghĩ viển vông chuyện nọ chuyện kia, thì càng học càng thông minh sáng suốt hơn, chớ ngu sao được. Khi làm việc cũng vậy, buông hết chuyện tạp, tập trung vào công việc thì kết quả sẽ tốt hơn.

Thời nay, người ta muốn nhớ nhiều quá thành ra quên hết. Bởi vì nhét đầy óc ách trong não, khiến nó mỏi mệt nên nó không thể tiếp nhận được gì cả. Rồi rốt cuộc càng muốn nhớ thì càng quên. Trong khi người càng buông lại càng nhớ, nhớ một cách tự nhiên trong sáng nên mọi việc hiện ra rất rõ ràng phân minh.

Chúng ta thử nghiệm xem khi nào đầu mình rối nuồi việc này việc kia, lúc đó mình cứ quên đầu quên đuôi. Khi ấy, chỉ cần ngồi thiền một chút ta liền nhớ trở lại. Vì vậy nhiều người mới tập tu thiền nói ở ngoài không nhớ gì hết, đến lúc ngồi thiền, lại nhớ đủ chuyện. Như vậy có lỗi không? Tôi giải thích đó không phải tội lỗi, vì lúc ở ngoài việc này việc kia khỏa lấp nên ta không nhớ, khi ngồi thiền tâm yên định, nó trồi lên nên ta thấy đủ chuyện. Thấy thì thấy, biết nó không thật liền buông thì không có lỗi gì cả, quan trọng là đừng chạy theo nó.

Như đức Phật khi ngồi thiền dưới cội bồ-đề, chứng được Túc mạng minh, Ngài nhớ lại chuyện vô số kiếp về trước như nhớ chuyện hôm qua. Khi buông bỏ hết, ta tưởng như quên nhưng trái lại nhớ rõ hơn. Còn ráng nhớ rốt cuộc nhớ không bao nhiêu. Hiểu như vậy mới thấy tâm mình là kho chứa, nên nhà Phật gọi là Tàng thức. Cái kho ấy chứa tất cả chủng tử lành dữ của mình, nếu ta loại hết những lăng xăng tạp loạn thì kho Tàng thức đó biến thành Như Lai tàng. Kho thức phân biệt mà sạch hết những niệm phân biệt thì trở thành kho Như Lai, kho Phật chớ không phải hết trơn.

Vì vậy khi tu chúng ta buông bỏ hết, nhưng đừng tưởng mất tất cả. Không phải vậy, ngồi yên định lại, muốn nhớ thì nhớ rõ ràng, không muốn nhớ thì thôi. Ðó là người đã làm chủ được mình và các pháp, sống tùy duyên an vui tự tại, không bị các pháp nhiễu loạn. Nên những người tu càng cao càng hay, thì càng ít chú ý tới mọi thứ, nhưng cần thiết thì các ngài thấy biết rõ ràng, không nghi ngờ. Còn chúng ta những thứ cần biết thì không biết, những thứ không cần biết lại biết. Vì vậy chúng ta khác các ngài.

Tóm lại, hôm nay tôi muốn nhắc tất cả nhớ điều này: Việc gì đáng lo thì mình lo, việc gì không đáng lo thì buông bỏ bớt. Người khéo tu lúc nào cũng nhớ quay lại mình, nhận ra và sống được với Tâm chân thật, ngoài ra tất cả đều vô thường hư ảo, không cần chú tâm làm gì.

Người tu không sợ ngu, chỉ sợ không tu được thôi. Tu được tức là giác ngộ, mà đã giác ngộ tức là trí tuệ viên mãn, nói gì là ngu với không ngu !

Trích "HOA VÔ ƯU 5 - THẾ GIAN CHÚ TÂM VÀO VIỆC NHỎ, BỎ VIỆC LỚN"
HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ

[ Quay lại ]