headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 26/04/2024 - Ngày 18 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NGƯỜI TU PHẬT là tìm về nguồn gốc an lạc giải thoát

Đề tài chúng tôi nhắc nhở quý vị tu hôm nay là: “ Người tu Phật là tìm trở về nguồn gốc an lạc giải thoát”. Quý vị chú ý nghe lãnh hội đầy đủ thì mới tốt. Đức Phật sau khi thành đạo dưới cội bồ đề. Ngài tìm những người bạn đồng tu là năm anh em Kiều Trần Như để thuyết pháp.

Bài pháp đầu tiên là tứ đế hay tứ diệu đế, mà đế đầu tiên trong tứ đế là Khổ đế: cái khổ là lẽ thực của cuộc đời này. Vậy Phật nói khổ, tại sao chúng tôi lại nói người tu tìm về nguồn gốc an lạc giải thoát, tức là vui. Như vậy có trái bản ý của Đức Phật hay không? Tôi xin thưa: Khi người ta mới nhìn qua đạo Phật thấy dường như đạo Phật bi quan, yếm thế. Nhưng đi sâu, thấm nhuần giáo lý của Phật rồi, chúng ta thấy ngược lại. Đức Phật nói khổ là chỉ trên quả, mà quả là cái người ta dễ thấy, dễ biết. Khi biết được quả đó rồi thì Ngài liền chỉ đến nhân. Nguyên nhân nào tạo ra quả khổ ấy. Khi biết được nhân rồi thì dẹp hết nhân thì quả không còn.

Ngày nay các nhà khoa học luôn phăng tìm manh mối của vạn tượng sum la này, căn cứ trên quả mà phăng tới nhân, không bao giờ từ nhân đi tới quả. Vì quả là cái dễ thấy, thấy quả rồi chúng ta tìm ra nhân dễ dàng, còn trước nói nhân sau đó mới chỉ quả thì khó hơn. Như bây giờ chúng ta có cây cam, được quả cam ăn, biết quả cam ngọt. Nhưng người thưởng thức mùi vị quả cam đó hỏi rằng: cam này từ đâu mà có? Tự nhiên chúng ta sẽ phải giải thích. Từ hạt cam ươm lên, nảy mầm lên cây, có lá, đơm hoa, kết quả. Vậy quả là cái hiện thấy, chứng minh được, còn nhân thì đã cũ, đã xưa rồi, chúng ta không thể nào chỉ cho người khác thấy tường tận. Đó là việc dễ làm, vì nó cụ thể cho tinh thần Phật dạy rất thích hợp với khoa học hiện giờ, hay ngược lại khoa học hiện giờ rất thích hợp với tinh thần đạo Phật dạy. Vì vậy, nếu người không hiểu, nghe Đức Phật nói cuộc đời là khổ, mang thân này khổ, thì cho rằng đạo Phật bi quan, đạo Phật chán đời…

Khổ đó là quả, chúng ta biết rồi phải phăng tìm nguyên nhân của nó. Nếu biết được nhân nào tạo ra quả khổ thì chúng ta liền dẹp bỏ, tự nhiên quả khổ không còn. Nếu quả khổ không còn, lúc đó là khổ hay vui. Thông thường thế gian nói hết khổ tức là vui. Vui không riêng có mà chỉ khi nào hết khổ. Đó là tinh thần của Phật dạy. Phật nói khổ để chúng ta tìm nguyên nhân gây ra đau khổ, phải biết rõ nguyên nhân gây ra đau khổ và dứt bỏ nó. Dứt bỏ rồi chúng ta mới hết khổ, tức là được an lạc giải thoát. Vậy mục tiêu của Đức Phật là dạy chúng ta hết khổ được giải thoát, chứ không phải dạy chúng ta chịu khổ. Phương pháp tu đó không hề bi quan.

Quý vị nhìn những người tu hành biết đạo lý sâu, sống được với đạo, có thường lắc đầu, chắc lưỡi, thở dài không, hay là thường cười hoài? Bao nhiêu đó cũng tự trả lời những vấn đề chúng ta cần hiểu rồi. Người biết tu thì phăng tận nguồn gốc nguyên nhân đau khổ, dẹp bỏ qua một bên nên đau khổ đâu còn. Khổ hết thì được an vui. Nhưng đáng thương cho Phật tử chúng ta ngày nay tu mà không tìm nguyên nhân của khổ để dẹp bỏ, lại cứ cầu Phật cho con hết khổ hoài. Gặp việc buồn, gặp việc khổ liền vô chùa thắp hương lạy Phật tha thiết, xin Phật chứng minh ban cho con ân huệ để con hết khổ. Việc gì cũng dựa vào quyền lực của Đức Phật chớ không chịu công phu tu hành.

Đạo Phật là một đạo thực tế chứ không phải huyền bí, nhưng Phật tử chúng ta quen bệnh yếu đuối nên xem Phật giống như ông thần. Gặp việc gì khổ quá chỉ xin với Phật cho bớt khổ, chớ không biết tu cho bớt khổ. Đó là điểm yếu đuối, sai lầm của Phật tử chúng ta. Người tu Phật thì phải tìm về nguồn an lạc giải thoát. Quý vị có biết nguồn an lạc giải thoát từ đâu mà ra không?

Tôi xin nêu vài điều căn bản cho quý vị thấy nguồn gốc an lạc giải thoát. Trong kinh Phật thường nói: “Chúng sinh có tám điều khổ - sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ. Đó là bát khổ”

Chúng ta thấy trong kinh Phật nói khổ nhiều hơn vui. Vậy, chúng ta xét kỹ xem, cái khổ đó là khổ cho tất cả mọi người hay chỉ là cái khổ đối với những ai không biết đạo lý.

Thứ nhất như nói: “Sanh là khổ”. Theo nhà Phật thì sanh gồm hai phần. Thứ nhất, sau khi ra khỏi lòng mẹ đau đớn nhọc nhằn. Thứ hai, trong cuộc sống của chúng ta, nếu không biết tu, không hiểu đạo thì cả cuộc đời chỉ toàn là đau khổ, không chút an vui. Như vậy khổ là lúc sanh ra khổ và trong cuộc sống khổ. Khi sanh ra có đứa bé nào cười không, hay đều khóc oa oa? Đó là vì ra đời phải khó khăn đau đớn mới ra được, nên lọt khỏi lòng mẹ là nó khóc. Cái khóc ấy nói lên sinh ra là khổ. Rồi từ bé đến già mấy mươi năm, một cuộc đời khổ nhiều vui ít. Quý vị thử kiểm lại xem trong suốt một đời, những gì chúng ta mong muốn đa phần được như ý hay thiếu phần như ý? Chắc rằng không có ai nói đa phần như ý. Người thì gia đình ấm no có cơm ăn áo mặc nhưng con cháu khó dạy.

 Người thì con cháu dễ dạy nhưng gia đình lại chật vật thiếu thốn v.v… đủ thứ thuận nghịch, không khi nào được thỏa mãn như ý của mình. Vì vậy đa số đều bất như ý, con người sinh ra ai cũng mơ ước tràn đầy hạnh phúc, nhưng trải qua bốn năm mươi tuổi nhìn lại thấy cuộc đời không có hạnh phúc mà bất hạnh lại nhiều. Ít hôm nghe tin người thân mất hoặc phải đi xứ này xứ khác v.v… hay có chuyện làm mình phải buồn, phải khổ. Không ai được hạnh phúc an vui trọn vẹn. Cả một đời người ba phần tư là đau khổ, chỉ một phần tư an vui thôi, thực tế là như vậy. Bởi vì chúng ta có các thứ khổ do người thân xa lìa, khổ do thân bệnh hoạn, khổ vì hoàn cảnh đói thiếu, khổ vì con cái khó dạy, đủ thứ khổ chứ không phải một thứ.

Chúng ta đã biết sanh là khổ, bây giờ chúng ta phải làm sao cho hết khổ? Làm sao chúng ta sống trong cõi khổ mà luôn được an vui. Không có gì khó hết, nếu sống trong cuộc đời này mà chúng ta biết rõ rằng đời là tạm bợ, có rồi sẽ mất, không ai còn mãi. Như vậy ngày nào chúng ta còn sống, thì ngày ấy còn tốt, còn có thì giờ cho chúng ta tự tu, cho chúng ta làm những điều thiện, lợi ích cho mọi người. Một ngày sống là một ngày vàng, chúng ta phải sử dụng hết để lo cho mình, cho người, làm sao cho mình và cho người được an ổn. Một ngày sống chúng ta làm được một điều lành, chúng ta nên buồn hay vui? Làm một điều lành là chúng ta được một nguồn vui.

Chúng ta chuyển cuộc sống khổ đau này bằng một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Ngày nào chúng ta cũng mót từng chút một để mà được vui.

Tôi nói như vậy sẽ có vị nghĩ, nếu người giàu có thì giúp đỡ người này người kia dễ, còn như chúng ta không có điều kiện thì giúp được ai, mà không giúp được ai làm sao có niềm vui. Tôi xin nhắc rằng trên đời có nhiều niềm vui lắm, chỉ sợ chúng ta không chịu làm thôi. Thí dụ chúng ta không có tiền cho người ăn xin hay đóng góp cứu trợ nạn lụt v.v… nhưng đang đi thấy đứa bé bị té, chúng ta đỡ lên vỗ về an ủi, khuyên bảo nó, như vậy có vui không? Chúng ta không làm được việc cứu giúp bằng tiền thì chúng ta làm việc cứu giúp bằng thân, bằng lời. Dùng thân và lời giúp đỡ người bớt khổ. Bớt khổ là họ được vui, người vui thì chúng ta cũng vui. Cái vui đó tốn tiền nhiều hay ít? Không tốn gì hết, chỉ tốn một chút công. Như vậy tìm nguồn vui đâu phải khó. Chỉ cần thấy một con kiến rớt xuống vũng nước, chúng ta vớt nó lên để trên khô, thấy nó bò mừng rỡ là chúng ta cũng vui rồi.

Người biết tu nhìn lại bản thân mình ngày xưa nhiều nóng giận nay đã giảm bớt liền cảm thấy vui. Gặp ai đang có nguy khốn, mình ra tay cứu vớt, từ con người cho tới loài vật, giúp được loài nào cũng có nguồn vui. Vậy chúng ta sống để làm lợi ích cho chúng sanh. Tuy rằng khả năng nhỏ bé, hạn hẹp, nhưng với lòng chân thành thì cũng có vui rồi. Nếu chúng ta biết sống thì đời là khổ hay sanh là khổ, nhưng ngày nào chúng ta cũng lượm cũng mót được nhiều niềm vui. Đó chúng ta khéo tu, khéo hiểu Phật pháp, chớ đừng lạy xin Phật cho con vui, Phật cho không được đâu, chúng ta phải tự tạo lấy nguồn vui từ bản thân mình. Đó là sanh khổ, nhưng nếu chúng ta biết sống thì sanh trở thành vui, chớ không phải khổ.

Đến khổ thứ hai: già khổ. Song nếu chúng ta khéo chấp nhận cái già thì chúng ta cũng vui. Tại sao già khổ? Vì già không biết làm gì cứ đi tới đi lui, nhớ con nhớ cháu, buồn ủ rũ, hết trách người này tới trách người kia, thành ra thấy tuổi già lê thê, đen tối. Nên già là khổ. Người già nên biết dùng tuổi già trong công việc. Những vị không có trách nhiệm như chúng tôi cứ ở tại nhà, tìm những gì hay, đẹp, dạy con dạy cháu. Đem bài kinh hay, đoạn sách ghi những tư cách tốt để dạy con cháu, đó là vui rồi, đâu phải làm việc gì cho nhiều.

Cũng như chúng tôi, một ngày sống là một ngày phải làm được cái gì cho mình cho người, mà làm được cho mình cho người thì tôi vui chứ đâu có khổ. Như vậy nói già khổ hay già vui. Tự nhiên già thế nào cũng có kinh nghiệm nhiều hơn người trẻ. Tại sao chúng ta không đem những kinh nghiệm ấy dạy cho người sau. Vì vậy tuổi già không phải là thừa, không phải là bỏ. Mỗi ngày chúng ta sống đều có giá trị thì cuộc đời già vui, chớ không phải khổ.

Thứ ba, bệnh là khổ. Điều này đa số đều chấp nhận. Có người nào đau mà không rên đâu? Rên tức là khổ chớ gì! Nhiều người than “tôi sao bệnh hoạn lê thê, kéo dài năm này năm nọ, chán quá!” Như vậy quý vị thấy bệnh là khổ. Nhưng với con mắt nhà Phật, bệnh cũng không khổ. Vì sao không khổ? Là vì Phật dạy thân này do nhân duyên hợp, trong đó có đất, nước, gió, lửa. Kinh Niết Bàn nói tứ đại là bốn con rắn: con rắn nước, con rắn lửa, con rắn đất, con rắn gió. Tôi xin nói cụ thể hơn, con rắn nước là con rắn hổ ở dưới nước. Con rắn lửa là con rắn hổ lửa. Con rắn đất là con rắn hổ đất. Con rắn gió là con rắn hổ mây. Bốn con rắn hổ mà nhốt chung trong một cái giỏ thì nó phải cắn nhau, chống chọi nhau thôi. Người nuôi rắn thấy bốn con cứ chống nhau, làm cho con này con nọ bất an hoài thì phải ráng can thiệp cho chúng hòa với nhau thì mới yên được. Chúng ta mang cái thân đất, nước, gió, lửa; bốn chất đó có hòa hợp với nhau tốt không? Ít hôm thì lửa thắng nước, lúc đó mình nóng quá phải kiếm cái gì uống cho mát.

Đó là điều hòa con rắn hổ lửa. Ít hôm nước thắng lửa thì bị lạnh run rẩy, phải kiếm cái gì uống cho ấm. Đó là điều con rắn nước. Ít hôm, con rắn đất bị rắn hổ mây cắn, thì lúc đó chúng ta kêu trúng gió. Phải đánh gió hay tìm cách này cách kia làm cho gió ra thì thân này mới nhẹ. Nên tôi nói rằng: “Gió thổi mạnh thì đất rung rinh”. Những thứ đó luôn luôn chống chọi nhau. Chúng ta phải điều hòa chúng, như vậy nhàn hạ hay khổ. Người nào hỏi ra cũng có bệnh.

Nếu không bệnh nặng thì cũng bệnh nhẹ, không bệnh nhiều cũng bệnh ít, chớ không ai hoàn toàn không bệnh. Vì bệnh là khổ chung của tất cả mọi loài, nhiều vị bệnh cứ lăn lộn rên, rên đó là khổ. Nhưng giờ đây chúng ta biết tu, khi bệnh chúng ta phải làm sao. Chúng ta nhìn bốn con rắn này xem đứa nào thắng, đứa nào bại. Biết rõ bốn con rắn độc đang chống chọi với nhau, chúng ta không chấp nhận thân này thật. Tứ đại tụ hợp nên có thân, nhưng vì tụ hợp trong sự chống chọi nên thân này khổ. Chúng ta biết rõ nó không chắc, không bền, không có gì quan trọng nên bớt khổ. Thường bệnh đau, chúng ta thấy khổ vì thấy thân hơn hết, vì sợ chết. Nếu biết rõ nó là tướng duyên hợp thì hợp cũng tốt mà tan cũng vui. Nếu nó còn thì chúng ta dùng vào việc hữu ích, nó mất thì chúng ta ra đi một cách thảnh thơi, có gì đâu mà sợ. Nếu không sợ chết thì đau cứ mặc đau, nó đâu thiệt. Ngày xưa có một vị Thiền sư bị bệnh, thầy tri sự lên thưa: “Bạch Hòa thượng, Hòa thượng bệnh có cái không bệnh chăng?”. Ngài đáp: “Ôi da, ôi da!” Cái biết rên đó nó không có hình tướng nên không bệnh, còn thân này bệnh.

Như vậy chúng ta biết ngay nơi thân này là duyên hợp tạm bợ, có hợp thì phải tan, không có gì quan trọng. Không quan trọng thì bớt khổ, đồng thời chúng ta cũng biết ngay trong thân này có cái chân thật, không hình tướng, song nó là chủ trì của thân. Biết rõ cái đó thì thân có đau, có nhức là chuyện của thân, nhìn cái đau tức là chúng ta không đau.

Thứ tư, chết là khổ. Ai cũng thấy người sắp chết thở hổn hển, trăn trở bứt rứt rất khổ nhọc, nên nói chết là khổ. Giờ đây nêu khéo tu một chút, nhất là tu thiền, chúng ta sẽ thấy khác. Khi ngồi thiền từ một giờ, lần lần tới một giờ rưỡi, hai giờ; lúc tập tiến lên chân đau vô kể nhưng ráng chịu đựng, thắng được nó rồi thì sẽ qua luôn, không còn đau nữa. Thắng được là có gan dạ. Có gan dạ thì thắng được. Khi chúng ta chết thân tứ đại rã rời, tan nát, làm sao không đau đớn. Trong khi đau đớn chúng ta nhìn nó biết là bại hoại. Còn cái “biết” bại hoại đó, không bại hoại, không đau đớn. Biết rõ như vậy thì chết không phải là khổ nữa. Cho nên ngày xưa Thiền sư Từ Minh ở Trung Hoa có nói câu kệ:

                Sanh như đắp chăn bông
                Tử như cởi áo hạ.

Mùa Đông lạnh lẽo được cái chăn ấm đắp là vui. Mùa Hè nóng bức, mồ hôi tươm ướt áo, được cởi áo đi chơi là khỏe. Với người biết tu thì sanh tử như trò chơi, không có gì quan trọng nên không có gì khổ hết. Chỉ người không biết tu, sống lo bảo vệ, săn sóc, cưng dưỡng thân này, nên khi thân bại hoại, chới với không biết nương tựa vào đâu. Vì vậy mà khổ. Khổ hay vui là tại người biết tu hay không biết tu mà thôi. Thân này tuy có hợp có tan, nhưng ông chủ không mất thì còn cái gì khổ. Vì vậy chết cũng không phải là khổ.

Thứ năm, ái biệt ly khổ: Tức là người mình yêu thương phải xa lìa nên khổ. Nếu chúng ta biết thương yêu là gốc đau khổ nên bớt thương yêu đi thì bớt khổ. Nhưng nói hết thương yêu, người ta lầm tưởng đạo Phật khô khan quá không biết thương ai hết. Như vậy người tu Phật khô khan, không có lòng thương phải không? Tôi thường ví dụ, như một dòng suối nhỏ, nước từ đầu nguồn chảy rất mạnh, vì dòng suối nhỏ mà nước chảy nhiều nên nó chảy xiết. Còn biển cả mênh mông, thấy như không chảy mà thật nó cũng chảy ngầm. Nếu không thì làm sao có nước ròng. Cũng như vậy, thế gian cột trói mình trong tình thân thuộc, hay tình bạn bè, nên khi xa cách phải đau khổ. Còn người tu thì mở rộng lòng thương hết chúng sanh, nên ai chúng ta cũng thương. Vì thương tất cả nên như biển, không có chảy xiết nên không khổ. Tình thương có cột trói là khổ, còn lòng từ thương hết mọi người thì không khổ. Người này đi vắng còn bao nhiêu người khác chúng ta phải lo cho họ, có rảnh đâu nhớ thương một người. Như vậy tâm từ bi là tâm tràn trề lai láng, không có hạn cuộc. Còn ái kiến là cái cột trói, mà cột trói riêng biệt thì khổ. Vì vậy nên nói ái biệt ly khổ. Nếu chúng ta dứt được lòng ái thì tự nhiên khổ theo đó dứt hết, sẽ được vui ngay.

Thứ sáu, cầu bất đắc khổ: Cầu là mong cầu, bất đắc là không được như ý nên khổ. Quý vị thấy điều gì chúng ta mong muốn trông chờ mà không được như ý thì khổ. Nếu chúng ta không thèm mong cầu chi hết, ngày nay sống lo việc ngày nay, không trông đợi ngày mai. Ngày nào chúng ta cũng làm tất cả việc tốt việc lành, cứu người này giúp người kia, không giúp được người thì giúp vật, ngày nào chúng ta cũng bòn mót điều lành, điều thiện, như vậy chúng ta không cần cầu việc gì cao xa mà chúng ta vẫn được an lành. Do đó chỉ cần dẹp lòng tham cầu thì tự nhiên hết khổ, nên nói hết tâm tham cầu liền được an vui.

Thứ bảy, oán tắng hội khổ: tức là thù oán mà gặp với nhau thì khổ. Quý vị ghét ai đó cay đắng mà họ cứ ngồi trước mặt mình hoài, có khổ không? Chắc là khổ lắm. Bây giờ chúng ta đừng thèm ghét ai hết thì còn khổ không? Không ghét thì không khổ, mà không khổ tức là vui chứ gì! Như vậy vui từ đâu lại, khổ từ đâu ra? Tại mê muội là khổ, bỏ mê muội đi thì vui.

Chúng ta thật là người đáng thương, tôi thường nói như có một số người đang đi trên một chiếc thuyền ra biển, sóng gió chòng chành thuyền muốn lật. Lúc ấy mọi người có rảnh rỗi để cải vã, giận hờn nhau không, hay ai cũng lo làm sao cho khỏi chết? Cũng như vậy, trên thế gian này ai ai cũng có bao nhiêu thứ hoạn nạn chực chờ, nên ai cũng là người đáng thương. Mình đã đáng thương rồi, mọi người xung quanh càng đáng thương hơn. Vì vậy thương nhau không hết, có đâu giận hờn làm khổ cho nhau. Ai ưa giận hờn, người đó khôn hay dại? Vậy mà thế gian không chịu khôn cứ giận hoài. Có người còn nói: “Tôi giận người đó mấy chục năm rồi chưa hết”. Quý vị đâu biết ôm ấp giận trong lòng là mình đang chứa những hòn lửa than, nó sẽ thiêu đốt ta gầy mòn héo hon, vậy mà lại khoe: “Tôi giận mấy chục năm”. Giận nhiều thì hại nhiều, không có lợi ích gì cả. Cho nên việc qua rồi chúng ta nên xì xòa với nhau rồi cười vui, cuộc đời tạm bợ mà. Quý vị nhớ, hiện ở trong lòng chúng ta có hai vấn đề khó quên. Một là những người mình thương, hai là những người mình ghét. Nên sau khi chết người mình thương sẽ gặp lại, mà ghét cũng gặp lại.

Cho nên người biết tu xả hết giận hờn, không oán thù ai hết. Nhưng thật ra chúng ta còn là phàm phu, bảo đừng giận thì chưa được, nhưng có giận nên bỏ mau một chút. Kinh Phật có câu: “Tăng hận bất cách túc”, tức làm Tăng giận không quá một đêm. Chúng ta cũng giận khi nghe lời trái tai, nhưng giận một chút rồi bỏ để mai kia không gặp trở lại. Nếu ai đó ôm ắp giận hoài, đó là cái cớ để mai sau gặp lại. Chúng ta chấm dứt oán hờn thì chúng ta được an vui.

Thứ tám, ngũ ấm xí thạnh khổ: tứ là cái thân năm ấm này mạnh mẽ, hưng thịnh quá thì khổ. Ngược lại nếu chúng ta biết dùng thân năm ấm này để tiến tu thì sẽ an vui. Tôi thường thí dụ như khi mình lội qua sông, không có thuyền bè, nhờ khúc gỗ mục mình lội qua sông, nên có cũng hữu ích. Qua sông rồi bỏ khúc gỗ không hề tiếc. Thân này cũng vậy, bệnh hoạn ốm đau đủ thứ, chúng ta lỡ mang vào rồi, phải dùng cho có ý nghĩa. Dùng thân làm lợi cho mình, đánh thức cho người, chỉ vì tiến tu thì đó là hữu ích. Còn nếu cưng dưỡng săn sóc thân cho lắm, tới ngày nó mất thì khổ đau. Vì thương thân quá nên mất thân này liền tìm thân khác. Nhiều khi chụp được thân tốt, cũng có khi chụp thân xấu. Vì vậy mà có sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta nhớ đừng quá quý thân, chỉ lợi dụng nó cho lợi ích chúng sanh, để mình tiến tu. Đó là người biết dùng thân. Đã biết dùng thân thì vui chớ không phải khổ.

Như vậy tám thứ khổ này không phải thật khổ, chỉ khi chúng ta mê, chúng ta mới thấy khổ. Nếu chúng ta tỉnh, chúng ta giác thì không còn khổ nữa. Phật nói khổ để chúng ta thức tỉnh, thức tỉnh thì không còn khổ nữa, đó là được vui. Trong kinh Niết Bàn Đức Phập có bài kệ:

            Chư hạnh vô thường
            Thị sanh diệt pháp
            Sanh diệt diệt dĩ
            Tịch diệt vi lạc.

Hành nghĩa là tất cả các tướng có đi có lại, sinh hoạt ở thế gian đều là vô thường, không bền lâu, nó thuộc về pháp sanh diệt. Từ thân hành cho đến ý hành ( thân hành tức là hành động của thân, ý hành tức là hành động của ý) cả hai thuộc về pháp sanh diệt. Tất cả các thứ sanh diệt đều lặng hết thì tịch diệt hiện tiền. Chỗ lặng lẽ đó chính là an vui. Chúng ta hiểu đạo lý, chúng ta phải khéo.

Một, đừng chấp thân vô thường là thật. Hai, phải lặng tâm vô thường sinh diệt xuống, lúc đó chúng ta sẽ hết khổ mà được vui. Người tu niệm Phật, phải niệm Phật cho thật nhất tâm, lúc đó tâm sanh diệt hết mới được sanh Cực Lạc. Người tu thiền, nếu tâm sanh diệt lặng thì định, do định nên trí tuệ phát sinh, ấy là vui.

Phật dạy chúng ta biết các hạnh vô thường, là pháp sanh diệt, chúng ta đừng cố chấp, đừng luyến tiếc, đừng quá thương yêu, mà phải làm sao cho tất cả những thứ sanh diệt đó lặng hết thì tịch diệt là niềm vui an lạc sẽ đếùn với chúng ta. Tôi nói thí dụ gần nhất, như trong nội tâm của quý vị, nếu cứ lo nghĩ chuyện này chuyện kia dồn dập, lúc đó gương mặt của mìmh héo xào. Ngược lại, tâm mình thơ thới không một niệm lo nghĩ: lúc đó, gương mặt mình tươi vui. Như vậy, cái sanh diệt lặng rồi thì tịch diệt (nguồn vui) hiện tiền. Nên người khéo tu lúc nào cũng tìm cách để dẹp trừ tâm sanh diệt của mình đưa đến chỗ lặng lẽ. Đó là nguồn an lạc lớn lao nhất của người tu.

Tóm lại, chúng ta tu Phật là vui hay khổ? Tu Phật là vui. Phật nói khổ để chúng ta tìm nguyên nhân khổ mà diệt khổ thì được an vui. Vậy đạo Phật bi quan hay lạc quan? Người không hiểu đạo Phật nên đánh giá sai lầm, cho đạo Phật là bi quan, yếm thế. Người hiểu đạo Phật đúng đắn là người biết tìm về nguồn gốc an vui, biết tìm về nguồn giải thoát chứ không phải khổ đau như người ta tưởng.

Mong rằng tất cả chư Tăng Ni cũng như Phật tử nghe tôi giải thích, quý vị hiểu được, ứng dụng được thì cuộc đời của quý vị xứng đáng là người xuất gia, xứng đáng là người cư sĩ chân chánh, không còn bị các thứ khổ làm cho buồn bã sầu bi. Vậy quý vị sẽ nhổ hết nhân đau khổ để rồi cùng nhau được an vui. Nhổ hết gốc đau khổ thì ta bà này biến thành Cực Lạc, còn gì phải trông chờ xa xôi. Một lần nữa tôi mong quý vị nghe hiểu cùng tu và cùng được an vui.
 

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

[ Quay lại ]