QUY Y TAM BẢO
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 12 Tháng chín 2008 10:08
- Viết bởi nguyen
TẠI SAO PHẢI QUY Y TAM BẢO
Đời sống chúng ta khác gì khách bộ hành đang lạc lõng giữa rừng đời đen tối, mãi xoay quanh trước muôn vạn nẻo đường, mà không tìm được lối ra. Bên tai vang dội những tiếng thét gầm rùng rợn của đàn hổ lang ác thú. Trước mắt dàn trải khắp mặt đường những hầm hố, chông gai. Trong cuộc sống đầy kinh khủng hãi hùng này, ta chỉ khát khao thấy một lối đi thẳng tắp, được một ngọn đuốc sáng cầm tay, và gặp người chỉ lối đưa đường, nếu được như nguyện, thì còn vinh hạnh nào hơn nữa!
Đức Phật là một Hướng Đạo Sư đã nhọc nhằn, khổ sở, phí bao nhiêu công lực mới sang phẳng, dọn sạch một con đường thênh thang thẳng tắp, đi từ đau khổ trầm luân, đến nơi an vui giải thoát. Giáo lý của Ngài là những ngọn đuốc sáng phá tan màn hắc ám của đêm đen, khiến bọn hổ lang ác thú trông thấy đều lao mình vào bụi rậm. Chư Tăng là những người cầm đuốc soi đường để dắt dìu những ai đang khủng khiếp trong đêm đen, đang bồi hồi trước muôn vạn nẻo, trở về với xóm làng an lạc dưới ánh sáng trong ngần của mặt trời trí huệ.
Đã là người lạc lõng trong rừng đêm, ai mà chẳng reo mừng, khi tìm được lối đi, thấy ngọn đuốc sáng và gặp người dẫn đạo! Quyết định những ngày sống an lành sẽ trở về với họ, thôi rồi đâu còn hồi hộp lo âu với những đêm trường đầy kinh khủng. Chúng ta cũng thế, đã lạc trong rừng si mê đen tối và đang bị bọn hổ lang tham, sân đe dọa; Bỗng gặp được Tam Bảo thì còn vui mừng nào hơn, nên quyết định quy y.
Lại nữa, chúng ta thấy mình đang đắm chìm trong vũng bùn tội lỗi, trông mong gặp người cứu vớt, và ước ao được những gáo nước trong để tẩy sạch bùn nhơ. Thì đây! Phật là người đã thoát khỏi vũng bùn trần thế, Ngài sẵn sàng đưa tay cứu vớt chúng sanh. Giáo Pháp là những tịnh thủy tẩy sạch tất cả cấu trần tội lỗi. Chư Tăng là người đang mang những tịnh thủy ấy ban bố cho chúng sanh. Vì mong dứt sạch tội lỗi, nên chúng ta phải quy y Tam bảo.
Đời sống chúng ta khác nào chiếc thuyền con bấp bên trôi giạt giữa bể cả trần gian, bao cơn sóng dập, gió dồi, làm khuynh đảo cả tâm hồn. Đức Phật là ngọn hải đăng làm mục tiêu cho ta nhắm hướng. Giáo pháp là cánh buồm bọc gió lôi con thuyền vượt qua những ngọn sóng dữ. Chư Tăng là người cầm tay lái, lái con thuyền thẳng đến bờ an lạc. Vì thế, quy y Tam bảo là một đảm bảo cho chiếc thuyền đời chúng ta về đến bến an tịnh.
Hơn thế nữa, quy y Tam bảo là một sức mạnh vô biên đưa ta vượt mọi hiểm trở của hố hầm tội lỗi, thẳng tới bến bờ an lạc. Vì khi phát tâm quy y, ta tự hứa, tự nguyện dưới Phật đài, trước Chư Tăng rằng:
“Con nguyện suốt đời tiến theo chiều giác ngộ, giải thoát, mà đức Phật đã qua; con hứa tránh mọi điều tội lỗi, làm tất cả việc lành, để trọn nhân cách con người”.
Do những lời hứa, nguyện này tạo thành một năng lực hùng dũng, khiến ta tinh tấn không dừng trên đường tự giác, giác tha. Ngày xưa, Trần Hưng Đạo kéo quân đi đánh giặc Mông Cổ, khi qua sông Hóa, Ngài chỉ con sông thề rằng:
“Nếu không giết được giặc, thề không về thấy sông này”.
Do lời thề giữa ba quân, tạo thành sức mạnh phi thường, khiến Ngài thắng được giặc, với tỷ số một chống mười. Chính đức Thích Ca, Ngài cũng đã chỉ cội cây Bồ đề mà thề rằng:
“Nếu ngồi dưới cội cây này, mà tìm ra không được Đạo, thì dù xương tan thịt nát, ta quyết không rời khỏi chỗ ngồi này”.
Bởi chí khí quả cảm ấy, qua 49 ngày, Ngài đắc đạo. Trần Hưng Đạo thề giữa ba quân, đức Thích Ca chỉ thề với mình mà thành một nghị lực phi thường như vậy, huống chi chúng ta quỳ dưới Phật đài. Đối trước chư Tăng ba lần phát nguyện, thì sức mạnh ấy còn gì sánh kịp. Thế mà, có một số người nghe đến quy y, đã mỉm cười chế nhạo. Họ bảo rằng: “Tôi không cần nương nhờ ai cả, tôi đủ khả năng tiến đến giải thoát, vì còn nương nhờ là còn ỷ lại; đời tôi không có tội lỗi, chính tôi thấy thế”. Vừa nghe qua câu ấy, chúng ta tưởng chừng như họ đã là bậc thánh nhân, nhưng hỏi họ phải là bậc thánh nhân thật chưa? Nếu chưa phải thánh nhân, tự coi mình là thánh nhân, ôi! Còn gì đáng thương hại bằng.
Phàm ở đời những người tự thấy mình xấu, biết lỗi . . . là hạng người tiến bộ; ngược lại kẻ quấy không biết, lỗi không hay, một bề ngạo nghễ tự cao thì mong gì phục thiện! Và những kẻ tự coi mình là hiền, là thánh ấy, ôm tâm ngã mạn to bằng quả địa cầu, thì trên đời này họ còn biết kính trọng ai? Chúng ta là những kẻ cầu tiến luôn luôn biết phục thiện, sẵn sàng cải hối, thành kính học đòi gương Thánh, Hiền, nên thành tâm hướng về Tam bảo.
Quy y Tam Bảo là nương tựa ở Phật, Pháp, Tăng; không những Phật, Pháp, Tăng ở ngoài và chính ở tự tâm ta nữa. Mỗi khi làm quấy, nói sai, lòng ta thấy hổ thẹn, lương tâm bị dày vò cắn rứt: cái biết khiển trách điều quấy, khen ngợi việc lành là tánh sáng suốt của ta, là Phật vậy. Trông thấy người đau khổ, ta nghe lòng nao nao thương xót, muốn cứu giúp họ, là tâm từ bi sẵn có của ta, nó chính là giáo pháp. Thấy cảnh thuận hòa êm ấm của gia đình người, lòng ta khởi mến chuộng, nghe những việc nồi da xáo thịt, ta cảm thấy bất mãn, ấy là lòng thuận hòa sẵn có của ta nó là Tăng vậy. Chúng ta trở về với tánh sáng suốt, với tâm từ bi, với lòng thuận hòa của ta tức là quy y Tam Bảo, vì Phật là sáng suốt, Pháp là từ bi, Tăng là hòa thuận. Trở về với tánh sáng suốt ta sẽ sa thải bọn quỷ si mê. Trở về với tâm từ bi ta quyết thanh trừng bọn ma tham lam. Trở về với lòng hòa thuận, ta cố trừ diệt con ma nóng giận. Vì thế, quy y Tam Bảo, không có nghĩa hoàn toàn ỷ lại, mà chính là phương pháp bỏ xấu về tốt, dứt khổ cầu vui rất tốt vậy.
Tóm lại, chúng ta quy y Tam Bảo là quyết định một hướng đi, tạo cho mình một nghị lực hùng dũng, bỏ ác theo lành, quyết tiến thủ trên con đường từ phàm đến thánh. Quy y Tam Bảo là một ý chí quyết tiến không lùi, là gầy dựng một cuộc sống vững chãi, an tịnh giữa biển đời ba đào chuyển động. Con người sống mà không định hướng, không lối đi, thì khác nào cánh bèo linh đinh phiêu giạt giữa biển khơi, thật còn gì đau khổ bằng!!!.
QUY Y TAM BẢO
MỞ ĐỀ
Kiếp người chẳng khác nào con thuyền đang linh đinh bể cả, ai không khát khao tìm một chỗ nương tựa, một hướng đi để con thuyền người đỡ chòng chành và chóng vượt khỏi trùng dương nguy hiểm? Chỗ nương tựa vững chắc nhất không đâu bằng ngôi Tam Bảo. Hướng đi nhanh chóng và an ổn chỉ có Đạo Phật.
Người đã nhận Đạo Phật làm một hướng đi, bước đầu tiên phải quy y Tam Bảo. Quy y là nấc thang đầu tiên của cây thang giải thoát, là cửa ngỏ đi vào ngôi nhà giác ngộ. Vì thế ai đã hướng về với Đạo Phật mà thiếu quy y khác nào kẻ đi vào nhà mà không từ nơi cửa. Quy y có tánh cách hệ trọng như vậy, nên chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của nó.
ĐỊNH NGHĨA
Kiếp sống của con người mong manh yếu ớt khác nào cánh bèo đang bị gió dập sóng dồi ngoài bể cả. Nếu không có nơi vững chắc để nương tựa, e một ngày kia phải tàn rửa và chìm lịm dưới đáy bể. Vậy nên phải quy y, nghĩa là đem thân mạng nương gởi nơi ngôi Tam Bảo. Tam Bảo là quả đất, muôn hoa cỏ thiện đều từ nơi đó mà sanh. Tam bảo là con thuyền cứu vớt sinh linh đang đắm chìm trong bể luân hồi, đưa đến bờ giải thoát. Do đó, người phát tâm tu theo Đạo Phật phải thành kính đem gởi cả thân mạng này về ngôi Tam bảo.
Tam bảo là ba ngôi quí báu: Phật quí báu, Pháp quí báu, Tăng quí báu. Tại sao Phật, Pháp, Tăng là quí báu? - Phàm vật gì khó tìm gặp, mà khi gặp được có công dụng giúp người giải khổ, ấy là vật quí báu. Như vàng, bạc, ngọc, ngà . . rất khó được, nhưng một khi được là giải quyết mọi vấn đề: nghèo khổ, đói rách. . . cho người. Tam bảo cũng thế. Dễ gì gặp Phật ra đời, dễ gì thấu đạt pháp giải thoát, dễ gì gặp một vị sư chơn chánh? Nhưng một phen gặp được Tam bảo, chắc chắn giải thoát được mọi khổ não, và tạo cho người một cảnh giới an tịnh chơn thật. Vì thế, Phật, Pháp, Tăng gọi là quí báu. Tam bảo có công dụng vô biên, nên phải giải thích riêng từng phần.
Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn và từ bi vô hạn, lúc nào cũng chực hướng dẫn chúng sanh đến chỗ giác ngộ như Ngài, nên người đời gọi Phật là đấng tự giác, giác tha viên mãn, là ông cha lành của tất cả chúng sanh, vị Đạo Sư của mười pháp giới.
Pháp là những phương pháp tu hành do Đức Phật dạy. Người thực hành theo những phương pháp ấy sẽ diệt sạch mọi phiền não, mê mờ, đến nơi an vui giải thoát. Nói một cách khác, Pháp là những phương thuốc trị bịnh chúng sanh. Chúng sanh là những bệnh nhân nằm rên siết trên giường bịnh, pháp của Phật là diệu dược, nếu ai biết chọn uống thì lành ngay. Pháp ấy rất nhiều nhưng đều nằm gọn trong ba tạng: Kinh, Luật, Luận.
Tăng là một số đệ tử Phật, ly khai gia đình, hiến trọn đời cho đạo pháp. Những vị hằng ở chung nhau để tu hành, để học hỏi và luôn luôn giữ theo giới luật của Phật, hằng hòa thuận thân mến nhau. Các Ngài thay đức Phật hoằng truyền chánh pháp, cứu độ chúng sanh.
Nói chung, quy y Phật là hướng thẳng đời mình theo đấng Giác ngộ học theo gương từ bi của Ngài, thương yêu cứu vớt tất cả chúng sanh và cuối cùng thoát khỏi vòng mê muội của một phàm phu. Quy y Pháp là y theo giáo pháp Phật dạy tu hành lần lần dứt sạch các phiền não, giải thoát mọi khổ đau. Người bệnh nhờ thuốc trị được lành, chúng sanh đau khổ nhờ giáo pháp cứu được an vui. Quy y Tăng là theo sự hướng dẫn của những vị sư chân chánh mà tu tập. Vì các Ngài đã dày công nghiên cứu và thực hành giáo pháp Phật dạy, tùy căn cơ trình độ mỗi người, các Ngài cho những pháp thích hợp để trên đường tu khỏi phải lạc lầm.
Tóm lại, quy y Phật là mong được sáng suốt, quy y Pháp là cầu hết đau khổ, quy y Tăng là nhờ sự hướng dẫn đúng đường lối giải thoát.
Quy y Tam bảo chẳng những có thế, mà còn chia ra Sự, Lý khác nhau.
SỰ QUY Y TAM BẢO
Quy y Phật là quỳ dưới chân Phật phát nguyện trọn đời y cứ nơi Ngài, cầu mong Ngài hướng dẫn dắt dìu đến chỗ giác ngộ, nếu Phật còn tại thế. Trường hợp Phật đã nhập Niết bàn, quy y Phật là đến chùa quỳ trước Phật đài chí thành tưởng niệm như Phật hiện ngự trên đài sen, phát nguyện trọn đời theo gương sáng của Ngài. Phật sẽ chứng minh tấm lòng thành kính của mình đời đời tu hành không lui sụt.
Quy y Pháp là y cứ theo Kinh, Luật, Luận của Phật mà đọc tụng tu trì. Những quyển kinh luật ấy ghi chép lời vàng ngọc mà Phật đã dạy. Học hỏi tu tập theo dần dần sẽ đủ sức ngự trị tâm mình, diệt tận phiền não.
Quy y Tăng là chọn lựa những vị sư đầy đủ đức hạnh, có khả năng hướng dẫn ta trên đường giải thoát, thỉnh cầu những vị đại diện chư Tăng truyền trao quy giới cho ta. Từ đó về sau tôn kính những vị ấy là thầy, chẳng riêng gì mấy vị ấy, mà tất cả vị sư chân chánh đều là bậc thầy ta cả. Vì vị nào có khả năng hướng dẫn, có đức hạnh gương mẫu đều là người đáng cho ta nương theo học hỏi.
LÝ QUY Y TAM BẢO
Lý quy y Tam bảo là trở về nương tựa với Phật, Pháp, Tăng sẵn có trong mỗi chúng ta.
Kinh chép: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. . .” Phật tánh là gì? _ Tức là trí giác sáng suốt của mỗi người. Mặc dù chúng sanh sẵn có trí giác, nhưng đã lâu bị si mê phiền não che lấp nên không hiển lộ, như mây mù che mặt nguyệt, như bụi phủ dày đặc trên mặt gương. Giờ đây quy y Phật là tự diệt phiền não, phá si mê để trí giác hiện bày, như vạch mây mù cho thấy trăng sáng, lau sạch bụi để lộ mặt gương.
Muôn vật ở giữa đời này thiên hình vạn trạng, nhưng đều chung cùng một bản thể. Như nhìn vào tiệm vàng thấy bao nhiêu món đồ trang sức bằng vàng, hình thức khác nhau, nhưng chung qui vẫn là một chất, chất vàng. Đã đồng một chất vàng thì giá trị bình đẳng như nhau, nếu đồng cân lượng. Hình thức vàng: vòng, cà rá, xuyến. . . luôn luôn đổi thay, nhưng chất vàng không khi nào thay đổi. Hình thể sự vật là biến thiên, bản thể của nó là chân thật. Hình thể có lớn, nhỏ, tốt, xấu khác nhau, nhưng bản thể thì bình đẳng. Bản thể ấy gọi là pháp tánh. Người lóng tâm an tịnh để khế hợp pháp tánh, gọi là quy y pháp.
Bản tâm mỗi người vẫn hằng thanh tịnh, nhưng vì vọng thức quay cuồng nên thành ô nhiễm. Như nước, tánh vẫn là trong, vì sóng gió cuồng loạn nên trở thành ngầu đục. Giờ đây chúng ta chận đúng vọng thức để tâm trở lại thanh tịnh, đó là quy y Tăng.
Tóm lại, Lý quy y Phật là phát huy trí giác sẵn có của mình. Lý qui y Pháp là nhận chân bản thể của các pháp. Lý quy y Tăng là dứt vọng để tâm được thanh tịnh.
Giáo lý nhà Phật lúc nào cũng giữ tánh cách trung đạo và viên dung. Người quy y Tam bảo không phải hoàn toàn ỷ lại nơi Phật, Pháp, Tăng bên ngoài, mà phải trực nhận Phật, Pháp, Tăng nơi mình sẵn có. Ngược lại cũng không tự cao Phật, Pháp, Tăng sẵn có của mình, mà vẫn kính trọng tôn sùng Tam bảo bên ngoài. Biết viên dung cả hai mới gọi là chân chánh quy y. Tuy nhiên, lý bao giờ cũng tùy sự mà hiển, nên phải đặt Sự trước, Lý sau. Như đứa học trò trước phải nhờ ông thầy chỉ dạy sau nó mới hiểu biết, đành rằng nó đã sẵn trí khôn. Do đó, Sự là vấn đề quan trọng cần hiểu đủ mọi mặt của nó.
NGHI THỨC QUY Y
Sự, Lý quy y đã hiểu rõ, nên biết qua nghi thức quy y. Quy y là buổi lễ quan trọng trên đường tu tập của mình, vì đó là bước đầu đi đến giải thoát. Vì thế, trước khi quy y, những vị phát tâm quy y phải y phục chỉnh tề, sắm khay lễ thỉnh chư Tăng đến trai đường, đảnh lễ thưa bạch cầu xin chư Tăng dũ lòng từ bi truyền trao quy giới cho mình. Đừng lầm tuởng quy y là một phương tiện để chư Tăng thâu nhiều đệ tử, khởi tâm khinh mạn mà tổn phúc.
Sống trong cuộc đời nhiễm ô này, có ai dám tự cho mình hoàn toàn trong sạch, vì thế trước khi thọ lãnh quy giới, mỗi người phải ba phen sám hối cho ba nghiệp được thanh tịnh. Ngày quy y là ngày bắt đầu bước chân lên đường giải thoát, như một bộ hành bắt đầu leo núi, trước phải gở bỏ những thứ cồng kềnh vô ích đang mang nặng trong mình, sau mới tiến lên đến đỉnh núi. Người quy y cũng thế, trước phải gạn bỏ những tội lỗi xấu xa đã mang sẵn trong mình từ vô lượng kiếp, để thâu nhận pháp thanh tịnh quý báu của Phật ban, thì mới tiến đến chỗ giải thoát được.
Đến phút quy y, người xin quy y phải quỳ thẳng trang nghiêm theo lời hướng dẫn của chư Tăng chí thành phát nguyện:
Đệ tử xin suốt đời quy y Phật.
Đệ tử xin suốt đời quy y Pháp.
Đệ tử xin suốt đời quy y Tăng.
Ba phen phát nguyện rõ ràng trước Tam Bảo, như thế là đã thành pháp Tam Quy. Người thật tâm quy y Tam Bảo là đã gieo nhân giải thoát, quyết định sẽ gặt được kết quả tốt là thoát ly ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Vì thế, kế đó người quy y liền nói tiếp ba lần:
Đệ tử quy y Phật rồi, khỏi đọa địa ngục.
Đệ tử quy y Pháp rồi, khỏi đọa ngạ quỉ.
Đệ tử quy y Tăng rồi, khỏi đọa súc sanh.
Thế là trọn vẹn Tam Quy và Tam Kiết. Để bảo tồn lý tưởng cao cả của mình và giữ vững đức tin trên đường giải thoát, người quy y tự nguyện:
Đệ tử quy y Phật, nguyện trọn đời không quy y thiên, thần, quỉ, vật.
Đệ tử quy y Pháp, nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo, tà giáo.
Đệ tử quy y Tăng, nguyện trọn đời không quy y tổn hữu, ác đảng.
Tại sao phải nguyện như vậy? Nguyện như vậy phải chăng là bắt buộc chủ quan? _ Không, người phát nguyện như thế nói lên một sức mạnh quyết tiến. Vì trước kia đã chọn lựa kỹ càng chỉ có Tam bảo mới đáng cho mình ký thác cả thân mạng, chỉ có Tam bảo mới đưa mình đến chỗ giải thoát cứu kính, cho nên nguyện trọn đời mình hướng theo Tam Bảo.
Như một bộ hành từ Sài Gòn đi Huế, quyết định theo quốc lộ số 1, chớ không đi đường nào khác. Nếu ông quyết định đi Huế, mà khi ra khỏi Sài Gòn gặp đường nào cũng đi, chắc ông khó đến được Huế, nếu đến được cũng tốn công gấp ba, gấp bảy lần đi thẳng. Người quy y cũng thế, đã phát nguyện quy y Tam Bảo, mà gặp đạo nào cũng theo, gặp đảng nào cũng thích, chắc chắn người ấy không khi nào được giải thoát. Người quyết tâm xuống bể mò ngọc, đồng thời gặp ngọc, pha lê, sò, hến, sỏi . . . quyết định người ấy chỉ lấy ngọc chớ không lượm các thứ kia. Nếu kẻ tìm ngọc mà không chịu lấy ngọc, lại lượm pha lê, sò, hến. . . thì ôi! Còn gì si mê bằng! Được ngọc là thỏa mãn sự mong ước của người tìm ngọc và đem lại bao nhiêu sự lợi ích vui sướng cho họ. Cũng thế, quy y là đưa người ta đến chỗ an lành thật muôn vàn lợi ích.
LỢI ÍCH QUY Y TAM BẢO
Có lạc đường mới biết cái khổ bơ vơ và cảm nỗi sung sướng khi được người chỉ lối. Có ý thức được sự đau khổ ở kiếp người, mới vui mừng khi hướng về ngôi Tam Bảo. Giá trị Tam Bảo là giới thiệu một con đường thẳng tắp, thênh thang chạy suốt tới thành trì an lạc. Đi đến hay không, tùy chỗ tin tưởng và khả năng của mỗi người. Dù sao, người hướng về Tam Bảo vẫn khỏi bở ngở bơ vơ, khỏi thấy con đường đời bí lối.
Quy y Tam Bảo không những đem lại cho tâm hồn ta một sự an ổn vững chải, đức tin tưởng kiên cố ở hiện tại mà còn mở cho ta thấy một tương lai rực rỡ. Ai không tin rằng đường về Sài Gòn sẽ đến Sài Gòn, đi đường về Huế sẽ đến Huế? Cũng vậy, người Quy y Tam Bảo là đi đường giác ngộ, giải thoát và thanh tịnh, ắt hẳn sẽ đến ba nơi ấy.
QUYẾT NGHI
Có một số người tự cao tự đại bảo: “ Giá trị tôi như vầy mà đi phục lạy mấy ông thầy cầu xin quy y thì hèn hạ quá, ai mà làm được. Thôi! Ở nhà đến trước bàn Phật phát nguyện quy y cũng xong”. Hoặc có người bảo: “Tôi ăn ở hiền lành đủ rồi cần gì quy y cho nhọc”. Nói thế là họ không nhận thấy sự quan trọng trong khi Quy y. Giá có người định bụng, hoặc nói thầm: mười giờ mai mình sang thăm ông cả ở cuối làng. Nhưng gần đến 10 giờ phải một trận mưa, hoặc có khách đến thăm. . . . Thử hỏi người ấy có đi thăm ông cả đúng giờ đã định không? Và khi ngồi nhà lòng anh có cắn rứt khó chịu chăng? Chắc là không! Vì ông có hứa với ông cả đâu mà sợ. Ngược lại, nếu anh đã hứa rõ ràng trước với ông cả thì dù mưa gió, khách khứa gì anh cũng phải đến. Nếu anh không đến sẽ bị lương tâm quở phạt nặng nề. . . Như vậy ai cũng phải công nhận: lời hứa được người nghe, người chứng nhận có mộït giá trị sâu đậm trong tâm hồn, khó mà quên được. Càng đông người nghe nhất là những người ấy đều là bậc đáng kính, lời hứa càng tăng giá trị lên bội phần. Vì thế trong quy y, mỗi người tự hứa rõ ràng ba phen trước Tam Bảo, nhờ đó mà suốt đời không lảng quên và không dám làm sai lạc. Nếu lỡ làm sai, họ hết sức hối hận lo chừa cải. Hơn nữa, lời hứa ấy ghi sâu vào tàng thức, đời đời sanh ra là họ sớm thức tỉnh trở về con đường đạo. Cho nên quy y là một điều quan trọng không thể thiếu được.
KẾT LUẬN
Tóm lại quy y Tam Bảo là đem đời mình nương gởi nơi Phật, Pháp, Tăng. Không phải hoàn toàn ỷ lại Tam Bảo bên ngoài, mà cần phát huy Tam Bảo tự tâm mình nữa. Đã phát nguyện quy y là đủ điều kiện thành một Phật tử chân chánh. Nhưng chỉ biết phát nguyện quy y mà không theo gương sáng của Phật, không y giáo pháp luyện rèn luyện tâm tánh và không vâng lời nhắc nhở chư Tăng, là một khuyết điểm lớn lao. Bởi thế sau khi Quy y, Phật tử sống đúng theo đường lối của Tam Bảo, nhứt định có ngày sẽ đạt được kết quả như nguyện.
Các đạo quả tốt đẹp, từ quả vị hiền thánh, Thinh văn, Duyên giác, Bồ tát, cho đến Phật quả cao tột đều bước từ cấp Qui Y mà lên. Qui Y được coi là nguồn phát nguyện của con sông từ thiện, là nền tảng của ngôi nhà đạo pháp. Vì thế người tu theo đạo Phật nhất định trước phải Quy y Tam Bảo.